Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

108 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA / 91-100/


108 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA / 91-100


91- Nếu muốn vượt lên trên các xúc cảm tiêu cực thì nhất thiết chúng ta phải sử dụng đến trí thông minh của mình hầu phát huy sự hiểu biết giúp mình gia tăng thêm sức mạnh cho các xúc cảm tích cực, chẳng hạn như lòng từ bi, sự tin tưởng, tình thương và lòng nhân ái.
Phát huy trí tuệ và sự hiểu biết song song với các xúc cảm tích cực, là cách duy nhất giúp chúng ta không những vượt lên trên các xúc cảm tiêu cực mà còn loại bỏ được chúng.

92- Khổ đau trong tâm thần có thể bộc phát mãnh liệt hơn các khổ đau trên thân xác. Một người dù đang ốm đau, hoặc sống trong cảnh cơ hàn hay phải đối phó với mọi thứ khó khăn nhưng nếu biết giữ cho tâm thức lắng dịu và thanh thản thì vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Tệ lắm thì hoàn cảnh cũng không tạo ra sự buồn phiền cho người ấy, hoặc chỉ gây ảnh hưởng tối thiểu mà thôi.
Trái lại, một người sống trong một bối cảnh hài hòa thế nhưng nếu tâm thức thường xuyên bị các xúc cảm xung đột khuấy động thì sẽ không sao có thể đạt được những gì trên đây. Điều quan trọng hơn hết là nếu muốn tìm thấy một cuộc sống hạnh phúc thì phải tạo ra sự an bình trong tâm thức mình.

93- Hận thù, bám víu và ganh ghét sẽ làm cho tâm thức mất thăng bằng và khiến nó không còn giữ được sự bình thản trong các mối giao tiếp với người khác. Giữ một thái độ bình thản không có nghĩa là vô tình hay không cảm thấy liên hệ với các nỗi khổ đau của tất cả chúng sinh. Trái lại chọn thái độ ấy có nghĩa là phải đối xử với tất cả mọi người một cách bình đẳng không thiên vị, cũng không ghét bỏ, luôn với lòng từ bi và tình thương yêu, và nhất là phải giúp tất cả chúng sinh đạt được giác ngộ với tất cả nghị lực của mình, không phân biệt bất cứ một chúng sinh nào.

94- Chúng ta thường hay chờ đợi người mà mình giúp đỡ bày tỏ sự biết ơn của họ bằng cách này hay cách khác. Nếu người này không tỏ bày gì cả thì chúng ta cũng có thể cảm thấy bùng lên trong tâm thức mình một sự tức giận hay oán hờn nào đó, hoặc cũng có thể nghĩ đến chuyện gây ra tai hại cho người ấy. Nếu chúng ta hằng tập luyện tâm thức và biết quán xét những gì xảy ra trong nội tâm mình, thì chúng ta sẽ có thể chận đứng được quá trình đang xảy ra và loại bỏ được các xúc cảm bấn loạn thúc đẩy chúng ta thực thi những hành động bạo lực.
Ngoài ra cũng còn một giải pháp khác tương đối dễ thực hiện hơn, đấy là cách xem người mà mình đang phải đối phó như là một người thầy đứng ra tập cho mình phát huy sự nhẫn nhục và lòng từ bi. Hãy nghĩ ngay đến phương pháp này mỗi khi phải đối phó với các cảnh huống tương tự. Sau khi đã thực hiện được bước đầu thì quý vị sẽ cảm thấy chuyện ấy ngày càng trở nên dễ dàng hơn với mình, và nhờ đó quý vị sẽ tạo được sự an bình trong tâm thức mình.

95- Có nhiều phương cách luyện tập về sự kiên nhẫn. Thấu triệt được quy luật về nghiệp là một trong những phương cách đó. Vì thế khi nào gặp phải khó khăn trong công ăn việc làm hoặc phải đối phó với một vấn đề nào đó, thì quý vị hãy nghĩ ngay đến sự kiện chính mình phải chịu trách nhiệm về những thứ khổ đau mà mình đang gánh chịu, bởi vì chính mình đã tạo ra nguyên nhân mang lại những thứ khổ đau ấy cho mình.
Thật vậy, dù rằng điều ấy cũng chẳng giải quyết được gì, thế nhưng cũng có thể giúp quý vị nhìn vào cảnh huống xảy ra bớt căng thẳng hơn, và biết dừng lại để quan sát cẩn thận hơn và ý thức được là mình phải tìm mọi cách để không gây ra thêm các nghiệp mới khác nữa bằng các tư duy kém "tốt lành" mà mình đang có.

96- Vững tin nơi mình và các phẩm tính của mình không có nghĩa là một sự kiêu ngạo. Thật hết sức quan trọng là phải tự tin nơi mình, nơi tài năng và các phẩm tính cá biệt của mình, đấy là cách phát động lòng vững tin nơi sự hiện hữu của mình. Thật vậy dựa vào cơ sở đó mà các phẩm năng của mình mới có thể tạo ra được sự tốt lành và thân thiện cũng như lòng từ bi và tình nhân ái. Đức tin và sự tin tưởng thật hết sức cần thiết để phát huy các phẩm tính con người. Đấy là những mảnh đất mầu mỡ giúp cho những hạt giống nẩy mầm tạo ra các xúc cảm tích cực.

97- Những người trưởng thành, dù có phải là cha mẹ của những đứa trẻ mà mình đang phải chăm sóc hay không, cũng đều có bổn phận phải nhất mực thương yêu chúng. Thật vậy, giáo dục nào có phải chỉ là phát triển trí óc, mà còn phải làm nẩy nở sự bén nhạy của tâm thức và con tim cũng như các phẩm tính khác của con người, chẳng hạn như lòng từ bi, sự ân cần, tình nhân ái và ý thức trách nhiệm.
Hơn nữa đối với việc giáo dục các trẻ nhỏ thì còn phải giảng dạy cho chúng hiểu rằng tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau trên toàn thế giới này. Đấy là cách giúp chúng biết ý thức sâu xa hơn về hậu quả mang lại từ sự suy nghĩ và các hành động của chúng.
Sau hết, còn một điều thật quan trọng nữa là người lớn phải làm gương cho những đứa trẻ mà mình phải hướng dẫn và dạy dỗ, bởi vì làm gương là cách giảng dạy tốt nhất về những gì mà mình muốn truyền đạt lại sau này.

98- Quả chỉ là ảo tưởng khi nghĩ rằng mình có thể biến cải kẻ khác mà không cần phải biến cải chính mình trước hết. Sự tiến triển hòa bình trên thế giới phải khởi sự bằng cách làm giảm bớt các sự xung đột đưa đến tình trạng xáo trộn giữa một số quốc gia, nhằm làm cho chiến tranh phải chấm dứt. Đối với việc làm giảm bớt sự bất công trong xã hội hầu kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn thì phải bắt đầu trước nhất bằng cách biến cải chính cá nhân con người của mình, đấy là cách tạo ra ảnh hưởng trực tiếp tác động đến môi trường chung quanh mình, gồm những người thân thuộc và gia đình mình.
Một khi đã tạo được một bầu không khí từ bi và ân cần, thấm đượm tình nhân ái và những niềm hân hoan trong chu vi nhỏ hẹp đó, thì khi ấy mới có thể nghĩ đến việc mở rộng tầm tác động của các ảnh hưởng ấy vào các môi trường to rộng hơn gồm bạn hữu, láng giềng, và tiếp tục nhân lên ngày càng đông đảo hơn. Người phương tây thường gọi đấy mà "hiệu ứng của tuyết lăn".
Khi nào đã biến cải được tâm thức mình thì chúng ta mới bắt đầu biết quan tâm đến kẻ khác nhiều hơn, đấy chẳng qua là nhờ vào sức mạnh của lòng vị tha đã được nẩy nở trong nội tâm mình. Dựa vào tình thương yêu đó chúng ta sẽ có thể tạo ra các ảnh hưởng tác động đến toàn thế giới, và góp phần mình vào việc xây dựng hòa bình giữa con người và các quốc gia. Đấy là một điều vô cùng hệ trọng.

99- Trong cuộc sống thường nhật, nếu giữ cho tâm thức chúng ta càng thăng bằng, an bình và toại nguyện thì chúng ta sẽ càng cảm nhận được nhiều hạnh phúc hơn. Một tâm thức càng tỏ ra bất trị, không được luyện tập và tiêu cực, càng gây ra cho mình nhiều khổ đau trên phương diện tâm thần cũng như thể xác. Vì thế thật hết sức rõ ràng là một tâm thức kỷ cương và toại nguyện chính là cội nguồn mang lại hạnh phúc.
Khi nào chúng ta khám phá ra được được thể dạng tâm thức kỷ cương và thanh thản ấy và làm cho nó thăng tiến đến một mức độ nào đó thì nó sẽ được gọi là "sự thật trên con đường đưa đến sự đình chỉ". Các ảo giác sẽ bị loại trừ ra khỏi tâm thức, [và sở dĩ các ảo giác ấy đã phát sinh] là vì một sự nhầm lẫn từ nguyên thủy đã khiến mình nắm bắt các sự vật và biến cố [và xem chúng là thật].

100- Giáo huấn Phật giáo dạy cho chúng ta biết rằng trên dòng tiếp nối liên tục của các kiếp sống của mình, tất cả chúng sinh vào một lúc nào đó đều đã từng là cha hay mẹ mình. Tin vào sự kiện ấy sẽ làm giảm bớt ngay tức khắc các sự xung đột có thể xảy ra giữa hai con người với nhau, và đồng thời cũng gợi lên một tầm nhìn khác hơn đối với những người mà mình vẫn thường gọi là kẻ thù. Phải hiểu rằng tất cả những cảm nhận tiêu cực đều là hậu quả từ nghiệp trong quá khứ đã làm biến dạng cách nhìn của mình đối với một người mà mình nghĩ rằng đấy là một kẻ thù. Thế nhưng kẻ thù ấy cũng chỉ là các biểu hiện bên ngoài phát sinh từ các nhân tố do chính mình góp phần tạo dựng ra, và đấy chính là những gì đã làm biến đổi sự cảm nhận của chính mình. Thật hết sức quan trọng là phải ý thức được điều ấy, hầu giúp mình không tạo ra các xúc cảm tiêu cực đối với người khác hay đối với các nhân tố bên ngoài, và các nhân tố này thật ra cũng chẳng mang một trách nhiệm nào đối với những gì xảy ra với mình [bởi vì tất cả là do nghiệp của mình mà ra].

/ Còn tiếp/
Tu thân mỗi ngày/ 108 lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma/ 51-60/
VANDANBNN st/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét