Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Tiểu thuyết NNB / Linh Hồn Lang Thang/ Đoạn 2

Chiến tranh đã ở phía sau lưng lâu lắm rồi, nhưng cứ mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, ta vẫn thấy khói súng như còn thoang gió đâu đây và những linh hồn các anh hùng liệt sĩ còn như vói gọi. Vói gọi không thanh âm, không ngôn ngữ, mà luôn làm lòng ta nấc lên thao thức, ngậm ngùi... Linh Hồn Lang Thang, tiểu thuyết được viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, NXB Sông Bé ấn hành, và nay, được bước vào thập kỷ thứ hai của thiên kỷ 2000, NXB Văn Học in lại.
.

LINH HỒN LANG THANG

tiễu thuyết
nguyễn nguyên bảy

2
Anh nằm li bì trên giường suốt một ngày, một đêm. Anh hiểu anh vừa trải qua cơn sốt rét tái phát. Chứng bệnh này anh đã thuộc nằm lòng. Thoạt đầu là giai đoạn rét run, phải đắp chăn, nhưng có chăn đâu mà đắp, anh co rúm người như một con sâu, rên hừ hừ, anh sờ tay xuống bụng, cảm giác lách đang như chiếc bong bóng phình ra. Khi về tới bệnh viện, anh bước vào giai đoạn nóng, thân thể anh cháy như lò trấu ủ, da nóng rẫy, môi khô rộp, và lách như bị lửa hút hết hơi, xẹp lại…Thế rồi tới giai đoạn mồ hôi như túa ra như tắm, đầu óc anh quay cuồng, anh không còn làm chủ được mình nữa. Anh cảm như đang bay, đang nhảy nhót giữa núi rừng Tây Nguyên, vây bủa quanh anh là chuồn chuồn, bươm bướm, anh đã kết bạn với chúng, và giờ đây chúng tụ hội lại để chôn anh. Anh đang chết? Không. Lúc con người nghĩ đến cái chết tức là cái chết không lôi được mình đi. Một trận mưa thần linh nào đó đã dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt người anh. Anh bỗng cảm thấy bụng rỗng tuyếch, thèm ăn bát cháo hành. Không có cháo, ăn khô khốc chiếc bánh mì bích quy. Môi ngọt trở lại, anh thấy mình dễ chịu hơn.
Cô y tá lại tiêm thuốc cho anh. Cô có cái miệng rất đẹp, lúc nào cũng như cười.
- Anh sốt li bì làm em lo quá. Hôm qua giao ban bác sĩ “giũa” em một trận.
- Sao vậy?
- Em đã để anh trốn viện.
- Tôi đi bỏ cái thư… – Anh nói dối.
- Cũng may, anh kịp về viện. Lần sau anh đưa em bỏ thư cho nghe.
Anh gật đầu.
- Hôm qua, có một chú tới thăm anh.
- Ai? – Anh nhỏm dậy, hỏi.
- Chú nói chú tên Ba, bạn cũ của anh, làm ở Đài phát thanh.
- Sao cô không gọi tôi.
Cô y tá cười. Anh hiểu lời trách của anh vô duyên vì khi đó anh đang sốt li bì.
- Chú ấy nói chú ấy sẽ quay trở lại.
Anh định hỏi thêm cô y tá thêm điều gì đó, nhưng anh hiểu là có hỏi thêm cũng vô ích. Anh nhìn theo cô y tá bước đi, lòng cảm thấy trống trải lạ lùng. Anh gượng ngồi dậy, tựa lưng vào chiếc gối kê sát đầu giường. Phải chi anh không bị cơn sốt rét giáng xuống đầu bất ngờ, thì chắc chắn anh đã biết tất cả mọi chuyện, anh Ba sẽ không giấu anh điều gì.
Anh có ý định từ lâu rồi, một lúc nào đó anh sẽ chép lại tất cả những suy nghĩ của anh về cuộc chiến tranh mà anh đã hiến dâng cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất của mình. Anh sẽ khôing chép những chuyện ngựa hí, quân reo, đầu rơi, máu chảy, những chuyện này người ta đã chép cả rồi, chép từ thời I-li-át, Ô-đi-xê, từ thời Tam quốc chí diễn nghĩa, thời công phá Béc Lanh, thời Điện Biên Phủ. Anh sẽ chỉ chép lại một khía cạnh nhỏ mà anh gọi là sự nghiệt ngã của thông tin trong thời chiến.
Anh và Cúc xa nhau gần mười năm trời, vậy mà anh không hề biết một mảy may tin tức gì về Cúc, Cúc cũng chẳng hay biết chút gì về cuộc sống, cuộc chiến đấu của anh. Điều đó có nên chép lại không? Có là tàn nhẫn không? Sẽ có hàng ngàn lý do để biện minh cho nó. Anh biết vậy.
Nhưng điều này anh phải chép. Thằng An, bạn anh, nó hy sinh ngay khi vừa đặt chân đến Trường Sơn. Có nghĩa là nó đã hy sinh cách nay gần mười năm. Ai cũng biết điều đó, chỉ có vợ và con nó vẫn đinh ninh là nó còn sống. Sao vậy? Người ta không muốn trao cho vợ An tờ giấy báo tử, vì người ta sợ rối loạn hậu phương. Bao nhiêu bi kịch xảy ra xung quanh cái chết của người anh hùng ấy.
Mình cũng đang rơi vào bi kịch đó. Anh thở dài. Buông chân xuống sàn đứng dậy. Anh lết lại văn phòng bệnh viện, anh muốn gọi điện thoại cho anh Ba. Chắc anh ấy vẫn ở Ban biên tập.
Điện thoại đổ những hồi dài. Không người nghe máy.
Anh ra vườn hoa bệnh viện, ngồi dưới chiếc ghế đá khuất dưới lùm cây.
Anh Ba đã biết tin mình ở chiến trường ra, thì nhất định Thế cũng đã biết. Chắc cậu ấy đi viết bài ở Hải Phòng. Anh hài lòng với ý nghĩ của mình.
Anh và Thế đều coi anh Ba là bậc huynh trưởng, là người thầy. Anh Ba làm báo từ hồi Đài phát thanh Nam Bộ. Anh vốn người nhỏ bé, xương xẩu, nhưng đôn hậu. Anh ít nói, ai mới tiếp xúc với anh đều cảm giác anh là người lãnh đạm. Cái bắt tay của anh mềm xèo, hững hờ. Nhưng tiếp xúc vài đôi lần đều bị cuốn hút vào cái nồng nhiệt chân tình của anh.
Mạnh cảm mến anh Ba ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Lần ấy. Mạnh đưa bài cho anh Ba duyệt. Mạnh hồi hộp chờ đợi chừng hai giờ đồng hồ sau, anh Ba mới gọi Mạnh lên. Anh trả bài viết cho Mạnh với chi chít những gạch xóa và những chữ chữa của anh viết bên lề.
- Cậu đem đánh máy đi, rồi xếp vào chương trình thứ bẩy.
Anh vê điếu thuốc sâu kèn trong tay. Còn Mạnh cầm bài viết của mình với một tâm trạng khó tả. Bài bị chữa quá nhiều, vậy mà anh Ba lại quyết định phát vào chương trình tối thứ bẩy. Thông lệ, những bài phát vào chương trình tối thứ bẩy phải là loại bài hay, có chất lượng. Mạnh táo bạo hỏi anh Ba:
- Em viết còn dở lắm phải không anh?
Anh Ba cười:
- Tư duy trừu tượng của cậu rất khá, văn chương của cậu khoáng đạt. Chỉ phải cái, cậu viết còn nhẹ quá, văn còn theo lối học trò, lời lẽ còn sáo. Đồng nghiệp của chúng ta vốn coi thương nghề viết báo phát thanh, lời lẽ của chúng ta không ghi lại bằng giấy trắng mực đen, không thể đọc bằng mắt, mà đọc bằng tai, văn chương tung tóe lên trời. Vì thế, cần phải viết sao cho mỗi câu văn có sức mạnh, sức thuyết phục, thì mới gây được chú ý cho những lỗ tai và mới làm xúc động được những trái tim. Muốn thế, phải có vốn sống, phải lao động cật lực. Đọc văn của cậu, mình tin là cậu có khả năng đi xa.
Anh trở về phòng làm việc. Chưa vội đưa bài xuống tổ đánh máy, anh thận trọng đọc lại bài viết của mình với những dòng chữ của anh Ba.
Rõ ràng bài viết có chất lên hẳn.
Gần như tất cả những mỹ từ Mạnh sử dụng trong bài viết đều bị anh Ba gạch đi. Anh thay vào đó những chi tiết mộc mạc của đời sống tương đương với nghĩa của mỹ từ đó. Văn chương không còn cái mướt của ngôn từ, nhưng có sức nặng của chi tiết đời sống. Mạnh đã tìm ra bí quyết viết văn từ bài chữa đó.
Quan hệ giữa Mạnh và anh Ba chỉ là quan hệ đồng nghiệp, quan hệ cấp dưới và cấp trên thông qua các bài viết. Mạnh viết bài hăm hở đến nỗi chính anh Ba cũng phải ngạc nhiên về sức làm việc của Mạnh. Anh Ba hài lòng và tạo mọi điều kiện để Mạnh thâm nhập thực tế, viết bài. Quan hệ giữa hai anh em, hai thầy trò cũng vậy, càng ngày càng đằm thắm.
Trong một lần đi thâm nhập thực tế ngành đường sắt, anh gặp Thế.
Thế đã gây ấn tượng mạnh với anh về một sức khỏe trâu bò. Thế vác trên vai từng thanh tà vẹt, chạy như bay dọc con đường đá đang mở tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Thấy anh có vẻ trầm trồ về sức mạnh của Thế, người đội trưởng tên Linh, đang dẫn anh đi thị sát công trường, nói cho anh nghe đôi điều về Thế.
- Sức vóc cậu ta không thể chê được, cao ngoài thước bẩy, nặng hơn bẩy chục ký lô, tụi tôi kêu cậu ta là Thế Trâu – Linh chép miệng – Nhưng phải cái ham gái quá. Cậu ta mới về công trường được hai tháng nay mà đã có chuyện rồi. Tôi đang tính viết thư báo cáo với ông Trình trên Tổng cục, cậu ta là bà con ông Trình, ông dẫn cậu ta tới tận đây, gửi tôi giúp đỡ giáo dục. Chả là cậu ta can tội hãm hiếp con gái vị thành niên bị Hội liên hiệp phụ nữ kiện, nếu không phải miền Nam tập kết thì đi tù rồi, ông Trình đỡ cho cậu ta khỏi tù, chỉ phải đi lao động cải tạo. Để chuộc lại tội lỗi, cậu ấy lăn vào công việc. Nhưng cái máu trắng vẫn chưa chừa, tối nào cũng vào làng dụ con gái. Tôi đã gọi cậu ấy lên ban chỉ huy đội, khuyến cáo, cậu ấy chỉ cười trừ, hình như không có đàn bà cậu ấy không chịu được.
Anh biết là mình đã gặp được típ người lạ. Anh không chú ý đến chi tiết cậu ấy ham gái, mà chú ý tới chi tiết tập kết của cậu ấy.
- Thế người Nam?
- Hình như người Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó, tôi không rành.
Mối thiện cảm đồng hương len dậy trong anh. Anh quyết định ngay trưa đó đi tìm Thế.
Anh gặp Thế trong bếp ăn tập thể.
Cậu ta cúi đầu xuống tô cơm, ăn nhanh như một con hổ đói. Lúc này, ngoài tô cơm ra, cậu ấy chẳng cần biết chuyện gì khác. Anh ngồi đối diện Thế, nhìn Thế ăn mà ái ngại. Anh chưa đụng đũa vào tô cơm của mình. Chỉ chừng ba phút Thế đã ăn xong, anh lẳng lặng đặt tô cơm của mình trước mặt Thế:
- Mời anh, phần cơm của tôi đấy.
Thế hơi nheo mắt, có lẽ vì trước mặt mình một gương mặt lạ, mà cũng còn bởi lẽ anh nói giọng Quảng với Thế. Thế gật đầu, không nói một lời, vục cái muỗng vào tô cơm, hối hả như sợ anh đột ngột đòi lại phần cơm đó.
Anh ngồi quan sát Thế.
Cái dáng ngồi khom khom, vai rộng, mái tóc cứng như rễ tre đâm ra những ngạnh bờm xờm. Gương mặt to xương, đầy những thịt, trán một tảng, hai má hai tảng, cằm một tảng. Nước da xanh tái và dầy khiến những tảng thịt thâm xì, hằn những thớ. Cặp môi dòe như cái loa, ôm đầy những răng. Răng cái nào cái nấy to như bàn cuốc, vàng xỉn. Cậu này gồ quá, anh hơi ngán.
Hai tô cơm sạch bong. Thế lấy hai cái đũa quẹt ngang miệng. Cậu ta ngước mắt nhìn anh, nói thay lời cảm ơn.
- Lâu quá mới được bữa no.
- Anh tên Thế?
- Vâng.
- Nghe nói anh là nhà báo?
- Tôi muốn viết bài về anh em công nhân đường sắt.
- Anh để bài đó tôi viết cho, chắc chắn sinh động hơn các anh.
- Anh cũng viết báo?
- Tôi ôm mộng này từ nhỏ.
- Vậy thì hay quá. Anh viết đi, chúng tôi đang cần một bài viết về công nhân đường sắt.
- Tôi cứ viết rồi anh sửa cho.
- Đồng ý. Anh viết chừng hai ngàn chữ, khoảng bốn trang…Chúng tôi rất cần bài của cộng tác viên.
Thế bắt tay anh. Cảm giác tay mình quá nhỏ, lọt thỏm trong bàn tay đầy chai của Thế.May mà Thế không bóp mạnh, nếu bóp mạnh chắc chắn anh sẽ đau điếng.
Anh tiễn Thế ra công trường. Trời nắng chang chang. Anh nói Thế thêm vài điều. Được biết Thế cũng người xứ Quảng. Vậy là đồng hương với anh. Anh viết địa chỉ của anh cho Thế, hẹn Thế có điều kiện về chơi. Thế nhận lời. Anh cảm thấy một sợi giây vô hình nào đó của tình bạn đã buộc anh với Thế.
Chủ nhật kế đó, Thế từ công trường về thăm anh. Trong bộ quần áo bảnh bao, sạch sẽ, bộ râu sắt được cạo nhẵn nhụi, Thế dễ nhìn hơn.
Thế vồ vập anh như là hai người đã quen nhau từ lâu. Thế đưa cho anh bài viết với cái cười mắc cỡ. Thế đưa cho Cúc (anh mới lấy Cúc chừng năm tháng) một con gà và hai trái dứa.
Hai anh em ngồi trò chuyện bên trai rượu trắng và thịt gà luộc, lòng gà xào dứa.
Thế kể cho anh nghe nỗi đau đắng hiện tại mà mình phải chịu đựng. Một quân nhân đã chuyển ngành, lại miền Nam tập kết. Vậy mà phải quần quật khiêng tà vẹt làm đường. Công lý ở đâu? Chuyện Thế ham gái là có thật, nhưng chuyện đó có đáng gì để Thế phải bị trừng phạt. Không hiểu sao mỗi lời nói của Thế anh đều thấy đúng cả. Nỗi thương Thế tràn ngập lòng anh.
Thế còn làm say mê anh về cái Thế gọi là khát vọng cả một đời với nghề văn chương. Thế thèm được ghi chép lại những biến thiên vang động của đất nước, về những thái thế nhân tình của cuộc đời. Khát vọng đó của Thế cũng là khát vọng của anh. Trong mắt anh lại hiện ra hình ảnh Thế vác tà vẹt chạy vun vút trên con đường trải đá. Một con người cần cù lao động như thế thì nhất định có thể làm được mọi chuyện, kể cả chuyện viết văn. Nhưng khi ngồi một mình, bình tĩnh đọc bài viết của Thế, anh hiểu rằng mọi chuyện không hề đơn giản. Chữ Thế to như cua, bò lồm ngồm nghuệch ngoạc trên trang giấy.
Cách hành văn ngô ngọng chẳng ra văn viết cũng chẳng ra văn nói. Nhưng cũng có nét hay là Thế đưa vào bài biết của mình nhiều chi tiết hài hước và những câu pha trò tục tĩu. Anh bỏ bài viết xuống bàn, thất vọng, nhưng hình ảnh Thế khiêng tà vẹt chạy vun vút lại chóa ngợp mắt anh, lại như kêu gọi anh. Thôi được. Mình sẽ giúp cậu ấy. Anh quyết định viết lại bài của Thế, giữ những chi tiết cần thiết, rồi ký tên Thế và trình anh Ba duyệt.
Anh Ba là người mẫn cảm, vì thế khi trả lại bài duyệt, anh tươi cười nói với Mạnh:
- Nâng đỡ cộng tác viên là cần thiết, nhưng phải gắng giữ phong cách viết của họ. Còn như bài này, văn của cậu nhiều quá.
Anh bao tin cho Thế bằng bức thư dài nồng nàn tình cảm. Anh nhận được thư trả lời của Thế với lời lẽ còn sâu đậm hơn. Thế gọi anh bằng anh, xưng em và xin được trao gửi cuộc đời mình để anh nâng giắt.
Liên tiếp những lá thư sau, Thế báo cho anh hay là Thế đang viết tiểu thuyết. Anh mừng quá, và chợt nghi ngờ cả mình. Rất có thể anh đã đánh giá Thế không đúng với thực tài. Biết đâu, văn chương của Thế chẳng là loại văn chương làm chấn động lòng người. Không một lá thư nào của Thế anh không đọc kỹ, trả lời nồng nhiệt và động viên Thế gắng viết.
Tết năm đó, Thế về ăn tết với vợ chồng anh, một cái tết ấm áp tình đồng hưng. Và cũng trong những ngày tết đó anh giới thiệu Thế với anh Ba và có ý đề nghị anh Ba xin cho Thế về Đài làm phóng viên.
Anh Ba không thích cái vẻ gồ và những câu nói văng mạng của Thế. Anh đã nói điều đó với Mạnh khi Mạnh đặt vấn đề một cách chính thức. Anh Ba còn nói thêm những chi tiết anh thu lượm được về Thế qua người bạn là anh Tư Trương ở Hội đồng hương. Anh Tư Trương đánh giá Thế là con người bợm trợn, háo danh và chẳng có tài cán gì. Mạnh đã thuyết phục anh Ba, Mạnh chứng minh là những ý kiến đó xuất phát từ những thành kiến cá nhân. Còn như chuyện Thế ham gái, thực ra chỉ là chuyện sinh hoạt, có thể giáo dục được. Mạnh đã đem cả danh dự và uy tín của mình ra bảo vệ cho Thế. Mãi nửa tháng sau, trước sự năn nỉ, thuyết phục bằng mọi cách của Mạnh, anh Ba mới chấp nhận xin Thế về Đài, cũng may, dịp ấy Đài đang thiếu phóng viên.
Thế đã trở thành phóng viên như vậy.
Anh xin Thế về chung tổ với mình. Cần phải tạo cho cậu ấy cái thế để làm việc. Cần phải giúp cậu ấy xóa bỏ những thành kiến của người xung quanh. Mạnh đã đi cặp với Thế, bằng uy tín, và khả năng của mình vực Thế dậy. Những bài viết của Thế anh chữa từng chữ, từng câu, cố sao cho những bài viết đó được duyệt. Thế thực sự cảm động vì những việc làm của anh, lúc nào cũng sẵn sáng khóc rưng rức. Chính những giọt nước mắt đó đã làm Thế mềm mại hơn, có văn hóa hơn, lối ăn nói lỗ mãng cũng bớt dần. Những giọt nước mắt tuôn ra từ gương mặt gồ ghề của Thế đáng xúc động lắm chứ. Cậu ấy còn có trái tim con người. Anh nghĩ vậy. Và cậu ấy nhất định sẽ đạt được những gì cậu ấy mong muốn.
Ngày anh đi chiến trường, anh đã nhờ Thế chăm sóc Cúc và Mai Vàng. Thế đã thề với anh là Thế sẽ làm tất cả mọi việc có thể để chị dâu và cháu mình bớt phần khó khăn, buồn khổ. Anh đã tin vào lời thề tình bạn ấy. Con người ta khác với súc vật ở chỗ con người có trái tim biết yêu nhau, tin nhau. Suốt những ngày anh ở chiến trường, Thế vẫn vẹn nguyên hình ảnh bạn bè thân thiết của anh.
Tại sao anh không điện thoại hay viết thư ngay cho Thế? Anh chưa muốn, bởi soi mình trong gương anh thấy mình còm nhom ốm yếu quá, anh muốn mở rộng vòng tay khỏe mạnh của mình ôm bạn vào ngực, để bạn hiểu rằng, từ chiến trường ra anh vẫn sung sức đủ quay trở vào cho tới ngày chiến thắng.
Vậy mà anh Ba đã biết anh đang điều dưỡng tại bệnh viện. Anh Ba đã biết thì Thế cũng sẽ biết, chỉ nội nhật vài ba ngày nữa bạn bè sẽ kéo tới đầy phòng, và anh sẽ thỏa thơi nhìn ngắm bạn bè bù đắp nỗi nhớ mong bao ngày xa cách.
Anh lững thững đứng dậy. Hình như đã tới giờ ăn cơm trưa. Không thấy anh, cô y tá lại quýnh quáng lên. Sau vụ anh trốn viện, cô luôn để mắt tới anh.

Anh không đè nổi giấc ngủ trưa. Trời ong ong tiếng ve. Gió tháng sáu khô rang, mồ hôi khắp người anh nhớp nháp.
Thưa bác, chau lên bẩy. Cháu học lớp một trường Hai Bà Trưng, cô giáo cháu tên là Ngọc, cô thương cháu lắm.
Như vậy có nghĩa là, chỉ mới xa anh hơn một năm Cúc đã ăn nằm với người đàn ông khác. Năm năm, mười năm gì cho cam, Cúc ơi sao em tàn nhẫn với anh đến thế. Em có hiểu rằng gần mười năm nay, không lúc nào hình bóng em và Mai Vàng không ngự trong trái tim anh, quẩn quanh bên anh, cùng anh chiến đấu và chia ngọt xẻ bùi chiến trường. Vậy mà…
Cũng có thể cái đêm em ôm người đàn ông khác, chính là cái đêm anh và đội du kích phá ấp chiến lược của quân thù giải phóng buôn làng Êđê. Đuốc sáng đỏ rừng, tiếng còng tiếng chiêng vang ngân đến tận từng con suối.
Trai gái, trẻ già tụ tập về nhà rông liên hoan mừng chiến thắng. Anh và Irít cùng tới đó. Nhưng lạ sao, chưa thấy già làng. Anh bảo Irít vô nhà rông còn mình chạy bộ đi tìm già làng, không có già làng thì cuộc vui coi như không thành.
Gìa làng đang nói chuyện với ai đó trong nhà. Anh dừng lại nơi cầu thang. Già làng đang nói chuyện với Hơben bên đống lửa. Hai người đang nói về anh:
- Giàng ban phước cho người Êđê mình thằng Ama Vàng đó.
- Ama Vàng đúng là người Êđê mình thật rồi.
- Nó ở với người Êđê, trồng bắp, trồng mì với người Êđê, nó ăn hạt gạo, cắn hạt muối với người Êđê, nó còn dạy người Êđê cầm súng giữ buôn rẫy. Các buôn làng Êđê thương yêu nó. Già làng đã có cách để giữ nó ở lại mãi mãi với người Êđê mình.
- Già làng nói vậy là sao?
- Nó phải ở mãi với người Êđê mình, con cái nó sẽ lớn lên ở đây và sau này nó sẽ mang máu huyết người Êđê.
- Không được đâu, chẳng phải già làng cũng gọi anh ấy là Ama Vàng sao.
- Tao biết. Nó có đứa con gái tên là Mai Vàng. Có cưới cho nó một con vợ Êđê nữa cũng klhông sao, không ai bắt tội nó đâu.
- Ama Vàng không chịu già làng ơi.
- Nó không chịu thì không phải người Êđê mình. Người Êđê mình không ai cãi lại ý muốn của già làng.
- Nhưng Ama Vàng là con của Avốc Hồ, Ama Vàng là người cách mạng.
- Mày cũng là người cách mạng, mày cũng kêu gọi dân làng đứng lên đánh thằng Mỹ, nhưng mày vẫn nghe lời già làng.
- Bởi già làng…
- Tao là già làng, tao không làm trái điều gì trong bụng tao nghĩ, tao thương các buôn làng Êđê mình.
- Già làng nghĩ lại đi, Ama Vàng không chịu lấy vợ người Êđê mình đâu.
- Nó phải lấy.
- Gái Êđê mình thương Ama Vàng, nhưng không chịu làm vợ Ama Vàng đâu…
- Mày nói không thật cái bụng mày. Tao đã thấy con mắt mày nìn nó, chỉ có người vợ mới nhìn chồng như thế thôi.
- Già làng, con…
- Tao sẽ gả mày cho Ama Vàng. Mày là đứa con gái giỏi nhất của buôn làng Êđê, chỉ có mày mới xứng đáng làm vợ nó…
Anh không đủ can đảm nghe hết câu chuyện của già làng và Hơben. Anh không quay trở lại nhà rông mà lững thững đi về phía con suối, ngồi xuống một phiến đá.
Cúc ơi, em hãy hiện ra. Anh nguyện cầu phép lạ. Lời cầu nguyện của anh ứng nghiệm trong chớp mắt. Em từ dưới suối đi lên, chiếc quần lụa đen vén tới gối, phô trọn hai ống chân ngà, một tay em cầm chiếc nón trắng có sợi quai vàng, chúng mình lội qua con lạch nhỏ vào nương dâu.
Chúng mình đi trong nương dâu. Câu chuyện bì bõm, chẳng có đầu có đuôi. Thỉnh thoảng tiếng cười em như vang ra từ hai lúm đồng tiền.
- Anh nói giỏi lắm.
- Sao?
- Em sợ bố không bằng lòng. Bố sợ anh tha em về miền Nam như đại bàng tha công chúa.
- Bố thương anh.
- Nói giỏi như anh ai chẳng thương.
- Em có thương anh không?
- Còn hỏi. Thằng Vương cháu nội bà quản Bình dọa đánh anh đó.
- Đánh anh? Anh đâu biết nó.
- Nhưng nó biết anh. Bà quản Bình muốn em là cháu dâu, em không chịu.
- Mà sao em chịu anh?
- Thấy anh tội tội thế nào ấy.
Anh đưa tay nắm bàn tay Cúc, Cúc vuột tay ra, bỏ chạy. Anh đuổi theo, hai người cút bắt giữa nương dâu.
Một ánh đuốc bập bùng đi về phía anh. Anh quay lại nhận ra Hơben. Anh định núp vào gốc cây cho Hơben khỏi thấy, nhưng nghĩ sao anh lại lên tiếng gọi. Ho7ben bước al5i bên anh, hỏi khác lạ :
- Ama Vàng, nghe Hơben hỏi này, Ama Vàng thấy đau ở tim lắm phải không?
- Nhớ Mai Vàng, đau lắm.
- Con gái Êđê không bằng lòng cho chồng đi xa đâu.
- Amí Vàng cũng nói với Ama Vàng như vậy, nhưng rồi chính Amí Vàng lại đưa Ama vô trong này chiến đấu.
- Ama Vàng có muốn biết già làng vừa nói gì với Hơben không?
Anh định đáp không, nhưng anh thấy mình không nên nói dối người con gái Êđê chân thật này, anh lảng chuyện.
- Già làng ra lệnh cho những người con trai, con gái Êđê phải dốc sức đánh Mỹ giải phóng buôn làng, đúng không?
- Không phải vậy đâu. – Trong ánh đuốc anh nhìn thấy mặt Hơben ửng đỏ, bối rối. – Già làng bắt Hơben lấy chồng đó.
Lẽ ra anh không nên hỏi thêm.
- Hơben phải lấy chồng thôi. Ama Vàng cũng ra lệnh cho Hơben đấy.
- Nhưng Ama Vàng ra lệnh cho Hơben lấy ai?
- Lấy người Hơben yêu đó.
Anh thấy Hơben lúng túng thực sự, cây đuốc trong tay như cũng run rẩy. Giọng Hơben lạc đi:
- Ama Vàng, Hơben muốn nói với Ama Vàng là Hơben…
Chợt có tiếng gọi Hơben từ phía sau vọng lại. Một ánh đuốc đi tới. Anh nhận ra tiếng gọi của Yblem.
Để Yblem trông thấy anh và Hơben đứng nói chuyện với nhau trong cảnh đêm tối bên bờ suối thế này, thật không phải. Yblem đang muốn hỏi Hơben làm vợ.
Yblem đến gần hai người, mắt sáng quắc của người đi săn đêm đột ngột trông thấy đôi hoẵng tự tình.
- Yblem.
Anh lên tiếng gọi.
Yblem gằn giọng:
- Già làng sai tôi đi tìm Ama Vàng.
Nói rồi Yblem quay ngoắt, bỏ đi.
- Về thôi Hơben. Yblem nó giận tôi và Hơben lắm đó.
- Sao nó giận?
- Vì nó thương Hơben.
- Cai bụng nó lúc nào cũng nóng như lửa, Hơben không thương nó được đâu.
- Yblem nóng tính, nhưng cái bụng nó tốt lắm. Có Hơben cái bụng Yblem sẽ hết nóng.
- Nhưng già làng không muốn Hơben thương nó.
- Ama Vàng sẽ nói với già làng.
- Hơben không ưng cái bụng đâu, Hơben muốn làm vợ Ama Vàng, Hơben muốn Ama Vàng ở mãi với các buôn làng Êđê.
- Hơben đừng nói tới chuyện đó, chẳng lẽ Hơben muốn Ama Vàng đừng thương Amí Vàng?
Hơben không nói thêm gì nữa, đi lặng lẽ bên anh. Suốt dọc con đường tới nhà rông, anh đã kể cho Hơben nghe Cúc của anh là người vợ, người mẹ thế nào. Hơben bật khóc và bỏ chạy. Suốt đêm hôm đó, và cả ngày hôm sau anh không gặp Hơben. Lòng anh bồn chồn. Hệt cái bồn chồn những ngày chúng mình sống bên nhau, mỗi lần anh đi làm về, không có em ở nhà, em bận việc cửa hàng về trễ, hoặc mải chuyện gì đó dọc đường, anh thẫn thờ như đánh mất chính mình, anh không muốn mở cửa vào nhà, căn phòng không có em trống lắm. Anh lao bổ lên trên chiếc xe đạp cọc cạch đi tìm em. Và khi về, căn nhà của chúng ta đầy ánh sáng mặt trời và tiếng chim hót. Nỗi bồn chồn đàn ông như thế đó, Cúc ạ. Lúc này xa em, anh gặp cái bồn chồn Hơben. Chỉ có điều, mỗi khi anh nghĩ, anh tưởng thấy bóng Hơben thì em lại hiện ra, lòng anh lại nguôi đi tất cả. Anh hiểu là không hình bóng nào có thể thay thế được em.
Hơben hỏi anh em có đẹp không. Anh trả lời em đẹp lắm. Câu trả lời thực bụng. Nhưng cũng vì câu nói đó mà Hơben giận. Hơben nghĩ là anh không rung động trước sắc đẹp đầy chất núi rừng kiêu hãnh của Hơben. Không phải như vậy đâu Hơben.
Chắc em cũng muốn biết sắc đẹp của Hơben phải không Cúc?
Không loài hoa nào nở trên trái đất này lại không có vẻ đẹp riêng của nó. Phụ nữ cũng vậy. Không có phụ nử xấu. Sắc đẹp tùy theo mắt nhìn. Tây Nguyên với những cánh rừng bạt ngàn, trùng điệp, với những con suối nước chảy như hát, khi tiếng chiêng, tiếng cồng vang lên, con nai vểnh tai ngơ ngác, con sóc chuyền cành, con hổ rung râu gầm lên oai hùng. Tây Nguyên có những con đường đất đỏ, có gió tây khô da, Hơben có mái tóc đen và mềm như con suối, có nước da khắc nghiệt của gió tây. Khi chiêng cồng vang lên, Hơben là vũ nữ, hai mắt đung đưa, cặp vai đung đưa, cặp vú đung đưa, làn mông đung đưa, Hơben không có những lằn mỡ nơi eo, lằn mỡ nơi ngực, lằn mỡ nơi mông, cả thân hình là một khối chắc nịch của cơ bắp. Hơben có nụ cười rạng rỡ như bông trắng, đi ra cùng nụ cười là những lời chân thật. Không một người có lương tâm và có tâm hồn nào dám dối gạt những lời chân thành ấy. Cúc ạ, Hơben hội đủ tất cả những nét đẹp của người con gái Tây Nguyên. Anh si mê vẻ đẹp ấy.
Nhưng anh không thể yêu Hơben, vì anh đã yêu em.
Tối hôm sau, tại nhà Ama Dú, anh đã gặp lại Hơben. Hơben như con chim mắc mưa, gương mặt bơ phờ mệt mỏi, hình như suốt đêm qua Hơben không ngủ. Còn Yblem thì như một thỏi sắt nung đỏ trong lửa, không một lần ngước nhìn anh.
Ama Dú nói về những công việc phải làm, sau khi phá ấp chiến lược, đưa đồng bào về lại các buôn rẫy. Công việc thật nhiều, nhưng phải làm ngay là tổ chức đội du kích để bảo vệ buôn rẫy, phải vận động đồng bào lên nương gieo bắp trồng mì, cái bụng phải no mới đánh được giặc.
Yblem được giao tiếp tục chỉ huy các đội du kích.
Hơben lo chuyện sản xuất của các buôn làng.
Ama Vàng về khu họp.
Dú là giao liên cho anh trong chuyến đi này.
Buổi sáng anh lên đường, Hơben đưa anh đi hết một cánh rừng, băng ngang hai con suối. Hơben còn muốn đi theo anh mãi. Anh phải hứa với Hơben công việc trên khu xong anh sẽ về ngay Hơben mới chịu quay lại. Hai mắt Hơben đỏ, có lẽ trên đường về buôn Hơben đã khóc.
Toàn thân anh rét run. Anh cảm giác bị dẫn tới cửa dòng sông băng giá của Diêm Vương. Cô y tá đã đắp cho anh cùng lúc ba chiếc chăn dạ, mà bốn chân giường vẫn run rẩy. Bên anh lúc này chỉ còn bạn duy nhất là linh hồn anh. Đôi mắt linh hồn mở thao láo, anh giữ không cho bước chân anh chạm vào dòng sông băng giá của Diêm Vương.
Khói lạnh từ dưới sông cuộn lên, phủ mờ mịt mắt anh và khắp thân thể anh. Nước sông dâng lên chầm chậm như kéo dài thời gian tra tấn. Linh hồn giục anh giật lùi lại. Nhưng mỗi bước anh giật lùi, chân nước lại dâng lên theo, chỉ cách bàn chân anh một sợi mong manh. Linh hồn giục anh vụt chạy. Chân nước đuổi theo. Anh chạy nhanh bao nhiêu thì chân nước cũng đuổi nhanh theo chừng ấy. Cho tới khi sức anh đã kiệt, anh ngã bổ nhào xuống đất, chân nước mới dừng lại và tiếng cười của thần chết bỗng vang lên. Anh ôm đầu mà tiếng cười còn xói óc. Tiếng cười chợt lặng nhường cho lời hạch hỏi.
- Mi muốn chết chìm hay chết nổi?
- Là sao?
- Muốn chết chìm thì hãy mở miệng ra uống đầy bụng nước.
- Nếu muốn chết nổi?
- Mi cứ việc nằm đó, ta sẽ cho hơi lạnh hút hết máu mi. Chừng nào mi chết hẳn, ta sẽ cho sóng cuốn mi xuống nước, chừng đó mi muốn chìm cũng không được nữa, thân xác mi sẽ phải trôi lang thang và quạ sẽ rỉa hết thịt mi.
- Không, ta không muốn chết?
- Thằng linh hồn kia, mi được sống, nhưng thân xác mi phải chết.
- Ta không rời thân xác.
- Mi nghĩ rằng mi có đủ sức mạnh để chống lại.
- Ta tin như thế.
- Vậy mi hãy gọi sức mạnh của mi tới đây, ta sẵn sàng giao đấu.
- Mi hãy chờ đó.
Linh hồn lay anh tỉnh dậy. Giọng ấm áp và đầy tự tin.
- Chỉ có ngọn lửa tình yêu là đẩy lùi được thần chết.
- Thật không?
- Anh kông thấy mắt thần chết hoảng loạn khi nghe chúng ta nói đến sức mạnh tình yêu đó sao.
- Nếu vậy linh hồn hãy đi gọi Cúc dùm tôi. Hãy bay về dốc Thọ Lão, nếu Cúc không ở đó, thì hãy bay về Sấu Giá, tình yêu của Cúc, sắc đẹp của Cúc nhất định sẽ tiêu diệt được thần chết.
Linh hồn lặng nín. Ta không thể nói cho con người si tình này nghe một sự thật. Anh hy vọng ở tình yêu và sắc đẹp của người vợ, nhưng anh ta đâu biết rằng, giờ này vợ anh đang trần truồng, tấm thân nõn nà, vòng tay mềm mại mà anh hằng tưởng nhớ, đang ôm ấp một thân hình đàn ông khác. Rất có thể, khi nghe ta báo tin anh bị nạn, vợ anh có thể tới, cô ta sẽ mặc quần áo để che đậy cái nhơ nhớp, và cô ta sẽ khóc để che mắt nhìn của người đời, nhưng liệu cô ta có đủ sức mạnh để nghênh chiến với thần chết, cứu anh. Ta hiểu, với một tình yêu như thế, thần chết chỉ cần phả một làn hơi lạnh, vợ anh cũng đủ dúm dó và bỏ chạy.
- Cúc của anh đi vắng.
- Cúc đi đâu?
- Tôi không biết.
- Nếu vậy hãy gọi dùm tôi cháu Mai Vàng.
- Mai Vàng?
- Đúng, linh hồn hãy gọi ngay đi.
Thật chua chát. Linh hồn ứa nước mắt cùng ý nghĩ. Anh ấy đâu có biết, con gái anh ấy vừa bị một trận đòn thập tử nhất sinh của người cha ghẻ, cháu đang ôm liệt giường. Anh ấy thật đáng thương, câu chuyện nào anh nói với Dú cũng đượm đầy hình ảnh Mai Vàng. Con gái của ta đẹp lắm, đẹp như bông Mai Vàng mùa xuân. Ngày ngày nó nhẩy chân sáo tới trường. Nó đón má nó đi làm về mỗi buổi. Nó lao lại phia má nó, ngả đầu vào ngực má nó và nó kể cho má nó nghe đêm qua nó mơ thấy ta. Mai Vàng ơi, ba nhớ con lắm. Mùa này Hà Nội đã vào đông, gió mùa đông bắc tràn về vài ngày một đợt. Con nhớ cài kín cổ áo và quàng khăn vào cổ mỗi khi ra khỏi nhà nghe con. Ngày ba đi, con còn nhỏ xíu, đôi má bụ bẫm thật dễ thương, hai lúm đồng tiền hằn vào ký ức ba như một chạm khắc không phai mờ. Ba vẫn thường ôm con vào lòng mỗi chiều đón con từ nhà trẻ. Thế mà giờ đây, con với ba cách nhau một khoảng trời thăm thẳm. Ngày tháng qua đi, con đã lớn nhiều chưa? Ba vẫn thấy hình dáng con mỗi khi ba băng rừng, vượt suối. Đêm đêm, ngọn gió se lạnh càng làm ba nhớ con hơn. Ước gì ba cũng được ôm con vào lòng những đêm giá lạnh. Ba sẽ gửi Dú, gửi Irít, gửi Lê, các bạn nhỏ Tây Nguyên ra ngoài đó đi học với con. Đất nước một mai thanh bình, tương lai là của các con.
Linh hồn nghĩ mãi mới tìm được lời nói dối.
- Mai Vàng của anh đang tập đàn, chỉ còn hai ngày nữa cháu sẽ tham dự kỳ thi tuyển chọn tài năng.
- Đúng rồi, Tôi đã mơ thấy con gái tôi với cây vĩ cầm trong buổi hòa nhạc lớn. Xin đừng làm náo động con tôi, để cháu bỏ chương trình tập luyện. – Khi nghĩ về con gái, gương mặt anh rạng lên, rồi trở lại trạng thái thẫn thờ. Một lát, anh mới tiếp tục dòng ý nghĩ của mình, – Không hiểu lửa tình bạn có đủ sức tấn công thần chết?
- Anh nghĩ như thế nào về tình bạn?
- Không có tình bạn, con người sẽ sống đời con thú nơi sa mạc. Tôi cố gắng sống tốt với tất cả mọi người, biết điều trong mọi quan hệ, nhưng không phải ai cũng là bạn thiết cốt cả. Bởi bạn và mình chịu chung số phận của nhau, chia bùi sẻ ngọt, khó khăn, kham khổ lúc nào cũng có nhau. Tôi nghĩ, người có ít bạn, bạn mà tốt, còn hơn ai cũng là bạn, một đàn, một lũ, mà khi hoạn nạn chẳng thấy một ai.
- Anh nói lý luận hay quá.
- Tôi không chỉ nói, mà tôi đã hành động như thế.
- Có nghĩa là anh tin vào sự lựa chọn tình bạn của mình?
- Rất tin.
- Vậy thì anh hãy nói đi, người bạn nào sẽ có mặt bên anh trong lúc hoạn nạn này.
- Hãy gọi dùm tôi Vương Thế.
Linh hồn đang nhếch mép cười. Vương Thế. Chắc lúc này anh đang tưởng tượng trước mắt mình cảnh Thế lao vun vút trên đường sắt, với thanh tà vẹt trên vai. Thể lực của con người này thật đáng trọng. Nhưng thể lực có thể cứu được hoạn nạn của anh ấy chăng. Đôi mắt anh ấy đầy niềm tin cậy. Có thể lắm, anh ấy đang thấy Thế hiện ra với gương mặt đầm đìa nước mắt. Thế đã khóc nức nở như một đứa trẻ khi được anh ấy độ trì, cứu vớt. Nếu chỉ nhìn gương mặt chan hòa nước mắt, thật khó có thể nghi hoặc tấm lòng. Ta là linh hồn, ta còn có tên là tâm địa. Ta vô hình cũng như tâm địa Thế vô hình. Ta chẳng có quyền phán xử đồng loại. Ta cứ đi gọi Thế coi sao?
Linh hồn bay đi.
Thế đang ngủ ngồi trên chiếc ghế bố, cái bụng lặc lè phưỡn ra, hơi thở nặng mùi, phập phồng lỗ rốn to như một trái táo tầu, miệng không khép, nhe nửa hàm răng dưới, nửa hàm răng trên, râu mép, râu cằm lởm chởm.
Linh hồn vừa nhìn thấy đã rú lên kinh hoàng. Không phải Thế đang ngủ, mà con chó sói đang ngủ. Có lẽ linh hồn nhầm lẫn hình dáng Thế với một người nào đó. Linh hồn ghê tởm va đụng với linh hồn chó sói. Vì thế linh hồn không dám đánh thức con chó sói ngủ để hỏi thăm Thế.
- Sao?
Vừa thấy linh hồn bay trở lại, anh đã lên tiếng hỏi:
- Tôi không gặp Thế.
- Tiếc thật. Phải như gặp Vương Thế, thần chết sẽ hiểu thế nào là sức mạnh của tình bạn.
Linh hồn ngước mắt nhìn lên, thấy Thần chết ôm mặt cười.
- Việc cứu anh phải gấp lắm rồi, anh hãy nói đi, tôi cần gọi ai.
- Thằng Dú đâu?
- Chẳng phải khi tiếng súng của bọn phục kích bắn lén anh, anh đã lệnh cho Dú chạy đi đó sao.
- Tôi nhớ rồi. Không biết Dú có về tới buôn làng. Linh hồn hãy đuổi theo Dú, che chở cho Dú.
- Tôi đi đây.
Linh hồn vừa vỗ cánh đã nghe ầm vang tiếng chiêng cồng và một đoàn người Êđê. Đi đầu là già làng, rồi tới đội du kích của Yblem, rồi tới Hơben cùng các Ama, Amí.
Linh hồn bay trở lại. Nhập vào thân xác anh.
Trong tiếng chiêng tiếng cồng có tiếng khóc của Hơben bay vút tận trời xanh.
- Giàng ơi, đừng bắt Ama Vàng. Hãy trả Ama Vàng cho người Êđê.
Khắp núi rừng âm vang tiếng khóc của Hơben. Nơi nơi dội lại tiếng gọi Ama Vàng.
Anh nghe thấy tiếng gọi ấy. Không thấy thần chết đâu nữa. Con sông âm phủ nước rút rất nhanh, làn khói lạnh cóng tan biến. Anh cảm thấy người mình nóng dần.
Yblem bồng anh lên tay.
Tiếng của già làng sang sảng.
- Hỡi những người con trai, con gái Êđê, thằng Ama Vàng đã vì người Êđê chúng ta mà bị kẻ thù làm cho chảy máu. Người nó chưa lạnh, tim nó còn đập. Người Êđê chúng ta phải cứu sống nó. Tất cả hãy trở về buôn, ai có thuốc gì hay nhất hãy đem tới để cứu Ama Vàng.
Anh đã tỉnh dậy trong một căn buồng vắng vẻ. Không thấy già làng, không thấy Yblem, không thấy Ama Dú. Chỉ nghe âm thanh gió lá và tiếng chim. Anh đưa mắt nhìn khắp buồng, Hơben đang tựa lưng vào tường ngồi ngủ. Mặt Hơben hốc hác, nước mắt còn hoen trên má. Nỗi thương cảm tràn ngập lòng anh, anh bỗng thấy đôi mắt mình ươn ướt. Chắc hẳn anh đã mê man mấy ngày nay rồi, anh cố nhớ lại tất cả, nhưng hình ảnh này chưa qua hình ảnh khác đã chồng lên. Đạn địch nổ. Anh đè Dú sấp xuống gốc cây. Mấy thằng lính tiến lại. Dú, chạy về phía bờ suối. Tất nhiên lúc đó anh không biết là mình đã ra lệnh cho Dú nghiêm khắc như Hơbleng ra lệnh cho anh khi bị phục kích. Bước chân Dú xiêu vẹo. Đạn địch cầy mặt đất. Một tiếng rú của lợn bị chọc tiết. Ba thằng lính vây anh theo hình cánh cung. Anh rờ thắt lưng, còn lại trái lựu đạn. Anh lao từ gốc cây này qua gốc cây khác nhử chúng. Ba thằng lính mắc mưu anh, càng đuổi anh càng gần nhau về khoảng cách. Anh tung trái lựu đạn tiếng nổ vang ầm, bụi khói. Anh thừa cơ lằn mình về phái bãi cỏ, chạy. Hai thằng đuổi theo, hình như một thằng đã chết, tiếng lựu đạn nổ đã át tiếng rú của lợn bị chọc tiết. Chân anh đau nhói, loạng choạng, anh cố gượng. Vai trái cũng đau nhói. Anh biết là mình đã bị thương. Anh dồn hết sức xoay người lăn mình vào gốc cây gần đó. Hai thằng lính khựng lại quan sát. Ngứa quá, anh chỉ kịp thấy như thế. Anh tung trái lựu đạn cuối cùng. Tiếng nổ vang ầm. Người anh cũng bật lên. Và anh liền thấy mình có đôi cánh, anh bay…
Tiếng hót của con chim Krônglay hay tiếng thở của anh đánh thức Hơben dậy.
- Giàng ơi, Ama Vàng tỉnh lại rồi.
Anh đưa bàn tay yếu ớt nắm tay Hơben. Anh thấy những giọt nước mắt của Hơben rơi xuống cánh tay anh.
Hơben vẫn thường nói với anh, Hơben thích bông trang, Hơben có lý, bởi Hơben đẹp như bông trang. Hơben mất ngủ mấy ngày, mấy đêm mà như bông trang chịu nắng suốt cả mùa, chỉ mong một trận mưa. Hơben thương anh, chỉ lo anh chết. Bây giờ anh sống lại rồi, bông trang gặp mưa. Gương mặt Hơben tươi nhuận nhanh đến nỗi chính anh phai ngạc nhiên. Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, giọng nói ríu rít như chim, Hơben lanh lợi, mơn mởn. Trong mắt anh. Hơben xinh đẹp và duyên dáng biết bao.
Tối hôm ấy, anh ăn cháo nấu với thịt gà rừng. Anh ăn ngon miệng quá. Hơben ngồi nhìn anh ăn trìu mến. Anh ăn cơm xong, Hơben bảo anh nằm nghỉ, Hơben đi xuống suối. Anh nằm nghỉ và nghĩ về Hơben. Anh ngồi dậy, lết lại phía cửa sổ nhìn ra suối. Hơben đang hát bên suối.
Giàng ơi. Anh chợt thốt lên và quay mặt đi. Hơben đang tắm. Cả một thân hình trăng sáng rực con suối.
Anh ơi, cho em xin phích nước, lạnh quá. Tiếng Cúc gọi anh. Mùa đông Hà Nội. Cái nhà tắm tuyềnh toàng, không có mái, xây quây ba mặt, mỗi khi muốn tắm phải che tấm chiếu làm cửa. Anh lấy phích nước sôi loại hai lít rưỡi đem ra cho Cúc. Anh lật tấm chiếu, Cúc đang dội nước lên người suýt soa với cái lạnh. Thân hình trắng tươi lóng lánh như ngọc.
- Em có muốn anh kỳ lưng cho không?
Cúc gật đầu, ngồi xuống, mò tay trong chậu nước lấy hòn đá kỳ đưa cho anh. Đã sống đời vợ chồng, đã có Mai Vàng, vậy mà cứ mỗi lần bàn tay anh chạm vào da thịt Cúc toàn thân lại dâng trào một cảm giác uống rượu say. Mái tóc Cúc búi củ hành cho khỏi ướt, để lộ cái cổ cao, trắng ngần. Tấm lưng ong hồng mịn, một nốt ruồi trễ dưới sống lưng.
- Em đẹp quá.
- Thôi, nhanh lên, em đang rét run.
Làn da miết đá kỳ đỏ lưng. Anh run rẩy đặt làn môi mình xuổng bả vai vợ.
Cúc vụt đứng dậy, đổ phich nước nóng vào chậu, hơi nước bốc tỏa lên, anh tham lam đặt tay vào ngực Cúc.
- Cho em tắm đã.
Anh vẫn cứ tham lam.
Cúc hôn phớt lên má, dọa bộ:
- Có ai tới kìa.
Anh ra khỏi phòng tắm, chiếc chiếu cửa buông xuống. Anh bước đi ngầy ngật lên nhà. Anh đốt thuốc lá. Điếu Điện Biên thằng bạn mới cho buổi sáng, anh để dành chưa hút. Khói thuốc váng vất đầu óc anh, hiện chập chòa bao nhiêu hình ảnh Cúc. Cúc tắm xong, làm bộ rét run hay thực sự rét run, anh không biết. Anh bồng nghiến vợ bằng đôi tay lực lưỡng của mình, nhẹ đặt xuống giường, phủ lên Cúc chiếc khăn dạ, rồi rón rén bước lên giường và cũng chui vào trong chiếc chăn đó…
Hơben đã tắm xong, bước lại phía anh là một Hơben nồng nàn, còn ướt nước, da thịt thoang thoảng mùi suối. Hơben xõa mái tóc, tung tung trước gió, hai cánh tay ngồn ngộn giơ lên chắc nịch:
- Ama Vàng có thương Hơben không?
Anh gật đầu, mắt dại hẳn đi. Anh hiểu rằng, chỉ cần ban tay anh nhẹ đưa ra là bàn tay Hơben sẽ đón lấy. Hơben sẽ là Cúc ngày hôm ấy cười rúc rích trong chăn. Nhưng cảm xúc đã không đủ sức mạnh đánh lừa lý trí. Anh ra hiệu cho Hơben lại gần:
- Tôi muốn Hơben giúp tôi một việc.
- Ama Vàng nói đi, việc gì Ama Vàng muốn Hơben cũng làm được.
- Hơben ạ, tôi muốn gặp Yblem.
- Gặp Yblem?
- Tôi muốn hỏi Yblem về đội du kích.
Hơben không đi gọi Yblem lúc này đâu. Lúc này Hơben chỉ muốn ở nhà chăm sóc Ama Vàng.
- Vậy mà Hơben nói, cái gì tôi muốn Hơben cũng làm được.
- Ngày mai Hơben sẽ đi tìm Yblem.
- Tôi muốn Hơben đi bây giờ, sáng trăng mà…
Không, Hơben không đi đâu.
- Hơben sợ con thú?
- Hơben chẳng sợ con thú, nhưng Hơben không muốn đi.
Mấy ngày nay, anh mê man bất tỉnh, Hơben ở bên anh, không xa cách phút nào. Nhưng bây giờ anh đã tỉnh. Đêm nay Hơben sẽ ngủ ở đâu? Anh sẽ không tự chủ được mất, anh là đàn ông mà. Cúc ơi, sao không phải là em mà lại là Hơben chăm sóc anh trong lúc hoạn nạn này?
- Có phải Ama Vàng muốn đuổi Hơben?
- Sao Hơben nghĩ vậy?
- Hơben biết cái bụng Ama Vàng rồi. Ama Vàng không thương Hơben. Ama Vàng muốn Hơben đi gọi Yblem để Ama Vàng có đàn ông, Ama vàng khỏi bị Hơben làm khổ. Ama Vàng đừng sợ, Hơben sẽ không ngủ trong nhà nữa đâu, Hơben ngủ ngoài rừng…
Anh bất ngờ vì ý nghĩ chợt tới của Hơben. Anh chưa biết phải xử lý như thế nào, thì Hơben đã vụt chạy đi. Anh gọi với theo, nhưng tiếng gọi của anh tắt hút vào đêm thanh vắng. Anh lết dậy, nhìn qua cửa sổ, gọi ra rừng, không nghe tiếng Hơben đáp lại, chỉ nghe gió rừng thổi rào rào trên cành lá.
Đấy là một đêm kịch chiến trong tâm hồn anh.


(Mời đọc tiếp đoạn 3)

Tiểu thuyết Linh Hồn Lang Thang của Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét