Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

MA TRẬN TÌNH/ tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy / Đoạn 27.


Tiểu thuyết Ma Trận Tình NXB Văn Học ấn hành.
Một tập sách bảo là truyện tình thì nó là truyện tình, bảo là truyện đời thì nó là truyện đời. Người viết chỉ muốn gửi một thông điệp, cội rễ của tình đời là đức tin, không có đức tin thì đừng mong có tình yêu. Tuy nhiên, sức viết có hạn, không biết có chuyển tải được thông điệp mong muốn ấy đến bạn đọc? Câu trả lời tùy thuộc bạn đọc.

MA TRẬN TÌNH
tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy
Đoạn 27


27.
Mưa Sàigòn. Hình như tên cuốn tiểu thuyết là Mưa Sàigòn và trong mưa Sàigòn ấy những thân phận đàn bà trôi nổi. Tôi nhìn màn mưa dăng mù trong đêm, thấy rõ từng giọt rơi nghiêng trong ánh đèn đường mà liên tưởng lan man như thế.
Những người đàn bà bị mưa cuốn ra đường. Cuộc đi vô định. Nàng ấy rạt hiên nhà luật sư, ngã vào vòng tay ông chủ cam thân lẽ mọn, để rồi sau những ái ân, ông chủ chẳng biết cách nào xua đuổi, đành thú nhận tội lỗi với vợ cho vợ tuỳ muốn ra tay. Cuộc trừng phạt lâm ly cải lương. Bà lớn tạt một lon sơn cảnh cáo, nếu không cuốn xéo khỏi chồng bà thì trừng phạt tiếp sau sẽ là lon axít. Nàng bỏ cuộc. Ra đi trong mưa Sàigòn. Nàng bảo trời xót thương đổ mưa thay nước mắt nàng đã cạn. Người đàn bà khác đã hai đời chồng mà phận chưa yên. Người chồng đầu chết trận. Bạn chồng mang về cái tin tang tóc với lời trăn trối của người quá cố, trông nom dùm vợ con. Người lính ấy đã cao thượng ôm vợ bạn vào lòng. Và rồi lại ra đi. Lại chết. Lại một lời trăn trối khác. Nhưng nàng không thể đón thêm người chồng lính thứ ba. Bởi nàng không muốn chít thêm lên đầu một vành tang trắng. Chị quyết định xuống đường đòi lợi quyền cùng thương phế binh.
Tôi đã đọc nguồn thương cảm ngây thơ, xót xa những dòng văn đầy nước mắt. Năm nào nhỉ? Hình như 72. Mùa hè đỏ lủa. Tôi bước vào tuổi mười bảy.
Vậy mà tôi vẫn không thể xuống đường cùng với bạn bè tôi. Tôi đâu có số phận đau đắng như thế. Dạo ấy Sàigòn đang thịnh mốt xuống đường. Xuống đường với đủ mọi nhân danh. Chống quân sự học đường. Chống bắt lính. Đòi quyền lợi phụ nữ. Nhà báo đi ăn mày. Thương phế binh đòi nhà ở. Tôi ngoảnh mặt với thời trang đó. Tôi chỉ có thể nằm đọc sách báo viết về những cuộc xuống đường ấy. Vì thế Mưa Sàigòn tôi rất nhớ, nhớ hằn trong ký ức.
Phải rồi. Người bạn của má đã mua tặng tôi cuốn sách đó ở Vũng Tàu. Dạo ấy, gần như không chủ nhật nào, tôi không được má cho đi Vũng tàu. Má tôi thích những cuộc đi chơi xa xỉ, lãng mạn.
Bãi Thuỳ Vân thoai thoải chạy ra biển. Mùa tháng năm đầy người. Biển lặng. Xanh suốt. Những dù mầu cắm san sát. Đàn ông một mảnh vải. Đàn bà hai mảnh vải. Mầu da người vàng tươi bãi tắm. Mấy ông, mấy bà bụng đã xệ và ngực đã nhão, ngồi thỏm trong những chiếc ghế bố, uống bia lon và ăn ghẹ luộc. Thỉnh thoảng họ mới lười biếng đứng dậy,  nhào xuống biển hoạc nhoài mình trên cát.Da thịt đỏ lựng, chẳng biết vì nắng hay vì bia? Cũng có người thích món đậu phộng nấu, họ bóc chậm rãi từng củ, nhâm nhi. Trông họ thật nhàn nhã, phong lưu. Đám thanh niên tưng bừng theo cách khác. Những đứa hiếu động, tuổi tôi khi đó, tụ tập đá bóng trên cát hoặc rượt đuổi những chú còng. Đám lớn hơn, từng cặp, một trai một gái, họ mang những phao bơi xanh đỏ, nắm tay nhau tung tăng xuống biển. Họ đùa trong nước với những tiếng la hét vô nghĩa và trườn mình trên những con sóng xô vào bờ, để rồi chao cỡn lên và ôm cứng lấy nhau. Tôi trong đám người này. Người bạn của má tôi, chú Phu, thường dìu tôi ra thật xa, tôi nằm trong phao bơi, chú Phu bơi đẩy theo. Hai chân tôi thẳng tắp và trắng muốt vỗ đùa mặt nước. Chú Phu ôm cặp chân đó. Chú bảo, cần phải khoá lại cho tôi khỏi vẫy vùng. Râu chú cạ vào chân nhột nhạt. Tôi rất thích sự ân cần của chú. Dạo ấy, tôi mắc cỡ nhất khi cảm thấy ngực mình quá lớn. Má cứ bắt tôi mặc áo tắm hai mảnh. Lần đầu run khiếp. Sau quen dần vì ngoài bãi tắm hầu như cô gái nào cũng mặc hai mảnh. Rồi một lần, tình cờ, chúng tôi gặp ba ngay nơi bãi tắm. Không biết ba đã nói gì với má, chỉ biết rằng sau lần đó hầu như má không cho tôi đi Vũng Tàu tắm nữa. Gặng mãi má mới bảo, ba lên án má làm hư con. Vì sao? Má đáp lạnh ngắt. Vì con mới mười bảy tuổi.
Cũng sau lần ấy, ba tịch thu cuốn Mưa Sàigòn của tôi. Tuy ba má ly thân, nhưng thỉnh thoảng ba vẫn ghé lại nhà nói là thăm tôi. Mỗi khi ba đến má lại kiếm cớ tránh mặt. Tôi hỏi ba, vì sao không cho tôi đọc Mưa Sàigòn? Ba đáp, văn chương nhảm nhí. Tôi hiểu là ba không muốn tôi biết sớm chuyện đàn ông đàn bà. Dù vậy, tôi vẫn thích Mưa Sàigòn.
Mưa lớn quá, tôi khép cửa sổ. Chợt thấy bóng ai bên ngoài. Tôi nhẹ chân đi lại phía cửa. Nếu là Nguyên hay là Vinh thì tôi sẽ cho mình quyền vắng nhà. Tôi không muốn tiếp họ trong cảnh mưa gió dễ hư hỏng như lúc này. Tôi cúi nhòm qua lỗ kính. Tôi hơ hoảng. Jiđi ướt như chuột lột, đang cởi áo mưa và rũ nước ngoài thềm. Tôi tựa người vào cửa. Trấn tĩnh. Một lát. Tôi xoay người lại, tay cầm núm cửa mà không sao vặn được. Núm cửa được xoay từ phía ngoài. Jiđi hiện ra trước mắt tôi bối rối, lúng túng.
- Tôi có việc đi qua...
- Anh vào đi, ướt hết cả rồi...
Tôi nắm tay anh kéo vào nhà. Tôi chạy rất nhanh ra sau, lấy chiếc khăn tắm hồng, đưa cho anh.
- Anh lau đi kẻo cảm.
Anh chậm rãi lau những giọt mưa trên mặt, trên hai cánh tay. Tôi đứng run. Trống ngực đập thúc. Khi anh trả lại chiếc khăn, tôi mới sực tỉnh, rối rít đến tức cười.
- Anh cần uống ly cà phê nóng.
Chẳng đợi anh trả lời, tôi chạy như bay.
Pha cà phê là thói quen nghệ thuật của tôi. Vậy mà, bữa nay hậu đậu thế nào để muỗng cà phê đổ tóe ra bàn. Tôi lóng ngóng gạt những hạt cà phê vãi, đụng phải cái đĩa. Choang. Sao tôi vụng về đến thế tôi ơi.
Tôi ngồi trước mặt anh, không thoải mái. Lẽ ra, tôi cần tỏ cho anh biết tôi là người chủ nhà lịch thiệp và có bản lĩnh như thế nào, mắt tôi cần phải phóng cái nhìn chiếu tướng sang anh với sự im lặng mà như hỏi: Anh tới tìm em có chuyện gì? Đối với khách đàn ông đến nhà vào những lúc tối tăm mưa gió như thế này thì nhất thiết phải hạch hỏi. Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi chờ đợi câu hỏi của anh. Tôi cảm như căn phòng này là giám đốc do chính anh làm chủ, tôi chỉ là người giúp việc, chỉ là cô thư ký bé nhỏ. Nhưng anh đâu có hơn gì tôi. Anh đã chẳng cho mình cái quyền ấy. Anh cũng đang lóng ngóng. Dáng ngồi khép nép, mắc cỡ và ánh mắt anh mềm mại như đang chờ nghe tôi phủ dụ. Sự im lặng kéo dài đến một phút tôi mới lấy lại được bình tĩnh.
- Mưa gió thế này lẽ ra anh không nên ra đường. Anh không phải người khỏe mạnh. Dẫu khỏe mạnh cũng không nên phung phí.
Tôi dài dòng, vòng vo.
- Chưa chắc thanh niên đã khỏe mạnh bằng tôi.
- Anh có thể giấu được nhiều người, nhưng không giấu được em.
- Chuyện gì?
- Chuyện những lúc anh chốt cửa trong phòng một mình.
- Tôi không muốn bị quấy rầy.
Tôi đứng dậy, lại tủ lấy vỉ thuốc. Tôi đưa Théophylin cho anh.
- Anh uống phòng hờ một viên. Chứng hen kị thời tiết. Mắc mưa thế này dễ bị cơn.
- Long biết tôi bị hen?
- Rất nặng là khác. Lúc đầu thấy anh hay chốt cửa, em cũng lạ. Thế rồi em tình cờ thấy vỏ thuốc. Em đã hiểu vì sao anh thường chốt cửa. Anh không muốn người khác biết mình bị hen và chống đỡ cơn hen như thế nào.
Anh nhón một viên Théophylin, đưa lên miệng, chiêu miếng nước.
- Đừng nói với ai về chứng bệnh của tôi.
- Bệnh này có gì phải giấu.
- Làm giám đốc cần phải khỏe mạnh.
Anh định nói thêm điều gì, xong lại thôi.
Tôi nhìn anh thương cảm. Lẽ ra đối với tôi, anh chẳng cần giấu điều gì. Tôi định nói với anh như thế, nhưng miệng tôi không thể bật ra lời. Tôi nói bằng ánh mắt và hình như anh đọc được phần nào.
- Phải chi tôi mắc chứng bệnh khác, đàng này lại bị hen, một chứng bệnh  giả vờ, khỏe đấy rồi mệt đấy.
- Bệnh thời khí mà anh.
- Không phải ai cũng hiểu như em. Khi cơn hen hành tôi, tôi thấy trong người mệt nhọc thở không được, một cảm giác thiếu khí. Những lúc ấy dễ cáu bẳn, sự ích kỷ và ngờ vực trỗi dậy, người bệnh cảm như người xung quanh thở tranh không khí của mình.
Tôi cười.
- Anh tưởng tượng giỏi thật.
Tôi cảm thấy gần gũi anh quá đỗi. Giữa anh và tôi lúc này khoảng cách chỉ tầm tay. Chỉ cần đưa tay đón lấy tôi thì tôi đã là của anh. Sao tôi muốn một hành động mạnh bạo của anh đến thế. Nhưng anh vẫn ngồi nín thinh còn mắt tôi thì không rời khỏi gương mặt anh. Gương mặt đầy đặn, phúc hậu. Xương gò má  hơi thô, không phải bởi gò má cao, mà bởi hai bên má hóp. Mũi anh dầy và võng. Kiểu mũi này gần với danh vọng và tiền bạc. Anh có nước da đàn ông, nâu hồng. Đàn ông nước da đen dễ gây cảm giác lam lũ, nước da trắng lại thành uỷ mị. Anh ít râu. Và sự ít đó càng trở nên ít hơn vì anh thường cạo nhẵn. Nụ cười của anh vụt sáng, vụt tắt. Sau cười thường là trầm tư. Nếu anh là của tôi, tôi sẽ làm cho nụ cười thường trực môi anh.
- Tôi có chuyện muốn nói với em.
Anh trở lại câu nói lúc anh mới tới, chỉ có điều âm sắc mềm mại hơn.
- Anh nói đi. Tôi khích lệ nụ cười.
- Tôi áy náy vì để em phải tức giận không cần thiết. Dư luận đã làm em khổ lắm phải không? Tôi im lặng. Chúng ta là những người trong cuộc, sự thể như thế nào chúng ta đã biết. Hiên thời do hoàn cảnh xã hội, do sự băng hoại về đạo đức thường tình trong quan hệ giữa con người với con người, nên dối trá đã thành một nết xấu. Đã từ lâu tôi muốn nói với em...
Anh ấy đã nói về những điều đã xảy ra, những điều tôi đã biết, những điều thật sự chẳng quan trọng đối với tôi. Người ta tố cáo quan hệ của tôi với anh ấy với thanh tra. Tôi đã khóc. Khóc không phải vì bị vu khống, mà khóc bởi cái tôi thực sự muốn nó ập đến thì nó lại không đến. Tối nay, trong mưa gió thế này, anh ấy tới với tôi, lẽ ra anh ấy phải nói điều tôi đang chờ đợi. Anh chẳng cần vòng vo, chẳng cần rào đón, anh chỉ cần nói với tôi một tiếng em là đủ. Tôi đang rơi tự do trong hồi hộp và  sung sướng. Với Cha tôi rơi òa từ một cách ngăn trang nghiêm xuống vực tình ái, mà chẳng phải trải qua một nhung nhớ, một vuốt ve. Vực tình yêu ấy không có thật. Bởi chỉ sau ít phút Cha ru vỗ và làm nín thở tâm hồn tôi, Cha đã đưa tôi lên miệng vực, nơi giới hạn giữa thâm nghiêm và trần tục. Với Vinh và với Nguyên tôi chủ động cuộc tấn công, nên chẳng mở ngỏ tâm hồn xung  động ngược bay vào trái tim và đọng lại. Còn giây  phút này, anh chưa chịu thú lòng mình, anh dềnh dàng như cố tình tra tấn trái tim tức tưởi của tôi.
- Thoạt mới gặp em, anh có cảm giác khó chịu. Mặc dù em đẹp, em dịu dàng và tính cách mạnh mẽ đầy bản lĩnh.
- Anh nói điều đó với em để làm gì?
- Đừng ngắt lời anh. Anh lặng mắt nhìn tôi, tuy chưa thốt thành lời, nhưng mắt anh đã thú nhận tất cả. Trên đời này người tốt rất nhiều, những người tốt biết điều lại hiếm. Em là người tốt biết điều. Em là cô gái thông minh, thông minh hữu ích. Em là cô gái thạo việc và say mê công việc.
Nếu đơn thuần chỉ là người cấp dưới, chắc chắn tôi đã lịm đi vì những lời khen ngợi của thủ trưởng mình. Nhưng tôi cần gì những lời khen ngợi đó trong hoàn cảnh này. Tôi chỉ muốn biết trái tim anh có rộn lời tình? Tôi sốt ruột nhưng không dám ngắt lời anh, tôi nhín đợi.
- Chúng ta đang va đập vào bức tường khó khăn và phải vượt qua. Em là người sát cánh cùng tôi, vì thế tôi không muốn em nản chí, em bất mãn vì bất kỳ lý do gì. Tôi biết những lời vu khống có dụng ý đã xúc phạm em. Nhưng như tôi đã nói với em, chúng ta là người trong cuộc, chúng ta tự biết sự việc là như thế nào. Tôi chỉ mong đừng bao giờ mất lòng tin ở chân lý, ở cải thiện của con người.
Tai tôi ù. Anh lội mưa đến đây chỉ để nói những lời này thì thật chẳng bõ. Sáng mai, trong giờ làm việc hay bất kỳ lúc nào khác ở nhà máy, anh nói chẳng được.
- Mưa dai quá.
Tôi xen vào mạch nói của anh bằng lời cảm thán chán nản. Hình như anh cảm nhận được sự chán nản ấy.
- Tôi tới nhà thế này có phiền cho Long?
- Dạ không.
- Má Long có hay về nhà?
- Dạ, thỉnh thoảng má em có lại.
- Ở một mình thế này kể cũng...
- Em đâu còn con nít.
- Chuyện bạn trai thế nào?
Tôi cười. Những lời vào đề quá nhạt. Có lẽ tôi chẳng nên đòi hỏi ở anh sự ào ạt như người trẻ tuổi. Anh còn nhiều mặc cảm. Tuổi tác. Chức vụ. Vợ con. Anh khác Vinh và Nguyên ở những điều ấy. Còn tôi, ngoài mặc cảm là người cấp dưới của anh, tôi không ngán điều gì. Nếu không phải là thư ký của anh, thì chắc chắn tôi đã biết cách đi thẳng vào trái tim anh. Anh nhìn tôi như dục trả lời.Tôi lại cười.
- Cũng có đôi ba anh chàng lượn qua mặt, nhưng em không để ý.
- Kén?
- Không phải kén mà là chưa thấy yêu, yêu người mình không yêu hoài phí nột đời.
- Như thế nào là không phí? Anh hỏi cười.
- Em không biết. Tôi quyết định tấn công trực diện. Em đang yêu một người đã có vợ.
- Sao?
- Thì em yêu anh ấy.
- Anh ta có biết không?
- Em không biết.
- Anh ta đã nói với em như thế nào?
- Đang vòng vo đạo đức.
- Là sao? Câu hỏi ngẫm ngợi. Theo anh...Mà thôi, tình yêu không có công thức.
- Em cũng nghĩ vậy. Anh ấy chắc cũng yêu em, nhưng chưa đủ can đảm...
- Ờ, kể cũng khó thật...
Tôi thở dài. Anh nín lặng. Một lát. Anh nói với tôi lời tâm tình như nói với người em gái.
- Bản tính đàn ông tham lam. Họ vừa yêu vợ họ, vừa yêu những cô bồ và còn muốn được yêu thêm. Bảo bỏ một ai trong số những vô bô họ đứt ruột, nói chi đến bỏ vợ.
Hoàn cảnh này, lúc này với tôi mà anh nỡ thốt những lời này, thì eo ôi...Lạy Chúa, anh hoặc là tên cáo già hoặc tên đạo đức giả. Tôi lảng chuyện tỉnh queo.
- Anh yêu chị nhà lắm phải không?
- Dạo mới lấy nhau thì yêu chỉ là yêu, sau này năm tháng sống bên nhau trong cái tình đã sâu nặng cái nghĩa. Hơn nữa, người đàn ông đã ruồng rẫy được người đàn bà này thì rồi cũng sẽ ruồng rẫy được người đàn bà khác. Nếu anh được phép khuyên em...
Tôi lắc đầu.
- Đừng khuyên em gì cả.
- Anh xin lỗi.
- Cho dù anh có khuyên bảo thì em vẫn cứ làm theo ý em. Em yêu anh ấy. Mặc xác chuyện vợ con anh ấy. Mặc xác chuyện nọ này của anh ấy.
Chứng giận dỗi đột ngột nổi lên trong tôi. Anh tròn mắt vì hình như chưa thấy tôi thế bao giờ. Chẳng lẽ tôi lại huỵch toẹt ra lời rằng anh là kẻ đạo đức giả. Không tình ý với tôi thì trong đêm mưa gió thế này anh lặn lội đến nhà tôi làm gì? Đến chỉ để giao giảng đạo đức vu vơ? Mặt dữ của tôi  có làm anh hoảng, anh nhìn trời, đứng dậy cáo từ.
Tôi cầm chiếc áo mưa đưa anh. Anh thận trọng mặc áo mưa, rồi đưa tay vỗ vai tôi, cái vỗ vai người lớn ban cho con trẻ. Phải chi anh nắm tay tôi, lâu hơn cái bắt tay thường tình thì có lẽ tôi đã tha thứ cho anh tất cả. Nhưng không. Anh chậm rãi đi ra cửa. Tôi lặng nhìn theo.Mưa chưa tạnh hẳn, những hạt nhỏ vẫn lất phất nghiêng theo bóng đèn đường. Mưa Sàigòn dè đâu dai dẳng thế. Tôi đứng lặng nhìn mưa. Tâm hồn cũng mắc mưa. Chạnh một liên tưởng vô thức về người đàn bà, như cảnh báo trong truyện Mưa Sàigòn, trôi ra đường...Đời tôi cũng sẽ như thế thật sao?



/ Mời đọc tiếp 28/
Ma Trận Tình/ Tiểu thuyết Nguyễn Nguyên Bảy
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét