Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

NXB KHOA HỌC XÃ HỘI 1973 / Như Thiết/ VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI / kỳ 4

NXB KHOA HỌC XÃ HỘI 1973
Như Thiết VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, kỳ 4
NNB: Mời đọc để biết Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy những năm 1970 bị đánh lên bờ xuống ruộng như thế nào. Và làm thế nào để vượt qua kiếp nạn văn chương ấy, mà đến được bờ Phúc hôm nay. Thưa Nhà văn Phùng Thành Chủng (Hà Nội), bài viết này đã đăng báo (tôi không nhớ báo nào) vào những năm 1970, tiếc là không lưu giữ được. Vì vậy, cuốn sách anh st NXB KHXH 1973 và vi tính tặng tôi bài viết thật dài của nhà văn triết Như Thiết này, tôi mới được đọc lần đầu, sau 50 năm, ngẫm nghĩ nhiều điều thú vị, sẽ trao đổi với anh sau. Thưa này thay lời ơn. Con mắt và tấm lòng nhà thơ luôn luôn nói tiếng nói hài hòa . Mắt sáng thì lòng sáng và ngược lại. Đầy những mơ hồ trong nhận thức, tác giả không thể có tình cảm đúng ở " Nghĩ về Thúy Kiều". Quan niệm về định mệnh, vào đời, chiến tranh, con người trong " Nghĩ về Thúy Kiều" đã dẫn đến tình cảm yếu mềm và giả tạo.Chúng ta không lạ lùng khi thấy những yếu đuối, thở than đến bi lụy: Cái mất mát người thân đè tôi Cái đói nghèo đè tôi Cái thương xót đè tôi Nhưng khó mà tin được tác giả có thể " nghe tiếng trái tim hạ lệnh" tấn công vào cái bóng ma định mệnh khổng lồ trong lúc khối óc đang rối mù những quan niệm sai lầm về nó. Trong bài " Nghĩ về Thúy Kiều", đã ba lần người viết hô tấn công và xung phong nhưng cả ba lần đều xung phong trong tiếng nấc. Làm sao mà cắt nghĩa được một người bị ám ảnh dai dẳng bởi cái định mệnh cay nghiệt lại có thể cảm thấy cuộc đấu tranh" chẳng ngọt êm mới là hạnh phúc" ? Trong một cuộc phỏng vấn về thơ, Tố Hữu đã nhận xét: " Ngoài đời ghét sự giả dối như thế nào thì trong thơ cũng như vậy. Thơ không chịu được sự giả dối. Nó đòi hỏi phải chân thực đến mức không ai ngờ vực được". Giả tạo và mâu thuẫn biết bao, khi tác giả thêm vào những đoạn miêu tả mọi người già trẻ gái trai đang giúp mình đẩy xe đồ đạc nặng trong khi mấy lần tuyên bố rất dứt khoát: " em có tuổi hai mươi tự mình giải phóng", " tôi tự mình giải phóng". Cái không khí phấn khởi dồn dập này bỗng nhiên bị hẫng đi mà trở thành giả tạo khi tác giả không cảm thấy cái không khí đó là đáng mừng đối với mình: Xung quanh không một ngày buồn vắng Không một đêm cay đắng tủi hờn Không một ai có thể giàu hơn Không ruột thịt mà đầy nhà ruột thịt Không họ hàng mà xum vầy thân thiết Tôi vượt lên mình thực chẳng êm ru. Người đọc thấy tại sao trước những điều kiện thuận lợi ấy tác giả lại" vượt lên mình thực chẳng êm ru" ? Tình cảm phấn khởi chẳng phải là có thực trong " Nghĩ về Thúy Kiều" nên mấy lần nói về nó, tác giả đã nghèo nàn và lắp lại trong hình ảnh một nụ cười: Nhưng đất nước vẫn cởi mở lòng dân Nụ cười trong gương vẫn là nụ cười... chiến thắng Soi gương mình nhìn khắp cả gian truân Ta vẫn cười nụ tươi màu chiến thắng Tất cả những hình dung từ mòn sáo: " lên bờ một ngày nắng đẹp", " thắng lợi đến gần", " hoa sai quả trĩu"... không cứu nổi cái bi lụy bao trùm " Nghĩ về Thúy Kiều", không át được âm vang thầm thào ghê sợ của định mệnh: Nguyễn Du người đã yên nằm Mà lời định mệnh vẫn thầm nhắc ai ? Cách đây gần 400 năm, Boa lô đã nói một câu chí lí: " Có những người tư tưởng tối tăm như bị một đám mây dày bao phủ. Ánh sáng của chân lí không thể soi thấu được. Vậy thì trước khi viết phải học suy nghĩ đã. Tùy theo mức độ sáng sủa của tư duy mà cách diễn đạt ra bằng ngôn ngữ sẽ rõ ràng hay tối tăm" ( Nghệ thuật thi ca. Bài thứ nhất) . Vì mơ hồ trong nhận thức và tình cảm nên " Nghĩ về Thúy Kiều" cũng thể hiện một lối viết không trong sáng. Khá nhiều hình tượng của bài thơ đã khơi gợi những suy nghĩ rất khác nhau ở người đọc. Sự không rõ ràng của hình tượng đâu phải là vấn đề kỹ xảo. Chẳng hạn, khi tác giả viết: " Nhưng đất nước mình vẫn cởi mở lòng dân . Nụ cười trong gương vẫn là nụ cười... chiến thắng". Tại sao lại cứ phải là nụ cười trong gương, trong cái phản ánh, trong cái bóng của cuộc đời? Cuộc đời không thiếu nụ cười thì việc gì phải đi tìm trong gương? Hay vì nụ cười trong gương đẹp hơn? Cũng có thể còn nhiều cách hiểu rất khác nhau về hình tượng đó nữa. Lối viết này đã biểu tỏ khá trung thực cái không trung thực ở ngay tư tưởng tác giả. " Nghĩ về Thúy Kiều", rõ ràng là bài thơ đầy những mơ hồ về tư tưởng và tình cảm. Nhưng nổi bật nhất là sự sai lầm về quan niệm sống. Thiếu hẳn cái nhìn trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin về mối quan hệ sâu sắc và đa dạng của hiện thực, tác giả đã đi từ mơ hồ này đến mơ hồ khác. Bài thơ đã toát lên một nội dung xa lạ với đời sống dân tộc, thậm chí còn xuyên tạc hiện thực trong lành của xã hội chúng ta. " Nghĩ về Thúy Kiều" càng cần phải phê phán nghiêm khắc hơn vì nó không phải là những ngẫu hứng ngắn ngủi, chợt đến với người viết . Đặc biệt so với các bài thơ khác, " Nghĩ về Thúy Kiều" đã được tác giả nghiền ngẫm lâu dài suốt từ 1968 đến 1970 - ba năm mà đất nước ta đầy những sự kiện vĩ đại. Đó là những ngày xuân tổng tiến công và nổi dậy khắp Thành đồng Tổ quốc. Đó là những ngày đế quốc Mỹ phải chấm dứt ném bom trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là những ngày toàn dân ta tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và xây dựng. Ba năm ấy cũng rèn luyện và giáo dục sâu sắc cả một thế hệ trẻ tuổi đang hăng hái tiến lên với những suy nghĩ sáng suốt, những tình cảm nồng cháy và tràn đầy tinh thần lạc quan đối với Tổ quốc và nhân dân. Tiếc rằng ở tác giả ,ba năm " Nghĩ về Thúy Kiều" đã không phản ánh được một chút nào khí thế ấy của dân tộc và tuổi trẻ mà chỉ chứng tỏ cái lệch lạc nghiêm trọng bám rễ rất sâu và rất lâu trong tâm hồn tác giả. Ba năm " Nghĩ về Thúy Kiều" là ba năm người viết quẩn quanh trong tiếng kêu than tuyệt vọng về định mệnh. Thực ra, Nguyễn Du vĩ đại không phải vì ông day dứt trước định mệnh mà chính cái quan niệm về định mệnh lại là một hạn chế lịch sử của ông.Tác giả đã dựa vào cái tiêu cực ấy của Nguyễn Du để nói lên chính cái tiêu cực rất lạc lõng của mình. " Nghĩ về Thúy Kiều", không chỉ hiểu sai về tuổi trẻ mà còn bôi xấu cả tuổi già Việt - nam: Tuổi già còn tin vào số phận Niềm nghĩ nhiều là nghĩ về cái chết. Không, tuổi già Việt - nam không bao giờ như thế. Tuổi già Việt - nam không tin vào một số phận tiền định nào khi những mái đầu bạc phơ thét vang hội nghị Diên - hồng lời thề quyết chiến, khi đời này qua đời khác, những bà mẹ Việt - nam liên tục tiễn đưa chồng con ra mặt trận với niềm kiêu hãnh về sự sống bất diệt của dân tộc mình. Tuổi già Việt - nam không nghĩ nhiều về cái chết. Sức sống mãnh liệt vẫn tràn đầy trong tâm hồn của ngàn vạn bạch đầu quân và mẹ chiến sĩ. Bàn tay của tuổi già Việt - nam vẫn hàng ngày ươm trồng cho con cháu hàng triệu hàng triệu những đường cây, những đồi cây mãi mãi xanh tươi của đất nước. Đẹp biết bao nhiêu những bà mẹ đã giữ vững niềm tin vào cách mạng trong những ngày đen tối nhất, những bà mẹ: Sống trong cát, chết vùi trong cát. Những trái tim như ngọc sáng ngời ( Tố Hữu) Đẹp biết bao nhiêu những tuổi già Việt - nam trên khắp các nẻo đường kháng chiến chống Pháp khi xưa và chống Mỹ giờ đây đã gửi tất cả niềm yêu thương da diết vào những người con đi bảo vệ sự sống còn của Tổ quốc: Nụ cười bát nước tiễn đưa con Tuổi già vui với gian lều hẹp Một chút lòng thành gửi nước non ( Trung Thành) Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là quan niệm rất đúng đắn về sự sống và cái chết. Sức mạnh của dân tộc ta, sự nghiệp anh hùng của nhân dân ta gắn liền với truyền thống của cha ông từ trước, bao giờ cũng đặt vận mệnh của cá nhân trong vận mệnh chung của dân tộc. Cá nhân có thể như một chiếc lá rụng xuống nhưng Tổ quốc ta - điều thiêng liêng nhất của mỗi người chúng ta phải muôn đời bất diệt. Quan niệm cho rằng tuổi già nghĩ nhiều về cái chết là một quan niệm xa lạ, lùi lại đằng sau tầm tư tưởng của nhân dân ta rất nhiều. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn trở lại sự đánh giá của báo Văn nghệ. Nếu Lý Phương Liên có " Nghĩ về Thúy Kiều" là một sản phẩm xấu thì lời giới thiệu tốt đẹp sau đây: " Nhất là từ bài " Nghĩ về Thúy Kiều" người đọc thấy toát ra một niềm tự hào đúng về đất nước, về thời đại và một thái độ sống đẹp" sẽ là cái gì? Một sự mơ hồ! Ngay cả phê bình mơ hồ cũng phản ánh rõ rệt một nhận thức và tình cảm sai lầm. Vì thế, chúng tôi không đồng tình với những lời khen ấy về bài thơ " Nghĩ về Thúy Kiều". Bởi thế từ hiện tượng " Nghĩ về Thúy Kiều" chúng tôi cho rằng chẳng bao giờ thừa khi đề cập đến vai trò thế giới quan mác- xít đối với chủ đề sáng tạo. Không thể có một tâm hồn nào thiếu cái ánh sáng chân lý đó mà sáng tác tốt được. Bài học " Nghĩ về Thúy Kiều" lại một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của những lí luận mĩ học mà Đảng ta đã chỉ ra trong đường lối văn nghệ: lí luận về tính Đảng của tác phẩm. / Mời đón đọc kỳ 5 và Hết/
NXB KHOA HỌC XÃ HỘI 1973 Như Thiết/ VỀ MỘT THỨ TRIẾT LÝ LỖI THỜI Bài rất dài, đăng nhiều kỳ, kỳ 4 Bt tại Sugar Land Houston Texas Hoa Kỳ. September 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét