NNB: Mời đọc để biết Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy những năm 1970 bị đánh lên bờ xuống ruộng như thế nào. Và làm thế nào để vượt qua kiếp nạn văn chương ấy, mà đến được bờ Phúc hôm nay.
Chân thành biết ơn nhà văn Phùng Thành Chủng HN, đã st và vi tính cẩn trọng đầy đủ bài viết dài này, từ Ha Nội gửi tới Van phòng VandanBnn tại Mỹ.Việc phát hiện và giới thiệu những cây bút trẻ là một biểu hiện rất đúng đắn của đường lối văn nghệ của Đảng nhằm bồi dưỡng và phát triển kịp thời phong trào sáng tác của quần chúng. Chúng ta đã vui mừng đọc thơ Lý Phương Liên và đánh giá tốt những bài thơ có chất lượng như: " Em mơ có một phiên tòa", " Ca bình minh", " Nghĩ về người cha đã khuất", " Lời ru với anh" . Với những bài thơ chọn lọc ấy, Lý Phương Liên xứng đáng được cổ vũ nhiệt liệt. Nhưng thơ Lý Phương Liên chất lượng không đều, biểu hiện một tài năng chưa chín, đang cần được rèn luyện rất nhiều về tâm hồn cũng như phong thái diễn cảm. Dư luận người đọc phấn khởi bao nhiêu trước những bài thơ trên kia thì cũng khó chịu bấy nhiêu trước " Nghĩ về Thúy Kiều". Chúng ta lấy làm lạ rằng sao bài thơ ấy lại như của một tâm hồn khác, thiếu hẳn cái sáng trong hồn nhiên, thông minh, chinh phục cảm tình của người đọc vừa mới đây thôi. Nhưng cái làm cho chúng ta băn khoăn hơn lại là cái nhận định thiếu thận trọng và quá vội vã về hiện tượng đó. " Nghĩ về Thúy Kiều" đã được giới thiệu như một sáng tác" sâu và mới" để đi đến nhân định tài năng đã được" lớn lên và sự trưởng thành... không thể tính bằng năm tháng". Thơ Lý Phương Liên dường như đã trở thành một hiện tượng thẩm mĩ quá đặc biệt và lạ lùng. Người đọc cảm thấy hiện tượng Lý Phương Liên như một biểu hiện đột xuất của một tài năng kì diệu vượt xa hẳn chất lượng sáng tác hiện nay của những người viết trẻ. Vấn đề đã vượt qua phạm vi giá trị khách quan của thơ Lý Phương Liên và chạm động đến tác dụng và trách nhiệm của công tác phê bình nghệ thuật. Vì sự phát triển của Lý Phương Liên và vì cả một đội ngũ sáng tác trẻ, chúng ta không muốn họ bị tâng bốc trong hào quang giả tạo của những lời khen quá đáng và tùy tiện. Khó mà có thể nhận định đúng đắn để đem lại bổ ích thật sự cho Lý Phương Liên nếu quá nhấn mạnh sự xuất hiện đột ngột của một tài năng vượt qua năm tháng.
Ngay bây giờ mà nói quá về tài năng của Lý Phương Liên quả thật là sớm. Con đường trưởng thành của bất kỳ một nhà thơ nào cũng là con đường rèn luyện gian khổ và dài lâu. Tài năng luôn luôn đi cùng với năm tháng như hình với bóng. Thiên tài đồ sộ Ravinddowrranat Tagocuar Ấn-độ được biểu hiện dần từ năm ông lên tám đến năm ông tám mươi tuổi. Sau mấy chục năm liền sáng tác Phao-xtơ , Gớt mới bộc lộ trọn vẹn thiên tài khổng lồ của mình tuy rằng ông vẫn cho là đến nay" tôi chưa nhích lên được bao nhiêu". Con đường đi của những nhà thơ lớp trước ở Việt-nam như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu... cũng đâu phải là những quá trình ngắn ngủi.
Dù rằng ở xã hội ta, chế độ đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho" mỗi ai co một Raphaen trong mình đều được tự do phát triển, nhưng không vì thế mà quá nhấn mạnh yếu tố tài năng thuần túy. Rất dễ tạo nên một sự mơ hồ về tài năng cho lớp người viết trẻ nếu không nói đầy đủ về sự tận dụng thời gian vàng ngọc để rèn luyện trong quá trình sáng tạo. Bất cứ một sự coi nhẹ nào đối với các yếu tố khổ công trong sự trưởng thành đều rất dễ làm liên tưởng đến những quan niệm về tài năng rất thần bí xưa kia.
" Không chờ năm tháng!" chúng ta đã từng nghe mãi những câu chữ mòn mỏi ấy được rút ra từ Lơ Xít :
" Tôi tuy trẻ tuổi thực, nhưng đối với những tâm hồn hoàn mĩ
Giá trị không đợi chờ số lượng của năm tháng"
Trên mấy trăm năm câu nói bóng bảy và hoa mĩ ấy của Cosooc nây đã tước lột nguồn gốc xã hội của tài năng đem tài năng trả về giòng giống, về bẩm sinh và cuối cùng gắn với công ơn của thượng đế!
Còn đối với chúng ta, tài năng là con đẻ của năm tháng. Bằng mồ hôi và máu xương chúng ta đấu tranh giành lấy những năm tháng tươi sáng cho dân tộc và tài năng. Năm tháng là " Ngày bằng 20 năm", là cuộc sống vĩ đại đã trở thành niềm tự hào cao đẹp của đất nước, thành đối tượng chiêm ngưỡng kính phục của thế giới . Những năm tháng đó quan trọng lắm ! Không có một tài năng nào vượt qua những năm tháng đó mà xuất hiện được:" Tôi không tin có cái"thiên tài" nào ở ngoài " cái ổ" của cuộc sống vĩ đại, cuộc sống lao động và đấu tranh đau khổ và cũng dũng cảm của muôn triệu con người làm nên lịch sử. Thiên tài là gì nếu không phải là hương của hoa, núi của đất, là sự kết tụ ở mức độ nào đó trí tuệ của loài người. Nghệ sĩ là con đẻ toàn diện của hoàn cảnh nó đã sống. Như đứa con mang máu thịt và cả cái mùi riêng của cha mẹ" ( Tố Hữu. Văn nghệ, số 48, Hà-nội 1961).
Không ai biết ơn năm tháng của chúng ta bằng những nhà thơ đã từng đau khổ vì những năm tháng cũ. Mọi nhà thơ đều cảm thấy tài năng của mình có máu thịt của xã hội.
Nói đến năm tháng quyết định tài năng chúng tôi hi vọng cùng Lý Phương Liên và cả những nhà thơ trẻ tìm hiểu thêm về những điều kiện quan trọng của sự trưởng thành. Vả chăng, những năm tháng chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội này đang chứng minh hùng hồn giá trị sản sinh và rèn luyện những tài năng. Mới chỉ sau có 3 năm chống Mỹ ( 1965 - 1967) tuyển thơ chống Mỹ cứu nước ra đời với 112 tác giả mà trong đó những cây bút trẻ chiếm tới 1/ 3. Họ có mặt ở bất cứ một tập thơ tuyển nào vừa xuất bản cũng như có mặt ở bất cứ một cuộc thi thơ nào. Sau các tập tuyển, hàng loạt những tập thơ riêng ra đời. Cả một đội ngũ đông đảo đang được năm tháng rèn luyện và thử thách.
Thời đại, lịch sử dân tộc, suy nghĩ và rung động của lớp người con đẻ của Cách mạng tháng Tám, phong trào sáng tác, những tập thơ chung và riêng của họ, thậm chí cho cả đến chủ đề, hình ảnh, ngôn ngữ của lớp người viết trẻ đã góp phần không nhỏ cho những bài thơ hay của Lý Phương Liên ra đời. Qua những bài thơ hay của Lý Phương Liên chúng tôi bắt gặp những nét chung của đội ngũ viết trẻ. Đó là những tâm hồn nhạy cảm trước hiện thực, là sức tưởng tượng mãnh liệt cất cánh từ mơ ước của nhân dân và cả những hình tượng mới mẻ gợi được nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người đọc. Những bài thơ chưa hay của Lý Phương Liên lại biểu hiện rõ nhất cái nhược điểm thiếu vốn sống, tầm nhìn chưa rộng, tình cảm còn sai lệch nghiêm trọng. Tất cả những bài thơ hay và chưa hay của Lý Phương Liên đều thể hiện một quá trình cần được cổ vũ và uốn nắn kịp thời. Chúng tôi nghĩ năm tháng rất cần thiết đối với sự rèn luyện của Lý Phương Liên. Năm tháng lao động và chiến đấu, hòa nhịp trái tim cùng với tập thể giai cấp công nhân sẽ giúp cho Lý Phương Liên trưởng thành thực sự. Lý Phương Liên cũng rất cần năm tháng để học tập chính trị, văn hóa và nhất là học tập đường lối văn nghệ của Đảng. Chỉ có đem hết sức mạnh của tuổi trẻ, tận dụng những năm tháng vàng ngọc này, Lý Phương Liên mới mong phát triển được tài năng, viết được những bài thơ vươn tới tầm tư tưởng lớn lao của Đảng, tình cảm lớn của dân tộc những bài thơ đáp ứng được tình thương yêu mong đợi của Đảng và nhân dân và mới thoát khỏi những bóng mây đen loại " Nghĩ về Thúy Kiều"
NXB KHOA HỌC XÃ HỘI 1973
Như Thiết/ VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI
Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, kỳ 5/ hết.
Bt tại SuGar Land Houston Texas Hoa Kỳ, September 2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét