CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
Hiện tượng thơ Lý Phương Liên những năm 70 của thế kỉ XX, tôi chỉ được biết qua
sách vở, qua những câu chuyện kể của những người cùng thời với bà và tôi cũng
chỉ biết được qua những lời giảng của thầy tôi (TS. Trần Văn Phương - Đại học
Quy Nhơn). Điều đặc biệt, những tiết giảng của thầy ở phần Văn học hiện đại
giai đoạn 1945-1975 và văn học giai đoạn sau 1975; ở chuyên đề nào thầy cũng
đều có nhắc đến tên nhà thơ này. Tôi lấy làm lạ và càng gây cho tôi sự tò mò về
tiểu sử và lai lịch của một nhà thơ từng gây tiếng tăm nhưng cũng còn nhiều
điều chưa rõ. Thầy tôi còn nói thêm rằng: Khi bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều
của Lý Phương Liên ra đời đăng trên Báo Văn nghệ (1970) và bị quy kết, có người
lại cho rằng bài thơ này là của người nào đó trong nhóm Nhân văn giai phẩm viết
và để tên ngẫu nhiên Lý Phương Liên như thế; chứ không có một nhà thơ Lý Phương
Liên bằng da, bằng thịt ngoài đời thật…
Với những tình tiết nửa hư nửa thực, cộng với sự tò mò, yêu mến,
kính trọng một nhà thơ tài hoa nên tôi đã cất công tìm hiểu về thơ cũng như
cuộc đời thực của bà. Thơ Lý Phương Liên có thể kể ra một số bài thơ hay như:
Lời ru với anh, Ca bình minh, Em mơ có một phiên tòa được bạn đọc yêu mến (từng
chép vào sổ tay mang theo đến các chiến trường trong những năm kháng chiến
chống Mỹ cứu nước). Nhưng nếu được chọn bài thơ hay nhất của bà, theo chủ quan
cá nhân tôi, tôi sẽ chọn bài Trò chuyện với Thúy Kiều (bài thơ này lúc đầu có
tên là Nghĩ về Thúy Kiều, đăng trên Báo Văn nghệ năm 1970). Tôi chọn bài này là
hay nhất bởi nhiều lẽ: đây là bài thơ “lạ” - chứa đựng tình yêu thương con
người một cách mãnh liệt nhất, chân thành nhất, ở đó người viết bày tỏ tình
cảm, cảm xúc của mình một cách trung thực, thành tâm như chính con tim mách
bảo. Trước những tổn thất lớn của gia đình, trước nỗi đau hiện tại Lý Phương
Liên đã trải lòng mình với mong ước được chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu hơn về
tình đời, tình người. Do vậy bài thơ giàu tính triết lý và giàu giá trị nhân
văn. Với Trò chuyện với Thúy Kiều đã cho thấy đây là một giọng thơ lạ, trong trẻo,
dũng cảm cất lên một cách hồn nhiên - lời thơ giống như lời trò chuyện, lời nói
hàng ngày, mang đậm dấu ấn cá nhân và không thể lẫn lộn với bất cứ một nhà thơ
nào khác. Nhưng cũng chính bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều này mà đã gây bao
hệ lụy cho chính nhà thơ và gia đình. Để rồi nữ sĩ tài hoa Lý Phương Liên “đi
không ai biết, về không ai hay” suốt 40 năm qua. Và đây được coi là một hiện
tượng đặc biệt của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bài thơ dài Trò chuyện với
Thúy Kiều là bài thơ có sức sống vượt thời gian. Ngôn ngữ cứ tuôn ra không
ngừng nghỉ cũng như những suy nghĩ từ trong tâm can bà về nỗi đau, sự chiêm
nghiệm, trăn trở, những triết lý về lẽ sống niềm tin và cả những mơ ước, hy
vọng dự báo về tương lai- đất nước sẽ được hòa bình, nhân dân được sống yên
vui: Nhưng một điều chắc chắn phi thường/ Chúng ta sẽ lên bờ vào một ngày nắng
đẹp.
Tôi còn nhớ ở bài Trò chuyện với Thúy Kiều, thầy tôi đã đọc đi
đọc lại nhiều lần và tôi đã thuộc lòng những câu:
Hai trăm năm và chảy dài vô tận
Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài
Trái đất chúng mình cho đến hôm nay
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến
Còn những đất đai triền miên chinh chiến
Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài …
…………………………………………………..
Đời bao nhiêu sắc màu, bao cung bậc âm thanh
Sắc màu nào chẳng vẽ nên tranh
Cung bực nào chẳng thành thơ, thành nhạc
Đại dương nào ẩn trong màu nước biếc
Chẳng sóng ngầm, mắt bão với phong ba
Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa
Không có vùng trời nào toàn chim hót
Không có cây khế vàng trong cổ tích
Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng …
Những năm 70 của thế kỉ trước, ở thời buổi khó khăn chồng chất
khó khăn, mỗi người tự nuôi sống bản thân mình đã là khó. Vậy mà với nhà thơ Lý
Phương Liên không những lo cho mình mà bà phải cáng đáng với vai trò người trụ
cột trong gia đình để nuôi 5 chị em. Trong vai trò của một người mẹ, một người
cha, một người chị cả để chăm sóc, nuôi nấng, giáo dục đàn em nhỏ của mình.
Điều ấy thật đáng nể phục vô cùng. Mà tâm lý con người ta khi khó khăn thường
hay than vãn cũng là điều dễ hiểu. Than vãn rồi chán nãn, chùn bước, đầu hàng
số phận mới là điều đáng sợ. Đằng này Lý Phương Liên dám nói những sự thật,
đồng thời bà cũng đã có những triết lý sâu sắc về cuộc đời và những dự cảm về
cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc, niềm tin tưởng chắc chắn vào tương lai-
đất nước sẽ thống nhất, đất nước sẽ giành được độc lập. Ngay ở thời điểm năm
1970 mà bà có dự cảm như vậy thì đáng khâm phục quá. Chỉ có điều đáng tiếc
rằng, bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử mà nó khó có thể “sống” bởi
những yêu cầu nghiệt ngã của thời đại, với những ràng buộc về mặt tư tưởng,
đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Ở thời kỳ này, văn học phải có nhiệm vụ
cổ vũ, động viên, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi tinh thần chiến
đấu anh dũng của quân và dân ta, ghi nhận những chiến công hiển hách của các
trận đánh, những thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ca ngợi
Đảng, ca ngợi Bác Hồ… Vì vậy, khi bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều (Nghĩ về
Thúy Kiều) được đăng trên Báo Văn nghệ (1970) thì lập tức ngay sau đó đã bị phê
phán, bị “đánh” tơi bời. Vì cho rằng Lý Phương Liên đau đáu tư duy về thân phận
nàng Kiều, kêu than cho số phận mình, cho số phận của những người phụ nữ Việt
Nam thời hiện đại, cho những điều bất công ngang trái, gieo mầm bi quan yếm thế
làm nản chí người trai trẻ đang ra trận … Trong bài: “Dòng thơ trẻ cần mang
những tình cảm và tâm hồn của thời đại” (Đăng trên Báo Nhân Dân ngày
29/12/1970), nhà thơ Hoàng Trung Thông đã kịch liệt lên án bài thơ Trò chuyện
với Thúy Kiều: “Rắc rối, cầu kỳ trong diễn tả, yếu đuối, sướt mướt trong tình
cảm, bi quan tăm tối trong tư tưởng. Lý Phương Liên hình như cũng muốn từ một
cảnh ngộ riêng mà vươn đến sự trong sáng. Nhưng những gian nan, mất mát đè nặng
trên người cứ được tô đậm lên mãi trong thơ, càng làm cho bài thơ chìm đắm
trong xót xa, trong tiếng kêu rên, và nếu như tác giả muốn “thét lên”, thét lên
nữa thì đó cũng chỉ là tiếng thét của sự bất lực. Tự minh vận cho hoàn cảnh
Thúy Kiều đã là một chuyện không nên về lạc lõng, đặt vấn đề “định mệnh” ra để
chống định mệnh lại là một tư tưởng lỗi thời. Tác giả nói “Tuổi hai mươi không
tin vào định mệnh. Định mệnh là đối thủ tiến công”. Nhưng thực ra thì tư tưởng
định mệnh đã như sợi dây vô hình trói chặt lấy người mình và tác giả cứ phải
giãy giụa kêu lên thảm thiết với những nào “gõ cửa cuộc đời” (Cuộc đời nào?),
những nào “tự mình giải phóng”, “tự cứu”, với thứ triết lý vu vơ “không ngọt êm
mới là hạnh phúc”. Hình như tác giả đã đặt nhầm nơi và không thấy rõ hết bản
chất của chế độ ta. Nghĩ về Thúy Kiều có một khoảng cách khá xa về tư tưởng và
tình cảm với những bài trong sáng khác của Lý Phương Liên. Đó là một dòng đục
đã chảy lẫn vào dòng suối thơ trong trẻo tươi mát của tác giả. Lý Phương Liên,
qua bài Nghĩ về Thúy Kiều, chưa đặt mình trong hoàn cảnh chung của nhân dân và
dân tộc, mà nâng mình lên tầm cao của cách mạng. Cái đau khổ của riêng cá nhân
dẫu sao cũng chỉ là rất nhỏ so với sự hy sinh vĩ đại và sự anh hùng cao cả của
nhân dân và dân tộc. Chỉ ngồi than thở với cảnh ngộ cá nhân thực tế là đã tự hạ
thấp mình xuống”. Việc phê phán và quy kết như vậy tôi cho là hơi quá đối với
một hồn thơ trẻ tài năng. Vì rằng trong Trò chuyện với Thúy Kiều, Lý Phương
Liên than thở với số phận khổ đau, bất hạnh của gia đình mình, của chính mình
cũng có nghĩa là bà đang khao khát và mơ ước về hạnh phúc. Vì không ai trên đời
này không mong cầu hạnh phúc. Cầu mong hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc là dấu
hiệu nhận biết sự lành mạnh của mỗi người. Với tấm lòng của một con người vốn
nặng nợ với đời, nhà thơ lại chạnh lòng với mảnh đời bất hạnh của Thúy Kiều,
Đạm Tiên. Lòng lại đau khi nhân dân mình, dân tộc mình với cuộc mưu sinh đầy
gian khó…
Trước khi được gặp Nhà thơ Lý Phương Liên, tôi cứ nghĩ rằng, sau
tai nạn nghề nghiệp, bị cơn thác dữ về thơ những năm 70, bà đã im hơi lặng
tiếng đến cả 40 năm trời thì chắc bà đã quên thơ, từ bỏ thơ. Nhưng cái suy nghĩ
của tôi hoàn toàn sai khi tôi trực tiếp diện kiến với bà,được trò chuyện với
một Lý Phương Liên bằng da, bằng thịt ở ngoài đời thật. Vậy là sự tò mò của tôi
dần dần được làm sáng tỏ. Lần đầu tiên tôi gặp bà vào một ngày mùa hạ (năm
2012) giữa cái nắng bỏng rát, đầy gió bụi của Sài Gòn tại nhà riêng trên đường
Ký Con, Quận 1. Và cũng lần đầu tiên tôi được đón nhận tình cảm đặc biệt chân
thành và nồng hậu của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy. Tôi
và bà chưa được gặp nhau lần nào và đây là lần đầu tiên nhưng sao cái cảm giác
hình như đã thân quen nhau từ trước, tình cảm thân thương ấm áp đến lạ. Tôi nhớ
như in những lời bà tâm tình trò chuyện ngay lần đầu gặp nhau đó. Trò chuyện
với vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bảy, tôi mới biết thêm khá
nhiều điều thú vị về cuộc đời “lênh đênh chìm nổi” của vợ chồng bà cũng như
những câu chuyện đời sống thường nhật và cả những gì liên quan đến văn chương
thơ phú. Bà lần giở trong ngăn tủ những tờ báo có đăng thơ bà những năm 68,69,70
của thế kỉ trước cho tôi xem, những tờ báo theo thời gian đã hoen ố, cũ kỹ
nhưng được bà cất giữ cẩn thận. Bà bảo đó là những kỷ niệm đẹp một thời, nó là
những thứ bà cần phải lưu giữ. Gặp bà lần đầu tiên nhưng tôi đã quý bà và kính
trọng bà. Tôi quý bà bởi sự khiêm tốn, một sự khiêm tốn đáng kính trọng, dù tên
tuổi đã nổi tiếng một thời, thơ bà cũng đã sống được và khẳng định giá trị đích
thực của nó với thời gian nhưng chưa bao giờ bà nhận mình là nhà thơ. Bà giãi
bày: “Lý Phương Liên tôi, cha mẹ mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi
ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung
lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố những năm 1970 và dài theo nhiều năm sau
đó”. Thi sĩ Lý Phương Liên cũng từng khẳng định: “Thơ tôi chỉ là thơ học trò
bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le
đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi
tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao nhiêu người tài hoa thời ấy, được
học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh
với họ”. Cứ tưởng sau những năm sóng gió, khổ ải từ Hà Nội gia đình bà trôi dạt
vào phương Nam sinh sống đến giờ chắc bà đã già và tiều tụy lắm rồi. Gặp bà, dù
đã ở vào cái tuổi gần bảy mươi, đã trải qua bao lo toan nhọc nhằn cơm áo nhưng
trông bà vẫn mang một nét lịch lãm, thanh tú, phúc hậu của một người con của
đất Hà thành. Bây giờ bà đã là vợ, là mẹ, là bà. Con cái đã trưởng thành và có
công việc ổn định. Người con trai lớn là đạo diễn - diễn viên điện ảnh; người
con gái út là họa sĩ… Bà bảo ngay từ nhỏ, ông bà đã hướng các con là không đứa
nào theo cái nghiệp văn chương thơ phú… Vì sợ rằng chúng nó cũng phải lao tâm
khổ tứ và gặp tai ương như bố mẹ!
Lý Phương Liên đã từng tâm sự: “Tôi nín lặng với thơ suốt 40 năm
nay vì lời nguyền bỏ thơ của Lý Phương Liên, chính tôi, không vì bất cứ sự đe
dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần
hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực,
tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều
gì”. Sau 40 năm vắng bóng trên thi đàn, năm 2011 Lý Phương Liên xuất hiện trở
lại bằng sự kiện bà cho ra đời tập thơ Ca bình minh. Tập thơ ra đời và được
công bố rộng rãi đã tạo nên những hiệu ứng đặc biệt. Và một sự thật là có một
Nhà thơ Lý Phương Liên bằng da, bằng thịt đang hiện hữu trên cuộc đời này. Điều
may mắn và niềm hạnh phúc lớn lao đối với bản thân tôi là tôi đã được gặp, được
trò chuyện với thi sĩ Lý Phương Liên. Càng vinh dự và đáng quý hơn là tôi đã
được đồng hành cùng bà và chồng bà, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đọc chọn cho Bộ
sách Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn do vợ chồng bà làm Chủ biên.
Gặp vợ chồng Lý Phương Liên, dù có bàn công việc gì đi nữa, ông
bà vẫn luôn dành thời gian để nói về thơ, nói với tất cả bằng sự đam mê, thích
thú; kể về những kỷ niệm, những dấu mốc, những bài thơ của ông bà lần đầu đăng
báo và cả những hệ lụy của gia đình có liên quan đến thơ…Vì bạn hữu, vì tâm
huyết với thơ mà hai vợ chồng phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để
thực hiện tâm nguyện tha thiết đau đáu cả một đời. Với gia đình ông, thơ có lẽ
là duyên nợ, là người bạn tâm giao, là những gì máu thịt, là hơi thở, là những
điều thiêng liêng nhất đối với cuộc đời mình. Vì lẽ đó mà bà đã khởi xướng và
thực hiện ý tưởng: chọn thơ của bạn đọc để tập hợp in Tuyển thơ Thơ Bạn Thơ cho
bạn đọc khắp mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta đang sinh sống, học tập và
làm việc ở nước ngoài. Thơ Bạn Thơ ra đời có nhiệm vụ tập hợp những bài thơ bị
bỏ quên, bỏ sót hay vì lý do nào đó chưa công bố; những bài thơ gắn liền với
những tên tuổi khá nổi tiếng, nó đã sống được trong lòng bạn đọc theo cùng thời
gian và năm tháng, đến những bài thơ của những tác giả mới xuất hiện (dù họ
chưa thành danh, bạn đọc có thể chưa từng đọc thơ họ) nhưng miễn là thơ hay thì
được chọn. Tôi cho đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang giá trị thời
đại của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy. Một việc làm, một
nghĩa cử đáng quý, đáng trân trọng cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Thực
hiện công trình Bộ sách Thơ Bạn Thơ (đã in xong tập 3) và đồng thời tiếp tục
thực hiện sách Văn Bạn Văn ( đang in tập 2), đó là thực hiện tâm nguyện cuối
đời của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu dần nhưng bằng niềm tin,
sự đam mê, “cháy” hết mình với văn chương mà vợ chồng bà hình như đã quên đi
tuổi tác, bệnh tật. Mỗi lần sách in xong, ông bà đều thu xếp mọi thứ để tổ chức
ra mắt, giới thiệu với bạn đọc cả nước… Những ngày cuối tháng 7/2013, khi biết
tin vợ chồng bà không được khỏe, tôi sắp xếp công việc và vội vàng về thăm ông
bà. Như một đứa con xa trở về, tôi được ông bà dành cho những tình cảm đặc
biệt. 5h sáng tôi đã có mặt tại nhà vợ chồng bà Lý Phương Liên ở Quận 1, dù bị
bệnh nhưng ông bà vẫn thức dậy sớm để đón tôi. Sự chào đón nồng hậu đó làm cho
tôi hết sức cảm động. Vào thăm được mấy hôm, vì có công việc gấp nên tôi phải
sắp xếp để về lại quê.
Buổi sáng của một ngày cuối hạ, thời tiết chuyển mùa, Sài Gòn
lại có những cơn mưa bất chợt nhưng Lý Phương Liên đã dậy sớm đội áo mưa đi chợ
chuẩn bị mọi thứ cho bữa ăn sáng để kịp cho tôi về lại Phú Yên. Chào tạm biệt
vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên tôi về quê để tiếp tục công việc của mình. Trước
khi đi bà đã dặn tôi nhiều điều về cuộc sống, công việc, cách đối nhân xử thế…
bằng tình cảm của một người đi trước, người đã từng nếm trải bao vị đắng cay
của cuộc đời. Vợ chồng bà không sinh ra tôi, nhưng tôi coi ông bà như người
cha, người mẹ thứ hai của mình. Tôi coi Nguyễn Nguyên Bảy là thầy, gọi ông là
thầy, là một người thầy theo đúng nghĩa của từ này. Được tiếp xúc với bà và may
mắn tôi được tham gia đọc chọn bài cho 2 bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn mà
vợ chồng Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bảy làm Chủ biên, tôi mới thấy trân quý
và cảm phục vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên trên nhiều phương diện.
Tận đáy lòng mình, xin được cảm ơn những tình cảm mà vợ chồng bà
Lý Phương Liên đã dành cho tôi, cảm ơn về những lần gặp gỡ hết sức ý nghĩa.
Chúc ông bà mạnh khỏe và thực hiện thành công những tâm nguyện của mình!
/ Mời đọc tiếp/ 14. ĐỖ LỢI
Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét