Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN / THƠ MINH PHÚ & NGUYỄN ĐẮC HY)



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

NHẬT KÝ TINH THẦN CỦA MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG TRÍ THỨC HÀ NỘI

(THƠ MINH PHÚ & NGUYỄN ĐẮC HY)


Tôi quan hệ với tiến sĩ khoa học Nguyễn Đắc Hy và dược sĩ cao cấp Nguyễn Minh Phú từ lâu, được ông bà coi là bạn vong niên, thậm chí như đứa em út trong nhà để có thể tin cậy tâm sự những chuyện riêng gia đình, và cũng từ lâu được nghe bà Phú đọc thơ của bà trong nhiều cảnh huống… Nhưng chỉ tới hôm nay, đọc toàn bộ “Sổ tay Thơ” của ông bà, tôi mới chợt vỡ lẽ hết: cái gì đã làm nên sự cuốn hút, niềm thương mến, sự gần gụi tinh thần của ông bà đối với bè bạn - trong đó có tôi.

Phải nói trước một điều, tôi vốn “dị ứng” với loại thơ Câu lạc bộ nhan nhản khắp nơi cùng hàng loạt tập thơ in mới cóng biếu tặng chỉ để phủ bụi trên giá. Nếu thơ của ông bà cũng đã in ra theo kiểu “nhân bản” như thế, chưa chắc tôi đã đọc chúng như khi đang là bản thảo viết tay ( không đánh máy vi tính), với những chỗ xóa sửa lem nhem, những đánh dấu bằng các loại bút… Cũng thực kỳ quặc, song phải thừa nhận rằng: đôi khi ở những chỗ sửa chữa, thêm thắt, gạch bỏ ấy, tôi lại “đọc” ra được những thổn thức, ưu tư có thật của một đôi vợ chồng trí thức Hà Thành suốt bốn chục năm qua… Quả vậy, đối với họ, Thơ là một hình thức để bộc bạch tâm tình, một phương tiện để giải tỏa mọi vui buồn, trăn trở, lo âu - những “cơn địa chấn” của nội tâm, đồng thời cũng là sức mạnh tinh thần để vượt qua bao thử thách không kém cam go của đời thường…

Đầu tiên, tôi đặc biệt thú vị với những vần thơ của ông Hy thời “tán gái”, với những bâng khuâng, rụt rè của thời kỳ “tình yêu sét đánh”, khi mà “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?” ( Truyện Kiều). Thời ấy, thế hệ thanh niên được gọi là “tiểu tư sản” Hà Thành như lên cơn sốt với những vần thơ tươi ròng hồn hậu sự sống của cô thợ máy Lý Phương Liên- trong đó có bài “Đợi anh dưới cột đồng hồ”. Thì ông Hy thuở tình đầu cũng “Như Lý Phương Liên- Đợi anh dưới cột đồng hồ”, với bao tâm trạng điển hình của tuổi đang yêu: “Dạ bâng khuâng trong ánh mắt chia ly” (ĐỢI EM Ở NHÀ EM). Nhà khoa học trẻ tuổi lúc ấy đã nhiều lần biến thành thi sĩ: “Buổi em đi, ngày xuân sau mưa bụi/ Hết mưa rồi sao ánh mắt lại nhòa hơn?” ( TRÍCH NHẬT KÝ NGÀY EM ĐI THỰC TẬP XA-22.4/1971). Thơ tình hai người viết tặng nhau thời run rẩy đợi chờ lúc gặp mặt có cả những công thức hóa học để nói hộ lòng mình.
Còn bà Phú, hồi đó cũng là một sinh viên ngành Khoa học tự nhiên vốn được ban cho tâm hồn thi sĩ, lại được tình yêu cất cánh, đã tự nhận: “Em có trăm ngàn ánh mắt”, để khi, dù chỉ nhìn thấy “Một cánh buồm mờ trong sương đục”, bà đã sống lại “Những tiếng biển sâu lắng/ Ầm ào ngày và đêm/ Bờ cát phẳng dịu hiền/ Vẫn đón chờ sóng vỗ/Như tình yêu muôn thuở/Ru anh và ru em/ Như tiếng nôi xa vắng/ mẹ ru mình lớn lên” (TÌNH BIỂN, NHỮNG NGÀY ANH Ở LIÊN XÔ).

Những ngày ông xa nước, bà đã “Viết trong đêm cô tịch/ Nhớ mong tràn không gian…” (MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ). Trong những “Phù sa của dòng sông quê hương”, có “phù sa” của một tâm hồn người phụ nữ trí thức Việt nhiều trăn trở song vẫn không bao giờ bị lung lay nền móng đạo lý cổ truyền, vẫn một lòng “Ở nhà em chăm mẹ/ Thay anh rất chu toàn”… Nhớ lại tuổi trẻ tình yêu say đắm sôi nổi, dù có lúc “nức nở một thời khổ đau”, nhưng chúng đã như một nguồn năng lượng mới mẻ để bà khẳng định với chồng và cũng với chính mình: “ Dù có đôi lầm lỗi/ Dù có ngày nông nổi/ Dù có cạm bẫy chăng/ Dù chông gai thành rừng/ Dù đói nghèo lầm lụi/ Định đốn ta thành củi/ Đốt ta thành tro bụi/ Dù cảnh đời thay đổi/ Ta vẫn nhận ra nhau/ Vẫn hòa tan trong nhau… ( MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ). Và nhật ký Thơ lúc xa nhau đã là cái cớ để những câu thơ thật thơ và thật rung động ra đời: “Cô đơn, em chợt bồi hồi/ Hóa lời ru những chiều rơi nắng vàng” (RU ANH).

Không phải không có những sóng gió của tình cảm vợ chồng, nhưng ký ức đẹp đã trở thành tài sản vô giá, khiến bà biết tìm cách vượt lên những ‘tin tức hãi hùng”, và tiếp tục sống như đã sống giữa bão tố chông gai của số phận: “Bàn tay gầy guộc buồn lầm lụi/ Ngày ngày đi chở thuốc từng hòm” - “Anh lại ra đi biết bao miền/ Để em lại còng lưng với đất” - “Cơn sóng nào xô anh vào vực thẳm…” Cũng có lúc bà “ngỡ ngàng mình hy sinh vô ích”, và cũng may “được trời thương xót” (NGHĨ VỀ ANH). Bà tâm sự với chồng, cũng là tự răn mình: “Khi vàng thau hỗn độn giữa đời thường” “Mảnh đất nào để ươm mầm cây Phúc?” (LỜI CỦA GIÓ). Trong cuộc sống gia đình nảy sinh bao chuyện vui, buồn, giận dỗi, chia ly, v.v, hai ông bà đều ghi lại thành thơ như một thứ nhật ký đặc biệt, để lưu giữ kỷ niệm, tự răn mình, nhắc nhở nhau, dạy dỗ hay động viên con cháu… Có những bài, những đoạn thơ ông bà trêu chọc nhau với nét hài hước châm biếm nhẹ nhàng của những trí thức. Bà Phú có mấy bài thơ viết cho chồng lại mang cả chất trào lộng dân gian: “Số Tel thì không nhớ/ Chìa khóa chẳng nhận ra/ Mái tóc trắng mượt mà/ Như kẹo bông ngọt lịm/ Vòng đeo tim vành vạnh/ Đầu bẩy đuôi ngo ngoe/ Vẫn chưa hết xập xòe/ Khi bóng hồng thấp thoáng”…

Rõ ràng là hai ông bà đã sống theo cái triết lý được chép cẩn thận trong sổ tay Thơ: “Thời gian là một ông thầy vĩ đại, nó dàn xếp mọi việc…” (P. Corneille)

Những năm tháng khi đã làm ông, làm bà, “Dù cho tóc đã sương pha, da mồi”, họ vẫn dành cho nhau sự trìu mến săn sóc, lo lắng cho nhau như thuở tình đầu, bà vẫn “Như những giọt sương/ Ướt đầm mong đợi”, vẫn ĐỢI ANH: “Đã quá nửa đêm/ Phố phường ngủ yên/ Chỉ còn ngọn đèn/ Cùng em thức đợi/ Đợi mòn con mắt/ Đợi thắt con tim…”

Dược sĩ Minh Phú là con người của tình cảm, với những cơn sóng nội tâm đa dạng lúc nào cũng như cuộn sôi dâng trào: “Bão ở ngoài kia hay bão ở trong tim?” (CẢM NHẬN). Bà “đã uống cạn/ Giọt đắng/ Giọt cay/ Giọt sầu/ Giọt tủi”, để mong sao trong “Những ngày đen đúa” sẽ góp phần “Hồi sinh cho mọi kiếp người” (TRƯỚC NGÃ BA ĐỜI).

Đối với những người thân trong gia đình, tâm sự Thơ cho thấy bà Phú là một người Con chí hiếu, một người Mẹ hiền, một người Bà con Họ hàng chu đáo, với tất cả tấm lòng yêu thương chân thật, lắm khi đắm đuối, của một người phụ nữ Việt truyền thống.

Với các con cháu: “Bão giông của con/ mẹ gồng mình gánh nặng” (BÃO GIÔNG CỦA CON) - “Khóm tre già măng mọc/ Bóng tỏa mát trời xanh/ Chỉ mong con cháu mình/ Như tre xanh Đất Việt” (TẾT ĐẾN THĂM CON).

Với bà con xa Đất nước: “Anh em hòa thuận thành tri kỷ/ Trái đất tròn vo mối tình Người” (MÙA XUÂN SẼ ẤM ÁP).

Trong những “Đêm không ngủ” trông nom bố già nằm viện, nhìn bố quằn quại đau, bà đã có lúc giống “như người quẫn trí”, và càng thấm thía cái mơ ước từ thuở nhỏ mà bà bộc bạch một cách chân thật, giản dị, xúc động: “Con vẫn còn mơ ước/ Tìm ra được cây thuốc/ Chữa mọi bệnh hiểm nghèo/ Dù vất vả gieo neo/ Vẫn theo nghề y dược” (NHỮNG NGÀY BỐ NẰM VIỆN).
Trong đời, những lúc nguy nan nhất, bà nhiều lần “Con nguyện cầu Trời Phật” và các đấng Thần linh, nhưng lại luôn tin ở cái Tâm trong sáng vằng vặc của bản thân mình trong các quan hệ ứng xử từ trong gia đình tới ngoài xã hội, để “Dẫu ngàn cay đắng đời dâu bể”, cuối cùng cũng sẽ được hưởng Phúc Lộc của Lẽ Nhân Quả mà Đức Quán Thế Âm ban phát cho Đời… ( KÍNH DÂNG ĐỨC PHẬT, CHÚNG CON CẦU NGUYỆN, YÊN TỬ, v.v.).

Không chỉ hướng tâm tư vào những cảm xúc cá nhân, về vợ chồng, con cháu của mình, Minh Phú còn hướng lòng tới bao sự sống xung quanh. Bà xúc động trước nghị lực của một người bạn vượt qua bao sự trớ trêu của số phận từ thuở ấu thơ, phải sống giữa “Những đôi mắt lạnh ướp trong hồn người”, và “Tặng anh tất cả trong lành ban mai” (TẶNG ANH THỤY). Bà cảm phục tấm lòng kiên trung của một người bạn lớn tuổi khi về hưu vẫn đau đáu những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và không cạn câu chuyện tiếu lâm đem lại nụ cười cho đời (TẶNG BÁC VĨ). Bà rung cảm trước mồ hôi nước mắt đã đổ ra của hai người bạn nhỏ (Cẩm- Thủy), của vợ chồng người bạn đồng niên (Châu- Cường) để tạo nên những mảnh đất “Trĩu chịt quả lành, trái ngọt vây quanh”, “Chắt chiu cho đời Cổ thụ trường sinh” mà bà gọi là “Ngôi nhà cô Tấm”, là “Những địa đàng Tình yêu… (NGÔI NHÀ CÔ TẤM, TẶNG VƯỜN CÂY THẾ BẮC GIANG). Khi một người bạn thân thiết NHẤT mà bà coi như chị gái đi xa, bà đã khóc chị bằng những vần thơ lay động lòng người: “Mỗi khi sóng cồn định nhấn chìm em/ Em lại trôi ngay về bến chị”- “Ân tình hòa quyện hương Trời Đất/ Chị vẫn còn đây với chúng em” (TẶNG THÚY ANH, CHỊ KHÔNG ĐI XA). Và rất nhiều bài thơ viết tặng bạn cũ, bạn mới, ở nhiều lứa tuổi, nhân một cuộc khai trương cửa hàng hay nhân bất kỳ dịp gặp gỡ nào, đều dạt dào tình thương mến, lòng trân trọng, đều chí tình chí nghĩa (TẶNG TRANG, TẶNG KIM-TOÁN-HẰNG, TẶNG THI SĨ DÂN GIAN, HUẾ THƯƠNG, v.v.).
Nhân một tai nạn văn chương trong làng văn VN, tuy không phải là người trong cuộc, bà vẫn tự coi là có liên quan và NỔI GIẬN, để gắng thấu hiểu TÂM SỰ CỦA CON CHỮ, cảm thông sâu sắc với những người cầm bút mang “con chữ Nghĩa Nhân” mà có kẻ đang tâm giết bỏ “hồn chữ”, khiến “nàng Thơ phải ngất xỉu ra thềm”!

Từ thời sinh viên, bà Phú đã sống trọn vẹn, hồn nhiên trong mạch sống đầy gian truân song thi vị của Đất nước và Tuổi trẻ, cái mạch sống thấm đượm “Lòng dân giản dị ân cần/ Nhường ta từng manh chiếu, bát chè thơm”, và giữ tới suốt đời thi hứng ấy như một nguồn sức mạnh không bao giờ vơi cạn để vượt qua bao thử thách gian nan: “Ánh trăng qua kẽ lá/ In mãi xuống đường mòn/ Em mải nhìn trăng đẹp/ Quên cả màn đêm buông” (ÁNH TRĂNG) -  “Đẹp biết bao tuổi trẻ say mê/ Dâng tất cả cho tình yêu xứ sở” (TẶNG CÁC BẠN SINH VIÊN KHÓA 21 ĐH DƯỢC)- “Bàn chân nhỏ có hề chi gian khổ/ Dù vắt cắn máu trào tuôn đỏ/ Dù lá han buốt rát đôi chân” - “Vượt đèo lội suối, khỉ gáy vượn ho”; trong cảnh ngộ nào bà và các bạn sinh viên cũng không mất đi nguồn cảm hứng để “Gối đầu lên sỏi hát cùng trời cao” hoặc viết những dòng thơ “Ngọt đậm hương hồi, tươi màu hoa chuối”  (ĐI TÌM CÂY THUỐC, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ, v.v.).

Nhiều năm qua, hai ông bà sống bên cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đã từng gợi cho hai nhà khoa học thự nhiên đó biết bao cảm xúc về “Hồn xưa cổ thụ” trong tiếng gió Hồ Văn, trong tiếng ve mùa hạ, trong màu hoa bằng lăng tím, hoa phượng đỏ, hoa điệp vàng… Và hai ông bà đã viết nhiều dòng thơ về PHỐ TÔI… Đặc biệt, trong những ngày TS Nguyễn Đắc Hy viết công trình lớn của một người người: “Môi trường và con đường phát triển”, ông tâm sự đã nhiều lần đi dọc bức tường cũ, hay đi vào Văn Miếu và chợt “ngộ” thêm ra nhiều điều thú vị về Lẽ sống Dân tộc, về vấn đề Môi trường toàn cầu… Sự đồng điệu giữa hai ông bà chắc chắn cũng xuất phát từ niềm cảm thông với Thiên nhiên và Hồn Dân tộc ở một trong những góc thiêng nhất của Thủ đô ngàn năm tuổi, nơi “Hội tụ về đây tinh khí Đất Trời”, và sự đồng điệu đó đã chắt lọc thành Thơ Ca - Nhật ký tinh thần của họ…

Có một bài thơ ngắn của bà Phú, không dễ hiểu như mọi bài khác, song lại kết tinh được khá nhiều tâm tư của bà sau hơn nửa thế kỷ sống: “Ước vọng, ngậm ngùi nén lại đã bao thu/ Chợt nắng vàng tẩm hồn ta quay quắt/ Trải nghiệm thời gian chôn chặt một nỗi niềm/ Ràng buộc nhân sinh, thầm lặng với Băng Tâm…” (VÔ ĐỀ). Chúng ta chợt nhớ tới câu “Nhất phiến Băng Tâm” (Một tấc lòng băng giá) của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, đã được một trí thức hiện đại làm công việc cứu người cảm thông thấu hiểu tận đáy lòng. Người mang mảnh “băng Tâm” của người xưa ấy hàng ngày xót xa trăn trở với tính mệnh con người đang dần hủy hoại bởi Môi trường bị tàn phá, Đạo lý băng hoại: “Ôi, Thiên Nhiên, nỗi đau tê tái” (HIỂM HỌA MÔI TRƯỜNG) - “Có nơi nao giống nơi đây chăng/ Chất độc lẻn lút vào xương tủy/ Người đến viện K như trảy hội chùa Hương…” ( TRẰN TRỌC) “Nghĩ về Đất nước cười ra khóc/ Giao thông bất ổn nhất hành tinh/ Khủng bố còn thua người tỵ nạn/ Thượng đế nghe xong có giật mình? (NGÃ GẪY TAY)… Ta hiểu vì sao, trên trang đầu của cuốn Sổ Thơ là dòng đề từ trích trong một công trình lớn của chính TS. Nguyễn Đắc Hy- giống như một tuyên ngôn Sống và làm Thơ của họ:
           “Văn minh sinh thái là cội nguồn của phát triển Hạnh phúc nhân loại”
(Môi trường và con đường phát triển, PGS.TS nguyễn Đắc Hy - NXB CAND, 2011).

Có một điều rất lý thú, một trong những động lực để ông Hy hoàn thành được công trình của đời người này, lại xuất phát từ mấy câu thơ, sau một lần được dự cuộc tọa đàm về thơ Trần Dần tại L' Espace (Trung tâm văn hóa Pháp - 24 Phố Tràng Tiền, Hà Nội); ông kể lại: tư duy và kinh nghiệm còn quá nhỏ hẹp trong biển cả của môi trường và sự phát triển khiến ông nhiều lúc không đủ năng lực và can đảm để hoàn thành cuốn sách, không dám viết tiếp; song, sau khi được nghe thơ Trần Dần: “Tôi đói/ mọi cái gì/ tôi chửa biết/ mọi khát khao/ hy vọng/ loài người...” thì ông đã được truyền một nghị lực mới mẻ không ngờ để thực hiện nốt công trình dang dở...  Tôi hiểu: Cái nghị lực để ông Hy hoàn thành được công trình lớn đó, chắc chắn phải có nguồn động viên của bà Phú, với cảm hứng thơ ca của cả hai ông bà suốt một đời thể hiện chí hướng cao quý: “Ước mong Trái đất Hành tinh sạch!” (HIỂM HỌA MÔI TRƯỜNG). Điều đó cũng đang trở thành chí hướng, ước mơ, và mục tiêu hành động của tất cả những người Việt Nam chân chính hôm nay ./.

Hà Nội, 2018

Tình Thơ Bạn Thơ 2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét