(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN
22. KHỔNG VĨNH NGUYÊN
ĐỌC TẬP NÚI LỬA PHUN TRÀO VÀ HỘT MƯA ĐẠI BÀNG
CỦA KHỔNG VĨNH NGUYÊN
Núi lửa phun trào và hột mưa đại bàng là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên. Tập thơ gồm 268 bài với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Đó là những suy ngẫm của nhà thơ, những nỗi niềm trắc ẩn trước thế thái nhân tình, trước con người và thời cuộc.
Thơ Khổng Vĩnh Nguyên nói chung và tập thơ Núi lửa phun trào và hột mưa đại bàng nói riêng được viết một cách tự nhiên, không cầu kỳ trong cấu tứ, không rèn giũa câu chữ nhưng lại ấn tượng người đọc; bởi cái tâm của người viết và những triết lý thế sự rất đời, rất người. Vì vậy, khi đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên, nhà thơ Thanh Thảo đã có nhận xét khá xác đáng: “Không phải là người canh tân thi pháp hay từ ngữ, nhưng Nguyên có một thứ thơ “tận nguồn” trong trẻo và không kém linh hoạt”.
Có lẽ là nhà thơ “nông dân” nên Khổng Vĩnh Nguyên am tường sâu sắc đời sống và những nỗi khổ của người lao động. Vùng miền Trung nắng lắm mưa nhiều đi vào thơ ông với những đau đáu, trăn trở đầy thương cảm…
đêm qua mơ thấy mặt trời/ thấy em cười hát bên đời líu lo/ phòng cấp cứu tôi nằm co/ đời tôi chưa biết ăn no bao giờ (Đói).
Đọc những câu thơ trên mà nghe nghẹn lòng: đời tôi chưa biết ăn no bao giờ. Phải chăng kiếp khổ nghèo, lam lũ đeo bám cả đời ông. Đó là tiếng nói thành tâm, bi thảm của một con người đã qua nhiều nỗi gian truân, cay đắng của cuộc đời.
Không chỉ là nỗi đau do khí hậu khắc nghiệt mà còn là nỗi xót xa trước thế thái nhân tình, hàng loạt những suy nghĩ, những câu hỏi đặt ra trong thơ Khổng Vĩnh Nguyên.
đời đang xả lũ trăm dòng/ biết tìm đâu những tấm lòng thương nhau (Đời đang xả lũ).
gió biển thốc vào mùi cá chết/ em bé làng chài ăn cát thay cơm/ mẹ già mếu máo nhìn sóng bạc/ con lặn làm chi lặn mãi không về (Bức tranh làng chài).
Thơ ông ngổn ngang niềm đau, sự trăn trở trước cuộc đời. Đó là những lời tự vấn đầy trách nhiệm công dân: ta nghe núi khóc dòng sông chết/ ta khát vô cùng trên sóng biển Đông (Ta nghe núi khóc).
loài người đang tự sát/ đang tàn phá thiên nhiên/ buồn không còn chỗ thở (Loài người đang tự sát).
Trước việc lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, gây nên những hệ lụy đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật xung quanh và làm mất cân bằng sinh thái… Trong bài Cánh đồng không tiếng nhái thể hiện rõ nỗi đau ấy của nhà thơ: cánh đồng không tiếng nhái/ một màu xanh thuốc rầy/ một màu vàng ma quái/ thuốc diệt cỏ phun đầy/ em không về quê cũ/ vầng trăng cũng héo gầy.
Thậm chí có lúc Khổng Vĩnh Nguyên thét gào trong thơ: ngồi ôm mộ gió đợi chờ/ khao lề thế lính mịt mờ Hoàng Sa/ cánh chim Lạc Việt xót xa/ cõi bờ xiêu vẹo sao nhà cửa sang (Người ôm mộ gió).
ai làm mây bẩn đục/ núi ngày xưa không còn/ nước sông không uống được/ thơ dần xa tấm lòng (Đại nạn). Bằng trái tim và tấm lòng đa cảm, đa mang mà ông thét gào như thế. Phải chăng cuộc sống hiện tại có quá nhiều những bất cập, mâu thuẫn mà ông gọi nó là “đại nạn”.
Đôi lúc nhà thơ như tự thú: tôi làm thơ để tuôn trào/ như là mây trắng bay vào trời xanh (Tuôn trào).
ta thấy ta tiền kiếp/ như đá nằm dưới hoa/ ta thấy ta ngồi khóc/ bên đường mòn em qua/ ta thấy ta ngu ngốc/ nên bây giờ làm thơ/ người tranh danh đoạt lợi/ mình ta trong bụi mờ/ nên bây giờ làm thơ (Ta thấy ta).
Khổng Vĩnh Nguyên cho rằng: “Cày ruộng nuôi xác, làm thơ nuôi hồn”.
Thơ Khổng Vĩnh Nguyên có nhiều câu thơ ấn tượng, khắc vào lòng người bởi tính triết luận và chan chứa nỗi niềm. Nếu chọn câu thơ hay thì thơ Khổng Vĩnh Nguyên có nhiều, chẳng hạn:
loạn ly không chỗ đứng ngồi/ nên tôi về với lòng tôi trong rừng (Lòng tôi trong rừng).
con mang chạy tác khắp rừng/ lòng anh vừa nhú xanh vùng cỏ non (Cỏ non).
làm thơ câu nhớ câu quên/ câu thơ quên bỗng nghe rền không gian (Như cá la gi).
buồn ơi xe chạy không đèn/ đèn lòng anh mãi đổ ghèn mắt xanh (Đổ ghèn mắt xanh).
Ông có nhiều bài thơ, câu thơ thể hiện cái “tôi” riêng, đôi lúc rất ngạo nghễ. Ông coi mình là người tự do, xem mình là người tự do: ta đứng giữa ngã tư đường/ không còn thi sĩ trong vườn thơ ma/ còn ta qua cõi ta bà/ đạp trang kinh chết tụng ca mây trời (Tự do).
Ở bài Tự do một mình, nhà thơ lại có cách ví von: tôi dậy sớm đón mặt trời/ tôi và cây cỏ hát lời đất cho/ loài người chỉ biết âu lo/ còn tôi thì sống tự do một mình.
Khổng Vĩnh Nguyên là con người thích lãng du đây đó, với ông được đi, được trải nghiệm, được nếm trải là thú vui của đời mình. Những vùng miền trên khắp mọi miền Tổ quốc, có dịp là ông lại đi.
từ mặt đất đến thiên đình/ tôi đi cho hết tâm tình hoang vu/ đời tôi không có oán thù/ như tia nắng gặp sương mù long lanh (Tặng một người mang tên tốt đẹp).
Là nông dân chính hiệu nhưng sống đậm chất nghệ sĩ, Khổng Vĩnh Nguyên luôn sống theo cách riêng mình, vừa tự do, tự tại nhưng đầy suy tư. Với ông, việc gì cũng làm cho ông suy nghĩ, thao thức, đau đáu. Điều đặc biệt, trong thơ Khổng Vĩnh Nguyên đó là những bài thơ viết về tình yêu, không chỉ đơn thuần là những câu chuyện tình yêu thuần túy mà ông khéo léo gửi vào đó, mã hóa nó để nói về thế sự.
khi thấy em cười rơi nước mắt/ anh nhặt nỗi buồn soi ánh trăng/ anh về gánh máu ra rửa biển/ ôi những vạn chài đau cắn răng (Anh về rửa biển).
trong nỗi khổ vô cùng anh bỗng gặp/ ôi người em gái khóc nương khô/ nương khô khô cả lòng anh cháy/ núi đứng nhìn em lệ đã mờ (Núi đứng nhìn em).
Núi lửa phun trào và hột mưa đại bàng là tập thơ đáng để đọc. Bởi tập thơ được viết bằng cái tâm của người nghệ sĩ làm thơ và yêu thơ chân chính. Dù rằng có đôi chỗ, đôi bài vẫn còn có những hạn chế nhất định. Nhưng tôi tin, bạn đọc sẽ thích khi tìm thấy những điều gần gũi, những vấn đề đang hiện hữu, những thứ đã và đang xảy ra quanh mình ngay chính trong thơ của Khổng Vĩnh Nguyên.
/ Mời đọc tiếp/ 21. Nguyễn Trung Nguyên
Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ
VANDANBNN gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét