Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tùy Văn / NGÀY BỐN MÙA

 

NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tùy Văn 
NGÀY BỐN MÙA

Thời có lúc biết đâu ngày mai hỡi
Khúc sông này bát ngát một tình ca

Tôi đến Seattle một chiều trung tuần tháng 5 lịch dương, vừa ra khỏi sân bay, con trai đã choàng ngay lên vai chiếc áo chống lạnh siêu nhẹ với lời chào nơi này ngày bốn mùa, lúc này đang là mùa đông. Đứng lạnh giữa sân ga chờ con lấy xe rước. Bật cười với lời tự tôn quá xưa Con Người Thật Vĩ Đại!, chỉ sau hai mươi giờ bay đã buộc thời gian quay ngược từ đêm trở lại ngày, từ mùa hạ về lại mùa đông.
Ngồi trên xe, lan man với con trai về thời tiết. Năm nay Nhuận tháng Tư, thời tiết bên Ta vừa qua tiết Lập Hạ, đang vào Tiểu Mãn. Con từ ba tuổi đã quê Sài Gòn, nên chỉ biết hai mùa mưa nắng. Thời tiết hai mùa mưa nắng thật là thuận trời, hòa đất, đẹp người. Cha chưa biết có nơi nào trên hành tinh này thời tiết đẹp thuận hòa hơn? Thời tiết ngon lành là thế, mà các cô gái đất Ngọc vẫn thao thảo thèm một vài ban mai heo may, đôi ba hoàng hôn se se lạnh để được khoác lên người tấm áo len cỏ hoa đan mỏng tung tẩy những đường cong. Hai mùa Mưa-Nắng của Sài Gòn quá tuyệt, ở thành quen, vừa xa đã nhớ và quá dễ thích nghi với người Sài Gòn lâu đời hay bất kỳ người di trú mới, cũ từ phương nào tới. Nếu ở Sài Gòn vào lúc này, mon men tối, chỉ cần ới nhau ra quán nhậu đầu đường, ngồi tụm, lai rai vài chai bia mồi thập cẩm là lập tức thành người Gòn xịn.

Chờ bữa tiệc đón giữa sân, tưởng thế vì tháng Năm, giữa Hạ, nhưng tưởng đó đã không diễn ra, dù vườn cỏ mới cắt đang non mướt mượt, hoa từng lùm, từng lùm sắc nọ mầu kia như tấm bảng pha mầu trên tay họa sĩ, nắng vừa tắt, sáng vẫn choang choang như ở Ta lúc bốn rưỡi, năm giờ chiều dù lúc này, nơi đây, đồng hồ tay đã chỉ tám giờ tối. Tiệc đứng trong nhà, con trai đặt gần cha chiếc sưởi xách tay, hẹn mai sẽ quần đùi may ô tiệc Hạ giữa vườn trưa.

Không ngủ được, khác múi giờ, ngồi trong nhà nhìn qua tường kính, mắt thấy mùa đi, tai nghe mùa nói, gió thào thào qua da thịt run rẩy một mầu lá cây đen lam, reo cười phà sương khói. Lòng bỗng ào ào ký ức thức nhớ mùa đông Hà Nội. Từ ngày mẹ đẻ rơi trên cầu Giải Yếm, đến lúc rời quê tha hương, tôi đã sống qua 35 mùa đông Hà Nội. Mùa đông thời ấy thật khó quên. Đói rét thật khó quên, nó lậm vào ký ức, sâu hút tuổi thơ, dằng dặc tuổi trai rồi bão hòa tuổi già, đồng hành theo đời vui buồn như cổ tích. Nhớ mùa đông ấy, tội nghiệp miếng ăn hèn hạ đến nỗi suýt phản bội tình yêu. Mỗi chập tối lạnh, cô gái con bà chủ nhà sơ tán lại phát tín hiệu ra gốc cây rơm dúi cho khi thì củ khoai, khi thì miếng sắn, khi thì nắm hạt rang ngô đậu, miếng ăn lúc đói bén yêu, may mà cô gái khước từ, ngủ kéo mịt chăn xấu hổ.

Lại mùa đông khác, 1972 thất nghiệp, chồng đạp máy may, vợ đem hàng bỏ mối Hàng Đào, Hàng Ngang, tối về rét bạc mặt hai bụng lép ép vào nhau mà ngủ…với thơ. Seattle, mùa đông vẫn đi ngoài vườn chầm chậm, êm ả, thanh bình. Tôi cố trôi mình vào thanh bình ấy, nhưng gió nhiều chuyện vẫn bên tai đủ chuyện, nhưng hôi hổi nhất vẫn là chuyện miếng cơm manh áo ở Seattle, chuyện rằng: Diana Trần, nữ sinh gốc Việt, lớp 11, trường Willis High School, Texas, Hoa Kỳ, đã bị tòa án quận Montgomery bỏ tù 24 tiếng đồng hồ, phạt $100 vì tội bỏ học hơn 10 lần trong thời gian 6 tháng. Tại tòa, Diana cho biết em học điểm cao, còn lấy thêm 3 lớp AP chuẩn bị cho đại học, nhưng vì cha mẹ bất ngờ bỏ nhau, mẹ dọn đi tiểu bang khác, em phải vừa đi học vừa đi làm hai việc, để nuôi bản thân, nuôi anh trai và một người em, nên đôi khi phải bỏ học vì kiệt sức. Câu chuyện của Diana đã gây xúc động và khơi gợi lòng trắc ẩn khắp nước Mỹ. Và nhiều người đã đứng lên quyên góp tiền cho cô bé, số tiền quyên góp đã lên tới $90.000 từ 18 quốc gia và 49 tiểu bang của Mỹ (Theo CBS, Daily Mail)

Mùa đông đi theo đêm, những tia nắng sớm gõ cửa từng nhà gọi thức báo mùa xuân. Nhìn cháu nội ngoại vươn vai ngái ngủ, vội vội vàng vàng vệ sinh, uống lót sữa rồi đeo ba lô đi học, ngày không mưa tung tăng dảo bộ đến trường, ngày mưa đứa trai ngồi Mẹc cha như hoàng tử, đứa gái ngồi Mẹc mẹ như công chúa, xe bon đến sát cổng trường. Sáng nay xuân đẹp rỡ, con trẻ ôm chào ông nơi cửa tiếng Mỹ hót lời ríu ran. Con dâu còn ngủ, ngủ thật không phải ngủ nướng, tối qua hình như thức khuya. Con trai, đang thời gian được nghỉ dưỡng thương tai nạn, pha mời ba ly cà phê G7 hòa tan, kèm tờ báo Mỹ và lời mời 11 giờ trưa đưa ba xuống phố ăn phở Hòa. Gật cười. Nhâm nhi cà phê, võ vẽ đọc báo.

The Daily of the University of Washington chạy hàng tít lớn ngay trang nhất Six dead after shootings in U-District and West Seattle, Một người đàn ông đã xả súng bắn chết 6 người trước khi tự sát. Trang trong. Beginning in the 1990s, more than 1 million new immigrants have arrived each year. Children represent 1.8 million, 15 percent, of the undocumented immigrant living in the U.S. Nhẩm tính, từ 1990 đến thời điểm này là 22 năm, hơn hai chục triệu người trên thế giới nhập cư vào Mỹ, số dân nhập cư ấy đã sinh ra cả triệu trẻ em hiện đã là học sinh trung học, một con số khủng với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới. Một con số ngập tràn ý nghĩa mùa xuân sinh sôi với quốc gia đa sắc tộc Hoa Kỳ. Ý nghĩ ấy như thể trộn vào gia vị tô phở Hòa khói phức, mà không thể cầm lòng, đành chia sẻ với con trai. Con vừa thêm rau giá vào phở, vừa bâng quơ đáp lời thoạt nghe tưởng chẳng ăn nhập vào câu chuyện. Nước Mỹ mà ba. Ở đây ngày nào cũng Tết. Thấy cha ngơ mắt. Con kiệm lời. Bên ta Tết là Nhất. Tết là xum họp, thanh bình. Trên thế giới này không nơi nào có tết xum họp gia đình hạnh phúc như bên Ta. Thật đúng là Tết Nhất. Nhưng tiếc là chỉ có ba ngày. Còn bên này, Tết tuy không đẹp như ba ngày Tết bên ta, nhưng ngày nào cũng Tết xum vầy hạnh phúc. Đất Lành, chim nơi nơi về đậu là lẽ tự nhiên, mà ba. Bật cười xuân. Định nói với con bên ta có ba ngày Tết, đẹp vui nhất thế giới, vậy mà khối người còn than, Tết mới chả Nhất, tiếng Việt mình thật hay lạ hay lùng, nhưng kịp nín miệng, sợ làm chua tô phở Hòa giá gần hai trăm ngàn đồng tiền Việt.

Thời tiết Seattle hôm nay lập hạ thời quá Ngọ. Con trai bật dù, kê chiếc ghế lười (tổ bố) dưới dù, xong đâu đó mời cha ra vườn phơi bụng nước lèo, mà gã tiếu lâm gọi là bụng chữ. Năn nỉ gã kê thêm chiếc tổ bố nữa để mẹ nằm phơi sóng đôi, gã không chịu, gã bảo bụng mẹ ít chữ hơn nên sách không ẩm mốc, không cần phơi mà cần được ngủ cho chữ nghĩa có cơ may thư giãn.

Thế là một mình. Một mình với trưa hè Seattle. Sao bỗng thấy trưa hè làng Sấu Giá, nắng ong ong, gió lay đưa những thân dừa cao vút, tiếng cồ cộ gọi nhau đi trảy hội, chẳng biết hội gì… Chỉ mới mơ hồ ký ức có thế, đã nghe tiếng hoa cười, thoạt đầu chỉ mới nghe khóm hoa bông bự như cẩm tú cầu Đà Lạt nở gần bên cười thoang chưa thành tiếng, giây lát đến những cụm hoa leo nơi bậc thềm vườn đổ suối hoa cười, rồi tiếng cười đồng ca khắp vườn hoa nhiều sắc mầu hơn chữ nghĩa. Phật ý mới hỏi hoa: Bộ thấy ta quê mùa nên cười chăng? Hoa chỉ cười. Giật mình biết câu hỏi lố. Có quốc gia nào trên hành tinh này đa sắc tộc, đa tôn giáo như nước Mỹ, mà từ khi lập quốc đến nay chưa một cuộc chiến tranh sắc tộc nào xẩy ra, kỳ thị mầu da, kỳ thị văn hóa, kỳ thị giầu nghèo, kỳ thị tỉnh quê là điều cấm kỵ. Bèn hỏi hoa như chữa thẹn: What’s your name? Em tên gì? Hoa đáp: Em tên hoa. Hỏi em khác cũng đáp thế, em khác cũng đáp thế, đáp thế, hoa nào cũng đáp thế, hồn nhiên lời đáp ngân reo trong gió thoang thơm. Chắc hẳn thấy câu người hỏi mắc cười, những bông hoa cỏ tím vắt lượn theo hình dáng những tảng đá trồng tự nhiên trong vườn, nở sinh động như trẻ thơ, thương hại mách giúp: Tất cả chúng tôi đều có một tên chung là Hoa, còn tên riêng là do con người xếp chúng tôi thành họ loài theo khoa học của họ. Chúng tôi không quan tâm đến cái tên riêng ấy. Là hoa, chúng tôi tự biết mình phải phô hết sắc, tỏa hết hương và tứa hết mật, trước là để sinh tồn nòi giống hoa, sau là làm đẹp đất. Lý tưởng của Hoa chỉ đơn giản vậy. Thật may mắn, chúng tôi được là hoa xứ Mỹ, nơi đây người ta yêu hoa, tôn trọng hoa và cân bằng muôn chủng loại hoa… Định ngắt lời hoa để hỏi thêm những điều hoa nói nhanh chưa kịp hiểu. Nhưng không kịp, ngày của thu đã về lạnh ngọt, các cháu nội ngoại đã ùa cả ra vườn khoe với ông nội chuyện ở trường, ở lớp với thầy cô giáo, với các bạn đủ mầu da vui hợp xướng trong một âm thanh Hello.

Đành lại phải hỏi con trai: Thế nào là cân bằng muôn chủng loại hoa? Con trai cười đa nghĩa, rồi giảng giải ý nọ va đập ý kia lại như chẳng ăn nhập gì vào câu hỏi của cha.

Nằm giãn cả thời hạ hôm nay ngoài vườn, ba thấy vườn hoa bên Này (Mỹ) có gì khác vườn hoa bên Ta (Việt Nam)? Bên Này người Mỹ không kỳ thị hoa đã thuần hóa, bên Ta gọi là hoa thật, với các loai hoa tự nhiên thiên nhiên, bên Ta gọi là hoa cỏ dại. Cũng như động vật hoang dã, thực vật thiên nhiên được yêu quí, tôn trọng và được ưu ái che chở, khích lệ sinh sôi. Vườn hoa nhà con cũng như vườn hoa khắp mọi nhà ở dây, hoa dại hoa khôn đều được chăm sóc, cắt tỉa, tưới tắm như nhau, nên hoa nào cũng rực rỡ sắc mầu. Con chính là người cân bằng các chủng loại loại hoa trong vườn nhà con đấy. Nói rộng ra thì Seattle là một vườn hoa trong tiểu bang Washington, tiểu bang Washington là một vườn hoa của nước Mỹ hơn năm chục tiểu bang, và nói thật rộng thì nước Mỹ cũng là một vườn hoa trên hành tinh xanh này, thưa ba. Hạnh phúc cho người sống trên đất Mỹ là người Mỹ tự tìm cho mình cách cân bằng muôn chủng loại hoa, hoa nào cũng được tồn tại, được làm hoa và sống hết cuộc đời hoa. Cha con mình sẽ còn trở lại đề tài này sau, thời thu trong ngày sắp hết, ba nên lượm, hái đi trước khi rét đông ùa tới sang ngày…

Con trai đã nói một hơi như thế, kết luận như thế, và tôi cũng kịp nhận ra rằng phải thu lượm rất nhanh, vì ngày bốn mùa lại sắp sang ngày mới, ắt có sự mới, việc mới, nghĩ mới. Thu hoạch hôm nay thế này: Ngày có bốn mùa, tháng có bốn mùa, năm có bốn mùa, bể đời có bốn mùa, đời người là bốn mùa, nơi Tây hay Nơi Ta đều vậy, vấn đề là làm sao để thích nghi, tranh đấu cho thích nghi thành tương thích, để được cân bằng hài lòng.

Ngày thu ở Seattle đi rất nhanh từ cuối nắng ngày đến cơn rét đông về ập, bầu trời như bên Ta mầu trăng suông, thật khó lòng thấy mặt chị Trăng co ro trong chiếc áo choàng mầu tuyết non kín mặt.

Seattle 18/5/12 
Nguyễn Nguyên Bảy/ Rút từ sách “ Seattle Em Và Tôi”
Nxb HNV 4.2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét