Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa 23. THU NGUYỆT “HÓA GIẢI NỖI BUỒN BẰNG SỰ THẤU HIỂU LẼ ĐỜI VÀ QUY LUẬT”…


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa

23. THU NGUYỆT
HÓA GIẢI NỖI BUỒN BẰNG SỰ THẤU HIỂU LẼ ĐỜI VÁ QUY LUẬT..


Nhà thơ Thu Nguyệt sinh năm 1963 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện chị công tác ở Báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Thu Nguyệt viết ở nhiều thể loại, riêng về thơ chị đã in các tập: Điều thật (1992), Ngộ (1997), Cõi lạ (2000), Hoa cỏ bên đường (2002), Theo mùa (2006).

Điểm khác biệt giữa Thu Nguyệt với các nhà thơ nữ cùng thời đó là Thu Nguyệt chọn cho mình một lối đi riêng. Thơ chị dịu dàng, đằm thắm, không đưa ra những phát ngôn gây sốc hay thể hiện một cách mạnh mẽ táo bạo cái tôi cá nhân. Chị cũng không chạy theo trào lưu viết mới theo dấu ấn hiện đại, hậu hiện đại như nhiều người. Chị lặng lẽ viết trên lối thơ truyền thống. Với nhà thơ Thu Nguyệt, chị quan niệm: “Viết theo truyền thống hay hiện đại không quan trọng, cái quan trọng là chuyển tải được gì vào trong thơ và làm sao gây được sự cảm tình đối với độc giả mới là cái đáng quan tâm nhất”.
Thu Nguyệt nhìn cái gì cũng có sự dung hòa, biện chứng, cái gì với chị cũng đều theo quy luật. Chính vì vậy cho nên, dù thấy trong thơ chị có nhiều nỗi buồn nhưng đó là cái buồn man mác, cái buồn vừa phải, không quá bi lụy, sầu thảm hay tuyệt vọng. Nỗi buồn trong trẻo, lấp lánh những tia hi vọng. Chị biết tiết chế nỗi buồn và hóa giải nó… Đọc thơ chị, người đọc nhận thấy: Thu Nguyệt - Nhà thơ “hóa giải nỗi buồn bằng sự thấu hiểu lẽ đời và quy luật”. Chị bình tâm suy xét, nghĩ suy về những điều xảy ra trong đời sống với cái nhìn đầy trách nhiệm, bao dung, tỉnh táo, bản lĩnh và đầy tự tin.
Ta ngồi ngắm mãi bàn tay
Ngửa rồi lại úp, ngắn dài trắng đen…
Biếng lười đếm giọt nhớ quên…
Nhẹ không…
lòng cứ hồn nhiên với buồn
(Hồn nhiên)
Điều mà Thu Nguyệt quan tâm nhất đó là vấn đề thời gian. Có những điều làm cho nhà thơ trăn trở, day dứt khôn nguôi, tưởng khó có thể lý giải; phải ngược về quá khứ, hướng đến tương lai mới có thể an lòng:
Ta tìm hoài gió trong nhau
Gió tan lại miệt mài đau suốt đời
Ta quên có một bầu trời
Bên ngoài ngọn gió có rồi lại tan
(Gió tan)
Từ Đồng Tháp chuyển về Sài Gòn công tác, trong chị không bao giờ quên mảnh đất quê hương nơi đã chôn nhúm rau mình ở đấy. Nơi gắn bó với bao ký ức niềm thương, với ông bà, cha mẹ, người thân, gia đình, hàng xóm, ruộng đồng, bờ bãi, sông nước… Vùng đất Đồng Tháp Mười đã ăn sâu trong từng tế bào, từng huyết mạch của chị. Do vậy, Thu Nguyệt nhớ lắm, nhớ những gì dân dã, chân quê của xứ sở mình. Dù đang sống nơi phồn hoa, phố thị nhưng chị vẫn canh cánh.
Thị thành dù giáp dấu chân 
Nằm mơ vẫn nhớ lời dân miệt đồng 
(Bến lở
Cái gốc quê không chỉ là máu thịt mà nó còn hun đúc bởi cái nôi văn hóa của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Nỗi nhớ quê, nhớ cha lại trào dâng trong chị.
Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba 
Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa 
Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa 
Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba 
(Dấu chân Ba
Để rồi nhà thơ tự giãi bày: Ta ra thành phố xa đồng/ Đốt nhang nhìn khói bay vòng mà thương/ Nhớ cồn cào nước kinh mương/ Vắng mình rải lá xem đường nước trôi/ Đã xa thì lỡ xa rồi/ Buồn! Đem thau nước ra soi bóng mình.
Chính quan điểm sống nó đã tạo nên cốt cách con người thơ và con người trong đời sống thường nhật của nhà thơ Thu Nguyệt. Con người thơ - và con người trong đời sống hòa làm một.
Điểm nổi bật và xuyên suốt trong thơ Thu Nguyệt đó chính là chị hướng đến và tìm đến cõi Thiền. Chùa, Thiền, Thiền sư, tiếng chuông, Chân Như, Bồ Đề, tu hành, tâm, ngộ, duyên, kiếp, bụi, nhang, đèn, phù du, vô thường… là những từ thường được chị sử dụng.
Kiếp phù du, giấc phù hoa
Lấy ai ru đá giùm ta sau này?!
Thôi thì đá ngủ cho say
Để rồi thức giấc ngày mai một mình
(Ru đá)
Nỗi buồn trong thơ chị bộc lộ nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng theo chị tất cả đều có nguyên nhân. Chị quan niệm: cuộc sống con người trên trần thế chỉ là cõi tạm. Chính vì cõi tạm cho nên phải sống đúng nghĩa là con người, sống trọn vẹn, tha thiết với tình yêu và cuộc đời, sẵn sàng đón lấy và chấp nhận những buồn - vui như một sự thật hiển nhiên.
- Bước qua không nỗi chữ ngờ
Vô thường áp sát, bến bờ quá xa!
(An)
- Buồn vui như một cái vòng
Điểm đầu tiên, điểm cuối cùng gặp nhau
(Hồn nhiên)
Bước đi là bỏ lại rồi 
Hành trang khéo giữ một thời cũng phai 
Thạch sùng nát lưỡi ru ai: 
Muốn về chốn cũ phải quay lại mình.
(Bước đi là bỏ lại rồi)
- Muốn được an (alt) cũng bó tay
Đời như kiếp chuột cứ xoay vòng vòng…
(Keyboard thơ)
Ta băng qua sự buồn phiền 
Hiểu điều đã mất tự nhiên mãi còn ...  
(Sao đổi ngôi)                               
Giữa mơ và thực luôn là khoảng cách. Chị nhìn đời bằng con mắt thực tế nhưng cũng ngập tràn cảm xúc trữ tình, man mác.
- Con quỳ trước Phật từ bi/ Sao lòng vẫn nặng nỗi gì đa đoan/ Dám mơ đâu chút Niết Bàn/ Chỉ mong ngày động, tâm an một giờ (An).
- Lẽ đời nắng tắt mưa tuôn
Ta không có bóng vẫn còn có ta
Không cần trái, chẳng cần hoa
Xanh xanh vài chiếc lá là có cây
Lộc non chăm chút tháng ngày
Vậy rồi...
                ta thả lá bay theo mùa.
(Theo mùa)
Cám ơn sự vật vô thường 
Để cho ta có khi buồn khi vui 
Vô thường tất cả, trừ... tôi 
Là chi cũng mãi khi vui khi buồn ! 
(Vô thường)
Rủ sạch mình, em bước qua đêm 
Vo viên giấc mơ ném vào ngọn sóng 
Nhón gót đi giữa biển đời sâu rộng 
Xe cát hai hàng giọt nước mắt sau chân.
(Huyền thoại dã tràng)
Những bài thơ như: Chùa xa, Ước, Ru đá, Miền không bay… đưa người đọc đến ranh giới giữa thực và ảo, giữa xao động và bình yên. Đó là lúc thi sĩ đã chạm đến cõi Thiền - thâm nhập vào tận cùng mọi ngõ ngách của tâm hồn, kiếm tìm bản thể để hiểu mình, hiểu đời và tự giải thoát cho mình sau bao thăng trầm, nếm trải, bao vận hạn, tai ương…
- Tháng ngày nhẹ hững đi qua
Những điều gần đó rồi xa… thật thường!
(Sẽ đến rồi qua)
- Nghe lòng rung một hồi chuông
Tiếng vang như có lại dường như không
(Chùa xa)
- Gió lùa theo hướng chữ DUYÊN
Ta bay chung để đến miền không bay”.
Thơ lục bát có lẽ là một sở trường của nhà thơ Thu Nguyệt. Lục bát là một trong những thể thơ đậm chất trữ tình. Nó bắt nguồn từ ca dao, dân ca và thơ lục bát mang cốt cách Việt Nam. Cuộc sống bình dị của người lao động đi vào ca dao thông qua thể thơ lục bát dễ đi vào lòng người đọc và có sức lan tỏa. Từ văn học truyền miệng đến văn học viết, thể thơ này không ngừng được phát triển và đến ngày nay nó vẫn được kế thừa một cách có sáng tạo, có cách tân trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật.
Khảo sát thơ của Thu Nguyệt, ta thấy thơ lục bát chiếm số lượng lớn và nó đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của thơ chị. Ở thể thơ này Thu Nguyệt có nhiều bài thơ hay, hàm súc và ý vị, gây được ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc (Lá giả, Theo mùa, Gió tanMiền không bay, Hồn nhiên).
Đọc bài Lá giả gợi cho người đọc bao câu hỏi, bao suy ngẫm về con người, cuộc đời. Hóa ra kiếp người cũng chẳng khác chi kiếp lá (lá giả) - là tạm bợ, là tự “cải trang”. Chỉ có cái thật là bụi - những hạt bụi đời đeo bám. Chính vì là giả, cho nên chiếc lá giả kia không thực hiện được điều mà lẽ ra theo quy luật tự nhiên nó phải đạt được. Kết quả là “Cả đời làm một cuộc rơi không thành”..
Tuy nhiên, Thu Nguyệt không phải chỉ có kế thừa ca dao, dân ca. Thơ lục bát Thu Nguyệt vẫn mang hơi thở của thời đại. Nhà thơ đã mang đến cho thơ lục bát một không khí mới, một sắc thái mới: với những cách tân, sáng tạo độc đáo; tạo nên những vần thơ tươi mới, rộn ràng mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Hạt nhân làm nòng cốt cho cái mới của Thu Nguyệt là ở cảm xúc, ở dấu ấn cá nhân.
Đến với thơ Thu Nguyệt, người đọc sẽ tìm thấy một sự đằm thắm, dịu dàng và rất nữ tính
Đó là một thế giới tâm hồn có vẻ như khép kín mà luôn mở rộng, luôn chuyển tiếp, trôi chảy, hướng về ngoại vật, hướng về mọi người. Niềm vui, nỗi buồn được chị nhìn nhận và hóa giải nó trong thơ một cách tự nhiên.
Đấy cũng là sức hấp dẫn khiến bao trái tim người đọc cứ mãi say sưa trong vườn thơ của chị.

Trích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/

VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét