Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ/ 29. VIỄN TRÌNH ĐỌC TẬP THƠ CHIẾC LÁ HỒI HƯƠNG CỦA VIỄN TRÌNH (KHỔNG VĨNH AN VI)


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

29. VIỄN TRÌNH
ĐỌC TẬP THƠ CHIẾC LÁ HỒI HƯƠNG CỦA VIỄN TRÌNH (KHỔNG VĨNH AN VI)
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015)

Những năm trời đất mịt mùng
Tôi và rượu trắng tháp tùng uyên ương
Tháp tùng chiếc lá hồi hương
Chỉ còn nửa mảnh vô thường để say
(Chiếc là hồi hương)

Ngay tên tập thơ và cả những câu thơ trong Chiếc lá hồi hương cũng đã gây cho người đọc ấn tượng. Hình ảnh chiếc lá đã trở thành đề tài và nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ từ cổ chí kim. Chiếc lá đã đi vào thơ ca, nhạc, họa… trở thành biểu tượng và ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Có lẽ chính điều ấy mà chiếc lá của Viễn Trình đã bắt gặp được những tâm hồn đồng điệu?

Chiếc là hồi hương là tập thơ thứ 2 của nhà thơ Viễn Trình, tập thơ được ấp ủ và nung nấu trong một thời gian dài, đúng sau 8 năm khi tập thơ thứ nhất của anh ra mắt bạn đọc.

Dù là một gương mặt thơ trẻ có năng khiếu và tài năng của Bình Định nhưng anh rất khiêm tốn ngay trong cách nói năng và cả trong những suy nghĩ. Viễn Trình quan niệm: “Người làm thơ phải là người có cái tâm trong sáng, sống và viết bằng nhiệt huyết, bằng tình yêu văn chương thật sự. Người viết tài năng hay không là thể hiện ở sản phẩm và sự đánh giá của bạn đọc”.

Nếu ở tập thơ thứ nhất Cánh chim bay về (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007) còn sự hồn nhiên của tuổi mới lớn, sự trong trẻo của những năm tháng tuổi thơ, thuở còn đi học… thì đến tập này thơ anh đã có sự chín chắn trong những trải nghiệm của cuộc đời. Những va đập của cuộc sống, những vui - buồn, được - mất và cả những nỗi đau của cá nhân, của xã hội được anh nhìn nhận dưới con mắt của một con người trưởng thành chững chạc. Phải chăng vì thế mà những bài thơ của tập Chiếc lá hồi hương để lại được những dư âm.

Đọc qua tập thơ, người đọc bắt gặp một tâm hồn thi sĩ vừa mộng tưởng vừa thực tế. Giữa hư và thực cứ đan cài và miên man trong thơ anh tạo nên những điểm nhấn, gây sự chú ý bằng những cách nói lạ.
Những chiều tâm sự nằm ngang
Trái tim nằm dọc, lỡ làng nằm nghiêng
Tôi nghe nhịp lá ưu phiền
Thời gian rụng ngược trong miền ưu tư
(Nỗi niềm tháng bảy)

Giã nhà rượu xách thơ mang
Mở khăn gói chút giòn tan em cười
Ổi non hái dú một thời
Bây giờ như đã chín rồi trên mây
(Nụ cười trong khăn)

Những câu chuyện về tình yêu cũng được anh nhân cách hóa, dùng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật, cách cấu tứ hình ảnh, câu chữ tạo nên những liên tưởng độc đáo và bất ngờ. Anh cứ tưởng mùa thu không biết khóc/ Thì ra em đang câm nín đấy thôi/ Anh lượm lại giấc mơ mình trên tóc/ Tưởng tim em sắp sửa biết cười (Tưởng tượng).
Có lẽ anh thừa hưởng từ truyền thống quê hương và gia đình, sinh ra ở vùng đất được mệnh danh là “đất võ, trời văn”; cha anh lại là một nhà thơ được nhiều người biết đến, đó chính là nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên. Truyền thống quê hương, gia đình cộng với năng khiếu và sự đam mê, Khổng Vĩnh An Vi ngày càng khẳng định được khả năng viết của mình.

67 bài ở tập thơ Chiếc lá hồi hương đó là sự chưng cất, thanh lọc, nghiền ngẫm về con người, cuộc đời, về nhân tình thế thái… Điều dễ nhận thấy đó là tâm trạng, cảm xúc, sự gắn bó sâu nặng với quê nhà. Dù làm việc ở phố nhưng trong tâm can vẫn luôn hướng về nguồn cội, nơi mình gắn bó thuở thiếu thời. Giếng quê, ngõ làng, hạt gạo, rạ rơm, ánh lửa chiều hôm, hội làng… đi vào thơ anh một cách tự nhiên và hồn hậu. Nói về em, nói đến tình yêu hầu như anh cũng đều nhắc đến quê nơi có mẹ với những câu hát ru, nơi có ruộng đồng, bờ bãi và cả những địa danh quen thuộc… Em về vo gạo thổi cơm/ Thổi mây gió đến vàng rơm một mùa/ Thổi ngày nắng trắng ngày mưa/ Thổi nghìn năm tới duyên chưa muộn màng/ Giếng quê mạch sạch gạo làng/ Em ngồi vo những vô vàn tình anh… Đi trong khô khốc ruộng cày/ Dấu chân còn lấm thấm ngày gặp nhau (Gạo vo thành tiếng cơ cầu).

Lời mời gọi thiết tha, EM hãy về quê mẹ, nơi có những ký ức đẹp, nơi mẹ cha sống trong tình nghĩa thủy chung; nơi em cấy bờ nam, anh tháo nước về bờ bấc…
Về Tân Thanh đi em/ Nghe mẹ hát bài ru em thân thuộc/ Dây tơ hồng từ Gò Ngang bò qua Gò Dài ràng buộc/ Từ Chuồng Trâu Tre con mang tát tìm bạn chưa dừng/ Qua Giếng Tiên luồn mấy gai rừng/ Bẻ một cành mai sặc sỡ/ Anh cắm vào nỗi nhớ/ Cuống lá thì thầm… xuân rỉ nhựa mênh mông (Về Tân Thanh).
Điệp khúc Về Tân Thanh… được lặp lại 7 lần trong bài thơ không chỉ là lời mời gọi mà còn là lời nhắc nhớ cho em, với em về vùng đất gian lao nhưng tình nghĩa, nhân ái… và em phải về!.

Cả tập có 67 bài thì thơ lục bát đã chiếm 35 bài. Lục bát có thể coi là thế mạnh của anh. 35 bài lục bát là 35 cung bậc cảm xúc, với nhiều nỗi niềm trắc ẩn về tình yêu và sự sống. Lục bát của anh không cách tân nhưng hấp dẫn người đọc ở chỗ anh biết làm mới trong tư tưởng, tạo những câu thơ, bài thơ hay. Có nhiều câu đáng nhớ:
- Gạo vo thành tiếng cơ cầu
Chìm trong cạn cạn sâu sâu đời mình.
(Gạo vo thành tiếng cơ cầu)
- Lòng tôi như chiếc nón cời
Em cầm chiếc lá tiếc rời hoàng hôn
(Nỗi niềm tháng bảy)
- Dế giun rời cuộc hẹn hò
Cắn răng mà giữ co ro đời thướng
(Chiều đang đói)
- Trái tim đập mấy phần đời
Tàn tro sót một nụ cười lửa than
(Gọi tình)

Điều đặc biệt trong tập Chiếc lá hồi hương đại từ “em”, “tôi”, “anh”, “ta” được sử dụng với tần số cao. Trong tập thơ có đến 147 lần nói đến “em”, 72 lần nói đến “tôi”, 52 lần nói về “anh” và 27 lần nhắc đến “ta”. Phải chăng “em” đó là đối tượng mà anh đặt nhiều niềm tin, muốn gửi gắm và qua “em” để thấy “tôi”, “anh”, “ta” phải sống cho đúng nghĩa của từ này. Dẫu biết rằng cuộc đời này không gì là hoàn hảo, không gì là tuyệt đối.
Trái đất và vầng trăng vốn không cần hiềm khích
Chẳng lạ gì khi cắt nghĩa yêu thương
Em ơi, đừng giải thích về điều ấy nữa
Tầm thường nào cũng có những thanh cao
(Màu cô tịch)

/ Mời đọc tiếp/ 30. Thục Uyên
Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ - Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét