Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ Phần V, CHÉM GIÓ VỚI GẤU NGA/ SÔNG NEVA, MÙA NHỮNG ĐÊM TRẮNG

Phần V,
CHÉM GIÓ VỚI GẤU NGA, ĐOẠN CUỐI
SÔNG NEVA, MÙA NHỮNG ĐÊM TRẮNG





CHÉM GIÓ VỚI GẤU NGA, Bài cuối
SÔNG NEVA, MÙA NHỮNG ĐÊM TRẮNG
nguyễn nguyên bảy


Đêm Trắng Tôi:
Hai chữ Tố Hữu như có lửa. Bà giáo đột ngột đứng dậy, một tay xua xua và một tay phủi lửa hình như đang bén cháy vào váy bà. Chính trị, chính trị, chúng ta không nói chuyện chính trị..Buổi học của tôi chấm dứt tại đó. Bà giáo có vẻ giận tôi, bước ra cửa về thẳng ký túc xá. Tôi muốn đuổi theo gặng hỏi hay xin lỗi, nhưng không dám và cũng không thể..Tôi phịch ngồi xuống ghế..ngẫm nghĩ..mọi chuyện đã xẩy ra..ngẫm nghĩ mãi, hầu như mỗi khi có thể ngẫm nghĩ về chuyện này..tới nay vẫn chưa thấm hiểu hết..những điều cần ngẫm nghĩ..


Theo lý lịch du lịch cá nhân
, tự khai là đã đẫm tâm hồn trong những đêm trắng ở Seattle Washington USA..
Đêm trắng, nghĩa bóng trắng như tờ giấy. Thổi chữ vào giấy. Thổi chay. Không ra văn vần không ra văn xuôi. Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc..

Đọc những dòng này, họa may có Giời, chứ chẳng thể một ai, kể cả chính tôi biết được cái Đêm trắng ở Seattle nó hình hài, sắc mầu ra làm sao..

Vì thế, rút kinh nghiêm lần đến Nga này, tôi phải nghiên cứu đêm trắng trước khi tận mắt chứng kiến và nói kiểu văn vẻ sáo là đẫm tâm hồn vào Đêm Trắng Nga..


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đêm trắng
hay bạch dạ là những ngày với khoảng thời gian ban đêm (tại địa phương) có độ chiếu sáng tự nhiên không quá thấp cho dù Mặt Trời đã lặn xuống dưới đường chân trời, nghĩa là khoảng thời gian ban đêm chỉ có thể coi như là bao gồm mỗi hiện tượng tranh tối tranh sáng (hoàng hôn hay rạng đông). Tại các vĩ độ gần với các vòng cực (bao gồm vòng Bắc cựcvòng Nam cực) và ở phía ngoài của nó người ta quan sát được hiện tượng này gần sát với thời điểm hạ chí tại mỗi bán cầu.


Các điểm thấy đêm trắng

Sự xác định các đêm trắng phụ thuộc vào định nghĩa về tranh tối tranh sáng. Nếu coi tranh tối tranh sáng như là tranh tối tranh sáng dân dụng, thì các đêm trắng chỉ có thể quan sát được tại các vĩ độ không thấp hơn 60°, mặc dù người ta vẫn nói tới đêm trắng tại các vĩ độ thấp hơn thế một chút; tuy rằng định nghĩa chung được đồng thuận là hoàn toàn không có. Tại các vĩ độ cao hơn vòng cực, đêm trắng có thể quan sát thấy trong khoảng thời gian từ 1-3 tuần trước và sau hiện tượng ban ngày vùng cực. Ở những nơi có đêm trắng nhưng không có ban ngày vùng cực thì hiện tượng đêm trắng xuất hiện gần với thời điểm hạ chí, trong đó nếu địa điểm càng gần với vòng cực bao nhiêu thì số lượng ngày có đêm trắng lại càng tăng lên với độ chiếu sáng cao nhất diễn ra trong đêm của ngày hạ chí.


Tại Nga

Tại một số vùng của Nga, các đêm trắng có một ý nghĩa văn hóa quan trọng. Các thành phố của Nga đáng chú ý nhất về quan sát đêm trắng là Saint Peterburg, Arkhangelsk, Severodvinsk, Naryan Mar, Murmansk. Các thành phố này được liệt kê theo trật tự từ các thành phố có ít số đêm trắng nhất (và tối nhất) tới các thành phố có số đêm trắng nhiều nhất (và sáng nhất).

Đêm trắng tại Saint Peterburg

Tại Saint Peterburg, các đêm trắng được coi là kéo dài từ ngày 11 tháng 6 tới ngày 2 tháng 7 mỗi năm;[1] trong khi khoảng thời gian với bầu trời ban đêm khá sáng kéo dài từ cuối tháng 5 cho tới cuối tháng 7.


Theo tự khai: Trước hết phải nói mùa hè là mùa đẹp nhất ở Nga..Đẹp vì mùa hè quá ngắn, không phải 90 ngày như các mùa hè nhiều vùng/miền khác, mà chỉ gần như một tháng, nhiệt độ trung bình toàn mùa là từ 10-22*. Chữ ngắn trong trường hợp mùa hè Nga đồng nghĩa với chữ nhanh. Mà nhanh thật, hôm qua tới đây, những cây táo bên đường lá còn nõn xanh, mà nay lá đã xanh hoa, xanh li ti trắng những bông hoa táo, bảo rằng, chỉ đôi ba ngày nữa, những quả táo sẽ lúc lỉu cành..tuyệt đẹp..Và nhanh lắm táo chín là vào thu, thu cũng đi rất nhanh, còn nhanh hơn ngày hạ..nhanh để ập vào đông, một nước Nga bao la trong sắc trắng của tuyết phủ và băng giá..
Theo tự khai:
Tôi đã đến Len bằng tầu hỏa tốc hành từ ga Mát. Tôi đã ở trong một khách sạn xịn bậc nhất, năm sao, cổ kính của Len. Tôi đã sống trong không khí Mùa Đêm Trắng của Len bốn ngày, ba đêm. Ăn đêm trắng, ngủ đêm trắng, thăm Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa Hè cùng đêm trắng. Xuôi dòng Neva, hòa cùng những bước chân Nga trên dọc triền sông, phơi nắng cùng các cô gái Nga mùa đêm trắng vừa tốt nghiệp trung học, ăn món cừu nướng saslức tuyệt Nga với nướng người Nga..Và chớp ảnh đêm trắng Len liên chi hồ điệp..cùng đẹp cảnh, đẹp người..

Và thành thực:
Trong mùa đêm trắng ở Len này, tôi đã bỏ bầy đàn, ở một mình, duy nhất một mình tôi với trọn vẹn một đêm trắng tôi..


Đêm Trắng tôi :
Bắt đầu, chỉ là do thèm, thèm đến mức không thể cưỡng nổi, hút một điếu thuốc. Mùa đêm trắng Nga, đang cùng bầy đàn vui (không có buồn à nhe!) đêm trắng Nga mà tìm cho được một chỗ để một mình hút thuốc tại Kinh thành Len này quả là không dễ, quả là phiền phức người khác quá, mất vui. Thế nên, đành đánh vờ 'việc bụng', từ một điểm quá ưng bên dòng Neva ngắm Kinh thành Pertecbua..đang đêm trắng, tôi đi nhanh một hơi về khách sạn, đứng bên cạnh thùng gạt tàn thuốc lá to đùng trên hè, trịnh trọng mở hộp quẹt gaz có hình ông Nin và logo KGB, xoẹt lửa châm thưởng cho thèm mình điếu thuốc..Mall trắng, đem từ Sài Gòn sang, nguyên cây, chưa hút hết một gói, bên này, tìm chỗ hút thuốc nan lắm..

/Nghĩ trong khói thuốc lá/

Đêm trắng là đêm trăng trắng phớ, gặp đêm trời, nắng không đi ngủ, cũng trắng phớ. Trăng trời đều cùng trắng phớ thế là thành đêm trắng.

Cớ chi phải trải trắng phớ, ngược với tự nhiên, mà khoe đẹp, khoe duyên của cái mầu đêm không trăng sao thì thăm thẳm đen, có trăng sao thì hớ hênh trong mầu lụa là. Lập đi lập lại, nhàm chán hay không nhàm chán, trong mầu đen thăm thẳm hay trong mầu sáng lụa là đó, Trời nghĩ là mình cô đơn, Trăng nghĩ là mình cô đơn. Cô đơn đến mức không chịu được trắng phớ thành Đêm Trắng. Chém gió thế này có mà khiên cưỡng chết!, lòng em là cái bánh em bóc mình ăn, nhưng em không là cái bánh, em là Đêm Trắng phớ trong ngoài, ngày đêm. Nghe mà ngẫm. Trời như reo, ta trắng phớ rồi, ta không giữ nén bất kỳ thứ gì cần chia sẻ trong cô đơn trẫm. Trăng thù thì, quả nhân không giấu giữ bất kỳ thứ gì cần chia sẻ trong chiếc bóng quả nhân..

Nghĩa cô đơn tàng ẩm, hay do người gán ghép trong chém gió này, hình như người Nga lâu/xưa cũng đã đã diễn tả trong thi ca/nghệ thuật từ lâu/xưa rồi.

Các đêm trắng là biểu tượng đặc sắc của Saint Peterburg. Người ta tạo ra một loạt lễ hội gần với khoảng thời gian này với người dân đi dạo trong đêm, chẳng hạn như lễ hội những cánh buồm đỏ thắm (Алые паруса). Hình ảnh các "đêm trắng" cũng được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuậtvăn chương. Chẳng hạn như Afanasy Fet đã viết về chúng trong bài thơ Ответ Тургеневу (Trả lời Turgenev) năm 1856)

Và tôi, khi thức cùng Đêm Trắng ở Seatte cũng đã viết, trích đọc lại: /
Đêm trắng, nghĩa bóng trắng như tờ giấy. Thổi chữ vào giấy. Thổi chay. Không ra văn vần không ra văn xuôi. Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc../
Từ chuyện Đêm Trắng tôi đã lan man sang chuyện thơ thẩn rồi đó sao?

Th lỗi cho tôi. Ngay từ tấm bé, do lậm cuồng si thi ca mà mẹ đã coi tôi là thằng điên và luôn khuyến cáo mọi người chơi với một thằng điên thì nên thể tất, nên thương, đừng ganh ghét đố kỵ làm gì, vì người điên bản tính không gây họa hại cho đồng loại, nhất là với người chỉ cuồng si thi ca như tôi..

Thứ lỗi cho tôi, nếu đêm trắng với thi ca của tôi dài dòng..Tôi sẽ cố không dài dòng, mà có dài dòng cũng khó, vì lúc nào tôi cũng bị khuyến cáo đe dọa bởi hai chữ Roi và Nín. Hai chữ này thành nỗi ám ảnh và hèn sợ thật sự của tôi. Hai chữ Roi và Nín, mẹ tôi đã mang về trời và hóa chúng rồi, nghĩa rằng từ nay tôi đã hết sợ hãi, đã dám nói viết đến tận cùng cái sợ hãi, hèn nhát của mình, viết từ cái trắng phớ, trắng của trong sạch, minh bạch, từ tế. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó, tôi hiểu là mình phải tu thân nhiều lắm để đến được vùng trắng phớ..


Mời Trở Lại Với Đêm Trắng Của Tôi. Tôi móc túi châm nối điều Mall thứ hai. Giật mình, đụng vào chuyện thi ca thế này, không khéo mình đốt hết gói Mall trong Đêm Trắng này chứ chả chơi..
/ Hút thuốc lá độc hại, No smoking, No smoking../ Hồn vừa hô khẩu hiệu dứt, tôi bập điếu thuốc đã ngún lửa lên môi. Chợt như độn được quẻ bói, tôi quẳng điếu thuốc gần như còn nguyên vào thùng gạt tàn thuốc lá và bước vào nhanh, sau cúi đầu chào của người gác cửa khách sạn. Tôi lên thang máy. Tôi mở khóa từ phòng, cởi rất nhanh những thức mang trên người, cho tới khi soi gương thấy mình chỉ còn là mình, trắng phớ. Tôi vào phòng WC, bật hết các công suất đèn, trắng phớ. Thấy trắng phớ thật sự: Lavabô gương và đèn, bồn thải bã ruột có mặt ngồi nóng lạnh, cabin tắm đứng một vòi xối và một vòi tay cầm, pitsin tắm ngâm inox trắng sáng hơn trắng đêm trắng..
Tôi tuần tự làm các việc tự sướng phải làm, ai cũng phải thế cả thôi, khác chăng là các tự sướng ấy tốt/đẹp hơn chút đỉnh do các trang thiết bị thực hiện giải pháp tự sướng ngày càng văn minh hiện đại..
Tôi đang nằm trong pitsin ngâm nước đến ngang cổ..  
Trắng phớ 1:
Chó chết thật, tôi tự chửi mình, chẳng biết vì sao, trong thời khắc trắng phớ tôi trang nghiêm thế này, lại hiện ra nhà thơ Nga, Andrei Dementiev, sinh năm 1928, có thể coi là người cùng thời với tôi, dù ông lớn hơn tôi một giáp, và ông đã đọc tôi nghe bài thơ Crimê Xưa Cũ, kể về ngôi nhà xưa cũ của Nhà văn Grin mà Andrei ngưỡng mộ..
Thơ có đoạn / Việt dịch Bằng Việt/
Ta mắc lỗi với ông vì đời ông quá ngắn
Mà số phận ông cay cực đến nhường này!
Ta mắc lỗi vì cánh buồm đỏ thắm
Mãi xa vời..cho đến tận hôm nay!..
Về nhà văn Grin: Nhà văn Nga Alexandre Grin (1880-1932), suốt đời sống trong nghèo khổ và bệnh tật, nhưng lại rất nổi tiếng vì những câu chuyện đầy lãng mạn và khao khát hạnh phúc, có tầm nhân văn sâu sắc. Tác phẩm: "cánh buồm đỏ thắm" viết năm 1923, hết sức phổ cập một thời, đã được quay thành phim, như một lời trối trăng của ông, cháy bỏng ao ước về những viễn cảnh sáng tươi và hạnh phúc muốn được dành cho lớp trẻ. (Theo Bằng Việt)
Đừng thơ chữ Crimê mà lái tôi vào sự kiện chính trị Crimê. Tôi quan tâm đến sự kiện Crimê với tâm thức một người nước ngoài khách quan. Chém gió, ví thử kẻ cuồng si kinh dịch tôi, có đoán được ý trời về nhân/quả của sự kiện Crimê, thì tôi cũng sẽ chỉ nói cho tôi nghe và đào một cái hố nói cho đất nghe thôi..

Trắng phớ 2: Hiện ra với la liệt sách, từng pho từng pho và nhòa trồng trên đó là những gương mặt đạo cao đức trọng, người cười nở, người cười mím, người cắn môi cười ngực, người kênh chân cười bụng, nói chung là toàn gương mặt cười..Loáng thoáng họ quay ngang, quay dọc nói chuyện với nhau, ngữ Việt, ngữ Nga..ngữ nào cũng đều lưu loát cả..Tôi Wao lên một tiếng rõ to, tin chắc là thanh âm không thể thoát ra ngoài, đấy là tiếng Wao cầu mưa..Và Trời chiều cho mưa thật, mưa trong đêm trắng tôi..
Trong mưa, tôi thấy những gương mặt cười bỗng khóc đồng ca, người khóc nở, người khóc mím, người cắn môi khóc trong ruột, người khụy chân khóc thời trang, tiếng khóc không nước mắt, không hoàn toàn ai cũng là cá sấu, mà/ nhưng phần đông đã cười/ khóc cả đời, nước mắt đã khô kiệt hết..
Sự gì mà hỷ/nộ/ái/ố đến thế?
Sự rằng, các chân dung cười khóc ấy, đạo cao đức trọng lắm, đa phần giáo sư/ tiến sĩ cả đấy, được cử sang Liên Xô (trước đây, gọi Nga bây giờ) du học, trong số họ, có người ở lại (trốn) Nga hoặc về lại nước, đều mang theo một bụng chữ nghĩa khủng về Chủ nghĩa Mác Lênin, về Lý luận văn chương hiện thực XHCN..và về cách làm thơ, cách viết văn, cách vẽ/ tượng của người Nga..Mà người Việt Nam chỉ biết hát dân ca/ thơ ca dao trên cánh đồng lúa nước phải học tập để tiến lên thơ "năm anh em trên một chiếc xe tăng"/ " Đường ra trận mùa này đẹp lắm.."
Đã là quê hương của Chủ nghĩa cộng sản, quê hương của Cách Mạng Tháng Mười Nga, thì automatic là quê hương của Nền văn nghệ hiện thực XHCN.
Tiếc thay, Nền văn nghệ XHCN của CCCP (Liên Xô) và riêng Nga từ thời là Liên Xô cho tới hiện thời là Nga..Mất mùa liên tiếp, gặt hái đáng kể chỉ là không nhiều những tác phẩm thơ và văn viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại/ chiến thắng phát xít Hít Le (Hết!)
Nền Văn nghệ Nga Xô Viết mất mùa. Còn ta thì được mùa chăng?
Cái mốc 1991, CCCP sụp đổ. Hẳn là lịch sử văn học của Nga hay lịch sử văn học thế giới nếu có nhắc tới thành tựu của văn chương Nga giai đoạn 1917-1991, thực quá ít oi thành tựu để nói. Chiếc hộp quẹt của người Nga làm tặng/bán cho du khách đến thăm Nga, có gắn hình Lênin và logo KGB, đủ nói lên tất cả sức sống thế nào của một nền văn nghệ trong dối lừa và cùm khóa..
Mưa đã tạnh.
Những gương mặt cười/ khóc của tôi ơi..Tôi không chia sẻ tội nghiệp sự cống hiến gần như trọn đời của bạn. Tôi xưng hô như thế bởi chúng ta đồng thời với nhau, cái thời chân lý đúng sai khó nhận biết, nhưng nhất định phải được nhận biết. Cái thời quẻ tình coi trọng/ quẻ lý xem khinh, phải được đổi lại quẻ lý đứng trước quẻ tình. Cái thời thói xu thời, thói cơ hội được coi là phẩm hạnh trí thức, thì việc bạn vừa cười đó, lại khóc đó, sự tôn vinh đến cùng lúc với ném đá..âu cũng lẽ thường, dũng cảm nơi đức tin của mình là điều duy nhất giúp cho cười/ khóc có ý nghĩa.. 

Trắng phớ 3: Trắng phớ này không muốn làm phiền bất kỳ ai, nên tôi tự bỏ các danh xưng tham gia các tích truyện và xin tự chịu trách nhiệm về những lời Chém gió của mình.
Bảo là nền văn học Liên Xô (Nga xô viết) không có ảnh hưởng gì tới một người viết văn sống trong hệ thống các nước XHCN, cụ thể là Việt Nam, lại biết và yêu tiếng Nga từ những năm 1960, là tôi, thì thật là hơi ăn gian, thiếu phẩm chất công bằng, cao hơn gọi là kẻ vong ơn. Thành thực mà nói, tôi bị ảnh hưởng khá lậm văn học Nga Xô Viết, chỉ có điều ảnh hưởng theo chiều nghịch của dịch học sinh/ khắc. Thủy sinh mộc, nhưng thủy nhiều thì mộc úng, kim khắc mộc, nhưng kim non, mộc cứng thì kim gãy.
Bà giáo Nga văn là một cá nhân cụ thể ảnh hường cuộc đời văn chương của tôi, suốt từ khi tôi học bà cho tới bây giờ và cho tới chết.
Đến St. Peterbua (bà giáo không thích tôi gọi St. Peterbua là Len hay Leningrat ngay kể cả khi thành phố này chính danh Leningrat) tôi đã tìm bà giáo, theo địa chỉ mà hơn 55 năm (1960-2015) trước bà cho tôi, với hy vọng ngây thơ là chỉ vài đôi năm sau 1960 tôi sẽ có dịp đến St. Peterbua quê bà..Trong suốt xa cách, tôi mang máng tin tức của bà qua các bằng hữu của tôi ở Nga hoặc vừa từ Nga về VN. Sau khi đi làm chuyên gia Nga ngữ ở VN về, bà bị xem như là một kẻ "xét lại hiện đại", b loại khỏi môi trường làm thầy, bị giám sát an ninh chặt chẽ..Cuộc tìm kiếm sau 55 năm bất thành, nơi nào tôi đến, tôi hỏi, người ta đều ngơ ngác trả lời: Xibaxibờ, ia nhe dơnaiu../ Xin lỗi, tôi không biết../ Câu dưới đây, là tôi chém gió..Mẹ tôi, bà giáo Nga yêu kính của tôi, trong một căn nhà gỗ sát bìa rừng bạch dương, xa chút là dòng sông Neva yêu quý, Mẹ tôi, bà giáo Nga của tôi đã thăng về mây trắng, không một trăng trối, không một trách buồn..
Lạy Mẹ cho con được kể tiếp câu chuyện.
Bà giáo Nga đã dạy tôi nhiều điều lắm, nhưng gom lại có bốn tích, xin vắn lại dưới đây.


Tích một. Bà giáo tiếng Nga dạy tôi thẩm thơ.

Bà bảo, thơ là đặc thù của tiếng lòng, tiếng lòng nhân loại giống nhau về căn bản, khác nhau chỉ là mầu sắc  tôn giáo và sắc tộc. Vì thế, thơ được gọi là thơ, là tiếng lòng, khi nó được dịch sang một thứ ngôn ngữ khác, mà nhiều/ít vẫn còn giữ được âm hưởng thơ thì đó là thơ.

Rồi bà yêu cầu tôi dịch thẳng từ ngữ Việt sang ngữ Nga một bài thơ nào đó mà tôi thích.
Tôi vâng và chọn thơ của Đại thi sĩ, nhà thơ nổi tiếng nhất, được nhiều người, đủ mọi thành phần xã hội đọc nhất..của thời tôi, đó là thơ của Tố Hữu. Tôi chọn bài thơ sang láng nhất lúc đó (đầu những năm 1960), bài Ta Đi Tới, của Tố Hữu, chỉ có điều chưa giới thiệu tên tác giả với bà giáo, vì muốn dành một bất ngờ khoe với Mẹ đã dịch được thơ của một thiên tài thơ. 
Câu một: I a bờ lơ cơ gu li a út / Mây nhởn nhơ bay..
Bà giáo gật gù mái tóc đôi ba sợi bạc. Tôi ngạo là mình đã dịch khá hay chữ Mây nhơn nhơ bay thành chữ Mây dong chơi.
Tiếp câu hai: Hôm nay ngày đẹp lắm/ Xê vốt nhi a prêcrát snơie/
Mặt bà giáo hơi biến sắc. Bà từ gọi tôi là xưn nô chếc (út cưng) sang ban tún ( thằng hư).. Bà nói tiếp sau chữ ban tún, cần nghiêm chỉnh..
Tôi đáp, thưa Mẹ con rất nghiêm chỉnh..Và không chờ bà nói thêm, tôi dịch bay biến những câu tiếp theo: / Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta/ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa..
- Ban tún, ban tún, thế mà là thơ sao? Ta vá ris Xem..ban tún Xem..Thế mà là thơ sao? / Một lát/ Con tính đem mẹ ra làm trò đùa đấy à, con chế nhạo mẹ đấy à../ Đột ngột mẹ hỏi, - Thơ này của ai?
Tôi đáp: Thơ của Đại thi sĩ hiện thời của nước con, thơ của đồng chí Tố Hữu.
Hai chữ Tố Hữu như có lửa. Bà giáo đột ngột đứng dậy, một tay xua xua và một tay phủi lửa hình như đang bén cháy vào váy bà. Chính trị, chính trị, chúng ta không nói chuyện chính trị..Buổi học của tôi chấm dứt tại đó. Bà giáo có vẻ giận tôi, bước ra cửa về thằng ký túc xá. Tôi muốn đuổi theo gặng hỏi hay xin lỗi, nhưng không dám và cũng không thể..Tôi phịch ngồi xuống ghế..ngẫm nghĩ..mọi chuyện đã xẩy ra..ngẫm nghĩ mãi, hầu như mỗi khi có thể ngẫm nghĩ về chuyện này..tới nay vẫn chưa thấm hiểu hết..những điều cần ngẫm nghĩ..


Tích hai: Bà giáo tiếng Nga dạy tôi cân lượng thơ.
 

Không phải đánh giá/ xem xét mà là cân lượng, bà nhấn mạnh hai chữ cân lượng.
Ngày sau tiết một luyện nghe nói tiếng Nga, pererứp (giai lao), bà giáo vẫy tay gọi tôi lại bàn giảng bài của bà. Bà nói nhỏ hơn thường khi, cũng đủ nghe, giọng có chút cảnh giác, dè dặt. Mẹ thành thực xin lỗi con, bà nói, con đã đúng trong việc chọn bài thơ Ta Đi Tới của Tố Hữu dịch cho mẹ nghe và con cũng đã đúng khi nói với mẹ những lời cân lượng về Tố Hữu, ông ấy quả là một nhà thơ lớn hiện thời của đất nước con, có công chúng nhiều nhất và được ngưỡng mộ nhất. Mẹ là người Nga, mẹ không có quyền cân lượng về thơ ông ấy, quyền cân lượng thuộc về người Việt Nam, trong đó có con. Vì thế, con cứ coi như mẹ chưa nói gì  về thơ Tố Hữu. Dù vậy, để con dễ dàng hơn trong suy nghĩ của mình - umnưi xưnnôchếch ạ - lát nữa mẹ sẽ kể cho cả lớp nghe về ông nhà thơ Maia của nước Nga xô viết, có số phận lúc khởi nghiệp hao như ông Tố Hữu..Vào tiết hai luyện nghe nói tiếng Nga, bà giáo Nga đã kể tóm tắt về sự nghiệp lừng danh của nhà thơ Nga Maiakốpxki.
Mai a đã thổi vào thi đàn Nga lúc đó một dòng thơ mới, trước ông chưa hề có, đó là dòng thơ mang tên Mai A. Thơ Mai A nổi như cồn với nội dung chào đón và tôn vinh cách mạng vô sản, cách mạng đỏ, được thơ hóa bởi hình thức thơ bậc thang độc nhất vô nhị. Thơ Mai A vang lên khắp nơi, từ Quảng Trường Đỏ đến vườn hoa, phố thị, sân trường, xưởng thợ. Thơ ông làm nức lòng các đồng chí bonsovich, nức lòng các chiến sĩ hồng quân, lính thủy, thợ thuyền và dân cầy.. Quần chúng ủng hộ, tôn vinh thơ ông rộng khắp, nơi nơi. Có thể nói Mai A là nhà thơ lớn nhất, vĩ đại nhất của nước Nga Xô Viết thời đó.
Vậy mà số phận quá nghiệt ngã với ông. Lãnh tụ Lê Nin đã không thích thơ Mai A bằng thơ Puskin, Êsênhin. Và quần chúng đã nhanh chóng phai nhạt tình nồng thắm với thơ Mai A, nhất là từ sau khi ông tự sát..

Câu chuyện về Mai A bà giáo kể chỉ có vậy. Không để các học trò tò mò hỏi thêm về Mai A, bà bắt đầu tiết học theo giáo án đang dở dang của mình.
Trong cuộc đời tu thân cho thơ của tôi, tôi đã viết thu hoạch dạng chân dung về thơ và các nhà thơ Việt Nam có vấn đề, cần nghiên cứu/ tham khảo bổ ích, trong đó có chân dung nhà thơ Tố Hữu. Bài viết chưa đăng/in, vì chỉ mới dợm in thử bài tiểu luận về thơ, ngắn vài trăm chữ trên Báo Văn Hóa, thì 14 chữ " Thơ là Thơ. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ", đã bị chính Tố Hữu khoanh chì đỏ tuyên một cái án mồm " xóa tên biên tập tại Đài TNVN, đi lao động cải tạo" . Thế là, bài viết rất hay của tôi (tôi cho là thế), nhà thơ Tố Hữu đã không kịp đọc trước khi sang thế giới khác, để ông có cái mà khoe là tôi đã tôn vinh ông đẹp/xấu chính xác, hay ho đến nỗi ông bất ngờ bàng hoàng thế nào...Và tại sao một người su ông đến thế mà ông lại đang tâm trảm? Chưa biết đến khi nào, tôi mới hỉ xả hết nỗi giận hờn này để công khai bài viết (tôi lại tự cho là thế) rất chính xác, rất hay của tôi về thơ và nhà thơ Tố Hữu. Cầu xin trời/ phật cho con ngộ lẽ công bằng..


Tích ba: Bà giáo tiếng Nga dạy tôi bí quyết làm thơ.
Sau tiết kể vắn về nhà thơ Nga MaiA, bà giáo Nga không được trực tiếp đứng lớp nữa, bà được giao công việc khác, quan trọng hơn ở trên cao hơn, đấy là lời giải thích của thầy giáo vụ với chúng tôi khi giới thiệu thầy giáo mới dạy thay bà. Tôi buồn xỉu và tự cho là mình khởi lỗi trong chuyện này. Nếu tôi không thơ thẩn thẩn thơ nhố nhăng về thơ ông Tố Hữu, thì bà giáo Nga đã chẳng kể tích MaiA và..họa tai đã không dáng xuống đầu bà..Sau này, tôi mới biết, người ta đã cho bà về Nga trước thời hạn..Mày là thằng chó chết! Khi biết tin ấy, tôi đã tự xỉ mình như thế, đính kèm hai cái tát tai, nổ đom đóm mắt, để nhớ đời..
Trời có mắt, trời còn thương tình mẹ/con vô tư trong sáng chúng tôi, mà ban tặng cho tôi lá thư của Mẹ Nga ( viết bằng tiếng Nga) gửi từ Len cho Con Út Bảy (viết bằng tiếng Nga), Hà Nội, Việt Nam. Với tôi chỉ hai chữ Mát (Mẹ) và  Xưnnôchếc (con trai cưng) là đủ tất cả âm thanh, hình ảnh, ngôn từ, tình cảm mẹ/con sống mãi mãi trong tâm thức tôi.
Lá thư này, Mẹ viết khá nhiều vấn đề thuộc khu vực văn chương, từ thực trạng văn chương Nga Xô Viết đến thuyết văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, đến hiện tượng Đốc tơ Zivago, Sông Đông Êm Đềm, Xa Mạc Tư Khoa..(Tên các tác phẩm của các nhà văn Nga)...Đã mất công viết nhiều chuyện lớn thế của văn chương, mà câu kết mẹ lại bảo: Để con biết cho vui..đừng bận tâm mất thời gian về những điều này..Tôi thực chẳng hiểu hết thâm ý của mẹ..Nên đành vâng lời Mẹ..biết cho vui..
Nhưng vui nhất, thú vị nhất, bổ ích nhất, bổ ích suốt đời, là những dòng, (tôi cho là) mẹ đã viết ra tự đáy lòng, chỉ tiếc là quá ngắn, quá cô đúc, sau này tôi phải tự luận giảng cho mình bằng cả một tập sách (đã xuất bản) mang tên " Thủng thẳng với thơ", Đó là những dòng chữ thiêng nghiêm bà giáo Nga/ Mẹ Nga dạy đứa trò nhỏ, đứa con cưng (như lời bà gọi) bí thuật làm thơ.
" ..Thơ là tiếng lòng. Tiếng lòng phải thơm sạch, trong trẻo, phải vô tư, trung thực, thật thà. Trong lòng luôn có xú uế, phải ngăn chặn không để xú uế len lỏi vào tiếng lòng. Xú uế len lỏi vào tiếng lòng, thơ sẽ bốc mùi tanh tưởi, dối trá, lừa gạt, su nịnh, bịp bợm. Tiếng lòng thế nào thì thơ thế ấy. Yêu/ghét chỉ là cảm xúc nhất thời. Tôn trọng mới là sự còn mãi. Hãy nghe tiếng lòng mình mà hát ra thơ. Ý này Mẹ dành nói với con về thể thơ giải thoát tiếng lòng của cá nhân mình, riêng mình, độc lập, độc quyền..nên đừng quá bận tâm về ý nghĩa chia sẻ với người đọc ngoài mình. Và, một khi con cảm thấy muốn được chia sẻ tiếng lòng mình với một ai đó, hay một đám đông, một bầy đàn thì còn cần ghi nhớ câu này, Nga ngữ : Rứ bắc, rứ bắc ca, ví dít izờ đalêca ( người đánh cá nhìn thấy người đanh cà từ xa), Việt Ngữ, câu Kiều của Nguyễn Du ý nghĩa tương tự : Phải người cùng hội cùng thuyền đâu xa..Con hiểu mẹ nói chứ ? Phải đặt tiếng lòng mình vào lòng người mà nghe tiếng lòng người mà tìm sự đồng điệu, đồng cảm với nhau..Hơi khó giải thích, nhưng mẹ nghĩ là con hiểu ý Mẹ..
Tóm lại, thơ là tiếng lòng, thơ phải chân thật. Mọi thứ thơ giả dối su nịnh..dù nhất thời, có đánh lận vàng thau, có được tung hô, tôn vinh cách cỡ nào..thì sớm hay muộn cũng chỉ là thứ xú uế thải loại mà thôi.."


 

Tiếng điện thoại reo. Tôi thức bật người. Đã 10 gi sáng. Đã ban ngày một ngày mới, trời trắng phớ mầu trắng phớ nắng không phải trắng phớ mầu đêm trắng..Tôi cười vui như thế khi đưa thoại lên tai. Giọng đầu giây bên kia, Em gái báo tôi xuống lễ tân làm thủ tục trả phòng khách sạn, để kịp ra sân bay về lại Mát..

Đêm trắng ơi, thế là một đêm trắng ta thức trắng với thơ rồi nhé. Mới thức một đêm mà ta đã thèm ngủ quá rồi. Khỉ thật, sẽ có ngay một giấc ngủ ngày trên máy bay. Khỉ thật, thế mà ta cứ tưởng là đã bao nhiêu năm nay ta ngủ ngày, ngủ ngày đến chán ngấy, thế mà mới một đêm thức với đêm trắng đã lại nhớ ngủ ngày, ta ơi là ta.. 
Chào Đêm Trắng miền Len..Chiều nay ta lại có Đêm Trắng miền Mát, đêm trắng miền Mát nửa vời ấy mà, làm sao lung linh huyền ảo như đêm trắng Len, nhưng đêm trắng ở đâu chẳng thế, lời hứa với Neva về một bài thơ tình Đêm trắng, chưa kịp ngẫu hứng miền Len, về miền Mát ta đền nhé..



VANDANBNN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét