Dù chưa định hình rõ nét về phong cách nhưng thơ Trần Huy Minh Phương cũng
đã có những nét riêng - đó là một giọng thơ giàu tính
tự sự và mang nhiều nỗi niềm hoài niệm.
Hoài niệm trong thơ anh là những hoài niệm về câu chuyện tình yêu, về một
vùng đất, một mái ấm gia đình, một vùng đồng bằng châu thổ, về dòng sông, về
ông bà, về mẹ, về cha, về những người chị, người em… ở nơi quê nhà lam lũ. Anh
vẽ nên một vùng quê phía Tây Nam của Tổ quốc trong tâm tưởng, một vùng đất đã
hóa thành bất tử qua những kỷ niệm. Những kỷ niệm một thời đã mở ra cả một thế
giới tinh thần của nhà thơ. Và nó thường trở đi trở lại, thao thức thường trực
trong con người anh và tạo nên những dòng cảm xúc bền bĩ.
Hành trình về với tuổi thơ là tiếng nói sâu thẳm nhất xuất phát tận đáy tâm
hồn nhà thơ:
/ ta về thăm lại giếng sau nhà nội/ vạch lối cỏ gai, tàu dừa nghẽn lối/ đôi thùng nước sóng sánh theo bước chú/ mẹ giặt đồ ở đó/ cha mài dao và phơi tấm lưng trần gầy guộc dội từng gáo nước/ rung mặt giếng/ lần đầu tôi uống nước đầy bụng lúc tập bơi/ cũng ở đó/ nước mắt chị hai buồn bị đòn oan …
/ ngày nội bán nhà dời xóm cũ/ cái giếng theo tôi tẩy
rửa muộn phiền/ (nghe nói chủ mới lấp giếng tráng gạch men làm hồ bơi)/ cái giếng
của tóc miểng dừa/ cái giếng của bầu trời rợp tiếng ve/ cái giếng đưa ta về/
trong mơ/ trong mơ/ trong mơ/ lóng lánh ngọc Mỵ Châu…
(Giếng nước sau nhà nội)
Câu thơ “cái giếng theo tôi tẩy rửa muộn phiền” là một câu thơ độc
đáo, có sức liên tưởng mạnh mẽ, tạo chiều sâu suy nghĩ cho người đọc.
Nỗi niềm hoài niệm trong thơ Trần Huy Minh Phương không đơn thuần là sự trở
về với những kỷ niệm của tuổi thơ, của một thời đã qua, của những người thân,
những sự việc, sự kiện đã xảy ra trong đời sống… mà đó là sự quay về với cội
nguồn sinh dưỡng, với truyền thống quê hương… Đó là sự trở về với những giá trị
đạo đức thẩm mỹ mang tính lâu bền vĩnh cửu. Từ đó anh nhận ra ý nghĩa, giá trị
đích thực của cuộc sống, của cuộc đời này:
Tôi giở trang lịch sử/ sau cặp kính của ông, của cha/ và cánh đồng ăm ắp
truyền thuyết/ dài hơn sau ba trăm năm đất đai bồi bãi/ mạch phù sa trĩu oằn
thương nhớ/ giọng đờn kìm nghe ngọt ấm vành môi/ nồng nàn men rượu để vỗ đùi cười
khan/ thả lưới… lại hò… khoan… hầy… dô…/ cho Ngã Năm, Ngã Bảy,/ rồi Phụng Hiệp,
Năm Căn/ trùng phùng/ vui nhịp kênh rạch/ cần lao/ còn con tôi mở in-tơ-nét/
bóng ngàn xưa rũ mát thấm ngàn sau!
Về lại đồng bằng/ chiều nay/ không dò tìm trên blog, chat,…/ con trỏ tay về
bến Ninh Kiều/ nói vào khoảng bâng quơ sau làn khói thuốc/ hồi đó tía thương má
từ câu hát:/ “Cần Thơ gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về” (Về lại đồng bằng).
Vốn là một con người tinh tế, nhạy cảm nên những gì đang hiện hữu, những gì
xảy ra xung quanh mình cũng được Trần Huy Minh Phương gửi vào đó những thông điệp
và cả những nỗi niềm trắc ẩn. Từ căn phòng nhỏ đến con đường làng, con phố chật,
con chuột già, con mèo ngoao trong đêm, góc phố đêm cúp điện… cũng gợi
bao cảm xúc miên man trong tâm hồn người thi sĩ.
/ chỉ một thoáng cúp điện mà thành phố bỗng cô đơn/ vỡ nhịp/ phía đường bên
thảng thốt: cướp, cướp…/ hiệp sĩ còn đâu còn đâu còn đâu/ điện vẫn cúp/ trăng rọi
vàng trên lá đã im lâu tiếng ríu bầy sẻ nâu/ ai ngẩng lên mà nhìn/ ai ngó xuống
mà thấy/ sự hầm hì phanh phui phơi giọt mồ hôi mặn từ những căn gác trọ/ không
cửa sổ/ không lan can/ không chậu hoa vàng thương nhớ/ tiếng thì thào của đêm vẫn
sột soạt rủ nhau về bờ Thiện – Ác/ có gã trai mười bảy tuổi rưỡi nhè giọng bước
chệnh choạng/ chửi đổng và mảnh vỡ vỏ bia ghìm sâu ngực bạn nhậu/ bức bối tràn
mặt phố/ có ả môi đỏ, tóc vàng nhuộm thẫm cho gió sờ da thịt/ đầu trần hú ga xe
vọt/ giai điệu hip hop từ vũ trường còn văng vẳng bước về nghiêng câu hát
Để rồi Trần Huy Minh Phương phải đau xót thốt lên: cuộc chơi mãi
cao trào/ đêm rong những tâm hồn lạc/ điện phố bật sáng/ còn gì sáng nữa
không…(Từ một góc phố đêm cúp điện).
Anh có những suy tư, trăn trở trước cuộc sống hiện đại hôm nay với bao điều
đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm. Đó có thể là những hình ảnh thường ngày, mọi
người có thể không quan tâm hoặc cố tình không để ý nhưng đó là những sự thật
nhói lòng về những số phận, những kiếp người bé mọn trong cõi nhân sinh này:
/ Cô bé phố/ lượm mảnh vụn từ ổ bánh mì còn sót trên băng đá công viên len
lén cho nhanh vào miệng/ lão mèo già ném ánh nhìn nhọn hoắc ngày quánh nắng;/
chạy cùng thời gian đổi thay số phận/ xấp vé số trên tay em nóng nhịp đợi chờ… (Buốt gió).
Trong bài Khi ngày vỡ tiếng, người đọc cũng thấy rõ bao
vấn nạn và những nghịch lý trớ trêu:
41 số đầu, giải tám/ chị Vàng nhảy cẫng - trúng đề mười ngàn/ lay chồng dậy
sau giấc nồng say men cạn/ anh Vàng nói: tui không mua vì lỡ nhậu… quá giờ…/ tiếng
khóc nấc/ tiếng đập giường/ tiếng giậm chân/ mười ngàn trúng lô tui đâu? Ông
cho vào li rượu cóc ổi vỉa hè? Tui về quê thôi xỉa xói như tăm tre tra vào khe
hở chân răng móc mồi bám ké/ chị giận đòi sáng mai không phụ hồ, mặc chồng năn
nỉ tay chai sờ má rám/ giọt hờn, giọt tủi sốt trong giờ bão/ vèo mơ bay/ ngày
phố bụi cơm đong theo giờ công.
Trong sáng tác của mình, Trần Huy Minh Phương chủ yếu là viết theo thể thơ
tự do. Thơ tự do của anh viết theo một lối riêng và hiện đại. Hầu hết những bài
thơ viết theo thể thơ này rất linh hoạt, phóng khoáng, dài ngắn bất ngờ, kết hợp
khá nhịp nhàng, uyển chuyển trong việc diễn tả những cung bậc tình cảm - cảm
xúc.
Đọc thơ Trần Huy Minh Phương ta thấy anh có những cách nói khá ấn tượng,
sáng tạo ra những hình ảnh lạ: “Vốc nắng đội ngày”, “Khi ngày vỡ tiếng”, “Ngựa
chồm trên mái gió”, “Vết cắt sớm mai”…
Đó là cái nhìn mới mẻ, độc đáo về thế giới tự nhiên và con người. Chính vì
thế mà thơ Trần Huy Minh Phương không phải là thơ dễ đọc, đọc thơ anh phải đọc
đi đọc lại nhiều lần và ngẫm nghĩ mới thấy được ẩn nghĩa sâu xa mà anh gửi gắm.
Đây cũng là một trong những đặc trưng của thơ trẻ đương đại.
Thơ Trần Huy Minh Phương kết nối được những thế giới khác nhau, cho ta cảm
giác vừa mơ hồ vừa rõ rệt về một giấc mơ.
Tôi đi về phía dòng sông/ tận cùng những giấc mơ/ ai là lưỡi cày/ chém vào
lòng đất tôi/ mảnh rơi/ tơi xốp/ rỉ giọt/ và tôi đi về phía dòng sông/ hửng nắng/
rực cháy những ước mơ/ ruộng đồng
Vẫn là những hình ảnh thường thấy ở thôn quê như: cánh đồng làng, dòng
sông, con thuyền, đàn vịt, hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, chân đất… nhưng Trần
Huy Minh Phương đã thổi vào đấy cái hồn, nét đặc trưng riêng của vùng quê nơi
anh đã từng sống và gắn bó, anh gửi vào đó những nỗi niềm, những hoài niệm lẫn
sự nuối tiếc và đau đáu của anh về những năm tháng đã qua:
những cánh đồng trải dài xa tít/ chị, em tôi bì bõm lùa vịt chiều/ nắng
cháy rụi/ phía xa bờ rạ cũ/ gọi mùa đi/ chao chát nỗi buồn trôi/ chân đất, đầu
trần/ hú gió đồng mải miết/ chị và tôi/ nghe tiếng thở của sao, trăng… đầm đẫm
nước/ khe khẽ cười/ vịt đẻ dày - trong những đêm!/ vẫn đầy gió/ cánh đồng tăm tắp
nuốt chửng tuổi thơ mùi nắng rạ…
Chị và tôi và… những cánh đồng/ nhập nhòa/ tiếng dầm lại khua/ chiếc ghe bầu
chông chênh/ gọi những mùa… đi!
(Ký ức cánh đồng)
Hình ảnh thôn quê hiện lên qua những trang thơ của nhà thơ Trần Huy Minh
Phương mang vẻ đẹp trong sáng, bình dị, đem lại cho con người cảm giác ấm áp, gẫn
gũi. Những hình ảnh ấy gợi lên trong tâm trí người đọc bao nỗi nhớ niềm thương
về một miền quê, nơi mình đã từng chôn nhau cắt rốn.
Thơ Trần Huy Minh Phương tràn ngập nỗi nhớ, là những tâm trạng miên man buồn.
Nỗi buồn nhiều lúc không xác định, không đau đớn quằn quại và dữ dội, chỉ phảng
phất một nỗi u uất, thẩn thờ, cô đơn, khắc khoải. Nhưng đó là niềm đau không dễ
gì nguôi ngoai của một con người đã và đang đi tìm hạnh phúc nhưng chưa đến
đích. Vì thế người đọc dễ nhận thấy trong nhan đề các bài thơ của anh có từ “Ký
ức”, “Tự khúc”, “Tùy khúc”… được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Phải chăng đó chính là sự tự giãi bày một cách thành thật nhất của anh trước những
biến động của cuộc đời?
Đời anh trải qua bao thăng trầm, bao khó khăn cơ cực. Vất vả ngay từ tuổi ấu
thơ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại một vùng quê hẻo lánh của
tỉnh Sóc Trăng. Anh đã từng trải qua nhiều nghề để kiếm sống trước khi về công
tác tại Tuần Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ chính những tháng năm
lăn lộn kiếm sống ấy đó là nguồn tư liệu quý, là nguồn cảm hứng để anh gửi gắm
những nỗi niềm trăn trở của mình trước cuộc sống phồn tạp này. Anh thấu hiểu nỗi
nhọc nhằn, vất vả một nắng hai sương, ở nơi đầu sông cuối bãi của người lao động,
anh thương mẹ cha sớm chiều vất vả, thương những người chị gái, em gái ở quê phải
lam lũ… Tất cả để lại trong anh sự day dứt khôn nguôi:
Mặc niệm trước cánh đồng/ mỗi lần tôi qua/ nơi cha chắt cho tôi giọng nói từ
hột lúa, củ khoai lăn tròn gốc rạ/ và mẹ chưa một lần xỏ chân vào đôi dép mới/
nơi ấy tõe nắng/ Mặc niệm trước dòng sông/ mỗi lần qua/ chị rao hàng đổ bóng thời
con gái/ ôm giấc mơ nuôi con học trường huyện/ sóng miên miết vỗ rêu hích vào
ghe mỗi ngày dày/ chị không tuổi hát cùng dòng sông chảy không thôi
(Mặc
niệm trước cánh đồng)
Nét nổi bật trong thơ anh đó là mỗi bài thơ như một câu chuyện kể. Lời tự sự
vì thế mà nó tràn ngập trong thơ anh. Dẫu biết rằng yếu tố tự sự không phải là
đặc tính thiết yếu của thơ, nếu dễ dãi, thiếu vốn sống, thiếu sức khái quát tổng
hợp thì sẽ rơi vào dài dòng, lê thê, lời nhiều ý ít và sẽ làm giảm chất thơ.
Nhưng Trần Huy Minh Phương đã khéo léo đưa yếu tố này vào thơ của mình tạo nên
những vần thơ gây nên sự chú ý. Có lẽ đây là điểm mạnh và khác biệt của nhà thơ
Trần Huy Minh Phương với các nhà thơ trẻ đương đại.
Thơ anh dù chưa có những bài thật sự đặc biệt và gây tiếng vang. Nhưng nhìn
chung thơ anh viết có hồn, nhiều sáng tạo, để lại ấn tượng sâu lắng. Đó là cảm
xúc của một con người có những trải nghiệm, va chạm với thực tế đời sống, một
con người có cái nhìn tinh tế nhạy cảm, có lối sống nội tâm phong phú. Câu chữ,
ý tứ, hình ảnh… trong thơ anh cũng đã chạm đến được cái gọi là dấu ấn thơ hậu
hiện đại, đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về quan niệm thơ, nội
dung thơ.
Vì vậy khi đọc thơ anh, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã nhận định: “Thơ Trần
Huy Minh Phương có cái hồn nhiên nhưng đa chiều. Trong chiều kích thơ hiện đại,
Minh Phương đã làm huyên náo câu thơ, bật ra âm thanh bâng khuâng vừa lắng… Anh
là người có tâm thế tìm tòi có giá trị. Có thể nói thơ Minh Phương có những lan
tỏa bất ngờ của một tiềm năng còn ẩn giấu”.
Với sự lao động nghệ thuật cần mẫn và nghiêm túc, biết chịu khó tìm tòi, học
hỏi của anh như lâu nay. Tin rằng nhà thơ Trần Huy Minh Phương sẽ là một cái
tên được nhiều người biết và nhắc đến trong dòng thơ trẻ đương đại.
Triích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/
VANDANBNN gt
Triích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/
VANDANBNN gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét