Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN/ ( Về thơ Vũ Đình Ninh)



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

TÂY SƠN AI TƯ VÃN TRUYỆN - MỘT BỘ PHIM ĐỘC ĐÁO BẰNG THƠ
( Về thơ Vũ Đình Ninh)


Chưa hết ngao ngán thất vọng do những thị phi um xùm và đáng xấu hổ (thậm chí nhục nhã nữa) gây ra quanh các chuyện làm phim lịch sử Việt Nam nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long vừa qua, thì bỗng dưng, qua Vanvn.net, tôi được đọc Tây Sơn Ai Tư Vãn Truyện (TSATVT) của tác giả Vũ Đình Ninh. Chưa đọc ông bao giờ, cũng chưa một lần được diện kiến ông, nhưng tôi thấy quý trọng kính nể ông qua lòng say mê tận tụy ở một trang web văn chương không thương mại, và nhất là qua một cuốn truyện thơ lịch sử dài hơn ba nghìn câu lục bát mang dáng dấp của một bộ phim điện ảnh sử thi độc đáo!
  
TSATVT có 12 chương, tương đương với một phim điện ảnh có độ dài khoảng 12 cuốn (hai giờ đồng hồ), kết cấu theo kiểu kinh điển: có phần mở đầu, phần phát triển tới thắt nút và kết phim (không phải là phần Kết gửi gắm tâm sự, triết lý của tác giả của truyện thơ!). Câu chuyện trong "bộ phim" bằng thơ này dồn nén các sự kiện tiêu biểu của  một thời đại và những xung đột kịch tính quan trọng, thông qua những nhân vật chính, thứ chính và phụ mà sử sách đã nói tới nhiều lần: Nguyễn Huệ và các thủ lĩnh Tây Sơn, Ngọc Hân công chúa, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Nh
ậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Ánh,... Và có cả những nhân vật còn ít được nhắc tới, hoặc tác giả hư cấu thêm: Ngọc Du, gia đình nàng Hoài Sơn, chú bé An, v.v. Trong mỗi sự kiện quan trọng, trong mỗi xung đột kịch tính làm hạt nhân thúc đẩy lịch sử, tác giả đã lựa chọn những tình tiết, những chi tiết đắt giá nhất để diễn tả sự thật của quá khứ... Và tác giả không hiểu vô tình hay hữu ý đã sử dụng khá đắc địa những phương pháp của điện ảnh: từ miêu tả bối cảnh chung bằng những viễn cảnh, tác giả đưa người xem tới gần hơn bằng những toàn cảnh hẹp, trung cảnh, sau đó là cận cảnh; rồi từ cận cảnh lại đưa người xem tới những góc nhìn khác nhau, trong những cỡ cảnh khác nhau, qua những động tác máy quay hợp lý; rồi thủ pháp dựng phim (montage) ; thủ pháp sử dụng âm thanh hữu hiệu trong hình ảnh, v.v; khi kết hợp nhuần nhị với lối tự sự văn xuôi, tác giả đã dựng lên trong tác phẩm nhiều trường đoạn phim (séquant) hấp dẫn, gây ấn tượng thị giác mạnh. Ví dụ như "đoạn phim" miêu tả thắng lợi đầu tiên của quân Tây Sơn, tôi hình dung như một đoạn kịch bản phân cảnh (découpage technique) hoàn chỉnh:

Toàn cảnh rộng: 
Việc quân bàn định xong rồiChia làm hai cánh đúng nơi phục chờMục tiêu tập kích bất ngờCánh quân Nguyễn Nhạc trương cờ tiên phong
Trung cảnh, cận cảnh, và máy quay đi theo ( traveling ) :
Lấy khổ nhục kế tiến côngCũi to nhốt Nhạc trói gông khiêng vào
Lại ra toàn cảnh:
Nghe tin dân chúng ùa vào/ Chen theo, quân Nhạc ào ào nhảy vô
Vào trung cảnh, cận cảnh và máy quay lia:
Khắc Tuyên, xanh mặt, co giò/  Hô quân nổi trống, kéo cờ động binh
Lại ra toàn cảnh:
Trống rền lửa trận thầm thình/ Đội quân Thung, Lý, Tập Đình tràn qua
Phía trong quân Nhạc đánh ra/ Giáp công hai mũi chim sa cá trồi

Một ví dụ nữa, đoạn phim về một gia đình gắn bó với số phận người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ:
Toàn cảnh rộng ( kết hợp kể chuyện ngoài hình):
Có nàng tên gọi Hoài Sơn/ Theo cha lánh nạn dừng chơn nơi này/ Cha nàng được Nhạc bái Thầy/ Mở trường dựng trại phía tây Kiên thành
Toàn cảnh và trung cảnh ( kết hợp âm thanh tự nhiên):
Ở đây sơn thuỷ hoà thanh/ Suối trong, hồ lặng, rừng xanh, đất hiền/ Từ nhà biện Nhạc đi lên/ Qua sông thẳng hướng nam triền con khe/ Hai bên hoa đá sập sè/ Nước trong óng ả nắng nhè nhẹ trôi
Cận cảnh, đặc tả ( kết hợp bình luận ngoài hình và âm nhạc trữ tình):
Mắt nàng đôi mắt long lanh/ Đang soi thấu phận mỏng manh đời mình/ Bao năm cùng Huệ sử kinh/ Bên cha, thầy Hiến trải tình nước non/ Lòng theo ngày tháng xanh hơn
Lại ra toàn cảnh:
Nguồn Tây uất cuộn sông Kôn lũ về
Rồi những cảnh trung, cảnh cận ( lia máy )
Nước tràn cuốn đứt cọc đê/ Cành khô củi mục dạt về biển xa
Toàn cảnh rộng ( kèm cận cảnh nhìn của nhân vật thay bình luận):
Giữa trời rạng ánh hiền hoà/ Nhìn qua phương ấy nhạt nhoà chòm đông

"Điện ảnh là một bài thơ được viết bằng ánh sáng!"- một đạo diễn người Pháp trứ danh đã nói như thế. Ánh sáng này không chỉ là ánh sáng của studio mà còn là ánh sáng của trí tưởng tượng, của văn hóa, để thực tế của đời sống hiển hiện trên màn ảnh như vốn có song lại có sức khơi gợi, liên tưởng ngoài chúng, chứa đựng tâm tư và triết lý về sự sống. Thực ra, đây là chỗ dung hợp giữa điện ảnh với văn học, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh,v.v. Và đó cũng chính là sức mạnh chủ yêú của điện ảnh! Ở TSATVT, người đọc có thể tìm thấy trong thứ "ánh sáng" đó không ít những "cảnh quay" chắt lọc từ sự quan sát đồng thời là sự chiêm nghiệm về đời sống (kèm theo âm thanh phù hợp):
Nhìn lên trắng lạnh màu mây/ Nhìn xa thăm thẳm dặm dày bước mong/ ...Giữa giòng chớp lửa sáng loà/ Nước nguồn như thác cuốn qua đầu người/  ...Bơ phờ gươm giáo dãi dầm đau thương/ ...Máu thây ứa nghẹt khúc đèo/ Khí tanh rờn rợn rít theo tiếng cười/ ...Mà sao bụi cát loang mờ/ Lô nhô lắm ổ tò vò nhện giăng/ Long sàn lành lạnh khói băng/ Điện vua rờn rợn bóng trăng oan hồn/ ...Dặm dài đồi núi trập trùng/ Cửa nhà lác đác ruộng vườn lơ thơ/ Ngư dân thấp thoáng ven bờ/ Một màu xao xác dật dờ khói mây/ Tiếng khua binh khí in dày/ Mặn tanh dấu lệ mờ cay bụi hồng...

Trong một bộ phim, những cảnh quay như trên, nếu quay kỹ lưỡng, với màu sắc ánh sáng phù hợp, cộng với âm nhạc hay, nếu có thể thêm bình luận trữ tình ngoài hình cô đọng thật xác đáng nữa, sẽ là những cảnh quay lý thú có giá trị, góp phần không nhỏ làm nên sức rung cảm của cả bộ phim! Còn ở những câu thơ vừa trích trên, theo tôi, riêng về chữ nghĩa cũng đã chạm được tận đáy dây thần kinh xúc cảm của người đọc!

Nhưng điều quan trọng nhất của "bộ phim điện ảnh" thơ này, đó là đã "tạc" lên được những nhân vật đậm cá tính và đầy tâm trạng phức tạp, giữa chồng chéo bao sự kiện chém giết, tranh giành địa vị quyền lợi, nồi da xáo thịt...

Mở đầu tác phẩm là những "trường đoạn phim" giới thiệu công chúa Ngọc Hân và giấc mơ của nàng trên đường lễ chùa ở núi Vu sơn trong ngày Nguyên tiêu; ở đó, bên cạnh vẻ thi vị của thiên nhiên đã có điềm báo hiệu cho một số phận chẳng yên bình giữa thời binh lửa, qua đó càng làm nổi bật sự ngây thơ trong lành đáng yêu của người công chúa phận mỏng triều Lê mạt:
 Chơ vơ miếu cổ bên đàng/ Lá trăng lấp ló đốm vàng đốm xanh/ Chạnh lòng trước cảnh u minh/ Bệ hương mục rữa cỏ tranh nhập nhoà/ ...Có còn sầu muộn nét hoa/ Còn chăng kiếp phận đàn bà mãi đeo!/ ...Ngẩn người trước cảnh đìu hiu/ Chập chờn đang giữa tĩnh mê/ Kiệu hoa khua động tiếng nghe rõ dần/ Nhạt nhoà bóng dáng vương nhân...

Chỉ vài cảnh quay lia toàn và cận cảnh, là đã vẽ lên được tính cách và tâm sự của một lãnh tụ Tây Sơn:
Máu người tanh nặc đường đi lối mòn/ Nhìn bà mẹ ôm xác con/ Nhìn người vợ trẻ nỉ non khóc chồng/ Lữ nghe từng nỗi mênh mông/ Mà trong từng nỗi chất chồng lên nhau/ Từ trong từng nỗi ran đau/ Trong từng sớ thịt nặc màu máu tanh

Chương 3 đầy chất sử thi hùng tráng, nhiều cảnh "Cờ đào phấp phới đường quê rộn ràng"- nhưng cũng đồng thời cho ta thấy sự bạo tàn khốc liệt của chiến tranh, cùng vóc dáng nhân cách thực sự của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trước thảm cảnh đầu rơi máu chảy:
Huệ ra tới đèo Thạch Tân/ Nhìn thây quân Nguyễn chất chồng lên nhau/ Có tên còn sống ngóc đầu:/ "Cầu xin cứu mạng ơn sâu Hải Hà!”/ Động lòng, Huệ lệnh kiểm tra:/ "Xem ai còn thở, nhanh mà cứu ngay!”/ Nghĩa binh vội vã xắn tay/ Lôi ra trong đống, tính rày hơn mươi/ Liền cho băng bó từng người/ Tên quân cảm kích buộc lời nói ra:/ "Nếu như sớm gặp Hải Hà/ thì bao sinh mạng đâu ra nỗi này!/ chúng tôi thả giáo, buông tay/ xin hàng mà phải thác rày, thảm ghê!”/ "- Giận thay cho lũ quân tề!/ Hàng quân, sao dám u mê giết bừa?”/ Hét xong, lòng Huệ như bưa/ Sau lưng Nguyễn Nhạc cũng vừa đến nơi/ Anh em bàn bạc một hồi/  Nhạc lơ việc ấy mượn lời khuyên em:/ "Lúc này ta rất cần quân/ nếu đem ra xử việc càng rối thêm...

Đoạn trích này, tôi đã hình dung ra một trường đoạn phim rất sinh động và đầy kịch tính- mà chỉ qua vài câu thoại ngắn bên những hàng binh máu mê, hiển hiện lên hai nhân cách rõ rệt, và đồng thời cũng cho thấy sự ngăn cách không thể dung hòa giữa hai anh em Huệ - Nhạc dẫn đến cảnh nồi da xáo thịt sau này!

Đây là những dòng độc thoại nội tâm- một cách thức không xa lạ của điện ảnh hiện đại- đưa ta lắng sâu vào phẩm chất, tâm hồn Nguyễn Huệ:
Bàng hoàng lòng Huệ phân vân:/ ”Chiến tranh- giành giựt! bể trầm luân ư?”/ ”Tà gian? Chính nghĩa? Rằng ừ!/ ”Một vòng lẩn quẩn gầm gừ lấy nhau”/ ”Núi sông ngầm ngập máu đào”/ ”Cỏ cây xơ xác hồ ao nhầy nhùa”/ ”Còn là được mất là thua”/ ”Ngàn năm hai chữ Giặc – Vua xanh rờn”

Và cũng chính những suy tư ấy đã dẫn tới hành động của một người anh hùng thương dân:
Thẳng đường vào mở kho lương
Huệ cùng Tuyết, Sở phát thương dân nghèo

Rõ ràng, Nguyễn Huệ không chỉ là một người "Điều binh khiển tướng diệu kì" mà ông còn là một con người giàu nghĩa khí, giàu tình cảm, có những buồn vui  thông thường- chính vì vậy mà cái chết của ông và sự đổ vỡ của triều Tây Sơn đã gây ra bao niềm tiếc thương. Ta hãy tiếp tục nghe lời độc thoại nội tâm của người anh hùng, trên cận cảnh dần dần zoom vào đặc tả khuôn mặt dãi dầu sương nắng và khói lửa tưởng chừng không thể bao giờ rơi lệ:
Xót thầy giáo Hiến, quân sư/ Lòng riêng nghiêng nặng cơ trời bôn ba/ Đượm buồn phương Bắc trông xa/ Thầm mong một mối nước nhà trâm anh/ Nghẹn nhìn anh cả uy danh/ Khó bề gom nỗi u minh lòng người/ Trên vai chí cả thêm vời/ Phương Nam lửa khói Đàng ngoài phong ba/
...Thương hoài cô gái tên Sơn/ Oái oăm thân phận chờn vờn nghiệp duyên./ Còn ta một gánh ưu phiền/ Bâng khuâng yên ngựa khắp miền biên cương ...Trăm năm còn lại những gì/ Bèo tan mây hiệp sinh ly tử lìa/ Còn chăng một chút xẻ chia/ Trăng tàn đọng giọt sương khuya ướt thềm

Có điều, những tâm sự trên vượt khỏi sự bi lụy, trong nỗi đau mất mát và dự cảm bi kịch vẫn mang phong thái của một người đầu đội trời chân đạp đất! Cuộc gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng giữa Nguyễn Huệ -Ngọc Hân công chúa được tác giả viết trong một sự đồng cảm sâu xa, và tôi có cảm tưởng, nếu cho lên phim ảnh đoạn này thì hai diễn viên có thể cứ thế mà diễn xuôi ra lời thoại, bởi trong đó đã có thừa vẻ tình tứ cùng những nỗi lo âu đời thường lẫn suy nghĩ về trách nhiệm cao cả của hai con người- trai anh hùng, gái thuyền quyên:
Nàng rằng: "đã trót chữ duyên/ Tự thân nhận được phỉ nguyền ba sinh/ Giờ thêm thắm đậm chữ tình/ Trăm năm xin khắc hai mình một ta/ Trăm năm mong một mái nhà/ Cùng người san sẻ sơn hà chung lưng/ Ngày mai mỏi bước phong trần/ Gác tay mặc niệm chữ tâm đời thường
Huệ đáp:
Có đêm trằn trọc canh chầy/ Sau cơn ác mộng cõi này mà kinh/ Hiếm hoi thay một chữ tình../...Ta còn bao việc phải làm/ ngặt vì một nỗi vua Nam bất bình/ Đàng trong chưa hết đao binh/ Đàng ngoài dân chúng nội tình lo âu/ Bắc Hà không ở được lâu/ chờ vua Nam định, nàng sầu muộn chi…
Ngọc Hân:
Kiếp này phận thiếp chỉ mong/ chàng nên nghiệp lớn từ lòng dân ta/ mai kia thống nhất sơn hà/ xin chàng hãy nhớ lời hoa tỏ bày!
Trường đoạn trên cũng là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho nỗi đau xé lòng của Bắc cung hoàng hậu trong một trường đoạn gần cuối khi nàng bị buộc tội đầu độc vua và lại một lần nữa viết Ai tư vãn khiến người đọc (người xem) bàng hoàng đau đớn, ngậm ngùi, phẫn nộ trước nhân tình đồi bại và thời cuộc đảo điên do ác quan, do dục vọng thấp hèn gây ra!

Và có một đoạn miêu tả Nguyễn Huệ thật hay, nếu không muốn nói là hay nhất trong tác phẩm này - (trong điện ảnh sẽ là lời bình luận ngoại hình kết hợp với những hình ảnh tiêu biểu và câm lặng về người anh hùng): 
Lòng Vương bao nỗi tơ vò/ Nhìn dân bao nỗi bơ phờ tình riêng/ Cũng vì thời cuộc đảo điên/ Sĩ hiền đất Bắc một miền xác xơ/ Nơi đây còn lạ màu cờ/ Trong sâu lắng nặng nỗi ngờ người xa/ Từng ngày biến động Hoàng gia/ Từng ngày máu đỏ chan hoà áo cơm/ Đất thiêng người cảnh thêm còm/ Gò trăng thiếu phụ chon von khóc chồng/ Bốn bề âm khí triều dâng/ Niềm đau lại tiếp chất chồng đớn đau/ Lòng Vương càng mở càng nhàu/ Tâm Vương chưa tịnh đã lau lách dày/ Chiến bào khói nặng hai vai/ Đâu người tri kỉ giãi bày một phen...
Người anh hùng áo vải hiện lên trước mặt và sống trong tâm khảm người hôm nay một cách chân thực, góc cạnh, không chỉ ngang tàng nơi chiến trận với áo bào phủ thuốc súng mà cả với chiều sâu thăm thẳm của nhân tính - phải chăng đó là một thành công rất đặc biệt của TSATVT?

TSATVT cũng đã vẽ ra khá đạt chân dung nhiều anh hùng nghĩa sĩ; đặc biệt là đôi vợ chồng Bùi Thị Xuân & Trần Quang Diệu- những nghĩa sĩ dũng mãnh nhất của quân Tây Sơn trong bước đường cùng khiến ta rơi lệ vì thương cảm và cũng bởi nhân cách sáng trong, khí phách cứng cỏi của họ:
...Diệu nhìn Xuân gạt tủi hờn:/ "Đổi thân cứu mẹ đền ơn sinh thành!/ cho dù có bị ô danh/ thịt xương có bị tan tành cũng cam!/ ...Đừng vì bầy cá lia thia/ Mà làm nhem nhuốc nét bia trang đài!”

Cả những nhân vật được gọi là tương phản (không hẳn là phản diện) với anh hùng Nguyễn Huệ cũng được miêu tả trong sự chân thực, phức tạp của tính cách, như Nguyễn Gia Long- và đó cũng là một cách tôn vinh, tạo thêm sức sống cho các nhân vật chính! Đây là một con người: "Lách luồn bất chấp nghĩa nhân"- "Tiếng cười rin rít kẽ răng… Mắt Vua hốc lửa lườm lườm ánh xanh" và mang ý chí trả thù sắt đá: "Nhổ cho sạch rễ chớ rày buông lơi "… Tuy thế, ông ta khó có thể làm khác ở cương vị mình, mặt nữa cũng là người hiểu rõ tội ác của mình và biết run sợ trước tội ác đó:
Tiếng cười sằng sặc máu phun/ Tiếng ai oán giọt lùn phùn mưa rơi...

Nhưng trong hàng ngũ đ
ối lập cũng lại có Ngọc Du- em gái của Nguyễn Ánh, người có trái tim lương thiện:
Từ trong Hoàng tộc một người bước ra/ Vịn ngai quì xuống khóc oà:
"Sao anh lại nỡ bày ra cảnh này?/ ...Xin anh khép lại oán hờn/ Dừng ngay cho! Kẻo chẳng còn kịp đâu!”

Đằng sau cái thể loại thơ cổ điển và ngôn ngữ mang ít nhiều màu sắc của thời Nguyễn Du viết Truyện Kiều, không ngờ lại là một lối tư duy điện ảnh khá hiện đại thông qua cách ghép nối hình ảnh & âm thanh (montage) đầy sáng tạo: tương phản hoặc bồi thấn:
Áo bào khói nặng đen vai< >Tượng binh, mã chiến vòng ngoài hí reo//Đường xuân người rạng bước đào< >Cỏ cây xanh sững, hồ ao lặng lờ
Hay vừa tương phản vừa bồi thấn:
Sờ môi thấy mặn hai hàng/ Nhìn thân thấy đứng trên giàn hoả thiêu/ Chồng con một góc liêu xiêu/ Cửa nhà một cảnh đìu hiu tận cùng/ Bốn bề mây nước mông lung/ Dọc bờ lau lách chập trùng bước đêm

Để kết thúc bài viết đã dài, tôi xin nói về cái kết cấu truyện lý thú tô đậm chất điện ảnh của thiên truyện bi tráng này: mở đầu là Ngọc Hân và những giấc mơ của nàng, kết truyện lại là hồn ma rũ tóc đầy máu mê của Bắc cung hoàng hậu hiện về ám ảnh Nguyễn Ánh trên ngai vàng! Trong tác phẩm TSATVT có không ít những giấc mơ mà phim ảnh hiện đại thường sử dụng - giấc mơ hé mở cho người đọc (người xem) thấy hình dáng nhân cách, những nẻo khuất của số phận riêng. Nếu có dịp được làm phim truyện về thời đại này, tôi sẽ xin được sử dụng bản quyền tác phẩm TSATVT, khai thác ở đó những cảnh hào hùng của chiến trận, những tâm tình đầy diễn biến tâm lý éo le, và cả những giấc mơ đẹp đẽ hay hãi hùng để phần nào diễn tả số phận đặc biệt của dân tộc ta trong một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng rất đáng tự hào!

Tình Thơ Bạn Thơ - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét