NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM!
ĂM ẮP NGHĨA-TÌNH!
(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.
Đồng Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên; NXB Hội Nhà văn, 2016…)
ĐƯỜNG VĂN
Dù đã được anh Nguyễn Nguyên Bảy thông báo trước 2 hôm, nhưng tôi vẫn rất
ngạc nhiên, cảm động khi được chú bưu tá mời ra cổng nhận gói bưu kiện sách gửi
từ Thành phố Hồ Chí Minh (?) vào đúng buổi trưa ngày 23 tháng chạp năm Bính
Thân, lúc đang chuẩn bị cúng tiễn ngài Táo
phủ Thần Quân – Đại vương Hành khiển
lên chầu Thượng Đế. Gói sách được chủ nhân bọc, dán rất kỹ càng, cẩn thận,
vuông vắn, nặng chình chịch như cặp gạch Bát Tràng xưa, trĩu trong tay tôi…
Và
trong làn khói trầm hương thoang thoảng, dưới ánh đèn nến lung linh, trước ban
thờ trang nghiêm, trịnh trọng đọc Cáo văn
khấn lễ năm nay, tôi đã hoan hỉ bổ sung thêm một câu bẩm báo với Tổ Tiên và Ba Ông Táo về món quà Tết Xuân Đinh Dậu đặc
biệt ý nghĩa, một ấn phẩm tinh thần sang trọng, sáng giá và trân quý, thể hiện
mối tình bạn, tình thơ, tình đời, tình người chân thành, sâu sắc, vượt qua
không gian, thời gian của anh chị nhà thơ Lý Phương Liên – nhà thơ - nhà văn -
nhà báo Nguyễn Nguyên Bảy, cặp uyên ương mà theo chúng tôi, rất xứng đáng với
12 chữ xưng tụng: SONG BÍCH KỲ NHÂN: NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM! ĂM ẮP NGHĨA - TÌNH! 12 mỹ tự ấy, tôi đã mạnh dạn tiêu
lên làm nhan đề cho bài viết nhỏ này mà trong lòng người viết không hề cảm thấy
băn khoăn vì một thoáng PR, lăngxê gượng gạo nào cả!
Không
đúng ư? Bởi trong thời buổi kinh tế thị trường sôi động, quyết liệt như hiện
nay, hầu như gần cả thế giới phát chán ngán thơ, thì ở nước ta - Quốc Thi Việt Nam, vẫn diễn ra cảnh tượng nhà nhà làm thơ, người người làm
thơ, chơi thơ,… may thay đã có, từ hơn 5 năm năm lại đây, một cặp vợ chồng, một
cặp tình nhân tình nguyện dồn hết tâm sức vì sự nghiệp thơ văn: làm thơ, viết
văn, quảng bá văn thơ của mình, của bạn trên các phương tiện thông tin hiện đại
nhất (Fb, trang web, blog… một cách thường xuyên, cập nhật hằng ngày. Trang web
mang tên nguyennguyenbay. com là một
trong những trang mạng rất phong phú về nội dung, linh hoạt về hình thức, đậm
chất văn chương, mang tính xã hội và nghệ thuật cao, đã và đang ngang ngửa thu
hút cộng đồng cư dân mạng cùng với những trannhuong,
quechoa, basam.com…)
Không
đúng ư? Bởi ở xứ Việt Nam mình, xưa nay đã có ai tự nguyện làm một Mạnh Thường Quân kiêm Chủ biên – Chủ chi – Phát hành sách văn
học cho bạn và cho mình, cho người và cho ta một cách vô tư, liên tục, bởi những dự án xuất bản sách, có thể nói là cực
kỳ hoành tráng, quy mô: Bộ sách Thơ Bạn
Thơ (dự kiến 10 tập, mỗi tập 300
trang), Văn Bạn Văn (nhiều tập, mỗi tập dày trong ngoài 300 trang), Vườn Thơ 5
nhà (nhiều tập), Chém gió muôn màu (nhiều tập, mỗi tập trên dưới 300 trang), 99
tình khúc tặng Liên...
Quả
thật, đây là Bộ Hợp tuyển văn chương Việt
Nam hiện đại tập hợp và tinh tuyển hàng ngàn nhà thơ chuyên nghiệp và không
chuyên, hàng vạn bài thơ văn hay khắp
cả nước và của những người thơ Việt ở
nước ngoài. Một bộ Hợp tuyển văn chương hiện đại đặc biệt có giá trị, đáng được
ghi danh vào Lịch sử văn học Việt Nam, kể từ bộ Hợp tuyển tài hoa độc đáo đầu
tiên: Thi nhân Việt Nam (Hoài
Thanh – Hoài Chân, (1941).
Xét về quy mô, phạm vi và số lượng, có lẽ đó là
bộ hợp tuyển, cho đến nay, đạt mức phong phú, quy mô bậc nhất. Càng đáng quý
hơn bởi chủ Dự án lại một cặp vợ chồng U80 – U 70 người Thủ đô Hà Nội, mấy chục
năm qua vào định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 5 năm nay (2012 – 2017) và
những năm tới đã, đang và sẽ phát Tâm
nguyện Bồ đề, quyết tâm dâng hiến phần đời còn lại, tiền bạc và công sức,
tài hoa, trí tuệ và tâm hồn cho Thơ, vì Thơ, cùng bạn bè hoạch định, kiến tạo
và hoàn thành bộ sách Thơ Văn Việt Nam
để toàn tâm toàn ý hỷ xả dâng hiến quê
hương, đất nước, cho – tặng - biếu bầu
bạn, người yêu thơ gần xa, hoàn toàn không
nhằm mục đích kinh doanh thương mại!
Đáng
quý vậy thay! Tấm lòng của những con người hiếm hoi, kết tinh hài hòa cả 3
thành tố Tài – Tâm – Tiền, suốt đời
coi tình yêu Thơ Văn, tình yêu Con người và Đất nước là lẽ sống của cuộc đời mình. Và tôi gọi đó là đôi Kỳ Nhân Việt Nam
hiện đại, cặp vợ chồng Song kiếm hợp
bích (mượn chữ của Kim Dung Đại hiệp
viết về cặp vợ chồng Dương Quá – Tiểu
Long Nữ) của Việt Nam
ta, thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21.
Đường
Văn tôi, qua bạn văn Nguyễn Hiếu, được biết và quen với vợ chồng anh Bảy - chị
Liên từ buổi ra mắt, giới thiệu sách Thơ
Bạn Thơ 1 tại Trung tâm Văn hóa Đông
Tây, quận Cầu Giấy, Hà Nội,
mà Hiếu làm MC,… đến nay cũng đã 5 năm rồi. Tôi đã được anh chị quý tặng gần đủ
bộ sách quý, từ Thơ Bạn Thơ 1- 6, Văn Bạn
Văn 1, 2 (mà tôi và anh bạn Hoàng Dân
có vinh dự được chọn một bài khảo luận nhỏ về Rượu trong Truyện Kiều), 99
khúc tình tặng Liên, Vườn Thơ 5 nhà 1, 2, Chém gió muôn màu 1, 2…
Thật là
đồ sộ! Thật là phong phú! Thật là đáng kính ngưỡng, quý hóa tấm lòng bầu bạn say
thơ, yêu đời, quý bạn của anh chị!...
Thế là
suốt mấy ngày cận Tết và Tết, trừ những lúc lo việc tế lễ, tiếp khách, tôi cứ
mải mê đọc – ngẫm 3 cuốn sách quý, món quà Tết Xuân Đinh Dậu còn thơm mùi mực
in vừa nhận được từ phương Nam
phập phồng nắng gió. Càng đọc càng lấy bâng lâng như đang được nhắm nhót thứ bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi và thụ hưởng
bàn đào thiên tiên. Đọc xong hơn một lần đầu cả ngàn trang sách chữ nhỏ thì
cũng vừa chớm giao thừa. Cảm xúc dâng trào, nhớ anh chị, gõ vội mấy câu ngũ
ngôn văn vần mộc mạc, mail vội cái mail đầu năm thay lời cảm ơn, rồi mới
lần lần viết kỹ hơn trong bài gọi là giới thiệu mang tính tản văn tiếp theo
này.
Trước
khi gõ phím, tôi lại lướt qua mấy tập sách đã ra các năm trước để củng cố cái ấn tượng đầu tiên của tôi về bộ sách trường
giang của anh chị Liên - Bảy. Đó là: Càng đọc càng hay! Càng ngắm càng đẹp! Tập
sau phong phú, sáng tạo hơn tập trước. Song hành cả thơ, cả văn đò đưa, phê bình…
Hình thức in ấn có thể đạt tiêu chuẩn
sách đẹp quốc tế: Sang trọng, trang nhã, dày giặn, tinh tế và bắt mắt!… Điều đó
chứng tỏ không chỉ quá trình và kết quả làm việc công phu, chỉn chu, cẩn trọng
mà còn bộc lộ năng lực thẩm mỹ tinh tường, một phong cách làm sách hiện đại
mang tính chuyên nghiệp cao.
Nội dung thì ngồn ngộn, ngồn ngộn!
Đúng là
một kỳ công nghệ thuật! đủ vẻ, muôn màu… chứng minh tâm sức, công phu và năng
lực sưu tập, thâu góp tinh hoa văn chương nghệ thuật phi thường của các chủ
biên và nhóm Biên tập… Nhưng vì điều kiện thời gian và năng lực đọc có hạn của
riêng mình, dưới đây, chúng tôi cũng chỉ xin được trình bày một vài cảm nhận bước đầu mang nặng tính chủ quan về 3 cuốn ấn phẩm nghệ thuật mới của các tác giả,
đặng chào mừng mùa xuân Đinh Dậu mà thôi!
+
Chém gió
muôn màu 2 (2016): 297 trang; về số lượng: nhiều hơn; chất
lượng, hay hơn, đa dạng hơn, sâu lắng hơn và mạch lạc hơn, nếu so với Chém gió 1 (2015), 234 trang. Thực chất,
đây là một tập tuyển văn phê bình, trao
đổi văn chương của nhiều tác giả với cách viết và trình bày khá mới lạ, uyển chuyển và sáng tạo.
Điều
này được thể hiện trước hết ở cái nhan đề
vừa tung tẩy, dí dỏm, dân dã vưà hiện đại, hấp dẫn: Chém gió muôn màu. Chém gió
là nổ, mang tính khoa trương, cường
điệu,… lại còn muôn màu muôn vẻ! Thứ
nữa là 1 khái niệm thể loại đầy hình ảnh, hình tượng, đậm tính chủ
quan, gợi mở, có thể gây tranh cãi trong giới phê bình nghiên cứu văn học hàn
lâm: Đò đưa. Vấn đề ở đây là chúng ta
hãy xem các nhà thơ – nhà văn – nhà phê bình chuyên và không chuyên đã chém gió – đò đưa chính bản thân mình (Phần 1: 7 khúc Tôi chém gió tôi); chém
gió người khác (Phần 2: 9 đoạn chém gió quần hùng), bạn bè phê bình tác giả (Phần
3: 15 nhịp quần hùng chém gió tôi) và cuối cùng là Phần 4 như một vĩ thanh dài 7 nhát của Nguyễn Nguyên Bảy chém
gió sau chuyến thăm nước Nga từ năm ngoái năm kia, nhớ về những kỷ niệm học
tập tiếng Nga và dịch văn học Nga, đầu những năm 60 thế kỷ 20 xa lắc…
Từ hành
phố Hoa Kỳ Seattle, nơi gia đình các
con cháu tác giả hiện đang cư ngụ,… Nguyên Bảy trải lòng bằng 7 khúc thơ văn xuôi vừa ròn rã tiếng
chào Hello quen thuộc vừa đằm thắm,
dịu dàng, dựng cảnh Seattle sang thu,
với ngôi Chùa Việt ở nơi này, thoắt
sang Tuần trăng mật kỳ lạ, hòa Bài tình viết chung ở vịnh Alki với Bán buồn ở chợ trời Seattle và kết phần, kết tập sách phê bình – tản văn - hồi ức độc đáo bằng nỗi cô đơn, chiêm nghiệm: Một mình.
Kết cấu – bố cục một tập văn đò đưa mang thương hiệu BNN như thế
chẳng khác người, thú vị và độc đáo
sao?!
Phần 1: 7 khúc Tôi chém gió tôi! Chính
là 7 bài tự phê bình bản thân chân thành, nghiêm khắc hết mực nhưng cũng đầy tự tin. Từ cách mở đầu bằng khúc Cảm ơn và
trân trọng giới thiệu sách qua việc bàn luận bài thơ viết sau cơn mơ: Viếng thọ BNN/ U 80 rồi, mong chi nữa
của lão Bát Nguyễn Khôi phố Vọng, Hà
Thành. Qua đó, thấy rõ lòng yêu đời, yêu
thơ, sức sống thanh xuân và khát vọng lao động, cống hiến nghệ thuật của Nguyễn
Nguyên Bảy U80 tuổi chơi vơi, vẫn đang
nồng nàn, ngùn ngụt.
Quan niệm về Thơ nói riêng về văn
chương nghệ thuật, về con người và cuộc sống nói chung của Nguyễn Nguyên Bảy được xác định từ rất sớm, đầu những năm 70 thế kỷ
trước, (dám nói ra công khai quan niệm ấy trong điều kiện, hoàn cảnh xã hội miền
Bắc Việt Nam bấy giờ đã là đầy bản lĩnh
dũng cảm. Vì quan niệm ấy mà phải chịu đựng những tai nạn nghề nghiệp, vẫn kiên trì thực hiện như một tín niệm trung
thành và xác tín qua 15 chữ vàng mà
anh nhiều lần nhắc đi nhắc lại: Thơ là
Thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ. Chịu đựng và vượt qua để tiếp
tục vươn lên, tự khẳng định lối sống, lối viết của mình, không chỉ thể hiện một
bản lĩnh, một tư duy dũng cảm mà còn là một căn
bản nội lực thâm hậu, sung mãn hiếm
có.
Càng
đọc, tôi càng tâm đắc và chia sẻ với bài lục bát 24 câu Chân hương , như là tuyên ngôn, là quan niệm nghệ thuật của BNN biểu hiện
gián tiếp bằng hình tượng thơ triết lý và triết lý thơ trữ tình:
Cháy rồi, cháy hết phần thơm/Chân hương
đứng lặng nỗi buồn vô vi/Rồi màu phẩm nhuộm phai đi/Dẫu chẳng còn gì, vẫn đứng
chân hương!
Đã vô vi mà vẫn buồn?! Đã hướng Đạo mà vẫn
chẳng quên Đời! và Dẫu chẳng còn gì (thể xác, vật chất), vẫn đứng chân hương (tinh thần, tinh
anh). Đó là triết lý Nguyễn Du – Truyện
Kiều (Thác là thể phách, còn là tinh
anh!) được diễn đạt bằng ngôn ngữ,
hình ảnh thơ đời thường dung dị mà triết lý, và hiện đại.
Hơn nửa
thế kỷ qua, quan niệm văn chương ấy là cái
gốc, kim chỉ nam hướng dẫn mọi sáng
tác và hết thảy những khúc đò đưa thơ
văn ký tên BNN.
Phần 2: 9 đoạn chém gió (NNB phê bình,
cảm luận, nhận xét, bình giải) quần hùng (bầu bạn). Thú vị và đa dạng ở đây là có cả những đò đưa duyên dáng về tranh chữ tuyệt chiêu, đẹp tĩnh/động, thăm
thẳm biến hóa (thư pháp Việt) của lão
thi sỹ - nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn (cũng là người rất am tường về những
lĩnh vực này) trên cơ sở những kiến thức uyên bác của một bậc thầy về Dịch học và
Phong thủy. 3 bài tiếp theo: Phong thủy
phục sinh trong đời sống đương đại Phỏng
vấn BNN của Nhật Lệ), Thư trả lời bạn đọc về việc hoạc Dịch và Phác thảo một
căn nhà Phong thủy giúp bạn đọc phổ thông quan tâm đến lĩnh vực này không
ít kiến thức và kinh nghiệm bổ ích. Những nhát
đò đưa khoan nhặt về thơ Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Hậu, thơ tình Ngô Thế Oanh
tặng vợ chồng BNN qua bản dịch tiếng Anh của Trần Đình Hoành, và Cùng Văn Chinh trên Mùa màng văn học đã cổ vũ, khích lệ một nhà phê
bình văn học tự học với những phân tích, chia sẻ thấu đáo, tinh tường, với
những chiêm nghiệm và gan ruột:
Trong bình văn chỉ nên phân giải, bình
luận, ngợi ca có lý, có tình; chớ nên chê mắng, lại càng không nên dùng tiếng
chửi. Cứ thẳng thắn lời lý mà thoại chẳng đẹp hơn sao? (tr.89,CGMM2).
Phần 3: Đọc 15 nhịp Quần hùng chém gió tôi,
tôi hoàn toàn với đồng hành với cố GS
Hoàng Như Mai về khái quát sâu sắc mang tính phát hiện khoa học: Có một thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Nguyên Bảy.
Nghĩa là nó đủ phong phú và đậm sắc nét riêng làm nên sự khác biệt độc đáo,
định hình một phong cách Thơ khó trộn lẫn trên thi đàn Việt Nam vài chục năm lại nay. Đò đưa của Hạt Cát Bùi Cửu Trường bài thơ Tích
roi mây (BNN) ngữ lạ, tứ lạ trong 1
bài siêu thơ lạ… như một tụng ca hơi đẩy mạnh mái chèo, nhưng lời
khuyên bạn đọc nên đọc bài thơ này bằng
tâm bằng trí và bằng cả sự khôn ngoan suy đoán lẽ đời (tr. 101, sđd); (kinh
nghiệm, trải nghiệm, xét cho cùng cũng vẫn thuộc về trí tuệ) cũng như lời
khuyên của Phùng Thành Chủng: Đọc thơ NNB phải có nhiều kiến văn (tr. 105) là những lời khuyên thận
trọng, có cân nhắc, nên theo. Nếu Miên
man cùng Sông Cái mỉm cười (Trần Vân
Hạc), Thắp nén nhang cho Sông cái mỉm
cười (Đào Trọng Khánh), và Đọc trường ca SCMC (Mai An Nguyễn Anh Tuấn) là ba khúc
đò đưa tràn đầy nhiệt hứng, cảm xúc
đồng điệu nhưng chưa thực sự phân giải mạch lạc, sâu sắc những đóng góp nghệ
thuật của tác giả với tư cách thi pháp thể
loại trường ca thì NNB, thơ là thơ
của Nguyễn Văn Hòa (Phú Yên) đưa
những nhát chèo đằm sâu, khá toàn diện về đặc sắc thơ BNN, tuy hơi bị tham dẫn
chứng minh họa. Hoàng Xuân Họa bước
đầu trông ngắm và khám phá núi thơ BNN
với ngôn ngữ ngồn ngộn, hình ảnh thăng
hoa, dùng từ “tàn bạo”… Hoàng Xuân
Họa hết cùng BNN bơi lội và phiêu bồng trong những dòng sông, lại lên bờ nghe Lời ru dưới những mái nhà, Trằn trọc ru, Cuối ru… mang mang buồn nhân thế (tr. 155, sđd). Tùy văn Tô Hoàng và đò đưa của Minh Thi cho người đọc nếm vị ngọt ngào, trong vắt của giếng thơ Nguyên Bảy.
Đặc biệt, những dòng dưới đây của Nguyễn Minh Khiêm về thơ BNN:
Mới.
Lạ. Mở. Gợi. Dạt dào cảm hứng. Ý tứ mênh
mang. Chữ như mây vỡ. Rất thực mà ảo. Rất ảo mà thực. Tình chắp cánh cho trí
bay lên. Trí găm tình người ở lại… Đa thanh. Hiện đại. Viết như mê, như say,
như không, như… chơi! Không khuôn mẫu, không lặp lại. Biến hóa. Sáng tạo. Nhuần
nhuyễn. Đầy chất thơ! (tr. 165; sđd).
Theo tôi, là những khái quát sâu sắc,
chính xác, toàn diện, tuy cũng chưa thật đầy đủ về giá trị và phong cách thơ
Nguyên Bảy. Có điều, sự phân giải, chứng minh của anh Khiêm cũng chưa thật phong
phú, cụ thể, tường minh và thuyết phục.
Đạo diễn điện ảnh – nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn, với 8 bài đò đưa lien tiếp, công phu: Thử mở một cánh cửa vào thế giới thơ NNB
từ bình diện thể loại: Hòa quyện
tự sự (giống Kệ Phật giáo, lại giàu trực cảm) – với trữ tình tâm tư, tâm
trạng đến bình giải 1 bài cụ thể Quan
họ không ngoại tình để thức nhận những
hình tượng quá phong phú, phức tạp nơi bài thơ đau xót nhất mà ấm nồng bậc
nhất,… khi giữa thời đại cả nước hát hùng ca thì ở đây lại âm âm lời Chinh phụ,
lời Kiều - bè trầm là cảm hứng chủ
đạo tác giả Việt kỳ khôi! (tr. 183, 184)… thì quả là kỳ khôi, trái khoáy,
khó chấp nhận!... Hình ảnh người Mẹ
trong hoài niệm và tâm thức của người con
với chùm thơ Phật hát, Mẹ khóc, Mùa tứ
quý,…
Với cách đọc kỹ lưỡng, người viết đã phân
tích, so sánh đa chiều, giúp bạn đọc thêm hiểu thêm yêu thơ về Mẹ của NNB và những đóng góp, sáng tạo nghệ thuật riêng của
ông qua thể tài truyền thống này.
Trong phần 4, tôi yêu và đồng cảm chia sẻ nhất với 7 đoạn chém gió với gấu Nga
không chỉ bởi cách viết đậm chất tản văn - du ký - hồi ức, mà vẫn nóng
hổi tính thời sự, nhờ bản dịch bài báo chính luận Nga sắc sảo. Những hồi ức
không chỉ làm sống lại những hoài niệm ấm lòng về những đêm trắng Nga, về bà giáo Nga
hiền hậu, thông minh mà còn khiến tôi bồi hồi nhớ lại, sống lại những năm tháng
sinh viên học hành trên đất nước Nga vĩ đại và thân yêu…
Tóm lại, trong cảm nhận của tôi, Chém gió muôn màu 2 là một tập sách phê
bình văn chương sáng giá và độc đáo, có giá trị tư tưởng - thẩm mỹ sâu sắc,
lành mạnh, hiện đại, rất nên đọc.
***
Vườn
5 nhà 2 (2016), nối tiếp Vườn 5 nhà 1
(2015), có thể xem là một hợp tuyển 5 tập thơ chọn lọc của 5 tác giả ở các
vùng miền khác nhau trên đất nước ta, với tuổi tác, nghề nghiệp, kinh lịch, cá
tính nghệ thuật khác nhau, dựa trên ý tưởng vừa tập trung vừa mở rộng hơn về
tác giả và tác phẩm thơ trong một cuốn sách. Người tuyển chọn và đò đưa luận bình, giới thiệu chủ yếu là
chủ biên BNN và một vài nhà thơ, nhà văn chuyên và không chuyên khác: Phùng Thành Chủng, Trần Vân Hạc… dựa trên tiêu chí cơ bản: Thơ Hay! Thơ là Thơ! Nghĩa là ưu tiên số
1 với mỗi bài thơ là chất lượng tư tưởng thẩm mỹ thể hiện trong tứ thơ, hình
tượng, sự mới mẻ, khác lạ, hấp dẫn, đa nghĩa, đa thanh, cá tính riêng trong
ngôn ngữ thể hiện, trong cấu trúc bố cục văn bản… Nhìn chung, mức độ chưa thực
đồng đều (được 100% mới thật lý tưởng!), nhưng khoảng cách giữa các tác giả,
các vườn thơ là không lớn, trong mỗi vườn thơ, mỗi bài thơ, là không nhiều. Từ
mỗi tác giả, có thể chọn tiếp một vài bài, câu, đoạn vào loại hay, đã trở nên
ít nhiều quen thuộc với người đọc yêu thơ. Đó là ưu điểm lớn nhất, rõ nhất
của tập tuyển.
Người đọc, sau khi đọc kỹ từng tác giả,
nếu lùi lại, đọc chung toàn bộ sách, đã có thể nhận ra sự khác biệt ít nhiều về
phong cách và ngôn ngữ thơ của từng người, tất nhiên tùy mức độ đậm nhạt, gợi
nghĩ, gợi liên tưởng, tưởng tượng khác nhau, và tùy từng bạn đọc có thể chia sẻ
hay phản biện đôi điều hữu ích hoặc chưa đồng thuận. Đó là ưu điểm thứ hai cần ghi nhận.
Cụ thể hơn, lần lượt đọc sâu hơn vào
từng tác giả - tác phẩm, tôi nhận ra:
/ Mời đọc tiếp 2/
Đường Văn: Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét