Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

PHÚ XUÂN / Lý Phương Liên và những lời kể từ thơ

 
http://vanhocquenha.vn
23.4.2017
PHÚ XUÂN

Lý Phương Liên và những lời kể từ thơ

(Tổ Quốc)- Nhà thơ Lý Phương Liên sinh năm 1948 tại Hà Nội. Đã có thời gian sinh sống và làm việc tại mảnh đất quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng không lâu sau, vì những biến cố của gia đình và cả tai nạn nghề nghiệp về thơ, Lý Phương Liên đã vào Nam sinh sống cho đến hôm nay. Chồng chị là nhà thơ, nhà văn, nhà báoNguyễn Nguyên Bảy. Người đã từng có phát ngôn gây “sốc”: “
Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị của người làm thơ”.

Lý Phương Liên là một trong số những nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại có nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt từ hoàn cảnh gia đình (cha mẹ mất sớm, một thân một mình phải nuôi 4 đứa em nhỏ); đến khi trở thành nhà thơ (mới làm thơ đã có thơ đăng ở báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Quân Đội Nhân Dân, Đại Đoàn Kết… tạo nên một hiện tượng lạ của văn học Việt những năm 1968 - 1970); sau đó bị quy kết ở bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều, đăng trênBáo Văn nghệ năm 1970; rồi đột nhiên tên tuổi Lý Phương Liên biến mất, để lại những nghi vấn khác nhau cho bạn đọc nhiều thế hệ. Hơn 40 năm sau, chị xuất hiện trở lại bằng việc cho ra đời tập thơ Ca bình minh và làm một việc đặc biệt nữa, đó là bỏ tiền túi, bỏ thời gian, công sức của chính mình để tập hợp Thơ - Văn của bạn đọc in sách (Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn).
Lý Phương Liên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, cha mẹ lại mất sớm. Một mình chị phải cáng đáng trong vai trò là người trụ cột của gia đình để nuôi 4 đứa em nhỏ. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn của những năm 60-70 của thế kỉ trước, gia đình lại nghèo, mồ côi, chiến tranh… Cô gái chân yếu tay mềm Lý Phương Liên một thân một mình phải gánh vác, xoay xở, chạy vạy ngược xuôi nuôi cả gia đình ở đất Thủ đô vào thời điểm đó thì thật đáng nể phục.
Cái chết của người cha Lý Phương Liên và sự ra đi đột ngột của người mẹ (mẹ chị và 50 con người xấu số khác đang đi trên chuyến đò ngang trên sông Hồng (1966) đã trúng phải làn bom Mỹ thả xuống) là một sự hẫng hụt và mất mát quá lớn đới với Lý Phương Liên. Dù phải gánh chịu bao nỗi đau, nhưng tất cả điều đó không làm cho chị gục ngã, chị vẫn sống, vẫn cố gắng vươn lên, hướng đến một ngày mai tươi sáng:
Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
Tôi cứ đi chuyên cần bền bỉ/ Trông xa về phía trời hồng.
Ở thời buổi khó khăn chồng chất khó khăn, mỗi người tự nuôi sống bản thân mình đã khó. Đằng này một mình Lý Phương Liên phải nuôi thêm 4 đứa em nhỏ. Lý Phương Liên nhớ lại: “Lúc đó tôi phải tự sửa giấy khai sinh, khai thêm tuổi để vào học việc và làm công nhân đứng máy ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Vào xem hồ sơ, người quản lý hỏi, tôi trình bày hoàn cảnh gia đình tôi như vậy, thế là được nhận vào học việc và làm tại đây. Dù nặng nhọc, là công nhân đứng máy nhưng những tháng ngày làm việc ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã cho tôi nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm, giúp tôi có thu nhập để nuôi sống cả gia đình. Cũng chính nơi này đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm về thơ và bắt đầu từ đó có những bài thơ lần lượt ra đời và được đăng báo…”. Lý Phương Liên lần lượt mở ngăn tủ lấy ra những tờ báo có đăng thơ chị cho tôi xem. Những tờ báo, theo thời gian đã ố màu, chị vẫn lưu giữ cẩn thận, xem nó như kỉ niệm đẹp một thời.
Tuổi thơ lẫn thời con gái đầy vất vả, đến tuổi lập gia đình thì cũng bộn bề không kém. Lấy chồng về gia đình nhà chồng đông anh chị em. Chị cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ đảm đang, người con dâu hiếu nghĩa…
Biến cố gia đình, thời đại và cả những mất mát đau thương của chính gia đình mình đã tạo nên một Lý Phương Liên đầy bản lĩnh, giàu nghị lực, giàu niềm tin; dám nói thẳng, nói thật những điều bất công, ngang trái, những điều mình thấy, mình biết, mình chứng kiến và nói cả những nỗi đau riêng của chính mình. Do vậy mà chị phải chịu ‘lụy’ ở bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều.

Hai trăm năm và chảy dài vô tận
Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài
Trái đất chúng mình cho đến hôm nay
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến
Còn những đất đai triền miên chinh chiến
Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài…

Tai nạn nghề nghiệp đã làm cho hồn thơ trẻ, trong trẻo, đầy hào sảng, nhiều hứa hẹn bỗng dưng biến mất. Sự biến mất có lẽ cũng có nguyên nhân của nó. Riêng Lý Phương Liên sau sự cố đó, chị đã có lời nguyền là sẽ từ bỏ thơ, không công bố thơ, thậm chí cả người thân yêu nhất như Nguyễn Nguyên Bảy - chồng chị, chị cũng chẳng dám đưa thơ mà đọc. Dù rằng, tận trong sâu thẳm con tim mình, thơ vẫn dạt dào tuôn chảy:

Thỉnh thoảng buồn em vẫn ghi thơ
Trôi trên giấy điệu buồn thương nhớ
Ạ ơi những lời ru cũ
Cánh cò chít trắng tang mây…
Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ
Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ
Em đơn chiếc một cánh cò
Mà trời bao la quá
Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ
Chỉ để nhớ để thương thơ…

Đọc những câu thơ trên, người đọc nghẹn ngào. Buồn. Thương. Tiếc nuối. Cảm thông... Con người thơ Lý Phương Liên như một vì sao mới vừa lóe sáng đã tắt lịm ngay.
Sự im lặng, sự vắng bóng của một hồn thơ tài hoa Lý Phương Liên trong khoảng thời gian dài ấy đã đặt ra nhiều nghi vấn. Có phải có một nhà thơ Lý Phương Liên thật không? Hay chỉ là một cái tên tự tạo? Và đến hơn 40 năm sau khi tập thơ Ca bình minh ra đời (Nhà xuất bản Văn học, 2011), những người bạn yêu thơ một thời và thế hệ trẻ hôm nay mới biết rằng có một Lý Phương Liên ngoài đời, bằng da bằng thịt, đang hiện hữu giữa cuộc sống này. Vậy là những nghi vấn về một nhà thơ có tên là Lý Phương Liên đã sáng tỏ.
Lý Phương Liên khẳng định: “Tôi nín lặng với thơ suốt 40 năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi, không vì bất cứ sự đe dọa, trù dập hay bất cứ áp lực nào khác. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”.
Khi bị quy kết ở bài thơ Trò chuyện với Thúy Kiều (lúc đầu có tên là Nghĩ về Thúy Kiều) cả gia đình Lý Phương Liên vào Sài Gòn, rời xa Hà Nội - mảnh đất từng chôn cất bao kỉ niệm của chính mình, gia đình và những người thân yêu, ruột thịt. Họ tha phương cầu thực ở Sài Gòn với bao khó khăn chồng chất.
Lý Phương Liên kể trong lời đẫm đầy nước mắt: “Những năm tháng tuổi thơ và cả thời con gái, đến khi lấy chồng về nhà chồng, chị đều rất vất vả. Nhưng có lẽ những tháng ngày đầu trôi dạt ở đất phương Nam chị mới thấm thía cảnh khổ nghèo, gian truân, buồn se sắt”. May thay, vợ chồng chị sau đó cũng có công việc ổn định. Nhờ thế mà có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng hai đứa con trưởng thành. Con trai đầu của chị là đạo diễn, diễn viên điện ảnh, kiến trúc sư; con gái út của chị là họa sĩ.
Những buồn, vui và cả những tai họa liên tiếp ập đến gia đình Lý Phương Liên như là một sự thử thách lớn đối với một người đàn bà như chị. Tưởng chị sẽ gục gã, nhưng bằng nghị lực, niềm tin, sự chịu thương chịu khó, hiểu đời, hiểu người mà chị đã bước đi từng bước, vượt qua bao gian khó để làm việc, để sống và sống đúng nghĩa giá trị con người.

Đường ra biển có thể dài năm tháng
Mất mát nhiều hơn nhưng gian khổ cũng nhiều hơn
Nhưng một điều chắc chắn phi thường
Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp

Dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời, Lý Phương Liên có nhiều bài thơ hay được các chiến sĩ chép vào sổ tay mang đến chiến trường trong những năm chống Mỹ cứu nước. Nhưng chị rất khiêm tốn trong từng lời ăn, tiếng nói.
Chị từng giãi bày: “Lý Phương Liên tôi, cha mẹ mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố những năm 1970 và dài theo nhiều năm sau đó”. Thi sĩ Lý Phương Liên cũng từng khẳng định:“Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao nhiêu người tài hoa thời ấy, được học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh với họ”.
Con đường đến với thơ của chị như một cơ duyên, chị mượn thơ để nói lên tấm chân tình của mình, lấy thơ để ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống của chính mình, quanh mình và của thời đại mình. Cũng chính vì thơ, yêu thơ mà người thi sĩ họ Lý kia phải chịu bao hệ lụy đáng tiếc. Tai nạn nghề nghiệp là cái rủi cho thi sĩ Lý Phương Liên và gia đình chị nhưng cũng là cái may cho nền văn học nước nhà. Vì có được thêm một giọng thơ lạ và độc đáo.
Giờ đây vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy đã nghỉ hưu và sống tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Con cái đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định nên chị không còn vướng bận chuyện áo cơm. Chị nghĩ: “Phải làm một việc gì đó với văn chương như là sự tri ân”. Và chị đã đề xuất với chồng, lấy tiền gửi tiết kiệm “dưỡng già” từ mấy chục năm nay của mình để tập hợp Thơ - Văn của bạn đọc in sách. Những bài văn, bài thơ với tiêu chí là hay sẽ đọc chọn, không quan trọng tác giả là ai, tác giả làm gì… Ý kiến đó được chồng chị là Nguyễn Nguyên Bảy tán thành và nhiệt liệt ủng hộ. Thế là từ năm 2012, dự án Bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn bắt đầu khởi động. Cho đến thời điểm này (03/2017) đã in 6 tậpThơ Bạn Thơ, 2 tập Văn Bạn Văn. Trong quá trình biên tập, đọc chọn vợ chồng Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy có sáng kiến in thêm đầu sách: Vườn 5 nhà (2 tập) và Chém gió muôn màu (2 tập).
Gặp Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy, hai vợ chồng tỏ ra vui sướng, hồ hởi, mãn nguyện vì đã phần nào thực hiện tâm nguyện cuối đời mình. Ông bà còn nói vui: “Hình như nếu thiếu thơ, không đọc thơ, đọc văn hàng ngày có lẽ tôi sẽ ốm mất…nó là nguồn di dưỡng tinh thần sẽ theo chúng tôi đến khi về cõi ”.
Tôi tin, với tấm lòng bao dung, tình cảm mãnh liệt, sống hết mình với văn chương (một cách thanh sạch - theo đúng nghĩa của từ này) của vợ chồng người thi sĩ đặc biệt này sẽ mãi tỏa sáng./.

Phú Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét