Một tập sách bảo là truyện tình thì nó là truyện tình, bảo là
truyện đời thì nó là truyện đời. Người viết chỉ muốn gửi một thông điệp, cội rễ
của tình đời là đức tin, không có đức tin thì đừng mong có tình yêu. Tuy nhiên,
sức viết có hạn, không biết có chuyển tải được thông điệp mong muốn ấy đến bạn
đọc? Câu trả lời tùy thuộc bạn đọc.
MA TRẬN TÌNH
tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy
Đoạn 38- 42 hết
38.
Tôi trả nhà cho bà chủ
phố với khoản bồi thường ba tháng tiền nhà và tất cả đồ quà Cha sắm cho tôi.
Bà chủ phố gặng hỏi: Cô đi đâu? Tôi có làm phiền gì cô không? Nếu cô đi có ai đến hỏi tôi
phải trả lời thế nào? Rừng câu hỏi. Tôi đáp lại bằng rừng cười như thể tôi đang rất vui. Bà chủ phố gật gù vẻ bí mật. Tôi biết rồi. Chúc cô thuận buồm xuôi gió. Qua được bển đừng quên tôi nhé. Tôi chỉ cười, không đính chính dù biết bả nghĩ tôi vượt biên. Đã sao.
39.
Phó giám đốc Vỉnh đón
tôi quá vui. Ông thuật lại với tôi cảnh ông và jiđi ôm chia
tay nhau giữa sảnh sân bay. Ông còn trách thương sao tôi vắng mặt. Tôi cười liếm và đặt xuống trước mặt ông tập
trình ký, trong đó có lá đơn xin nghỉ của tôi. Ông xua tay.
- Sếp lớn bay mình sếp
nhỏ phải lượn. Công việc cứ để đó. Chiều nay tôi và cô cần hỷ xả mọi chuyện với
nhau.
Ông rót nước mời tôi. Rồi ông nói. Nói nhiều lắm, chuyện tôi, chuyện Jiđi, chuyện hiểu lầm, chuyện xấu hổ, chuyện đạo lý, chuyện cách mạng, hình như trong chuyện
nào danh giá tôi cũng thăng hoa. Nhưng tâm trí tôi lúc này trống rỗng thăng hoa còn được vài phần
ngây ngất. Giá như ông đọc tờ đơn xin nghỉ việc rồi hãy
vinh tôi thì sự thăng sẽ mạch lạc, rõ ràng hơn. Hoặc lên mây hoặc nhào xuống vực. Lên mây xuống vực khác gì nhau ? Với tôi mọi
chuyện đã là quá khứ, đã không thể chữa lại được rồi. Khi chia tay phó giám đốc Vĩnh tôi định nói lời
cầu chúc ông và Jiđi thực lòng đoàn kết với nhau cùng gây dựng nhà máy. Nhưng tôi đã quên không nói và linh cảm sẽ không
phải ân hận quá lâu về đãng trí này.
40.
Tôi ngủ vùi trong căn
phòng ấm áp má nhường suốt hai ngày liền. Tôi hiểu là sức má khó chịu đựng nổi điên cuồng tôi thêm một ngày
vùi nữa. Tôi quyết định trở dậy từ rất sớm, vừa ra khỏi cửa phòng đã thấy má ngồi trên ghế
bố, im lặng như biển vẽ trong tranh.
- Má.
Tôi chào reo hồi nít.
Má nhìn tôi. Nhìn như thể lâu lắm má chưa nhìn. Ánh nhìn ngẫm nghĩ. Rồi nhìn mỉm cười. Tôi bật cười theo. Hai má con cười ràn, sầu lo trên mặt má quang mây.
- Mình đi Cấp đổi gió
vài ngày được không má?
Má đáp lời thi nhân:
- Cấp mùa mưa, biển ướt, gió buồn.
- Lạy Chúa, lâu lắm rồi con mới lại được nghe thơ má. Má cười. Tôi ngọt nhạt. Ít bữa nữa mùa khô mình
đi nghe má. Má gật đầu. Con tính thưa với má hai chuyện. Từ nay con về ở mãi với má, chàng nào muốn làm chồng con điều kiện đầu tiên là ở rể. Chuyện thứ hai, tiền con tích cóp được bấy lâu, con đưa cả cho má, má nuôi con nhanh là ba
tháng, chậm là một năm cho con nằm đẻ sách. Viết xong
cuốn sách này con mới tính kế sinh nhai.
- Mi tính viết sách gì?
- Con chép lại đời con
từ khi má cho đi học tới nay.
- Mi sám hối?
- Con muốn cân đo lại
mình.
Tôi cố ý không nói đến
Chúa, đến Cha, dù biết rằng nếu nói đến thần tượng đức tin ấy, tôi có xuống biển hay lên rừng má cũng không
ngăn. Nghĩ thầm. Má có ngăn cũng không được. Đầu tôi lúc này như một vườn khế, chữ nghĩa chín trĩu trịt, chỉ cần rung ngọn gió là trái rụng một góc sân. Phải chép lại những trang đời rụng trước khi
trái thối. Tôi thu gom tiền mặt, sổ tiết kiệm, chẳng biết được bao nhiêu, đưa cả cho má, chỉ giữ lại vài đồng
tiêu vặt. Tôi chạy ra thư viện, sau khi đã dặn má kông cho bất kỳ ai biết
tôi đang ở đâu, đang làm gì và tôi sẽ chỉ về nhà lúc thư viện
đóng cửa.
Ý nghĩ viết văn không
ngẫu hứng đến với tôi, mà tiềm ẩn trong tôi từ ngày cắp sách đến
trường, từ dự báo của các thầy cô giáo dạy văn về bút
lực tôi nếu say mê luyện rèn có thể thành văn sĩ. Tôi đã từng khởi việc từ những trang nhật ký, những bài thơ học trò, những bài báo tường sinh viên. Nhưng ba tôi đã té nước vào đốm lửa vừa nhen ấy.
- Bộ mi muốn cha mi
thành nhân viên sở rác? Văn sĩ thời nay đầy rẫy bọn xả rác. Mi là con ta, mi xả rác là bắt ta dọn rác. Nhục lắm.
- Vì sao ba thành kiến
văn sĩ dữ vậy?
-Ta không thành kiến văn
sĩ. Trái lại, ta kính trọng và ngưỡng mộ những nhà văn thật, còn những kẻ ngụy văn ta coi khinh. Ta sinh ra mi, tư chất mi thế nào ta biết, mi thèm tiền, thèm danh, mi mơ hồ đức tin, mi hoang đường sắc đẹp, mi chỉ yêu mi. Với bản chất ấy, làm sao mi có thể thoát khỏi vòng cám dỗ. Nếu viết văn, mi sẽ thành thứ văn nhân rác rưởi. Tôi bật khóc mà không thể cải được những lời nguyền cay độc của
ba. Văn lửa tắt, nhưng cố ủ chút than tro. Tôi nhẹm má cuộc đàm đạo này. Vì tuy má hận ba, không còn chung sống với
ba, nhưng định ý của ba khi đã sướng ra lời đều được
coi là phép tắc nuôi dạy tôi và má chỉ có bổn phận tuân theo. Phận làm con, tôi đành ngậm miệng nghe nhưng lòng bảo lưu ẩn ức. Tôi đã thổ ẩn ức ấy với Trinh mong tìm kiếm đồng
tình. Dè đâu Trinh cười như con điên. Ba mi thật tuyệt, còn mi thật xàm, trong bầy đực tau kén, văn sĩ là con đực tau loại đầu tiên.
Tôi ghi phiếu mượn một
cuốn sách. Hình như cuốn tiểu thuyết Việt ngữ viết về thời
tiết. Của ai tôi không nhớ. Vì tôi đâu có đọc. Mượn sách chỉ là cái cớ để tôi ngồi một góc tĩnh và viết như bổ
củi. Thanh củi đầu tiên là má tôi. Thanh củi thứ hai là ba tôi. Hai thanh củi đó giao hoan trong lúc tôi đang là
ngọn gió rong chơi với chúng bạn phong vân ngoài bãi biển, chợt nghe tiếng gió đầu đàn gọi tên đầu thai, tôi chui tọt vào bụng mẹ mà thành tôi bây giờ.
Những ngày đầu tiên hình
như chỉ viết có vậy. Tối tối trở về nhà. Chào mẹ. Không trò chuyện gì thêm. Chốt cửa. Và tắm. Tôi quen tắm búp sen. Nhìn ngắm rất lâu cặp mắt mệt mỏi. Mới mấy ngày mà thấy như già đi chục tuổi. Rồi ngắm vú. Căng. Hai hạt đậu đỏ hường. nên hãnh là mình trinh nguyên hay nên buồn vì
tuổi một đống mà vẫn chưa thành đàn bà ? Tự ngạo mình nghe mắt cay cay. Tôi lau khô thân thể thật nhanh, choàng váy valize bông, nằm vật xuống giường ôm buồn dỗ giấc ngủ.
Những ngày tiếp sau, tôi bổ củi mối tình ba má. Ba má yêu nhau như long phụng.Trong gói lụa bọc
gia tài của má gồm thư từ, nhật ký, hạt ngọc, dây vàng, có một phong bì cũ theo thời gian đựng những bức
thơ ba tỏ tình với má. Dưới những bức thơ đó má ghi lít nhít cảm xúc. Duy một bức má ghi hai chữ in, to, đậm, đỏ bầm THỀ NGUYỀN bọc trong tờ nilông, kẹp trong một cuốn sổ dầy. Tôi đọc bức thơ đó hai lần, một lần sinh nhật tôi mười lăm và một lần vào
rạng sáng trước lúc hai má con ra tòa nghe phán xử ly tan.
/ Em
bảo ước tình mình như sông biển./ Sông
thật rộng dài/ Dài
rộng mấy cũng có nguồn ra và cửa đến/ Biển quá mênh mông/ Nhưng có thể thấy bờ ở phía chân trời/ Anh chẳng
muốn tình mình là sông hay là biển./
Em có biết sau nụ hôn đầu Phụng Hoàng yêu nhau
thế nào?/
Nếu họa ác giáng xuống đầu con mái/ Trống chẳng thiết sống đâu/ Sống hay chết
cũng vẹn tình trống mái/ Anh nguyện là con trống tình em./
Nguyện thề chém đá. Nhưng Phụng đâu vướng Thiên La, Hoàng không sa Địa Võng, cớ gì Hoàng Phụng ly tan?
Sex. Sex là gì mà ba thèm khát thế? Sex là gì mà má
không thể nhẫn nhịn chịu đựng để chờ ba vượt nạn. Tôi thầm cười câu hỏi mình hỏi hồi dậy thì. Đầu lại nghe vảng âm thanh con vú ngứa. Sex là khí. Khí của âm dương, của con đực con cái, của tình. Sau âm thanh ngôn từ ấy là chuỗi cười ràn.
Đêm qua tôi thức trắng, sáng nay tôi bổ thanh củi Cha. Đây là thanh củi gốc, quá nhiều mắt, dao tôi bổ xuống tóe lửa mà vẫn không sao chẻ được. Bế tắc. Tôi lật đôi cuốn tiểu thuyết mới mượn, đọc giữa chừng, đọc một hơi gần ba chục trang. Sách viết về chiến tranh. Nhớ hồi sau giải phóng hầu như không có cuốn Việt ngữ nào viết về
chiến tranh mà tôi không tìm đọc. Tiếc là tên sách tuy khác nhau, nhưng nội dung thì đến chín phần mười giống nhau. Cả cuốn tôi đang đọc lúc này cũng vậy. Những
trận đánh, những người lính yêu nước, những tiếng đạn bom và chương cuối bao giờ cũng là chiến thắng. Tôi gập cuốn sách đang đọc, không phải vì không muốn đọc, mà như thể đã đọc rồi, ở đâu đó, không tác giả, không nhân vật, không sự kiện, tất cả như đúc sẵn trong một khuôn. Lịch sử không thể cải là sau đại chiến chống
Hítle, thì cuộc chiến ở Việt Nam là đáng nói nhất. Hùng. Vĩ. Nhưng vẫn chưa có cuốn sách tương tầm với cuộc
chiến tranh ấy. Đành cứ phải chờ đợi và hy vọng.
Chợt bỗng, một liên tưởng khập khiễng, cuộc chiến tranh này như thể chân lý Chúa và nhà
văn như thể tâm hồn Cha. Ảnh Cha hiện lên, nhưng lạ chưa, nhìn kỹ lại hóa Jiđi. Tôi hơ hoảng. Lạy Chúa, tôi làm dấu thánh, con lạc đề mất rồi. Tôi buông bút sách, bước nhỏ ra vườn thư viện dạo sên. Đi sên như một lão bà.
Tôi trở về nhà đủ khuya. Má ngủ ngồi trước tivi đã hết chương trình chỉ
còn tiếng âm thanh đơn điệu reo hò. Hơi lạnh tôi thức má. Má nhoàng tắt tivi. Nói kiệm. Từ mai đừng về khuya quá, má khó ngủ. Má đi vội vào giấc ngủ của má không nói gì thêm. Tôi chẳng biết má
có đủ sức chịu đựng quái gở tôi cho đến khi tôi viết xong hối truyện? Tôi khóa
cửa. Dọn mâm cơm má phần. Mình thành nhân vật chưởng Kim Dung mất rồi, suốt ngày tỉ thí võ nghệ, ngang dọc giang hồ, không làm việc, không tiền, không ăn uống. Tự cười. Hay mình là Tiểu Long Nữ? Tôi vào phòng ngủ, trên bàn hai phong thư. Thư Chuông. Thư Vinh. Tôi nâng hai phong thư cảm giác nặng trĩu bàn
tay. Tôi mở đọc thư Chuông.
Chuông nhớ Long lắm. Chẳng biết long có còn nhớ Chuông ?
Chuông kể cho Long nghe. Anh Bảy đã về và thực hiện đổi mới triệt để. Ông Vĩnh bây giờ là phó giám đốc hành chính. Vợ anh Bảy cũng mới chuyển về nhà máy làm phó
phòng kinh doanh. Kể vậy thôi, vì Long bây giờ còn thiết tha gì chuyện nhà máy.
Giờ là chuyện Chuông. Chuông vừa trúng cử bí thư chi đoàn phân xưởng. Kỹ sư Nguyên được đề bạt quản đốc và quan trọng
hơn là ảnh đã ngỏ lời cầu hôn Chuông. Chuông đã nhận lời. Tháng sau anh Nguyên đưa Chuông về quê ra mắt cha mẹ ảnh.
Tôi lặng điếng, rơi mình xuống ghế, rớt thư Chuông đang đọc dở và thư Vinh chưa kịp
bóc. Tôi chẳng nhớ mình đã ngồi như thế bao lâu chỉ
biết khi đứng dậy nghe má gọi sau lưng, tiếng gọi đẫm nước mắt.
Thư Chuông mở thông cửa
hang trí tưởng tôi. Chữ nghĩa đang bị cầm giữ trong hang đập vỡ cửa
tuôn ra ào ạt. Tôi hối hả chép lại dòng lũ chữ. Chỉ mấy ngày mà tôi viết được ba chương hối
sách. Phát quang được cả đống nhân vật liên quan. Toàn thân tôi đẫm nước, héo khô tôi mơn mớn trở lại.
Tôi đem mơn mởn tôi về
căn nhà đầy ấm của má. Căn nhà sáng rạng lên. Má cười đáp nụ cười hồi nít của tôi và lại mắng
yêu tôi những lời ngọt nhạt.
Bữa ấy, sau khi viết xong những dòng quá thú vị về Jiđi, tôi tự cho phép mình thư giãn. Tôi ghé giò chả Minh Châu, mua hai khoanh giò bò nóng hổi và một bịch dưa
chua. Cần phải liên hoan với má.
Má bật chế độ hâm nồi
cơm điện, hối tôi đi tắm. Má cắt giò bò, mùi thì là thơm lừng
không gian.
Tôi cắm mặt vào chén
cơm, vừa ăn vừa suýt xoa ngon, như thể đói lắm, tham lắm, thích lắm, để có cớ không đáp những lời của má vừa như kể vừa như hỏi. Ba con khoái khẩu món Bắc Kỳ này lắm. Chẳng biết hồi này ổng và mấy đứa nhỏ sống thế
nào ? Chiều nay lại có thư thằng Đồng Tháp. Thư này là năm thư. Người ta phải quấy với mình thế nào cũng phải nghe người ta giải
bày phân tỏ. Sao má không thấy con bóc thư thằng Đồng Tháp?
Tiếng chuông cửa. Đứa con nuôi hiếu thảo. Má vừa nói vừa đứng dậy. Ngày nào giờ này nó cũng tới thăm má.
Trinh vú ngứa. Tôi biết chắc nên không hỏi lại má. Chỉ có nó. Chỉ là nó. Không ai khác. Nó đã cho Vinh địa chỉ của tôi. Và có thể ngay lá thư của Chuông cũng do nó đạo diễn.
Trinh ôm vai má cùng
vào.
- Mi hả. Trinh hất đầu lạnh nhạt. Mi chạy trốn mọi người, kể cả tau. Tau tôn trọng sự chạy trốn của mi. Tau không đến đây để kiếm mi. Tau đến thăm má.
Tự nhiên tôi bật khóc và
chạy vào phòng tắm, ói khan. Trinh rì rầm chuyện gì đó với má. Tôi vào phòng ngủ, nằm vật xuống giường. Trinh ơi, tha lỗi cho em. Lần đầu tiên tôi cảm giác Trinh thân gần, ruột thịt với tôi quá. Trinh không chỉ là bạn mà là chị gái của tôi. Vào đây với em, chị ơi. Tôi muốn thốt lời nhưng cổ nghẹn đắng. Chị mới là tiên nữ. Dòng đời xô dạt chị đến bến vú ngứa, chiếm đoạt thân xác chị, nhưng tâm hồn chị trong veo, đen trắng mạch lạc rõ ràng. Chị là tử tôn của Đức Mẹ hay tử tôn của Phật Bà
? Hay là con của má ? Dù là con của ai chị cũng là chị em. Trinh và má vẫn đổi
trao những chuyện không đầu không cuối. Sao chị vẫn chưa vào với em ? Em cầu xin. Tôi ngồi dậy, thành tâm làm dấu thánh.
Trinh gõ cửa.
- Tao về nghe Long.
Tôi nhoàng chạy ra như
sợ tiên bay mất.-
Chị...
Trinh ôm tôi. Tôi nghe bờ vai ướt những giọt khóc nóng. Hai chị em ôm nhau một quãng lặng dài. Bỗng Trinh bật cười. Lại rất vui như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra.
- Mi viết sách chắc cũng
sắp xong ? Thư thằng Vinh chưa mở cái nào? Mà thôi, đọc làm gì yêu nhau cần gì
chữ nghĩa. Nhưng cái này mi nên xem. Người ta tặng tau, tau cho mi mượn, nhớ giữ cẩn thận.
Trinh đưa tôi bịch nhỏ ni
lông mau vàng, đựng cuốn album bọc nhựa hình cô gái cười.
- Tau cho mi mượn hai
ngày. Sáng mai tau đi Đồng Tháp. Ngày mốt tao về.
- Chị xuống chỗ Vinh?
- Có lẽ vậy. Tội nghiệp thằng nhỏ. Thôi tau về. Hai ngay tau đi vắng, mi phải chăm nom má cẩn thận.
Tôi không kịp theo chân
Trinh ra cửa đã nghe tiếng Trinh chào má. Tiên bay.
41.
Lạy Chúa. Xin Người hãy ở bên con, đừng để con một mình, con sẽ tan vào mơ hồ. Tim con quá bé nhỏ trước bao nhiêu cảm xúc ào ạt
chảy vào con như lũ quét. Con cầu xin.
Tôi để cuốn album dưới
chân tượng Chúa. Ngồi xuống chiếc ghế nơi bàn học. Tôi cầm xấp thư Vinh, mở đọc. Thư đầu. Thư hai. Thư ba. Thư bốn. Thư năm. Chữ nghĩa nhiều lắm. Chuyện kể nhiều lắm. Chữ nghĩa dù lên mây hay xuống suối, chuyện kể dù xuống biển hay lên rừng cũng như chưa
gói đủ ba từ Anh Yêu Em.
Tôi lật mở cuốn album. Ba mươi sáu tấm hình chụp ba mươi sáu tấm tranh
vẽ tôi. Lụa. Sơn dầu. Sơn
mài. Thuốc nước. Bột màu. Bán
thân. Toàn thân. Nằm. Ngồi.
Cười. Khóc. Áo dài. Khỏa
thân. Vú. Đùi. Môi. Mắt. Bên
hoa. Bên liễu. Trong nắng. Trong
mây.
Ba sáu bức tôi ơi. Chữ ký hai bánh xe. Thôi rồi. Sĩ. Chàng Honda ôm si tình. Thì ra anh nợ tôi thế
này đây. Nợ mẫu vẽ. Nợ tình.
Tôi đọc thư Vinh. Tôi xem tranh Sĩ. Tôi ôm cả hai chìm vào mơ mộng thức ngủ. Cả hai cùng yêu tôi. Còn tôi ? Hình như lần đầu tiên, trước câu hỏi bế tắc này Đức Maria đằm thắm nhìn
tôi cười hoa hồng, Khổng Minh cười phe phẩy quạt và má cười buồn
khép ngực nhìn theo. Tôi đi một mình, đi theo mách bảo của trái tim tôi. Tôi chưa biết chắc nơi cửa tình ôm tôi là Vinh, là Sĩ hay là một ai khác. Chỉ chắc một điều người ấy yêu tôi và tôi yêu
người ấy.
42.
Tôi đã tặng má cuốn viết
này ngay sau ngày tôi gặp nửa tôi. Má cất cuốn sách vào kho di vật tình của má, nơi có bài thơ Thề Nguyền ba tặng hồi yêu má.
Tôi gần như đã quên cuốn
sách cho tới tận ngày má mất, kho di vật của má trao
lại cho tôi. Tôi đọc lại cuốn sách và đặt tên cho sách là Ma
Trận Tình.
Đã mấy lần tôi định tặng
cuốn sách cho anh, chồng và cha của hai đứa con tôi. Nhưng tôi
không dám, vì sợ nhớ lại ngày xưa ấy, ảnh buồn. Để tình yêu buồn vì cái không đáng buồn tội lắm.
Hình như ngày cô gái Út
báo cho tôi tin hệ trọng đã có người tình, tôi lặng nghe, không vui không buồn và tôi đã quyết định cho cháu
đọc Ma Trận Tình, thay cho lời nhỏ to mẫu tử.
Vài tháng sau đó, trong một buổi tối sum vầy cả nhà, Út đưa tôi bức thư của Trinh gửi về từ Cali.
Út hãy ôm hôn mẹ thay
dì, để mẹ khỏi khóc. Dì cảm ơn mẹ đã viết đúng như dì hồi đó, những dòng viết rất thật, rất đời, giải thoát dì khỏi kiếp vú ngứa. Sách mi ướt sũng nước mắt tau rồi Long ơi. Dì cũng cảm ơn con về những trang minh họa và
trang bìa lồng hý. Út đừng quên hôn cha con và đòi nợ cho dì. Tau đã tác thành cho mi lấy được vợ tiên, sao chưa một lần mi mở tiệc tạ tau hở rể? Sau cùng, dì muốn con thu xếp in cuốn sách, phí tổn bao nhiêu dì lo, coi như đó là quà tặng lễ cưới bạc của cha mẹ con...
tiểu thuyết Ma Trận Tình của nguyễn nguyên
bảy
NXB văn học,
2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét