Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

BẬC TRÍ GIẢ NGHĨ NGÀN ĐIỀU, TẤT CŨNG CÓ MỘT ĐIỀU SAI


BẬC TRÍ GIẢ NGHĨ NGÀN ĐIỀU, TẤT CŨNG CÓ MỘT ĐIỀU SAI


Câu thành ngữ này nguyên văn là: “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất. Ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc”, nghĩa là bậc trí giả nghĩ ngàn điều, tất cũng có một điều sai, người ngu đần tính ngàn điều, tất cũng được một điều đúng. Câu nói này có xuất xứ trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên.

Một người thông minh, tài trí cũng khó tránh khỏi sai sót, kẻ ngu đần nếu suy nghĩ cẩn thận, chu đáo tất cũng có thể có được ý kiến hữu ích. Bởi vậy, trong cuộc sống, khi gặp một sự tình nào đó, người không có nhiều kiến thức không nên vì sự có mặt của người tài giỏi mà tự ti, bỏ cuộc, không dám đưa ra ý kiến của mình. Tương tự, người học rộng, có nhiều kiến thức cũng không nên chủ quan, cao ngạo mà đưa ra ý kiến khi chưa suy nghĩ thấu đáo, hay xem thường ý kiến của người khác.

Trong cách đối nhân xử thế, cổ nhân dùng câu thành ngữ này để bao dung với những thiếu sót của người khác.

Về lai lịch của câu thành ngữ này, trong “Sử Ký” có ghi chép điển cố như sau:
Lý Tả Xa là mưu sĩ nước Triệu cuối đời nhà Tần, được phong làm Quảng Vũ quân. Ông là người rất tài hoa, lại vô cùng tinh thông binh pháp. Vì thế, ông được Triệu Vương rất nể phục và kính trọng.
Năm Hán Cao Tổ thứ hai, tướng nhà Hán là Hàn Tín và Trương Nhĩ dẫn mấy vạn binh vượt núi Thái Hành, tiến đến Tỉnh Hình, chuẩn bị đánh chiếm nước Triệu. Triệu Vương nghe được tin này đã mệnh lệnh cho tướng nước Triệu là Trần Dư tập trung 20 vạn binh lực ở cửa Tỉnh Hình, chuẩn bị đánh địch.

Lý Tả Xa nói với Trần Dư rằng:
“Quân Hán đi xa thiếu lương thực, sĩ tốt đói mệt, vả lại Tỉnh Hình đường xá chật hẹp, ngựa xe không dùng được, nếu nghiêm thủ thì khó lòng thất bại. Xin ngài cấp cho tôi 3 vạn quân, để theo đường nhỏ cắt đứt đường vận chuyển lương thực và vũ khí của quân Hán.

Các ngài ở đây đào chiến hào, dựng doanh lũy, giữ vững trận địa, khiến quân Hán tiến không được, lui không xong. Chắc chắn không quá mười ngày, sẽ lấy được đầu của Hàn Tín và Trương Nhĩ dâng trước trướng. Bằng không, chúng ta sẽ bị bọn họ tóm sống”.

Nhưng Trần Dư không nghe theo kế hoạch của Lý Tả Xa, lấy lý do rằng không cần phải dùng mưu kế nhỏ lẻ, kiên quyết chờ đón đánh quân Hán. Kết quả, quân Hán tiến đánh, nước Triệu thất bại, Triệu Vương bị bắt, Trần Dư bị giết chết. Riêng đối với Lý Tả Xa, Hàn Tín mệnh lệnh cho binh lính không ai được sát hại. Hàn Tín còn treo thưởng ngàn lượng vàng cho người nào bắt sống được ông. Lý Tả Xa sau khi bị bắt được Hán Tín dùng lễ hậu đãi như bậc thầy.

Sau này dưới sự tác động của Hàn Tín, Lý Tả Xa đưa ra ý kiến của mình khi bàn bạc về mưu kế của nhà Hán tiến đánh nước Yên, nước Tề.

Ông nói:
“Trí giả tính ngàn điều, tất cũng có một điều sai. Kẻ ngu đần tính ngàn điều, tất cũng được một điều đúng, nay quý quân đánh bại quân Triệu, danh tiếng vang khắp thiên hạ, uy chấn thiên hạ. Đây là cái được của tướng quân. Nhưng dân chúng hiện giờ đã lao lực mệt mỏi, sĩ tốt rã rời kiệt sức, đây là cái cái mất của tướng quân. Nếu như ở tình thế bây giờ tướng quân tiến đánh nước Yên, chưa chắc đã thắng, chi bằng án binh bất động, giữ yên nước Triệu, an ủi vợ con những tướng sĩ chết trận. Sau rồi phái người dùng binh uy khuyên hàng, có thể bình định được Yên, Tề.”

Hàn Tín nghe theo kiến nghị của Lý Tả Xa, phái người đi sứ nước Yên, sau khi phân tích được mất, lợi hại, nước Yên đã thuận theo mà quy hàng. Kế sách “không chiến mà thắng” của Lý Tả Xa đã chứng minh tài năng hơn người của ông. Câu nói “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất. Ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc” cũng được lưu truyền hàng ngàn năm qua như là bài học và lời khuyên răn hữu ích cho người đời sau.

VANDANBNN st tu thân/ gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét