Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG / Tiểu thuyết THỦY SƠN KIỂN/ CHƯƠNG Y/ KHÔNG NHỚ

Nv PHÙNG THÀNH CHỦNG

Tiểu thuyết
THỦY SƠN KIỂN


BNN: Thủy Sơn Kiển là tên một quẻ dịch, bạn tôi, Nv Phùng THành Chủng đã lấy tên quẻ dịch này làm tựa đề cho cuốn tiếu thuyết viết miệt mài âm ỷ từ nhiều năm nay. Bạn gửi cho tôi, tôi băm bổ đọc, đọc quên ngủ luôn, vừa đọc vừa chăm chút vi tính lại cho thich hợp với fb và blog của mình để nhanh chóng post tặng bạn đọc. Thủy Sơn Kiển là một trong vài quẻ bi ám nhât trong dịch học, vậy mà tiểu thuyết vào một đời người thì xót xa cay đáng nhường bao. Văn có mầu dịch học, nhưng thật mộc mạc, dễ hiều, lôi cuốn và ấp áp tình người. Cảm ơn tác giả và trân trọng giới thiệu..

CHƯƠNG Y
KHÔNG NHỚ

 

Không nhớ trong trường hợp cụ thể nào đã dẫn đến mối giao tình giữa nó với Nhà báo Trần Châu, một trong những bị can của vụ án xét lại. Ông tuổi Mậu Thìn (1928) dưới bố nó 6 tuổi và trên nó 22 tuổi. Tuy vậy, trong giao tiếp ông thường gọi nó là chú, thân tình, coi như em mình

Ông quê Gia Lộc, Hải Dương. Tham gia cách mạng tháng 1 năm 1947. Vào Đảng tháng 4 năm 1948. Cuối năm 1951, từ Nha Thông tin (ở căn cứ An toàn khu Việt Bắc) được lấy lên “Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam” với nhiệm vụ biên tập và viết bản tin phản ánh tình hình chiến sự trong nước kiêm phát thanh viên. Giữa năm 1953, về “Việt Nam thông tấn xã” (Tiền thân là Nha Thông tin) đến hết năm 1960. Từ năm 1961 là phóng viên của báo Nhân Dân (Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam) cho đến khi bị bắt: 7 giờ sáng ngày 28/7/1967 tại 46 Hàng Chuối - Nhà tập thể Thông tấn xã Việt Nam.

Ông bị bắt với tội danh là có tư tưởng xét lại chống Đảng! Bằng chứng là trước đó, người ta đã “thuổng” được một tài liệu gì đó tại nhà ông, có liên quan đến Khơ Rút Sốp, đến Hoàng Minh Chính, đến Liên Xô, đến 5 điểm chung sống hòa bình, trong thời điểm “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” có thể “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.

Trong thời gian 5 năm 6 tháng ngồi tù, đã từng trải qua các trại: Hỏa Lò (Hà Nội), Nam Du (Bất Bạt), Ba Sao (Hà Nam), Thái Nguyên, rồi lại Ba Sao (Hà Nam)

Năm 1973, sau khi hiệp định Pari được ký kết, ông được ra tù. Ra tù, nhưng vẫn chưa được tự do mà được/ bị đưa về xưởng nông cụ huyện Quốc Oai lao động ở phân xưởng mộc (mặc dù không biết gì về nghề mộc) với thời hạn quản thúc là 3 năm. Ra ngoài, nếu thuộc xã khác phải báo cáo với xưởng; huyện khác, tỉnh khác phải báo cáo Công an huyện và (sau tháng 4/1975) vào Nam phải làm đơn xin phép ông Lê Đức Thọ, nhưng cũng phải mãi đến năm 1979 ông mới được đi.

Hẳn ông không ngờ đó cũng là sự sắp xếp của định mệnh khi sau này ông đã quyết định chọn Quốc Oai là nơi dừng chân cuối cùng của mình để gắn bó cả quãng đời còn lại và rồi cũng do cơ duyên mà nó được biết ông và quen thân với ông. Ông đã coi nó như một đứa em, một người bạn vong niên mà ông có thể tin tưởng, có thể sẻ chia tâm sự.

Có một chuyện khá hài hước là cho đến khi ông được thả và được đưa về quản thúc ở xưởng nông cụ huyện Quốc Oai, ông mới bị (hay được?) người ta tuyên bố khai trừ khỏi Đảng. Vậy là hơn 5 năm Đảng bắt đi tù, tuy mất quyền công dân, nhưng ông vẫn có “vinh dự” được đứng trong/ chung hàng ngũ với những người đã ra lệnh bắt mình!

Em ông, Trần Đĩnh - tác giả “Bất khuất” cũng bị/ được quy kết là có tư tưởng xét lại chống Đảng, nhưng nhờ cao số, nên không phải ngồi tù mà chỉ phải đi cải tạo lao động một thời gian đã từ Hà Nội lên thăm ông vào dịp giáp tết, cái tết đầu tiên (kể từ sau khi ông được ra tù) ở xưởng nông cụ huyện Quốc Oai - nơi ông bị quản thúc.

Rồi trong khi “ngẫu lục” về sự “tang thương” đâu chỉ là chuyện hơn 5 năm riêng ông phải chịu ngồi tù mà còn là cảnh gia đình ông phải “tan đàn, xẻ nghé”!

Theo đó, ông xây dựng với người vợ đầu (bà Vân) vào tháng giêng năm 1953. Có với nhau 3 mặt con, gồm 2 gái là cháu Thủy (1955), cháu Hà (1956) và một trai út là cháu Trung (1959).

Khi ông bị bắt, trong 3 cháu chỉ có cháu Thủy và cháu Trung ở nhà (từ Lập Thạch, Vĩnh Phú nơi sơ tán về từ hôm trước, còn cháu Hà ở lại). Ngoài ông trưởng nhà khu tập thể của Thông tấn xã Việt Nam được yêu cầu đi theo làm chứng, trong số 3 người đến đọc lệnh bắt có Lê Thành Tài - Cục Phó cục chấp pháp.

Có một chi tiết phần nào nói lên tính cách con người của ông tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là ông đã yêu cầu những người thi hành lệnh bắt được nán lại vài phút để viết cho cháu Hà vài chữ đang ở nơi sơ tán và trước khi chào vợ con để ra xe, vì là tổ trưởng Công đoàn cơ quan, ông vẫn không quên nhắc với vợ là ông còn thiếu 5 hào của Công đoàn.

Rồi, thật đau lòng khi hai năm sau, năm 1969, ông đang ở trại Nam Du (Bất Bạt) bà Vân đã mang tờ quyết định li hôn của Tòa án lên tận trại để ông ký vào.

Vậy mà mỗi khi nhắc lại chuyện này, ông không hề có ý gì tỏ ra phiền trách bà Vân mà ngược lại, nó cảm thấy như trong những điều tâm sự của ông chính ông mới là người có lỗi. Theo đó, khi ông bị bắt, bà Vân cũng là Đảng viên và đang là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Ba đứa con ông, cháu Thủy mới 12 tuổi, cháu Hà 11, còn cháu Trung mới lên 8. Vậy mà từ năm 1965, các cháu đã phải đi sơ tán, sống xa bố mẹ, thời gian đầu là Văn Điển, thời gian sau là Lập Thạch, Vĩnh Phú. Nên, để tránh bị sai thải, để được yên ổn làm ăn và nuôi dạy con cái, không bị người ta làm khó dễ trong khi có một người chồng, người cha phải ngồi tù vì tội xét lại chống Đảng thì việc làm của bà Vân là có thể chấp nhận được.

Phải chăng, vì vậy mà sau khi đã ra tù, việc bố con ông gặp nhau vẫn phải lén lút!

Đó là cái tết  Giáp Dần (1974) sau hơn 5 năm bị ngồi tù và hơn một năm sau khi đã được ra tù, thông qua bà Hà (em gái bà Vân) ông mới gặp được cháu Thủy và cháu Hà nhưng không phải tại ngôi nhà mà ông và các con ông đã từng chung sống trước khi bị bắt mà ở nhà người em trai của mình - Trần Đĩnh! Còn với cháu Trung lại phải chờ một dịp khác và cũng vẫn phải thông qua người chị con bà già là bà Lê Đào bằng cách bố trí để đưa cháu đến trước ngôi nhà số 86 hàng Đào (nhà bà Lê Đào) cho ông từ bên kia đường nhìn mặt! (Lúc này bà Vân đã tục hôn với ông Lê Hà - Chánh văn phòng Thành ủy, sau là Giám đốc Sở ngoại thương, đã có vợ và một người con trai, nhưng vợ mất).

Rồi cũng do cơ duyên, tháng 4 năm 1976, ông tục huyền với bà Canh là cấp dưỡng của xưởng nông cụ huyện Quốc Oai, nơi ông bị quản thúc, có với nhau hai cháu trai là cháu Quỳnh và cháu Tường.

Đến chuyện giải quyết lương hưu cho ông lại là một chuyện khôi hài! Theo quy đổi, trước khi bị bắt, ông đã có thời gian 25 năm công tác, nhưng người ta chỉ tính cho ông 12 năm ở xí nghiệp nông cụ huyện Quốc Oai (sau này, nâng lên thành Xí nghiệp) nên chỉ được hưởng trợ cấp theo chế độ nghỉ mất sức là 3.000đ/ tháng (ba nghìn đồng/ tháng). Về sau, không hiểu sao, do có sự can thiệp của Ban tổ chức Trung ương với Ban tổ chức tỉnh, mới được tính đủ. Nhân chuyện này, nó đã cười chua chát mà bảo ông:

“Như vậy, ai bảo là không ưu việt! Nhưng nếu không tính thời gian ở tù thì còn hơi cao! Còn tính cả thời gian ở tù thì lại quá thấp!”

Năm 1985, sau khi rời xưởng nông cụ, bà Canh mở một hiệu tạp hóa ngay trước cửa nhà bán cho bà con lối xóm để phụ thêm vào đồng lương ít ỏi của cả hai vợ chồng nuôi cho các cháu ăn học. Còn ông với phương tiện là chiếc xe đạp, ngày ngày phải đạp xe ra Hà Nội (cách nhà hơn hai chục cây số) cất lại của người ta những mặt hàng thuộc nhu yếu phẩm như: Dầu hỏa, nước mắm, xà phòng, kem đánh răng và kẹo bánh về cho bà Canh ngồi bán.

Sau này, ông có nhận thêm công việc dịch thuật cho Nhà xuất bản Phụ nữ, trong đó có cuốn “Truyện cổ tích của người da đỏ” (2 tập)

Biết nó là thành viên của Câu lạc bộ “Văn nghệ sĩ xứ Đoài” do họa sĩ Phan Kế An là chủ nhiệm, ông nhắc lại một kỷ niệm cũ với giọng bùi ngùi như giọng của người chịu ơn mà chưa trả được:

“Hồi mình còn ở trong tù, biết mình nghiện thuốc lá, Phan Kế An có gửi cho mình một “tút” (cây) Tam Đảo

Nó vẫn định khi nào có dịp gặp họa sĩ Phan kế An sẽ nói lại chuyện này. Thì, trong một lần gặp mặt Văn nghệ sĩ xứ Đoài tại Phủ Đường Quốc Oai, sau khi hội nghị kết thúc, nó còn chưa kịp nói gì, họa sĩ Phan Kế An đã chủ động tìm nó:

“Phùng đưa mình đến thăm Trần Châu, chẳng đã nhiều tuổi với nhau cả rồi, sợ không còn dịp

Rồi Kiến Giang, nhà lý luận cách mạng nòi và cũng là người tiên phong, kiên trì trong công cuộc đổi mới - cũng nhờ bạn bè tháp tùng đã từ Hà Nội về nhà nó thăm ông. Còn nhớ, khi được hỏi thực hư về lý do mà Trần Châu phải ngồi tù, nhà cách mạng Kiến Giang cười rất hồn nhiên:

“Chính chị, chính em gì Trần Châu!”

Dường như nhận thấy mặt nó nghệt ra trước nhận xét của mình, ông không cười nữa mà tiếp, giọng nghiêm chỉnh:

“Vì Trần Châu nó tốt và thật thà quá!”

Quả có như vậy! Trên dưới hai chục năm quen biết và sau này có dịp tiếp xúc, gần gũi với ông (gần như hàng ngày) nó thấy ông đúng là tốt và thật thà quá, nhưng nhẹ dạ, cả tin và có phần hơi cực đoan nữa, nên trong quan hệ, có những trường hợp ông đã gửi gắm niềm tin không đúng chỗ! Về điểm này, lúc sinh thời, bà Canh - vợ ông không những đồng ý với nó mà còn tái khẳng định bằng việc dẫn ra một đối tượng (cũng trùng với nhận xét của nó) để minh chứng. Chủ quan, nó nghĩ hẳn những người thân của ông, nếu hiểu ông cũng sẽ nhận ra điều này.

Trong giao tiếp, nó nhận thấy, khi không cùng quan điểm với ai, ông thường nhường nhịn, không bao giờ tranh luận với người đối thoại. “Cảm ơn” hay “Xin lỗi” là những câu cửa miệng của ông. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng rất “hóm”. Đó là lần ông rủ rỉ kể cho nó một chuyện tiếu lâm không hiểu do ông sáng tác hay là cũng được người khác nói lại. Đại ý:

Bố chồng con dâu nhà nọ thông dâm! Kết quả của cuộc “cẩu phối” là sau chín tháng mười ngày có thêm một công dân “oa oa” cất tiếng khóc chào đời!

Không thể để chuyện loang ra ngoài vì cả ba bố con đều là Đảng viên, nên cuối cùng cả 3 đều thống nhất đi đến hiệp thương là giải quyết nội bộ. Đến đây nảy ra chuyện danh xưng!

Thằng con bảo:

“Danh không chính thì ngôn không thuận! Bây giờ tôi không biết phải kêu nó bằng gì? Kêu là con thì “thằng ăn ốc thằng đổ vỏ” bởi ông mới là bố nó; còn kêu là em thì mẹ nó lại là vợ tôi!"

Thằng bố nhìn thằng con:

“Thì tao cũng đang không biết kêu nó bằng gì? Kêu là con thì không được vì vì mẹ nó là vợ mày; còn kêu là cháu thì thì “chẳng hóa ra cú kêu cho ma ăn”, bởi bởi con thì con tao mà nghiễm nhiên mày lại là bố nó!"

“Vậy ông tính thế nào?!”

“Thì tao cũng đang nghĩ nát cả óc!”

Đúng lúc vấn đề tưởng như bế tắc thì mẹ đứa trẻ bất ngờ lên tiếng:

“Có mỗi một việc đơn giản như thế mà hai bố con không giải quyết được thì tôi không hiểu những việc quốc gia đại sự, bố con các người giải quyết ra sao!" Rồi như sợ hai bố con không nghe rõ, con đàn bà nhấn từng tiếng một:

“Gọi - nó - là - đồng - chí!”

Nó vẫn còn những kỷ vật ông tặng. Đó là chiếc máy chữ của ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cămpuchia tặng ông (ông có nói họ tên nhưng nó quên và nếu như không nhầm thì ông Đại sứ đó họ Lưu), cuốn “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, “Truyện cổ tích của người da đỏ” (2 tập) và cuốn tiểu thuyết “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện do Trần Đĩnh - em ông dịch - được tái bản năm 2003, bản dành tặng ông:

“Thân mến tặng anh Châu - chị Canh và các cháu

Sắp tết Quý Mùi 17/1/2003

Sắp rời Hà Nội và miền Bắc và gió mùa đông bắc, gió heo may nghe thổi từ thời bé thơ

Một quyển sách mà dịch thấy hài lòng

Đĩnh

Và ông đã tặng lại nó:

“Thân tặng chú Phùng

6/12/2007

Trần Châu (ông chỉ ký họ tên không đệm như đã được mặc định)

Trần Kim Châu

Nhà văn Phùng Thành Chủng
Tiểu thuyết THỦY SƠN KIỂN
CHƯƠNG Y/ KHÔNG NHỚ

bt tại Sugar Land Houston Texas Hoa Ky. September 2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét