THỦNG THẲNG VỚI THƠ
Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
1. Thơ sinh ra như thế nào ?Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
Sáng,14/12/2010 bỗng tìm thấy trong
thư viện gia đình cuốn chép tay viết năm 1975, có tựa đề Luận Văn Thứ
Nhất, bèn lôi ra lau bụi,đọc và chép lại dưới đây, trước là lưu giữ, sau
là một chia sẻ tham khảo với bạn đọc có nhu cầu…
Với thơ, không thể có những lời dậy dỗ, những lời khuyên bảo và ngay cả những trò nhảm của kinh nghiệm lộng ngôn là rút ra từ gan ruột. Bởi thơ như có lại như không, hư hư thực thực, vừa là ngũ cung lại vửa là bẩy nốt, mới là lập đông hoa cải vừa là chớm xuân mai vàng, vừa là tiếng hát mẹ, vừa là tiếng khóc em, vừa là mặt trời, lại đã mặt trăng, vừa là mây bay đã là gió thổi, vừa là hợp đã tan, tan rồi lại hợp…Chẳng biết hư thực thơ này cư ngụ trong óc hay trong tim? Theo lẽ tự nhiên, khi cấn thai, trái tim có trước, nên có lẽ thơ ngụ trong tim, đập cùng tim cho đến khi ngừng đập, thơ theo hồn về trời.
Vì thế, những dòng thủng thẳng này không tuân theo bất kỳ một lý thuyết, trường phái kim cổ nào, chỉ đơn thuần là những lời bình dân, ngẫu hứng, mình nói cho mình nghe, nghe để soi mình, thấy mình, mà tu thân, tu thơ. Nói thêm, những dòng thủng thẳng này được viết ra trong đói nghèo không thể tả bằng ngôn ngữ và trong những khủng hoảng tinh thân triền miên, vô lý. Nhưng lòng vẫn cố không rời phao thơ để nâng xác, cứu hồn. Nên thủng thẳng này viết mỗi ngày, đôi dòng, mong như một thần dược hóa giải tình thơ thoát họa tự nhiên lão, tử.
Vì thế, niên viết, 1975, được nhấn như một khuyên son, về mốc thời gian quan trọng với một đất nước, một dân tộc và với mỗi đời người đã đi qua dài rộng những gian lao của bao năm (xin không tính đếm) khói lửa, nay được thống nhất, thanh bình. Đầu tôi vỡ ra bao nhiêu mới lạ của dối trá và sự thật, trái tim tôi nức nở đòi đổi thay những hoan ố đã lập trình. Vì thế, lẽ nào tôi không thủng thẳng với thơ?
Ai đã nói: Cái đẹp nghệ thuật tuyệt nhiên chưa hẳn là cái đẹp ngoài đời.
Một sáng nay buồn. Rất cụ thể. Ta có thể nghe lòng hiu hiu, cũng có thể ta khoái cái buồn này, vì nó cân chỉnh âm dương ta đang thăng hoa hoan lạc, hoặc đứng hoài sân ga trước một đi xa ai đó, chỉ để lại môi thơm trong hôn gió, và cũng có thể nỗi buồn sáng nay khiến ta vô cớ chửi chó, mắng gà. Đó là một sáng buồn ngoài đời. Nhưng nếu nỗi buồn ấy bước vào thơ thành Xuân Diệu “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” thì nỗi buồn trở nên đẹp vô cùng, an ủi, chia sẻ, ấm áp khiến lòng nhẹ vơi tất cả khi ngân nga tiếng thơ buồn…
Ta đang buồn hay ta đang vui ? Nếu buồn thì dù ta không đưa người sang sông vẫn nghe thấy tiếng sóng vỗ ở trong lòng. Còn nếu ta đang vui thì chân ta có thể đi trong mây gió mà hát múa cùng tiên. Vấn đề là tâm trạng chia sẻ. Thế nên, đừng tưởng chỉ những gam mầu sáng, hồng, cười mới dành cho những lời tụng ca thành tích (tiền và danh), còn những mầu xẫm tối, buồn khóc thì không. Đời tự nhiên đã muôn mầu muôn sắc, cớ chi thơ không muôn sắc muôn mầu. Vấn đề là trước cảnh, trước người, trước sự, trước việc ấy lòng ta buồn hay lòng ta vui? Thành thực với chính mình, thì buồn vui gì cũng tuôn chảy ra vần điệu, và đó chính là thơ.
Nói những lời trên thực chẳng có gì mới, nếu không muốn nói quá cũ nhàm. Dù biết vậy, nhưng ngày nào tôi cũng tự nhắc mình điều cũ nhàm ấy, và luôn thấy nói nó mới mẻ với tranh đấu trong mình và cố mà chiến thắng. Thành thực với chính mình ắt nhận ra tình yêu, tình thích, tình giận, tình thù và ngay cả những sục sôi phẫn nộ. Muốn vậy, phải cố mà tránh những khuôn mẫu nghĩ, những thói bầy đàn lười biếng, những dụ dỗ của danh tiền tầm thường, để mặc vội vã cho ngôn từ tấm áo “bảo là thơ” để tụng ca minh họa, để trăm bài thơ giống ngàn bài thơ, một giọng, một điệu, thậm chí một vần đều như đúc ra từ một khuôn thơ, thành thứ tân văn vần (không phải văn vần mới, vì văn vần mới hàm chứa một sáng tạo thơ). Tân văn vần nói ở đây chỉ là những mình họa vội vã một sự kiện, diễn ca một chính sách, nôm na một công tích hay vụng về một lời dậy dỗ. Tân văn vần không là tiếng lòng, mà là tiếng óc mách bảo. Như đã nói ở trên, thơ bơi sông tim còn biển óc là lãnh hãi của toán tin hay lý không gian hay triết luận gì đó.
Tân văn vần sắp xếp tư duy, sắp xếp những cái nhìn chính sách, nương những tụng ca theo chiều gió, sự nương ấy chuẩn mây, chuẩn gió, sự nương ấy không nghe tiếng thì thầm con tim, mà chỉ theo sắp xếp, theo cái nhìn thói quen, cái nhìn lợi lộc cho danh vọng. Buộc người đọc, vốn sinh ra không ai giống ai, phải tuân theo một lô gích chủ quan thi sĩ, và thi sĩ thả sức trình diễn nôm ca. Và cứ thế sản sinh một thứ loại thơ của những con cu đất, những con sẻ ranh, những con chim cảnh bị giam trong lồng son gác tía cũng đồng tấu một thứ thơ giống hệt nhau, cũ rích bên cạnh cái đói, cái rét và ngay cả cái nức nở của trái tim yêu ghét.
Thơ ca hiện diện như một chiếc gương, soi vào đấy hiện lên vẹn toàn gương mặt thi nhân. Hồng mặt gương hay xám ngoét mặt gương, thi nhân tự thức.
Tôi soi gương thơ và thấy đa phần những chân dung thi nhân đều làm hồng rạng gương thơ. Đa phần trong số đó là những thi nhân coi thơ như một chia sẻ lòng, thành thực, nhi nhiên, đáng yêu vô cùng, tiếc là đa phần họ không có mặt trên thi đàn, họ được coi là những nghiệp dư thơ. Tôi ngả mũ kính trọng họ, kinh trọng tôi, bởi tôi cũng có mặt trong số họ, chúng tôi đông đúc nhựng không bầy đàn, chúng tôi mỗi người là một con thơ riêng và ấp ủ tiếng hót riêng.
Đưa ra khái niệm nghiệp dư thơ, tôi không có ý đặt lên bàn cân thi đàn Việt sự khác biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp, và cũng không có ý chê bai hay bênh vực thi nhân trên bất cứ lãnh địa gọi là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, mà chỉ muốn nói rằng thơ không có khái niệm ấy, bời thơ là thơ, nghĩa thơ trong ba chữ và hết. Nhưng thật đáng tiếc là xã hội và quyền lực đã tự cho mình quyền chia thơ thành bậc chuyên nghiệp và cung nghiệp dư. Và chỉ thừa nhận sự đóng góp của thơ chuyên nghiệp cho non nước,cho nhân quần.
Thiếu gì những chuyên nghiệp thi sĩ khai sinh một rừng một biển thơ toàn những lời hô hào rỗng tuyếch, toàn những lời diễn ca chính sách, toàn những lời tụng ca những dậy dỗ và tôn vinh những giả dối mọn hèn. Thế nên, thơ của họ làm sao vươn tới tầm vĩ đại của dân tộc đổ máu dằng dặc những năm dài giữ nước, của khổ nghèo nhân dân thắt lưng buộc bụng cho tiền phương giết giặc. Thế nên, thời tôi sống, nào được mấy trang thơ chói lói trả ơn cho những hy sinh, những đau đớn khổ cực của Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Một sự thật không thể phủ nhận là, những thi sĩ chuyên nghiệp ấy có quyền lực chính trị, đã đồng hóa thơ với quyền lực, đồng hóa thơ với danh vọng cá nhân, đã trải chiếu thơ và mình chễm trệ ngồi giữa chiếu, thử hỏi còn thi nhân nào, còn thơ nào dám ngồi cùng chiếu và có ngồi thì cũng bầy đàn, khai sinh một thứ thơ tụng ca nhau và tự phong nhau chuyên nghiệp. Vì thế, một (thực ra nhiều hơn) thế hệ thơ đã phải chết dù ngồi chung chiếu hay không cùng chiếu thơ ấy.
Muốn sống cho thơ, duy nhất một con đường nín lặng mà yêu thơ, mà chép thơ, và chấp nhận một nghiệp dư, mà góp tiếng thơ cho yêu mến đồng bào, cho ngoại sử của non sông.
Anh đã cảm điều gì trước một bình minh ?
Các anh đi suốt ca ba thẳng tời chiến trường
Đón bình minh đất nước
(Lý Phương Liên)
Anh đã cảm điều gì trước hy sinh mất mát của đồng bào ?
Cha đứng trên thuyền
Thuyền cười trên sóng nhấp nhô
Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái
(Thơ BNN)
Anh đã cảm điều gì trước sức mạnh của Phù Đổng Việt ?
Sắc đỏ của máu và mầu hồng của da
Mỗi chúng ta là một ngọn cờ
(Thơ BNN)
Anh đã cảm cười hay cảm khóc trước một thế thái nhân tình, trước một tình yêu?
Soi gương vui cả mặt gương
Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay
(Thơ BNN)
Tôi là một nghiệp dư thơ. Một nghiệp dư say mê thơ điên cuồng, chép chép ghi ghi và chôn ghi ghi chép chép ấy vào mộ huyệt của im lặng, chỉ thỉnh thoảng, không cưỡng nổi điên khùng, nửa đêm thức giấc, ngửa mặt nhìn trời đọc thơ gửi mây, tặng gió.
Thơ tôi đã ra dời trong tiếng gõ cửa dồn gấp, trong những lời kêu thét bệnh hoạn, trong đói nghèo muốn cuốn đời vào hèn hạ, nhưng nó vẫn kiêu hãnh khóc như trẻ sơ sinh, trên cái bàn chỉ đứng ba chân (một chân đã mọt gãy), với một giá sách, trong căn nhà lá 8 mét vuông, lợp giấy dầu, cạnh chuồng tiêu, ao bèo, bè bạn với côn trùng và muỗi đói.
Thơ đã ra đời như những liều thuốc giải độc trí tuệ, vì nếu thơ không được sinh ra hẳn tôi đã mắc chứng điên và bị buộc phải vào nhà thương Thường tín. Thơ đã ra đời như một thách đố tôi, một tự tôn tôi, một khẳng định tôi, một kiêu hãnh tôi đối nghịch với mời gọi của cơm tiền và danh giá.
Thơ là thơ. Vì ba từ của định nghĩa ấy tôi đã suýt “xong” một đời. Ôi, thơ chẳng là thơ thì là cái giống gì ? Các liền chị liền anh chuyên nghiệp dậy rằng: Nói thơ là thơ tức là cách nói khác đi của triết lý nghệ thuật vị nghệ thuật. Và các bậc anh chị viện dẫn mấy từ sau, cũng của tôi : Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ. Đầy đủ câu chữ là :Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ. 15 chữ ấy đủ cho một bản án không tuyên.
Tôi, một mình đi dọc triền sông Cái, đi dọc đường xe lửa, chỉ thấy sóng bầm đỏ và những thanh tà vẹt gọi mời tôi vào hư vô, như thể chìm xuống sông, hay bị tầu hỏa nghiền xác, thì hồn tôi sẽ thăng hoa vào cõi được thỏa thích mà yêu một cuộc tình kiếp nạn (Thơ BNN) với thơ. May mắn tôi đã không tự tìm hèn nhát ấy, mà đã tìm cho mình một con đường khác, lầm lũi riêng mình, lầm lũi yêu thơ.
Tôi yêu thơ vì tin rằng thơ không phản bội tình tôi. Thơ hiện diện và tồn tại như đời sống vốn có của nó là thơ, thật sự là thơ. Vì thế, đối với tôi tất cả những cao giọng, những hăm dọa, những hò hét đều trở nên nhẹ bỗng và thời gian theo gió bay qua, và kể cả khi những cao giọng ấy, hò hét ấy có cố bước vào thơ, có mặc áo thơ, thì sớm hay muộn thơ cũng cởi thứ áo giấy đó, đốt đi.
Không phải trên đường tình yêu ấy, người yêu thơ không có lúc nản chí, ngã lòng. Tôi đã từng bước xuống thuyền “Bánh Bao cả Cần”, chấp nhận một chạy trốn khỏi tình yêu của mình. Nhưng bước xuống để rồi bước lên, vì tôi đã nhìn thấy sự phản bội không lời bào chữa, đó là sự phản bội tình thơ, mà cao hơn là sự phản bội cội Lạc Hồng, nơi mình được sinh ra và được nuôi lớn. Lúc ấy, trái tim tôi tự hát:
Lý hương ư? Tóc bà heo may
Lưng còng ngồi se sợi gió
Nhà cha giột ai lên rừng tìm tre nứa
Canh bờ rào mẹ nấu để ai ăn
Hoa dại dại tay ai cầm
Anh đi rồi ai tặng hoa em nhỉ?
Kẻ chạy trốn bọc trăm trứng mẹ
Nở thành người được chăng?
(Thơ BNN)
Tôi không xin xót thương của bạn, nếu như bạn biết tôi đã phải sống trong hoàn cảnh nào, về thân xác tôi bị đói rét hành hạ, về tình thần tôi bị ruồng bỏ và canh gác sát sao. Tôi đã chép những chán nản ấy, những thất vọng ấy, những cay đắng ấy vào thơ. Và hân hoan thay, thơ trả lại cho tôi những dòng chữ nghĩa như khí cho tôi thở, như lửa cho tôi chế biến thức ăn, như sông suối cho tôi tắm mát. Đó là đức tin phải có, đức tin phải sáng rạng trong tâm hồn, và thế là tôi hát cười mà sống, mà yêu thơ.
Tôi đã nuôi tin điều gì ?
Tôi đã tin vào một ngày kia, mà hiện thực là bây giờ (những dòng này viết năm 1975), đất nước liền một giải Việt Nam, chiến tranh vĩnh hết, mọi nhân danh chiến tranh nhường chỗ cho nhân danh hòa bình, đen trắng lại sẽ phân minh. Tất sẽ không còn những vu khống yêu nước và bán nước, không còn những ngộ nhận giữa thơ và ngụy tạo thơ. Niềm tin ấy son sắt lòng tôi và tôi đi theo niềm tin ấy, không sợ cam go, không vướng muộn phiền.
Và thơ tôi ra đời như thế, đều đặn, tự nhiên mà sung sướng với đời.
Sáng nay thành phố sang thu
Áo hoa cây mặc chắc từ hôm qua
Gió đi gọi cửa mọi nhà
Nắng đem lụa khắp gần xa phơi vàng
Em cầm từng bước không gian
Nghe như thu chuyển vội vàng đi đâu
Cho dù chẳng ở dài lâu
Lòng em cũng đủ nhuộm mầu thu vui…
(Lý Phương Liên)
Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 1.
Mới đọc tiếp chương 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét