Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Sách thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2 / Phần Văn bản NGUYỄN KHÔI, 1



Sách thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2
  Phần Văn bản NGUYỄN KHÔI, 1


Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa  
 HÁT(*) VỚI THƠ THU(*) CÙNG NGUYỄN KHÔI- TRAI ĐÌNH BẢNG (*)


Phần Đò Đưa.
Năm nào nhỉ, anh Khôi? Hình như 1971, thu đang ở Sơn La: /Mùa thu vàng sáng trời mây/ Áo em giặt suối hong đầy nắng trưa../

Rồi thu đến Sapa, anh tung tăng cùng tình? Đọc trọn bài cho sướng (*) :
/ Đã thầm hẹn lên Sa Pa nghỉ mát/ Ra cầu Mây cùng đứng tựa rung rinh/ Thỏa mắt ngắm Phăng Xi Păng bát ngát/ Trời thần tiên riêng của chúng mình./
/Sapa mộng đẹp hơn cả mộng/ Sapa mơ vượt hẳn giấc mơ/ Mây thì cứ vẩn vơ phiêu lãng/ Cõi diệu huyền thực thực hư hư./
/Ừ dạo cảnh một mình đơn lẻ quá/ Chơi chợ Tình ai đó kéo cùng co/ Cứ như thể buổi đầu cho mắc cỡ/ Ở dưới kia Cốc Lếu đợi mong chờ./
/Sapa đấy thả hồn thơ bay bổng/ Cứ như là hẹn đến để mà yêu/ Một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng/ Một nụ hôn sương khói ở bên đèo./

Rồi đến Ba Vì, ngỡ tưởng gặp thật thu, thu của Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng, rành rành tựa bài: Ba Vì Tháng 9, Mùa Thu. Lại đọc cả bài cho sướng (*):
/"Mùa thu mùa của tình yêu/ Vàng ươm nỗi nhớ phiêu diêu một thời"/
/Tháng 9 :  Ba Vì mây trắng nõn/ Nghe hồn thu gọi cuốn lên cao/ Em gái người Dao lên hái thuốc/ Sương mai lạnh thấm ửng má đào/ Ai đi Tây Bắc qua Hưng Hóa/ Cầu mới vượt trên sóng sông Đà/ "Lối xưa Tây Tiến" mờ sương khói/ Để chàng Thi sĩ mãi ngẩn ngơ.../ Tháng 9 : Ba Vì - anh lên trước/ Hẹn em mai tới dạo "Khoang Xanh"/ Xứ Đoài mà thiếu Ba Vì nhỉ/ Thì trời mây trắng cũng buồn tênh./

Nhưng phải tới hai bài tứ tuyệt sắp dẫn, bài trước viết ở quê Đình Bảng (*), bài sau viết tận bên Tàu, làng Thiệu Hưng nào đó, tâm hồn người thơ Nguyễn Khôi mới hiện ra chóa lóa, quyến rũ, hào sảng, một chút kiêu ngạo đáng yêu, một chút ngất ngưởng nửa quan/ nửa dân và một chút tham vọng tàng ẩn trong âm dương thơ lúc hiện hình AQ, khi chém gió Chí Phèo..
Bài dẫn trước,
Ao Làng
Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang,/ Bỗng dưng lại thấy nhớ Ao Làng;/ Cái đêm hè ấy Ai ra tắm,/ Để cả bầu trời phải tắt trăng./
Bài dẫn sau,
Nhớ Lỗ Tấn
/Qua Làng chẳng thấy AQ/ Nhà cao cửa rộng liền kề tương thân/ Rượu quê một chén Thiệu Hưng/ Ai say Thời Cuộc mà không Chí Phèo ?/

Phần Mở Các Hoa Thị.

Hoa Thị một, chữ Hát: Không biết có phải từ khi Thơ bước vào Tự do, Hiện đại, Hậu hiện đại và vu vơ thuyết, thơ đã không thể hát, nên chữ ca không còn đứng sau chữ thơ để thành chữ kép Thơ Ca. Tôi là người yêu/thích loại thể thơ hát, nôm na là khi ta đọc câu thơ ta cảm được âm điệu, cung bổng thanh trầm, nghe tiếng véo von chim, tiếng ru đưa võng gió. Vâng. Thơ Ca. Thơ Hát. Thơ của Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng là Thơ Hát, hát được trạng thái cảm xúc tâm hồn người: hỷ, nộ, ái, ố. Thơ Hát là bằng chứng thơ thật, thơ tiếng lòng, đọc lên ngân nga chia sẻ..

Hoa thị hai, chữ Thơ Thu: Thơ có trong bốn mùa, thế nên tất có Thơ Xuân nghĩa Hỉ, Thơ Hạ nghĩa Nộ, Thơ Đông nghĩa Ố, và Thơ Thu nghĩa Ái. Bốn trạng cảm hỉ, nộ, ái, ố đều tàng ẩn trong bốn mùa thơ, nhưng trạng cảm Ái dầy hơn cả, nhiều hơn cả, đậm đà hơn cả và tri kỷ tri âm hơn cả. Là tôi nghĩ vậy, cho là vậy. Thơ Nguyễn Khôi tiếng lòng, giọng điệu riêng, thơ chuẩn. Tôi kiệm gọi là Thơ Thu không ngại lộng ngôn, bẻm lời. Nói thêm: Chúng ta đã và còn đang trải một thời gian dài, chữ thời thơ được các chuyên nghiệp thơ dụng cạn kiệt Hỉ/ Nộ/ Ố cho hỉ tụng những mơ hồ, cho nộ phẫn những khẩu hiệu gào thét, cho ố nước mắt cá sấu những thuyết vô lý tuyên truyền..vân va nghĩ cho cùng cũng chỉ là dụng thơ vì hai miếng lợi/danh. Cái thời viết thơ ái, dù tình dâng mẹ, thương con, dù tình đợi, tình chờ..bị nghiêm cấm bằng lệ ngoài vòng luật, nay đang thức/ ngộ. Nói vậy không có nghĩa là Nguyễn Khôi thức ngộ sớm mà là Nguyễn Khôi tu thân thơ theo truyền thống Thơ vốn có từ ngàn đời, tiếng lòng thế nào thì lẩy ra thơ thế ấy, như lá gió heo may, như là chuối trứng cuốc, se se da thịt biết thu về..

Hoa thị ba, chữ Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng: Bài đăng lần nhất, năm từ Nguyễn Khôi -Trai Đình Bảng là bốn từ Thi Lão Nguyễn Khôi, toan tính của người viết muốn đăng ký bản quyền hai từ Thi Lão, dùng đầu tiên với nhà thơ Nguyễn Khôi. Nhưng vẻ như Người thơ Khôi không hoan nghênh hai từ Thi Lão, bời Anh cho rằng thơ (tình/ Anh nhấn mạnh) không có tuổi, và Anh đã đúng với lý mình lắng nghe mình, anh nghe mà thấy thân/ tâm anh đang thời sung mãn, đang tuổi lứa xuân ca..
Anh Nguyễn Khôi muốn thì đò đưa em xin chiều. Tuy nhiên, bạch thêm cho rõ: Chữ Thi Lão phân khúc tuổi theo tôi phải là lớp tuổi U80 mới được xưng/gọi. Anh Nguyễn Khôi nhiều hơn tôi đôi/ ba, kính anh U80 đuôi dài, em U80 đuôi ngắn. Tôi đang cố "phấn đấu" để được gọi là Thi Lão, nhưng e khó, tu thân chẳng biết khi nào đậu. Là bởi Thi Lão có chuẩn, các nhà thơ trong ngưỡng U80 nhất thiết phải đạt hai kiện: (Một) Bút lực còn tung tăng, thơ thu còn trái chín. (Hai) Không hỉ/nộ/ố bất mãn lòng phun ra thơ sám hối.
Anh Nguyễn Khôi, bạn thơ lứa anh, hội đủ các chuẩn trên cho tôi cúi mình gọi anh Thi Lão. Bằng chứng ư ? Dưới đây bài thơ mới nhất anh viết nhân Rằm Ngâu năm Thân 2016, tôi sưu tầm được trên mạng.
Tháng 7 Này Không Có Mưa Ngâu 
/Tháng 7 này không có mưa Ngâu ?/ Hà Nội nắng 37 độ/ Trên Lào Cai lũ tràn sạt lở/ Tiếng ve kêu đỏ cành Phượng bên cầu.
/Đâu còn Quạ bắc cầu Ô Thước/ (Phun thuốc sâu : Quạ tuyệt chủng rồi,/ Phân hóa học : ruộng không còn Đỉa...)/ Nỗi đau hoài : tượng Tô Thị nung vôi.../
/Đâu còn mưa Ngâu gieo tiếng nhạc trời/  Mưa rả rích thương người con xa xứ :/ Cô ấy bán sang Hàn làm "vợ"/ Rằm tháng 7 này có nhớ "tết" mẹ cha ?
/Nắng chang chang thèm một tiếng sấm xa/ Thèm một trận mưa xưa lành ( không a xít )/ Ôi Đất Nước đang từng phần tự chết/ Diệt môi trường : trời chẳng đổ mưa Ngâu./ Nước mắt rơi rơi/ chẳng thành được mưa Ngâu !
Hà Nội 12/8/2016, sắp rằm tháng 7 Bính Thân
Nhưng, như đã nói, anh Khôi không thích gọi mình là Thi Lão. Mà thích gọi là Nguyễn Khôi- Trai Đình Bảng. Thưa vâng, Chào anh thơ Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng..

Hoa thị bốn, chữ Đọc Trọn Bài Cho Sướng
Phàm đọc thơ, gặp một chữ đẹp đọc cũng đủ sướng, ví dẫn câu thơ cụ Nguyễn : Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về../ Chữ “tỏ” quá đẹp, quá hay đọc lên nghe sướng thật. Gặp một câu đẹp đọc còn sướng hơn / Thời gian đọng lại buồn tênh/ Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người/ (Thơ Lý Phương Liên)  và tất nhiên đọc được bài thơ hay thì đúng là sướng không lời. Lạy Mẹ Huyện Thanh Quan, con đang ngâm nga thơ Mẹ để sướng ngập lòng: / Bước đến Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta../
Thơ Nguyễn Khôi vượt qua ngưỡng một chữ đẹp, vượt qua ngưỡng một câu hay, đạt đến, tất nhiên không phải tất cả thơ Nguyễn Khôi, mà nhiều bài của anh Trai Đình Bảng phải đọc trọn mới đã sướng. Cái sự sướng bảo là ăn may. Vì sao ăn may? Vì rằng: Thi Đàn Việt thời anh thật/ giả nhiễu nhương, nhiều kẻ ngỡ mình “chuyên nghiệp thơ”, cả đời khát thèm ảo danh, lộc lá, túa về hai phía, (một) nhân danh tạo lập cường quốc thơ, lập ngôn bịa đặt trường phái nọ này bịp bợm, (hai) nhờ thơ mà có chút danh, đã không nhuần ân nghĩa ấy, mà nhẫn lòng ngửa mặt gào nhổ mặt mình văng bẩn cả mặt thơ, coi thơ như một nạn ách bệnh hoạn ước cầu có thuốc cai thơ. Giữa một thì đàn có quá nhiều những giả thơ nhăng cuội ấy, Trai Đình Bảng- Nguyễn Khôi vẫn chung thủy yêu thơ, vẫn coi thơ như một cứu cánh hạnh phúc đời, vẫn “vịn vào câu thơ mà đứng dậy”. Anh đã kế thừa một cách xứng đáng nghệ thuật chơi thơ truyền thống của Người Xưa đạt ba chuẩn Lý/ Tượng/ Số. Lý là tiếng lòng chân thực, tỏ bầy, chia sẻ cái mình nghĩ, cái mình quan, quán, cái mình hỷ/nộ/ái/ố cái mình, của mình. Tượng là cái biểu tượng bằng thanh, bằng sắc, bằng cỏ cây hoa lá, dòng sông, mái nhà, con đường, bằng trời mây non nước, vũ trụ, nhân quần..Số là toán học, vật lý, hóa học nôm na là khoa học kỹ thuật thi ca..Thế là Nguyễn Khôi ăn may trong vườn thơ quá nhiều rác rến và cỏ dại vẫn nở những bông thơ cỏ hoa tử tế. Những vần thơ tử tế ấy đáng đọc trọn bài mới đã sướng.
Chữ sướng theo vòng Tràng Sinh Chữ đã đứng phương vị Tuyệt, tức là tàng ẩn mơ hồ, bí ẩn, mênh mang... Vì thế nếu đò đưa so sánh với sắc thu Nguyễn Khuyến "ao thu lạnh lẽo nước trong veo", hay thu đỏ rực sắc cờ trong thơ Nguyễn Đình Thi, thì làm sao đã cái sướng với thơ anh Trai Đình Bảng Nguyễn Khôi, thu Paris sắc tím..Cái sướng riêng tư là thế, bí ẩn là thế, mang mang là thế..

Hoa thị năm, chữ Đình Bảng. Mở cửa hoa thị, định thưa lời: anh Khôi là trai Đình Bảng, vùng Kinh Bắc Cổ..rồi nọ này..Thì bỗng nghe lòng quát: Nín. Ấy là tôi mắng tôi. Nhiều lời quá rồi, hết cửa bình luận. Nín, để bạn đọc nghe lời tâm thơ của anh trai Đình Bảng - Nguyễn Khôi:
" Theo ý bạn thơ NHQ thì "nếu Thơ là một thế giới ảo, việc đọc Thơ như vậy, trước hết sẽ là một cuộc du hành vào thế giới ảo ấy. Đọc Truyện Kiều là du hành vào thế giới trong đó có Kiều và Kim Trọng gặp nhau, yêu nhau, hẹn hò với nhau, rồi xa cách nhau, Đọc Quang Dũng là đi vào thế giới đầy mùi hương hoài niệm..."
Chữ quan trọng  nhất là ":du hành" (đi chơi) vừa đi vừa chơi. Đi để chơi, là để thưởng thức cái Đẹp...khác hẳn việc đọc một công trình khảo cứu hay thiên phóng sự .Đọc Thơ không phải là đọc lấy được, đọc cho xong mà là như "chơi một bản đàn", xem một bức họa...chầm chậm đến với mình, đó là "tham dự vào một trò chơi của trí tưởng tượng", đọc Thơ là một hành động nhập cuộc (nhập vào hồn Thơ của Thi sĩ) như đi vào cõi mộng của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư ; đi vào cái yêu của Xuân Diệu , Nguyên Sa ; buồn cùng cái buồn của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương...Thơ có những khoảng trống trong văn bản Thơ. Đó là lối viết thư pháp chữ Hán Nôm có những nét chữ không vương mực để trắng một chút như Rồng cuộn trong mây, khúc ẩn, khúc hiện, đó là cách nói của Thi nhân bằng ngôn ngữ Thơ "nói thiếu một chút", không nói toạc ra mọi sự, mọi ý nghĩa. Chỗ trống này là sự chừa lại  cho sự bâng khuâng (ý thầm) cho bạn tri âm đây, những khoảng trống này đậm chất Thơ, nơi chất Thơ lan tỏa...nó còn có ý nghĩa Thơ là văn bản không liên tục, thơ có nhiều chỗ "lặng", "ẩn", cái "lặng" của Thơ chứa đầy cảm xúc và tư duy. Do đó Đọc Thơ theo kiểu nhâm nhi, nhấm nháp, thưởng thức một bữa tiệc tâm hồn để lòng ta cảm thấy sung mãn hạnh phúc thì mới thật là đáng đọc." / trích BẮC NINH THI THOẠI của Nguyễn Khôi/ In lần thứ 3, nxbVHDT- Hà Nội 4/2004, trang 207-208./  Và thế, lúc này, xin vâng nghe lời tâm tình anh Khôi, Đình Bảng, mở lòng nhâm nhi, nhấm nháp, thường thức bữa tiệc thơ: Cái đêm hè ấy ai ra tắm/ Đề cả bầu trời phải tắt trăng…

Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa
Thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2
Phần văn bản Nguyễn Khôi, 1.

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét