Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Tiểu thuyết NNB / Linh Hồn Lang Thang/ Đoạn 1

Chiến tranh đã ở phía sau lưng lâu lắm rồi, nhưng cứ mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, ta vẫn thấy khói súng như còn thoang gió đâu đây và những linh hồn các anh hùng liệt sĩ còn như vói gọi. Vói gọi không thanh âm, không ngôn ngữ, mà luôn làm lòng ta nấc lên thao thức, ngậm ngùi... Linh Hồn Lang Thang, tiểu thuyết được viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, NXB Sông Bé ấn hành, và nay, được bước vào thập kỷ thứ hai của thiên kỷ 2000, NXB Văn Học in lại.
.

LINH HỒN LANG THANG

tiễu thuyết
nguyễn nguyên bảy

Một,

Tới rạp Mê Linh, anh bảo xích lô cho anh xuống. Người xích lô nhìn anh như muốn hỏi lại. Anh cười giải thích là anh muốn đi bộ một quãng. Còn chừng năm trăm thước nữa mới tới dốc Thọ Lão. Lẽ ra cứ thẳng phố Lò Đúc mà đi, là thuận đường. Nhưng tới ngã tư Nhà Rượu anh rẽ phải, vòng lối chúa Hai Bà, đường xa hơn.
Từ bên bờ hồ Hai Bà,đã có thể nhìn thấy hai cây dừa cao vút giữa những dãy nhà lá, nhà tôn lúp xúp. Đây không phải giống dừa Thanh, cũng không phải giống dừa Quảng quê anh. Đây là giống dừa của làng dừa Sấu Giá. Anh đã đi nhiều, Nam có, Bắc có, nhưng anh chưa thấy một làng dừa nào đẹp bằng dừa Sấu Giá. Nơi đây, hầu như dân chúng không trồng một loại cây gì khác ngoài dừa. Những thân dừa cao ngỏng, trĩu quả, buông bóng xuống những con đường gạch, những ao bèo tấm chi chít. Cũng ở đây, dân chúng có nghề nuôi tằm dệt vải. Những đêm trăng sáng, nghe tiếng sa quay, tiếng các cô thôn nữ hát, mà được ngồi nhâm nhi những con nhộng béo ngậy, với một chút cay thì thú vị biết bao. Đời đẹp lắm. Anh đã được hưởng cái đẹp đó nhân lên trăm lần, bởi trong khung cảnh ấy, anh còn có Cúc, cô thôn nữ mười tám tuổi, nước da trắng nõn, má lúm đồng tiền, anh đã phải lòng cô ngay từ lần gặp đầu tiên và cô cũng đã xiêu anh.

Anh gặp Cúc ở hội Chùa Thầy. Dạo ấy, chuyện Tổng tuyển cử thống nhất đất nước không còn là đề tài nóng bỏng đối với những thanh niên miền Nam tập kết như anh nữa. Đã qua mùa Tháng Bẩy Năm Sáu. Lại đã qua mùa Tháng Bẩy Năm Bẩy. Năm Tám, cả miền Bắc nóng bỏng không khí đấu tranh với địa chủ, cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư sản, rồi Nhân văn giai phẩm. Anh bị cuốn vào cơn lốc đó. Có gì đâu, anh là một nhà báo, lại làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, không bận sao được. Vậy mà đám bạn dứt anh ra khỏi công việc, rủ anh đi trẩy hội Chùa Thầy. Âu cũng bởi ông Tơ, bà Nguyệt muốn se duyên anh với Cúc. Tám tháng sau, anh và Cúc nên vợ, nên chồng.
Đã có vợ, phải có nhà, bạn bè của anh đã nói với anh như thế. Ở miền Bắc, dạo đó, chuyện nhà cửa chưa phải cuộc huyết chiến khốc liệt, nhưng đối với những người thanh niên miền Nam tập kết như anh thì cũng vẫn là chuyện hái sao trên trời. Cũng may, chưa có nhiều trai Nam táo tợn lập gia đình như anh. Vì thế việc anh lấy Cúc được coi như một điển hình cần giúp đỡ. Bạn bè dốc túi tiền còm vào tay anh vừa đủ cho anh mua căn nhà lá chừng mười hai thước xập xệ bên bờ ao rau muống. Có nhà, tối nào anh cũng anh và Cúc cũng thay nhau vào nhà máy rượu gánh sỉ than để tôn thêm nền và sân sau, sân trước. Ông già vợ đem từ Sấu Giá ra cho hai vợ chồng trẻ hai cây dừa, anh trồng trước nhà, sát bờ ao.
Mới đó mà hai cây dừa đã cao vọi: Mới đó sao được, cũng đã mười ba năm rồi còn gì. Hai vợ chồng lấy nhau đầy năm thì Mai Vàng chào đời. Anh xin vợ cho anh cái quyền đặt tên cho con gái. Mai Vàng, một mảnh quê hương trong hồn anh, Mai Vàng lớn lên ngoại trừ cái mũi giống anh, còn tất cả là hiện thân sắc đẹp của mẹ, nước da trắng nõn và hai má lúm đồng tiền thật sâu. Lúc Mai Vàng bập bẹ được hai tiếng: Ba ơi, thì anh được lệnh gọi đi chiến trường B. Cũng đã gần mười năm rồi…
Chỉ còn chừng trăm thước nữa là anh về tới nhà.
Cả trăm lần, nếu không muốn nói là ngàn lần, anh đã tưởng tượng thấy cuộc trở về này: Mai Vàng không nhận ra anh, tất nhiên là đôi mắt nó sẽ tròn xoe ngơ ngác. Nó gọi rầm lớn kêu mẹ ra có khách. Cúc từ trong bếp tất tả lao ra, hai tay lấm bụi thanh chùi vào vạt áo. Cúc thấy anh. Một tiếng reo. Rồi nước mắt và tiếng nấc. Cúc lao vào, ôm cứng lấy anh như sợ anh sẽ bay mất. Nước mắt anh tứa ra. Mai Vàng cũng đã đứng sau mẹ và khóc. Ôi, tội nghiệp con gái ba. Lại đây với ba, ba thương. Anh đã không cầm được nước mắt, ôm con vào lòng.
Anh nhầm nhà chăng? Không thể. Cảnh vật thay đổi làm anh ngỡ ngàng. Hồi anh đi, ao rau muống còn nguyên, những trưa hè thật oi, anh đã lội xuống hồ bắt ốc nhồi. Trời nóng, ốc không chịu nổi cái nóng hay vì một lý do sinh vật nào đó, đua nhau bám miệng vào bè rau muống. Còn những ngày rét hanh tháng chạp, nước gần như cạn khô, chỉ còn vài vũng, anh lội xuống bắt cá, một xô đầy những săn sắt, rô ron và cả những chú cá quả bằng cổ tay. Nhưng giờ đây, cái ao rau muống đã biến mất. Người ta đã tôn nền, dựng trên đó san sát những ngôi nhà gạch tường con kiến, lợp ngói đỏ và tôn phibrô. Nhà anh chìm sâu vào phía sau những dãy nhà mới dựng này.
- Mai Vàng.
Anh gọi vang trong mừng rỡ. Hai đứa bé, một trai, một gái đang chơi ô ăn quan, khựng tay lại ngước nhìn anh. Bé gái giống Mai Vàng như đúc, nước da trắng nõn, hai lúm đồng tiền thật sâu.
Mai Vàng. Anh gọi tên bé gái một lần nữa. Bé gái buông những viên sỏi trong tay, đứng dậy, một chút bẽn lẽn, ngơ ngác.
- Thưa Bác, chị cháu mới là Mai Vàng, còn cháu là Mai Duyên.
- Cháu là con mẹ Cúc?
- Mẹ cháu đi làm trưa mới về. Bác là bạn của mẹ cháu hay bạn của ba cháu?
- Ba cháu cũng đi làm?
- Dạ, ba cháu đi công tác Hải Phòng thứ bảy nầy ba cháu mới về.
- Bác biết.
Anh cũng chẳng hiểu vì sao anh lại thốt ra hai tiếng ấy. Anh biết cái gì mới được chứ! Đầu óc anh rối mù, ruột gan anh đau quặn, anh cảm thấy như trời sập trước mặt mình. Cũng có thể đây là một cháu bé nào đó, con hàng xóm, và cũng có thể cháu cũng có mẹ tên Cúc và có chị tên Mai Vàng. Một cái tên gọi quá đẹp nên các bà mẹ bắt chước đặt cho con. Nhưng sao cháu gái lại giống Mai Vàng đến thế.
- Cháu có thể cho bác vô nhà đợi mẹ về được không.
- Nhưng bác phải nói cho cháu biết bác là ai.
- Bác là bạn của mẹ cháu.
- Nếu vậy thì được, cháu sẽ mở cửa cho bác vào nhà nhưng bác phải cam đoan bác là bạn mẹ cháu cơ.
Anh gật đầu.
Cháu gái nắm tay anh, dẫn anh đi tắt qua hiên dãy nhà tôn mới dựng. Căn nhà của anh đây rồi, nằm lọt giữa hai cây dừa. Cầu trời, cháu gái đừng đưa anh vào căn nhà đó. Nhưng cháu gái đã dừng lại trước cánh cửa gỗ có ổ khóa ngoài.
- Bác đợi cháu một tý, cháu mở khóa mời bác vào.
Anh nắm tay cháu gái khi cháu vừa đưa chiếc chìa khóa vào trong ổ.
- Ta đừng ngoài này chờ mẹ cháu cũng được.
- Không nên. Cháu tin bác không thể là kẻ gian. Mẹ cháu bảo khóa cửa để phòng kẻ gian.
- Bác biết, cháu tốt với bác quá, nhưng bác đứng ngoài này cũng được.
Nước mắt anh chảy ngược vào trong, mặn chát. Anh tựa vào tường cố cho khỏi ngã. Vẫn chiếc giường đôi ngày cưới. Vẫn chiếc tủ áo ngày cưới. Cái mắc áo ngày cưới. Chỉ có điều khác là trên đó treo một chiếc nón cối đã sớn mép, bên cạnh chiếc nón lá, chắc là của Cúc, một bộ quần áo của đàn ông chưa kịp giặt, vài chiếc áo trẻ con, chẳng biết có chiếc nào của Mai Vàng. Anh ngước nhìn lên nóc tủ. Bàn thờ. Trời ơi, ai thế kia? Anh. Đúng là anh mười năm về trước, hai má mũm mĩm và nụ cười lẩn trong môi. Người anh bỗng run lên. Thì ra anh đã chết, cô ấy đã thờ anh và đã đi lấy chồng.
Cháu gái vẫn nhìn anh không chớp. Hình như sự đau đớn đã hiện đầy gương mặt anh, khiến tia nhìn cháu gái bắn sang anh có phần thương hại. Anh gượng cười, cố xua đi tia nhìn giống như đúc cặp mắt bi ve của Mai Vàng khi bập bẹ gọi anh: Ba ơi.
- Cháu mấy tuổi?
- Thưa bác, cháu lên bẩy.
- Lên bẩy? – Anh hỏi lại vì sợ mình nghe lầm.
- Cháu học lớp một trường Hai Bà Trưng, cô giáo cháu tên là Ngọc, cô thương cháu lắm.
- Cháu có em bé không?
- Dạ có, em cháu tên Mai Quảng, nó mới lên ba, chủ nhật vừa rồi bà ngoại ra chơi, bà ngoại đưa nó về quê rồi.
- Mẹ cháu có khỏe không?
- Hôm rồi bà ngoại cháu mắng mẹ cháu.
- Sao vậy?
- Bà ngoại cháu bảo, mày cứ quần quật suốt ngày, ăn uống kham khổ, người còn bằng cái xác ve ấy. Trận rồi thằng Quảng ốm, mẹ cháu gầy đi ba cân.
- Cháu có thương mẹ không?
- Cháu thương mẹ nhất, mai kia cháu lớn, cháu đi làm cháu sẽ nuôi mẹ.
- Chị cháu học giỏi không?
- Chị Mai Vàng ấy à, chị học dốt lắm bác ạ, năm ngoái chị ấy bị đúp lớp năm.
- Bố mẹ cháu không thương chị Mai Vàng à?
- Tại chị không thương bố nên bố ghét.
- Sao?
- Bố đánh đòn chị luôn.
Chân anh muốn khụy xuống. Người lại rét run lên. Anh biểu là mình lại sắp lên cơn sốt. Cần phải về viện ngay. Ý nghĩ lóe lên giục dã. Không phải anh không tiên liệu trước cơn sốt rét này. Có thể về tới nhà anh lại lên cơn sốt, nhưng Cúc và Mai Vàng sẽ chăm anh. Nhưng anh có ngờ đâu cuộc trở về của anh lại phũ phàng thế này.
- Bây giờ bác phải đi đã cháu ạ.
- Bác nói là bác chờ mẹ cháu về cơ mà.
- Rồi bác sẽ trở lại.
Anh định quay ra thì cháu gái đã nắm chặt tay anh.
- Nhưng bác phải nói cho cháu biết bác là ai để lát nữa cháu nói với mẹ cháu.
- Cháu cứ nói bác là bạn mẹ cháu. Nói thế là mẹ cháu biết mà.
Anh vuột tay mình khỏi tay cháu gái, đi loạng choạng rất nhanh ra ngõ. Không thể ngã quỵ ở đây. Không thể ngã ở đây. Anh vừa đi, vừa lẩm bẩm trấn an mình. Tới đầu dốc Thọ Lão, anh kêu xích lô chạy về bệnh viện. Ngồi trên xe, anh rét run, đầu óc lơ mơ quay cuồng. Về tới cổng bệnh viện, mồ hôi đẫm như tắm, anh thực sự không còn biết gì nữa, người ta đưa anh vào phòng cấp cứu.
Trăng vằng vặc làm cho đêm bớt phần lạnh lẽo, những tiếng hát ru của Cúc` vẫn như dao thái từng khúc ruột.”Mai rồi một mẹ, một con. Biển xa thăm thẳm cánh buồm cha đâu. Những gì gửi lại cho nhau. Một đời tình nghĩa, một câu thề nguyền”.
Cúc nấc trong tiếng ru con. Anh như thấy từng giọt nước mắt tứa ra từ đôi mắt đen nhánh của người mẹ mới bước vào tuổi hai mươi. Trái tim anh bấy ra như bã đậu. Trên chiếc chõng tre (anh mua ở chợ Sấu Giá hồi năm ngoái). Thế ngồi như một pho tượng, gương mặt phủ mỏng một lớp sương. Anh với tay lấy chiếc điếu cày (cũng mua ở chợ Sấu Giá) châm đóm vào ngọn đèn Hoa kỳ, rít sòng sọc một hơi thật dài, phả khói đặc quánh, mờ mịt, làm cho gương mặt Thế biến mất trong làn khói ấy.
- Phải chi anh đứng xung phong.
Tiếng Thế vọng lên từ hang sâu. Anh không đáp lại tiếng vọng ấy.
- Hậu quả của cuộc chiến tranh này chưa thể nào lường được. Nó như miệng núi lửa, mình là vật thí thân.
- Sao chú lại nói vậy. – Tiếng Cúc ru con từ trong buồng lại vẳng ra lành lạnh. – Câu ru buồn quá phải không cậu?
- Buồn qúa. Cứ tưởng sẽ thống nhất đất nước, ai dè lại có chiến tranh.
- Có muốn chiến tranh đậu. – Anh thở dài. – Nhưng lửa chiến tranh đã cháy lên rồi thì phải dập tắt nó.
Thế không nói không rằng, lẳng lặng đứng dậy. Thế muốn tránh câu ru, hay muốn khỏi phải nghe những lời mà Thế cho là rất sách vở của anh. Thế đi chầm chậm ra đầu ngõ. Câu ru của Cúc đuổi theo.
Để thương, để nhớ cho nhau. Chim bay trời lộng bao lâu chim về. Thương cha lòng mẹ tái tê. Đêm cao vằng vặc tứ bề là trăng.
Anh nói vọng vào nhà. – Cúc à, anh thích nghe câu gì vui vui một chút.
Cúc hiện ra nơi cửa, chiếc áo cánh phin nõn, chiếc quần lụa đen, gương mặt óng ánh do những tia trăng rọi vào những giọt nước mắt ròng ròng trên má. Cúc bước lại phía anh như trăng đi. Cúc ngồi xuống một đầu chõng, trăng tròn vành vạnh trước mặt anh. Anh nhìn Cúc lòng say ngần ngật.
- Trăng sáng quá. Anh nhớ buổi tối đầu tiên ngồi với bố nhìn em quay sa, trăng cũng đẹp như hôm nay.
- Biết phải xa nhau như thế này thì đừng lấy nhau.
- Chỉ chừng vài ba năm thôi em ạ.
Anh nói câu nhẹ bồng. Ngày anh đi tập kết, người đi kẻ ở đưa hai ngón tay chào nhau, như hẹn cùng nhau hai năm sau gặp lại. Họ đã ấn định ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thế mà họ đã không thể thực hiện được. Còn bây giờ, để có ngày thống nhất đó, phải tiến hành cuộc chiến tranh. Chuyện đào núi và lấp biển đâu dễ dàng trong vài ba năm.
- Xa anh, em sống thế nào được.
Anh gượng cười. Nhớ lại câu nói của Cúc cũng hao hao thế này, khi anh đưa Cúc từ làng ra Hà Nội xin cho Cúc đi bán hàng trong cửa hàng bách hóa tổng hợp Cúc cũng sợ dúm người, cũng lo là mình không thể làm được công việc đó. Vậy mà chỉ sáu tháng sau, Cúc đã trở thành cô mậu dịch viện xinh đẹp, duyên dáng và rất vừa lòng khách mua hàng.
- Hay là anh nói với các chú cho em đi với.
- Gian khổ lắm em ạ.
- Gian khổ bao nhiêu em cũng chịu được.
- Nhưng còn Mai Vàng.
Bất chợt tiếng khóc của con từ trong buồng vọng ra. Như một phản ứng tự nhiên, anh bật dậy, chạy vào với con.
- Nín đi, ba đây mà.
Anh ngồi xuống mép giường, vỗ nhẹ vào lưng con. Ước gì anh cũng biết hát ru như Cúc. Mai Vàng ngủ ngon lành quá. Hai má mũm mĩm, đầy đặn, không thấy hai đồng tiền, chỉ thấy chúm chím một bông hoa sắp nở.
- Em đã nói với mẹ rồi, mẹ bằng lòng nuôi Mai Vàng cho chúng mình. Nếu anh không muốn thế thì em sẽ gửi Mai Vàng vào trại nhi đồng miền Nam.
- Có nghĩa là em không muốn anh đi?
- Gửi con vào đó rồi em cùng đi với anh.
- Chống Mỹ lần này gay go hơn hồi chống Pháp nhiều lắm. Mai Vàng là tất cả những gì mơ ước của chúng mình. Mai kia khôn lớn nó sẽ không phải hổ thẹn vì ba má nó.
- Em biết, lần này anh đi không phải vài ba năm đâu.
- Anh tin là không lâu. Anh nhất định trở về với em và con.
- Anh…
Cúc định nói gì đó, nhưng chân loạng choạng, anh đưa tay đỡ Cúc, Cúc ngã vào lòng anh. Hai vai Cúc run bần bật, tiếng khóc càng cố kìm nén thì những cơ bắp càng run lên. Anh đặt hai bàn tay mình lên hai bờ vai Cúc. Hai bờ vai tròn lắn, mát rượi. Cái cổ trắng ngần tương phản với mầu tóc đen nhánh búi ngược lên.
- Vào trong đó anh có nhớ mẹ con em không?
- Không một giây phút nào em và con không ở bên anh.
Anh đưa tay lên ngực, lấy ra từ túi áo hai tấm ảnh, một bức anh và Cúc chụp với nhau ngày cưới. Một bức chụp hai mẹ con.
- Mai Vàng giống em quá. Mai kia lớn lên, đẹp như mẹ nó thì khối chàng trai chết với nó.
Gương mặt Cúc rạng tươi sau câu nói của anh. Gương mặt Cúc chiếm toàn bộ khuôn nhìn đôi mắt anh và như một dòng thủy triều đã dâng ngập lòng anh. Em đẹp quá, Cúc ơi. Anh định thốt lên như thế, nhưng kịp nén. Bởi anh biết, câu nói của anh sẽ làm cho anh loạng choạng và trái tim Cúc lại bật ra tiếng nấc. Cúc yêu anh, tin anh và Cúc đủ can đảm để chờ đợi thủy chung. Vì tấm lòng thủy chung đó, nhất định anh sẽ trở về. Tiếng Thế rít thuốc lào ngoài sân xen ngang vào im lặng đắm đuối của vợ chồng anh. Anh khẽ nhấc vai, kéo Cúc ngồi lên giường.
- Anh còn vài chuyện cần phải nói với Thế.
Anh vừa ngồi xuống đầu chiếc chõng, chỗ khi nãy anh ngồi,đã nghe Thế gieo xuống anh câu hỏi lập lờ, nhưng anh hiểu trọn vẹn nghĩa của câu hỏi đó.
- Anh Mạnh, hay là…
- Mình định mang cái điếu cầy này theo.
- Em sẽ báo cáo với tổ chức về hoàn cảnh của anh.
- Sao? – Anh nghiêm giọng. – Chú định phản bội tình bạn? Chú nên nhớ rằng, chú có làm gì đi nữa, thì tôi cũng nhất định vượt Trường Sơn trở về quê hương. Tôi sẽ chỉ là một thằng tồi, khi nghe tiếng gọi của quê hương mà bưng tai như không nghe thấy.
- Nhưng vết thương nơi chân phải của anh.
- Chú đừng nói nữa, – Giọng anh trầm xuống,ấm đáp, – Vết thương ở chân hồi chống Pháp bây giờ đã lành rồi. Hơn nửa, mấy tháng nay luyện tập, mình đã đủ sức để đi qua Trường Sơn.
- Nhưng hoàn cảnh gia đình anh…
- Thế à. Ngày mai mình phải xa Cúc, xa Mai Vàng, xa chú, mình cũng buồn lắm, nhưng mình cũng phải đi. Mình sẽ thực sự yên tâm nếu như chú nhận giúp mình một điều.
- Anh cứ nói.
- Đời mình chỉ có Cúc và Mai Vàng.
- Em hiểu.
- Mình trở về Nam chiến đấu cũng là vì mẹ con cô ấy.
- Anh cần gì phải nói điều đó.
- Chú cứ để anh nói. Anh muốn gia đình mình êm ấm hạnh phúc trong một đất nước thanh bình, thống nhất. Mai Vàng sẽ lớn lên với một tương lai đẹp đẽ như nó mong muốn. Thế ạ, chúng mình là bạn, lại đã kết nghĩa anh em.
- Anh khỏi cần xác định quan hệ thiết cốt của chúng ta.
- Chú cầm lấy hai bức ảnh này, Cúc mới đưa cho anh hồi chiều, chú biết đấy, kỷ luật chiến trường không cho phép. Chú hãy giữ dùm anh và thay anh chăm nom cho bé Mai Vàng. Chú có hứa với anh…
Cổ anh bỗng nghẹn đắng, anh không nói được hết câu, hai môi bậm lại.
- Anh hoàn toàn có thể tin ở em.
- Cảm ơn Thế. Anh sẽ chiến đấu cả phần của Thế, của Cúc và của Mai Vàng.
Anh nhìn sâu lặng vào đôi mắt Thế. Nếu lòng anh có cửa, thì anh đã mở cửa tung ra để Thế nhín thấy tất cả ruột gan anh. Đầu óc anh, trái tim anh rung động điều gì, thì lưỡi anh đã phô bầy bằng ngôn ngữ. Anh nói tiếng nói chân thật nhất của lòng mình. Anh tin là Thế cũng như anh. Cũng trong sáng và chân thành như thế. Thế đã hứa với anh sẽ chăm sóc vợ con anh những ngày anh đi vắng. Lời hứa đó được đảm bảo, anh không mảy may nghi ngờ. Anh muốn xiết mạnh bàn tay Thế với lời cảm ơn. Đôi mắt Thế ươn ướt niềm xúc động.
Trong buồng lại vọng ra tiếng ru của Cúc.
Hoa là con đó, con ơi. Ánh dương lồng lộng mặt trời của cha. Đất quê hương nở muôn hoa mặt trời.
- Sáng mai mấy giờ anh đi?
- Năm giờ.
- Bốn rưỡi mai em sẽ tới.
- Đêm nay chú không ngủ lại với anh sao?
- Thôi, em phải về.
Thế đứng dậy, định quay vào cửa buồng chào Cúc, nghĩ sao lại thôi. Thế đi nhanh ra ngõ.
Anh mang chiếc chõng tre cùng chiếc điếu cầy và cây đèn Hoa Kỳ vào nhà.
Cúc nằm bên Mai Vàng, dụi mặt vào gối và khóc. Anh se sẽ bước lại nằm bên Cúc.
- Em…
Cúc xoay người trở lại, ôm chặt lấy anh, nước mắt rơi xuống mặt anh từng giọt lạnh toát. Hai cánh tay Cúc xiết vào bả vai anh…Hai chân Cúc quắp chặt lấy anh. Anh mới hiểu thế nào là những rễ cây chằng chịt bám vào lòng đất. Không có cây, đất không thể sống, đất sẽ thành hoang hóa. Cúc không muốn buông anh ra, Cúc là cây còn anh là đất, Cúc sợ buông anh ra anh sẽ bay mất, như làn gió, như hạt bụi, anh và Cúc rồi cũng bơ vơ. Anh thương Cúc biết bao, anh muốn giãi bầy mọi điều với Cúc, nhưng anh không thể nói, nước mắt tự nhiên tứa ra. Nước mắt không làm cho hai thân thể nguội bớt, Cúc cháy run rẩy, anh cũng cháy run rẩy, tưởng chừng như anh và Cúc không bao giờ co 1thể dứt nhau ra được.
Năm giờ sáng hôm sau, anh vẫn lên đường.
Hồi kháng chiến chín năm, anh hoạt động ở Tây Nguyên. Vì thế, lần này Khu ủy lại đưa anh về Tây Nguyên. Cô giao liên Hơblang đưa anh về vùng Nam Sông Ba.
Một cuộc tập kích bất ngờ của đám lính áo rằn, đã làm cho anh và Hơblang lạc nhau. Hơblang lệnh cho anh chạy về phía suối, còn cô chạy cắt mặt bọn lính. Anh biết, Hơblang làm như vậy để đánh lạc hướng địch, bảo vệ anh. Anh luẩn quẩn bên suối suốt cả buổi vẫn không thấy Hơblang quay trở lại. Anh quyết định đi dọc con suối, về hướng Nam Sông Ba.
Chợt anh thấy một đứa trẻ nằm sấp bên bờ suối. Anh lao lại phía đứa bé. Thằng bé ngất xỉu, chắc nó đã cố hết sức lết từ bìa rừng xuống suối uống nước, nhưng khi tới được suối thì sức nó đã kiệt. Anh vục nước dưới suối đổ lên mặt thằng bé. Thằng bé tỉnh lại. Nó mở thao láo cặp mắt nhìn anh đầy lo sợ và hận thù.
- Cháu tên gì? Vì sao lại nằm đây?
Anh hỏi thằng bé bằng tiếng Êđê. Thằng bé định nói gì đó, nhưng lại ngậm miệng. Mắt nó vẫn phóng ra những tia lửa.
- Cháu là Irít?
Thằng bé đột ngột gật đầu. Irít, đó là tên thường gọi cho những trẻ mồ côi, nhìn cảnh ngộ nó anh phỏng đoán như thế ai dè lại đúng. Anh lấy lương khô trong ba lô bẻ từng miếng nhỏ đưa cho Irít. Lúc đầu thằng bé từ chối, nhưng khi nó thấy anh ăn, nó cũng ăn theo. Thằng bé ăn hau háu, chắc nó đang đói lắm. Anh cũng đói. Từ sáng tới giờ chưa ăn gì. Thằng bé ăn một hơi, có vẻ đã no, nó cố đứng dậy, nhưng một chân nó tím bầm, nó đã quỵ xuống. Anh bồng nó lên, nó giãy dụa trong tay anh.
- Tôi không đi theo ông đâu. Bỏ tôi xuống.
- Đừng có hét lên như thế.
- Ông muốn bắt tôi cho bọn lính?
- Ta sẽ đưa cháu về với các Ama, Amí.
- Amí tôi lính giết rồi.
- Cháu còn Ama? – Thằng bé gật đầu, – Ama cháu tên gì?
- Yblem.
- Ta không biết Yblem, nhưng ta biết Ama Dú.
- Dú là bạn tôi.
- Ta đưa cháu về với Ama Dú được không?
- Ông phải thề là ông không hại Ama tôi với Ama Dú.
Anh đặt bàn tay lên đầu mình, trang nghiêm.
- Ta thề.
Irít gật đầu. Nó nằm yên trong hai cánh tay anh, cho anh bồng nó đi, nó nhẹ bồng, đen đúa. Anh muốn hỏi nó vì sao lại lạc đến tận đây. Nó không nói, mắt chỉ nhìn đau đáu. Anh đi từng bước chậm chạp, thỉnh thoảng lại đặt nó xuống để nó nhận đường.
Giữa lúc đó Ama Dú đang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, khói từ cái tẩu dài nơi miệng tỏa ra, quyện với khói bếp, bay tản nơi cửa sổ. Đây là cái lán du kích mới dựng tạm để Ama Dú có chỗ làm việc. Từ ngoài, Dú cùng đi với Hơben. Dú chừng mười một, mười hai tuổi, đang tạp vỡ giọng người lớn.
Giữa lúc đó Ama Dú đang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, khói từ cái tẩu dài nơi miệng tỏa ra, quyện với khói bếp, bay tản nơi cửa sổ. Đây là cái lán du kích mới dựng tạm để Ama Dú có chỗ làm việc. Từ ngoài, Dú cùng đi với Hơben. Dú chừng mười một, mười hai tuổi, đang tạp vỡ giọng người lớn.
- Báo cáo Ama, có cô Hơben.
Nó dập hai chân vào nhau như một người lính.
Ama Dú quay ra, một tay cầm cái tẩu, không để ý tới điệu bộ của Dú, chỉ tay xuống sàn nhà, bảo Hơben.
- Ngồi đó đi Hơben.
- Có cần ra ngoài canh chừng nữa không, Ama? – Dú vẫn sang sảng.
- Có. Ama đoán, nhất định hôm nay đồng chí ấy sẽ tới.
- Con cũng đoán vậy.
Dú dập chân vào nhau, quay ra trang trọng như khi bước vào.
Ama Dú ngồi xuống trước mặt Hơben, hai người cách nhau một bếp lửa.
- Đã khóc hết nước mắt chưa Hơben?
- Nước mắt như con suối làm sao hết được.
- Nhưng nước mắt không thể làm các đồng chí của Hơben sống lại.
- Ruột gan Hơben như có lửa, trái tim Hơben như có mũi tên độc đâm vào. Lẽ nào Ama Thư, Ama Lê không còn nữa…Hơben không khóc cho mình đâu, Hơben khóc cho dân làng Êđê. Buôn làng bao năm tăm tối như hang núi, Ama Thư, Ama Lê đem ánh sáng tới cho buôn làng, vậy mà…
- Nhưng không thể khóc mãi, mà phải tìm cách trả thù.
- Ama Dú nói đi, cách gì trả thù cho các đồng chí? Dù phải nhảy vào lửa Hơben cũng không sợ.
- Ama Dú không bảo Hơben nhảy vào lửa, Ama Dú muốn Hơben gánh vác thay công việc của các đồng chí vừa hy sinh.
- Hơben biết điều đó.
- Hơben có dám về Nam Sông Ba, nơi Ama Thư, Ama Lê vừa ngã xuống?
- Nhưng còn công việc giao liên cho Tỉnh ủy? Ama Dú vẫn bảo Hơben công việc giao liên quan trọng lắm mà.
- Dú sẽ thay công việc giao liên cho Hơben. Hơben về Nam Sông Ba làm thay công việc của Ama Thư.
- Giàng ơi, Hơben đâu có đủ cái học để làm thay công việc của Ama Thư. Chính Ama Thư đã chỉ cho Hơben con đường đi theo cách mạng, chính Ama Thư đã đưa cho Hơben vào đoàn thể…Hơben làm sao có thể làm nổi công việc to lớn của Ama Thư.
- Hơben làm được. Cấp trên sẽ cử thêm đồng chí giúp cho Hơben.
- Ai vậy?
- Đồng chí ấy chưa tới. Đồng chí ấy là con của Avốc Hồ tới giúp người Êđê chúng ta làm cách mạng.
- Nếu có đồng chí con của Avốc Hồ thì việc gì Hơben cũng làm được.
Tiếng chân người sầm sập chạy vào. Ama Dú và Hơben cùng ngoảnh lại. Yblem đóng khố khắp người đầy vết gai cào, máu và nước vàng chưa khô. Hai mắt Yblem như hai hòn than, trợn ngược như mắt con hổ sắp sửa lao vào con mồi. Tay phải cầm ná, một bó tên trên vai. Vừa bước vào nhà, Yblem đã nhìn ngang nhìn dọc, không đợi Ama Dú mời ngồi, Yblem sấn lại bên bếp lửa, ngồi xuống, tay cầm ná run bần bật. Ama Dú đưa cặp mắt ấm áp nhìn Yblem.
- Tao vẫn tin là nó còn sống Yblem ạ.
- Ai cũng nói vậy.
- Con Hơsao tận mắt thấy nó từ trong lửa chạy ra mà.
- Hơsao cũng nói với tôi như vậy. Nhưng tôi đã đi kiếm nó khắp rừng, khắp suối, tôi đã gặp cả trăm con hoẵng, con nai, nhưng riêng nó thì không gặp. – Hai hàm rằng Yblem nghiến chặt. – Trận càn trước, vợ tôi bị bắn chết, trận càn này tới Irít chết sao? Giàng bắt tôi phải khốn khổ thế này sao, Giàng ơi.
Hơben vẫn sợ Yblem những lúc tức giận như thế này, hai hàm răng trắng bóc cứ nghiến chặt vào nhau như đang nhai rau ráu một cái gì đó vô hình. Nhưng cơn tức giận này của Yblem làm Hơben bớt sợ. Nếu Hơben là Yblem thì Hơben cũng sẽ như thế thôi, bọn lính Sài Gòn vừa giết chết vợ Yblem, bây giờ tới thằng Irít. Hơben muốn chia sẻ với Yblem nỗi đau đớn. Nói là chia sẻ, bởi ít khi Hơben chạm mặt với Yblem và nói với Yblem những lời ngọt ngào của con suối mùa hạ.
- Tôi cũng nghĩ như Ama Dú đó, Yblem ạ. Thằng Irít còn sống mà.
- Nhưng nó ở đâu? – Yblem quắc mắt hỏi lại.
- Rừng núi che chở cho nó, Giàng che chở cho nó.
- Yblem không chờ nghe hết câu, quay lại phía Ama Dú vẫn bằng giọng cộc cằn lửa cháy.
- Ama Dú, tôi về lại Sông Ba đây. Tôi phải đi trả thù cho vợ tôi, cho thằng Irít.
- Khoan đã Yblem.
- Tôi đi một mình cũng được mà. Cái ná của tôi sẽ lần lượt bắn vào ngực từng thằng một.
Ama Dú đứng dậy, đi vòng quanh bếp lửa, giọng nói mạch lạc ấm áp:
- Bọn Mỹ muốn tát hết nước vùng Nam Sông Ba, để những người cách mạng chúng ta không còn dân mà hoạt động. Chúng không cho bà con ta ở các buôn làng, mà giam cầm bà con ta trong các ấp chiến lược.
- Phá cho hết ấp chiến lược của chúng nó.
- Yblem nói trúng cái ý trong bụng tôi. Phải phá ấp chiến lược, đưa bà con mình trở lại các buôn làng, cá sẽ lại về trong nước.
- Khỏi cần vận động, – Yblem đứng dậy, cây ná trong tay khua lên, – Cứ đem ná, đem rựa vô phá ấp chiến lược đồng bào mình sẽ hùa theo thôi mà.
Ama Dú cười.
- Không dễ dàng như vậy đâu, Yblem. Đừng nóng nảy cái đầu mất khôn.
- Cái ná của tôi biết cách cứu dân làng.
Giọng Hơben nhỏ nhẹ:
- Súng của bọn Mỹ còn dữ hơn con cọp trong rừng nữa đó.
- Ai sợ cọp thì đừng vô rừng.
Ama Dú nhìn thẳng vào đôi mắt cháy rực của Yblem:
- Yblem, Hơben nói đúng đó, lính Mỹ cùng với lính Sài Gòn càn quét các buôn làng người Êđê mình đã bao nhiêu lần rồi và lần nào cũng có máu chảy. Vợ Yblem chết vì đạn của chúng nó, còn thằng Irít bây giờ không biết ở đâu, chúng nó ác độc hơn thú dữ, vì thế chúng ta phải bàn cách…
- Bàn thì bàn đi, – Yblem dằn mình ngồi xuống, – Tôi nóng cái bụng lắm rồi.
Ama Dú ngồi xuống cạnh Yblem:
- Yblem có thể lọt vô ấp chiến lược mà thằng giặc không hay biết được không?
- Tôi sẽ vô đó với cây ná này.
- Yblem có thể nói với trai làng theo Yblem đánh Mỹ không?
- Đứa nào theo tôi cho theo, tôi sẽ dạy chúng nó nhắm vào ngực bọn giặc, còn đứa nào không chịu theo, tôi sẽ hỏi tội chúng bằng chính cái ná này.
Hơben lắc đầu, mái tóc đung đưa, cặp mắt đung đưa, đôi tay trần đung đưa.
- Như vậy không được đâu, Yblem.
- Sao không được?
- Ama Thư vẫn dậy Hơben phải nói với mỗi người từng câu một, nói cho tới khi nào người ta hiểu và tự nguyện đi theo cách mạng. Cưỡng ép người ta không được đâu, cái bụng người ta không ưng mình, thì tay người ta có bắn ná cũng không chúng giặc được đâu.
- Nói từng người một tới hồi nào?
Ama Dú cười!
- Đánh thằng Mỹ không thể nóng vội, Yblem ạ. Hơben sẽ tới Nam Sông Ba với Yblem.
Yblem quay qua Hơben, mắt anh vẫn chưa dịu, anh nhìn Hơben, dưới mắt anh, người con gái mỏng manh yếu đuối như thế này không thể đảm đương được công việc vào ấp chiến lược. Chỉ có điều lạ, cặp mắt Hơben không né tránh cái nhìn của Yblem, trái lại, mắt Hơben còn chiếu thẳng vào mắt Yblem, và như phun nước vào đó, cho mắt Yblem nguội đi. Giọng nó của Yblem vì thế cũng bớt phần ngang ngược.
- Hơben sợ cọp, đòi vô hang làm chi!
- Tôi không sợ cọp dữ. Tôi biết bắn ná vào mắt cọp dữ, cả trong đêm tối tôi cũng bắn được. Nhưng bắn sao cho nó chết chớ không phải bắn cho nó bị thương, rồi lồng lên chạy phá nương rẫy của buôn làng.
Thằng Dú từ ngoài chạy vào. Vừa thấy Yblem, nó reo lên!
- Chú Yblem, có một người lạ bồng thằng Irít đang tới đây.
- Sao, mày nói sao?
- Thằng Irít, – Dú líu lưỡi vì xúc động.
- Giàng ơi, có đúng thằng Irít, con tao?
Yblem lao bồ ra ngoài. Ama Dú và Hơben cũng ra theo. Mạnh đã hiện trong mắt họ, xa lạ, bồng Irít trên tay, bước đi mệt nhọc. Yblem chạy lại phía anh, giằng lấy thằng Irít.
- Giàng ơi, đúng là thằng Irít con tôi…Irít ơi, Ama đi tìm con đã mấy ngày nay, rừng nào Ama cũng qua, suối nào Ama cũng tới…
Yblem khóc. Nhưng cảm xúc Yblem thay đổi ngay khi thấy người đàn ông xa lạ đang nhìn mình.
- Ông nói đi, ông đã tìm thấy nó ở đâu?
- Bên bờ suối, nó lết xuống uống nước?
- Rồi sao?
- Khắp người nó trầy trịa vết thương, tôi băng bó cho nó và đưa nó về đây.
Irít nói nhỏ với Yblem:
- Ông ấy bảo ông ấy là bạn với Ama Dú, ông ấy đã thề. Ông ấy đã bồng con đi và cho con ăn. Thức ăn ngọt lắm, thơm lắm, con chưa được ăn bao giờ.
Những lời nói của Irít làm dịu hẳn đôi mắt rực lửa của Yblem. Yblem đưa mắt nhìn Hơben, Hơben nhìn Dú, Dú nhìn Ama, những cái nhìn trao nhau ý nghĩa. Dú bước tới trước mặt Mạnh, giọng cậu bé rất oai:
- Ông bảo ông là bạn Ama Dú?
Mạnh gật đầu.
- Vậy chớ ông có biết mặt Ama Dú?
- Chúng tôi xa nhau cũng đã lâu rồi.
Ama Dú như nhớ lại một hình ảnh quen thuộc. Cái tẩu dài nhấc khỏi môi.
- Ông nói đi, ông tên gì?
Mạnh lấy trong túi áo tờ giấy đưa cho Ama Dú.
- Tôi tên Mạnh, Nguyễn Huy Mạnh, giấy tờ của tôi đây.
Ama Dú bổ choàng lại phía Mạnh.
- Giàng ơi, đồng chí Mạnh, chúng tôi đang chờ đồng chí, – Giọng Ama Dú như có tiếng reo, – Hơben ơi, Yblem ơi, đây là con của Avốc Hồ, tôi nhớ ra rồi, hồi chín năm chúng tôi đã gặp nhau, Giàng ơi, sao mắt tôi không sáng, trí nhớ tôi không đầy để nhận ra đồng chí. Con của Avốc Hồ…
Hơben và Yblem đều thốt lên.
- Con của Avốc Hồ.
Ama Dú kéo tay dẫn Mạnh vào lán.
Tất cả ngồi vây quanh đống lửa. Mạnh lấy lương khô trong ba lô, đưa cho Dú và Irít, rồi đưa cho Hơben, đưa cho Yblem, miếng nguyên vẹn đưa cho Ama Dú. Anh vừa nhìn mọi người nhai lương khô vừa hoan hỉ nói chuyện.
- Cô Hơblang, giao liên của khu ủy đưa tôi lên đây, dọc đường bị phục kích, cô đánh lạc hướng địch để cứu tôi…Và tôi bị lạc giữa rừng. Tôi phải đi suốt buổi mới tới con suối và thấy Irít.
Ama Dú gật gù:
- Khó khăn như thế đấy, đồng chí Mạnh ạ. Bọn Mỹ dăng mắc binh lính khắp vùng rừng núi Tây Nguyên này, buôn làng nào cũng nằm trong vùng kìm kẹp của chúng.
- Tôi nghe nói chúng mới càn quét lớn ở vùng Nam Sông Ba.
Hơben mồi thêm cây củi và bếp lửa. Ama Dú đưa mắt nhìn Dú như ngầm trao mệnh lệnh. Dú đứng dậy, kéo tay Irít cùng ra ngoài. Bên bếp lửa chỉ còn lại bốn người. Ama Dú đã ngậm lại cây tẩu.
- Chúng đã bất ngờ đánh úp chúng ta, trận càn quá lớn, chúng ta bị thiệt hại nặng lắm. Cả Huyện ủy hy sinh, chỉ còn hai đảng viên là đồng chí Yblem và đồng chí Hơben đây.
Tất cả im lặng, chỉ ngọn lửa cháy đỏ với những tiếng nổ lép bép.
- Khu ủy cử tôi về gây dựng phong trào Nam Sông Ba.
Hơben ngước cặp mắt sáng nhìn Mạnh:
- Đồng chí không tới đó được đâu. Các buôn làng đều bị dồn vào ấp chiến lược, mà đồng chí thì không thể lọt vào trong đó.
Yblem lầm lì, như nói với lửa:
- Chúng ta mở đường đưa đồng chí ấy vào.
- Yblem mở đường?
- Tôi và Hơben.
Ama Dú nắm chặt bàn tay Mạnh:
- Có đồng chí về Nam Sông Ba tôi yên lòng lắm. Yblem sẽ vào ấp chiến lược tìm cách thành lập đội du kích, còn Hơben sẽ vận động đồng bào. Đồng chí giúp đỡ cho cả Yblem và Hơben. Chúng tôi tin đồng chí như tin Ama Thư, con của Avốc Hồ.
- Xin các đồng chí coi tôi như là một người con của các buôn làng Êđê.
- Đồng chí có vợ chưa?
- Tôi có một đứa con gái, ngày tôi vào trong này nó mới hai tuổi.
Hơben ngước mắt nhìn anh:
- Tên nó là gì?
- Mai Vàng.
Ama Dú mỉm cười:
- Đồng chí Mạnh, đồng chí cũng đã biết phong tục của người Êđê chúng tôi. Kể từ nay, chúng tôi sẽ gọi đồng chí là Ama Vàng, đồng chí là người anh em của chúng tôi.
Yblem quay qua phía Mạnh:
- Ama Irít xin được nắm chặt tay đồng chí Ama Vàng.
- Hơben xin được làm người học trò của Ama Vàng.
Mạnh cố nén xúc động. Anh muốn nói với tất cả những người bạn Êđê mới quen này là anh sẽ cố gắng sống không hổ thẹn với cái tên Ama Vàng mà mọi người đã gọi anh. Mai Vàng ơi, Cúc ơi, thế là từ giây phút này con và em luôn ở bên anh, cùng anh chiến đấu. Nhưng anh đã không nói điều gì. Anh im lặng nhìn ngọn lửa, bàn tay anh nắm chặt tay các đồng chí của mình. Họ cũng im lặng như anh. Anh hiểu, tất cả đang trang nghiêm thề trước ngọn lửa, lời thề đống chí.
.


(Mời đọc tiếp đoạn 2)
Tiểu thuyết Linh Hồn Lang Thang của Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét