Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

VÌ SAO ĐỜI NGƯỜI LUÔN CÓ NHỮNG VIỆC KHÔNG NHƯ TÍNH TOÁN ?


VÌ SAO ĐỜI NGƯỜI LUÔN CÓ NHỮNG VIỆC KHÔNG NHƯ TÍNH TOÁN ?

Tại cửa lớn của một trong ba đạo quán nổi tiếng nhất của Giang Nam là Tu Chân quán có đặt một chiếc bàn tính, mang ý nghĩa tượng trưng cho pháp bảo mà Thần linh dùng để tính toán số mệnh của đời người. Hơn nữa còn có một câu đối là: “Nhân hữu thiên toán, Thiên tắc nhất toán”, người ta tính toán ngàn điều, Trời xanh chỉ có một điều tính toán mà thôi. Nếu để ý kỹ thì chữ “toán” của vế trước được cố ý viết sai, do đó có thể thấy ngụ ý của đôi câu đối này là “Người tính không bằng Trời tính”. Bậc trí giả có ngàn điều suy nghĩ, tất sẽ có một sơ xuất, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.

Đời người luôn có những sự tình xảy ra ngoài ý muốn, không lường trước được, không tính toán được. Hơn nữa, người ta hoàn toàn không thể giải thích được hợp lý, mà chỉ có thể chấp nhận rằng, có lẽ đó là ý của ông Trời. Rất nhiều người dù đã tính toán kỹ càng nhưng càng tính càng sai, càng tính càng không trúng, đời người cũng cảm giác như bế tắc, không thông.

Thậm chí ngày nay, rất nhiều người tìm tới thầy tướng số để xem vận mệnh của tương lai, tìm cách tránh họa tránh nạn. Nhưng kỳ thực, những người xem tướng chân chính đều biết rằng điều họ xem được cũng chỉ là có hạn mà thôi. Tại một số phương diện, nếu có dự phòng thì cũng có thể tạm thời giải trừ điều xấu. Tuy nhiên về tổng thể mà nói, nạn lớn là không thể trừ bỏ được, mọi sự việc đều chỉ là trì hoãn hoặc chuyển hóa, chuyển hóa thành nạn khác, hơn nữa càng trì hoãn thì đến khi gặp nạn lại càng thống khổ hơn, vì “nạn lại thêm nạn”.

Trong xã hội hiện đại còn có rất nhiều người không tin vào Thiên mệnh. Họ một mực cho rằng mệnh là do tự mình nắm giữ, chỉ cần cố gắng là có thể làm chủ, có thể điều khiển được quỹ đạo nhân sinh của bản thân. Nhưng họ lại không biết rằng “người thuận đạo trời thì thanh nhàn, người nghịch đạo trời thì thống khổ”, nghịch Thiên thì hết thảy đều là “cực khổ mà không nên công trạng gì”.

Kỳ thực cổ nhân đã suy ngẫm rất nhiều về hành trình của sinh mệnh và mặc khải được vô số đạo lý, để lại trong các chính tín xa xưa. Họ cho rằng con người là một cá thể nhỏ bé trong tự nhiên, bởi thế con người tất phải tuần hoàn theo quy luật của vũ trụ. Vũ trụ vận động theo quy luật riêng của mình, người xưa gọi là luật, là Pháp, là Đạo. Luật, Pháp hay Đạo này được giải thích như thế nào? Nói theo ngôn ngữ hiện đại, to lớn như các thiên hà, các hệ mặt trời, các hố đen, các vì sao… đều có quỹ tích riêng có thể đoán biết được. Nhỏ như các phân tử, nguyên tử, proton, electron… đều có nguyên tắc riêng có thể suy tính được. Vậy thì con người nhỏ bé ở bên trong vũ trụ này hẳn là không nằm ngoài tính khả tri ấy. Tuy vậy muốn thấy rõ hơn, muốn biết nhiều hơn thì cần có trí huệ cao hơn.

Khoa học hiện đại đối với một số sự tình nhỏ là có thể tiên đoán được, ví dụ sự tiến triển của sức khỏe, bệnh tật, v.v.. Thậm chí các thuật toán hiện đại đã phát triển đến mức có thể tiên đoán được nhu cầu mua sắm của con người. Rất nhiều người đã để ý thấy rằng các mạng xã hội đôi khi có thể đưa đến những sản phẩm quảng cáo mà một người đang muốn mua sắm dù mới chỉ “thoạt nghĩ trong đầu”. Thật ra chỉ cần có đầy đủ thông tin, con người là có thể đoán biết được, và dễ dàng đoán biết được. Nhưng cách “tính toán” này cũng chỉ là một loại “tính toán ngàn điều” mà thôi, vẫn chưa phải là “nhất toán”.

Từ những mặc khải và cảm ngộ của mình, cổ nhân cho rằng con người là có “đức”, Trời xanh là dựa vào “đức” của con người mà “tính toán”, mà an bài đời người, mà bảo hộ hay trừng phạt con người. Bởi thế những người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “Tích đức, làm việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, họ lại nói rằng: “Thất đức, tổn đức”. Rõ ràng trong văn hóa truyền thống, “đức” không phải chỉ là một khái niệm chung chung, mà giống như một loại “vật chất” vậy.

Có câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Lại có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện đều như là có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có Thần trợ giúp. Trong Kinh Thi có viết rằng, con người nên thường xuyên suy nghĩ đến hành vi việc làm của mình, xem có hợp với Thiên đạo hay không, cũng chính là ở đạo lý này vậy.

Mặc dù nói rằng số mệnh của con người là đã được Thiên thượng định sẵn, nhưng người xưa tin rằng con người vẫn có thể “cải biến”. “Cải biến” ở đây kỳ thực là thông qua lựa chọn nhân sinh của bản thân mà đi theo những con đường, những quỹ đạo khác nhau. Một người không chỉ có một lựa chọn hành trình sinh mệnh trong một đời, mà hành trình đó xảy ra như thế nào còn do lựa chọn thiện ác, sự nỗ lực hay lười biếng, tuy nhiên về tổng thể là “đại đồng tiểu dị”, cái đáng có thì sẽ có, cái không đáng có thì sẽ mất đi. Trong mệnh không được làm Tổng thống thì vĩnh viễn không thể làm Tổng thống, bởi vì đó là chuyện “đại đồng”. Còn việc lựa chọn ăn món gì, đi chơi đâu, thì là “tiểu dị”, không phải là thứ được định hình sẵn. Chỉ khi làm việc “đại đức”, “đại Thiện”, thì quỹ đạo của sinh mệnh mới có đột biến. Nhưng sự việc loại này là không thể cưỡng cầu, cũng là vạn người không có lấy một.

Cũng vì hiểu biết về số mệnh như vậy nên dân gian mới truyền rằng: “Đại phúc tại Thiên, tiểu phúc tại tạo”, ý nói phúc lớn là do Trời ban, phúc nhỏ là do con người tạo ra. Hàm ý của nó là khuyến khích con người thế gian phải hiểu được đạo lý thuận theo đạo Trời, nhưng cũng phải cần cù chăm chỉ, tự mình cố gắng thì mới có được một chút phúc báo đó.

Người xưa có câu: “Thiên đạo thù cần”, nghĩa là đạo Trời có một quy tắc là sẽ ban thưởng cho người cần cù. Một người bất luận là có phúc phận lớn hay nhỏ, chỉ cần người ấy có đủ nhẫn nhịn chịu khó, không ngừng chân chính cố gắng thì sẽ được ban thưởng những gì đáng được. “Có mất mới có được”, những sự tình nhỏ, những may mắn, phúc phận nhỏ, là những điều mà con người có thể thông qua sự cố gắng mà đạt được, là có thể có chút thay đổi được. Bởi vì khi con người nỗ lực, cố gắng thì sẽ đạt được kết quả xứng đáng, có lao động thì sẽ có thu hoạch. Đây cũng là cái lý rất phổ biến trong nhân gian, trong xã hội từ xưa đến nay.

“Hành thiện tích đức”, con người về cơ bản là thông qua phù hợp với đạo Trời, phù hợp với cái Thiện mà thăng hoa. Văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy danh vọng, tài vận, phúc lộc của một người đều là do đức và nghiệp tích từ nửa đời trước hoặc là các đời trước mà sinh ra. Do đó, nhiều người không có đức hạnh trong đời này nhưng bề ngoài thì sống có vẻ rất tốt. Kỳ thực con người nếu không thể giữ lấy “đức” này, thì sẽ tiêu tốn nó rất nhanh chóng, không chỉ khiến bản thân nhanh chóng rơi vào cảnh bất hạnh, mà còn khiến con cháu chịu quả báo. Điều này chỉ cần quan sát một gia tộc vài đời là có thể mặc khải được vậy.

“Đức” của con người ta cũng không chỉ có một tác dụng đó. Trong giới tu luyện, giới tín ngưỡng xưa nay đều nói về những bậc “đại đức”, có “phúc phận”, có “sứ mệnh”, chính là chỉ về những cá nhân kiệt xuất như Đức Phật Thích Ca, Lão Tử, Chúa Jesus… Đó là những người vượt ra ngoài sinh tử, mang theo “Thiện”, mang theo “Chân”, mang theo “Từ bi” mà mong muốn cứu độ con người.

Phật gia giảng rằng dẫu có phúc phận thì vẫn là xoay vòng trong lục đạo luân hồi. Người có vận mệnh tốt tới đâu trong xã hội người thường cũng không thể thoát khỏi “sinh lão bệnh tử” của số mệnh. Do đó việc thay đổi số mệnh đời người mà chúng ta thường nói chỉ là sự cải biến trên bề mặt, vẫn là loại “tính toán ngàn điều” mà thôi. Còn muốn thoát khỏi luân hồi, cải biến tận gốc vận mệnh, thì chỉ có tu luyện thành Đạo, có vậy mới được giải thoát, ấy cũng là giá trị phổ quát mà các tín ngưỡng của nhân loại đều nhìn nhận. Đó cũng là duy nhất một loại “tính toán một điều” mà người ta có thể lựa chọn vậy.

VANDANBNN st tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét