Phượt Văn này, đoạn trên có viết:
Công bằng mà nói, trước 1945, cõi nhân gian này, trái đất xanh này, được bao nhiêu miền đất, miền nước, bao nhiêu nhân loại biết có nước Việt Nam, có thủ đô tên là Hà Nội, có một tộc người Việt con cháu các Vua Hùng.
Công bằng mà nói, sau 1945 đến nay và dài mãi, toàn thế giới, toàn nhân loại biết về nước Việt nam, người Việt Nam, biết về Hà Nội, Điện Biên Phủ, biết về Huế, Sài Gòn, biết về Trường Sơn, Khe Sanh.. và nhiều hơn nữa.. kể cả món ăn Phở nước, Phở xào..
Tạ ơn Tuyên Ngôn Nắng Ba Đình cho thời chúng tôi một Miền Cổ Tích tràn ngập hào quang và năng lượng.
Chép lại đoạn viết trên, để minh bạch rằng: Tôi không phải nhà viết sử và cũng không nhân danh ai, viện bất cứ cớ/ lẽ gì để viết sử, nếu có viết/ nói điều gì đó thoang thoang hương lịch sử thì cũng chỉ là riêng tư cho mình, rộng hơn một chút là cho những thân yêu con cháu. Người ngoài khu vực ấy chỉ nên đọc/ biết như một tham khảo và xin tôn trọng quyền riêng tư. Vì lịch sử không thể nói xàm, không thể viết bằng cường quyền, bạo lực, không thể bôi nhọ, xuyên tạc, tôi đã viết trong thơ rồi: / Hoàng Triều Khai Quật/ Lịch sử làm sao chôn ?/
Lòng tôi, đức tin son sắt rằng : Đồng bào tôi sẽ viết giai đoạn sử thời chúng tôi một cách vô tư, công bằng, chính xác. Giai đoạn sử ấy, của thời chúng tôi, những người Việt Nam sinh-lão-bệnh-tử từ 1945 - 2045, là một thế kỷ, là trăm năm, so với lịch sử một dân tộc 4000 năm thì chỉ là một đoạn, nhưng (theo tôi) đây là đoạn thời sử bi hùng nhất của người Việt Nam, tích nào cũng tràn ngập khóc cười.
Lòng tôi, đức tin son sắt rằng : Đồng bào tôi sẽ viết giai đoạn sử thời chúng tôi một cách vô tư, công bằng, chính xác. Giai đoạn sử ấy, của thời chúng tôi, những người Việt Nam sinh-lão-bệnh-tử từ 1945 - 2045, là một thế kỷ, là trăm năm, so với lịch sử một dân tộc 4000 năm thì chỉ là một đoạn, nhưng (theo tôi) đây là đoạn thời sử bi hùng nhất của người Việt Nam, tích nào cũng tràn ngập khóc cười.
Với riêng tôi, thời sử từ 1945 - 1954 là thời sử lý tưởng xán lạn nhất, tôi đã tự nguyện tu thân đi theo và trung thành trọn đời không hối hận. Đây cũng là thời sử tươi đẹp nhất của đời tôi. Tạ ơn Trời Đất, tạ ơn cha mẹ đã ban cho con được sống làm một người dân Việt trong đoạn sử này.
Và với riêng tôi, đoạn sử tiếp theo, từ sau 1954 - 2019, mốc viết Phượt văn này ở ngưỡng tuổi 80, tôi là người sống nương theo lịch sử cầm quyền, và chép sử cho riêng mình, theo ý mình, khổng phản bội lại lý tưởng đã nguyện hiến dâng, và để lời chép nhuốm ít nhất mầu sắc lịch sử, tôi đã chọn văn chương làm phương tiện diễn đạt, dặc biệt thể loại thơ. Tạ ơn Thơ đã cho tôi viết đoạn sử từ 1954 - 2019 với bốn câu lục bát. Mời cùng đọc/ nghĩ và vì đã có bình luận của Ths Nguyễn Văn Hòa rồi, xin miễn bình luận thêm.
Th.s Nguyễn Văn Hòa
VỀ BÀI THƠ CHÂN HƯƠNG CỦA NGUYỄN NGUYÊN BẢY
/ Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương/
" Có thể nói trong hàng nghìn bài thơ của Nguyễn Nguyên Bảy mà tôi đã được đọc, hầu như đọc bài nào cũng thấy khó, vì thơ ông không phải loại thơ dễ cảm, không phải loại thơ đọc suông, nghe văn vẻ, êm tai, dễ hiều. Thơ Nguyễn Nguyên Bảy là loại thơ đa nghĩa, mang tính biểu tượng, ẩn chứa những vấn đề mang tính nhân sinh, nhân bản, chạm đến chiều sâu văn hóa. Và trong số hàng nghìn bài thơ của ông mà tôi đã đọc, nếu chọn bài thơ hay thì nhiều, nhưng giả sử chọn một trong những bài thơ hay nhất của ông, theo cá nhân tôi, bài "Chân Hương" sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đọc. Ngẫm. Đọc và ngẫm.. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ " Chân Hương" của Nguyễn Nguyên Bảy. Càng đọc càng thấy hay và thầm cảm phục tài dùng chữ của ông. Bài thơ lục bát chỉ vỏn vẹn 28 chữ mà gói gọn và ẩn chứa trong đấy biết bao điều, bao câu hỏi buộc người đọc phải suy ngẫm.
" Chân Hương" nếu đọc lướt qua một, hai lần thì người đọc sẽ không thấy bài thơ có gì đặc biệt. Chỉ là chuyện cây hương đốt cháy. Khi cháy xong thì còn lại chân hương. Qua thơi gian mầu phẩm nhuộm ỡ chân hương phai đi và chân hương vẫn đứng trơ lì đầy trên lư hương...Và nếu hiểu đơn giản như vậy thì bài thơ quá đỗi bình thường. Nhưng tôi đọc lại lần thứ ba, rồi thứ tư mới phát hiện ra rằng Nguyễn Nguyên Bảy không viết đơn giản như vậy. Bằng sự trải nghiệm, sự hiều biết, bằng vốn sống, vốn văn hóa của một nhà khoa học, một nhà báo, một nghệ sĩ: Nguyễn Nguyên Bảy rất nhạy và rất "tinh quái" trong việc dùng hình ảnh, câu chữ. Vì thế, câu chuyện cây hương, chân hương, mùi thơm của hương, nó là câu chuyện của thời cuộc, của con người, của đời người, của quan và dân, của thế sự nhân sinh, của lịch sử, của văn hóa dân tộc. Ông khéo và tài tình khi dùng hình ảnh cây hương cháy rồi, cháy hết phần thơm và chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi. Độc đáo. Bình thường lại hóa lạ. Việc đơn giản lại trở nên khó hiều. Vật vô tri, vô giác lại trở nên sống động, có hồn cốt. Lẽ tư nhiên, theo thời gian mầu phẩm nhuộm của chân hương sẽ phai nhưng chân hương vẫn cứ " bền bỉ" đứng, mặc cho bao biến thiên, vận động xung quanh. Từ " chân hương" lại mở ra những "chân trời" để con người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm triết lý về con người, cuộc đời về thời cuộc.."/ Hết dẫn/
Và cũng với riêng tôi, khúc sử từ 1965 - 1975 , đất nước đang trong thời chiến tranh ác liệt nhất, tôi luôn sống trong sợ hãi, không phải sợ hãi chiến tranh mà là sợ hãi thất nghiệp, sợ bị bắt bớ cầm tù và thậm chí cả bị bắn giết. Nỗi sợ hãi thường trực này đến từ đâu, do ai và vì sao tôi không lý giải được. Tôi linh cảm xung quanh, hình như nhiều người (dĩ nhiên không phải là tất cả) đều có chung nỗi sợ hãi như tôi. Để quên đi (không phải chống) nỗi sợ hãi ấy tôi thực sự sống cuộc đời con ong thợ, làm việc suốt ngày (đôi khi cả đêm), lúc ngơi tay hoặc khuya thẳm tôi lại xả năng lượng thiểu nhọc của mình vào trang viết, tôi viết bất cứ điều gì, việc gì, chuyện gì, viết không phải để đăng/in kiếm danh, kiếm nhuận, không phải để kiếm tìm bè-bạn-hội-hè chia sẻ, không phải để quảng bá, tung hô..mà, chì để xả nỗi sợ hãi của mình. Sống trong sợ hãi nó khốn khổ lắm, nó ươn hèn lắm. Tạ ơn nỗi sợ. Bài thơ tạ ơn ấy tên là Tích Roi Mây, mời đọc mà cùng tạ ơn. Xin kiên nhẫn đọc, đọc chầm chậm như đọc văn vần mà thấy hoa cỏ nở ngân nga..
Bài thơ TÍCH ROI MÂY của Nguyễn Nguyên Bảy
/ Giá như../ Làm gì có chuyện giá như../ Bởi Mẹ đã về trời làm hoa nắng/ Đem theo cả roi mây dậy dỗ hiền từ../
/ Giá như../ Mình đừng một mình cà phê sáng/ Để Em Mèo (1) lười lại bập môi/ Vui xuất ra khói, buồn nhập vào cười/ Đầy lòng tôi những cười câm nín/
/ Câm nín xa lắc, xa lơ../ Bữa kia đi học về buột mồm hỏi Mẹ/ Sao bàn thờ nhà ta lại thờ ông Mác, ông Nin?/ Mẹ không đáp, chỉ roi mây bảo im/ Mẹ không đánh mới sợ, tôi nín../
/ Câm nín xa lơ../ Xin Mẹ cho cùng sang chùa/ Chứng cảnh ông Lai cúi lạy trước Hai Bà (2)/ Tạ lỗi ông cha xưa cướp Nước../ Mẹ nói một chữ: Không, mắt lừ nhìn roi mây/ Dù biết Mẹ chỉ dọa/ Mẹ không đánh mới sợ, tôi nín./
/ Câm nín xa xa../ Hôm ấy Mẹ nghiêm trọng lắm/ Mắt phóng ra roi/ Nói với con hai điều/ Điều một: Bồng bế nhau đi Lễ Nhà Thờ/ Nhớ lấy Giáng Sinh này là Giáng Sinh Bảy Hai (3)/ Điều hai: Hãy đốt bài thơ Quả Mặt Trời (4)/ Phải nhớ Mặt Trời không có máu../ Tôi, điều một nghe theo/ Và điều hai cãi lại/ Sau này, bài thơ ấy vẫn in ra../
/ Câm nín xa../ Ngày thống nhất Bắc Nam/ Lúc ấy Mẹ đã già/ Chân đi không nổi tay làm sao cầm nổi roi mây../ Mẹ khóc mừng cùng dân tộc/ Nhân Mẹ khóc, tôi thưa xin Mẹ tha hương Sài Gòn/ Mẹ hỏi nuốt nước mắt/ Bỏ Quê, bỏ Mẹ ư con?/ Con cúi đầu/ Khẩn khoản xin Mẹ cây roi mây/ Mẹ không cho, Mẹ chỉ cho nước mắt/
/ Câm nín Vu Lan../ Ngày nào tôi cũng thấy Mẹ tôi/ Ở trên Trời/ Và ngày nào tôi cũng muốn hỏi Mẹ tôi/ Vì sao không cho tôi cây roi mây/ Nhưng mãi sợ Mẹ buồn không dám hỏi/ Bữa nay Vu lan xin Người xá tội lời con/ Mẹ cười chang chang nắng/ Ta hóa roi rồi../
.../ Khóc không thành tiếng)
/ Mẹ hóa roi rồi/ Tôi nghe cười trong lòng nấc cụt/ Thì ra Mẹ không muốn tôi dạy con cháu tôi/ Bài roi câm nín../ Nói xong, Mẹ bảo vội đi việc nắng/ Tôi nũng già hỏi thêm/ Mẹ biết đấy, lòng con đầy tiếng cười câm nín/ Biết rồi phải xả vào đâu?../ Mẹ cười: Khóc đi cho cười hóa nước/ Rồi Trời sẽ đổ xuống trận mưa hoa../
/ Câm nín..bây giờ/ Tôi một mình ngồi cà phê sáng/ Bụng đầy cười/ Chờ Trời đổ xuống trận mưa hoa../
(10).Thuốc là hiệu Con Mèo. (2) Thủ tường TQ Chu Ân Lai thời 1960, đã đến đền thờ Hai Bà Trưng HN thắp hương tạ tội cha ông họ xâm lược VN. (3) Giáng sinh 1972, năm bom đạn chiến tranh khốc liệt. (4) Bài thơ Quả Mặt Trời của NNB.
Tạ ơn quê hương Kinh Thành Cổ Tích đã cho tôi sống suốt thời trai đẹp nhất trong nỗi sợ hãi ấy và cho tôi sức mạnh vượt thoát sợ hãi tìm được hân hoan đời, minh chứng đấy, Tích Roi Mây, / ..Lòng con đầy tiếng cười câm nín/ Biết rồi phải xả vào đâu?/ Mẹ cười: Khóc đi cho cười hóa nước/ Rồi Trời sẽ cho đổ xuống trận mưa hoa../
Tôi linh cảm thấy Trời sắp đổ xuống trận mưa hoa. Sắp rồi, nhất định là sẽ thế, quy luật của Càn Khôn, của bể đời, an bình thì sóng lặng bể yên, phẫn nộ, bất công thì cuồng phong bão tố.. đất quê tôi khô hạn đã nẻ sông, đồng làng đã hoang cỏ, không một vùng miền nào trên cơ thể dất nước không nổi đầy rôm xẩy, mụn nhọt, bệnh tật, họa ách../ Tôi xin không tả cảnh, tả tình thêm về nước mắt khóc cười trên gương mặt đồng bào tôi vì tôi lo nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong tôi lại bật thức. Chỉ xin chép dự báo trận mưa hoa sắp ấy với bài văn vần Đền Giải Oan.
Bài văn vần này tồi viết tặng Thày giáo Hoàng Đạo Chúc và các cộng sự của ông đã khái quát hóa những khủng hoảng đức tin thời hiện tại, mượn tích Oan khuất xưa của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, mà lập ra Đền Giải Oan, cho những người dân Việt oan ức thời nay tụng lời cầu Giài Oan Lên Cao Xanh.
/ Thả thơ bay lên giọt khóc Bà/ Giot khóc hòa vào sông Oan/ Sông Oan trong mây, sông Oan không có người/ Chỉ có gió hát lời sang tai../
/ Đã mấy năm nay bà Lộ không lai vãng cửa Trời/ Bà ngự về cửa Đất/ Nơi nhân gian xây cho bà Đền Giải Oan (*)/
/Ai đời có chuyện rắn độc/ Tu luyện thành mỹ nữ trăng non/ Bán chiếu gon/ Tây Hồ buổi mai run rẩy gió xuân tình/ Vú cau lụa yếm/ Lưỡi thơ/ Lưỡi thơ say thốc tháo đấng Trãi/ Vú cau say nghiêng ngả đấng vua/ Vua chết có oan?/ Trảm cửu tộc Trãi có oan?/ Oan này Trời biết, Đất biết../
/ Bà Lộ sang tai:/ Chuyện ta rêu đã phủ ngoài chân mây/ Hôm nay ta lội về đây/ Đánh trống cửa Trời/ Kêu oan trái cho những người đang sống/ Bớ Trời cao, Đất rộng/ Sao nỡ để cho nhân gian tuyệt vọng/ Sống mòn, sống nhục chết oan?/
/ Giọt khóc trước Đền Giải Oan/ Gió đang hát lời sang tai từ Cửa Trời/ Rền vang Cửa Đất../
Bắc Ninh, Tết 2013
Rút từ Thơ Nguyễn Nguyên Bảy, đã Xb.
Không phải là sắp mà là đang đổ xuống trận mưa hoa. Tôi chưa biết trận mưa hoa này kéo dài bao lâu, đất khắp quê tôi, đất nước tôi cỏ có thắm xanh triền đê, hoa có nở dài bến sông, Độc lập, tư do, hạnh phúc có bước đến từng thềm nhà người dân Việt..Hay, Ước Mơ vẫn chỉ là Mơ Ước thôi..
Dù vậy, lịch sử đoạn này, khúc này, thời điểm này cũng mở ngực đón mừng Trận Mưa Hoa.
Tạ ơn Kinh Thành Cổ Tích đã đón Mưa Hoa Ý Trời khởi động Lò nhân gian hóa vàng tội ác.
Nơi ấy, hoa đào nổ chấn cửa Đông
Áo trấn thủ phủ rêu cửa Bắc
Kèn tầu hừng hực cửa Nam
Quốc ca hát đỏ sông Hồng
Nơi ấy là Kinh Thành Cổ Tích
Nơi ấy là đời tôi..
Mời đọc tiếp Bài 13
NGUYỄN NGUYÊN BẢY/
MIỀN ĐÁT NGỌT Ở TEXAS ( SUGAR LAND IN TEXAS).
NGUYỄN NGUYÊN BẢY/
MIỀN ĐÁT NGỌT Ở TEXAS ( SUGAR LAND IN TEXAS).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét