Cổ nhân có câu: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”. Mỗi người thông thường chỉ mất vài năm để học nói nhưng phải mất hàng chục năm, thậm chí cả đời để học cách im lặng. Cho nên, nói là một loại năng lực, nhưng nói ít, im lặng lại là một loại trí tuệ, đó chính là phong thái của bậc trí giả.
Mặc Tử là một nhà tư tưởng thời Xuân Thu Chiến Quốc. Một lần, học sinh của ông là Tử Cầm hỏi: “Thưa thầy, nói nhiều tốt hơn hay là nói ít tốt hơn?”
Mặc Tử trả lời: “Lời nói quá nhiều thì có gì là tốt đâu? Ví như ếch xanh ở trong hồ nước, cả ngày lẫn đêm đều kêu không ngừng khiến cho chính lưỡi và miệng của nó đều bị khô mà lại còn không có ai để ý đến và yêu thích nó. Nhưng con gà trống thì khác, trời hửng sáng gáy gọi hai, ba tiếng thì mọi người liền thức dậy, còn cảm ơn nó. Bởi vì tiếng gọi của nó là thích hợp hữu ích. Cho nên, nói chuyện thì nên học theo gà trống, đừng nên học theo ếch xanh.”
Nói nhiều, lặp lại, không có gì mới, không có nội hàm, đó không phải là điều mà người nghe mong muốn vậy. Người phương Tây cũng có câu ngạn ngữ: “Thượng đế cho con người một cái miệng, hai cái lỗ tai, chính là muốn con người nghe nhiều hơn và nói ít đi.”
Trong cuốn “Giới đa ngôn”(Hạn chế việc nói nhiều), nhà Nho lỗi lạc Tăng Quốc Phiên kể rằng: Lúc mới vào Viện hàn lâm, một lần ông tổ chức sinh nhật cho cha mình và mời bạn bè thân thiết đến dự. Trong số những người đến mừng thọ có một người bạn là Trịnh Tiểu San. Trong lúc nói chuyện với Trịnh Tiểu San, Tăng Quốc Phiên đã nói lời khoa trương, khoác lác, thái độ có chút đắc ý khiến cho Trịnh Tiểu San phẩy tay áo ra về. Mối quan hệ của hai người cũng bị rạn nứt, không còn được tốt đẹp như xưa nữa.
Sau sự tình ấy, Tăng Quốc Phiên vô cùng hối hận, ông nhận ra mình có ba cái sai lớn, bèn ghi chép lại. Cái sai thứ nhất là thường ngày đều luôn cho mình là đúng. Cái sai thứ hai là nói chuyện không có chừng mực, cân nhắc, nghĩ gì liền nói đấy. Cái sai thứ ba là rõ ràng nói lời mạo phạm người khác nhưng lại còn phân bua, thậm chí đến mức không hợp tình hợp lý.
Sau khi tổng kết ra ba lỗi này, Tăng Quốc Phiên tự nói với bản thân:
Một người mà ngay cả tiêu chuẩn “Ác ngôn bất xuất vu khẩu, phẫn ngôn bất phản vu thân” còn chưa làm được, thì sao có thể làm được việc lớn đây?
“Ác ngôn bất xuất vu khẩu, phẫn ngôn bất phản vu thân” là một câu trong “Lễ ký”, ý nói lời ác không từ trong miệng mình nói ra, thì lời nói phẫn hận của người khác cũng sẽ không phản hồi trở về thân mình.
Tăng Quốc Phiên từ đó bắt đầu rèn luyện cách nói chuyện. Ông thường xuyên tìm lỗi sai của mình, thường xuyên chú ý trừ tận gốc khuyết điểm nói khoa trương. Ông còn đưa việc chú ý cách nói chuyện này vào gia huấn để chỉ dạy con cháu nhiều đời sau.
Dùng lời nói để áp chế người khác thì cho dù có thắng, người khác cũng sẽ không phục. Trong đối nhân xử thế, “khiêm tốn” là phù hợp nhất, đúng đắn nhất. Cãi vã thường sẽ không thể hiện đúng sai mà còn khiến người ta hành động theo cảm tính. Bản chất của việc tránh nói nhiều, nói gấp là ở thời điểm đối mặt với người và sự việc, phải kiểm soát được bản thân mình, tránh cho họa từ miệng mà ra, loạn từ miệng mà ra. Nói vừa đủ, không nói quá nhiều vừa là một loại cảnh giới, cũng là một loại trí tuệ.
VANDANBNN st tu thân/ gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét