Bìa 1 & Bìa 4 sách Dịch học tập 1.
PHONG THỦY ỨNG
DỤNG
CHƯƠNG 3
NHẬN DẠNG ĐẦT & ĐỊNH VỊ TRẠCH
CHƯƠNG 3
NHẬN DẠNG ĐẦT & ĐỊNH VỊ TRẠCH
Giải pháp nền đất lập trạch nên thế nào?
Quan niệm coi trọng phần xây dựng
hơn phần nền đất là sai lầm. Chẳng phải tiền mua đất cao hơn rất nhiều lần tiền
làm nhà đó sao? Đất là căn bản của dương trạch không bao giờ được coi rẻ. Thiếu
gì những căn nhà lộng lẫy, nguy nga, xanh xanh đỏ đỏ, được xây cất trên bùn ao,
đất bạc màu, thậm chí bãi rác xà bần. Căn nhà cư ngụ xây dựng trên nền đất kiệt
khí hoặc khí uế tạp khó lòng cát tường.
Cần vượt qua quan niệm sai lầm:
Mặt sàn tráng xi măng, lát đá hoa hay gỗ có thể che lấp được tất cả những gì
vùi lấp dưới nó. Và sai lầm hơn khi cho rằng: Vùi lấp thứ gì xuống nền chẳng
được, miễn là không tốn tiền, tiền bạc hào phóng cho việc xây dựng và mua sắm
trang thiết bị, đồ đạc hiện đại.
Bởi chưa biết: Khí mạch làm sao
tốt lành được khi đi qua nền đất xú uế, kiệt, bạc để lên nuôi dưỡng căn nhà.
Vì vậy, phong thủy lưu tâm vấn đề
nền đất lập trạch cho căn nhà mới xây dựng hoặc căn nhà đã ngụ nay có điều kiện
tu bổ sửa chữa. Giải pháp nhập thế và xuất thế đề xuất.
Nhập thế: Thay toàn bộ (nhấn
mạnh, bỏ tất cả, đừng tiếc, dù là loại thổ gì) phần đất đào sâu xuống để đóng
cừ, đào móng hoặc hệ thống móng, bằng loại cát thật sạch. Chiều sâu đào xuống
ít nhất là 54cm. Giải pháp này gọi là thay chiếu hay nệm mới cho giường. Dòng
khí từ dưới đất được lọc sạch trước khi chảy lên nhà. Giải pháp này vô cùng lợi
ích cho căn nhà và sức khỏe chính là tài lộc.
Xuất thế: Căn cứ theo Bát Quái đồ
và sở nguyện của chủ dương trạch, có thể đặt dưới lớp nền cát này 7 hoặc 9 viên
đá (nên đẽo tạc hình con cóc), đặt trên hai lớp 50+45=95 đồng tiền chinh cổ.
Viên đá chủ (cóc cái) ngậm 4 đồng chinh nơi miệng và bụng. Cộng là 99 đồng
chinh.Đây là giải pháp đặt thổ sinh kim cầu mong điều muốn. Nhập thế thì nên
làm, Xuất thế tùy tâm.
Tại sao phải nhận dạng đất
Trước hết, hãy bỏ qua các yếu tố
thần bí, mà đặt trọng yếu tới kinh nghiệm được đúc kết qua ngàn năm. Từ việc
con người xem các chân cột để thấy được độ ẩm của đất, xem vầng sáng quanh mặt
trăng để tiên đoán thời tiết, và ngay cả mầu xanh một chậu kiểng của một loài
thực vật, hay nhìn ngắm con chó, con mèo nuôi mập ốm, để biết được sự mầu mỡ an
lành của một vùng đất, đến việc khám phá ra rằng nhà mở cửa hướng Nam thường
mát mẻ và mở hướng Bắc thường lạnh giá, nhà trên sườn đồi tránh được lụt lội và
nhà trông ra biển người cư ngụ thường khỏe mạnh, ít đau bệnh. Những giải đoán
có tính kinh nghiệm đó đã góp phần gây dựng và tồn tại cho đến bây giờ thuyết
lý phong thủy. Và phong thủy giải đoán sự cát hung của đất đai qua diện mạo của
nó với môi trường xung quanh. Diện mạo đó, vị trí đó được coi là địa mạo. Không
nhất thiết phải có "cặp mắt phong thủy" mới quan sát được địa mạo, mà
mọi người, với khả năng và kinh nghiệm sống của mình đều nhận ra khí của đất
với những quan sát mắt thường, tiền đề cho những giải đoán sau này.
Quan sát mắt thường là thế
nào ?
Là quan sát bằng cặp mắt của
người không bận tậm đến phong thủy mà chỉ bận tậm đến việc lựa chọn mảnh đất
xây dựng căn nhà cho mình. Đó là những quan sát thoạt tiên, nhất thiết không
thể bỏ qua. Trước hết quan sát thực vật và động vật xung quanh vùng đất muốn
lựa chọn. Nếu cỏ cây có mầu tươi xanh, khí ắt tốt lành và khỏe mạnh. Những vùng
đất mầu nâu, mầu vàng hoặc trần trụi tỏ rằng dòng khí đã chảy khỏi mặt đất, nôm
na gọi là đất bạc mầu. Long mạch chính là nơi tươi xanh những thảm cỏ, chồi lộc
nhú trên cành xanh, bảo rằng chỗ ấy khí sung mãn, nên dựng nhà ở đó. Những động
vật hoang dã và gia cầm, mà sắc diện của chúng khỏe mạnh, tươi vui, giúp ta dự
đoán sự sung túc, xum họp. Các loại động vật như quạ, cú, chim móng nhọn, chim
ăn thịt, chó mèo hoang là điềm báo khí hãm xấu. Nếu không có động thực vật thì
cần quan sát những người quanh vùng, những người xóm giềng, xấu tốt hiện ra nơi
mặt họ. Sống gần bên những người nổi tiếng, những người giầu sang, những người
quân tử, những người cao thượng, đạo đức là cũng được thụ hưởng nguồn khí tốt
lành, cát vượng. Ngược lại sống bên những người trộm cắp, thấp hèn, luôn tranh
dành cãi cọ, thật khó tránh khỏi những hãm xấu của môi trường. Do đó, việc quan
sát cát hung của đất ở, nói chung, mỗi người đều có một khả năng phong thủy
nhất định.
Nhưng ?
Nhưng đó chỉ là sự quan sát lựa
chọn trong mơ, chỉ có trong thời cổ xưa khi đất đai mênh mông dân cư thưa thớt,
người ta có thể lựa chọn cả hình sông thế núi để xây dưng căn nhà cư ngụ cho
người sống và miệng rồng để táng nhà cho người chết. Còn giờ đây, tấc đất tấc
vàng ao dầm san lấp, ruộng hoang nên nhà, thì việc lựa chọn một vùng đất thuận
theo phong thủy cho một căn nhà không phải cứ muốn là được, mà phải chấp nhận
theo hoàn cảnh, theo môi trường, và cố sao cho căn nhà được hưởng lợi nhiều nhất
cát khí của môi trường tự nhiên ấy. Đất lành chim đậu. Không có vùng heo hút
nào cư dân vùng ấy không quần tụ thành xóm, bản, thành thôn làng. Nơi quần tụ
ấy chính là đất phong thủy nhất của vùng heo hút ấy. Nên việc được cư ngụ trên
đất kinh đô, thành phố, thị xã, thị trấn, làng xóm đã là được hưởng cái phước
của phong thủy chốn ấy. Vấn đề còn lại là sự đua tranh nhau dành những miếng
đất cát tường hơn. Phong thủy hiện đại tham gia vào cuộc đua tranh ấy với những
quan sát thông thoáng hơn và những giải pháp tích cực hơn, ví thể như con đường
được coi như dòng sông, nhà cao tầng được coi như là núi, âm thanh, màu sắc,
các vật sống, chuyển động, các vật phát sáng...được coi là giải pháp. Và việc
lựa chọn những giải pháp nào cho thỏa cái ý muốn Phúc Lộc Thọ là nội lực tự
thân của người biết cầu thị, biết nhận sự tham góp ý kiến hay và đúng của phong
thủy.
Một vài cách quan sát
Đã nói là quan sát, thì phải cố
vận động trí tưởng, bởi không có một địa mạo nào giống như mẫu vẽ. Mẫu vẽ chỉ
mang ý nghĩa tham khảo. Và nên thuộc địa mạo quan sát trong trí tưởng để suy
ngẫm giải đoán.
Thuộc mặt đất, đó là việc không
thể không làm được nếu muốn. Nhưng quan sát dòng khí là điều khó khăn hơn, đòi
hỏi chuyên cần, tỉ mỷ và kiến thức. Có thể quan sát dòng khí như quan sát dòng
chảy con sông hay con đường. Dòng chảy nào cũng có thượng lưu và hạ lưu, mặt
trước của căn nhà ở phía thượng lưu.
Sẽ nhận ra rằng : Quanh nhà ở có
đường đi hay dòng sông hiền hòa bao bọc, liền lạc, không phân nhánh, cắt khúc,
đó là đất tụ khí, tụ tài lộc. Lại bảo, trước cửa nhà có dòng sông hay đường đi
bao quanh, nước chảy êm đềm, thật cát tường cho sinh tồn sinh lý. Lại bảo, dòng
chảy thượng lưu chảy ngang qua mặt nhà (là con đường thì quan sát dòng chảy khi
trời mưa), đất này vượng thủy khí, lợi việc giao tiếp.
Và cũng dễ nhận ra rằng : Nếu
dòng chảy từ hai bên nhà ở hợp lại phía trước cửa nhà, sau đó chảy đi, là đất
tán khí. Lại thấy, dòng chảy đâm thẳng vào cửa chính, sau đó phân làm hai nhánh
sang hai bên chảy đi, là khí xung sát, xấu hãm. Lại thấy, lưng hình cung của
dòng chảy nằm ở phía trước nhà, như cánh cung ngược, cổ nhân cho rằng đất này
gia đạo khó yên, hôn nhân trắc trở. Lại thấy, dòng chảy đi qua phía sau căn nhà
nhô ra, ưỡn vào lưng nhà, gọi là đất lưỡi nhô, chủ về thị phi, tranh tụng. Dòng
chảy đâm vào sau lưng nhà đến gần nhà chảy về hướng khác, gọi là đất nước xói,
thủy khí sau lưng sự cố bất ngờ. Dòng chảy càng đẹp thì sát khí càng mạnh. Thác
Cam Ly tuyệt đẹp, người ta có thể đến tham quan thưởng ngoạn và nghỉ lại đôi ba
ngày. Nhưng nếu làm nhà ở bên thác (nếu có thể) cuộc sống cũng không thể cát
vượng, nếu không muốn nói là có nguy cơ điên loạn, đau ốm, bệnh tật. Dòng chảy
cong ngược đâm vào sau lưng nhà cũng gọi là đất hung. Hoặc trên dòng chảy hình
thành một cung lượn thì gọi là đất Bạch Hổ quay đầu, loại địa hình này rất
kiêng kỵ, mất láng giềng, luôn họa ách.
Tóm lại, dòng chảy ôm căn nhà cư
ngụ căn bản là cát, dòng chảy tấn công hoặc xói tán khí của căn nhà cư ngụ là
hung.
Nhận dạng công trình kiến
trúc?
Nắm vững lý thuyết ngũ hành sinh
khắc để nhận định.
Hình dạng kiến trúc có dạng hành
kim : Hình dáng là cong tròn. Mầu sắc là xám trắng. Công năng là an toàn, là
nơi làm việc sinh ra và cất giữ tiền bạc. Vật liệu xây dựng là sắt thép. Một số
ví dụ : Cầu, gò, đường cong vòm nóc, nhà làm việc, đường xe lửa, dao kéo, tiền,
nữ trang, cung kiếm...
Hình dạng kiến trúc có dạng hành
thủy: Hình dáng uốn lượn, lên xuống. Màu sắc từ trắng trong đến đen. Công năng
là chuyển động, giao tiếp, ngôn ngữ. Một số ví dụ : Phòng tắm, nhà bưu điện, nhà
giặt ủi, rượu bia, tin học, điện toán, điện lực, viễn thông quảng cáo, giao
thông, kính...
Hình dạng kiến trúc có dạng hành
mộc : Hình dáng vuông cao. Màu sắc là xanh lá cây. Công năng là sinh, dưỡng, tự
trọng. Vật liệu xây dựng là mộc. Một số ví dụ : Cột tròn, tháp, tháp canh,
phòng ngủ, phòng trẻ nhỏ, phòng ăn, nhà dưỡng nhi, màu họa sĩ, đồ đạc, rau cỏ,
nghề mộc, cư xá, cà phê, nhà thương, khách sạn, cây cỏ...
Hình dạng kiến trúc có dạng hành
hỏa : Hình dáng nhọn đầu, hình ngọn lửa. Màu sắc là đỏ tía. Công năng là thành
tích. Một số ví dụ : Tháp nhà thờ, mũi nhọn, nhà bếp, công nghệ hóa chất, động
vật, màu đỏ, đồ da, trí thức...
Hình dạng kiến trúc có dạng hành
thổ : Hình dáng vuông thấp. Màu sắc là hoàng thổ. Vật liệu xây dựng là gạch,
cát, đá vôi, gốm...thuộc thổ. Công năng là sinh tồn, sinh lý. Một số ví dụ :
Dãy nhà chung cư, mái bằng, nhà thấp tầng, hình vuông, tường hầm, nhà để xe,
nhà kho, nông nghiệp, đồ gốm, công chánh, nơi bằng phẳng, đất sét, gạch...
Hình thể mảnh đất xây dựng
nhà ở nên như thế nào?
Các hình thể mảnh đất:
Hình thể mảnh đất chắc chắn còn
nhiều hơn hình thể toán học. Nào vuông, nào chữ nhật, tròn, méo, nửa tròn, méo
tròn, méo vuông, tam giác cân, tam giác vuông, ngũ giác, lục giác, bát giác,
hình thang, hình bình hành, hình gà, hình cóc, hình rắn, hình chuột, hình hổ
quay đầu, hình voi phục, hình lưỡi liềm, hình ngôi sao...Tóm lại là không thể
kể hết.
Xu thế chung của phong thủy
truyền thống chuộng hình tròn và vuông. Có thể tròn là Trời, vuông là Đất (quan
niệm cổ) tượng hình trong đồng tiền chinh cổ tròn ngoài, vuông trong. Cũng có
thể bởi vuông và tròn chứa đầy một cái bát quái` với tám điều mà người đời cho
là thiết yếu với cuộc sống của mình. Tám điều ấy là: Sự Nghiệp (1), Hôn Nhân
(2), Gia Đình (3), Tiền Của (4), May Mắn (6), Con Cái (7), Trí Thức (8), Danh
Tiếng (9), Tám điều này xoay quanh trục Trung Tâm (5) chủ hai căn bản của con
người là Sinh Tồn và Sinh Lý. Hình vuông và tròn đầy một bát quái, chứa đầy đủ
tám điều kể trên, là vậy.
Vậy nên, mảnh đất hình dạng gì
chăng nữa cũng nên xây dựng căn nhà trên một hình vuông hoặc chữ nhật, để được
tiện ích, cát tường.
Với mảnh đất rộng, thực hiện điều
này không khó khăn. Nhưng với miếng đất quá hẹp hoặc không thể bố cục thành
hình vuông hoặc hình chữ nhật, thì nên sử dụng các giải pháp nhập thế đưa miếng
đất về hình vuông hoặc chữ nhật trong phạm vi có thể của nó. Nói thật dễ, nhưng
dịch chuyển một miếng đất hình tam giác, hình méo tròn, hình đuôi chuột...về
khuôn vuông hay chữ nhật là điều vô cùng khó. Khó không phải bởi không thể làm
được mà khó thuộc về suy nghĩ, tập quán và hoàn cảnh khiến chủ đầu tư không thể
thực hiện. Trong các trường hợp nan giải này, xuất thế là giải pháp.
ĐỊNH VỊ ĐẤT VÀ THỔ TRẠCH XÂY
DỰNG
( Giải thích qua các thuật ngữ
phong thủy)
Thuật ngữ Vọng Khí Ngũ Hành
Mọi thế đất thiên nhiên cao,
thấp, vuông, tròn, cong, thẳng, lưỡi nhô, cung ngược, Bạch Hổ quay đầu...đều
theo Ngũ Hành mà biến chuyển. Vọng Khí Ngũ Hành là tìm kiếm thế đất có trường
khí tuân thủ nguyên tắc tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ trong ngũ
hành vạn vật, giúp con người xem xét, điều chỉnh môi trường sống sao cho hài
hòa và thuận lợi nhất.
Ví dụ 1: Hỏa địa, thuật ngữ chỉ
chỗ thổ trạch mang tính hỏa, dễ bị cháy và khó khăn khi chữa cháy, nên tránh
trong lựa chọn nhà đất. Các miếng đất hình tam giác, có các góc nhọn, đường đi
vào lắt léo khó lường, thắt hẹp và xộc xệch...đều là hỏa địa. Các khu nhà nhiều
mái nhọn sát nhau, vật liệu dễ cháy như tranh tre gỗ giấy...(thuộc mộc dễ sinh
hỏa) cũng có nguy cơ cao. Phàm khi chọn thổ trạch, cần tìm nơi có hành thổ làm
chủ đạo (bằng phẳng, nằm ngang, vuông vức, không cao quá, không thấp quá) để
xây dựng được thuận tiện và ổn định. Nếu gặp hỏa địa, cần phá thế bằng cách làm
quang đãng ngoại cảnh, giảm mật độ xây dựng, tránh dùng vật liệu hành mộc và
tạo các lối thoát hiểm phòng khi sự cố.
Ví dụ 2 : Mộc địa, thuật ngữ chỉ
môi trường, mảnh đất có nhiều cây cối, hoặc nhiếu kiến trúc cao dạng hình trụ,
nhà mọc vươn cao và có nhiều cột tròn...đều thuộc mộc địa. Khi tổ chức cảnh
quan hay xây dựng nhà cửa nếu dùng các kiến trúc cũng dạng mộc (nhà gỗ, cột
tròn, nhà vươn cao) thì sẽ được ổn định. Khi dùng kiến trúc theo dạng hành hoả
(mái dốc, nhọn, ngói đỏ) thì được tương sinh mộc hỏa, tuy nhiên, nếu xung quanh
nhiều cây cối quá thì phải phát quang, vì mộc vượng, sinh hoả vượng, gặp hỏa
hoạn.
Nếu trên mộc địa mà dùng các kiến
trúc hành thổ (nhà mái bằng, thấp) thì không phù hợp (mộc khắc thổ) vì dễ tạo
ra các vùng lõm giữa môi trường mộc, tích tụ ẩm và gió hút. Về qui hoạch chung,
thì qui hoạch đã định vị mảnh đất, chỉ có thể mua miếng đất hợp với mệnh trạch,
tuyệt nhiên không thể mua miếng đất nghịch trạch rồi định vị hướng phong thủy
theo chủ quan.
Khuynh hướng chung của các khu
dân cư đã ổn định và các khu dân cư mới hoặc đang qui hoạch, căn nhà đều định
vị theo dòng chảy của các con đường, có nghĩa là trước mặt ngôi nhà luôn là con
đường, dù lộ lớn hay đường làng, đường mòn hay đường nội bộ.
2. Thuật ngữ Tam Cương, Ngũ
Thường
Tam Cương là phép tắc vua - tôi,
cha - con, chồng - vợ. Ngũ Thường là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là qui phạm
đạo đức xưa. Còn trong phong thủy, khi chọn đất làm Dương Cơ (nhà ở) hay Âm
Phần (mồ mả), Tam Cương là 3 yếu tố: Khí Mạch - Minh Đường – Thủy Khẩu. Ngũ
Thường là 5 thành phần cơ bản của miếng đất: Long - Huyệt - Sa – Thủy - Hướng.
Xem xét cát - hung của một thổ trạch đều phải dựa trên Tam Cương - Ngũ Thường,
không được bỏ qua yếu tố nào. Khí mạch vượng phải có thêm minh đường thoáng
đãng (khoảng đất hay mặt nước phía trước) và thủy khẩu khúc tắc (quanh co uốn
lượn, tránh chảy thẳng tuột hoặc phản cung) thì mới gọi là đắc địa.
Tam Cương trạch là chia ba phần
đều nhau (mặt cắt ngang và cắt dọc) của miếng đất xây dựng, tính từ mặt tiền
nhà, phần tiền được coi là phần quan trọng nhất, gọi là vua tôi, phần giữa được
coi là phần quan trọng thứ nhì, gọi là cha con, phần sau được coi là phần quan
trọng thứ ba, gọi là vợ chồng.Người chủ đầu tư nên xem xét ý nghĩa quan trọng
này mà bố trí các phòng ốc thích hợp. Dù là tam hay tứ đại đồng đường, người
chủ đầu tư dù thứ bậc ông, cha, con hay cháu vẫn đứng ở vị trí quan trọng nhất
(vua tôi).
Nói thêm: Theo quan niệm phong
thủy truyền thống, chủ dương trạch luôn là người nam được thừa hưởng hoặc tự
xây cất căn nhà cư ngụ. Cha mẹ đến ở với con cái là ở nhờ, không coi là chủ
dương trạch, vợ và các con, cháu sắp xếp theo trạch chủ. Trường hợp chủ trạch
mất, con trai trưởng đã trưởng thành (18 tuổi) sẽ là chủ trạch, chưa trưởng
thành (dưới 18 tuổi) người mẹ là chủ trạch. Trường hợp người nữ là độc thân,
chồng chết hoặc không có con trai, người nữ là chủ trạch. Chỉ xác định đông
hoặc tây tứ theo chủ trạch.
3. Thuật ngữ Tứ Tượng
Quan sát thiên văn trong vũ trụ,
các triết gia Đông Phương đã chọn 28 ngôi sao ở gần Hoàng Đạo và Xích Đạo làm
chuẩn, từ đó phân ra Đông - Tây - Nam - Bắc, mỗi phương có 7 sao xếp nên các
hình tượng Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, từ đó xác định yếu tố cơ
bản của Phong Thuỷ là phương vị.
Thế đất khi lựa chọn cần tuân thủ
theo Tứ Tượng nói trên là Long (trái), Hổ (phải), Tước (trước), Vũ (sau). Ấy là
quan niệm chọn đất làm nhà hợp với môi trường thiên nhiên: Dựa vào thế cao phía
sau nhìn ra khoảng trống sáng sủa phía trước, hai bên trái phải có sông ngòi
uốn khúc, đồi núi nhấp nhô.
Quan sát Tứ Tượng là quan trọng nhất
cho việc định vị thổ trạch và diện tích căn nhà xây dựng.
Định vị thổ
trạch và diện tích xây dựng là xác định mối tương quan giữa nhà và đất thuận lý
với trạch mệnh của người chủ cư ngụ. Nếu căn nhà xây dựng trên 1/2
miếng đất phía trước (phía mặt tiền Chu Tước), phong thủy cho rằng căn nhà ấy
sẽ lợi ích cho người chủ đầu tư dưới 30 tuổi, cát vượng nhanh chóng, nhưng
không bền vững lâu dài. Nếu căn nhà xây dựng trên 1/2
miếng đất phía sau (phía mặt hậu Huyền Vũ), phong thủy cho rằng căn nhà sẽ lợi
ích cho người trên 40 tuổi, cát vượng chậm nhưng chắc chắn, bền vững lâu dài và
được sức khoẻ, tuổi trời. Tuy nhiên, xây dựng ngôi nhà giữa trung tâm miếng đất
được coi là lý tưởng nhất, vì ngôi nhà được thụ hưởng tứ tượng. Trường hợp này
sân vườn tiền tước nên rộng gấp đôi sân vườn hậu vũ, chí ít cũng rộng lớn hơn
54cm, giới thủy bên tả Thanh Long nên rộng hơn giới thủy bên hữu Bạch Hổ, chí
ít cũng 5,4cm.
4.
Thuật ngữ Cát - Hung thủy
Tướng Sơn
(nhìn địa hình), Tướng thủy (xem nước) để đánh giá cát - hung của môi trường.
Cát thủy là nguồn nước dẫn đến thì phải có nơi đón nhận ở phía trước (thủy nhập
đường). Nếu là sông thì phải quanh co uốn khúc mới cát, còn chảy xiết xối,
thẳng là hung. Nếu là suối thì phải êm đềm, lắm thác ghềnh thì dựng nhà sao
được. Nếu là hồ, đầm thì mặt nước phải phẳng và trong ấy là cát, còn nếu đục
ngầu, xói lở thật là bất lợi. Nói chung, nước trong thiên nhiên cần giữ nguyên
trạng để bảo tồn nguyên khí, việc san lấp tùy tiện, đào rãnh khơi mương bừa bãi
không cân nhắc sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, xâm hại môi trường khiến trường khí
dương trạch bị suy tổn.
5.
Thuật ngữ Hung Sơn
Năm dạng địa
mạo xấu cần tránh hoặc khắc phục: Đồng (trụi trọc), Đoạn (đứt khúc), Thạch (trơ
đá), Quá (vượt ngoài hình thể, mất cân đối), Độc (lẻ loi, đơn côi). Đồng Sơn và
Thạch Sơn cây cối làm sao sống, nước làm sao ngưng tụ. Đoạn Sơn, Độc Sơn, nhà
nơi đồng không mông quạnh, không xóm giềng liệu sống được chăng? Còn Quá Sơn
thì nhịp sinh học của người cư trú bị tán loãng, khiến suy bại nhiều lắm. Các
qui hoạch dân cư mới, chưa xử lý hạ tầng theo hướng tích cực: Đường sá, cấp
nước, lưới điện, đã xây dựng khu dân cư, là rất hung xấu.
6.
Thuật ngữ Tương Hình Thủ Thắng
Khái niệm
chỉ các biện pháp phong thủy tạo sự ổn định và thuận lợi cho dương trạch. Tập
trung vào sáu chữ: Bối Sơn - Diện Thủy - Hướng Dương có nghĩa là dựa lưng vào
núi, quay mặt về chỗ có nước, hướng nhà về phía có ánh sáng. Nếu mặt trước
hướng Nam đón gió lành, có sông ngòi ao hồ ở chính diện tận dụng được hơi nước
và cảnh quan, có núi non và gò đồi ở hậu diện làm chỗ chắn gió lạnh phương Bắc,
ấy là đắc cách.Nhưng thực tế khó lòng tìm kiếm được miếng đất như vậy, nên
tương hình thủ thắng chính là nương theo điều kiện sẵn có,dựa vào thiên nhiên
mà điều chỉnh dương trạch của mình cho phù hợp.
7.
Thuật ngữ Hình Pháp
Hình và khí
luôn tương ứng nhau, đồng thời cũng tương ứng với chất (vật liệu tạo thành) và
sắc (màu sắc, khí sắc). Hình nào thì khí ấy, chất ấy, sắc ấy. Xem hình để luận
khí, vọng khí để diễn giải hình thể, luôn tương đối không thể tách rời. Cũng có
lúc chỉ thấy hình mà khó đoán khí, đó là ngoại hình lấn át nội khí, cần phải
đảm bảo tính xác thực, nếu không hình khí sẽ không song hành. Hình - Chất - Sắc
tương ứng nhau theo mối quan hệ ngũ hành tương sinh, tương khắc. Từ mối quan hệ
này mà chọn chất và sắc tương quan với hình và khí của con người cũng như dương
trạch sao cho hài hòa và thuận lý.
8.
Thuật ngữ Bát Phong
Gió của 8 phương
hướng mạnh, nhẹ, chính phụ xoay chuyển xung quanh cuộc đất có vai trò quan
trọng đối với trường khí dương trạch. Nhà quay về hướng nào hoặc mở cửa mặt nào
cũng là đón gió từ hướng đó nhiều nhất. Do đó phải tìm hiểu Hoa Gió để xếp đặt
kiến trúc cho phù hợp. Không phải hướng gió thổi mạnh là tốt. Tránh gió xấu
(nóng, lạnh, khô) mà đón được gió lành (mát, dịu, mang theo hơi nước) thì môi
trường cư ngụ được hưng vượng. Cần lưu ý gió cục bộ (các mặt nước rộng, hẻm hút
gió) để bổ sung dương trạch. Các hướng có gió xấu (Đông Bắc, Tây Bắc) có thể
trồng cây ngăn bớt. Khi xem xét cuộc đất, việc nhận định gió và nước phù hợp là
rất quan trọng. Không phải cứ có gió, có nước là đạt phong thủy. Nếu được phong
tàng thủy tụ (gió ẩn, nước tập trung) tức là tạo khí tụ thì đảm bảo cân bằng
sinh thái, giữ được nguồn gốc sự sống, nhược bằng gặp gió thổi mạnh và phân tán
(phong phiêu) cùng với nước chảy mạnh thoát đi tùy tiện (thủy đãng) thì lại rất
kỵ, không thể là cuộc đất dựng nhà cư ngụ tốt được. Thường các vùng Sơn cốc,
phong cảnh hùng vĩ, có thác lớn suối sâu, gió lộng bốn bề, thì chỉ là các điểm
dừng chân tham quan, nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, nếu định cư lâu dài thì
chính là chỗ phong phiêu thủy đãng, không hợp với nhịp sinh học của con người,
không phải là thổ trạch tốt.
9.
Thuật ngữ Tân Chủ
Phong thủy
xưa chỉ hình thế hai núi đối diện nhau như khách (tân), chủ phải nghiêm trang
cân đối, nếu chủ khách không nhìn nhau sơn mạch lung tung thế đất khó cát
tường. Ngược lại, nếu chủ, khách quá gần, không phân biệt trước sau, trên dưới
thì cũng làm cho địa mạch bị kìm hẹp, là hung cách. Trong điều kiện đô thị, tân
chủ tương đồng là nên làm nhà trong khu qui hoạch ổn định, tương xứng về chiều
cao, hình khối, nhà đối diện nhau thì giữ khoảng cách minh đường thông thoáng,
không mở toang của dễ bị xoi mói vào nhau, mà cũng không nên xoay xiên vặn lệch
nhiều dễ gây tán khí, hư hại trường khí toàn khu.
10.
Thuật ngữ Phò Môn
Thuật ngữ
chỉ sự bảo vệ, giữ gìn cửa nhà, hay cụ thể là giữ gìn phần minh đường phía
trước mỗi thổ trạch. Minh đường có thoáng đãng, chu toàn thì mới nghênh đón được
cát khí, đồng thời giảm thiểu xung sát. Trước mỗi cửa chính, sân hay tiền sảnh
cần tránh để các vật lạ như đá tảng, trụ điện hay độc thụ (cây lẻ loi) án ngữ,
che khuất tầm nhìn và cản trở đi lại, nhất là khi chúng bị đối tâm môn (nằm
giữa tâm cửa). Phò Môn còn là việc cấu tạo mặt ngoài nhà sao cho cửa không bị
tác động xấu của thời tiết làm hư hao hoặc mở ra bị vướng. Tốt nhất là đại môn
nên có khoảng giới thủy, lùi lại để tránh trực xung, đồng thời tạo cho minh
đường khoảng lùi cần thiết, không nên nhô ra quá gần đường giao thông. Nói thêm
về cô phong độc thụ. Nghĩa gốc là một núi (độc sơn) lẻ loi chầu trước huyệt,
một thế đất xấu. Về mặt cảnh quan, nếu trước khu đất hay ngôi nhà bị án ngữ bởi
vật thể hay chướng ngại: Trụ điện, miệng cống, cây to...đều gây cản trở tầm
nhìn, mất mỹ quan và giảm sinh khí. Nếu có độc thụ thì gây cản trở đi lại, độc
đạo thì gây hút gió trực xung. Khắc phục các nhược điểm trên bằng cách trồng
rào cây cản gió hoặc xây tường lửng làm bình phong, nếu có trồng cây trước cửa
thì nên bố cục hài hòa, trồng cây theo nhóm cao thấp tương quan hoặc đăng đối
hai bên, tránh trồng một cây đơn độc chính giữa.
11.
Thuật ngữ Thập Nhị Trượng Pháp
Là các giải
pháp căn cứ theo quan điểm tổ chức cảnh quan để chọn lựa các cuộc đất hài hòa
phong thủy. 12 trượng pháp gồm: Thuận, nghịch, xúc (co lại), xuyết (tô điểm),
khai, xuyên, ly (rời), một (mất đi), đối, tiết (cắt đứt), phạm và đôn. Trong đó
quan trọng hơn cả là thuận trượng (nương theo địa hình, tận dụng cảnh quan để
chọn cuộc đất). Thuận trượng cũng có thể kèm theo nghịch trượng (tìm kiếm các
hạn chế, dùng tương phản để tạo nổi bật). Thuận trượng đúng là đón nhận lai
mạch của bản sơn (cuộc đất chủ thể) để sắp xếp không gian cảnh quan, định trung
cung và long cục thủy khẩu.
Vài ví dụ:
+ Đôn
trượng, thủ pháp chính là đắp thêm nền để tạo sự thay đổi độ cao, bình sàn xây
dựng và bài thủy tốt hơn. Đôn trượng phải bắt đầu từ việc xác định cao độ vốn
có của thổ trạch và hướng bài thủy thuận (thoát nước). Nguyên tắc truyền thống
của phong thủy cao độ phía sau phải cao hơn cao độ phía trước, Minh đường tiền
trạch cần thoai thoải thoáng đãng, còn hậu chẩm (phía sau) có thể bả sơn tựa
núi là thế chủ tọa vững chắc, phát triển lâu bền về sau. Tại các vùng đất thấp trũng, đôn trượng là thủ pháp rất hữu
hiệu để được một thổ trạch ổn định và cao ráo, tránh được ngập trũng, úng thủy
cũng như những tác động xấu từ môi trường đem lại.
Khai trượng,
là giải pháp phức tạp nhất, lấy trọng tâm ở việc tránh trực xung. Quyết yếu là
đường khí không được đi thẳng vào trung tâm, phải để cho đường khí chạy theo
hai bên mà vào. Trong chọn huyệt vị cho thổ trạch, có long mạch chầu về mà quá
gấp, quá thẳng, chĩa vào trung tâm cuộc đất tức là trực xung, bất lợi. Nên chia
tách trường khí, chuyển sang hai bên rồi mới vòng lại theo cách khí vận khúc
tắc (uốn lượn) thì tất giảm được trực xung mà tàng phong tụ khí được nhiều.
12. Thuật ngừ Trung
Cung
Mỗi nhà hay căn phòng đều có một
khu vực hoặc một điểm trung tâm gọi là trung cung. Từ trung cung (các hệ trục
ngang, dọc, chéo) và phương hướng của ngôi nhà cũng như các bố trí xung quanh
nó được thiết lập. Tùy điều kiện thực tế, có thể định vị Trung Cung của toàn
nhà hay từng phòng riêng. Định trung cung toàn nhà để có cái nhìn tổng quát, từ
đó phân các khu chức năng: Bếp, phòng khách, ngủ, vệ sinh. Định vị trung cung
từng phòng là để tiếp cận chi tiết và đề ra giải pháp cụ thể. Tại trung cung
của nhà không nên đặt các khu vệ sinh, kho chứa đồ vì sẽ ảnh hưởng không tốt
đến trường khí toàn nhà.
Trên Bát Quái hậu thiên,trung
cung giữ vị trí số 5.
Mồng năm (5) mười bốn (14) hai ba
(23), đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn. Câu ca dao này đánh giá vai trò số 5
(1+4=5 và 2+3=5) quan trọng biết là ngần nào. Số 5 nơi trung cung là con số giữ
vai trò cân bằng các hệ trục ngang, dọc, chéo của ma trận tam phương (xem phần
Bát quái đồ), giữ vai trò chủ đạo trong việc kích hoạt nhập thế và xuất thế cho
dương trạch.
13. Thuật ngữ Trần Thiết
Dương Trạch
Tướng địa (chọn đất) và trần thiết (trang trí nội thất) là một thể thống nhất của phong thủy. Các nguyên tắc cơ bản của trần thiết dù biến thiên qua thời gian, song vẫn luôn thống nhất. Từ việc đặt bài vị (bàn thờ) không được nhìn vào khu vệ sinh (uế khí xâm phạm) đến cách bố trí cầu thang tránh đi trên chỗ giường ngủ hoặc chỗ làm việc vì gây bụi và va chạm. Phong thủy hướng các chọn lựa an toàn, ổn định và vệ sinh. Những chi tiết nhỏ như: Giường ngủ không được đặt gương soi đối diện vì tránh luồng hung khí phản chiếu, gây ảo giác cho người nằm ngủ hoặc dầm, xà băng ngang đầu người sinh hoạt bên dưới dễ là nơi bám bụi và khó chiếu sáng...Chính là các nguyện tắc cơ bản khá thiết thực khi bố trí nội thất và xếp đặt không gian.
14. Thuật ngữ Thủy Dụng
Khái niệm chỉ việc sử dụng nước trong dương trạch sao cho hợp lý, hài hoà. Những khu vực sử dụng nước nhiều như phòng tắm, sàn nước...phải lưu ý bài thủy thông suốt, lưu ý tới vấn đề thủy luân, tránh tù hãm hoặc nước tĩnh, nước không chảy tức là không tạo được dòng sinh khí, nhưng nước chảy mạnh quá, không tương đồng với nhịp sinh học của người cư ngụ thì cũng gây ra tán khí. Chú ý trong dương trạch phải vừa có tụ diện thủy (nước trên mặt thao kiểu hồ cảnh) vừa đảm bảo duyên trữ thủy (nước sạch dự trữ trong nhà) thì mới đảm bảo vừa có trường khí sinh động bên cạnh nguồn nước dùng cho sinh hoạt lâu dài và ổn định. Ngoài ra, thủy dụng còn bao hàm ý nghĩa xuất thế trong việc Vọng nước cầu Long.
15. Thuật ngữ Khiêm Trạch
Ngôi nhà tuân thủ theo quẻ Khiêm (Địa/Sơn Khiêm) bao hàm ý nghĩa sâu xa về sự cân đối, hài hòa, vừa phải. Công trình càng lớn, càng đổ nhiều tiền của thì càng phải tính sao cho khiêm tốn, dùng tiền đúng chỗ đem lại hiệu quả. Cùng là điều kiện tự nhiên như mưa, nắng, ẩm, gió, song hành với những hoạt động hàng ngày của con người như thân nhiệt, hơi thở cho đến phân rác hay các quan hệ xã hội, láng giềng đều có thể trở thành phúc hay họa. Xây nhà cửa mà tận dụng được những yếu tố bên ngoài thì là hợp với đạo khiêm. Khiêm trạch đối lập với phô trương chứ không đồng nghĩa với thấp bé hay thiếu thốn. Không phải cứ mờ nhạt hay khép nép là khiêm, mà khiêm trước hết cái gì lớn thì lớn, cái gì nhỏ thì cần nhỏ, hình thức tương xứng với nội dung, không làm cho cái vẻ bên ngoài nhiều hơn cái thực có bên trong. Cân bằng âm dương, tĩnh động tương sinh ngũ hành chính là hướng tới khiêm trạch vững bền.
Trên đây chỉ là 15 trong vô số
các thuật ngữ kinh điển của phong thủy truyền thống. Nên coi 15 thuật ngữ này
là luận thuyết căn bản để học biết, để kế thừa, vận dụng trường hợp có thể, để
thụ hưởng lợi ích cho căn nhà cư ngụ. Dương trạch xây dựng mới hay đã cư ngụ
đều có thể ứng dụng. Với xây dựng mới, chỉ sau khi làm quen và xác định được
những khái niệm trên mới nên nhờ kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng tiến hành
thiết kế và xây dựng. Với dương trạch đã ngụ, có thể tu sửa các khiếm khuyết,
khắc phục những có thể trong khả năng có thể, điều đó chỉ khiến căn nhà cư ngụ
cát vượng hơn.
Kế thừa, vận dụng tinh thông 15
thuật ngữ kinh điển này có thể coi là đủ kiến thức ứng dụng phong thủy truyền
thống. các thuật ngữ khác, biết thêm cũng tốt, tuy nhiên không cần thiết, bởi
không nên để các thuật ngữ bí hiểm đưa ta vào ma trận phong thủy bí hiểm, mà
thực ra phong thủy chỉ đơn giản là phong thủy như đã trình bầy ở Chương Đề dẫn.
/ Mời đọc tiếp chưởng Bốn PTUD/
Nguyễn Nguyên Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét