Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

ĐẠO ÂM DƯƠNG TRONG MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG CỦA NGƯỜI XƯA


ĐẠO ÂM DƯƠNG TRONG MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG CỦA NGƯỜI XƯA

Trong văn hóa truyền thống, khái niệm âm dương là vô cùng trọng yếu và xuyên suốt. Vô luận là Kinh Dịch, Thái cực, Bát quái, Trung y truyền thống… đều lấy âm dương là lý luận nền tảng. Mà trong lý luận âm dương, âm dương điều hòa, cương nhu kết hợp, âm bình dương bí được xem là trạng thái tốt nhất. Mối quan hệ giữa vợ và chồng của người xưa cũng tuân theo đạo lý này.

Cổ nhân cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do âm dương tạo thành, đều mang trong nó thuộc tính âm dương. Có ban ngày sẽ có đêm tối, có mặt trời mọc sẽ có mặt trời lặn, có cao thì có thấp, có trên thì có dưới, có động thì có tĩnh… Đạo của trời đất, lấy âm dương tạo hóa vạn vật. Có âm dương mới có vạn vật sinh sôi không ngừng, mới có sự hài hòa có trật tự của tự nhiên, của nhân luân.

Vạn vật trong tự nhiên có thể chung sống hài hòa đều là vì tuân theo những quy luật bất biến. Quy luật mà chúng sinh, nhân loại tuân theo chính là đạo nhân luân. Mà quan hệ vợ chồng được coi là ngọn nguồn của nhân luân, của các mối quan hệ xã hội. Nho gia giảng: “Đạo nhân luân bắt đầu từ đạo vợ chồng”, trong Kinh Dịch cũng viết: “Có trời đất sau đó có vạn vật, có vạn vật sau đó có nam nữ, có nam nữ sau đó có vợ chồng, cha con, quân thần, từ đó mới có khái niệm trên dưới, lễ nghi…”

Xã hội là do vô số gia đình tạo thành. Sự hài hòa trong cuộc sống gia đình là có liên quan đến sự bình an và lâu dài của xã hội. Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống gia đình lại chính là đạo vợ chồng.

Người chồng là dương, phải lấy ngay thẳng cương trực làm gốc. Cương trực ở đây không phải chỉ đơn thuần là cương trực công chính, cũng không phải là khăng khăng giữ ý mình, mà có ý nói nam nhân phải có tri thức và cách nhìn nhận đúng đắn trong cách đối nhân xử thế. Một người chồng như vậy mới có khả năng giữ gìn, chèo chống được gia phong và chính khí của gia đình.

Người vợ là âm, phải lấy nhu hòa mềm mỏng làm gốc. Người phụ nữ phải có phẩm tính hiền lương, dịu dàng hiền hậu. Người phụ nữ như nước, an tĩnh mà khoan thai, không nóng nảy, không dong dài, làm lợi vạn vật mà không tranh giành. Một người vợ như vậy sẽ giữ được gia đình hòa thuận, trên dưới ấm êm.

Tục ngữ nói, nam nhân không cương thì gia đạo không thịnh, nữ nhân không nhu thì phúc vận bị tản đi mất. Trong gia đình, âm dương hòa hợp thì gia đình vui vẻ hòa thuận, ít xảy ra sự tình rắc rối. Trái lại, nếu trong gia đình âm dương đảo ngược, vợ chồng không còn giữ được trọng trách của mình thì gia đình sẽ rất khó hạnh phúc, lâu dài.

Nói là vậy nhưng mọi sự cũng không phải tuyệt đối. Ví như người chồng tuy rằng tính cách yếu đuối nhưng đối tốt với người vợ của mình, một lòng một dạ với hôn nhân hay người vợ tuy rằng tính cách mạnh mẽ, sự nghiệp thành công nhưng vẫn chăm sóc tốt, kính trọng người chồng của mình thì cuộc sống gia đình vẫn có thể yên vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, để đạt được điều này, vợ chồng phải coi trọng “phu nghĩa, phụ đức”, tức là bản thân người vợ người chồng phải giữ được cái nghĩa và cái đức của mình.

Xã hội hiện đại ngày nay coi trọng và đề cao sự bình đẳng giữa nam và nữ. Người chồng dốc sức làm việc, gây dựng sự nghiệp và người vợ cũng có sự nghiệp của riêng mình. Nếu không ai nhường ai thì làm sao để giữ gia đình yên ấm, hạnh phúc. Về điều này, trong “Kinh Dịch” có viết rất rõ ràng: “Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại, nam nữ chính, thiên đích chi đại nghĩa dã”, tức là trong gia đình nếu muốn yên ấm hạnh phúc, mọi người vui vẻ thì vị trí chính của người vợ nên là ở trong nhà, chủ quản các việc trong nhà còn vị trí chính của người chồng nên là ở bên ngoài, cố gắng gánh vác gia đình. Người chồng và người vợ đều tìm được vị trí chính yếu của mình thì chính là đã phù hợp với quy luật vận hành của trời đất.

Người đàn ông như trời, tráng kiện không ngừng, ở bên ngoài lo toan sự nghiệp, nuôi dưỡng gia đình. Người phụ nữ như đất, khiêm tốn mà nâng đỡ vạn vật, đảm bảo sự tồn tại của mái ấm. Điều này là do đặc thù sinh lý của nam và nữ tạo thành sự khác biệt như vậy, không phải thể hiện sự bất công. Từ cổ chí kim, từ thời bắt đầu xã hội nguyên thủy, người đàn ông ở bên ngoài săn bắn, đánh giặc, người phụ nữ quản việc nhà, một người ở trong một người ở ngoài, phân công rõ ràng, sống nương tựa vào nhau, người nào đảm nhận vị trí của người ấy, từ đó mà sống hòa hợp vui vẻ, lâu bền.

“Cô âm bất sinh, độc dương bất trưởng”, dương lẻ loi sẽ không sản sinh ra được điều gì, âm trơ trọi sẽ không thể lớn mạnh phát triển. Nếu trong gia đình chỉ người chồng hoặc người vợ cố gắng thì sẽ khó lâu bền. Âm dương hòa hợp mới có thể hóa sinh vạn vật, vợ chồng hài hòa gia đình mới có thể hưng vượng. Âm dương vốn là nương tựa lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, trong âm có dương, trong dương có âm, vợ chồng cũng nên là như vậy. Trong cuộc sống hiểu được đạo lý âm dương này tất sẽ có lợi cho sự hài hòa thịnh vượng của gia đình.

VANDANBNN st tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét