Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ Chém gió quần hùng, nhiều khúc/ Khúc 9

CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG, 09 KHÚC
9. CÙNG VĂN CHINH TRÊN MÙA MÀNG VĂN HỌC
Nguyễn Nguyên Bảy
Đối thoại đò đưa



Đây không phải cuộc đối thoại ảo, mà là cuộc đối thoại thật trên con đò chữ nghĩa “Mùa Màng Văn Học Mấy Năm Qua”, sách NXB Hội Nhà Văn, 2010 giữa một bên là tác giả sách, Văn Chinh và một bên là Bạn đọc, xưng mình, tên là Nguyễn Nguyên Bảy.

Căn cứ đối thoại:
Phía Văn Chinh: Lời  cuối sách, sau trang 355, sách đã dẫn./ Phía Nguyễn Nguyên Bảy: Bản ghi chép thu hoạch sau đọc sách./ Không gian đối thoại: Net.

Văn Chinh: Bạn đọc thân mến!
Bạn đọc: Chào Văn Chinh,

Văn Chinh: Xin hai lần cảm ơn bạn, thứ nhất là bạn đã mua cuốn  sách của tôi và lần thứ hai là bạn đã đọc nó, đã theo tôi đến những dòng cuối này.
Nguyễn Nguyên Bảy: Tôi xin không nhận hai lời cảm ơn của Văn Chinh. Một là, xin lỗi, tôi đã không mua cuốn sách này. Văn Chinh chen lời “ …thị trường thì sách nhiều vô thiên lủng, tự do viết, gần như tự do xuất bản, mỗi ngày ra hàng ngàn cuốn sách, mua về xếp đầy kệ (nnb đổi chữ) thì có nguy cơ chết vì sách đổ vào người…” (trang 154,sđd). Cảm ơn nhà văn Triệu Xuân đã tặng tôi cuốn Mùa Màng…trong một bữa tiệc văn chương. Hai là, cuốn sách đã làm thay đổi cách nghĩ “tiêu cực” của tôi về thể loại sách Lý Luận Phê Bình Việt Nam, đã từ 40 năm nay tôi từ chối đọc. Mùa Màng Văn Học của Văn Chinh tôi đã đọc, và viết được những dòng thu hoạch này, tôi phải chân thành cảm ơn bạn mới là không khách sáo, mới là bạn đọc.

Văn Chinh: Tôi không biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí bạn. Liệu cuốn sách có mang được chút bổ ích nào và, nhất là, có khơi gợi được điều gì mới mẻ cho bạn không? Hay, thậm chí chỉ là sự bực mình? Tôi không biết, nên để sẵn đây vài lời xin lỗi.
Mình: Lỗi phải cái gì. Sách khó đọc vô cùng, như thể đi vào rừng, rừng bao la, rậm rạp, chi chít cỏ gai xóa dấu vết đường mòn, đã tưởng lạc, nhưng cứ kiên tâm theo la bàn mà đọc, bỗng tới cửa rừng, trước mặt là dòng sông mát trong, vi lô vẫy gió, bèn reo mừng, nằm dài trên cỏ ngắm trời xanh.

Văn Chinh: Vâng, lập ngôn là một nghề khó nhọc và nguy hiểm. Những người lương thiện làm nghề này chỉ dám mong ở bạn đọc sự không vô cảm, không dửng dưng, thế đã là nhiều may mắn lắm.
Bạn đọc: Văn Chinh đã chấp nhận làm một công việc khó và hiểm, bạn đọc ghi nhận và tôn trọng. Đã gọi là bạn đọc thì sao có thể vô cảm và dưng dưng? Tin đi, bạn đọc chẳng những tôn trọng, yêu quí, mà còn biết ơn các bậc văn tài đã cho họ thưởng thức những áng văn chương bổ ích trong ý nghĩa song hành Nghệ thuật Vị Nghệ Thuật, Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh. Bạn đọc đồng ý với dòng viết của Văn Chinh (trang 119,sđd)  “ Tính đố kỵ giữa các văn tài là hiển nhiên có cũng như chỉ có tài năng mới cưu mang chịu đựng nổi những tật bệnh do có tài mà có. Đố kỵ thậm chí giúp cho sự ganh đua, trội vượt, nhưng tôi không sao chịu nổi khi nghe đến chữ tâm trong câu nói của một nhà văn bảo một nhà văn khác là không có tâm, nó na ná như một ni cô giết người”. Văn Chinh đã vượt thoát khỏi tính đố kỵ? Bạn đọc đọc Mùa Màng Văn Học, cảm là Văn Chinh đã chiến thắng được phần đáng kể tính đố kỵ của chính mình, nếu không đã chẳng thể viết được những chân dung văn học Tài Tình Hoàng Hữu (trang 65), hay Khúc Độc Hành Quang Dũng (trang 107) và Y Phương Tự Đục Đá Kê Cao Quê Hương (trang 279).

Văn Chinh: Nhưng nếu đã không dễ dàng thì ông làm gì? Bạn có thể căn vặn tôi như vậy, các bạn đọc nhiều hơn còn có thể hỏi, ông là dân sáng tác, hà cớ gì ông viết lý  luận phê bình để rồi mà kêu khổ? Vế câu hỏi thứ nhất thì trả lời không khó. Khi vợ anh hỏi: Biết lấy em khổ sao anh còn yêu em? Anh có thể không cần nói gì, chỉ cần ôm vợ mà mỉm cười hay thở dài sao đó thì tùy, cứ nhẩn nha vợ anh sẽ tìm ra câu trả lời thấm thía.
Mình: Nghe cũng xuôi.

Văn Chinh: Nhưng câu hỏi thứ hai thì không dễ như vậy.Nhiều đồng nghiệp đàn anh còn khuyên tôi sao không để tâm sức mà viết tiểu thuyết? Với hàm ý rằng, phê bình lý luận chả bõ bèn gì, không đáng phải nhọc công, phí thời giờ. Vâng, mỗi lần nghe vậy, tôi đều bối rối và trả lời quấy quá, hôm nay tôi xin trả lời một lần cho tất cả…
Mình: Nói ngay kẻo quên, mình thực chưa được đọc tiểu thuyết của Văn Chinh, không dám biết là hay hay dở. Nhưng văn phê bình viết được như Mùa Màng.. thì cũng đáng tỉm đọc cho biết. Khuyên Văn Chinh không nên viết phê bình, ai cũng ngại như người khuyên, ai cũng sợ như người khuyên thì ai, ai sẽ viết phê bình, nhất là phần bình, bạn đọc cần lắm, văn chương cần lắm. Nói thêm không sợ đụng chạm, không sợ lộng ngôn, viết kiểu Văn Chinh là đã hòa thanh trong dàn đông ca (không phải đồng ca) lý luận phê bình văn học ở nước mình rối đó. May mà Văn Chinh đã trả lời, bảo là, quấy quá cho xong…Nghĩa rằng, Văn Chinh không bẻ bút phê bình, mà như thể công việc phê và bình đã thành nghiệp, thành muốn, thành khát vọng của nhà phê bình văn học Văn Chinh? Với tư cách một bạn đọc, xin được tôn vinh bạn tung bay trong bầy đàn lý luận phê bình văn chương nước nhà.

Văn Chinh: Tôi bị ngắt học giữa chừng, lòng hiếu học chồm lên như sóng biển bị vách đá ngăn lại. Tôi lao vào tự học, vớ được gì đọc nấy, cho nên hệ thống lý luận dẫn dắt tôi sáng tác trở nên ngày một phong phú và nhiều khi là khác hẳn với những ai chỉ  học một thầy, một hệ thống.
Mình: Xin ngả mũ trước ham học của Chinh. Xưa nay, ai cũng biết học là một chuyện còn dụng vào đời lại là chuyện khác. Xưa có tiến sĩ giấy, bây giờ khối tiến sĩ mua. Học dữ thế hẳn Văn Chinh đã có bằng cấp “khủng”? Mình cho là vậy, và dù không vậy cũng không sao, mình vẫn trọng, vì đầu Chinh  đã  tuệ chữ, bụng chứa đủ thư viện Thánh hiền, nên bút lực sung mãn, ngôn có thanh, chữ có sắc, dòng chảy ngôn từ êm đềm uốn lượn, chỗ nông, chỗ sâu, chỗ thác, chỗ ghềnh…dù ở chỗ nào văn chương cũng giản mộc, cũng thì thầm một giọng điệu riêng. Phải chăng cái giọng điệu riêng này được chắt lọc trên đường tự học, khác hẳn cách học một thầy, một hê thống như bao bằng cấp khác? Giọng điệu Văn Chinh riêng mình thế, nên mình đọc khúc văn nào của Chinh cũng thích, này dẫn: “ …Tôi thấy thơ giờ đây không dở. Nếu bình tĩnh đọc từng bài trội của mỗi nhà thơ, dù trẻ dù già, đều có câu hay trên cái nền vững chãi của cấu trúc bài, chỉ có điều, bạn đọc lơ đãng ngay bởi hình như đã đọc ở đâu đó những gì na ná như vậy, đâu như giai đoạn 1930-1942, giai đoạn 1942-1964, hoặc 1964-1975 và từ đó đến nay. Tôi tạm gọi đó là hiện tượng nhờn thơ. Có lẽ quen và nhàm thì đúng hơn, nhưng tôi muốn so sánh với hiện tượng nhờn thuốc…” ( trang 74,sđd). Người viết được nhận xét này cớ chi còn mặc cảm kiến văn? Tôi bị ngắt học giữa chừng, lời thốt này ý thẳng là tin sự học, nhưng tàng ẩn trong đó là mặc cảm tự ti, cứ e bạn đọc bảo mình ít chữ, lòng như còn chút hoài nghi, chưa thật tự tin ở bút lực mình! Viết được những dòng dẫn ở trên là Chinh đã nén cái phê, trầm tĩnh cái bình của người có văn đấy, phải như nhà bình phê khác thì họ đã toáng lên hoặc vùi dập, hoặc tụng ca: Thơ tình bây giờ toàn thứ thơ tán gái, thơ bạn bây giờ toàn thứ thù tạc nhố nhăng. Hoặc ngược lại họ xưng tụng thơ tán gái thành tuyệt phẩm tình, thơ thù tạc thành thứ vĩ ca tuyên giáo. Từ nhàm thơ hay nhờn thơ Chinh dùng đủ đô cho nhà sáng tác ngẫm nghĩ và bạn đọc đủ cười xin thông cảm cái lý vì sao mình lại ngoảnh mặt với thơ.

Văn Chinh: Thế rồi trong đời sống văn học hai mươi năm qua có một hiện tượng không bình thường: Các cuộc tranh luận học thuật khi mở ra thì rất hăng hái, hai luồng ý kiến va nhau chan chát, nhưng rốt cục, muốn át giọng nhau, các lý luận gia đều phải dùng vũ khí cũ kỹ là quy chụp, đưa tình đồng nghiệp đến cửa phản động và tinh thần khoa học mà ai cũng nhân danh đến chỗ… ngưng!
Bạn đọc: Tại sao lại là hai mươi năm qua? Bạn đọc chỉ là người đọc sách, nên có thể không chuẩn xác về thời gian lịch sử, dù vậy, vẫn xin đề xuất nên lấy mốc thời gian từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm, mở đầu cho cái gọi là tranh luận học thuật ( chữ Văn Chinh) mà kết cục thì đúng như những dòng Văn Chinh viết. Vụ (không là tranh luận học thuật) Nhân Văn Giai Phẩm là vết nhơ trong văn học sử nước nhà. Hệ lụy của cuộc tranh luận học thuật này sinh con, đẻ cháu tồn tại cho đến bây giờ, thứ tranh luận một chiều, dụng quyền lực cai trị làm cán cân phải trái. Tiếc thay, cái sự trái lại luôn thắng thế. Bạn đọc biết cả đấy, nhưng bạn đọc thờ ơ, dửng dưng, vì biết đó là những tranh luận ảo, những tranh luận về cái không có học thuật và nếu có thì cũng không đáng để tranh luận phi học thuật.

Văn Chinh: Tôi đứng xem các cuộc tranh luận, hai chiều hay thậm chí một chiều, theo cách của một bạn đọc tích cực, là xem ai đúng ai sai, ai đúng ở điểm này mà sai ở điểm kia và ngược lại.
Bạn đọc: Không có cuộc tranh luận, tranh cãi, cãi nhau, chửi nhau nào lại không có người ngoài cuộc tò mò đứng xem. Cái sự tò mò ấy là thói xấu của người Việt. Trường hợp Văn Chinh tò mò theo cách của một bạn đọc tích cực ( chữ Văn Chinh), chẳng biết có nên thể tất?

Văn Chinh: Dần dà, hệ thống phức hợp các lý luận mà tôi tích lũy được cứ tự nhiên trồi lên, khỏa lấp cho bằng đủ chỗ thiếu hụt trong đời sống lý luận bị khủng hoảng đã để lại trong tôi, trước hết là giúp tôi nhận thức, sau đó thì thiên lương lên tiếng buộc tôi phải “trả ơn”  nguồn, đưa nó tạo sinh những giá trị mới, đúng như mọi giá trị văn hóa khác. Các tư tường triết học Lý Khí là Một của Lê Quí Đôn, tinh thần dân chủ trong học thuật của Nguyễn Du. Mà trong lẽ phải có người có ta đã có mặt trong các bài viết của tôi là hai trong các trường hợp “về nguồn” như vậy và như bạn thấy, nó quán xuyến mọi lập luận của tôi, lối tư duy của tôi.
Nguyễn Nguyên Bảy: Trong các cuộc tranh luận mà Văn Chinh tham gia, cho tôi nói leo được không?
Nói leo một: Về cụ Nguyễn Du, tôi có viết hẳn một tập thơ nhan đề “ Khảo Luận Truyện Kiều” (đã in trong Nguyễn Nguyên Bảy thơ, NXB Văn Học 10/2010), trong đó có nhiều chuyện này nọ với Cụ Nguyễn và Truyện Kiều. Nhưng nói leo vào cuộc tranh luận của Văn Chinh tôi chỉ xin leo cái kết thúc truyện Kiều cho khỏi xa đề. Ý kiến của tôi thế này:

Nhạt phèo là cảnh đoàn viên
Kim Kiều hội ngộ mở miền phúc sinh
Trang vui nghe giả dối kinh
Nào là phẩm tước phù vinh ngọc ngà
Nào là chăm sóc mẹ cha
Em trai em gái chật nhà cháu con
Xem ra đau đắng chùi trơn
Tranh đời cực nhọc lại son bạc vàng
Thúy Kiều chết
Truyện hết trang
Tích xưa chắt lọc thời gian thành Kiều
Kiều thành một tấm gương treo
Soi vào gương ấy ngộ điều trần gian…

Bài Lược Kiều này, tôi viết 1970, góp vào đây chỉ là ý nghĩ riêng, như một “đò đưa”, không tham gia tranh luận.
Nói leo hai: Tranh luận của Văn Chinh với các sư phụ, sư huynh, tôi chỉ xin nói theo toán dịch, Hữu và Vô đều nghĩa là đạo, là đức tin, là số 5 hàm nghĩa đức tin dương, là số 0, hàm nghĩa đức tin âm, trong số 5 có số 0 và trong số 0 có số 5, là hai số cân bằng dịch, quan trọng bậc nhất trong dãy số đếm từ 1-10. Từ hai số 5 và 0 này người ta đã dụng thành hai chữ Yes và No trong máy tính. Mở file văn bản hiện lên hai chữ Yes và No, xóa file văn bản cũng hiện lên hai chữ Yes và No. Nhấn chuột chữ Yes yêu cầu mở, file mở ra, nhưng nhấn chuột chữ Yes, yêu cầu xóa, file văn bản biến mất. Hữu và vô không cái nào sinh ra cái nào cả, mà song hành theo đức tin của người.Triết học là loại sách kinh, đúc kết của tuyệt diệu và huyền bí. Học kinh không chỉ là để học mà học để biết dụng kinh (dụng triết học) vào đời sống con người mới là điều quan trọng. Học đúng và dụng được, để hướng dẫn nhân quần mới đáng là bậc học của chính nhân. Hẳn nhiên Kinh dịch trong Ngũ kinh có trước Kinh Khổng Tử, hay Lão Tử. Kinh dịch đúc kết lý khi và hành khi từ sơ khai, cho tới thế kỷ 21 này vẫn được coi là tuyệt phẩm kinh, mà các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật bản, Đại hàn, và cả Việt nam ta đều đang chứng minh đó là sản phẩm của dân tộc mình, và đề xuất Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Hữu và Vô của Kinh Dịch hẳn nhiên là bao la vô cùng, nhưng may thay pho kinh đó lại là pho dịch, dậy cho người đời cách dịch chuyển Hữu thành Vô và ngược lại, để tương thích giữa cá thể bất kỳ với môi trường trời đất. Vậy nên, phần kinh tàng ẩn nhiều bí hiểm, nhưng phần dịch lại thô mộc nhưng sâu sắc, đơn giản nhưng trải nghiệm và tràn đầy đức tin thuyết phục. Đơn cử một quẻ dịch làm ví dụ. Quẻ Phong/ Thủy Hoán. Phàm những điều gì liên quan đến gió và nước thì đều cần phải xem xét thay đổi, hoán chuyển. Lý chỉ có vậy. Mới hỏi hoán chuyển là hoán chuyển cái gì, hoán chuyển thế nào với hai chữ Phong trên Thủy dưới? Bí ẩn ở đó, nhưng đơn giản trải nghiệm cũng ở đó. Phong trên thủy dưới là quẻ Hoán, chí một cách hoán duy nhất là lật quẻ, thủy dưới lên trên và phong trên xuống dưới, Thủy trên/ Phong dưới là quẻ Tỉnh. Từ quẻ Hoán lật thành quẻ Tỉnh. Tỉnh là cái giếng. Cái giếng nghĩa gì? Nghĩa rằng: Uống mãi không cạn, vơi lại đầy, đầy không tràn. Giảng vậy kể như xong, việc phong thủy là việc dịch chuyển phong ( gió,khí) và thủy (nước) sao cho tương thich với đời sống là được thành cái giếng, để được hưởng phúc dầy. Đừng cho là nói leo tôi lạc đề. Và đã là nói leo cúi mong các sư phụ, sư huynh và bằng hữu Văn Chinh đừng chấp.


Văn Chinh: Có một hiện tượng không bình thường khác, mọc lên từ trước cả thời đổi mới, lớn rất nhanh để trở thành cành chính của cây phê bình và được gọi là phê bình cánh hẩu, sau đó thì biến tướng thành hiện tượng cứ đổ xô nhau đi khen một tác phẩm này mà gía  lạnh một cách bất công đối với những tác phẩm khác.
Mình: Nói thì nói sao cũng được, nhưng làm mới tin. Mình đọc trọn cuốn Mùa Màng của Chinh, thấy lời nói đi đôi với việc làm. Những bài viết của Chinh không phê bình cánh hẩu, không đổ xô khen, cũng không đổ xô vùi dập. Văn Chinh cảm thực và công bằng, lời lẽ còn đôi khi khạng khạng, vênh râu, nhưng không sao, cái tôi của ai chẳng muốn trội vượt hơn người. Công bằng mà nói, toàn cảnh cuốn sách đáng đồng tiền bát gạo, nếu mua sách, và đặt trên kệ thì cũng thuộc loại sách tốt, đáng lưu giữ đọc ngẫm dần dà.

Văn Chinh: Hiện tượng thiếu công bằng xẩy ra đôi khi lại chỉ vì đất nước trải quá dài, các nhà văn ở xa trung tâm đồng nghĩa với việc xa các nhà phê bình, sách hay của họ đành rơi vào im lặng.
Mình (chen ngang): Chẳng lẽ chỉ ở trung tâm mới có nhà phê bình văn học? Còn ở xa trung tâm thì không?  Nếu câu trên tàng ẩn nghĩa chỉ ở Hà Nội (trung tâm!) mới có các nhà phê bình văn học hoặc mới có chuẩn phê bình thì e là “chủ quan” đấy, thưa bạn.

Văn Chinh: Tôi xót xa thấy sự công tâm phải nhường chỗ cho cánh hẩu, cho thời thượng, cho tỏ ra đổi mới hay muốn được tiếng là “truyền thống” hoặc thậm chí chỉ vì địa lý, cho gì thì cho, nhưng nếu đã phê bình bất công thì cái thiệt thòi là văn học, người thiệt thòi là bạn đọc.Tôi yêu văn học, không muốn bạn đọc bị thiệt thòi, nên đã viết về những cuốn sách, những nhà văn không có cánh hẩu nào, không chịu khuất thân theo khuynh hướng cấp tiến hay bảo thủ nào, một mình một cõi, tìm tòi ra một lối đi riêng.
Bạn đọc: Mong anh cứ làm như lời anh nói thì bạn đọc chúng tôi dù ở gần trung tâm hay ở xa trung tâm cũng biết ơn anh nhiều lắm. Vặn vẹo một chút, nhà văn đã tự tin vào con đường phê bình của mình vững đẹp là thế, cớ chi còn đăng vào sách của mình một hành nghĩ người khác, mới nghe tưởng là tưương tự như hành nghĩ Văn Chinh, nhưng đọc xong, toát mồ hôi, cố đồng cảm mà không thể, những dòng hành nghĩ ấy đã làm nhạt bạc đi phần đáng kể mầu sinh dưỡng đằm thắm của Mùa Màng và tính chân thực của nghề nghiệp. Bạn đọc xin trích lại như một so sánh: “ Một số bài phê bình đọc sách của các nhà sáng tác hiện nay mang cái chất vuốt ve mơn trớn nhau, rao hàng hộ nhau, họ kéo bè kéo cánh gây thanh thế trong giới. Ngửi thấy cái “vị” này trong bài nào đó trên báo là tôi bỏ liền. Hiểu rằng người viết loại này ngày càng đi vào con đường đã chọn, trông thấy tên họ không bao giờ tôi đọc nữa, cả sáng tác lẫn phê bình. ( Lời tựa, trang11). Nhà (?) này là nhà phê bình văn học? Tự phong hay bạn đọc tín nhiệm? Khạng quá! Nhà loại này không đọc không bình sách thì chợ sách vẫn đông như thế, văn thi đàn vẫn vui như thế, hà cớ chi phải lớn lối đe dọa ta đây không thèm đọc, và thật mừng bạn đọc “ngộ” ra liền, chẳng thèm đọc cái thứ phê bình “ bạc một đời “đã viết được mấy chữ có văn, mà lớn lối độc quyền lập ngôn!

Văn Chinh: Vả chăng, khi viết về một cuốn sách, anh phải đọc nó kỹ hơn, do đó mà việc học hỏi của tôi được kỹ lưỡng hơn. Cũng  một cơm đôi việc.
Nguyễn Nguyên Bảy : Đọc Mùa Màng Văn Học Mấy năm Qua của Văn Chinh, tôi thu hoạch được nhiếu bổ ích. Phê và Bình là hai trong một của Phê Bình, biết vậy, nhưng tôi thích đọc bình hơn là phê. Tạng văn học của ta hiện nay hình như hợp vậy. Chẳng biết Văn Chinh có nghĩ vậy? Còn tranh luận văn học, tôi không thích đọc, dù bản tính tò mò, đành đưa cái tò mò vào những trang báo lá cải xem các cô đào rũ tình và các chàng sở cởi thêm được mấy khuy áo ngực. Tôi ( chỉ cá nhân tôi) cho là bài kém nhất của cuốn Mùa Màng Văn Học là bài  Ông Nguyễn Hoàng Sơn chửi hay…? Đó đưa văn thơ nhau dùng tiếng chửi làm gì. Cứ thẳng thắn lời lý mà thoại chẳng đẹp chẳng văn hơn sao?

Văn Chinh: Cố nhiên, một người chả làm được bao nhiêu, tôi càng không dám nói rằng mình đã “lấm rửa lệch kê” xong cho độ chênh tích lũy sau nhiều năm của  cả nền văn học. Nhưng làm xong một việc đáng làm, riêng mình bằng lòng đã sung sướng, huống chi lại còn được bạn biết cho, sung sướng nhân đôi còn gì.
Bạn đọc: Xin nhà văn đừng mơ hồ, cả ngàn Văn Chinh cũng không thể “lấm rửa lệch kê” được độ chênh tích lũy sau nhiều năm của cả nền văn học. Lấm rửa, lệch kê là bản chất giải pháp của văn chương. Nếu như không còn sự lấm rửa, lệch kê, thì văn chương kết thúc sứ mạng của văn chương ư? Mong Văn Chinh nghĩ lại. Một khi cầu thị nghĩ lại, Văn Chinh sẽ không an ủi mình đã  “ làm xong một việc đáng làm”, chữ Xong tức là nghỉ, tức là buông bút không bận tâm đến chuyện này nữa, tốt thôi, đừng nghĩ là bạn đọc tiếc/buồn, thực lòng bạn đọc văn chương ta hiện nay không mặn mà chào đón những cái gọi là tác phẩm phê bình..

Văn Chinh: Mặt khác, phàm là kẻ tự học thì đều có thói quen mang những bài tập ra nhờ thầy nhờ bạn chấm cho. Đó là lý do cuốn sách này ra đời và nó đến tay bạn. Một cái gật đầu là một khích lệ, hẳn rồi, nhưng ngay cả sự chỉ bảo của bạn của thầy cũng là một kiểu khích lệ khác, tôi xin sẵn sàng sung sướng mà lắng nghe.
Bạn đọc/ Mình: Cảm ơn Văn Chinh.
Nguyễn Nguyên Bảy : Trang 287, kết bài viết Nguyễn Trong Nghĩa- nhà văn thế hệ sau 30 tháng Tư, Văn Chinh viết : “ Tôi không nói văn xuôi trẻ là hay. Tôi nói Thiêu Thân Truyện, Quay Về là văn xuôi trẻ. Và hay.” Tôi xin mượn những lời đẹp ấy, sửa đôi ba chữ cho hợp văn cảnh, để kết bài “đối thoại đò đưa “ này: Tôi không nói phê bình văn học hiện nay của chúng ta là hay. Tôi nói Mùa Màng Văn Học Mấy Năm qua là sách phê bình văn học đọc được.
Sài Gòn,Tháng Tư/ 2011.
Nguyễn Nguyên Bảy

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét