(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN
32. LƯU HỒNG VÂN
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC TẬP THƠ RƯỢU XƯA
CỦA LƯU HỒNG VÂN
(Nhân đọc tập sách Rượu xưa của Lưu Hồng Vân,
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)
32. LƯU HỒNG VÂN
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC TẬP THƠ RƯỢU XƯA
CỦA LƯU HỒNG VÂN
(Nhân đọc tập sách Rượu xưa của Lưu Hồng Vân,
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)
Lưu Hồng Vân là một trong những thành viên khởi xướng Phong trào thơ sinh viên những năm 1990 tại Hà Nội. Thời gian sau đó, vì nhiều lý do khác nhau mà không thấy anh công bố thơ. Mãi đến năm 2018, Lưu Hồng Vân mới xuất hiện trở lại và cho ra đời tập thơ đầu tay Rượu xưa..
Có thể coi đây là tập thơ tình của anh. 77 bài thơ trong tập sách hầu như đều nói về tình yêu với những đổ vỡ, hoang hoải, mất mát và buồn đau. Sự cô đơn, nỗi trống vắng trải đều trên từng trang viết. Người đàn ông đa tình, lãng mạn, dồn tất cả tình yêu cho người mình yêu nhưng đổi lại đó là những tổn thương, hụt hẫng. Em đã đi lấy chồng, nhân vật trữ tình “anh” giờ đây chỉ biết thở than và nuối tiếc: Ngày xưa gái sắc, trai tài/ Ngày nay họa biến hai con nhện vàng/ Anh tù tội vì đa mang/ Buông thuyền em chở xuân sang đất màu
Dòng trong nước chảy về đâu/ Để cho dòng đục bắc cầu bờ Nam/ Gió lùa song sắt thở than/ Anh ngồi đếm ánh trăng vàng cuối sông
Khi nỗi đau đã đông cứng, anh chỉ biết tự trấn an mình: Anh tập buồn mãi cho quen/ Cỏ xưa rắc lối dế mèn gọi nhau
(Thơ tình gửi người con gái đi lấy chồng (số 2))
Lưu Hồng Vân đã nhận ra những mất mát, trầy xước khi cuộc tình không đi trọn. Để rồi con người đa tình ấy lại miên man nghĩ suy, day dứt, ngậm ngùi.
Thế rồi nắng tắt chiều nay/ Sương đêm mơ mộng phủ dày thời gian/ Vai gầy trong áo đa đoan/ Người và tôi cứ mơ màng tình yêu
Chút tình thì có bao nhiêu/ Suốt đời chỉ nói những điều không đâu/ Bạc rồi xanh mãi niềm đau/ Đầy rồi khô mãi mắt nhau ngóng tìm
Nhân vật “tôi” lại thốt lên trong nỗi đau đáu, dày vò:
Cho tôi một chút trong em/ Cho tôi một góc cũ mèm chợ trưa/ Ngày hôm nay sắp thành xưa/ Ngày mai sẽ phải dối lừa ngày kia (Chiều đá).
Nhân vật trữ tình em xuất hiện dày đặc trong thơ Lưu Hồng Vân tạo nên những thanh âm buồn, cái sầu cảm của một người đàn ông đơn chiếc, quạnh hiu khi đời sống hôn nhân không mấy suôn sẻ.
Cái đáng trân trọng là anh không hề “nói xấu” người tình mà chỉ là những lời trách móc nhẹ nhàng. Nhưng những lời trách móc nó như vết kim đâm tê tái, nhói buốt tận đáy sâu tâm hồn. Anh bao dung, tự nhận mình là người đáng trách nhiều hơn em. Bởi chính anh đã tự cảm được điều đó: Đạo người hướng thiện/ Anh đáng trách nhiều hơn em.
Người thơ Lưu Hồng Vân khéo léo mượn những hình ảnh mây, gió, cỏ cây, sương, nắng... để bày tỏ, gửi gắm nỗi niềm. Đó phải chăng là cái hay, cái thế mạnh của hồn thơ Lưu Hồng Vân.
Thơ Lưu Hồng Vân là thơ của tâm trạng nên mỗi chữ, mỗi câu trong bài bao giờ cũng chất chứa cảm xúc mãnh liệt.
Lưu Hồng Vân ý thức được sự trôi chảy của dòng thời gian, nó là một quy luật khắc nghiệt, cùng với đó là sự thay đổi của vạn vật, sự chia xa của con người. Anh cay đắng nhận ra:
Đi theo lỗi lầm của ngày thơ ấu/ tới cửa nhà em/ Qua một tấm phên/ Đêm đen như biển
Kịch đã tàn/ Còn nguyên vai diễn/ Mắt đen/ Lúc lạ lúc quen
Theo đường cái quan/ Em về với mẹ/ Gió mùa se sẽ/ Phủ bụi thời gian (Nhầm).
Ngày người con gái sang sông, nhân vật “ta” cũng đã không cầm được nước mắt. Ngược chiều ta khóc/ người con gái sang sông/ Mảnh trăng úp mình vào suối tóc/ mưa bay vòng/ Ngan ngát mùi đồng nội/ xuân đang đến vội/ chưa kịp may áo cưới/ nắng đã tàn một ngày (Vội).
Thời gian trong thơ Lưu Hồng Vân là thời gian tâm trạng nên nó không theo quy luật tự nhiên mà có sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Anh hồi tưởng, tìm về một thời tuổi trẻ, một thời yêu đương nồng cháy đã qua:
Ngày hôm qua/ người ta vẽ ông mặt trời trong lò thép/ Ngày hôm nay/ lửa đã tàn, mảnh trăng lép kẹp
Tôi hiền dữ với một mình em/ bẻ vầng trăng làm nhẫn cưới/ Lửa cháy trong ngực lép/ luyện vàng mười
Loài người vô tư chơi trò thiện ác/ em thánh thiện trong tuổi 20
(Tuổi 20)
Trên hành trình cuộc đời mình đã đi, Lưu Hồng Vân ngẫm ngợi, anh chiêm nghiệm rằng: Ba mươi mùa nắng mùa mưa/ Dở giời xem thử vẫn chưa có gì/ Lá vàng xao xác bay đi/ Vườn hồng để ngỏ biết gì bướm ong
Trăng tròn trăng méo trăng cong/ Đất già đất lại long đong vì giời/ Ngậm vào vị đắng giời ơi/ Cây xanh lại phải xa rời mùa thu (Ngẫm).
Các từ chỉ thời gian, không gian và hệ từ chỉ tính chất được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong tập thơ. Tên các bài thơ cũng đượm vẻ buồn thương, xa xót, gợi lên vẻ lãng đãng, mông lung. Có thể kể ra hàng loạt nhan đề như: Cạn ngày, Vội, Trách, Được thua, Rượu xưa, Một nửa, Chấm dứt, Tên rơi đạn lạc, Vơi đầy, Ngày chợt cạn, Nhận ra, Lá rơi, Bèo, Khổ thân, Ngẫm, Dịch hạch, Thu xưa, Ngày xưa, Một mình, Nhầm, Tàn mùa, Thề, Niềm tin, Nghĩ, Tội lỗi, Đá mồ côi...
Những cặp phạm trù đối lập thường được Lưu Hồng Vân sử dụng trong thơ thể hiện mọi khía cạnh của tình yêu, của những trạng thái trong tâm hồn con người. Đó là trạng thái luôn bất an, suy tư và trăn trở, những ngã rẽ, gấp khúc, cắt chia, dang dở của cuộc tình.
Đôi lúc, anh cảm thấy đơn độc trong cuộc đời: Nắng đã cạn gió đã mờ/ Mùa thu đã bạc lơ thơ tóc thề/ Em là một nửa cơn mê/ Ta là một nửa đông về heo may/ Xác xơ mây trắng đầy tay/ Ngác ngơ mắt ướt phủ đầy hoàng hôn/ Mọi khi gió cứ vô hồn/ mọi khi nắng cứ bồn chồn trên cây/ Mùa thu buông áo ở đây/ tình ta vướng phải những ngày phôi pha (Nét thu).
Thơ Lưu Hồng Vân thể hiện một cái tôi luôn trăn trở, suy tư, khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là một khoảng trống, chông chênh chưa được lấp đầy, chưa được thỏa mãn. Anh tự nhận mình: Mấy mươi năm ở đợ/ Mà cồn cào mà cạn kiệt vần thơ (Tự cảm).
Do vậy anh luôn là người khách bộ hành bền bĩ, chuyên cần đi mãi, đi mãi về phía trước. Nơi có ánh sáng mặt trời, nơi của ý chí, nghị lực và niềm tin yêu, nơi để đến bến bờ hạnh phúc.
Nguyễn Văn Hòa
Sinh 1981
Hiện đang sống và làm việc tại Phú Yên
Email: nguyenvanhoa.phuyen@gmail.com
Điện thoại: 0984.833.247
Tác phẩm đã xuất bản:
- 32 đề văn nghị luận lớp 12 (Chủ biên), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018
- Tình Thơ Bạn Thơ (36 khúc đò đưa Thơ), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020
- Con tằm rút ruột nhả tơ (32 khúc đò đưa), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020
Tác phẩm sắp in:
- Thơ là Thơ (Tuyển chọn 1000 câu thơ hay và 18 khúc đò đưa Thơ)
- Phác họa 24 gương mặt thơ nữ Việt Nam đương đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét