Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Sách thơ VƯỜN NĂM NHÀ,1 / Phần thơ Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Phần văn bản Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

Tủ sách THƠ BẠN THƠ 
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)

VƯỜN NĂM NHÀ

Thơ


nguyễn nguyên bảy
HẠT CÁT
hoàng xuân họa
LÝ PHƯƠNG LIÊN
mai an nguyễn anh tuấn



NXB HỘI NHÀ VĂN


VƯỜN NĂM NHÀ

Sinh 1952 tại Hà Nội. Sống và viết ở Hà Nội
thơ. mai an nguyễn anh tuấn

Thơ Mai An Nguyễn Anh Tuấn
MEN THEO THƠ MÀ GẶP TÂM HỒN..

Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa

Một.
Tình bạn thơ của chúng tôi, hình như bắt đầu từ năm ấy, năm em đang là sinh viên năm nhất, nhị gì đó, Đại học sư phạm văn, còn chúng tôi vừa sinh cháu đầu lòng, mà em quen miệng gọi cháu là cu Tám ( bố là Bảy), nay Tám đã tuổi 44, còn em đã sáu mươi đuôi ngắn..
Thành thực mà nói, vì em coi tôi vai trên, mà tôi bản tính kiêu căng, ngạo mạn, hay lấn lướt người, được bạn xếp vai trên, nên coi thường vai dưới, gọi em là ‘chíp’, kẻ cả vô lối, nghĩ thẹn với em vô cùng. Em thân với Lý Phương Liên hơn với tôi, mà không chỉ em, nhóm các em ‘bộ tứ’ : Em, Liên, Lưu Trọng Văn và Nguyễn thị Hồng Ngát. Sau hơn 40 năm tứ tán. Văn ở Sài Gòn, cùng miền, nhưng thoang thoảng có dịp mới gặp nhau, ý thích khác nhau, cuộc đời gây dựng khác nhau, nên không thân không sơ vẫn là tình bạn. Ngát “nên người” hơn, địa vị xã hội "áo hoa”, hoa nào chẳng cao sang hơn cỏ, nên cỏ mắc cỡ nép mình trong bụi, dẫu vậy vẫn là bạn bè. Còn em, gặp thật, theo nghĩa thật thì đúng là từ ngày tha hương, sau 75, đến nay. Gặp trên điện thoại. Em nghe và reo lên: Anh!/ Rồi giọng em chìm xuống: Anh thật phải không? Em thương anh quá./ Thế rồi em bay ngay đến. Ôm chầm anh, thật chặt. Anh cười khanh khách/ Nụ cười tu thân cả đời mới được/ Cười mà nước mắt chảy ngập ruột/ Còn em, đôi tay run bấy, vỗ vỗ vai anh, không nói thành lời, chẳng lẽ anh lại dỗ em/ đừng khóc..
Em tôi: Nguyễn Anh Tuấn./ Nghệ danh: Mai An Nguyễn Anh Tuấn. Bút danh khác: Nguyễn Yên Thế./ Sinh năm 1952 tại Hà Nội, Quê gốc Xứ Đoài/ Nghề nghiệp chính: đạo diễn điện ảnh.
Em bảo: Anh ơi, xa nhau ngần ấy năm, nhưng em vẫn luôn giõi theo anh từng lúc thời gian có thể, và em tin một cách vững chắc rằng: Anh là chiến hạm không bao giờ đắm ( hỗn danh thời trai trẻ của tôi), chiến hạm ấy nhất định cặp bờ “vào một ngày nắng đẹp” theo thơ Lý Phương Liên. Còn em, kể vắn đời tư: Ba em đã mất, mẹ ở với vợ chồng em. Em đã hôn nhân hai tập, tập 1, một cháu gái, mới lấy chồng, tập 2, cũng cháu gái..đang tuổi búp,mầm,chồi../ Thế anh ạ, còn các chuyện khác, anh tự tìm hiểu mà biết..cho vô tư../ Em muốn đãi anh bữa tiệc gặp lại nhau đầu tiên này tại nhà Tập 1 của em. Nói làm liền. Em gọi điện thoại và đầu dây bên kia, giọng nữ thanh thanh, em chào anh chị, và tiếng đọc thơ, một lèo luôn, bài “ Chờ anh dưới cột đồng hồ” của Lý Phương Liên/ Hết thơ mới là lời giới thiệu, em là Bích Ngọc, nhà thơ, mẹ của con gái đầu anh Tuấn..

Bạn văn của tôi: Nguyễn Anh Tuấn
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN : / Thung lũng buồn (tiểu thuyết, nxb Thanh niên) / Người tù áo sạch (truyện ngắn, nxb Thanh Niên) / Nỗi niềm đường xa (truyện ngắn,nxb Hội nhà văn) / Lũ muộn (truyện ngắn truyện vừa, nxb Hội nhà văn)
Viết các kịch bản phim truyện điện ảnh & truyền hình đã làm phim: / Vầng trăng lửa/ Ông bầu ca nhạc/ Chuyện học đường/ Thì thầm cao nguyên/ Bản lĩnh người đẹp/ Tầng cao nghiệt ngã,/ Biển lặng/ Phiên tòa tình yêu/ Người kế thừa dòng họ/ Họ đã từng yêu như thế/ Trái tim đầu thai, v.v./  Cùng nhiều phim tài liệu nghệ thuật về văn hóa- lịch sử (về Thái sư Lê Văn Thịnh,/nho tướng Lê Đại Cang/ nhà thư pháp tranh Bùi Hạnh Cẩn/ tranh dân gian VN, Rối nước VN, v.v )
Viết nhiều bài tiểu luận về văn hóa, văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc... trên các báo in và báo mạng ( Sắp in : "Trò chuyện với chân dung mộng mị"- Chân dung & Tạp luận/  và "Văn hóa Việt trong cảm nhận của một người làm phim"- Tiểu luận & Tùy bút điện ảnh )

Tôi nắm tay Tuấn, hình như hơn một lần, kiểu nắm tay thăm dò tình cảm xem nên hay không nên nói điều định nói, sau hết, tôi đã nói: Thứ nhất: Lao động văn chương được một khối lượng thành tựu thế này của Tuấn, thực đáng nể, đáng ngả mũ khâm phục, nhưng là khâm phục sức lao động, còn khâm phục tài năng thì chưa, dù anh chưa được đọc trọn tác phẩm nào của Tuấn. Vì sao, anh không biết, anh chỉ cảm là thế./ Thứ Hai: làm chủ được khối lượng tác phẩm văn chương thế này, thì chắc chắn em đã thành chuyên nghiệp, tất cả những lý thuyết luận văn chương kinh điển/ trường ốc/ trường đời..em đã nắm trong tay, vững chắc, không còn gì để nói. Ngắn gọn  là em đủ tư duy, chữ nghĩa, văn nghịch, thuyết thuận để làm Nhà Văn. Nhưng../ Tuấn đón chữ nhưng của tôi/ Anh muốn đọc tâm hồn chứ gì? Cái đó em gửi trong thơ./ Tôi reo lên: Đúng, đúng..Anh chỉ muốn đọc thơ của em thôi/ Đọc trước hết, ngay bây giờ/ vì chúng ta bắt đầu với nhau là tình thơ/ Nếu anh nhớ không lầm thì bài thơ kết bạn thơ đầu tiên giữa chúng ta, là bài thơ đầu tiên em viết viết cho Cu Tám./ Tuấn cười vỡ bát ( tiếng cười rất sảng, rất riêng của Tuấn) Trí nhớ anh tuyệt thật..Lâu quá rồi, đã ngoài 40 năm, em không còn thuộc bài thơ ấy.. Em có làm thơ anh ạ, hơi bị nhiều, nhưng đó là tiếng lòng em, vùng thiêng của em, em rất ít khi chia sẻ/ Nhưng với anh..Anh là anh trai của em, để em lấy những chép tay ngổn ngang anh đọc.

Hai. Xin Mẹ cho con thăng hoa hồn, đi men men theo thơ Tuấn, mà đón gặp tâm hồn Em..
Con đang ở Tây Bắc, Tuấn đang dạy học ở đó, con thì không, con chỉ là kẻ lãng du mơ hồ Tây Bắc với hoa ban nở trắng núi đồi/ cọ xòe ô che lá/ Suối mát trong rì rào(*)/ cảnh đẹp hoang đường với những ban mai mặc áo sương cóng lội suối trèo đèo đến lớp, với những đêm rét cắt da thịt đốt lửa hát khắp buồn..

/Tiếng hát buồn xé rách dải sương mù/ Khói đốt nương tạm ẩn mình đất khổ/ Em gái quay sa đêm trường sương giá/ Tiếng nhị khuya man mác cả vầng trăng/ Anh từng qua những dòng- sông- suy- tưởng/ Tìm em. Và ý nghĩa của đời anh/ Nhưng chim lửa kêu thương mùa giáp hạt / Lại đưa anh về bên dòng- sông- màu- xanh…
( Khắp buồn )

Tuấn lên Tây Bắc, không phải lên để ngắm núi xem hoa, mà để ở, cũng không phải dể  ở, vì chữ ở tàng ẩn cái gì đó tạm bợ, mà là định cư, chữ định cư chưa thật đúng, mà đúng phải là Tuấn lên Tây Bắc để làm một người con Tây bắc, chọn Tây Bắc là quê hương, yêu quê hương và xây dựng quê hương ấy như một lẽ sống của đời. Và chỉ có vậy, tình cảm của Tuấn khi nói, viết về Tây Bắc mới dạt dào tình chân, cảm thật, tràn khắp tay núi, lưng đèo, lòng người, tình thầy trò, dân bản, và tình yêu..một cô tắm tiên nào đó..

/Em có biết suối này chảy về đâu/ Anh mong em. Suối vô tình thân thuộc/ Anh nhớ em. Sương rừng giăng giá buốt/ Mảnh trăng nghiêng thêm lạnh một căn phòng/ Anh lên miền Tây trời chẳng còn trong/ Mưa bất thần. Lũ về đột ngột/ Như nỗi nhớ chẳng hề báo trước/ Anh lại thèm đi. Khát gió trăm miền .../
( Lại một mùa mưa Tây Bắc)
Anh lại thèm đi. Khát gió trăm miền.. Câu thơ hào hùng này của Tuấn, đủ nói cái chí của chim bằng , cái chí chỉ có trong con người sống tràn ngập lạc quan, luôn tin tưởng ở tương lại, tự tin vào nội lực của mình. Câu thơ hào hùng ấy đi trong thênh thang, chút lãng tử, chút ngạo nghễ:/ Những trưa chói chang, những lúc sương chiều/ Hay những sớm khi chim rừng mở hội/ Trên những nẻo đường quanh co ven sông ven suối/ Có một người trai đang đi.../
( Viết trên thượng nguồn sông Mã).
Bảo là đi trong thênh thang, không có nghĩa là mọi con đường kích hoạt tâm hồn bước về phía trước đều thênh thang. Tuấn càng không ngoại lệ, bởi với người thơ, tâm hồn bén thính vô cùng, tự ái tự trọng vô cùng, và cả bẽn lẽn, nhu nhược, mặc cảm yếm thế cũng vô cùng, nên việc phải biết rũ, biết bỏ lại những đau khổ, những thất vọng, những cơn khủng hoảng là việc làm thường trực, thường nhật, để tâm hồn trong sạch, dũng cảm mà đi về phía trước, nơi có bến tương lai. Mẹ ơi, Tuấn đã đi về phía trước như thế, đôi khi vật vờ, mệt nhọc, thất vọng, chán chường, nhưng thật may là Tuấn không gục ngã:

/ Danh dự - Nhân phẩm - Tình yêu chỉ còn là đài tưởng niệm của quá khứ/ Cái thời người ta có thể rút gươm vì một chút lòng tự  trọng bị xúc phạm có còn đâu/ Cũng không còn ai dám chết vì một niềm tin xác thực, một chân lý hiển nhiên bị đe dọa/ Anh bị những “hiệp sỹ” của miếng cơm manh áo và những quyền lợi nhỏ bé bao vây/ Bị dồn đến chân tường mà chưa biết cách tự thoát, cũng chưa biết chết bằng cách nào.../
(Cơn khủng hoảng)

Không gục ngã, vẫn đi tới, đi với một tâm hồn thiết tha yêu đồng loại, vì lý tưởng xanh/sạch/đẹp cho cuộc đời mà hiến thân, tấm tâm hồn ấy, ở Tuấn, là tấm tâm hồn của người say thơ, yêu thơ, mượn thơ thay tiếng lòng, lấy thơ làm giải pháp tu thân, giải pháp góp sức cùng cộng đồng dựng xây cuộc sống ước. Tấm tâm hồn ấy chắc chắn tươi tốt, thanh cao, còn chuyện thơ, tiếng
lòng thấp cao, mở lòng chia sẻ cùng nhau mà nghênh/nén..


/ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo/ dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng/ nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa/ ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?/ và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo/ ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà.
( Với bạn- một nhà thơ, nhà báo)

Sau khi tốt nghiệp sư phạm Văn, Tuấn lên Tây Bắc dậy học, những bài thơ Tây Bắc đã tạo nên hồn cốt thơ của Tuấn. Nói hồn cốt, bởi Tuấn đã đắm mình sống và yêu Tây Bắc  như một người yêu nơi cắt  rốn chôn nhau của mình. Tuấn đã biết khu biệt phần xác của sinh tồn sinh lý trong ý nghĩa vị kỷ với phần hồn của tình yêu, của lý tưởng, của tranh đấu vị tha. Vì thế, Tuấn đã cố sức hơn có thể, trải nghiệm mình nơi các vùng miền khác nhau, các nghề nghiệp khác nhau, các sướng vui, đau khổ khác nhau. Nào, mời cùng men men theo thơ Tuấn, mà gặp Tâm Hồn.

Tâm hồn/ Đêm Hàng Châu
/ Tôi thao thức bên những rừng cây, những lâm viên, những bồn hoa đẹp mê hồn san sát gió Tây Hồ dịu ngọt đắm đuối làm sao vậy mà như uống nhầm thuốc đắng!/ Đây là nơi các sứ thần-thi sĩ Việt Nam từng nghỉ lại trên đường vạn dặm tới Trung Nguyên/ Nỗi cảm hoài của các vị về vận Dân, vận Nước khiến vẻ đẹp Đường thi, Tống thi cũng trở nên nhạt nhẽo, vô duyên và thiên nhiên tráng lệ càng tô đậm nỗi xót đau tựa căn bệnh kinh niên/ Những khắc khoải của các vị đến tận giờ vẫn còn đeo đẳng trong lồng ngực ọp ẹp đói dưỡng khí trong lành của tôi…/

Tâm hồn/ Gặp Tội Ác Hồn Nhiên
/ Tôi bỗng giật mình: Thì ra Tội ác cũng mang cả khuôn mặt hồn nhiên!/ Kẻ Ác hồn nhiên lấy Thánh đường của Giáo dục làm nơi hành hạ con người, hồn nhiên cướp đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và hồn nhiên biến cái hồn nhiên đáng yêu thành nỗi kinh hoàng, thành máu chảy và đầu lâu lăn lóc.../
Tôi chợt hoang mang sợ hãi: Còn những điều sỉ nhục và hạ thấp Con Người nào đang mang vỏ bọc Hồn Nhiên?

Tâm hồn/ Nói với mai sau một lời chém đá/ Dũng Cảm Lên Con!

/Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ…/
/Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm, mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…/

Và sau hết, tâm hồn nở hoa/ Khúc Hát Hoa Ban
/ Thứ cây nào như ban, quẩn quanh gai góc/ Từ lưng vực sâu dâng tới ngang đèo/ Ta ngỡ tưởng vươn tay hái được/ Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo.../
Tôi đã men men theo thơ Tuấn, tưởng còn đi thêm nữa, ngờ đâu, câu tứ tuyệt Khúc Hát Hoa Ban giải chiếu mời ngồi, và tiếng thơ ai đó cất lên, cao von, cong vút / Thứ cây nào như ban, quẩn quanh gai góc/ Từ lưng vực sâu dâng tới ngang đèo/ Tay ngỡ tưởng vươn tay hái được/ Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo/..Bữa ấy, tôi không biết mình có hái được hoa ban, nhưng rõ ràng tay tôi đã hái được một bạn thơ, một người thơ, tên là Mai An Nguyễn Anh Tuấn…

VƯỜN THƠ NĂM NHÀ
Thơ Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa


1. KHẮP1 BUỒN

Khi ngấm men nồng, lời đưa tiễn nghẹn ngào
Mưa gieo cơn, người đi rừng sẽ rét 2
Tiếng chim gì làm nền cho điệu khắp
Nhịp nôi đưa báo hiệu đã qua thu

Tiếng hát buồn xé rách dải sương mù
Khói đốt nương tạm ẩn mình đất khổ
Em gái quay sa đêm trường sương giá
Tiếng nhị khuya man mác cả vầng trăng

Anh từng qua những dòng- sông- suy- tưởng
Tìm em. Và ý nghĩa của đời anh
Nhưng chim lửa kêu thương mùa giáp hạt 3
Lại đưa anh về bên dòng- sông- màu- xanh…

1. Khắp- tiếng Thái là ca hát
2. Lời một bài dân ca Thái
3. Tức nộc-phay, theo truyền thuyết người Thái,
 là hiện thân của linh hồn người bị chết vì đói .



2. LẠI MỘT MÙA MƯA TÂY BẮC


Anh trở lại miền Tây giữa mùa mưa
Vẫn những thung sâu, những cung vòng, độ dốc
Nhưng trong dáng núi và sương mù phảng phất
Hiện lên niềm đau xót tới mai sau...

Em có biết suối này chảy về đâu
Anh mong em. Suối vô tình thân thuộc
Anh nhớ em. Sương rừng giăng giá buốt
 Mảnh trăng nghiêng thêm lạnh một căn phòng

Anh lên miền Tây trời chẳng còn trong
Mưa bất thần. Lũ về đột ngột
Như nỗi nhớ chẳng hề báo trước
Anh lại thèm đi. Khát gió trăm miền ...

Đừng trách anh mỗi lúc nghĩ về em
Những điều dịu êm hoá thành nóng bỏng
Những người bạn học đường của anh vừa ngã xuống
Chưa được cầm tay cô gái tặng thơ riêng

Dẫu chúng mình kỷ niệm thật thiêng liêng
Em đừng quên những ngôi nhà đổ sụp
Máu đang chảy dọc nẻo đường đói khát
Anh làm thơ như một kẻ vô tình!

Ở nơi kia, những đứa em đang chờ anh
Có bao điều cho người thầy xúc động
Anh đâu thể chỉ sống bằng ước vọng
Giữa những đôi môi, khoé mắt ngây thơ

Trong lặng lẽ của núi rừng trắng bạc
Anh lại thầm da diết một mùa mưa…


3. VIẾT TRÊN THƯỢNG NGUỒN SÔNG MÃ


Có gì xui anh nhớ về em
Bên dòng sông trăng phủ đầy lối hẹp
Phía dưới kia sông gầm gào chảy xiết
Bóng núi, bóng cây - sáng tối trầm ngâm

 Dòng sông này anh đến tận thượng nguồn
 Nơi bắt đầu bên bồi, bên lở
 Anh nhìn sông băng về biển cả
Bỗng mến thương bao con suối cần cù

Anh viết tên em trên bãi cát mùa mưa
Sóng trào lên, dòng tên em nhoà nét
Anh nhẫn nại - nước xoá rồi, lại viết
Và tên em theo sóng nối hai bờ

Những con suối hồn hậu, vô tư
Sau bao chặng rừng sâu, núi thẳm
Sông dừng lại, mở lòng trìu mến
Rồi lại miên man cuộn lũ, vượt ghềnh

Anh tìm em trong khúc hát trong xanh
Về rừng miền Tây, núi Mường Hung, dòng sông Mã
Anh đã tới những miền xa đất lạ
Sao thân quen như gặp lại mối tình đầu

Những trưa chói chang, những lúc sương chiều
Hay những sớm khi chim rừng mở hội
Trên những nẻo đường quanh co ven sông ven suối
Có một người trai đang đi...

Anh đã đi dọc những bãi phù sa
Thấy bóng dáng của đồng bằng quen thuộc
Ai đem lên đây nhãn lồng, mía mật
Anh nói gì hơn trước màu xanh sinh sôi?

Có rừng nguyên sinh và có những vành nôi
Trên những lâm trường và nông trường mới mở
Những dấu voi đi, bạt ngàn tre nứa
Những nguồn điện năng vang động khắp rừng già

Em có theo anh suốt dòng Nậm Ma*
Tới những nơi còn hoang vu, khắc khổ
Hoài bão nung qua những ngày nắng lửa
Anh tới đây gặp ngọn nguồn tình yêu...

* Tên địa phương của sông Mã



 4. NĂM CON GÁI CHÚNG MÌNH MƯỜI CHÍN TUỔI

“ Khi người ta mười chín tuổi,  người ta là bà hoàng”
(A. Tolstoi )

Những năm tháng buồn, anh đi lang thang
Trên những nẻo đường rừng quanh co thăm thẳm
Nương lúa khô khan, cỏ tranh cháy xạm
Gốc ban già cô đơn trong nắng mưa

Những năm ấy anh đã viết cho con gái chúng ta
Năm con mười chín tuổi
Bằng tuổi em khi em đến với anh
Mối tình vụng dại chân thành
Của cô học trò phố huyện…

Những năm tháng mai sau khi buồn đau đã thành dĩ vãng
Anh sẽ nói với con những gì từng làm hồn anh nhức bỏng
Những cô bé cậu bé cởi trần da cháy như hun
Lớn lên như rừng hoang, cỏ dại
Chúng đang ngơ ngác nhìn anh
Bên một hủm suối
Còn anh, một người trai Hà Nội
Đứng nhìn chúng hoài, lòng rưng rưng…

Mộng lãng du đưa anh đi qua bao nẻo rừng,
Bao con suối, bao dòng sông, bao khoảng trời xa lạ
Đâu cũng là Đất Nước nghèo trong câu ca và rơm rạ
Lán nứa mái tranh che tạm nỗi cơ hàn

Những mái đình chùa cong trĩu nặng kiếp nhân gian
Những cơn đói của anh nối tiếp những cơn đói của ông cha hàng thế kỷ
Và nỗi buồn vui của anh có muối mặn gừng cay của
bao đời thường không đếm xuể
Có những khi anh ngẩn ngơ trước một điệu dân ca đồng bằng
Giữa trưa nắng chói chang, trên vùng quê mới
Núi lại núi, mây giăng vời vợi
Giờ em ở đâu, sau núi và thời gian ?

Anh đã viết cho con gái chúng ta năm con mười chín tuổi
Bằng tuổi em khi em đến với anh
Mặc dù không biết đến khi nào con mới ra đời
Anh không hình dung nổi ra con
Song những gì anh yêu, anh buồn và mong mỏi
Sẽ in dấu trong tâm hồn con
Năm con mười chín tuổi.


5. LỜI HẸN HÒ VỚI NÚI


Cặp mắt em nhìn tựa sương giăng đỉnh đèo
Mùa mưa chưa qua
Mai em về nơi ấy
Đường núi quanh co một thời trẻ dại
Cho đến tận giờ
Anh vẫn còn đi...

Thôi em
Khóc làm chi
Cho anh quặn nhớ cơn mưa rừng xối xả
Khúc suối lồng đau
Bến xe lam lũ
Khói nương thẫn thờ
Cành ban trắng cheo leo..

Tuổi trẻ anh đi qua những bản nghèo
Phố huyện buồn ngủ quên trong mây núi
Nơi có những cuộc chia li vồi vội
Giọt lệ nào hoá đá giữa hang sâu

Mai em về trường xưa mái lá bạc màu
Thăm căn phòng của người trai thao thức

Có thể
Em sẽ tìm lại được
Tiếng chim rừng
Ngơ ngác
Cả đời anh

Hạnh phúc chúng mình
Sương khói mong manh
Chỉ có thực
Lời hẹn hò với núi
Cành ban tím giữa phố phường lủi thủi
Mai em đi
Anh lại nhớ rừng xa...



6. VỀ MỘT CÁNH CHIM DỄ BỊ ĐÁNH LỪA

Bên tranh Chim Hoà Bình của P.Picasso

Trước mặt anh
Là con chim bồ câu thực sự
Của một Con Người

Trước mặt anh
Là cánh chim bồ câu xơ xác
Đang dữ dội bay về phía trước
Trong nỗi đau và nghị lực phi thường

Anh không thể viết cho em những dòng liên tục
Thành phố buổi trưa báo động mấy lần
Và khi bom bắt đầu nổ rung hầm
Anh lại thấy:
Một cánh chim âm thầm
Bay về phía trước…

Anh viết cho em trong nhoáng nhoàng ánh chớp
Bên cánh chim chưa một phút ngừng bay
Bên một em bé mồ côi anh bế trên tay
Moi được từ căn hầm đã sập
Anh không thể bình tâm

Khi có kẻ khóc vì chim bồ câu họ nuôi bị chó cắn
Nhưng lại lim dim mắt khi xem ảnh trẻ con
 Việt Nam bị thiêu cháy trong lửa napan
Ta làm sao mà dửng dưng cho được
Khi thấy một cánh chim rơi trong sức ép của bom
Tên chim là Hoà Bình !

Em ơi em, đứa trẻ nào không biết
Thích thú, vui cười bên một con chim giấy gập!
Những em gái vuốt ve chim bồ câu mỗi sớm, mỗi chiều
Đôi mắt em thành đôi mắt bồ câu…
Ta nói về chim là nói về tình thương ấp ủ
Về những miền xa mơ mộng
Ta biết đâu
Có lúc phải nghĩ về chim như nghĩ về một nỗi đau
Vô cùng tận
Khi em cầm bút vẽ chim
Dù chỉ những nét đơn sơ nguệch ngoạc
Hay nghiên cứu về những hình khối của chim
Em có biết:  Chim tượng trưng cho linh hồn bất tử
Là Sứ giả của nữ thần Sắc đẹp

Lúc này đây, màu trắng tinh khiết phủ màu khói xạm
Tiếng chim gù câm bặt để giấu tiếng rên la
Nhưng chim chưa bao giờ thôi là hiện thân của Mẹ
Và vẫn ngây thơ, chất phác, dễ bị đánh lừa…

Chim đã bay không biết bao chặng đường khói lửa
Từ những ngày chúng ta còn rất nhỏ
Và hôm nay chim xuất hiện
Giữa lúc bầu trời tuổi thơ bị xé nát
Trong tiếng gầm rít máy bay giặc
Những con bồ câu tổ lành bị mất
Những con chim gập không có người chơi
Đôi cánh giấy không một lần rớm máu tươi!
Lại xuất hiện một cánh chim
Cánh chim ta đã từng thương, từng yêu
Mang trên đôi cánh xác xơ những nỗi đau
Chẳng khi nào tính được!
Và lấy chính những cánh chim đau chở che mặt đất
Nơi những vết thương còn nhức tấy chưa tan

Em có biết vì sao
Hoạ sĩ không vẽ chim ngậm cành ô-liu?
Vì vết thương trên mình chim và vết thương trên mình đồng loại
Vì cú ăn đêm vẫn ngậm ô-liu rao bán hoà bình
Chim không kêu rên, nhưng lòng người nhức ngối
Chim chỉ vỗ cánh âm thầm
Nhưng ai cũng hiểu chim vội vay về tới đích

Chim bay từ đâu, bay về đâu và đã qua đâu
Có ai hỏi, khi chim chưa muốn nói một lời nào
Khi chim đang làm một chứng nhân yên lặng
Bay qua mọi toà xử án
Và mọi thể chế…

Có thể, chim sẽ kiệt sức và rơi
Khi vừa bay tới khoảng trời xanh lồng lộng
Để lại cho đời vết tử thương
Không bao giờ hàn kín miệng
Cùng bài học xót xa
Về niềm tin chất phác dễ bị đánh lừa…

Nhưng giờ đây, em có thấy không
Chim vẫn bay, bay mãi
Trong nỗi đau và nghị lực phi thường…

Hà Nội, 1972


7. THĂM CÔN SƠN


Đưa em về nơi đá, suối
Anh đã từng quen
Suốt thời tuổi trẻ

Mỗi bước đi lên
Tới bàn cờ Tiên
Đâu đây tiếng đàn cầm róc rách

Đừng nói gì, em
Nếu lòng không gợn
Ta sẽ được nghe
Một hơi thở
Một giọng nói thầm thì
Quanh quất giữa không trung
Em hãy ngắm rừng thông cổ thụ
Trong nắng mai
Hay trong bóng tà
Chỉ một màu xanh đen
Sơ sài
Khắc khổ

Rưng rưng nhớ  Ức Trai

Hải Dương, 1981


8. HỘI XƯA

Tặng Châu Hồng Thủy và các bạn sinh viên
sư phạm  tham gia đóng phim tại Đồng Kỵ

Tay em vén tóc mai
Lặng yên chờ trống hội
Cả ngàn năm đồng nội
Bối rối chút chiều tà

Em vận áo hội xưa
Tấm bước từ quả thị
Nắng xám bụi tre ngà
Mái đình mềm thớ lụa

Nơi vầng trán mịn màng
Anh tìm chi, ngơ ngẩn ?
Em biết giọt thời gian
Có bao nhiêu mặn đắng ?

Trống hội. Em nghiêm trang
Giữa mừng vui, buồn, tủi
Áo tứ thân bổi hổi
Trâm cài em rơi chăng ?

Khói màu lẫn khói hương
Em bước vào hư - thực
Sắc áo chiều rừng rực
Đất Nước có trong em…

Giặc và đói triền mien
Áo mẹ chằng vải đụp
Điệu vui liền tiếng khóc
Sen ngậm lệ canh dài

Bài giảng em nay mai
Không khoác màu băng giá
Bởi có chiều áo Mẹ
Bèo ao quấn vai gầy

Giã hội nói gì đây
Về đời thường cách trở
Kinh Bắc - người xứ lạ
Thương thầm lời trăm quê


9. CHIỀU MƯA THỊ XÃ

Gửi các bạn văn Yên Bái

Thị xã đón tôi
Chiều mưa nhà bạn
Chú sẻ đầu hồi
Nép mình cánh rạ

Thơ thẩn mãi thôi
Phương trời phiêu bạt
Kia lũ trẻ cười
Đây lòng xao xác

Cuối trang bạn viết
Ghi thêm nợ chồng
Khoảng trời chưa đến
Nhức hoài chờ mong

Thương mình, thương bạn
Quá nửa đời người
Góc bàn còn dột
Xứ mưa mưa rơi !

Vui buồn gõ nhịp
Năm tháng vỡ oà
Rượu thèm không uống
Ngóng bạn chiều mưa


10. ĐÔI CÁNH THIÊN NGA
Gửi diễn viên ba-lê Quý Ngân

Em mệt nhoài vũ khúc thiên nga
rồi lại đi. mải miết
đường đêm nhấp nháy đèn màu
dáng nhỏ. vai gầy. hun hút tầng lầu
ngôi nhà mênh mông. câm lặng.

Chưa được thấy em rực rỡ hào quang
tràng vỗ tay. ánh mắt người hâm mộ
Lêningrat . Maxcơva…
tiếng đập cánh cuối cùng của thiên nga
đã về bên anh
thổn thức một đời phiêu bạt…

Nhà hát vắng tanh. tu viện trưa nào. sát nghĩa trang Mai Dịch
gian phòng tập thể mười mét vuông
quá rộng
với đôi cánh thiên nga. khép lại
chật vật. đời thường…

Đêm nay
chốn đăng-xinh bóng lộn
khách sạn nguy nga
em có tìm thấy
mặt hồ êm ả
giấc mộng muôn đời thiên nhiê
và con thiên nga
không bao giờ vĩnh biệt?


11. EM BÉ MIỀN TRUNG


Em mở bọc ni long
sách vở nhão nhoét
Không còn nước mắt
sau những ngày chơ vơ trên nước
giờ em lại khóc
nước mắt hoà mưa
Tôi muốn lau cho em
dòng lệ vương bùn đất…

Em cắn răng trong đói khát
hổn hển bám cọc gỗ trôi
mặt tái ngắt gào người thân mất tích
Giờ đây em lặng khóc
bên đống sách vở chẳng hình hài
mưa vẫn rơi…

Tôi - một người làm cha làm thầy
làm sao lau nổi
nước mắt này
trên cặp má thơ


12. CHIỀU BIỂN ĐỘNG


Biển hoàng hôn
Đèn khơi xa bắt đầu nhấp nháy

Biển nhớ ai
Mà sóng dâng cao
Biển khóc ai
Mà sóng cồn cào

Cánh chim nào
Bay lạc vào đêm
Để sóng cứ miên man
Vỗ bờ sau, bãi trước

Cô gái nhìn không rõ mặt
Chỉ lộ ra son phấn lem nhem
Lượn quanh như bóng ma đêm
Nham nhở mời chào
Bóng ma không làm ai sợ sệt
Chỉ khiến vầng trăng vụn nát …

Ngôi sao chiều cô độc
Thêm một lần long lanh
Để thành giọt lệ đắng
Và biển động.


13. BÀI TÌNH CA THUỞ ẤY

Kính tặng chị Thu An và hương hồn ca sĩ Quốc Hương


Đã lâu rồi anh chẳng còn hát Tình ca1
Thuở lãng mạn dường vào nơi hoá thạch
Có ngờ đâu giữa một chiều xa cách
Lệ chị rơi trong tiếng hát của anh

Ào ào thác đổ, hiền hoà kênh xanh
Giọng trầm hùng như thời đi mở nước
Anh vẫn hát dọc hai miền Nam Bắc
Bao kiếp người chợt quên phận khổ nghèo

Bao trái tim thổn thức ở bên đèo
Đêm hành quân có mặt trời giục giã
Một tiếng hát lọc từ bùn đen đất đỏ
Vỡ oà thành dòng sông mộc mạc, kiêu sa

Anh đã khóc trước tình yêu vượt phong ba
Hoá một lời ca nặng đầy cho đôi lứa
Đời còn đau, giọng anh còn nức nở
Còn gầm lên như pháo giữa sa trường

Anh là người trai của những sớm tinh sương
Của thảo nguyên, ruộng đồng, của núi rừng trùng điệp
Lồng ngực rộng chứa tình yêu thanh khiết
Anh mang Tổ quốc mình trên đôi cánh âm than


Chiều nay, chị đâu có khóc anh
Bởi anh vẫn hát như một thời lửa cháy
Thời có tình yêu nâng con người lớn dậy
Để trọn đời không hoá thạch tâm hồn…

1. Tình ca của Hoàng Việt
TP. Hồ Chí Minh, 1990


14. ĐIỀU CHƯA KỊP NÓI
Gửi các bạn phòng Văn hoá Đồng Văn

Chia tay, em lặng nhìn theo
Và cứ thế nhoà dần trong sương núi
Có điều gì em muốn nói
Ơi người em gái vùng cao!

Mùa xuân sót lại trên cánh hoa đào
Khói nương quẩn quanh nỗi buồn vạn thuở
Xe ra đi mang bao điều trăn trở
Sao hàng cổ thụ đứng im lìm

Nơi đèo cao vực thẳm vắng tiếng chim
Có tiếng đàn lời ca vang vách đá
Anh đi qua “Cổng trời” Quản Bạ
Vẫn còn nghe tiếng súng phía Na Khê

Xa quê hương em chẳng hẹn ngày về
Những dặm đá cheo leo em từng in bước
Tiếng hát về Thủ đô, lại đến với người giữ chốt
Bằng làn hơi bé nhỏ giữa biên cương

Đoạn đường hoang vu chói nắng hay mờ sương
Bản làng chơ vơ giữa trùng mây, đá
Đốm sáng đời em kiên trì rọi lửa
Bông hoa rừng không tự biết hương thơm

Như ngọn đèn thao thức rừng đêm
Những nỗi buồn vui một thời con gái
Em có biết thuở Chiến khu còn vọng lại
Trong tiếng đàn môi xao xuyến cả rừng lau?

Em ra đi từ vùng núi Tân Trào
Đến với người Mông sau “cổng Trời” xa thẳm
Tìm gặp lòng dân giữa bạt ngàn lau xám
Tiếng hát nào hay hơn tiếng hát giữa biên thuỳ ?

Anh đến khi giá lạnh vùng cao đã qua đi
Cánh ong bay giữa mùa hoa bất tận
Chợ phiên vẫn đẹp như ngàn cánh bướm
Như hoa văn, như điệu múa nàng Tiên

Cả đất trời nhoè lẫn hàng cổ  thụ
Phải em kia vẫn đứng nhìn theo
Triền đá xám phập phồng hơi thở
Một nửa hồn anh gửi lại bên đèo…

Hà Giang,1987



15. KHÓC CÙNG THẦN SIÊU
( Đọc thơ Nến khóc của Nguyễn Văn Siêu )

Nơi quyền quý ấm áp, cụ ngồi thu mình trong một góc
“cười nửa miệng” để vờ vui, vờ tán thưởng
những câu đùa thâm thuý hay vô duyên
và chợt thấy mình vô duyên
giữa “cuộc vui tầm thường”
đành nhìn những ngọn nến nhỏ to sáng “tựa sao trời”
để hình dung ra chúng đang khóc
khóc cho sự vô vị của người đời trong “cuộc truy hoan”
dù những câu khen tặng nhau chẳng thua gì ngọc ngà gấm vóc!
khóc cho sự bất lực của một người muốn thoát ra khỏi sự vô vị ấy, sự vô vị có bao thứ đáng yêu làm bình phong
khóc vì cái mơ tưởng "ánh sáng Phương Đông" sao mà xa vời
khóc bởi trong thế gian này ánh sao băng của Cao Chu Thần thực hiếm hoi, và ánh nến đặt cạnh chỉ là đốm ma trơi
khóc cho chính mình chảy tan ra như "ngọc trai trong suốt"
mà chỉ để mua vui cho thiên hạ rỗi việc cười đùa, tán tụng và kê kích lẫn nhau
dò hỏi nhau vơ vét được những gì sau mỗi đại sự của quốc gia
nến chảy làm bỏng ruột bỏng gan người này
nhưng lại làm vui mắt kẻ khác
Nến cháy lụi tàn rồi
cái “vỏ hào nhoáng” mà nó phơi  ra trong ánh sáng cưỡng bức
cũng chợt biến mất
để lại "tiếng khóc cho đêm"
tiếng khóc còn nấc nghẹn đến tận giờ…

Nến Khóc- Thơ chữ Hán, do ông Nguyễn Tự Huy, hậu duệ bốn đời của cụ Nguyễn Văn Siêu dịch.




16. GIỮA BẢN VẮNG


Tôi đã đi hết tuổi trẻ của mình
đi gần hết những đắng cay, tủi hận, khát thèm, mơ mộng
để đến với một bản hoang vắng bên sông Đà
để cảm thông hết với người con trai trong chuyện kể
sau nhiều tháng năm lặn lội đi tìm người yêu, tìm lại được nàng,  
sống cạnh nàng trong bảy ngày bảy đêm
rồi vỡ lẽ: nàng chỉ là một xác chết lạnh tanh…
để, giữa khi không còn cảm giác đói
thấm được vị ngọt đê mê của hạt gạo nương đầu vụ -
những hạt gạo đổi bằng máu của rừng, bằng thắt ruột
thắt gan chờ đợi, bằng cả sinh mệnh…
Mấy con khỉ mặt đỏ bạo dạn ùa tới những khu vườn
hoang, bới tìm củ đậu, quả cà, bắp ngô còn sót lại
Chàng trai đi cùng tôi định cầm hòn gạch vỡ ném đùa
Tôi ngăn lại, vì biết đâu, trong số những con khỉ ấy
có lũ con thơ buộc phải bỏ rơi trong rừng
bởi đôi vợ chồng xưa trong chạn không còn gì để ăn…
Tôi đã sống qua bao trăn trở, hoài niệm, khát khao bay bổng
quên rằng cái ăn là nỗi lo thường trực của nhiều người
kể cả tôi
và tôi đã thi vị hoá cái nghèo, cái đói
tệ hơn, lẩn tránh vào sách vở và đủ loại triết lý siêu hình
Và cứ thế,
tôi đến với hôm nay
với bản vắng
 sắp chìm trong nước lạnh…


17. TÚP LỀU TRÊN ĐỈNH PHA ĐIN

Ống kính nhoè rồi nét
Túp lều hiện chơ vơ
Cành ban trên mép vực
Chỉ lối tới nương ngô

Bé ở trần mút dãi
 Gà, lợn ngả bóng chiều
Váy mẹ buông trễ nải
Quả bầu khô vách xiêu

Quăng dao vào lu-cở
Cuộn gai cứa sáp ong
Nhúm lông gà máu ứa
Vẫy theo tàn lửa đêm

Thú nào lọt chưa săn
Yếm nhuộm chàm khô quắt
Khóm bụi nào chưa đốt
Gầy guộc vết chân chim

Nơi tầng cao sơn cước
Túp mái lá che sơ
Thấy nỗi buồn Tây Bắc
Treo cột khói xanh mơ…


18. KHÓC BẠN - MỘT NHÀ THƠ, NHÀ BÁO 
Nhớ Trần Hoà Bình

Bạn ơi, thế là từ nay
bạn không còn được ngẩn ngơ trước một ngọn gió heo may
không còn phải băn khoăn ngày đi họp Khoa buộc phải mặc com-lê, cà-vạt
không còn nỗi lo sợ khi trót đụng chạm tới quan tham
không còn phải bận tâm sẽ ăn gì, uống với ai lúc màn đêm sập bóng…

Còn đâu nữa những tối vui Quán Xưa
vài chén rượu nhạt
mấy câu chuyện bâng quơ
và thăm thẳm nỗi thương đời…
Những kẻ trói gà không chặt
lại lo chuyện trên trời dưới bể
Những kẻ gân cổ lên cãi khi ai đó gọi là đồ gàn đa cảm
lại nhiều nước mắt hơn cả nàng Kiều
trước những số phận oan khiên, bất hạnh

Cả khi nước mắt xót thương đã trở thành đồ xa xỉ
và cũng chẳng còn nước mắt mà khóc nữa
nỗi đau càng tích tụ
hoá thành bệnh “Giời đày”!

Nhưng không khổ bằng cái bệnh
phải mỉm cười khi mếu, phải cất giọng hát khi đau
phải cho nước mắt lăn vòng vào đoạn kết có hậu
Và chỉ còn biết lẩm bẩm vu vơ:
Tất cả đều thiếp ngủ

Chỉ mình tôi ngồi khóc như người nguyền rủa
Giờ đây, nếu như bạn vẫn còn vương chút máu mê nghề nghiệp
cái nghề nghiệp không được bảo hiểm
bạn sẽ hơn hẳn chúng tôi
vì có thể tự do ra vào những ngôi nhà bí hiểm
được làm ra bằng những đồng tiền bí hiểm cũng không kém
những ngôi nhà thật to thật đẹp chứa đựng những hình nhân
đang hoá thân thành những con bọ khổng lồ theo nguyên mẫu của Kafka 2
và trái tim còn băng giá hơn cả bà Chúa Tuyết! 3
Nhưng khổ thân cho bạn
vì dưới suối vàng bạn đâu đã hết mối thương tâm và phẫn nộ…

Ở nơi dù không có viên đạn sắt và thanh kiếm thép nào đe doạ nhà thơ, ký giả
song lại có điều đáng sợ khủng khiếp hơn
đó là sự nghi kỵ, thù hằn, miệt thị
Không ít người trong chúng ta
nếu không bị đánh văng kính, sưng vù mặt mũi, vỡ tan ống kính, không bị cướp giật bản thảo
thì cũng phải cúi đầu gạt thầm giọt lệ tủi nhục…

Chúng tôi như đang nghe thấy tiếng bạn kêu to từ đáy huyệt sâu
cặp kính trắng long lên giận dữ:
“ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo,
dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng
nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa
ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?
và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo
ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?”

Bạn ơi, thương thay!
và cũng đáng yêu thay!
khi nhắm mắt bạn vẫn không quên nổi Sứ mệnh làm Nhà thơ, Ký giả
và bạn lại đặt thêm gánh nặng lên vai chúng tô
những kẻ đang cố ghìm tiếng khóc
giữa khi đã quá nhiều tiếng khóc…

1. Taras Chevsenco: “Bức thư gửi những người đồng bào của tôi”-
2.  Tác phẩm Hoá Thân của F. Kafka
3. Nhân vật trong truyện của H. Andersen



19. MỘT GÓC NHÌN TRUNG QUỐC
( Bút ký thơ)

Nhìn lại Tử  Cấm thành


Dưới cánh máy bay
Tử Cấm Thành
tựa một thứ đồ chơi con trẻ
Nơi tôi từng mỏi gối chồn chân
giờ chỉ nằm gọn trong vài ni tấc
có phải, đấy cũng là một trò đùa tạo hoá ?

Bên dưới kia:
đất nước của những Đại hảo hán, Đại mỹ nhân, Đại gian hùng, Đại thái giám, Đại thi hào,
 Đại kiến trúc…
bị thu gom vào những hình hộp
giống vết triện nung lửa hằn trên da thịt người
làm vật sở hữu cho bao Đại vương triều, Đại gia tộc
làm bùa hộ mệnh, đồ trang trí, làm vật hy sinh, làm phương tiện đe doạ và trấn áp
Chúng biến thành tiếng nấc nghẹn nơi lãnh cung
thành dáng người quỳ mọp trước sân rồng
thành chút run rẩy bản năng thơ ngây thánh thiện bị nhốt trong lồng ngọc khung vàng
Còn Đại nhân ái, Đại tự do bị lùng sục khắp hoàng cung
buộc hoá thân trong tiếng thở dài, thành bóng ma lẩn quất trong các điện thờ, trong các viên ngói lưu ly, giữa các móng rồng bờm sư tử

Và cuối cùng, sau rất nhiều “bữa tiệc ăn thịt người” 1
Đại nhân ái biến thành hình hoa sen, hình rùa trên gạch lát
cho khách hành hương dẫm chân qua
còn Đại tự do biến thành con Thần tài 2
để người đời sau vuốt râu sờ mông cầu may mắn
chúng canh giữ các Đại cố cung, Đại lăng mộ, Đại chùa chiền, Đại siêu thị, Đại ngân hàng…

1. Chữ dùng của văn hào Lỗ Tấn
2. Con vật sau cùng trong hệ thống Rồng của tâm linh Trung Quốc cổ đại




Màn hình lớn ở bến Thựơng Hải


Bên sông Hoàng Phố
bữa tiệc ánh sáng mê hoặc ê hề
có một bà lão còng lưng xin bố thí
mái tóc đượm tuyết sương
chân run trong gió lạnh
Tôi đặt vào tay bà một Tệ1
rồi mang bóng dáng bà theo suốt đoạn sông dài

Màn hình điện tử chính là mặt buyn-đinh
nhưng tôi không còn nhìn thấy
những biểu đồ, những con số thành tích vượt trội
những chim bay bướm lượn
cùng bao biểu tượng của sự giàu sang tột đỉnh…
Trước mắt tôi
trên hàng vạn điểm sang
một lòng bàn tay dăn deo với những đường chỉ chằng chịt ngoằn ngoèo
như ma trận dành cho phận người lưu lạ
như tấm bản đồ Trung Hoa nát nhàu lổ loang vết máu

Rồi lại chợt hiện lên:
một hàng xóm xưa của bà -
thím Tường Lâm cầm giày đỏ khùng điên đi tìm con bị sói ăn thịt 2
Rồi tổ tiên của bà-
lớp lớp người gục ngã bên Vạn Lý Trường Thành…
Chợt hiển hiện chồng bà và các con các cháu
tất tưởi rời làng xóm, phiêu bạt tứ phương
khi chẳng còn đất ruộng đất vườn
khi dòng sông chết trước nhà bốc mùi thối rữa
một cháu trai của bà bị còng tay sau cuộc xô xát với cảnh binh
một cháu khác đang kêu cứu trong lò than vừa sập
còn đứa chắt khóc ngằn ngặt trên tay cháu dâu
đang mếu máo chờ vào khám ngộ độc sữa
Tôi lại thấy:
đồng bào của bà ngoi ngóp trong các trận lụt dữ dằn của Hoàng Hà, Dương Tử Giang
và những đồng hương của bà có gì khác năm xưa:
trong túi vải chỉ có vắt rau lẫn mớ cám 3
rồi lại nhặt táo trộm cầm hơi trong vườn hàng xóm
nếu vẫn còn những người như ông già Đỗ Thiếu Lăng 4

Bà là công dân bất đắc dĩ của thành phố hoa lệ này
bà đâu biết:
cứ mỗi tầng nhà khu phố Đông ngoi cao lên
lưng bà lại còng thêm một chút
những đại lộ xuyên qua lòng sông

đâu thể giúp bà rút ngắn đường về cố hương?
thêm một giàn đèn màu áp đảo bên sông
mắt bà lại bớt đi một tia sống
và ngắt đi một ánh hy vọng
có một mái nhà đơn sơ nhưng bình yên
với những ngày tạm lửng bụng bên tiếng cười vui của cháu con…

Bà có biết:
một đồng Tệ của tôi biếu bà
chưa mua nổi một phần ba bát mì sủi cảo
nhưng lại bằng giá một mét vuông đất ngọc đất vàng Thượng Hải
một đại quan chức mua cho người tình ?

Đêm nay, giữa đất Trung Hoa mênh mông
bà sẽ đi đâu, sẽ ngủ tạm nơi nào
trong cơn gió thu rớt bão ?
Màn hình lớn bất hợp tác với tôi
nhấp nháy mê lộ của đời người…


1. Tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc
2. Nhân vật trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, đã lên màn ảnh.
3. Trong “ Sở kiến hành” của Nguyễn Du khi đi sứ Trung Quốc.
4. Nhà thơ Đỗ Phủ một lần chạy loạn có thuê một căn nhà nhỏ, trong vườn có cây táo, hàng ngày một bà lão hàng xóm vẫn chui qua hàng rào nhặt táo để cầm hơi. Khi rời căn nhà, ông viết bài thơ “ Hựu trình Ngô lang”, nhắn người chủ mới là chớ rào kín lại, để bà già có thể sống qua ngày…



Đêm Hàng Châu
1

Khi những hàng cây ngô đồng, những rặng liễu bắt đầu nhúng trong nghiên mực khổng lồ
cũng là lúc tiếng sóng vỗ sông Tiền Đường như một lời nấc nghẹn
xen lẫn nỗi thở than của Tô đê, Bạch đê 2
Tôi thao thức bên những rừng cây, những lâm viên, những bồn hoa đẹp mê hồn san sát
gió Tây Hồ dịu ngọt đắm đuối làm sao

vậy mà như uống nhầm thuốc đắng!
Đây là nơi các sứ thần-thi sĩ Việt Nam từng nghỉ lại
trên đường vạn dặm tới Trung Nguyên
Nỗi cảm hoài của các vị về vận Dân, vận Nước
khiến vẻ đẹp Đường thi, Tống thi cũng trở nên nhạt nhẽo, vô duyên
và thiên nhiên tráng lệ càng tô đậm nỗi xót đau tựa căn bệnh kinh niên
Những khắc khoải của các vị
đến tận giờ vẫn còn đeo đẳng
trong lồng ngực ọp ẹp đói dưỡng khí trong lành của tôi…

1. Thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Giang Tô, vùng Giang Nam, được coi là
thành phố lãng mạn nhất của Trung Quốc.
2. Các con đê do Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị cho xây đắp  thời các ông
 làm quan ở  địa phương.


Cuối tháng 9-2008


20. TỘI ÁC HỒN NHIÊN


Những đàn bồ câu hồn nhiên bay lượn và đậu yên bình cũng hồn nhiên như thế trước Hoàng cung dát vàng
Những con rắn thần Naga hồn nhiên rời bỏ chốn linh thiêng kiêng kỵ để hòa nhập với cộng đồng người nơi mỗi góc phố, công viên
Những anh xe lôi hồn nhiên nằm ngủ trong khoang xe đợi khách
Những em bé đi học về hồn nhiên chạy qua cầu đảo Kim Cương 1
Nhà sư áo vàng chậm rãi hồn nhiên khất thực giữa đám người du lịch tò mò
Những tượng Phật, những tháp chùa hồn nhiên bắt nắng trời và bụi trần gian...
Ở đâu tôi cũng bắt gặp cái hồn nhiên của sự sống, nhiều và thường xuyên đến độ khiến tôi quên rằng chúng cần thiết làm sao trong cái cuộc đời nhiều lo toan trắc trở
Cho tới khi tôi bước vào nhà tù cũ Toul Sleng...

Bên những lan can trường học trên đồi Độc Dược 2 còn dây thép gai chằng chịt như chưa hết sức mạnh đe dọa bất cứ kẻ nào hồn nhiên đòi tự do và công lý
Trong những căn phòng vốn dành cho thầy giảng và trò học là những ngăn xà lim xây vội nham nhở nhưng lại có đủ khả năng bóp nghẹt mọi tia sáng của nhân tính hồn nhiên

Tôi bỗng giật mình:

Thì ra Tội ác cũng mang cả khuôn mặt hồn nhiên!
Kẻ Ác hồn nhiên lấy Thánh đường của Giáo dục làm nơi hành hạ con người, hồn nhiên cướp đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và hồn nhiên biến cái hồn nhiên đáng yêu thành nỗi kinh hoàng, thành máu chảy và đầu lâu lăn lóc...
Tôi chợt hoang mang sợ hãi:
Còn những điều sỉ nhục và hạ thấp Con Người nào đang mang vỏ bọc Hồn Nhiên?

1. Nơi xảy ra thảm họa khiến 353 người thiệt mạng ngày 22/11/2010
2. Tiếng Khme, Toul Sleng cũng có nghĩa là độc dược
 Pnom Pênh, cuối tháng 12-2010


21. BẾN GIANG ĐÌNH NGÀY MƯA CẢM TÁC


Bến sông ngợp gió Tiên Điền
Chòng trành đôi mảnh ngư thuyền dòng Rum
Đâu rồi đỉnh Hống xanh um
Chỉ còn giọt lệ bay trùm Hoan Châu
Cúi nhìn mặt nước trôi mau
Làm thơ chi nữa, thêm sầu người xưa!..

 Hà Tĩnh, 2010


22. LỜI TẠ LỖI MUỘN MẰN

Mẩu tin trên báo & ảnh: em bé 5 tuổi ở Phú Thọ bị gấu cắn đứt hai tay.

Mẩu tin chìm nghỉm trong bao chuyện cướp, hiếp, giết, tham nhũng
Lọt thỏm giữa bạt ngàn hình đại gia khoe của, mỹ nữ khoe thân
Con gái tôi ôm mặt thét lên kinh hoàng đau xót
Tới lúc đó, tôi mới có thể khóc được
Và tôi chỉ còn biết Tạ lỗi muộn mằn với em bé  đáng thương...

Khi chơi đùa với gấu, chắc em nghĩ nó cũng hiền từ như chú gấu Mi-sa em từng ôm ấp, chú gấu được thả lên bầu trời tạm biệt thế gian khiến bao người rơi lệ... Em đừng cho rằng loài gấu đánh lừa em...
Tôi tạ lỗi với em thay mặt những kẻ nhẫn tâm hàng ngày chọc kim vào thân gấu lấy mật, mặc con thú rên rỉ van xin hay gầm gào giận dữ
Tôi tạ lỗi với em thay mặt những kẻ mặt đỏ phừng phừng nhồm nhoàm gặm chân gấu hầm thuốc bắc trong các nhà hàng sang trọng
Tôi tạ lỗi với em thay mặt những nhà bảo vệ môi trường bảo vệ rừng trên hội thảo trông chờ giải ngân và chia chác tiền dân đóng thuế
Tôi tạ lỗi với em thay mặt vài ông bà Nghị có từ tâm song chỉ biết gạt lệ sau đôi phản ứng yếu ớt trước các chiến dịch phá tan rừng hủy hoại sạch thiên nhiên được khoác áo mỹ miều phát triển- các chiến dịch vô đạo đẩy thú hoang tới cùng đường và trở thành thù địch với con người mà than ôi, đôi cánh tay ngọc ngà của em lại là vật thế mạng xót xa quá...
Nhân danh một người cầm bút, tôi Tạ lỗi với em vì đã có lúc nhắm mắt bưng tai trước không ít kẻ có trách nhiệm ngoài miệng hô to "Tất cả vì tương lai con em chúng ta" nhưng tâm địa sánh với thú dữ bởi họ yêu quyền lợi và địa vị của bản thân hơn tất thảy; thậm chí đã có khi tôi đồng lõa với họ để yên ổn với chút cơm thừa canh cặn bố thí...
Nhân danh một người làm cha tôi Tạ lỗi với em, vì giữa lúc em đang đau đớn tột cùng và chưa hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình, tôi chỉ có nước mắt xót thương bất lực...

Hà Nội, Trung thu 2008


23. TIẾNG ĐÀN XA
Cho Tuệ Anh - Nguyệt  Ánh - Mai Uyên


Giữa Thủ đô anh nhớ tiếng đàn xa
Những âm thanh từ đôi tay bé xíu
Không chỉ một lần anh tự hỏi
Bí ẩn gì trong âm thanh của em?

Có những âm thanh xáo động cả cõi trần
Thổi bão táp của những thời xa lạ
Có những âm thanh chỉ gợi điều êm ả
Tuổi thơ bay trong khúc nhạc đồng quê

Có những âm thanh tựa nắng chói mùa hè
Tiếng ve sôi giục phượng hồng trời đất
Có âm thanh dịu dàng như hơi mát
Sau cơn mưa - trăng dấu nụ hôn đầu

Có những hợp âm chỉ tìm thấy giữa rừng sâu
Một buổi sớm, lũ chim còn thiêm thiếp
Có những hợp âm chỉ ngân bên một mái đầu đã bạc
Dẫn ta quay trở lại những đoạn đờ

Nhưng có âm thanh kỳ lạ quá em ơi
Trái đất này không thể gì sánh đặng
Những âm thanh bay ra từ đôi tay bé bỏng
Mang hình hài của sự sống nguyên sơ

Nơi tột cùng của trong trắng, ngây thơ
Có ông Bụt hiện về, có nàng Tiên đến múa
Thực và mơ trong khoé nhìn rạng rỡ
Em là cái đích của tình yêu nhân gian

Anh đã qua những ngày mưa mắng chan chan
Bị oanh tạc bởi buồn đau, đói khổ
Chợt rùng mình trước những lương tâm hoen ố
Bên tiếng nhạc em sáng láng tựa thiên thần…

T.P Hồ chí Minh- Hà Nội, 1990


24. BÀ NỘI ĐÊM GIAO THỪA

Đã bao đêm Giao thừa đi lang thang
Giao thừa này cháu đến cùng bà nội
Giữa tiếng pháo rền, mịt mù hương khói
Cháu nghe tiếng bà nguyện thầm cho cháu, cho con

Cả một đời sống thanh bạch, mỏi mòn
Bà giữ trọn cả tình thương nhân hậu
Vui, giận, lo, buồn… mắt già nhìn đau đáu
Bao thăng trầm như một bóng mây qua…

Nhìn tấm lưng còng cháu chợt ân hận xót xa
Nếu có phút sống chưa hay, bà ơi đừng giận cháu
Cháu đang cố làm theo điều bà hằng nung nấu
Thoả ước nguyện của bà thuở tóc hãy còn xanh

Giao thừa đêm nay trên mái tóc bạc long lanh
Cháu đếm được từng nỗi thương lo vời vợi
Trên má cháu từng giọt rơi nóng hổi
Trong bóng vườn đêm cháu thầm gọi: Bà ơi

Bốn phía dậy vang, pháo nổ đầy trời
Bà vẫn đứng trầm ngâm bên hương án
Cây cối bà chăm cũng dường cảm động
 Trước những lời khấn thầm dành cho cháu, cho con

Có những phút giây nhìn tận đáy tâm hồn
Cháu thấm thía quý thương mỗi ngày bà đang sống
Cháu thấy ngợp trước lòng bà lồng lộng
Thêm một vì sao đã tắt giữa trời khuya

Giao thừa đêm nay cháu tới bên bà
Ai biết được cháu sẽ có bao lần như thế nữa
Bà ơi bà, có gì thiêng liêng thế
Trong những lời thầm thì rung động cả khu vườn…


25. QUÊ NGOẠI

Kính tặng mẹ và hai bác Lê Yên, Lê Lôi


Chiều nay con về quê ngoại
 Vẫn cây đa, bến nước, cầu tre
Vẫn dáng núi Ba Vì phủ sương huyền thoại
Mái đình chùa rêu phong bàng bạc nắng hè
Sông Đáy lặng lờ, ủ rũ điếm canh đê
Cánh cò ngày xửa ngày xưa bay mải miết
Khói rơm rạ vẩn vơ nóc bếp
Tiếng võng đưa kẽo kẹt lẫn ru hời…

Bài hát năm xưa nảy mầm trên giọt mồ hôi
Lúa tháng Năm kén tằm vàng óng 1
Cả châu thổ oằn mình qua lửa bỏng
Theo bước chân gánh thóc qua cầu

Những cô gái xinh giòn tươi như nắn
Quê hương có những mẹ già bịn rịn áo nâu
Lớp lớp đàn em hớn hở
Và những người con ở rừng sâu mới về 2

Con lưu lạc phương xa
Chiều nay trở về
Thơ thẩn tìm lại một dòng sông
Dòng sông pha bát nước chè xanh
Trộn nước giếng đá ong
Nuốt gọn tiếng chuông chùa thu không
Và mắc cạn nỗi dịu buồn
Của cái nghèo muôn thuở…

1.Lời trong một bài hát của nhạc sĩ Lê Lôi
2.Lời trong một bài hát của nhạc sĩ Lê Yên
Đông Yên- Phủ Quốc


26. TIẾNG ĐÀN CỦA MẸ
Kính tặng mẹ

Cứ mỗi sớm, nắng rọi một góc nhà
tiếng đàn của mẹ lại ngân lên
con ngắt dây điện thoại bàn và tắt máy cầm tay
bất giác thở nhè nhẹ…

Giờ đây, mẹ có quyền mơ mộng bên khúc Réveri1
sau nhiều năm tháng, người mơ mộng là mẹ phải cố bơi trong dòng lũ đục ngầu
dòng lũ từng bị ô nhiễm bởi lửa đạn khói bom, bởi máu tươi, bởi giọt nước mắt mồ hôi nhọc nhằn tem phiếu
và giờ lại đang bị ô nhiễm bởi đủ thứ quái gở đời thường…
Mặc kệ hết, mẹ thổn thức trong giai điệu của người anh nhạc sĩ quá cố: Tình yêu đôi ta lỡ làng
để chiêm nghiệm cái “Bẽ bàng” 2 bằng hạnh phúc đơn sơ, nghèo nàn đẹp như bức tranh lụa tả người thiếu nữ mơ mộng của người chồng hoạ sĩ vẽ trong thời thất nghiệp…
Bên cái thực tại hổ lốn, thực tại nhờ nhờ tiếng đàn của mẹ thanh tao, yếu đuối và tự tin biết chừng nào!

Bản Sérenade của người nhạc sĩ thiên tài cái gì cũng dở dang
tia nắng xẻ đôi, cơn mưa vội vàng chỉ kịp ướt lòng người
nụ cười chưa kịp trao người yêu dấu, giọt lệ nuốt thầm một nửa
Ai hôm nay không tìm thấy mình trong bản Giao hưởng dang dở 3?
Con thay mặt cuộc đời cảm ơn mẹ.

Cháu gái lên ba ngồi chễm chệ bên bà
 mắt nhìn hau háu vào những phím đàn ngọc ngà và đôi bàn tay nhỏ xanh xao như của bà Tiên
 miệng trẻ bi bô hát theo: lúc ở nhà mẹ là cô giáo
Mắt bà vui rầng rậng nước.

Mẹ cuốn con trở về nơi có lũ ống, lũ tràn, lũ quét, lũ muộn
nơi rừng hoang bị đốn, thú hoang trốn chạy
có những em bé ra vào lán cỏ như đàn thú nhỏ
có nắm xôi trong ếp khẩu chấm chéo4 ngọt bùi đến độ làm con cay mắt
có bước xoè chuếnh choáng ôm vào lòng tình thương không nghi kỵ
con như nhìn thấy trong lòng bàn tay
những nẻo đường đi của miếng ăn cái mặc, của lời nói bài ca dân dã
chúng thật và xót xa đến nao lòng khiến con không sao giả dối nổi - cả những khi cần đến lời nói dối…
Những nỗi ngao ngán chợt lặng đi. Nhưng chúng không tắt ngấm
Và con ngơ ngác đi tìm cái mà chúng chuyển hoá thành. Chưa tìm thấy
nhưng con chợt nhận ra:
những dòng người đang nhớn nhác, những toan tính nhỏ mọn, những mời mọc trơ tráo
Chưa tìm thấy
nhưng có một sức mạnh vô hình đưa con trở về những năm tháng nẻo rừng
thời mà cái đói thường ám ảnh con
Nhưng chỉ cần ngả nghiêng bước trên con đường mòn
sững sờ trước vệt Ban rừng hoang dại
là con thấy đời con không vô nghĩa
và chỉ còn thấy khổ tâm khi không diễn tả nổi sự ngây ngất của mình
cũng như, lúc này đây con day dứt hoang mang
bởi không tìm được cách nắm bắt con thú hoang xúc cảm
đang rải nốt mưa nốt nắng, nốt buồn nốt vui
đang hiển hiện ra như cái đích của đời con…

1. Bản nhạc “ Mộng mơ” của nhạc sĩ  Shuman/ 2. Tên một bài hát của nhạc sĩ Lê Yên
3. Bản giao hưởng của nhạc sĩ  Shubert/  4. Làn đựng cơm nếp đan bằng mây, tre của đồng bào Thái- Thức chấm đồ ăn được làm từ nhiều loại gia vị trên rừng.


 27. DŨNG CẢM LÊN CON !


Nửa đêm, tiếng sét giật cửa kính
Con choàng sợ hãi
Bố vỗ về con bằng lời ru do bố tự tạo ra:
Dũng cảm lên con, dũng cảm lên con…

Phải, hãy dũng cảm lên con, dù con đang làm một “kẻ ăn xin”1 rất lâu nữa trước khi là người biết cho và có khả năng cho người khác… Bởi lòng dũng cảm là cội nguồn của Nhân hậu, Lương thiện- những danh từ đã bị lạm dụng, bị lợi dụng, thậm chí bị đánh cắp nội dung từ những nguời đáng yêu - trong đó có kẻ “ăn xin” thần thánh như con…
Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ…
Dũng cảm lên con, để  nhỡ khi không còn bố ở trên đời, con sẽ không hề lạc lõng trước những gì bố để lại cho con kể cả cái đói, cái nghèo, sự dày vò mệt mỏi bố từng vượt qua dù là bằng cách ngạo nghễ hay não lòng, nhưng con không phải trả nợ cho bất cứ điều gì cho bất cứ ai và không xấu hổ về người đã trót sinh ra con…
Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm2…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm, mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…

Con cần đủ lòng dũng cảm để có thể hiểu thực chất hai chữ "đồng bào" chính là sự dâng hiến cao cả cho phần máu mủ ruột rà của con đang chịu bao khổ đau bất hạnh trong cuộc mưu sinh rủi ro và để biết căm giận những kẻ tham lam độc ác chà đạp lên đồng bào mình.
Lòng dũng cảm giúp con bớt nghĩ về bản thân để cảm thương hơn cho số phận cô con gái bé bỏng bị bão cuốn trôi giữa khi người cha lấn biển gian nan và khi đó con đã vô tình mang tâm hồn của Đức Mẹ Maria hay Đức Quán Âm Tống Tử khiến bố nghiêng mình trước con đúng hơn là trước cái lý do bố tồn tại trên cõi đời này.
Lòng dũng cảm cũng chính là tình yêu của con trước mọi điều trong lành chỉ có trong thần thoại cổ tích giúp bố vượt qua cái thời buổi mà sự đểu giả đốn mạt thường không bị trừng trị nhưng lòng dũng cảm nhỏ bé của con sẽ là đốm lửa nhỏ góp vào đống lửa của Lương tri đang phẫn uất cần được thổi bùng.
Sau này nếu con hỏi: con tiếp tục lấy đâu ra lòng dũng cảm? Con có cả cuộc đời trước mặt cộng với nỗi buồn và sự phẫn nộ của bố trước những gì đểu cáng để tìm câu trả lời…
Dũng cảm lên con !

1. Ý thơ R.Tagore (Bé có hàng đống vàng đống ngọc/ Nhưng bé đã đến mặt đất này/ Như một kẻ ăn xin)/ 2. Ý thơ Nguyễn Trãi

Hà Nội, tháng 10-2009


28.  TIẾNG CHIM ĐÁNH THỨC ĐỜI CON


Một sớm, con bừng tỉnh dậy
Sau những giấc ngủ say nồng
Tiếng chim vườn sà xuống nôi con
Đôi mắt tròn ngơ ngác
Con đâu đã biết
Đấy là tiếng chim đánh thức đời con

Bố từng qua bao rừng biển, núi non
Nghe đủ thứ chim vui, chim buồn, chim khóc
Tiếng chim hoà với tiếng dế kêu giun ngáp
Tuổi thanh xuân trơ trọi một góc rừng…

Có những ngày đi vào bản mờ sương
Nghe tiếng chim thổi lên màu đỏ lửa1
Mang theo hồn nguời chết đói quay về
Rừng sang thu còn mãi tiếng ve
Và tiếng chim nhắc những thời đói khổ
Có tiếng chim như lời hát buồn bên bếp lửa
Có tiếng chim mang nỗi niềm cô gái Thái khi yêu

Có tiếng chim xao động cả trời chiều
Và thổn thức bên chái sàn sương lạnh
Có tiếng chim hay gõ vào vắng lặng
Chim tìm ai. Thung lũng trắng sương mù…

Sớm nay, trời Hà Nội vào thu
Những chiếc lá Ban từ rừng xa về đỏ khé
Nghe tiếng chim thức dậy cả một thời trai trẻ
Bố đâu ngờ
Đó là tiếng chim đánh thức đời con .

1.  Tức Nộc phay, chim lửa ( Chú thích ở bài Khắp buồn )


29. CON VỀ QUÊ NGOẠI


Con về quê ngoại chiều nay
Lần đầu hưởng gió heo may giữa trời
Căn nhà vắng tiếng à ơi
Bập bềnh giọt khóc giọt cười của con
Bố đi khắp nẻo cùng non
Dành cho con cái mạch nguồn trong veo
Con về, cái ngủ về theo
Nơi quê Mẹ, con có nhiều mộng mơ
Thiếu con, nôi cũng ngẩn ngơ
Bố men tiếng hát tới bờ ao sen
Ở quê, mẹ với Bụt hiền
Sẽ cho con cả một miền mơ hoa..



30. VỀ SẦM SƠN NHỚ BỐ

Mấy chục năm rồi, hôm nay con trở lại
Hoằng Hoá, Sầm Sơn, bãi cát, rặng dừa
Con ngẩn ngơ tìm rẻo đường đất mấp mô
Chuyến xe ngựa chở niềm vui con trẻ

Như bố vẫn còn đây, mải mê bên giá vẽ
Nhìn ngắm lũ con thơ nghịch đùa trên bãi cát tinh khôi
Đâu con thuyền ngày xưa, đâu bến lở bến bồi
Cả bóng mây in hằn trong nét hoạ?

Bố đã từng nói gì với biển trời Thanh Hoá
Để chiều nay con sóng cứ rưng rưng…

Sầm Sơn, 20-11-2004
Những ngày làm phim Bản lĩnh người đẹp




Tủ sách THƠ BẠN THƠ 
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)



VƯỜN NĂM NHÀ

Thơ


nguyễn nguyên bảy
HẠT CÁT
hoàng xuân họa
LÝ PHƯƠNG LIÊN
mai an nguyễn anh tuấn



NXB HỘI NHÀ VĂN




TỔNG MỤC LỤC

Lời Thưa/ 003

Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ 004


BNN Thơ là Thơ / 005
Lời tựa Đò Cỏ Hoa/ 015
1,2/ Hoa tóc + Cò hát tràng sinh / 017
3/ Trước mộ Nguyễn Du/ 019
4/ Gọi hồn Nguyễn Du/ 021
5,6/ Bói Kiều + Trước mộ Đạm Tiên / 023
7/ Tập Kiều 10 khúc/ 024
8/ Thanh Minh / 032
9,10,11/ Với Sen + Cỏ hoa + Lời vong lang thang/ 034
12/ KhAI quật Hoàng thành/ 036
13/ Hóa vàng/ 038
14/ Bạch linh thiêng/ 039
15/ Lửa ngủ / 041
16/Làng nước/ 042
17/ Lời điếu/ 043
18/ Quà tặng của Nguyễn Du/ 045
19/ Ngựa Kiều/ 046
20/ Ga Canh Tuất/ 049
21/ Ga Canh Thìn/ 050
22/ Ga hẹn/ 051
23/ Khúc sang tai ở đền Giải Oan/ 053
24/ Tạ lỗi những lời ru/ 054
25/Lục bát buồn/ 057
26/ Nửa tôi/ 058
27/ Ríu rít me bay/ 059
28/ Cây có chân/ 060
29/ Tích roi mây/ 062
30/ Ca rao hoang đường/ 065

Thơ HẠT CÁT/ 067

Đọc thơ Hạt Cát/ 068
1/ Thơ dâng / 073
2/ Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này/ 074
3/ Hai nửa/ 076
4/ Chia nửa cơn mưa/ 077
5,6/ Sớm thu + Vẫn / 078
7/ Anh để lại/ 079
9/ Tháng bảy đi qua miền tối/ 080
9/ Chỉ còn/ 083
10/ Nỗi nhớ/ 084
11/ Anh có về hà Nội với em không?/ 085
12/ Buông/ 087
13/ Yêu nhau đi/ 088
14/ Mình ơi/ 090
15/ Lại mơ/ 091
16/ Rã rời/ 092
17/ Đôi cánh ước/ 093
18/ Mưa tình/ 094
19/ Rét nàng bân cho em/ 095
20/ Dùng dằng/ 097
21/ Tự ru/ 098
22/ Ước/ 099
23/ Nhớ Mẹ/ 100
24/ Mẹ ơi/ 101
25/ Bà và cháu/ 103
26/ Lời dặn dò/ 104
27/ Tôi và bóng tôi/ 106
28/ Diêu bong cuối trời/ 107
29/ Cởi trói/ 108
30/ Buồn ơi/ 110
31/ Tôi tìm chiếu mưa/ 111
32/ Mù xa/ 112
33/ Cỏ héo/ 113
34/ Nam Mô A Di Đà / 114
35/ Tặng tình/ 115

Thơ HOÀNG XUÂN HỌA/ 117

Đọc thơ Hoàng Xuân Họa/ 118
1/ 10 bài thơ HaiKư/ 124
2/ Trả nợ 1/ 127
3/ Trách tháng năm / 128
4/ Khúc mưa ngâu/ 129
5/ Cắn/ 130
6/ Tại thằng bán tơ / 131
7/ Người thơ trở về/ 132
8/ Chấp tất/ 133
9/ Tết mừng tuổi mẹ/ 134
10/ Lệch hướng/ 135
11/ Sông Cái bây giờ/ 136
12/ Chiều buông cánh lá / 137
13/ Bái lén Yên Tử/ 138
14/ Sông nhạt nhòa/ 139
15/ Trách Noel/ 140
16/ Lại năm mới/ 141
17/ Hóa vàng/ 142
18/ Trở lại Sài Gòn/ 143
19/ Ghi trước Sài Gòn/ 144
20/ Hội Lim cuối chầu/ 145
21/ Ghi ở Đồ Sơn/ 146
22/ Viết không đề/ 147
23/ Thang Chín mưa/ 149
24/ Trên bờ Nam sông Cái/ 151
25/ Lục bát cuối năm/ 152
26/ Viết cho ngày cá/ 153
17/ Ta/ 154
28/ Bờ anh, bờ em/ 155
29/ Ghi bên sông Hậu/ 157
30/ Qua cầu dây văng/ 158


Thơ LÝ PHƯƠNG LIÊN/160

Đọc thơ Lý Phương Liên/ 162
1/ Từ lời ru của mẹ/ 172
2/ Ca Bình Minh/ 174
3/ Về người cha đã khuất/ 176
4/ Lời ru trong đêm/ 177
5/ Tiếng đàn bầu, miền mơ và bà mẹ/ 179
6/ Em vẫn sống như hồi còn mẹ/ 181
7/ Em mơ có một phiên tòa/ 182
8/ Thư gửi người bạn gái Mỹ/ 185
9/ Thắp hương/ 187
10/ Lời ru với anh/ 188
11/ Ngã ba/ 189
12/ Trái hồng/ 190
13/ Chờ anh dưới cột đồng hồ/ 191
14/ Lục bát người đang yêu/ 192
15/ Sang thu/ 194
16/ Xin phép mẹ đi lấy chồng/ 195
17/ Đám cưới tình yêu/ 197
18/ Lục bát tiễn đưa/ 198
19/ Nhớ/ 199
20/ Tình yêu/ 200
21/ Hoa nhung/ 201
22/ Hẹn/ 202
23/ Đôi ta/ 203
24/ Vàng yêu/ 205
25/ Và mây và gió và trời/ 206
26/ Xa nhau mùa đông/ 207
27/ Lục bát nháp dưới thư anh/ 208
28/ Em là xinh đẹp của anh/ 209
29/ Bài thơ về những điều khó nói/ 210
30/ Sau cơn mưa/ 211
31/ Đường thơm/ 212
32/ Trò truyện với Thúy Kiều/ 213

Thơ MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN/ 222


Đọc thơ Nguyễn Anh Tuấn/ 223
1/ Khắp buồn/ 229
2/ Lại một mùa mưa Tây Bắc/ 230
3/ Viết trên thượng nguồn sông Mã/ 231
4/ Năm con gái chúng mình 19 tuổi/ 233
5/ Lời hẹn hò với núi/ 235
6/ Về một cánh chim dễ bị đánh lừa/ 237
7/ Thăm Côn Sơn/ 240
8/ Hương xưa/ 241
9/ Chiều mưa thị xã/ 243
10/ Đôi cánh thiên nga/ 244
11/ Em bé miền trung/ 245
12/ Chiều biển động/ 246
13/ Bài tình ca thuở ấy/ 247
14/ Điều chưa kịp nói/ 249
15/ Khóc cùng Thần Siêu/ 251
16/ Giữa bản vắng/ 252
17/ Túp lều trên đỉnh Pha Đin/ 253
18/ Khóc bạn một  nhà thơ, nhà báo/ 254
19/ Một góc nhìn Trung Quốc/ 257
20/ Tội ác hồn nhiên/ 262
21/ Bên Giang Đình ngày mưa cảm tác/ 263
22/ Lời tạ tội muộn mằn/ 264
23/ Tiếng đàn xa/ 265
24/ Bà nội đêm giao thừa/ 267
25/ Quê ngoại/ 268
26/ Tiếng đàn của mẹ/ 270
27/ Dũng cảm lên con/ 272
28/ Tiếng chim đáng thức đời con/ 274
29/ Con về quê ngoại/ 275
30/ Về Sầm Sơn nhớ bố/ 276

Tủ sách THƠ BẠN THƠ 
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên
)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét