Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ / Nguyễn Văn Hòa/ 5. NGUYỄN QUANG CƯƠNG


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
5. NGUYỄN QUANG CƯƠNG

MẸ

Thuở con khóc oa oa, cha mẹ với ông bà
Nhiều đêm trắng thức cay tròng mắt.
Chỗ ướt mẹ nằm, nơi chiếu khô mẹ đặt
Con nằm, thế thế suốt mùa đông.

Những buổi chợ hôm, chợ huyện gánh gồng
Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ.
Những khi con ấm mình trở gió.
Mẹ bế bồng lội suốt đêm sâu.

Bé bỏng mẹ ơi, con có hiểu nhiều đâu
Áo mẹ cứ bạc màu, áo con luôn đẹp mới
Mẹ đón trường gần, trường xa ngóng đợi
Có miếng ngon để dành, phần mẹ chút rau dưa.

Rát bỏng mùa hè, buốt cóng mùa mưa
Mẹ đến sớm hơn mặt trời trên ruộng lúa
Chủ nhật con về, mẹ mừng một nửa
Một nửa lo sang hàng xóm tạm vay tiền.

Bạn con về, khách chị, khách em
Con gà nhỏ đĩa đầy, không dành phần để lại
Chúng con vui mà mẹ thì cặm cụi
Tiễn khách đi rạng rỡ – mẹ cười !

Như dòng sông vỗ xanh bãi sa bồi
Vành nón xạm, gió đồng lay lật mãi
Bóng nghiêng xuống mùa màng gặt hái
Suốt một đời, cứ thế, sống cho con !

Thơ Nguyễn Quang Cương

Nguyễn Văn Hòa, Đò đưa..
Sự hiện diện của mỗi con người trên thế gian này đều có công lao rất lớn từ mẹ. Mẹ chính là người đã sinh ra, nuôi dưỡng mỗi chúng ta lớn lên cả phần xác lẫn phần hồn. Mẹ là thiêng liêng, là cao quý. Dù có đi đâu, làm gì, dù đã trưởng thành đi nữa; trước mẹ mình vẫn bé bỏng muốn được mẹ ôm vào lòng để vỗ về, chỉ bảo. Bởi vì: “Không ai có được một cái nhìn thấu như người mẹ. Giữa người mẹ và đứa con dường như có một sợi dây bí mật vô hình mà nhờ đó mỗi một sự xao động trong tâm hồn đứa trẻ đều được người mẹ cảm nhận như một nỗi đau trong tim mình và mỗi một thành công của đứa trẻ thì người mẹ cũng thấy đó như là một niềm vui của đời mình” (Honore de Balzac).

Bài thơ Mẹ của nhà thơ Nguyễn Quang Cương là lời tự thuật của chính mình về mẹ, với những hành động, việc làm, tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ dành cho con. Để giờ đây, mỗi khi nhắc về mẹ, nghĩ về mẹ nhà thơ lại cảm thấy xót xa, thương cảm. Một người đàn bà từ khi sinh ra đến lúc từ giã cõi đời luôn chịu nhiều thua thiệt, chưa hưởng được những năm tháng an nhàn thì mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Nhà thơ chưa đáp đền, báo hiếu cho mẹ bao nhiêu thì mẹ đã về với cỏ xanh mây trắng.
Với ngôn ngữ giản dị, lời thơ nhẹ nhàng như lời tâm tình nhưng đã đánh động lòng trắc ẩn của nhiều trái tim, bởi đó là những hình ảnh rất thật, rất đời và rất nhân văn nhân ái.

Tạo hóa sinh ra người đàn bà có thiên chức đặc biệt đó là mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh ra những đứa con. Cứ một sinh linh hiện hữu trên cõi đời này đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải chăm chút với bao lo lắng, nhọc nhằn, khổ ải. Lúc nhỏ thì phải bế bồng, chăm chút; lớn lên phải dạy dỗ, cho con học hành, rồi tạo công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho chúng. Đặc biệt là những người mẹ nông thôn, những người mẹ nghèo lại sinh con đông thì nỗi nhọc nhằn ấy lại tăng gấp bội phần. Mẹ của nhà thơ Nguyễn Quang Cương là một bà mẹ như thế.

Bài thơ có 6 khổ, mỗi khổ là một khúc ca về mẹ; với lòng thành kính biết ơn của con đối với mẹ. Đó là những lời được nói ra từ trong tâm can, huyết mạch của nhà thơ.
Thuở con khóc oa oa, cha mẹ với ông bà/ Nhiều đêm trắng thức cay tròng mắt.
Bằng tấm lòng của một người mẹ yêu thương con. Mẹ chịu thiệt thòi mọi thứ cũng chỉ vì để dành tình thương cho các con. Những lúc con ốm đau mẹ phải nhiều đêm thức trắng để chăm sóc, dỗ dành. Mẹ không thể nào ngủ được vì sự sống của con. Những lúc con “tè” dầm ướt cả mền, chiếu; bằng tình mẫu tử thiêng liêng, mẹ “xử lý” bằng cách: Chỗ ướt mẹ nằm, nơi chiếu khô mẹ đặt/ Con nằm, thế thế suốt mùa đông.
Vì sự sinh tồn của các con và cả gia đình, mẹ phải lặn lội thân cò, ngược xuôi hôm sớm, buôn thúng bán bưng từng mớ rau, gánh khoai, con cá; không quản gần xa, khó nhọc gánh gồng. Những buổi chợ hôm, chợ huyện gánh gồng.

Người mẹ của một gia đình đông con nên phải chắt bóp, dành dụm từng đồng từng cắc cũng vì các con, và cho các con. Càng cảm động hơn khi mỗi buổi chợ về mẹ luôn luôn nhớ để mua quà bánh cho con. Bởi mẹ hiểu tâm lý của con trẻ, bởi mẹ thương những đứa con bé bỏng của mình. Cuộc đời người mẹ nghèo trải qua những năm tháng chiến tranh, trải qua những nhọc nhằn được thua cơm áo, những thiếu thốn của cuộc đời mẹ, của tuổi thơ không mấy bình yên… Nên người mẹ thấu rõ và muốn dành cho con những gì có thể. Mà nhà nghèo, buôn bán thì bữa được bữa mất, lấy đâu ra tiền nhiều? Nên mẹ quên mua trầu cho chính mẹ cũng là điều dễ hiểu: “Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ”. Cái quên này là có chủ ý. Tôi cho rằng không phải mẹ đoản trí mà người mẹ cố tình quên. Quên để tiết kiệm tiền cho các con. Sự quên của mẹ lại làm người đọc rơm rớm nước mắt. Mẹ phải dè xẻn (nhịn ăn trầu) những cái thuộc về cá nhân mình cũng vì đàn con.

Khi viết bài thơ này là lúc nhà thơ đã trưởng thành. Nhưng những ký ức về những năm tháng tuổi thơ, những kỉ niệm của một thuở cắp sách đến trường (thời học ở trường làng, trường huyện và cả thời sinh viên) vẫn hiện về như những thước phim quay chậm.

Bé bỏng mẹ ơi, con có hiểu nhiều đâu/ Áo mẹ cứ bạc màu, áo con luôn đẹp mới/ Mẹ đón trường gần, trường xa ngóng đợi/ Có miếng ngon để dành, phần mẹ chút rau dưa.
Ngày ấy, nhà thơ cũng tự nhận mình là người chưa hiểu nhiều vì còn bé. Và vì còn bé nên chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu vì sao: Áo mẹ cứ bạc màu, áo con luôn đẹp mới. Bởi mẹ có mua sắm cho mẹ đâu. Mẹ lo cho con mọi thứ. Mẹ đón trường gần, trường xa ngóng đợi. Mẹ lo cho con đến từng miếng ăn. Có miếng ăn ngon mẹ cũng đều dành cho con, phần mẹ thì chỉ chút rau dưa là đủ. Mẹ nhịn cả ăn ngon, mặc đẹp dành hết cho con. Vì mẹ sợ con mình không bằng bạn bằng bè thì tội. Dù gia đình nghèo nhưng nhà thơ và các anh chị em trong nhà đều được mẹ rất mực yêu thương, chiều chuộng và chăm chút.

Có lẽ trong những năm tháng tuổi thơ, mỗi chúng ta thường bị mẹ la rầy, quát mắng. Lúc đó, vì không hiểu nên nhiều người cho rằng mẹ mình không tốt, không yêu thương chúng ta; thậm chí có người có thái độ vô lễ với mẹ. Sau này khi đã trưởng thành, có gia đình con cái mới thấy thấm thía những lời mẹ cha ngày trước dạy mình.
Nhà thơ thấu hiểu tâm trạng nửa mừng nửa lo của mẹ. Học đến cuối tuần mới về nhà: mẹ mừng lắm vì được gặp các con sau một tuần xa nhà. Có món ăn ngon mẹ cũng để dành cho con. Bởi mẹ hiểu rằng con mình nhà nghèo, trọ học lại càng thiếu thốn và không ai lo cho. Trên chỗ trọ học không biết các con ăn uống thế nào, học hành có tốt hay không? Cuối tuần các con về thăm nhà thì mẹ mừng lắm, nhưng mẹ cũng lại canh cánh nỗi lo. Đó là phải chạy tiền cho các con tuần kế tiếp. Mà nhà thuần túy làm nông, thời tiết miền Trung lại khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều, lũ lụt hạn hán triền miên nên mùa màng thất bát; con lại đông, bán buôn thì cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Gia đình đông người lại phải chi tiêu nhiều thứ. Mẹ phải chạy vạy ngược xuôi vay mượn hàng xóm láng giềng. Thật cảm động cho tình mẫu tử của một gia đình nghèo, đông con.
Đời mẹ dãi dầu sương gió, nắng mưa: Rát bỏng mùa hè, buốt cóng mùa mưa/ Mẹ đến sớm hơn mặt trời trên ruộng lúa. Mẹ đội mưa, đội gió, đội cả bão giông để ra đồng làm việc. Tất cả cũng vì đàn con thân yêu. Sinh ra trong gia đình nghèo và ở thời buổi đất nước có chiến tranh nên mẹ không được học hành và không biết nhiều chữ nghĩa. Nhưng cái đặc biệt ở mẹ là biết tính toán, thu xếp, dành dụm, tiết kiệm, chi tiêu dè xẻn đúng chỗ, đúng lúc. Có như thế, mẹ mới nuôi nổi cả đàn con 9 đứa của mình.

Nhà nghèo nhưng mẹ thương con và mến khách. Cách đối đãi và hành xử của mẹ rất đáng để con học hỏi và ghi nhớ suốt đời. Bạn con về, khách chị, khách em/ Con gà nhỏ đĩa đầy, không dành phần để lại. Mẹ đã tiếp đãi ân cần và chu đáo nhất có thể đối với một gia đình nông dân. Con gà nhỏ - vì không còn con nào lớn hơn, những con lớn hơn mẹ đã đem đi chợ bán từ trước rồi nên giờ đâu còn nữa? Cả con và bạn đều vui vì được mẹ lo tươm tất, con và khách no còn mẹ thì đói; con và khách vui thì mẹ lại bận bịu, cặm cụi với nhiều việc phải làm… Nhưng mẹ cảm thấy vui! Chúng con vui mà mẹ thì cặm cụi/ Tiễn khách đi rạng rỡ – mẹ cười !

Đến khổ thơ cuối, nhà thơ Nguyễn Quang Cương có sự so sánh thú vị: “Như dòng sông vỗ xanh bãi sa bồi”: câu thơ giàu sức gợi, đó là sự hi sinh thầm lặng, sự tảo tần, thương yêu vô bờ của mẹ đối với con. Vành nón xạm, gió đồng lay lật mãi/ Bóng nghiêng xuống mùa màng gặt hái/ Suốt một đời, cứ thế, sống cho con! Vâng, người mẹ ấy đã trọn đời sống cho con, vì con. Người mẹ ấy đã sẵn sàng đánh đổi cả đời mình vì sự trưởng thành, khôn lớn và thành đạt của các con.

Xuyên suốt bài thơ, người đọc nhận thấy nhà thơ sử dụng rất nhiều cặp từ đối lập: ướt – khô, quên – nhớ, bạc màu - đẹp mới, gần – xa, mừng – lo, đầy – không, vui – cặm cụi, miếng ngon – rau dưa. Càng tô đậm thêm hình ảnh người mẹ tảo tần, giàu đức hi sinh, đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng của cuộc đời mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Cương cũng đã từng tâm sự rằng: gia đình ông là một gia đình nông dân chính hiệu, lại đông anh em. Mẹ sinh tất cả 9 anh chị em, từ trong xoáy lốc chiến tranh và bỏng rát của thời bao cấp. 9 người con ấy được sự nuôi nấng, dạy dỗ của mẹ giờ họ đã trở thành Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư, doanh nhân… Có thể nói, hiếm có một gia đình nào trên dải đất cong cong như hình chữ S này được như vậy. Nhà thơ coi mẹ mình chính là người mẹ anh hùng. Vâng! Bà chính là người mẹ anh hùng. Tôi cho đây là một gia đình đại phúc. Có lẽ dưới nấm mộ sâu mẹ nhà thơ Nguyễn Quang Cương đã mỉm cười thỏa nguyện vì 9 đứa con của bà đã thực sự trưởng thành, là những công dân có ích cho xã hội.

Bài thơ Mẹ là lời nhắc nhớ, là tấm lòng biết ơn, thành kính, sự cảm thông, thấu hiểu của con đối với mẹ. Giờ đây nhà thơ cũng đã có con, đời ông cũng đã trải qua những năm tháng gian lao, vất vả vì cuộc sống áo cơm. Nguyễn Quang Cương mới thấm thía tình yêu thương, sự chở che, lòng bao dung và sự hi sinh thầm lặng của mẹ.

/ Mời đọc tiếp/ 6. Hồ Xuân Đà
Con Tắm Rút Ruột Nhả Tơ – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét