Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

NXB KHOA HỌC XÃ HỘI.1973/ Như Thiết / VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI/ Kỳ 1


NXB KHOA HỌC XÃ HỘI.1973


Như Thiết
VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, Kỳ 1


BNN: Mời đọc để biết Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy những năm 1970 bị đánh lên bờ xuống ruộng như thế nào. Và làm thế nào để vượt qua kiếp nạn văn chương ấy mà đến được bờ Phúc hôm nay..
Ký 1 này, minh chứng cái cớ của bài đăng qua thư trao đổi giữa Nhà văn Phùng Thành
Chủng Hà Nội và BNN hiện dưỡng thương tại Mỹ.

Thư của nv Phùng Thành Chủng : Kính gửi anh chị Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên/ 
Em có cuốn " Quán triệt tính đảng trong mỹ học và nghệ thuật" - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1973 , của tác giả Như Thiết, có bài viết về chị, em muốn gửi tặng anh chị để anh chị giữ làm kỉ niệm. Anh chị cho em địa chỉ để em gửi qua đường bưu điện. Cầu chúc cho anh chị cùng toàn gia an bình trong "thời" co vit ! PTC.

Thư đáp của NNB: 
Ôi, Phùng Thành Chủng em trai, nhận được thư Em mừng vui khôn tả, bao nhiêu kỷ niệm yêu mến ùa về..bao nhiêu hẹn hò còn dang dở.. Anh đang ở Mỹ, vì thế em không cần gửi sách qua, tốn kém lắm, em cứ giữ lầy khi nào anh về cho anh cũng được. Trước mắt, nếu có thời gian em có thể vi tính bài viết của Như Thiết và gửi qua eMail này cho anh, để anh cho đăng lại và bổ xung thêm chi tiết cho bài viết của anh về em, đang đăng lần lượt trên blog và fb của anh, loạt bài: Những Tình bạn kỳ lạ của tôi/ Thế nhé em trai (xin lỗi anh quen xưng hô với em như thế từ khi ae minh kết bạn với nhau dù bây giờ em đã lão ông 70)./ BNN 

Như Thiết
VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, Kỳ 1


Từ bao đời nay,thơ ca đã là niềm vui không thể thiếu được của dân tộc ta- dân tộc anh hùng và nghệ sĩ. Cách mạng thành công đã mở ra một giai đoạn phát triển lớn mạnh của thơ ca. Hầu như mọi người đều yêu thơ, thích làm thơ và mỗi bài thơ đặc sắc đều nhanh chóng đi vào tình cảm của nhân dân, được truyền tụng và đánh giá. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Lý Phương Liên qua những bài thơ hay đăng trên báo Đảng, vừa qua đã được nhiều người chú ý.

Nhưng tiếp sau đó, báo Văn nghệ ra ngày 28- 8- 1970 lại đăng một loại bài khác với những lời khen quá đáng gây nên nhiều dư luận khác nhau về thơ Lý Phương Liên.

Dưới ánh sáng của đường lối văn nghệ của Đảng, chúng ta hết sức trân trọng, yêu quý những sáng tác tốt, nhưng hết sức minh bạch trong việc khen chê, nhiệt tình cổ vũ những thành công và chân thành nêu lên những sai sót của tác giả.

Qua những bài thơ đăng trên báo Văn nghệ, chúng ta thấy rằng nhiều hiện tượng đối lập nhau ở trong tâm tư, tình cảm cũng như phong cách Lý Phương Liên. Có lúc Lý Phương Liên xuất hiện như một thanh niên trong trắng hồn nhiên, hát lên những lời tươi đẹp về tương lai, về cuộc sống. Có lúc Lý Phương Liên lại suy nghĩ lẩm cẩm và lạc lõng như một người sống cách đây từ bao thế kỷ.

Với tấm lòng tin yêu đối với các bạn thơ trẻ, với một thiện ý mong muốn giúp Lý Phương Liên vững bước trên con đường đầy ánh sáng của Đảng, của cách mạng, của nhân dân, chúng tôi thấy cần thiết phải nêu lên những chỗ thành công và những chỗ sai hỏng của tác giả.

1. " Thơ là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp " ( Sóng Hồng). Nhận định đó như một tiền đề quan trọng xác định rõ ràng về đối tượng phản ánh của thi ca hiện đại. Không thể đi tìm một đối tượng phản ánh xa lạ nào ngoài cuộc sống vĩ đại của dân tộc đang đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, người nghệ sĩ tắm mình vào trong cuộc sống đấu tranh và xây dựng cụ thể, sinh động của nhân dân. Chiều hướng đi vào miêu tả nhũng đối tượng quen thuộc, thân thiết nhất đã giúp cho nhà thơ có điều kiện nắm vững hơn tính phong phú và sinh động của đối tượng miêu tả. Viết về môi trường mình hiểu biết nhất trong cuộc sống dân tộc hiện nay đang đem lại những kết quả đáng phấn khởi cho thơ ca.

Lý Phương Liên đã làm thơ về những con người, sự kiện gắn bó, gần gũi nhất của mình. Đó là người cha thợ điện có đôi tay " săn như gọng kìm", là người mẹ" lặn lội thân cò phố chợ ven sông", là người em mà " ai cũng bảo giống cha như đúc", là chị hàng xóm lần đầu sinh con, là những đêm đi làm ca ba dọc đường Nam- bộ...

Những con người và sự kiện ấy đã làm cho thơ sinh động. Không phải ngẫu nhiên mà có dư luận cho rằng bài thơ nào của Lý Phương Liên cũng có những sự việc riêng biệt rất cụ thể trong đời sống của tác giả, góp phần tạo nên cái không lẫn được của thơ Lý Phương Liên. Bất cứ một bà mẹ Việt - nam nào lại chẳng thuộc ca dao và ru con bằng ca dao, nhưng ở trong thơ Lý Phương Liên, bà mẹ tác giả chỉ trầm bổng" những câu ca dao xôn xao trời đêm" và" hay lẩy Kiều vào lúc sang canh" rất cụ thể. Người cha thợ điện của Lý Phương Liên có " dáng ngồi lặng lẽ" nhưng lại cũng là người có cá tính" khi mắc dây cha thường huýt sáo". Ngay cả đến những ý kiến dễ bắt gặp nhau nhất của cùng một lứa tuổi, Lý Phương Liên cũng thể hiện khá độc đáo:

Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Ca của những đêm hè đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng đống lửa
Còn em, với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
( Ca bình minh)

Cũng nhờ tính chất sinh động ấy mà người đọc cảm thấy dường như sự kiện và tình cảm trong một số bài thơ Lý Phương Liên đăng trên báo Đảng tuôn chảy trong cái dáng hồn nhiên, trực tiếp, ít phải đưa đẩy bằng kỹ xảo, ít phải dùng đến những ước lệ, phóng đại sáo mòn.

Nhưng bản thân sự kiện không đủ làm nên bài thơ hay. Nhà thơ không phải là người thợ chụp ảnh sự kiện. Sự kiện trong thơ phải chứa đựng tâm hồn người nghệ sĩ. Thông qua sự kiện được chọn lọc, nhà thơ gửi gắm vào đó lý tưởng xã hội và thẩm mỹ, quan niệm sống và niềm xúc động sâu lắng của mình. Sự kiện chỉ trở nên có hồn khi nó làm sáng lên những ý đồ sáng tác. Qua những tình tiết bà mẹ Suốt gan góc, dũng cảm chở đò phục vụ chiến đấu dưới bom đạn ác liệt, nhà thơ Tố Hữu đã tinh tế bộc lộ niềm cảm phục cao đẹp về người phụ nữ Việt- nam anh hùng và lạc quan. Với sự kiện người cán bộ đi họp ở Việt- bắc giữa một đêm long lanh đầy trăng sao và sương khuya, Sóng Hồng đã thể hiện sâu sắc sự kết hợp hài hòa giữa những suy nghĩ lớn với niềm cảm xúc trong trẻo, tế nhị của một tâm hồn cao đẹp.

Lý Phương Liên thành công nhất ở những bài thơ giản dị, cố nêu lên những tình cảm riêng trước những sự kiện đẹp, nhằm thể hiện sự chân thành của mình. Chúng ta vui cùng Lý Phương Liên trong "niềm vui bé nhỏ" :vẫy chào đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ đưa bộ đội thẳng tới chiến trường, dìu chị hàng xóm trở dạ đứa con đầu lòng đến nhà hộ sinh và thừa nhận trong niềm tin lời triết lý của Lý Phương Liên :

Ai cũng muốn mỗi ngày cuộc đời là một ngày sống đẹp.

Lý Phương Liên có những cảm nghĩ rất độc đáo về những sự việc quen thuộc xưa nay như tiếng ru, lời ru. Khác với ru con, ru em, ru cháu, Lý Phương Liên đã có một lời ru với Anh. Thế nhưng người đọc chúng ta đã không lấy làm lạ mà rất cảm thông với cái độc đáo đã được quan niệm mới về tình yêu thừa nhận:

Xa anh nói nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến, lòng chao gió cành
Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu.
( Lời ru với Anh )

Người đọc cũng không cảm thấy khó chịu khi Lý Phương Liên tự ru chân, ru tay, ru đầu mình hãy ngủ ngon. Thơ là " tiếng nói đồng tình, đồng ý" ( Tố Hữu). Lý Phương Liên đã tạo được tiếng nói đồng tình đồng ý với " Lời ru trong đêm" , với sự thoải mái chính đáng của mỗi người chúng ta sau ngày lao động hết mình, có trách nhiệm.

Tầm xã hội hóa cao nhất của thơ Lý Phương Liên được thể hiện trong bài" Em mơ có một phiên tòa" và dừng lại tại đấy. Bằng nhiều chi tiết sống, kết hợp với những ý nghĩa và xúc động chân thành, Lý Phương Liên cố đặt niềm đau riêng không tách khỏi cuộc đấu tranh của cả dân tộc. Những lời buộc tội bắt " bầy giặc lái câm lặng cúi đầu" vừa có niềm đau của người mất mát lại vừa có cái tư thế của người chiến thắng. Ở đây, tình cảm của Lý Phương Liên là những tình cảm cố vươn tới hòa nhịp với tình cảm chung của dân tộc. Người nghệ sĩ chỉ thành công khi bài thơ nào đi vào quy luật này của tình cảm: " Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ mà nhiều khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hi vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ lên nhịp đập trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người" ( Sóng Hồng).

Tiếc rằng Lý Phương Liên có rất ít những bài thơ thể hiện được quy luật đó. Những bài thơ hay của Lý Phương Liên mới chỉ nằm trong cái tầm vóc xinh xắn. Lý Phương Liên mới chỉ tạo nên sự đồng cảm của người đọc về những sự kiện và tâm tình ở phạm vi sinh hoạt quen thuộc thông thường của tác giả. Vượt qua đối tượng quen thuộc đó để đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa khái quát hơn là vô cùng cần thiết đối với thơ. Nhưng Lý Phương Liên chưa thực hiện được. Rời khỏi những hình ảnh về cha mẹ, người yêu, chị hàng xóm, Lý Phương Liên rất dễ trở nên mờ nhạt và mơ hồ trước những đề tài xa rộng hơn, những vấn đề của giai cấp, dân tộc, và thời đại.

Cái khó nhất trong thơ không phải là cá biệt hóa sâu sắc tâm tình mà là nâng chúng lên cho kịp với tầm vóc thời đại. Nhưng muốn nâng lên ngang tầm thời đại lại không thể bằng những hư cấu phóng đãng của tư duy, bằng sự dối lừa của tình cảm.

Nhưng tưởng tượng lại vô cùng cần thiết với thơ. Tưởng tượng đi liền với đặc trưng của thơ. Tưởng tượng là sức mạnh đặc sắc của thơ. Chính vì thế mà" thơ có khả năng bao quát sâu rộng không gian và thời gian mà nhiều nghệ thuật khác không có... thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng" ( Sóng Hồng). Thơ Lý Phương Liên đã biểu hiện một sự cố gắng kết hợp giữa những sự kiện hiện thực với những mơ ước và tưởng tượng phong phú. Từ những chi tiết rất thực: vòng hoa, quan tài mẹ, ban đại biểu, dân phòng đến viếng tang, Lý Phương Liên đã xây dựng một phiên tòa trong những tưởng tượng mạnh mẽ. Từ những" đêm ca ba rất dài, tuổi như em khỏe ăn, khỏe ngủ",Lý Phương Liên đã nâng dậy một Ca bình minh trong lành và đẹp.

Sức tưởng tượng trong những bài thơ hay của Lý Phương Liên đã khơi gợi những liên tưởng ở người đọc, làm cho những ý thơ sống động hẳn lên. Tiếng huýt sáo của người cha trong lúc mắc dây đã khơi gợi cái âm thanh quen thuộc vẫn thường reo trên các đường dây:

Điện chạy nhanh trong gió hát đường xa
Khi mắc dây cha thường huýt sáo.
(Về người cha đã khuất)

Sức tưởng tượng trong thơ tồn tại trong hình tượng và gắn rất chặt với yếu tố trí tuệ. Không thể buông lỏng những tưởng tượng trong các hình tượng cầu kỳ, quái đản hoặc thô lỗ. Phức tạp và nguy hiểm hơn là những hình tượng không rõ ràng, lấp lửng. Sự mập mờ của hình tượng ít khi do lỗi của kỹ thuật mà do sự thiếu rành mạch của suy cảm. Thơ phải có sức gợi. Thơ phải khơi dậy những liên tưởng trong sáng tất yếu mà từ ngay quá trình sáng tác nhà thơ đã nhằm phải đạt tới. Lý Phương Liên chưa có được những hình tượng khơi gợi sự trong sáng trong một số bài thơ nói về những vấn đề lớn như số phận con người, chiến tranh và hạnh phúc... Qua bài" Nghĩ về Thúy Kiều" cái " dòng suối" ngôn từ lạ như" Kỳ Nha hội ngộ", " chướng vật cản đời"," định mệnh gõ cửa"," chiến tranh hủy diệt", " ánh sáng toàn thân",...chỉ thể hiện khá rõ những vay mượn.Những chất liệu ấy không thể thay thế cho tâm hồn, lý tưởng, tình cảm chân thành- các yếu tố rất quan trọng quyết định cái hay của cả nội dung lẫn hình thức của thơ.

Cũng chỉ có trên cơ sở làm sâu sắc nội dung, Lý Phương Liên mới có thể phát huy những mặt mạnh, độc đáo về hình thức. Nhiều bài thơ của Lý Phương Liên không có vần. Sự tìm tòi là đáng quý nhưng có nên nhắc chăng những chân lý: " Dáng của bài thơ phải đáng yêu mà phong cách phải giản dị" ( Nicolas Boileau) " trữ tình mà không bi lụy, hùng tráng mà không lên gân" ( Sóng Hồng) " Thơ là hình ảnh và nhịp điệu nhưng phải là hình ảnh và nhịp điệu của bản thân cuộc đời" ( Tố Hữu).

/ Mời đọc tiếp kỳ 2/

NXB KHOA HỌC XÃ HỘI.1973
Như Thiết/ VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI, kỳ 1.
Bt tại Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ. September 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét