NXB KHOA HỌC XÃ HỘI, 1973
Như Thiết
VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, Kỳ 2
BNN: Mời đọc để biết Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy nhưng năm 1970 bị đánh lên bờ xuống ruộng như thế nào. Và làm thế nào để vượt qua kiếp nạn văn chương ấy mà đến được bờ Phúc hôm nay..
Kỳ 2. Cảm ơn Nhà văn Phùng Thanh Chủng đã vi tính kịp thời, công phu và trang trọng bài phê bình rất dài, rất máu, rất Quán triệt tính Đảng trong mỹ học và nghệ thuật của nhà văn triết tài danh Như Thiết, người đã khai mở chúng tôi sáng mắt sáng lòng../ NXB Khoa Học Xã Hội đã in như một cẩm nang Tuyên Huấn của văn nghệ tính đảng..
Như Thiết
VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, Kỳ 2
2. Bài thơ " Nghĩ về Thúy Kiều" đã đi ngược với những chân lý sáng tỏ ấy. Ở đây tác giả không còn giản dị nữa. Ở đây thơ không còn là hình ảnh và nhịp điệu của cuộc đời. Nó đã trở nên cầu kỳ, bi lụy và lên gân.
Với gần hai trăm câu chia làm 4 khúc, " Nghĩ về Thúy Kiều" là bài thơ dài nhất trong những bài thơ đã được đăng. Vượt khỏi phạm vi sinh hoạt thông thường- đối tượng phản ánh quen thuộc của tác giả- bài thơ đã đề cập đến những vấn đề xã hội và triết học rất phức tạp. " Định mệnh với con người" là chủ đề trung tâm nổi bật xuyên suốt bài thơ. Xoay quanh chủ đề ấy, hàng loạt các vấn đề về quan niệm sống, cá nhân và xã hội, chiến tranh và hạnh phúc, quá khứ và tương lai đã được đặt ra. Nêu vấn đề và giải quyết vấn đề, tác giả đã thể hiện khá rõ ràng những quan niệm và xúc động của mình trước những quan hệ phức tạp của cuộc sống.
Điều đáng chú ý là báo Văn nghệ đã giới thiệu " Nghĩ về Thúy Kiều" như một bài thơ sâu sắc nhất mà "người đọc thấy toát lên một niềm tự hào đúng về đất nước, về thời đại và một thái độ sống đẹp".
Chúng tôi không thấy như thế. Bài thơ được viết từ đáy lòng thực ra không trong sáng. Không có một thái độ sống đẹp, một niềm tự hào nào toát ra từ đó. Nó đã bị bao phủ bởi đám mây mù những nhận thức mơ hồ và tình cảm giả tạo , yếu đuối.
Nhận thức mơ hồ nhất của tác giả tập trung ở vấn đề" định mệnh với con người" . Thực ra, đây không phải là một chủ đề mới mẻ gì trong lịch sử văn nghệ. Nó thường là chủ đề trung tâm của bao nhiêu tác phẩm bi kịch từ xưa đến nay ở phương Tây và phương Đông. Nó bao trùm tác phẩm của Etsin, Sô phốc. Nó day dứt tấm lòng của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha. Nó là bóng ma ám ảnh cuộc đời Nguyễn Du. Nó là câu hỏi tuyệt vọng của Ôn Như Hầu. Suốt mấy ngàn năm, định mệnh đã được coi như nguồn gốc của mọi thống khổ cơ cực của con người. Bao nhiêu hạnh phúc bị tan vỡ, bao nhiêu tài năng bị dập vùi, tình yêu và tuổi trẻ bị hủy diệt. Con người trong xã hội cũ không phân tích được nguyên nhân xã hội của những hiện tượng ấy. Họ quy tất cả cho định mệnh, họ ngẩng mặt lên trời để chờ mong một đấng cứu tinh thần bí. Chúng ta thông cảm với họ khi họ tự dằn vặt mình hay đấm tay tuyệt vọng trước mọi cửa ngõ của cuộc đời.
Đã từ lâu chủ nghĩa Mác nhìn vấn đề định mệnh trên cơ sở khoa học. Định mệnh chính là cái tất yếu mù quáng thống trị xã hội con người. Định mệnh chính là cái vỏ ngoài của những quy luật khách quan của lịch sử. Định mệnh chỉ tồn tại khi con người chưa nhận thức được tính tất yếu. Chủ nghĩa Mác đã đập tan cái gọi là định mệnh ấy, vạch ra bản chất, nguồn gốc và quy luật của mọi hiện tượng xã hội, dọi ánh sáng chói lọi vào tương lai rộng lớn của loài người. Với chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng mình đã đứng lên đập tan mọi xiềng xích kinh tế, chính trị và tư tưởng, giải phóng triệt để cho giai cấp và loài người để cho quần chúng nhân dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ lịch sử và vận mệnh của mình. Với chủ nghĩa Mác, lần đầu tiên con người từ vương quốc của tất yếu bước sang vương quốc của tự do, nghĩa là từ con người khuất phục trước định mệnh trở thành con người quyết định chính tương lai của mình.
Ngày nay, bị xua đi trên đất nước xã hội chủ nghĩa, bóng ma định mệnh vẫn còn che phủ bầu trời tư bản chủ nghĩa, ám ảnh tâm hồn và tình cảm, day dứt những con người chưa nhận thức được con đường đi. Những luận điệu cũ rích từ mấy nghìn năm lại trở về trong văn chương của chủ nghĩa hiện sinh, của triết học " phi lí", của những văn nghệ sĩ chán chường trong đời sống tư sản. Nhắm mắt trước phong trào cách mạng rộng lớn trên thế giới, nhắm mắt trước tương lai tươi đẹp của nhân loại, họ tự giam mình trong cái vỏ cá nhân, lảm nhảm những lời cũ rích về sự sống và cái chết, về số phận con người, về tâm trạng tuyệt vọng và thân phận cô đơn của mình.
Trước đây những nhà văn lớn của nhân loại còn có thể day dứt lòng họ và day dứt chúng ta trước những vấn đề định mệnh của con người. Chúng ta thông cảm với họ sống trong một hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn bị bế tắc. Ngày nay những nhà văn tư sản lại nêu lên định mệnh với con người, họ đã lắp lại những luận điệu lạc lõng. Xã hội tư bản chung quanh họ quả thật là đen tối và đầy dẫy những sự bất công. Nhưng lịch sử không còn bế tắc nữa: hàng triệu quần chúng đang san bằng mọi trở lực để tiến về phía trước. Cái cản đường họ không phải là định mệnh mà chính là bản thân họ, chính là nhận thức sai lầm của họ.
Không thể nào tưởng tượng được ở thời đại chúng ta nhất là trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử dân tộc hiện nay, vấn đề định mệnh lại còn là một day dứt, một băn khoăn, một đối tượng gửi gắm trí tuệ và tình cảm của người sáng tác. Bất cứ một người công dân chân chính nào cũng có thể tỉnh táo nhìn đời bằng con mắt sáng suốt. Họ hiểu được rõ ràng bản thân họ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi thế, bỗng nhiên nghe tiếng kêu than về định mệnh, người đọc không thể không cảm thấy một sự tách lìa chiều hướng suy nghĩ hiện tại và phổ biến của dân tộc. Chủ đề định mệnh với con người đã trở thành một sự cầu kỳ sượng sùng và vô cùng lạc điệu.
Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi cái chủ đề ấy lại của một tác giả trẻ, rất trẻ. Chúng tôi băn khoăn khá nhiều về hiện tượng chẳng bình thường này. Rất khó mà tin được rằng vấn đề định mệnh lại có cơ sở tồn tại trong nhận thức của tác giả các bài thơ" Em mơ có một phiên tòa", " Về người cha đã khuất", " Ca bình minh"...Những bài thơ ấy đâu phải không bàn về cái chết, sự mất mát và niềm xót thương. Nhưng với niềm xúc cảm lành mạnh, hình ảnh người con gái tươi tắn và lạc quan vượt lên trên những nỗi đau riêng trong tư thế của người làm chủ vận mệnh cuộc đời mình. Bởi thế, người đọc bỗng thấy " Nghĩ về Thúy Kiều" như một cái gì bẻ queo lối cảm, lối nghĩ, lối viết bình thường trong mấy bài thơ trước. " Nghĩ về Thúy Kiều" đã bộc lộ khá đầy đủ một thứ xa lạ, lạc lõng, bất hợp lý khó mà tưởng tượng được lại có thể dung hòa với cái tốt trong một phong cách. Sự mâu thuẫn sống sượng ấy làm mất lòng tin của người đọc và làm dị hình dị dạng đi cái trong sáng ban đầu của mấy bài thơ hay. Cũng bởi thế chúng ta có thể nhìn thấy dễ dàng những quan niệm rất mơ hồ, đầy mâu thuẫn ở " Nghĩ về Thúy Kiều".
Định mệnh là cái gì? Sự tồn tại của định mệnh ra sao ? Người viết đã giải đáp vấn đề này trong sự rối mù của nhận thức. Như một trò ảo thuật vụng về, những quan niệm về định mệnh của tác giả lúc ẩn lúc hiện để dần dần nổi bật lên giữa cái màn khói mù của ngôn từ và hình ảnh. Người đọc tưởng chừng như tác giả không tin vào định mệnh khi nghe tác giả thét lên: " Không, không, không thể nào tin được. Số phận là dây trói hồn ta". Nhưng chỉ giây lát thôi, lời thét phủ nhận định mệnh kia đã trở về nhỏ nhẹ với trái tim sâu thẳm: " Nhưng có thể từ đáy lòng thầm hiểu. Định mệnh là chướng vật cản đời ta". Mượn hình ảnh tiếng gõ cửa của thần định mệnh, tác giả vừa mới cảnh giác: " Tiếng gõ thúc liên hồi. Định mệnh gọi ta hay định mệnh chặn cuộc đời. Xin chớ lầm với tay em đập thúc" , thì ngay sau đó lại than thở: " Tôi đã sống lâu, tôi sẽ sống dài. Dẫu mỗi ngày qua đi, một ngày đương đầu cùng định mệnh". Vừa mới dứt khoát coi " định mệnh là đối thủ tiến công" để đẩy nó ra khỏi cuộc đời mình thì ở chỗ khác lại khẩn khoản yêu cầu:
Là nhà thơ xin chớ vội gieo vần
Dù hai chữ viết hoa : Định mệnh
Là nhạc sĩ tài năng chớ vội ghi lên phím
Tiếng định mệnh âm vang.
Những ý nghĩ đầy mâu thuẫn ấy phản ánh một cái nhìn hoang mang trước hiện thực, đồng thời cũng biểu hiện một sự giằng xé thái quá của tâm tư. Sự không tỉnh táo và không nhất quán của tâm hồn tác giả dễ gợi cho người đọc liên tưởng đến các nhân vật trong tiểu thuyết của Đốttôiépxki- cha đẻ rất sớm của chủ nghĩa hiện sinh- đang độc thoại và phân thân. Những con" người đôi" luôn luôn có quá trình giằng xé như thế đã chẳng là cái "mốt" quen thuộc trong văn học tư sản hiện đại đó sao ?
Đắm chìm trong những mâu thuẫn không vượt qua được của nhận thức mơ hồ, tác giả đã có cái nhìn sai lệch đối với hiện thực. Chỉ riêng khái niệm định mệnh là cái gì, người sáng tác cũng giải thích rất tùy tiện.Đi từ những đau khổ rất cụ thể trong cuộc đời Thúy Kiều, tác giả đã khái quát định mệnh vào cái " số trời" vô hình: " Cuộc đời Kiều phải số trời đó chăng?", ở chỗ khác cái vô hình đó đã được tác giả thay thế bằng một hữu hình ẩn dụ: " Số phận là dây trói hồn ta". Biến hóa khôn cùng, cái dây trói hồn ta kia bỗng nhiên lại nhập vào mấy âm thanh mượn của Bét tô ven: Tiếng gõ cửa ầm vang định mệnh ! Sau một hồi ẩn hiện, định mệnh đã hiện nguyên hình:
Nhưng từ đáy lòng thầm hiểu
Định mệnh là chướng vật cản đời ta.
Định mệnh không còn phải làm xiếc trong những ẩn dụ nữa. Tác giả đã công nhận sự tồn tại vĩnh viễn của nó trong cuộc sống con người ngay từ đầu rồi:
Hai trăm năm và chảy dài vô hạn
Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài.
Sao lại chảy dài vô hạn được, và Thúy Kiều nào sống mãi đến ngày nay ? Ngay đến Nguyễn Du cũng mới chỉ dám gửi gắm những" cổ kim hận sự" của ông cho ba trăm năm về sau mà thôi. Đâu phải là vô hạn !
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Tiếc cho Nguyễn Du đã không sống, để thấy rằng chưa đến hai trăm năm ngày sinh của ông, Đảng và cách mạng đã đổi thay sâu sắc vận mệnh của xã hội và con người. Đứng ở đỉnh cao của thời đại, chúng ta là những người chân chính biết xót thương nàng Kiều và Nguyễn Du. " Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều" , đó là cái nhìn từ phía trước, từ " đỉnh cao muôn trượng", cái nhìn rộng khắp" trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu, trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau" mà ái ngại cho những tài hoa của xã hội cũ không được thấy những ngày tươi đẹp của chế độ chúng ta. Tác giả với cái nhìn từ phía sau, cái nhìn lùi lại hàng thế kỷ đã coi định mệnh tồn tại ở ngay trong xã hội chúng ta và đã thấy bóng đen của nàng Kiều ở trước mặt:
Cho cả những nơi đã sống thật cuộc đời
Bóng nàng đã đi về phía trước.
Cái định mệnh ấy đã được cụ thể hóa trong:
Cái mất mát người thân đè tôi
Cái đói nghèo đè tôi
Cái thương xót đè tôi
Tiếng kêu cứu nặng nề này đã được phóng đại và định xã hội hóa bằng cách trình bày gắn liền với những nhận xét mơ hồ và sai lệch về cuộc chiến đấu của dân tộc:
Chẳng có đâu hơn tuyệt diệu con người
Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt
Mỗi người dân đều nhận phần mất mát
Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn.
Tính đầu dân ta để chia số đạn, tính từng thước vuông đất đai của đất nước ta để rải bom, đó là ý muốn và việc làm tàn bạo trời không dung đất không tha của đế quốc Mỹ xâm lược. Mọi người chúng ta cũng đều hiểu bản chất cuộc chiến tranh của dân tộc ta đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là cuộc tấn công quyết liệt đang làm sụp đổ cái ý đồ phản động ấy. Chưa có cái nhìn trong sáng nên tác giả đã quên mất bộ mặt kẻ thù trong cuộc chiến tranh này và chỉ nói nhiều về những đau thương, mất mát.
Đi sâu hơn nữa vào chủ đề định mệnh, và cụ thể hóa hơn nữa" cái chướng vật cản đời", tác giả đã dựng lên hình tượng con người lặc lè kéo xe đồ đạc nặng. Lý Phương Liên đã bị biến thành một người khác để nhìn lại mình:
Hai vai tôi lặc lè kéo đồ đạc nặng
Cũng như nàng, có thể còn hơn.
Hình tượng ẩn dụ này đã gợi cái dấu hỏi khá rõ rệt trong người đọc: đồ đạc nặng của Lý Phương Liên và của Kiều là những gì ?
Phải chăng đồ đạc nặng của Thúy Kiều là những" Sắc tài, bạc mệnh, hờn ghen,đêm tối, đồng tiền đổi trắng thay đen, người giẫm lên người đè nén, nỗi đau vò nát ruột gan, buồn tênh và chìm nổi, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến..." ? Điều đó rõ quá đi rồi ! Nhưng Lý Phương Liên giờ đây còn mang nặng hơn Thúy Kiều nữa kia ! Nghĩa là ngoài những thứ mà Kiều phải gánh vác, tác giả còn phải mang thêm nhũng thứ khác nữa. Những thứ khác ấy phải chăng là những sự kiện trong cuộc hành trình trên đoạn đường ra biển dài lâu:
Cuộc đời mình chưa lặng gió được đâu
Khi đất nước còn chiến tranh, nhân dân còn cơ cực
Khi cái chết vãi từ trên phản lực
Từ bom na - pan, bom tấn, bom bi.
Nỗi kinh hoàng về chiến tranh đã hơn một lần xuất hiện trong tâm tư tác giả. Nó gắn liền với định mệnh nên đã trở thành một bóng ma ám ảnh dai dẳng tâm hồn người viết" Nghĩ về Thúy Kiều". Dường như tác giả chỉ nhìn thấy những mất mát, đau thương trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Tác giả đã gọi sức mạnh của nhân dân là cái" cơ thể cơ hàn", " cơ thể cơ cực" đang phải chịu đựng gian khổ. Thổi phồng hơn nữa cái đau riêng của bản thân, tác giả nâng nó thành tấm gương rộng lớn:"Soi gương mình nhìn khắp cả gian truân...". Chìm ngập trong những ý nghĩ chủ quan, tiêu cực tác giả không nhìn ra những sự thật giản dị của cuộc đời. Kẻ thù không chỉ gây tội ác đối với gia đình Lý Phương Liên. Nhiều mất mát, gian khổ còn lớn hơn, nhưng không ai nghĩ quẩn như tác giả " Nghĩ về Thúy Kiều". Chẳng cần phải thuyết lý dài dòng, tác giả chỉ cần" soi gương nhân dân nhìn suốt cuộc đời mình" sẽ thấy cái lạc lõng tội nghiệp của bản thân. Muốn thoát ra khỏi những quan niệm sai lầm về định mệnh, tác giả không thể chỉ xóa đi cái ấn tượng về cuộc đời nàng Kiều, cái ý nghĩ về Thúy Kiều. Cuộc đời Kiều chẳng qua chỉ là một gợi ý.Toàn bộ những mất mát, đói nghèo, xót thương, gian khổ chiến tranh mà tác giả đặt ra trong thơ là thuộc một kiểu nghĩ, một điệu tâm hồn sai lạc và âm u trước hiện thực dân tộc.
/ Mời đọc tiếp Kỳ 3/
NXB KHOA HỌC XÃ HỘI.1973
Như Thiết/ VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, Kỳ 2
Bt tại Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ. September 2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét