Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa / 22. NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT TIẾNG THƠ ĐA TÌNH, ĐA CẢM, ĐA ĐOAN


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa


22.
NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT
TIẾNG THƠ ĐA TÌNH, ĐA CẢM, ĐA ĐOAN

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là tiếng thơ của một hồn thơ  đa tình, đa cảm và đa đoan. Những bước thăng trầm của cuộc đời chị đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong thơ. Người ta biết đến Nguyễn Thị Hồng Ngát không chỉ là nhà thơ mà chị còn là một nhà biên kịch nổi tiếng. Ở lĩnh vực nào chị cũng đều có những đóng góp đáng kể.
Nguyễn Thị Hồng Ngát lập gia đình sớm và cuộc sống gia đình cũng đổ vỡ sau 8 năm chung sống. Bên cạnh nỗi đau thể xác, chị còn mang một nỗi đau tinh thần, một sự tổn thương, hụt hẫng lớn. Chia tay với người chồng đầu tiên, một mình phải cáng đáng nuôi ba đứa con thơ dại. Một thời gian không lâu sau, chị được tổ chức cử đi học Điện ảnh tại Liên Xô. Ba đứa con nhỏ, chị phải gửi bà nội trông nom. Xa con, chị đau khổ vô cùng nhưng cũng gắng chịu đựng vì đây là cơ hội hiếm hoi, có thể thay đổi tương lai nên chị đành quyết tâm ra đi. Sáu năm trời xa Tổ quốc nhưng lúc nào trong lòng chị cũng hướng về các con. Chị tiết kiệm từng đồng, vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền, dành dụm tiền gửi về nước nuôi con.
Trời không chiều lòng người và hình như một người đàn bà như chị sinh ra trên cõi đời này phải gánh chịu những đày ải như vậy. Vết thương của lần ly hôn thứ nhất chưa kịp lành, chị đến với người chồng thứ hai là một nhà thơ khá nổi tiếng. Tưởng sẽ có một chỗ dựa chắc chắn sau những tháng ngày cô đơn làm người mẹ đơn thân, nào ngờ mối tình này cũng nhanh chóng kết thúc. Nếu như ở lần chia tay thứ nhất đau một thì lần chia tay này chị đau đớn gấp triệu lần. Nguyễn Thị Hồng Ngát như người mất hồn, như kẻ trốn chạy nợ nần. Có thể nói đó là những tháng ngày u tối, đau buồn nhất của cuộc đời Hồng Ngát.
Với người phụ nữ, gia đình, chồng con chính là chỗ dựa quan trọng nhất của cuộc đời họ. Người hạnh phúc là có một gia đình êm ấm, chồng con sum họp. Vậy mà với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát điều ấy luôn đầy bất trắc, mọi bất hạnh, đổ vỡ ập xuống với chị như là sự thử thách. Nếu chị không giàu nghị lực, không có niềm tin có lẽ chị dễ sa ngã và rơi vào cạm bẫy. Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm niệm: Sống một ngày cho thật đáng sống hơn/ Còn thấy sợ bởi còn yêu đời lắm.
Sau những trầy trật, thua thiệt, gia đình tan vỡ chị nhận ra một nghịch lý của cuộc đời: Em chỉ thấy phần nhiều những người đàn bà ngơ ngác/ Thường gặp may hơn những kẻ thông minh (Nghịch lý). Nguyễn Thị Hồng Ngát trải qua những năm tháng cô quạnh, thương đau trong cuộc sống gia đình. May thay chị cũng đã tìm được bến đỗ bình yên với người đàn ông yêu thương chị thật lòng, một người hiểu đời, hiểu người và biết thông cảm, chia sẻ những nỗi đau của vợ. Với Nguyễn Thị Hồng Ngát, tình yêu hai vụ mùa đầu đầy chua chát nhưng cuối mùa lại rất ngọt ngào, đầy thi vị. Nên chị rất mực chiều chồng và làm tròn nghĩa vụ của một người vợ đảm đang, tháo vát…
Chị là một người phụ nữ rất nặng tình nên những người đàn ông đi qua cuộc đời mình chị đều luôn có thái độ chân thành, yêu mến và kính trọng họ. Có thể họ quên tất cả, họ đang vui duyên mới, họ hạnh phúc bên mái ấm gia đình mới… Nhà thơ nghĩ rằng: Dù không cùng chung một bước đường, không ở một mái nhà nhưng dẫu sao cũng có những tháng ngày đầu ấp, tay gối bên nhau. Chị luôn luôn nhớ và trân trọng. Vì rằng, khi con người ta không thể sống với nhau bằng tình yêu thì cũng nên sống với nhau bằng tình nghĩaÁo kia giờ đã cũ rồi/ Riêng ta thương mến, riêng người dửng dưng/ Chẳng cay sao gọi là gừng/ Ta xin gió đấy, gió đừng rung cây/ Cũ ta nhưng lại mới người/ Không mưa mà lạnh gấp mười lần mưa (Mùa xuân đánh rơi tình yêu).
Chị cay đắng nhận ra: Tình yêu đâu chỉ ngọt ngào/ Trong mơ nước mắt cũng trào, lạ chưa? (Khi nhà thơ khóc).
Những năm tháng khó khăn, bệnh tật, cô độc; trái tim người đàn bà không chồng lại cồn cào, tê tái; nỗi buồn đau trở nên chai sạn và dường như đông cứng. Em lại ốm, như những lần trước đấy/ Chỉ tự em chăm sóc lấy mình/ Nước mắt đắng đã thôi không chảy/ Và nỗi buồn cũng chẳng thể buồn hơn (Trong vui buồn ta sẽ mãi có nhau).

Nguyễn Thị Hồng Ngát là người phụ nữ thông minh, cá tính, mạnh mẽ, quyết đoán nên làm gì cũng đến nơi đến chốn chưa bao giờ chị bỏ cuộc giữa chừng. Trong cương vị, vai trò nào chị cũng hoàn thành tốt công việc.
Cái tôi đời tư và cái tôi thế sự thể hiện rõ nét trong thơ chị. Đó là những trăn trở, thao thức, đa mang trước bản thân, con người, cuộc sống và những gì xảy ra quanh mình.
Bất đắc dĩ, con người ta mới phải miễn cưỡng bước vào những ngã rẽ của cuộc đời. Khi bước vào ngã rẽ ấy, Nguyễn Thị Hồng Ngát phải gánh chịu bao nỗi giày vò, lo âu, nhung nhớ.
Con chim tránh cơn mưa/ Vội vã bay về tổ/ Con gà đi kiếm mồi vất vả/ Trời tối cũng về ổ nghỉ ngơi/ Còn riêng em anh ơi/ Em biết trốn vào đâu cho khỏi nhớ/ Em biết trốn vào đâu cho khỏi khổ/ Nỗi cô đơn năm tháng cứ giày vò/ Em thấy sợ khi mỗi bận về nhà/ Mở cửa ra/ Anh vắng!/ Chiếc giường chông chênh…/ Chiếc bàn chông chênh…/ Chiếc ghế chông chênh/ Tất cả như mới chỉ có một nửa mình/ Còn nửa kia…/ Anh vắng!/ Em đối mặt với ồn ào của đời thường/ Chẳng nhàn hạ gì hơn con gà đi kiếm ăn/ Con chim đi tha rác/ Chỉ riêng mãi có một điều mãi vẫn chưa quen được/ Là nỗi cô đơn năm tháng cứ giày vò (Đối mặt với đời thường).
Chị đưa vào bài thơ những hình ảnh so sánh độc đáo, làm nổi bật nỗi cô đơn, giày vò chất chồng trong con người chị.
Nguyễn Thị Hồng Ngát ý thức được sự vận động không ngừng của thời gian. Thời gian một đi không trở lại và có thể kéo theo bao sự đổi thay. Nhưng riêng tình yêu em dành cho anh vẫn nồng cháy, sâu đậm và em sẽ cố gắng nâng niu, gìn giữ. Bởi em nghĩ ta rất cần nhau và không thể nào rời xa. Em mới hiểu ta cần nhau đến thế/ Giữa mênh mông ngả cuối của cuộc đời/ Mỗi ngày sống càng nâng niu gìn giữ/ Cả khi chết đi cũng không thể xa rời (Không thể xa rời).
Nếu cái tôi đời tư, thế sự đem lại cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm của chị và những xót xa trước thế thái nhân tình thì đến cái tôi chiêm nghiệm, suy tư, triết lý giúp người đọc hiểu một cách đầy đủ hơn về hồn thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Phim quay mãi vẫn cứ là vô tận/ Chỉ cuộc đời là hữu hạn mà thôi/ Ước gì người với người là bạn/ Nhỏ nhen chi? Chật hẹp lắm cõi đời./ Trên phim toàn nói điều tốt đẹp/ Ước gì đời - sống cũng đẹp như phim/ Cao cả với thấp hèn - hai cực/ Để cho ai cứ mãi mãi đi tìm… (Phim và Đời)
Nếu đời - sống đẹp như phim thì cuộc sống này hay biết nhường nào. Và làm gì có cảnh ghen ăn tức ở, bon chen, chà đạp, hãm hại lẫn nhau… Đời - sống đẹp như phim khó lắm! Có chăng chỉ ở thế giới bên kia? Khi mọi tham, sân, si trong con người đã giũ bỏ hết, khi đó mới được vậy!.
Thơ chị thường đặt ra những câu hỏi, những câu hỏi trong thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đó chính là những trăn trở, day dứt trước cuộc sống này. Có những câu hỏi mãi là những câu hỏi. Có lúc chị như bất lực trước thực tế phũ phàng. Đời vốn thế thôi thì ta biết vậy/ Hãy lặng yên như thể chẳng biết gì/ Hãy lặng yên như một kẻ ngu si/ Mọi sự ghét bắt nguồn từ sự nói (Đi tìm sự bình yên).
Sự thật của cuộc đời, đôi khi nói ra lại gây mất lòng. Thậm chí mọi sự ghen ghét, hiềm khích, cô lập, tẩy chay những ai đã “to gan”, “lớn mật” dám nói thẳng, nói thật những tiêu cực của cơ quan, của lãnh đạo, đồng chí của mình… Không ít những cá nhân đấu tranh chống tiêu cực đã bị đánh hội đồng, thậm chí bị mất việc rồi vợ con, người thân của họ cũng bị đe dọa… Cho nên cứ giả câmgiả điếc và yên lặng như một kẻ ngu sikhờ dại cho bình yên. Vì rằng: “Mọi sự ghét bắt nguồn từ sự nói”.
Chính vì vậy, có lúc Hồng Ngát cảm thấy bất an, hoài nghi và sợ nhiều thứ quanh mình. Sợ tất cả từ trẻ thơ - đầu bạc/ Sợ vô tâm làm khổ người thân/ Sợ mèo đói, sợ chó tru khát nước/ Sợ con đau, sợ chẳng thể đỡ đần/ Sợ bạn bè xa gần quên nhớ/ Sợ quê hương gần đó mà xa/ Sợ chồng giận mỗi lần sơ ý/ Sợ anh em ruột thịt trong nhà (Sợ).
Để rồi chị lại xót xa và đau cho thời mình đang sống: Những người tốt đi đâu hết cả/ Thương cây còn cố giữ một màu xanh…
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng dành những vần thơ viết về người thân yêu, ruột thịt với một tâm thế và tình cảm đặc biệt.
Đọc những vần thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát viết cho con khi chị đang học ở Liên Xô có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ sẽ bật khóc. Đứa con nào cũng cần có tình yêu thương của cha mẹ. Thiếu vắng đi tình thương ấy, dù có sống cuộc sống đủ đầy đi chăng nữa, dù có được ông bà chăm sóc yêu thương cũng không thể nào bằng sự quan tâm, chăm sóc của chính ba mẹ chúng.
Lá thư đứa con trai gửi chị, làm tim chị nhói đau, đau đến nỗi không khóc được. Hóa ra lâu nay mẹ chỉ lo việc đẩu đâu. Thơ cho ai - viết quá nhiều/ Riêng cho con - chỉ đôi điều nhớ nhung/ Nhận thư con bỗng giật mình/ Rõ ràng mẹ chỉ nặng tình đẩu đâu/ Người dưng sao khéo buộc vào/ Để rồi mong, để rồi sầu, viễn vông!/ Để rồi thao thức uổng công/ Lo âu, dằn vặt đau lòng mẹ, con!/ Bao năm khổ sở héo hon/ Trăng tàn, cá lặn vẫn còn trắng tay/ Núi cao, biển rộng, sông đầy/ Nơi xa mẹ nhận lỗi này cùng con! (Nhận lỗi cùng con).
Chị dặn đứa con gái của mình bằng những trải nghiệm của cuộc đời mình đã đi qua với những lời lẽ thân thương, trìu mến nhưng cũng đầy sự lo lắng. Vì người mẹ sợ con sẽ như chú nhện nhỏ dễ mắc vào tấm lưới thần mà các chàng trai chăng lên. Và người mẹ cũng còn dặn thêm đứa con gái yêu của mình rằng: Chỉ có điều con gái của mẹ ơi, nếu con gặp được người con yêu nhất/ Đừng bao giờ để mất nghe con (Viết cho con gái).
Có lẽ đối tượng mà nhà thơ thường nhắc đến nhiều trong sáng tác của mình nhất là anh. Trong bài Tâm sự một dòng sông, Hồng Ngát mượn dòng sông để nhân vật trữ tình em bày tỏ, thổ lộ, nói lên tiếng nói của mình. Lời tâm tình, thủ thỉ với anh cũng chính là niềm tin vào tương lai tình yêu phía trước. Anh đừng nhớ làm gì năm tháng cũ/ Đò đã xuôi dòng sông cũng khác rồi/ Đã trải qua biết bao mùa mưa lũ/ Mặt sông giờ trong vắt tấm gương soi.
Nói với anh để anh thông cảm và hiểu rằng: Cuộc đời sẽ còn nhiều điều tốt đẹp, nếu chúng ta bỏ qua quá khứ buồn đau, nếu chúng ta biết yêu thương, chắt chiu, nhen nhóm, gìn giữ tình yêu ngay từ hôm nay.
Anh thân yêu, xin hãy rộng lòng
Đón nhận lấy nửa đời còn lại
Cả những rong rêu và con thuyền gãy lái
Chắt chiu phù sa vẫn bồi đắp đôi bờ
Chẳng hề gì , hãy nắm lấy tay em
Ta sẽ tới những bến bờ mới lạ
Xin hãy quên những chuyện buồn quá khứ
Biết thương nhau, nguyện thế cũng vui rồi .
Bên cạnh đó chị còn có nhiều bài thơ hay viết về bạn bè và cả những nơi chị đã đi qua với một tình cảm và ấn tượng độc đáo. Đặc biệt chị có những bài thơ hay viết về biển (Biển, Biển đêm, Biển lặng, Biển một ngày…). Có lẽ với biển, chị đắm hồn mình nơi không gian bao la, tít tắp tận chân trời ấy để gửi gắm được nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Và chỉ có biển mới diễn tả được hết những cung bậc, sắc thái, thanh âm tình yêu rực cháy trong con người chị…
Âm hưởng chính trong thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát là những giai điệu trầm, nhẹ nhàng, đằm thắm với tâm trạng phổ biến là buồn, cô đơn nhưng vẫn không thiếu vẻ đẹp trong trẻo, ngọt ngào. Đó chính là nét riêng và làm nên phong cách thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Nói như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Thơ chị ngày càng đằm sâu và day dứt hơn. Chính vì thế cũng giản dị hơn, thân thiết hơn với muôn nẻo đời thường

Trích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét