Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Đường Văn: (Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2./ Đoạn 2.

SONG BÍCH KỲ NHÂN:
NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM!
ĂM ẮP NGHĨA-TÌNH!

(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.
Đồng Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên; NXB Hội Nhà văn, 2016…)

ĐƯỜNG VĂN


(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.)
Đoạn 2.
Vườn 5 nhà 2 (2016), nối tiếp Vườn 5 nhà 1 (2015), có thể xem là một hợp tuyển 5 tập thơ chọn lọc của 5 tác giả ở các vùng miền khác nhau trên đất nước ta, với tuổi tác, nghề nghiệp, kinh lịch, cá tính nghệ thuật khác nhau, dựa trên ý tưởng vừa tập trung vừa mở rộng hơn về tác giả và tác phẩm thơ trong một cuốn sách. Người tuyển chọn và đò đưa luận bình, giới thiệu chủ yếu là chủ biên BNN và một vài nhà thơ, nhà văn chuyên và không chuyên khác: Phùng Thành Chủng, Trần Vân Hạc… dựa trên tiêu chí cơ bản: Thơ Hay! Thơ là Thơ! Nghĩa là ưu tiên số 1 với mỗi bài thơ là chất lượng tư tưởng thẩm mỹ thể hiện trong tứ thơ, hình tượng, sự mới mẻ, khác lạ, hấp dẫn, đa nghĩa, đa thanh, cá tính riêng trong ngôn ngữ thể hiện, trong cấu trúc bố cục văn bản… Nhìn chung, mức độ chưa thực đồng đều (được 100% mới thật lý tưởng!), nhưng khoảng cách giữa các tác giả, các vườn thơ là không lớn, trong mỗi vườn thơ, mỗi bài thơ, là không nhiều. Từ mỗi tác giả, có thể chọn tiếp một vài bài, câu, đoạn vào loại hay, đã trở nên ít nhiều quen thuộc với người đọc yêu thơ. Đó là ưu điểm lớn nhất, rõ nhất của tập tuyển.
          Người đọc, sau khi đọc kỹ từng tác giả, nếu lùi lại, đọc chung toàn bộ sách, đã có thể nhận ra sự khác biệt ít nhiều về phong cách và ngôn ngữ thơ của từng người, tất nhiên tùy mức độ đậm nhạt, gợi nghĩ, gợi liên tưởng, tưởng tượng khác nhau, và tùy từng bạn đọc có thể chia sẻ hay phản biện đôi điều hữu ích hoặc chưa đồng thuận. Đó là ưu điểm thứ hai cần ghi nhận.
          Cụ thể hơn, lần lượt đọc sâu hơn vào từng tác giả - tác phẩm, tôi nhận ra:
                                                          ***
          Nguyễn Nguyên Bảy viết Phần mở đầu sách gồm các bài Lời thưa – Cảm ơn của vợ chồng chủ biên viết năm 2012, in lại vào tất cả các tập trong bộ sách. Bài Thơ là Thơ (Khúc Tựa) của BNN nhằm khẳng định, nhấn mạnh quan niệm nghệ thuật cốt lõi của chủ biên về Thơ, làm tiêu chí, cơ sở lý luận cho việc tuyển chọn, biên soạn, đò đưa của cả nhóm biên soạn. Tiếp theo là trích 30 đoạn thơ văn xuôi xen kẽ lục bát, nhan đề: Thủ thỉ tuổi thơ như những hồi ức, những tia hồi quang lấp lánh ánh thơ hoài niệm về quá khứ ấu niên qua tuổi thanh niên trưởng thành, về những người thân trong gia đình: bà ngoại, bà dì, mơ ước vợ chồng tương lai, những năm đi học trường làng, hình ảnh và chuyện kể về thầy, bạn, về cha, mẹ và kết bằng những dòng ôn lại tuổi thơ của bản thân để thỏa niềm mong ước tuổi thơ con cháu sẽ được rực rỡ, yêu nhớ suốt đời.
          Phần mở đầu xen kẽ văn xuôi và thơ văn xuôi, thơ và đời, lý luận thơ và thực tiễn cuộc sống là một chủ đích nghệ thuật của chủ biên, đồng thời cũng bước đầu hé lộ một nét phong cách lý luận thơ BNN: sự phong phú đến rậm rạp của hình tượng và ngôn từ bắt nguồn từ trí tưởng tượng phóng túng, liên tưởng bất ngờ dựa trên một sức nhớ bền dai, đáng nể; tư duy luận lý chặt chẽ, triệt để...
          Phần chính thơ tự tuyển của NNB trong tập này được ánh xạ bởi câu đề từ là lạ, không dễ giải ảo tường minh: Chuyền tay chữ hát xuống thuyền (?!) gồm 5 bài thơ dài mà tác giả gọi khi thì là Trường tụng, khi là Trường ca. Theo chúng tôi, cũng chỉ là 1 thuật ngữ: Trường ca (bài thơ dài hàng trăm câu, hỗn hợp thể thơ, có thể có hoặc không có cốt truyện, nhân vật, kết hợp kể - tả - biểu hiện (cảm xúc, tâm trạng); cảm hứng trữ tình nồng nàn – sâu lắng – mở rộng từ đời tư ra thế sự, cấu trúc nương theo cảm hứng mà không theo logich cốt truyện hoặc nhân vật)… mà thôi!
          Trường ca BNN miên man theo dòng cảm xúc, trải dài, cuồn cuộn như dòng sông thơ ăm ắp, laị như núi thơ sừng sững chon von, trập trùng men lên đỉnh trời không gian bát ngát và tựa giếng thơ trong veo, thăm thẳm tư duy, hồi ức, liên tưởng…
          Âm dương, mới đọc thấy hơi bị rối trí vì sự nhập hòa giữa hai thế giới dương âm, người sống với hồn ma, quá khứ mờ xa với hiện tại tựa hờ vào những mảnh đời và sự ra đi cùng các đám tang của cha, của mẹ, của chị, của anh… để suy ngẫm và cảm thán về lẽ đời, bản thân tâm sự và nhắn nhủ con cái, cùng thằng cháu đích tôn hãy còn nhỏ dại… Nhưng chung quy vẫn là chiêm nghiệm về bản ngã của mình trước cuộc đời và mục đích sống:
          Đời cũng muôn màu/Sao không sống tận cùng hương sắc/Nếu người sống còn nhớ thương người chết/Xin sống dùm phần dang dở đời tôi/Anh gật đầu cho hồn tôi trong suốt gương soi/Cười bay vùng cực lạc.
          Trường ca Tứ tụng bốn mùa thực chất là một chùm thơ tương đối độc lập được ghép nối với nhau trong 1 chủ đề chung, nổi lên hình tượng bao trùm: Tụng ca người Mẹ với những cạnh khía khác nhau: Phật hát, Mẹ khóc, Tứ quý, Mẹ ru chắt ngoại, Mẹ dặn bạc đầu, Mẹ gặp người trời… Hiện thực hiện tại càng mờ nhạt để hồn thơ lúc tung hoành, khi đắm chìm trong thế giới hồi ức và tưởng tượng phiêu bồng. Chất Thiền và chất dân gian làm kết dính khiến cho chùm thơ có vẻ tản mạn này vẫn đảm bảo tính thống nhất ở tầng sâu tư tưởng.
          Trường ca tình yêu Ô cửa vầng trăng da diết và man mác, đắm đuối những tình cảm tiếp nối theo dòng thời gian cuộc đời: tình yêu, tình vợ chồng thủy chung, trải bao tháng năm mà vẫn tương kính như tân. Tuy nhiên, có một vài so sánh, thể hiện tưởng mới mẻ, nhưng e vẫn thật thà, chân mộc:
          Chúng mình yêu nhau như đất hút nước/Hút chín tháng mười ngày/Em tặng anh một quả trai…/Em tặng anh  thêm một tiên nga/Nếp tẻ thế là đủ cả/Mơ mong gì nữa người ơi!…
          Trường ca Gia phả là sự tiếp nối từ chủ đề đến hình thức biểu hiện của Ô cửa vầng trăng như một hệ quả, kết quả tất yếu. Sông Cái mỉm cười khép lại chùm trường ca chọn lọc của BNN với đoạn đò đưa ngắn của Đào Trọng Khánh, như thêm một nén hương lễ tạ gia tiên trước thểm năm mới, theo cách của tác giả.
          Đọc SCMC, tôi cứ nghĩ tới bài thơ sử thi dài hùng tráng, dào dạt Cửu Long Giang ta ơi (Nguyên Hồng) Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm). SCMC khác 2 bài thơ dài trên ở hướng đằm sâu trong sóng sông Hồng, với những ký ức tuổi thơ và gia đình riêng của mình. Nhưng những câu: Mỗi người mang theo một dòng sông Caí/Trong anh, sông Cái mỉm cười/Và anh tin lòng con anh/Sông Cái cũng mỉm cười… chẳng đã vừa bộc lộ nét riêng của BNN mà vẫn rất rõ nét chung của tâm thức, tâm tình Việt khi viết về những dòng sông Việt của người Việt Nam mình đó sao?
          Tôi cho rằng về thơ BNN nói chung, trường ca của ông nói riêng, trong tương lai, cần có những chuyên luận nghiên cứu một cách hệ thống và sâu sắc hơn.
                                                                ***
          36 bài thơ chọn lọc đủ để làm nên một vườn thơ tỏa hương sắc riêng của chủ vườn Phùng Thành Chủng. Mời bạn đọc kỹ bài đò đưa giới thiệu khá độc đáo, dưới hình thức một bức thư văn chương của BNN tự bút như người dẫn lối đáng tin cậy vào vườn thơ họ Phùng. Trong cảm nhận của tôi, thơ Phùng Thành Chủng cô đọng, luôn có ý thức đúc lời, đúc câu, trau chữ. Triết lý bằng hình tượng cụ thể lại dí dỏm, hóm hỉnh. Bài Soi gương là một ví dụ tiêu biểu: Nghĩ trẻ là trẻ/Thấy già là già/Hai thằng đồng tuế/Nhìn nhau cười khà. Nhưng có lẽ vì quá mê lối thơ phu chữ, vụt hiện của các nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Hưng, Dương Tường nên đôi khi anh vẫn chưa vùng thoát khỏi những cái bóng lớn ấy chăng (Lê Đạt, Tình thiên thu)?!
          Gọi đò nhuyễn hơn tâm trạng hòa với suy tư khởi lên từ một tình huống thực. 2 câu cuối thật hay: Trách mình, lại trách cơn mưa/Trách người sang chỗ đứng chờ vội quên. Có thể: tứ sâu, bất ngờ, nhưng lời hơi bị khô…Cha con cảm động và tinh tế trong cái nhìn vừa đối lập vừa tiếp nối, kế thừa – những quy luật cuộc đời:
                     Thời gian muối tiêu theo số đếm/lại đang xanh từ búp tay con
          Các bài Tạ tội với bạn đời, Dó, Lên chùa đều sắc sảo, khiến người đọc ngạc nhiên khi lập tứ, chọn lời.
          Nói chung, Phùng Thành Chủng mạnh về thơ ngắn, nhất là thơ 4 câu, tứ tuyệt. Trong khi BNN lại nghiêng sang những bài thơ dài, những trường ca… Mỗi người hay một kiểu!
                                                          ***
          Thơ Nguyễn Minh Khiêm được đọc chọn 28 bài, quy vào 4 chủ đề: Tu thân. Tình yêu quê làng quê, Đất nước. Tụng ca Mẹ. Chiến tranh với cái nhìn nhân bản của người lính. Bài Đá có  2 câu chơi chữ tả chiều: Hoàng hôn vỡ tím cả chiều Con cào cào nhún gẫy cả hoàng hôn. Lục bát Đất làng mình rõ chất dân gian quê kiểng thôn dã mộc mạc, nhưng có phần chưa thật rõ chất Thanh Hoá (mặc dù có cả 1 bài thơ dài Cứ về Thanh Hóa một lần liệt kê ra khá nhiều địa danh xứ Thanh!): Lạ thay cái đất làng mình/Bỏ quen sợi tóc cũng thành ca dao; Vẫn là lối ôn nghèo nhớ khổ truyền thống trong niềm tự hào không giấu diếm: Đói nghèo bấm nát bàn chân/Thắp hương gọi mãi mùa xuân chưa về/… Miếng cà nhai tự ngày xưa/bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn! Chùm thơ về Mẹ có những câu rưng rưng, thành thật: Con đã lạc chỗ ngọn roi mẹ không đụng tới (gợi nhớ vô tình đến bài Tích roi mây (BNN)… Chỗ mẹ để con đứng ngoài tâm bão/Nghe giọt mưa thút thít phía sau nhà (Giọt nước về thưa với mẹ).
          Ở chủ đề vịnh sử, Nguyễn Minh Khiêm cũng nêu những suy nghĩ mạnh bạo, mang tính phản biện, đáng trao đổi rộng rãi, không chỉ bằng thơ (về An Dương Vương, Trần Thủ Độ, Lê Lợi (Nếu không về Lam Kinh). Bài Thỉnh chuông Đồng Lộc nên dừng ở đoạn lục bát ấn tượng, tụng ca thành kính, xúc động với cách nói mộc mạc… là đã đủ ý, vừa lời:
          Tuổi tên các chị thành trầm/Cho non nước mãi nghìn năm màu cờ…/Mấy lần mây trắng thành bà/Các chị mãi mãi vẫn là các em!...
          Tiếng cừu trưa Ninh Thuận ngắc ngoải há mõm kêu ẹ ẹ vì khát nước như xé nắng, gọi mưa, xé đất khóc tìm ngọn cỏ ở một trong những miền đất Nam Trung Bộ chịu hạn hán nặng nhất nước ta, trở thành tứ thơ độc đáo với cái kết nhân ái học theo lối thơ của bậc Đại Thi bá Trung Hoa (Đỗ Phủ - Mao ốc vị thu phong sở phá ca):
          Trong giấc mơ, tôi thấy mình hóa cỏ/Ngút ngát xanh, tít tắp dưới chân cừu.
                                                        ***
          Nguyễn Khôi trai Đình Bảng, Bắc Ninh, lão bát Phố Vọng, Hà Nội - làm thơ, viết văn cũng đã hơn nửa thế kỷ nay. Càng già, cảm xúc và bút lực ông càng sung mãn, tung hoành. Thơ đăng trên các blog liên tục, hằng ngày. Dường như đi tới đâu, ông cũng có thể làm thơ, gặp chuyện lớn nhỏ gì cũng có thể thành thơ. Hiện thực gai góc sù sì hay thơ mộng, dưới mắt ông, cũng có thể bật ngay tức thời thành thơ hào sảng, khá quyến rũ, một chút kiêu ngạo đáng yêu, một chút ngất ngưởng nửa quan/nửa dân và một chút tham vọng ẩn tàng … Tôi cho rằng nhà đò đưa BNN đã bắt trúng cái thóp thơ của tác giả U 80 còn mong chi nữa!
          Nguyễn Khôi viết nhiều, liên tục, không ít bài đọc được, không ít bài khá. Duyên dáng, hóm hỉnh như Ao làng phải tắt trăng khi em ra tắm đêm; Uống chén rượu Thiệu Hưng (Triết Giang, Trung Quốc), nhớ AQ làng Mùi của Lỗ Tấn, khà một tiếng cảm khái, mà rằng: Ai say thời cuộckhông Chí Phèo!
          Chiều phố Vọng là một trong những bài thơ gợi được cái hồn phố Hà Nội ở khổ thơ đầu:
          Nắng óng ả xanh cao chiều phố Vọng/Hoa sữa vương hương cốm đầu mùa/Em xuất hiện như thiên thần lồng lộng/ Rất diệu kỳ mà lại rất thơ.
          Tuy 2 câu sau cứ xui tôi nhớ tới những câu thơ tình nổi tiếng của A. Puskin:
Trước mặt tôi, em bỗng hiện lên/Như hư ảnh…, như thiên thần sắc đẹp trắng trong.         Và cách nói của câu 4 thì quả đã quá quen rồi!
          Nguyễn Khôi đi nhanh: Xe máy phóng ào ào! Viết khỏe. Một số bài thơ, đoạn thơ gần với văn phóng sự báo chí, đậm ngập tính thời sự tân văn. Nhưng những bài đọng lại được ít nhiều trong tâm trí người đọc, có lẽ vẫn là những bài nhớ quê, về quê, hoài niệm làng quê Kinh Bắc đang mạnh mẽ trên đường đô thị hóa:
          Ta là kẻ lạc loài chán chê phố thị/Chàng nhà quê mê kéo vó đêm/Thả hồn thơ cùng chị Hằng tăm cá/ Cánh tay trần cất cả ánh trăng lên!/Ta muốn quên cái thời đang biến động/Chỉ vài hôm đã sạch lũy tre làng/ Cánh đồng xanh đã thành đô thị mới/Ở giữa quê như chẳng có Quê  Hương! (Xóm cỏ).
          Tôi thích nhất 3 chữ tình líu ríu chan chứa yêu thương, lá lành đùm lá rách của những người dân nghèo xóm bụi, xóm liều ngụ cư trên cánh bãi sông Hồng:
          Phong phanh áo vá không hộ khẩu/Mà tình líu ríu níu thương nhau!
                                                           (Mồng một Tết chơi bãi sông Hồng).
          Thơ Nguyễn Khôi, nhìn chung về thể thơ, thành công hơn cả là những bài thơ cổ thể thất ngôn hoặc ngũ ngôn luật Đường dựa trên nền tảng kiến văn khá sâu rộng về văn hóa - văn học Trung Hoa trung đại, nhưng tâm hồn lão bát vẫn rất trẻ tráng, thanh xuân. Có lẽ đây mới thực sự là mùa thu vàng lần thứ hai của lão thi hữu đó chăng?
                                                             ***
          Thơ Trúc Linh Lan tràn đầy nữ tính, duyên dáng, nhiều trải nghiệm và đậm đặc phong vị Lục tỉnh Nam Bộ, miệt vườn Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về.
           Đó là nét riêng rõ nhất, nổi trội nhất trong thơ chị.
          Nhưng theo tôi, Hãy khắc em vào trái tim anh, khiến cho nhiều người đọc đồng cảm, chia sẻ chính là bởi sự giãi bày một tâm trạng, một tình cảm, tình yêu chân thành, chung thủy với người yêu bằng mối tình của mình, chứ không phải ở cái nhan đề, ở cấu trúc bài thơ và cách biểu hiện ngôn từ, lại bộc lộ sự sắp đặt cố ý. Điệp câu: Anh đừng khắc em vào… Lý giải. Câu kết: Anh hãy khắc em vào trái tim anh!
          Một nhà thơ đã nói rất hay: Đọc bài thơ hay, người ta sẽ quên đi câu thơ, chỉ còn thấy tình người! Bài thơ này là như vậy. Câu thơ cuối, tôi ngờ rằng ai cũng muốn nó là của mình: Mỗi nhịp đập/thăng hoa thành nỗi nhớ!
          Bồi hồi đồng bằng cuốn hút tôi từ những hình ảnh thiên nhiên đậm đặc Nam Bộ đằm trong cảm xúc và tâm trạng của người phụ nữ miền Nam:
          Thằng bù nhìn rơm ủ rũ/Tiễn con nước đi rồi tơi tả ước mơ/ Con cá lóc ngược về mừng mừng tủi tủi/Theo sau, bầy lòng ròng náo nức sinh sôi/Cúm núm gọi bạn tình mơ chuyện lứa đôi… rồi bìm bịp nín thinh nhìn cánh lục bình tím ngắt/Câu lý giao duyên óng ả trăng rằm/Điệu hò phương Nam rừng tràm bát ngát/Xuồng lưu niên rong ruổi kiếp thương hồ
          Cứ như thế, ngỡ không biết đến bao giờ mới kết bài và kết như thế nào cho thỏa, cho xứng?!... Cho nên 2 khổ cuối làm tôi hết sức ngạc nhiên vì nỗi nhớ quê hương miền Bắc của chị. Tình thương mìền Nam đã từ lâu hòa quyện với nỗi nhớ quê miền Bắc: hoa đào, câu Kiều – cành mai - lý giao duyên vọng cổ…Trong tim chị, cũng như trong tim mỗi chúng ta, đâu cũng là đất nước Việt Nam mình! Các bài: Hà Nội mùa trở gió, Hoài niệm khúc tình xưa, Mai ta về, Hà Nội chớm vào đông… cũng đau đáu những hoài niệm, gặp gỡ, nhớ thương, tình Nam nghĩa Bắc như vậy. Đó cũng là một nét đẹp, nét riêng trong thơ tình quê hương đất nước của Trúc Linh Lan.
          Vọng một tiếng đờn (kìm) ngân rung nỗi lòng người xa quê trong câu đờn ca tài tử, gợi trường liên tưởng thao thiết biết bao nhiêu: Con vạc thả ngang trời tiếng kêu lưu lạc/Khúc đờn kìm nước mắt tuôn rơi/Nhớ khói đốt đồng, nhớ hương gạo mới/ canh chua nấu bần/cá sặc kho khô…
          Buồn đến thúi ruột thúi gan! Những câu thơ ngậm ngùi, đọc rơi nước mắt xót thương cho chiếc lá cuối đời vẫn nguồn cội đường xa. Trúc Linh Lan đã góp vào thi đề xa quê - nhớ quê cách nói của riêng mình.
                                                                ***
          Tiếng thơ Hà Thị Trực là tiếng thơ của một tấm lòng phụ nữ Việt Nam đã và đang sống định cư ở nước ngoài (CHLB Nga), không nguôi khắc khoải hướng về Tổ quốc quê hương như một tất yếu, một lẽ dĩ nhiên, được bày tỏ một cách trực tiếp, thẳng thắn, mộc mạc mà trĩu nặng những đau đáu nhớ thương da diết:
          Ai ra đi chẳng nhớ về nguồn cội/Da diết hơn khi ở tận xứ người/ Càng đau đáu hướng lòng về đất mẹ/Bởi đói nghèo cam phận sống tha phương (Vọng cố hương).
          Những câu thơ gan ruột của chị chính là những câu giãi bày tâm trạng cô đơn đến ngơ ngẩn, nỗi sầu xứ, hoài hương từ xứ sở bạch dương tuyết trắng:
          Xứ người lạc lõng thơ ca/Xứ người mờ mịt, quê xa mịt mờ!/Nắng có đợi, mưa có chờ/Bóng chim tăm cá… ngẩn ngơ ra vào (Chỉ là mơ).
          Tôi hoàn toàn chia sẻ với tác giả tâm trạng ấy. Bởi tôi cũng đã từng trải qua tâm trạng như thế trong suốt 6 năm trời du học đằng đẵng ở Kiep (Ucraina) và Kraxnođa (Nga) thập kỷ 80 thế kỷ trước. Nhiều buổi chiều, một mình thả bộ trên bờ sông  Đnhiep, hoặc sông Cuban xanh trong lững lờ chảy, bên kia là những cánh đồng lúa mì Ucraina, cánh thảo nguyên Nga mênh mông, chạy tới chân trời, ngước lên bầu trời cao thăm thẳm, lòng tự ngâm thầm mấy câu Kiều cho khuây nỗi nhớ nhà, nhớ nước: Bốn phương mây trắng một màu/Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?/Dặm ngàn nước thẳm non xa…
          Là phụ nữ - phái đẹp, ai chẳng sợ tóc bạc, ai chẳng ngán tuổi già, nhưng ai chống được quy luật của thời gian khắc nghiệt?! Vậy thì phải chấp nhận, nhưng với tâm thế như thế nào? Đó chính là khởi hứng cho tứ bài thơ khá hay: Nói về tóc bạc. Bài thơ ngũ ngôn 4 khổ là lời tâm sự rất thành thực, giản dị về chuyện này. Bằng cách nào để chống lại tuổi già, để trẻ mãi không già, dù tóc bạc da mồi, mắt mờ chân chậm? Câu trả lời của Hà Thị Trực thật dễ hiểu mà không phải ai cũng thực hiện được trong những năm tuổi già, cái già xồng xộc đang tới của mỗi người:
          Chỉ trẻ mãi không già/Bằng nét cười trìu mến/Bằng tấm lòng thân thiện/Giữa tình đời bao la…
          Đúng vậy chăng, hỡi các bạn đang già?! Tiếng thơ Chu Hà (Hà Thị Trực) tự nhủ mình và nhắn các bạn thơ trong, ngoài nước cũng chỉ thủ thỉ, nhỏ nhẹ, khiêm nhường như vậy… mà thực tâm thành, hữu lý… thế thôi!
                                                           ***
          Thưởng lãm tạm xong Vườn năm nhà 2, người yêu thơ đương thời xin có mấy vần song thất lục bát vịnh tặng Ngũ bá Thi nhân.
          Thơ rằng:         Vườn năm nhà, mỗi hoa mỗi vẻ,
                           Bắc – Trung – Nam, già - trẻ, trong – ngoài,
                                     Nam thanh – nữ tú trổ tài,
                          Rạng Thi đàn Việt, ngời ngời tinh anh!
                                                                *** 
          Thơ Bạn Thơ 6 (2016) dày 300 trang, tinh tuyển thơ hay của 160 tác giả Việt Nam đã qua đời và đương thời (nếu cộng cả 384 tác giả với 384 câu thơ hay ở phần II, thì sẽ là 544 tác giả, một con số “khủng”! Chẳng hạn, nếu so với Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân (1941) chọn bình thơ của 78 tác giả); trong đó phần mở đầu, ngoài in lại Lời thưaLời mời tham gia Dự án sách Thơ Bạn Thơ của chủ biên, còn có bài Thơ bạn thơ  - Tuyển tập thơ có giá trị đặc biệt của Hòa Phú Yên.
          Phần nội dung chủ yếu gồm:
I. Lục bát  trăm nhà: 99 tác giả xếp theo  ABC
II. 384 câu thơ hay của 21 tác giả xếp theo ABC
III. Thơ hay của 21 tác giả đã từ trần
IV. Thơ hay của 40 tác giả đương thời
         
/ Mời đọc tiếp 3, Hết/
Đường Văn: Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét