Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ / 28. TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG



CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
28. TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG

GỘI ĐẦU
Trương Công Tưởng

mẹ gội đầu
hương bưởi ngạt ngào ngoài ngõ
gió ướp vào mắt mẹ
những cay nồng xa xăm

bà gội đầu
những sợi tóc trắng buồn rụng trên tay
như một vết thương đạn bom ngày ông không về nữa
trắng vùng trời ký ức

chị gội đầu
thanh xuân trôi qua cơn say
vò rối lọn tóc mùa thu sau những ngày một mình vượt cạn
à ơi rau răm ở lại
à ơi...ơi à...

những người đàn bà ở làng gội đầu
những mùa gió những mùa hương những mùa nắng mưa giông bão
tóc dài tóc ngắn tóc thẳng tóc cong tóc nhuộm vàng nâu đỏ
mỗi mái tóc là một phần người
trang hoàng lên cuộc đời : đau thương, mạnh mẽ, yếu mềm, gai góc...
giấu đi những nỗi đau
chị gội đầu mùa cam chín mọng vườn sau
mùa mướp lủng lẳng ngoài giàn bà hái mang ra chợ bán
mùa khổ qua đắng như lòng mẹ
thương cơn gió nghịch mùa
con múc nước cho bà gội đầu
thương những giấc mơ thiếu nữ.

Nguyễn Văn Hòa, Đò đưa...
Trương Công Tưởng có nhiều bài thơ viết về người phụ nữ. Đặc biệt, anh có chùm ba bài thơ hay viết về bà, về mẹ, về chị (Ba người đàn bà, Giấc mơ thời thiếu nữ, Gội đầu). Bài thơ nào viết về họ cũng mang những nỗi buồn đau, day dứt, cấu xé tâm can người đọc. Nhưng có lẽ trong chùm ba bài thơ đó, bài Gội đầu để lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm nhất.
Đọc bài thơ, người đọc thấy hiện lên hình ảnh ba người đàn bà: bà - mẹ - chị , thuộc ba thế hệ khác nhau, hiện sống trong cùng một mái nhà. Ba con người với ba số phận nhưng họ có điểm chung là tất cả đều không chồng. Người đàn bà nào cũng mang trong mình những nỗi đau, những nỗi giày vò, ray rứt khó gọi thành tên. Bà, mẹ, chị; mỗi người đều có nỗi đau riêng và những vết thương lòng trong họ vẫn cứ đau âm ỉ.
Trong bài thơ Gội đầu, nhà thơ lần lượt kể, tả việc ba người đàn bà gội đầu với những nỗi niềm và suy ngẫm khác nhau về người đàn ông của đời mình, người mà giờ chỉ còn trong ký ức.
Gội đầu là hoạt động làm sạch tóc bằng dầu gội và nước mà hằng ngày ai cũng thường làm. Nhưng ở bài thơ này, còn mang một ý nghĩa khác nữa, đó là sự tẩy rửa những muộn phiền, cơ cực của cuộc đời.
Những người đàn bà không chồng với trái tim giá lạnh, và hình như chai lì với thời gian.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh mẹ gội đầu: Mẹ gội đầu/ hương bưởi ngạt ngào ngoài ngõ: gợi nhớ mối tình thuở hoa niên, đẹp, lãng mạn đầy hứa hẹn nhưng rồi hình như hạnh phúc lứa đôi lại không mỉm cười với mẹ. Người đàn ông ấy không đến với mẹ để cùng đi trên một con đường. Có chăng cái còn lại của cuộc tình là những đứa con. Mẹ lại rơi những giọt nước mắt đắng cay, nỗi đau chà xát, cắt cứa tâm hồn – “những cay nồng xa xăm”.
Thời gian trôi đi, đời người ngắn lại, người bà giờ tóc đã nhiều sợi bạc, tóc buồn rơi mỗi khi bà gội đầu, nỗi buồn lại hiện nguyên hình, giày xéo tâm can bà. Người chồng tham gia kháng chiến đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Dù biết chồng đã hi sinh không bao giờ về nữa nhưng bà vẫn thầm mong, thầm hi vọng có một phép màu nào đó, người chồng sẽ trở về. Và tất cả chỉ là vô vọng, một khoảng trời thương nhớ, khổ đau, vật vã.
bà gội đầu
những sợi tóc trắng buồn rụng trên tay
như một vết thương đạn bom ngày ông không về nữa
trắng vùng trời ký ức
Như một sự tự hành mình, tuổi thanh xuân của chị đi qua trong nỗi cấu xé, giày xéo, bất an; nỗi đau lên đến tận cùng khi người tình phụ bạc, một mình vượt cạn.
chị gội đầu
thanh xuân trôi qua cơn say
vò rối lọn tóc mùa thu sau những ngày một mình vượt cạn
Hình ảnh thơ đầy ám ảnh say/ vò rối loạn tóc: có phần ai oán, tủi hờn, tức giận, có lúc như điên loạn. Vì lời hẹn ước không thành hiện thực, người đàn ông ấy đã cao chạy xa bay.
Tóc tượng trưng cho những phẩm chất của một sinh linh, xem như nơi trú ngụ của linh hồn. Nhưng khi nỗi đau quá lớn chị vò rối loạn tóc như là sự kêu gào, kêu gào trong vô vọng, bất lực.
Những dòng thơ tiếp theo lại càng gây cho người đọc sự nhức nhối đến khôn cùng:
những người đàn bà ở làng gội đầu
những mùa gió những mùa hương những mùa nắng mưa giông bão
tóc dài tóc ngắn tóc thẳng tóc cong tóc nhuộm vàng nâu đỏ
mỗi mái tóc là một phần người
trang hoàng lên cuộc đời : đau thương, mạnh mẽ, yếu mềm, gai góc...
giấu đi những nỗi đau
Ở cái làng đó, không chỉ có số phận đáng thương của bà tôi, mẹ tôi, chị tôi mà còn có những hoàn cảnh, những gia đình như thế nữa. Ông bà ta thường nói: Cái răng cái tóc là góc con người. Mỗi mái tóc là một phận người. Thật đáng thương thay!.
Nỗi buồn đến từ cảm giác bất lực trong việc níu giữ bước đi tàn nhẫn của thời gian, bất lực nhìn những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người trôi đi, chị tôi lại có những khát khao và mơ ước: chị gội đầu mùa cam chín mọng vườn sau. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước, khao khát vẫn chỉ là khao khát.
chị gội đầu mùa cam chín mọng vườn sau
mùa mướp lủng lẳng ngoài giàn bà hái mang ra chợ bán
mùa khổ qua đắng như lòng mẹ
thương cơn gió nghịch mùa
Hình ảnh cam chín mọng, mướp lủng lẳng, khổ qua đắng là những hình ảnh độc đáo mang tính hình tượng tạo nên những liên tưởng đầy bất ngờ về cuộc đời, về số phận của ba người phụ nữ.
Ba người phụ nữ này mỗi người đau một kiểu nhưng họ đành lặng lẽ, cam chịu, kìm nén, nuốt nỗi đau vào trong. Mẹ đau, bà đau, chị đau. Nỗi đau theo thời gian cứ lớn dần và họ thầm lặng làm những công việc thường nhật của người phụ nữ nông thôn.
Bằng sự trải nghiệm, người bà đã nói lên tiếng nói thành thực của người phụ nữ, tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi, cay đắng ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử. Vì người mẹ nào mà chẳng yêu con hơn bản thân mình, người mẹ nào chẳng mong con mình hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà bà đau cho mẹ, mẹ đau cho chị.
bà tôi mẹ tôi chị tôi - ba thế hệ - ba người đàn bà đều chẳng có chồng
ngoại tôi bảo : đời là những dòng sông
trôi về phía cô đơn trôi về miền xa vắng
mẹ tôi nói : đời là con đò nhỏ
người về rồi người lại đi
chị tôi khóc hoài vì đã bấy mùa thi
người ấy vẫn cứ xa biền biệt
(Ba người đàn bà)

Cuối bài thơ tác giả lại đưa ra hình ảnh: con múc nước cho bà gội đầu/ thương những giấc mơ thiếu nữ. Phải chăng bà đã quá già không tự gội được nên cần phải nhờ con hay do con thương mẹ mà tự giác gội đầu giúp cho mẹ?
Điều đặc biệt: bà tôi, mẹ tôi, chị tôi thấu hiểu và cảm thông nỗi đau của nhau nên yêu thương nhau đến kỳ lạ. Tình thương yêu ấy chính là sức mạnh tinh thần để ba người đàn bà này vượt qua những nỗi đau để sống, để làm việc và để nuôi dạy con cháu nên người.

Bài thơ Gội đầu là một khúc ca buồn về người phụ nữ. Những người có số phận không may mắn, không được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Cuộc đời họ đi qua với nỗi buồn đau đắng chát. Cả ba người đàn bà của ba thế hệ trong cùng một gia đình phải sống thiếu bóng dáng đàn ông. Mà người đàn ông là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho các con. Thế nhưng ở gia đình của ba người đàn bà này không có được điều đó. Những đứa con thiếu đi tình thương của bố, những người đàn bà trong gia đình lại phải gánh vác, lo toan cả những việc mà lẽ ra người phụ nữ khỏi phải lo, khỏi phải làm nếu nhà có đàn ông. Nỗi đau ấy cứ chất chồng lên tấm thân của người đàn bà vốn yếu mềm lại chịu nhiều thua thiệt. Họ không chỉ đau về mặt thể xác mà còn đau nỗi đau tinh thần. Bà đau cho mình rồi lại đau cho số phận đơn chiếc, giá lạnh của con gái và cháu. Bởi có bao nhiêu người hiểu và cảm thông cho nỗi lòng và cuộc đời của họ? Rồi bao người dị nghị, chà xát lên những nỗi đau kia? Nỗi đau của những người đàn bà âm thầm cất giấu trong tâm não.
tôi không phải là đứa trẻ mồ côi
bởi mẹ không lấy chồng nên tôi không có bố
(Ba người đàn bà)
Nghe xót xa và nhói buốt tận đáy sâu tâm hồn.

/ Mời đọc tiếp/ 29. Viễn Trinh
Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét