Abraham Maslow, nhà tâm lý học người Mỹ nổi tiếng với mô hình Tháp nhu cầu, từng nói: “Con người có nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thực hiện giá trị bản ngã”. Vậy nên trong quá trình đối nhân xử thế, chúng ta cần để ý thiện đãi người khác, giữ thể diện cho người khác, bởi vì đó là biểu hiện của sự tôn trọng.
Khi chúng ta tặng hoa cho người khác, người đầu tiên ngửi thấy hương thơm là bản thân mình. Khi chúng ta quăng bùn đất vào người khác, người đầu tiên vấy bẩn lại chính là bản thân ta.
Trên đời không có người hoàn thiện. Với những việc không trái với quy tắc, không đi ngược với lương tri, chúng ta cần luôn cho người khác một cơ hội, giữ thể diện và dành cho họ sự tôn trọng. Sự thấu hiểu, bao dung và đại lượng của chúng ta sẽ khiến họ cải biến, hiểu ra, và tránh để xảy ra sai sót tương tự vào lần sau. Bởi thế, người cao thượng luôn có sự đồng cảm với người khác, biết cách hoán đổi vị trí mà suy xét, hiểu cách tôn trọng lòng người.
Có một câu chuyện kể rằng: Xưa có một vị trụ trì thu nhận một đứa trẻ lang thang và dạy cậu bé viết chữ, đọc sách, tụng kinh. Tiểu hòa thượng rất thông minh, cũng ham học hỏi.
Nhưng vị trụ trì phát hiện ra rằng, ngay khi vừa học được một đạo lý, tiểu hòa thượng bèn chạy đi khắp nơi khoe khoang, nghe được vài lời tán tụng thì vô cùng vui sướng. Thế là vị trụ trì bèn nghĩ cách điểm hóa cho tiểu hòa thượng.
Một hôm ông đưa cho tiểu hòa thượng một bồn hoa, bảo cậu buổi tối quan sát chậu hoa xem thế nào. Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng nâng chậu hoa nói với vị trụ trì rằng: “Sư phụ, bồn hoa này thật tuyệt diệu! Ban đêm hoa nở, hương thơm bay khắp nơi, nhưng hễ đến khi trời sáng, từng đóa hoa lại thu mình lại.”
Vị trụ trì nói: “Khi hoa nở có khiến con thấy ồn ào không?” Tiểu hòa thượng nói: “Không ạ, khi hoa nở và hoa khép đều rất lặng lẽ.” Vị trụ trì từ bi nhìn tiểu hòa thượng nói: “Ồ, vậy à! Ta tưởng rằng khi hoa nở sẽ ồn ào khoe khoang hương thơm của mình chứ!” Tiểu hòa thượng chột dạ một lúc, rồi hổ thẹn mặt đỏ ửng lên, cung kính nói: “Đệ tử minh bạch rồi ạ”.
Trong cuộc sống, khi phát hiện ra sai sót của người khác, nếu chỉ thẳng ra mà không để ý tới hoàn cảnh, khiến đối phương cảm thấy mất mặt, người ấy sẽ rất khó nghe lọt tai. Nếu dùng ngữ khí uyển chuyển, quan tâm tới cảm nhận của họ, thiện đãi họ, thì sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ dàng tiếp nhận.
Họa sĩ vẽ tranh Trung Hoa truyền thống nổi tiếng thế kỷ 20 là Trương Đại Thiên từng có một tác phẩm tên là “Lục liễu minh thiền đồ”, có nghĩa là ve kêu trên liễu xanh. Bức tranh này vẽ một chú ve sầu nằm sấp, đầu hướng xuống đất, như thể sắp bay. Tề Bạch Thạch, một bậc thầy hội họa đi trước, cũng rất được tôn kính, khi nhìn thấy bức tranh này bèn nói với Trương Đại Thiên rằng: “Bức tranh này của Đại Thiên quả thực có thần. Nhưng trước kia khi vẽ ve sầu, tôi từng thỉnh giáo một người nông dân, nghe nói đầu của ve sầu hướng lên trên, rất hiếm khi cúi xuống đất. Đương nhiên đây chỉ là lời phiến diện của người nông dân, tôi không rõ, không nhất định là đúng.”
Trương Đại Thiên sau đó nhân cơ hội tới núi Thanh Thành vẽ tả thực đã chạy ra ngoài quan sát kỹ lưỡng, phát hiện ra những chú ve sầu trên cây quả nhiên đầu đều hướng lên trên.
Sau khi trở về, Trương Đại Thiên kể lại những điều mình quan sát được với Tề Bạch Thạch, Tề Bạch Thạch mỉm cười: “Tôi cũng từng quan sát thấy điều này.” Trương Đại Thiên lúc này mới chợt tỉnh ngộ, hóa ra Tề Bạch Thạch sớm đã biết rằng ông vẽ sai, chỉ là cân nhắc tôn trọng ông nên nói tránh đi như vậy.
Tôn trọng người khác là biểu hiện của sự giáo dưỡng. Khi để tâm tới cảm nhận và suy xét sự việc từ góc độ của người khác, thì chúng ta mới nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ từ họ. Giữ gìn sự tôn nghiêm, lưu lại con đường lui cho người khác cũng chính là thiện đãi bản thân mình.
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét