CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ
VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN
CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ
TƠ
6. HỒ XUÂN ĐÀ
TIẾNG LÒNG CỦA NỮ GIỚI
(Nhân đọc tập truyện
ngắn Đôi bàn tay mẹ của Hồ Xuân Đà,
Đôi bàn tay mẹ là tập sách thứ 5 của nhà giáo, nhà văn Hồ Xuân Đà. Tập sách
được viết ra bằng tất cả những tình cảm, sự tâm huyết, trăn trở, suy ngẫm của
chị về con người và cuộc đời.
Sự thức nhận đầy tỉnh
táo và sâu sắc trước những va đập, những biến cố, tác động của ngoại cảnh. Nhà
văn đã cảm nhận rất rõ những mất mát và thiệt thòi của bản thân, đó là thanh
xuân một đi không trở lại. Một tâm hồn trẻ trung, yêu đời đã dần già nua, cằn
cỗi trước bước đi của thời gian. Hồ Xuân Đà đã lấy sức chịu đựng của chính mình
và tình yêu văn chương làm chỗ nương náu để chống lại sự chai lì của tâm hồn
dưới sự bào mòn của thời gian. Dù trải qua những khổ đau nhưng trong tận sâu
thẳm tâm hồn mình chưa bao giờ thôi khao khát, ước mơ. Chị đã vượt lên trên số
phận bằng chính niềm tin, sự yêu thương, tình yêu nghề và sự nỗ lực phấn đấu
không mệt mỏi để vươn lên, hướng về cái đẹp. Những gì chị đã và đang thực hiện
cũng phần nào sưởi ấm và ít nhất cũng là niềm vui để chị có thể vững bước thực
hiện những ước mơ còn lại của cuộc đời mình.
Các truyện ngắn trong
Đôi bàn tay mẹ chủ yếu tập trung viết về phụ nữ, nói về phụ nữ, đề cập mổ xẻ,
khai thác về đề tài phụ nữ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đó hiện diện hình
ảnh những người phụ nữ với bao số phận, hoàn cảnh đáng thương. Đa phần họ là
những người chịu thương chịu khó, luôn khát khao hạnh phúc, yêu thương; họ luôn
mơ về một mái ấm bình yên, được sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ước
mơ và khao khát của họ hoàn toàn chính đáng nhưng cuộc đời không phải đơn giản
như những điều mình nghĩ mà luôn có bao bất trắc và biến cố xảy ra. Dù trong
hoàn cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời thì ở họ cũng toát lên phẩm chất đáng quý
đó là sự hy sinh bản thân mình cho gia đình và những đứa con. Họ luôn phấn đấu
và vươn lên để hướng đến những điều tốt đẹp. Ấy vậy mà dường như sự may mắn ít
mỉm cười với họ.
Đọc qua các truyện
Ngày biển động, Đôi bàn tay mẹ, Quán hủ tiếu đêm, Ước mơ của Nguyệt…, người đọc
không khỏi rưng rưng. Những sự thật về nỗi đau, sự cô đơn, nhẫn nhịn, “lép vế”
của người đàn bà trong gia đình lần lượt được nhà văn thuật lại như một thước
phim quay chậm. Trong truyện Ngày mới cùng con, người đọc bắt gặp tình cảnh của
người phụ nữ trẻ phải phụ thuộc chồng, khi bản thân mình không có việc làm, mọi
chi phí sinh hoạt phải ngửa tay xin chồng. Người đàn bà chỉ biết quanh quẩn
trong nhà chăm sóc con, ngay đến việc gặp bạn bè cũng khó. Nhân vật “tôi” sâu
sắc nhận ra: phải chi ngày ấy đừng mềm lòng, cứng rắn hơn một chút, phải chi
ngày ấy học hành bài bản, có công ăn việc làm ổn định rồi mới lập gia đình thì
giờ đâu đến nỗi này. Ngày mới cưới thì được chiều chuộng và yêu thương hết mực,
nhưng sau đó vì vợ “ăn bám” nên chồng cũng đâm ra gắt gỏng. Rồi bao nhiêu thứ
không hay xảy ra. Để rồi đến một ngày phải kết thúc – bởi không thể cùng chung
một bước đường. “Chồng tôi đã đơn phương gửi đơn ly hôn, không một lời bàn bạc
hay thảo luận…”. “Nghĩ cũng lạ tại sao lúc nào tôi cũng phải là người nhún
nhường hết tất cả. Mẹ bảo tôi làm đơn xin tòa hòa giải cho trường hợp của hai
vợ chồng, vì chúng tôi còn trẻ quá, sai lầm nào cũng có thể sửa chữa. Nhìn
những gia đình đã ly hôn thiệt thòi con cái họ phải gánh chịu mà mẹ tôi không
đành lòng”. Lời tự thuật, đối thoại, độc thoại của các nhân vật nữ ở hầu hết
các truyện trong tập sách đều nghe xa xót, đôi lúc có vẻ như oán trách, thở
than nhưng cũng có khi quẫy đạp và muốn tự khẳng định mình.
Hồ Xuân Đà đã khéo léo
khơi gợi ý thức nữ quyền, giãi bày từng góc cạnh trong tâm hồn nữ giới. Tất cả
mọi trạng thái, cung bậc cảm xúc, đời sống được nhìn nhận rất thật, rất nữ tính
không hề giấu giếm hay che đậy. Nhân vật nữ xưng “tôi” từ đầu đến cuối tập sách
phần nào thể hiện rõ điều đó. Đã trải qua những thua thiệt trên bước đường tình
ái, nhân vật “tôi” thẳng thắn thừa nhận những tổn thương, được – mất và bày tỏ những
khao khát được sống là chính mình. Các nhân vật nữ khác trong một số truyện
cũng thành thật giãi bày những suy nghĩ của chính lòng mình, con tim mình mách
bảo. Đặc biệt, Hồ Xuân Đà luôn hướng về khám phá, mổ xẻ vào tận cùng những nỗi
đau, sự cô đơn, những bất trắc của những thân phận phụ nữ.
Qua mỗi truyện, nhà
văn đều có những thông điệp muốn gửi gắm, sẻ chia. Những người đàn bà trong tác
phẩm của chị là hiện thân của những cảnh thật ở ngoài đời. Do vậy, người đọc
không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp hoàn cảnh của cô Mai, cô Nguyệt, cô Phượng,
cô Lan, cô Ngọc… Đời suy cho cùng con người phải gánh vác trên vai trách nhiệm
và cùng với đó là nỗi đau, sự khao khát kiếm tìm, nỗi cô đơn, sự giày vò theo
năm tháng. Thiệt thòi phần nhiều vẫn là những thân phận người phụ nữ và những
đứa trẻ sinh ra trong những gia đình ấy. Tuy nhiên, có một số bà mẹ chỉ được
nhắc thoáng qua, độc giả chỉ biết là họ đã bỏ lại con thơ cho chồng và gia đình
nhà chồng. Đứa trẻ ấy lại càng đáng thương hơn khi nó thiếu đi tình thương của
mẹ, ngoài sự vô tâm của cha… Hình ảnh cậu bé Lộc trong truyện Cơn mưa giờ tan
trường làm cho người đọc rơi nước mắt. Những đứa trẻ khác được cha mẹ, ông bà
đón sau mỗi lúc tan trường còn Lộc vì sống với bố (mà bố thì sáng xỉn chiều
say, nội thì già yếu) nên buổi học hôm đó cô giáo phải chở về tận nhà. Lúc đầu
cô giáo cũng hơi cáu gắt vì phụ huynh không đón, mình còn biết bao nhiêu việc
phải lo cho gia đình. Nhưng khi chở Lộc về đến tận nhà và gặp ông nội của Lộc,
biết được gia cảnh của Lộc thì cô giáo đã cảm thấy chạnh lòng. Nghề dạy trẻ mầm
non, người cô ấy cũng chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh những đứa trẻ
thiệt thòi. Nhà văn Hồ Xuân Đà đã tạo dựng lại đoạn trò chuyện giữa mẹ và hai
đứa con khi hỏi về bố trong truyện Khi nhà vắng cha rất chân thực và cảm động.
Những hành động, việc làm của người anh tên Gỗ (Minh Quân) và đứa em gái Thy
Minh có cái đáng yêu của trẻ nhỏ. Rồi cả những mơ ước cũng rất đời và nhân văn.
Bởi trẻ cần lắm người cha bên mình! Hồ Xuân Đà luôn thường trực bộc lộ một cái
tôi hoài nghi trước những quy ước, giá trị truyền thống, giá trị của sự sống và
cả giá trị của nghề viết lách. Bằng sự nhạy cảm và sự tinh tế của tâm hồn chị
đã không ngần ngại khi đề cập đến những sự thật ấy.
Những mảnh ghép cuộc
đời – phần nào đã minh chứng cho thực trạng đời sống thơ ca và những mặt trái
của đời sống công nghệ thời 4.0. Người đọc bắt gặp trong tác phẩm của nhà giáo,
nhà văn Hồ Xuân Đà nét giản dị, mộc mạc, gần gũi. Ở đó, là những lời giãi bày
gan ruột, là tiếng nói cất lên từ trái tim yêu thương, sự cảm thông và sẻ chia
sâu sắc đến thân phận con người. Có lẽ cũng là người phụ nữ, và hơn hết chị
cũng là người mẹ đơn thân phải một mình cáng đáng trong vai trò vừa làm mẹ vừa
làm cha để nuôi nấng, dạy bảo hai đứa con thơ nên chị càng thấu rõ nỗi đau của
những người cùng cảnh ngộ. Những trang văn của Hồ Xuân Đà, luôn ẩn hiện bóng
dáng của chị. Cuộc đời khổ đau và thăng trầm về hạnh phúc đã góp phần sản sinh
những trang văn buồn mênh mang với bao khát vọng, mơ ước về tương lai; thấm đẫm
tinh thần nhân văn, nhân ái.
Thế giới nghệ thuật
trong truyện ngắn Hồ Xuân Đà đa dạng, nhiều chiều và có những nét độc đáo, đã
mang đến cho độc giả những trải nghiệm và cái nhìn đầy đủ hơn về thế giới và
cuộc sống quanh mình, nhất là những người phụ nữ. Tất cả những điều đó xuất
phát từ sự nhạy cảm và cái tâm của người cầm bút.
Đôi bàn tay mẹ dung
dị, đơn sơ như chính bàn tay của những người mẹ qua bao thế thế hệ, mưa nắng
thăng trầm, nuôi dưỡng những đứa con, với những cảm xúc chân thật, không cần
quá nhiều sự điểm tô bằng khuôn vàng thước ngọc, nhưng bước đầu Hồ Xuân Đà đã
thiết lập được tiếng nói riêng của nữ giới với một cái tôi đa ngã hướng vào
khám phá chiều sâu những phẩm tính của bản thể nữ. Dù khái niệm “nam nữ bình
quyền” được nói nhiều, nhắc nhiều nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy. Bằng trải
nghiệm của cá nhân, sự nhạy cảm và thức thời Đôi bàn tay mẹ đã góp thêm tiếng
nói, mong muốn được khẳng định vị thế của nữ giới trong đời sống hiện đại. Tôi
tin, với nội lực, sự đam mê và tình yêu nghề, yêu người; nhà giáo, nhà văn Hồ
Xuân Đà sẽ có nhiều tác phẩm mới có sức lay động và lan tỏa đến với công chúng.
/ Mời đọc tiếp/ 7.
Nguyên Hậu
Con Tắm Rút Ruột Nhả
Tơ – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét