Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ/ 21. TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - MỘT GIỌNG THƠ TRONG TRẺO, DA DIẾT VÀ MANG NHIỀU NỖI NIỀM HOÀI NIỆM


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

21. TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - MỘT GIỌNG THƠ TRONG TRẺO,
DA DIẾT VÀ MANG NHIỀU NỖI NIỀM HOÀI NIỆM
(Nhân đọc tập thơ Bay lên từ cánh đồng, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2019)

Trương Trọng Nghĩa là một tác giả thơ trẻ của đồng bằng Sông Cửu Long. Vùng đất nhiều lúa gạo, nhiều loại cây trái, sông ngòi, cá tôm, và cả vị mặn mòi đất đỏ phù sa ấy đã tạo nên một hồn thơ mang đậm chất “đồng bằng sông nước”. Đọc thơ Trương Trọng Nghĩa, người đọc dễ nhận ra giọng thơ mang dấu ấn ruộng đồng, quê kiểng; sự bình dị, hồn hậu, trong trẻo, chân thành nhưng đầy hào sảng, nhiều trăn trở và đầy nỗi suy tư, hoài niệm. Đó chính là tiếng lòng tha thiết của người viết trẻ vốn nặng tình với mảnh đất quê hương. Nơi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm của quá khứ đã qua và cả những gì của hiện tại hôm nay.
Bay lên từ cánh đồng là tập thơ mới nhất của anh, 35 bài thơ trong tập sách đã thể hiện tương đối đầy đủ những điều vừa nói ở trên.
Tình yêu và sự gắn bó với mảnh đất quê hương đã ăn sâu vào trong huyết mạch trở thành niềm tin và lẽ sống. Do vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đất và con người quê hương cũng được anh nhắc đến với một sự trân trọng, thành kính thiêng liêng. Ở đó, nhà thơ còn bộc lộ nhiều những trăn trở, suy tư. Cái trăn trở và suy tư của một con người có trách nhiệm, một công dân sống và cống hiến hết mình với cuộc đời.
Ngay nhan đề tập sách và nhiều bài thơ trong tập thơ này, cánh đồng được Trương Trọng Nghĩa đề cập đến nhiều lần. Phải chăng là có dụng ý? Cánh đồng hiện hữu trong thơ Trương Trọng Nghĩa như một cõi náu mình của những đứa con lớn lên từ bùn đất, đó là đất mẹ bao dung, nơi sinh tồn, chở che, bao bọc, nuôi dưỡng con người. Cánh đồng không chỉ được hiểu theo nghĩa thông thường mà cao hơn nó hàm chứa những giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc, khiến cho con người phải nâng niu, trân trọng. Nhà thơ tìm về cánh đồng như một hình thức tự nuôi dưỡng, tái sinh về tâm hồn trước bao biến động ở ngoài kia.
Trương Trọng Nghĩa vẫn luôn khắc ghi sự biết ơn và mang theo những ký ức bên mình:
Mẹ tôi gửi tuổi xuân cho bao mùa mưa nắng trên đồng
Cánh đồng trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo
Cha tôi gửi giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả
Cánh đồng qua từng mùa gieo gặt vẫn mượt mà xanh
Trải qua bao tháng, bao năm
Lúa trên đồng vẫn xanh mà tóc cha đã bạc
Dáng mẹ gầy gò đếm từng mùa giáp hạt
Lam lũ đôi tay nhăn nheo một đời bám đất, dính phèn
Chăm bón đêm ngày cho đồng ruộng tốt tươi
Đường xa mẹ về dáng gầy liêu xiêu ngược gió
Ông cha tôi những lão nông tri điền
Quen mùi ruộng đồng, am tường chuyện nông gia thời vụ
Bao đời cấy cày trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn
Rồi lặng lẽ ngày trở về với đất
Đất ôm trọn vào lòng che chở, bao dung
Đời người bao năm đong đếm thành tuổi cánh đồng
Qua hết mùa mạ non vẫn một màu xanh bát ngát
Chúng tôi lớn lên từ cánh đồng bao la tình yêu của mẹ
Từng hạt phù sa đắp bồi cho bốn mùa cây trái sinh sôi
(Tuổi xuân cánh đồng)
Cảm thức về thời gian, kiếp người, những nỗi thăng trầm dâu bể đó là sự bộc lộ rõ nhất nỗi buồn của người thi sĩ. Khi anh không thể níu lại được bước đi của thời gian. Để rồi cái còn lại là những nỗi nhớ vô vàn. Những năm tháng tuổi thơ đã hằn sâu trong tâm thức. Ngày trở về quê cũng là ngày anh trở về bên cánh đồng để tìm lại “những gì đã mất” và anh đành phải gửi lại trong thơ.
Về bên cánh đồng chạm khoảng trời mênh mông
Nhớ mùi khói và giấc mơ chập chờn cổ tích
Tuổi thơ như cánh diều đã khuất xa mờ mịt
Những ngày xa xưa đành gửi lại trong thơ
(Bên cánh đồng lớn)
Em xúng xính lẫn trong miền cổ tích
Miệt vườn anh xanh câu hát bốn mùa
Đò rẽ sóng, qua sông Tiền chợt nhớ
Vội vàng thơ anh viết để tặng ngày xưa

Xa mãi xa tuổi thơ xa cánh diều vi vút
Điệu xàng xê sầu viễn xứ tái tê
Sóng sánh chiều lạc giữa mùa sương khói
Mình anh qua sông nhặt ký ức phía đôi bờ.
(Qua sông Tiền chợt nhớ)
Gởi lại cho mùa khoảng trời thơ bé
Gởi lại cho đêm nỉ non tiếng dế độc hành
Gởi lại cho đời mái tóc xanh thời con gái
Để câu thơ buồn như một cuộc chia ly
(Là chút mong manh)
Tuổi thơ gắn liền với những năm tháng khổ nghèo nhưng đó là hành trang, là động lực để anh sống và làm việc cho hiện tại và tương lai.
Tuổi thơ tôi – chú dế đi hoang bỏ cánh đồng cỏ cháy
Dòng sông với những hạt phù sa mắc cạn
Giấc ngủ mê in dấu hình hài

Đi qua tuổi thơ
Bàn chân còn bám đầy vết phèn nâu đỏ
Tôi – gã cà cuống còn nợ thân cây lúa
Đau đáu giấc mơ đồng bằng
Thấp thoáng bóng mùa trôi...
(Ngày về)
Những hình ảnh thân thuộc của quê nhà lần lượt hiện diện trong tâm tưởng của một người từng sinh ra và lớn lên nơi ruộng đồng, với những tháng ngày gian lao, nhọc nhằn, được thua cơm áo.
Tôi lớn lên theo từng đàn cá linh về
Từng mùa lũ trắng đồng, cánh cò mê mải
Bát cơm xanh xanh màu đọt choại
Ơ cá rô kho mặn đắng bờ môi
(Quê nhà)
Ở đó có bóng dáng của ông bà, mẹ cha và những người bà con thân thuộc. Họ gắn bó với ruộng đồng, phải oằn mình chống chọi với những bất thường của gió, mưa, bão, lũ.
Hiện thực cuộc sống thời hiện đại với bao bộn bề, phức tạp, sự thay đổi đến chóng mặt trên nhiều phương diện đã làm cho nhà thơ không khỏi xót xa. Tìm về quá vãng, với quê hương, ruộng đồng, người thân... Đó là cách để nhà thơ nhìn nhận, giãi bày đầy đủ những điều sâu kín của lòng mình.
Ngày tôi sinh bìm bịp khản giọng gọi con nước lớn
Lũ ngập trắng đồng, hoa điên điển vàng mênh mông
Giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn
Nhịp mưa rơi trên mái lá nao lòng
Và, rồi ngày hôm nay nhân vật trữ tình trở lại cố hương, mọi thứ đã khác xưa.
Tôi trở về bên cánh đồng tứ giác/ Nắng rụng bờ đê ngỡ điên điển vàng bông/ Chốn cũ giờ không tìm đâu dáng mẹ/ Lời ca dao buồn rưng rưng...
(Quê nhà)
Cái đau đớn tột cùng là bóng dáng của người mẹ đã không còn, những giọt nước mắt vọng lại từ nỗi đau như mới hôm qua.
Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo/ Mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều?
(Đứng trước nền nhà cũ)
Năm tháng cứ mải miết trôi nhưng những ký ức của nhà thơ về hình ảnh người bà và những câu chuyện kể của bà vẫn còn vẹn nguyên. Nội thường thơ thẩn ra vườn vào buổi chiều; Có tối nội kể chuyện xa xưa/ Câu chuyện không đầu, không cuối/ về những ngày đi chiến đấu...; Nội kể những năm bình định/ quê mình bám đất giữ làng/ Nội kể có lần Pol Pot tràn sang tàn sát bà con/ Nội kể về những đồng đội xác còn gửi lại chiến trường/ Nội kể và rồi nội khóc/ Tuổi già mắt lệ như sương...
(Ký ức nội tôi)
Tình yêu quê hương tha thiết đã tuôn chảy trong thơ anh thành một thế giới hình ảnh vừa quen vừa lạ, vừa mới mẻ lại gần gũi, thân thuộc. Vẫn những hình ảnh của miền Tây sông nước với: cánh đồng, ruộng lúa, cánh cò, nhánh lục bình, hoa bần tím, chú lìm kìm, con nước lớn, hoa điên điển, dòng sông, điệu hò... nhưng Trương Trọng Nghĩa đã thổi vào đấy cái hồn của sự trực giác và cả cõi sâu vô thức.
Giật mình từng bầy sẻ nâu bay vút lên
Hương lúa nồng nàn chiều quê hát lời rơm rạ
Đất rì rầm những dòng diệp lục đêm ngày hối hả
Cho hạt nảy mầm, cây ươm nụ sinh sôi
(Bên cánh đồng lớn)
Thơ Trương Trọng Nghĩa cấu trúc theo dòng hồi ức. Miền ký ức trỗi dậy khi nhà thơ chợt nhận ra những gì của quá khứ hôm qua và hiện tại hôm nay có biết bao điều đáng để suy ngẫm.
Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả cuộc đời
Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng
Tôi theo cha ra đồng, đôi chân trần lóng ngóng
Từng bờ ruộng không đếm hết những dấu chân cha
Trong nắng vàng mênh mông, rì rào giai điệu lá
Bầu trời xanh, dòng sông xanh, thăm thẳm đồng xanh
Tôi chạy theo đàn sẻ nâu khát những chân trời xa tít
Mùa xuân bay vút lên từ những cánh đồng...
(Tuổi xuân cánh đồng)
Anh tự đấu tranh cho chính bản thân mình và tìm kiếm sự đồng cảm xung quanh. Nhà thơ nhận ra mọi thứ đã đổi thay, khiến trái tim đa cảm như anh phải rỉ máu. Bởi Trương Trọng Nghĩa vốn không phải sinh ra ở thành thị nên ngay từ nhỏ anh đã tiếp thu trọn vẹn văn hóa làng quê. Điều đó lại làm cho anh ray rứt:
Bạn bè bỏ quê kiếm sống hết rồi
Xóm nhỏ ngày xưa giờ cũng thành phố chợ
Bên cánh đồng con sáo già ngơ ngẩn
Đàn trâu bỏ đi đâu rồi, trâu ơi!
(Bên đồng chiều)
Đứng trước nền nhà cũ, lòng anh lại quặn đau khi nhận ra lớp bụi thời gian đã phủ dày ký ức, mảnh vườn xưa không còn, mùi hương cau chẳng có, mẹ thì xa biền biệt, bạn bè thuở thiếu thời tắm sông, bắt cá thì mỗi đứa một nơi, hình ảnh chái bếp với khói lam chiều, nồi canh rau tập tàng mẹ nấu cũng đã trở thành quá vãng…
Rồi biết bao nỗi nhớ, niềm đau cứ ngày mỗi dày hơn.
Cứa vào tôi những nỗi đau không tên/ Vụn vỡ niềm tin phù phiếm/ Trong những mảnh thủy tinh sắc nhọn/ Gương mặt tôi hóa muôn vạn khuôn mặt người (Mảnh vỡ).
Trương Trọng Nghĩa tìm kiếm sự đồng vọng cả trong tiềm thức và vô thức. Giờ đây khi làm việc ở phố thị nhưng không lúc nào anh nguôi quên những năm tháng ở quê nhà. Nhà thơ nuối tiếc và cảm thấy mình mắc nợ với quê hương, với mẹ cha, tiển tổ.
Ra đi tôi nợ cánh đồng lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay
..........................................
Mẹ tôi gầy gò như cây lúa héo hon
Cố tiễn tôi qua hết những cánh đồng trơ rạ
Tiếng còi tàu vang rền làm đàn chim giật mình hối hả
Bay vút lên từ phía những cánh đồng
Bỏ lại khoảng trời mênh mông...
(Bay lên từ cánh đồng)
Trương Trọng Nghĩa đã trải lòng mình trước cuộc sống để rồi cảm thức về sự ngắn ngủi của đời người mà ở đó mọi thứ được ký gửi vào thời gian. Sự trăn trở, thao thức, tự đối diện với mình, tự vấn lương tâm để soi thấu, tìm về nguồn cội, bản ngã để tương giao, hòa hợp, củng cố niềm tin và sưởi ấm hồn người.
Những buổi chiều thiếu không gian
Hồn tôi mộng du trên những nóc tầng cao ốc
Trong tôi còn lại một góc bình yên
Giữa phố xá ồn ào
(Những buổi chiều không ý tưởng)
Thơ Trương Trọng Nghĩa neo lại trong tâm hồn bạn đọc bởi những vần thơ giàu ý nghĩa, tứ thơ lạ với những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc, hình ảnh thơ độc đáo mang tính biểu tượng cao. Anh sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật cùng với việc khai thác các chiều không – thời gian làm bộc lộ rõ nét cái tôi gắn bó với quê hương xứ sở như mạch suối nguồn xuyên suốt chảy trong thơ.

/ Mời đọc tiếp/ 22. Khổng Vĩnh Nguyên
Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét