Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ HAI.6

 

NGUYỄN NGUYÊN BẢY 


Tiểu thuyết

GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

HAI. 6


Nhà văn tìm sự thoải mái, thân mật ngay từ giây phút đầu tiên gặp lại chị Ba, bằng những cái nháy mắt tinh nghịch, rồi anh đốt thuốc lá, ba số năm hẳn hoi, gói thuốc hôm qua tịch thu của Thương Thương, và đi thẳng vào chuyện.
- Cuộc gặp gỡ xúc động và vui vẻ chứ, chị Ba?
Hoàng Yến cười uể oải:
- Chúng tôi chưa nói được chuyện gì.
Đô hoàn toàn tin câu trả lời đó thật lòng. Bao năm xa cách. Bao nhiêu chuyện để nói. Nhưng vướng nỗi này, vướng nỗi khác.
Tôi sẽ không phải với chị, nếu như lúc này tôi có mặt để chia xớt các trạng thái tâm trạng phức tạp của chị.
Anh ta đã nói đúng, bởi anh ta là một nhà văn, và còn bởi anh ta là bạn của mình ít nhất cũng đã ba năm nay. Mình cũng đã kể cho ảnh nghe mọi chuyện. Trong tâm tưởng, ảnh cũng đã biết Lê Khôi.
- Tôi chỉ không ngờ, - Nhà văn dừng lời, như muốn tìm kiếm điều gì đó trong mắt Hoàng Yến, - Bản đề án khai thác quặng bị xem xét lại cùng lúc với câu chuyện của quá khứ. Chị Ba ạ, tôi hiểu là lòng chị đang nặng trĩu nỗi ngờ vực Lê Khôi.
Anh ấy đã gọi đích danh nỗi u ẩn của lòng mình.
- Tôi xin đặc biệt thông cảm với chị. Chúng ta chẳng có cách nào khác ngoài sự giải đáp tường tận ngờ vực ấy. – Nhà văn cười với sự thông cảm, - Bản đề án tìm thấy trong kho lưu trữ đang là mấu chốt của mọi sự ngờ vực.
- Anh cũng đã tìm hiểu chuyện đó?
- Tôi có được Viện trưởng tiếp. Nói thật chính xác thì tôi được cung cấp những tin tức đáng tin cậy về bản đề án đó. Bản đề án đã được các cơ quan hữu trách của Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt năm 1974 và được nhượng bán cho công ty khai thác Việt Mỹ. Bản đề án này khác xa với bản đề án mới được duyệt Viện giao cho chị trách nhiệm kiểm tra đề án nào thiệt, đề án nào giả, trước khi mở công trường. Chị đã thu lượm được những gì trong cuộc tìm kiếm này?
- Tôi đang cho thăm dò khảo sát đề án tìm thấy trong khu lưu trữ ở lô số 2. Những mẫu đất, đá, quặng đã được đem về Viện để phân tích. Còn khu vực số 1, thăm dò theo đề án của Lê Khôi, như anh đã biết, anh em công nhân vừa phát hiện một vỉa đá không có trong thiết kế.
- Chị định thế nào với vỉa đá ấy?
- Vỉa đá câm nín như hai bản đề án vậy. Cái khó nhất đối với tôi là cả hai bản đề án đều của cùng một tác giả Lê Khôi.
- Tôi hiểu. Chị đang phải đương đầu với một công việc cực kỳ khó khăn.
- Anh dùng chữ không đúng. Hoàng Yến chạnh nghĩ. Không có sự khó khăn nào làm cho tôi hốt hoảng cả. Nhưng cảnh ngộ của tôi lúc này vừa éo le, vừa chua chát, vừa làm tôi hốt hoảng, lại làm tôi sững sờ. Lê Khôi. Tôi phải hiểu về anh như thế nào bây giờ? Đâu là sự thật? Đâu là dối lừa? Một đề án bán linh hồn cho quỷ dữ, một đề án hiến dâng cho cách mạng. Lê Khôi, anh là ai? Tôi còn tất cả hay tôi sẽ mất tất cả? Con suối nhỏ của tôi, anh đang chảy xuôi dòng hay đã chảy ngược dòng? Trời ơi, Lê Khôi, nếu anh hiểu rằng, tám năm nay, con suối anh vẫn chảy hiền hòa trong tôi…
- Thật tiếc là tôi không có cặp mắt thần để giúp chị.
Hoàng Yến cười:
-Trong trường hợp này, có cặp mắt thần cũng phải đầu hàng thôi.
- Tại sao lại đầu hàng. Tôi sẽ nhìn thấu suốt mọi điều, từ hai bản thiết kế vô ngôn, tới vỉa đá câm nín.
- Cũng vô ích thôi. Bởi cái quan trọng là tâm hồn con người ta không có những đường nét cụ thể để mình nhìn thấy.
- Chị nhầm. Có thể chứng minh tâm hồn con người qua những việc làm của họ.
- Vâng, thưa nhà văn, nếu nhà văn muốn chứng minh điều đó, chúng ta có thể cùng ra công trường.
Đô vui vẻ.
- Chị đưa tôi qua khúc suối đầy loại hoa Thiếu nữ trong thư gửi tôi chị khoe đó.
- Hoa đó lại có tên mới rồi.
- Tại sao thay tên nhanh vậy?
- Kỹ sư Thư Loan đặt tên lại cho nó, và tôi nghĩ chị ấy có lý. Tinađicha.
- Chị nói gì vậy.
- Kỹ sư Thư Loan đặt tên cho loại hoa đó là hoa Tình người địa chất. Tên khoa học của nó là Tinađicha.
- Tuyệt. Tôi xin tới công trường với những bông hoa Tinađicha.
Cả hai cùng cười. Họ đi về phía khu vực lô số 1. Nhà văn cứ nói huyên thuyên dọc đường. Hoàng Yến gượng cười theo, nhưng trong lòng chị ngổn ngang những suy nghĩ. Nỗi buồn cứ mây mang mưa xâm chiếm dần dà lòng chị.
Một vỉa đá bình thường như trăm ngàn vỉa đá. Mình tin như thế và đã nói với tất cả như thế. Nhưng tất cả đều im lặng và họ tiến hành tìm hiểu vỉa đá theo các cách khác nhau. Việc làm của họ tố cáo rằng: Họ đang tìm mọi cách để xác minh lại tất cả. Mình đã không tiên liệu điều này, đã bỏ sót những vỉa đá không quan trọng trong bản thiết kế. Cái mình cho là không quan trọng thì bây giờ đã trở thành vô cùng quan trọng. Lê Khôi buồn bã thở dài.
“Thần thoại cổ Iran kể rằng, vũ trụ đã được sáng tạo ra từ mười hai ngàn năm trước đây. Những vị tăng nữ ở Babilon, nổi tiếng vì đã đạt được những thành tựu to lớn về văn học và thiên văn học, thì cho rằng, tuổi của Trái đất là khoảng hai triệu năm. Giải thích những luận điệu trong Thánh thư, các nhà thần học thời trung đại cũng đã nhiều lần thử tính tuổi trái đất. Khi nghiên cứu xong văn bản của Kinh thánh, đức tổng giám mục Jêrôm đã kết luận rằng: Vũ trụ được sáng tạo ra từ 3941 năm trước khi bắt đầu cách tính niên lịch hiện tại. Một đồng nghiệp của ông ta, ngài Têôphin, giám mục ở Antiốc đã tăng thời gian này lên 5.515 năm. Augustin Hạnh phúc, còn thêm vào con số 36 năm nữa. Còn Jêm Asơ , vị tổng giám mục xứ Ailen, một con người rất sính những con số chính xác, đã đưa ra giả thuyết rằng, thế giới được sáng tạo ra vào sáng sớm ngày 26 tháng mười năm 4.001 trước khi Chúa giáng sinh”. (Đồng hồ địa chất của A.Ôlêicốp. NXB Khoa học và kỹ thuật).
Đất vẫn buộc lòng phải câm nín, bởi đất không có cái lưỡi như con người.
“Năm tháng cứ trôi đi, những câu chuyện hoang đường thơ mộng của thời cổ xưa, những luận văn có tính chất biểu tượng của thời trung đại vẫn không làm sao thỏa mãn được những đòi hỏi cấp thiết của con người, chúng ta phải nhường chỗ cho những khoa học chặt chẽ cho sự phân tích vô tư, cho niềm tin ở tính vật chất của thế giới. Nhưng cũng vẫn như trước, con người tiếp tục quan tâm đến các câu hỏi: Hành tinh của chúng ta đã được thành tạo như thế nào, và những lực lượng gì đã sản sinh ra quả cầu này cùng với những núi, sông và lửa trong các tầng sâu”. (Đồng hồ địa chất của A.Ôlêicốp. NXB Khoa học và kỹ thuật).
Vỉa đá ấy không thể nói được, sẽ có gì ở trong nó và dưới nó. Nhưng thời đại bây giờ đâu phải là thời hồng hoang của khoa học. Mắt người có thể nhìn thấy những tiềm ẩn trong và sau vỉa đá ấy. Mình đã nói như vậy, và muốn chứng minh, nhưng người ta không tin ngay cả những điều giản lược ấy.
“Cũng vì không ai có thể trở về quá khứ xa xưa để tận mắt nhìn thấy sự ra đời của Trái đất nên họ đành phải hài lòng với những giả thuyết, những ức đoán, những giả thuyết có mức độ tin cậy hoặc nhiều, hoặc ít – Một con đường gian nan và thường là nhọc công, vô ích. Đó cũng tựa như người chơi cờ cố gắng từng bước tập lại các bước đi đã có thể xảy ra để dẫn đến một thế cờ đang bày sẵn trên bàn. Sẽ có biết bao nhiêu con đường như thế? Còn cần phải tích lũy thêm những kiến thức mới mẻ để bổ sung vào nguồn dự trữ khổng lồ của các sự kiện đã được bảo tồn trong kho tàng kiến thức khoa học”.
“Những ý đồ đầu tiên nhằm giải thích nguồn gốc của Trái đất đã đi vào dĩ vãng. Trong số đó có những ý đồ đã được xây dựng trên những thuyết tôn giáo, một số khác, có thể có ý nghĩa khoa học, song, đã được viết bằng thứ ngôn ngữ bóng gió, khó hiểu. Vì không thể dò đọc ra được, nên ngày nay, dường như, chúng chỉ là một mớ những câu bí ẩn”. (Sách đã dẫn).
Trái đất mãi mãi còn bí ẩn, những vỉa đá nằm trong lòng đất mãi mãi còn chứa điều bí ẩn. Vậy mà họ cứ muốn phanh phui tức thì. Thật uổng công. Họ đang làm cho chính Trái đất khinh miệt và phẫn nộ họ.
Cuối thế kỷ 18, những giả thiết khoa học đầu tiên về nguồn gốc vũ trụ mới được đề xướng. Các tác giả của chúng là nhà triết học Đức Emmanuen Kăng – và nhà toán học kiêm thiên văn học người Pháp Pie Ximông Laplax”.
“Theo giả thuyết của Laplax thì tại vị trí Hệ Mặt Trời ngày nay, xưa kia có một đám tinh vân nóng rực khổng lồ. Dưới tác dụng của quá trình nguội lạnh và sức hút lẫn nhau giữa các phần tử khi đám tinh vân này co rút lại dần dần và càng quay, nó càng có dạng bẹt ra và dẹt lại. Nhưng cũng chính quá trình này đã làm cho lực ly tâm tăng lên. Từ khối vật chất đông đặc, một vòng khí tách ra dần, sau đó, tách hẳn rồi cũng đông đặc lại thành một quả cầu và vẫn tiếp tục quay quanh tâm của đám tinh vân. Quá trình co rút của nhân đám tinh vân vẫn tiếp diễn, và từ vòng xích đạo của nó lại tách ra những vòng mới nữa, những vòng này lại đông đặc thành những hành tinh hình cầu. Tương tự như thế, các vệ tinhc ũng được tách ra từ các hành tinh. Còn phần tâm của đám tinh vân thì nén chặt lại và biến thành một vì sao cung cấp ánh sáng và nhiệt cho các hành tinh con”.
“Kăng đã nêu ra những giả thuyết của mình sớm hơn Laplax, nhưng vì ông giấu tên nên suốt một thời gian dài người ta không biết ai là tác giả của chúng. Khác với Luplax, Kăng cho rằng, không phải những chất khí nóng rực là mà những hạt vũ trụ lạnh ngắt đã kết tụ lại thành những đám tinh vân đầu tiên”.
“Hầu như suốt một thế kỷ, các giả thuyết của Kăng và Luplax là cách giải thích sự hình thành của Hệ Mặt Trời được mọi người chấp nhận. Cho mãi tới cuối thế kỷ trước mới bắt đầu xuất hiện những ý kiến bổ sung cho các giả thuyết này. Nhà bác học Mỹ Muntơn và Sembeclin đã giả thuyết rằng, thoạt đầu, Trái đất có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với hiện nay, nhưng nó to dần lên là do sự tiếp nhận thêm các thiên thạch và những cục nhỏ vật chất vũ trụ - các hành tinh tí hon”.
“Nhà vật lý học người Anh Jin lại nêu một sơ đồ khác. Theo ông, ban đầu, Mặt trời là một vì sao đơn độc. Trong khi lang thang trong khoảng bao la vũ trụ, nó gặp một ngôi sao khác. Dưới tác dụng của lực hấp dẫn, một khối lượng lớn vật chất của Mặt Trời đã bị hút về phía vì sao ấy. Nhưng vì sao vẫn cứ đi theo đường của nó, bởi vậy, tia vật chất nóng rực, khổng lồ bị đứt đoạn và khí nguội lạnh đi thì tạo nên các hành tinh”.
“Một thời gian dài giả thuyết này được coi là rất đáng tin cậy. Nhưng xác xuất để cho các vì sao có thể gặp nhau như vậy thì quá nhỏ, vả lại ngay sau đó, người ta đã phát hiện ra nhiều sai sót trong cách tính toán của Jin”. (Sách đã dẫn).
Chính vì cái bí ẩn cứ mãi còn bí ẩn ấy mà mình và cô ấy mê mệt, lăn vào tìm kiếm. Ngay cả trong những cuộc xuống đường có tính nhất thời, hai đứa cũng chỉ nói chuyện với nhau về những bí ẩn tiềm tàng trong lòng đất. Khát vọng khám phá những bí ẩn đó đã cuốn hút cuộc đời của hai đứa. Chẳng phải như vậy sao. Khi mỗi người ở một chiến tuyến khác nhau, cô ấy cũng đã tìm đến với nghề địa chất và mình cũng vậy. Trái đất bí ẩn. Những vỉa đá bí ẩn và cả cuộc sống của hai đứa cũng đầy rẫy những bí ẩn.
“Năm 1914, một bác học Nga, ông Yu Smit đã nêu lên m ột giả thuyết khác về sự thành tạo các hành tinh. Theo giả thuyết của ông, thì, Mắt Trời, khi đi qua đám mây bụi và khí, giữa các hành tinh, đã kéo theo một phần của đám mây này. Các đám bụi và khí bị hút theo này đã quay xung quanh Mặt Trời trong một mặt phẳng, chúng va chạm nhau và tích tụ lại. Các hạt nhỏ nhập lại với nhau, các hạt lớn hơn thì hút các hạt nhỏ về phía mình nên kích thước cứ tăng dần lên mãi và cứ như thế mà lớn thành các hành tinh sau này”.
“Một bác học người Nga khác, viện sĩ Phêxen-cốp đã giải thích nguồn gốc của Hệ Mặt Trời theo cách khác. Dựa vào sự giống nhau về các thành phần hóa học của Vỏ Trái Đất và khí quyển Mặt Trời, ông cho rằng. Trái Đất và các hành tinh khác hoàn toàn có thể có xuất xứ từ Mặt Trời. Có lẽ xưa kia, Mặt Trời đã quay xung quanh trục của nó nhanh hơn bây giờ nhiều lắm. Do sự quay này, mà ở phần xích đạo của nó sinh ra một mấu lồi lên và các hành tinh được tách ra từ mấu đó. Mấu lồi này, trên Mặt Trời chắc là có nhiệt độ không cao lắm. Bởi vậy, các chất khí của các hành tinh mới sinh không bị phân tán vào khoảng không vũ trụ, mà bản thân các hành tinh lại nguội đi khá nhanh, dần dần đi xa khỏi Mặt Trời và chiếm vị trí như hiện nay”. (Sách đã dẫn).
Thật sự là cuộc hành trình về nguồn Mặc sức cho con người khai quật, tìm kiếm, trái đất vẫn câm lặng, chẳng thèm thanh minh, chẳng thèm giải thích, thậm chí, chẳng thèm chấp nhận những hoang nghĩ tầm thường. Sự im lặng của Đất vẫn thúc bách con người lăn vào cuộc tìm kiếm. Khó khăn nhất là cuộc tìm kiếm chính bản thể của mình. Nguồn cội mình.
“Đã có bao nhiêu sách báo dành cho các giả thuyết về nguồn gốc của Trái Đất chứa đựng cuộc luận chiến dữ dội, những lý lẽ ủng hộ hay phản đối, những cách chứng minh sắc sảo, và cả sự phê phán nghiêm khắc. Nhưng các nhà thiên văn học, địa chất học, vật lý học, vẫn chưa có được một ý kiến thống nhất về sự thành tạo của hành tinh mà chúng ta đang sống trên đó, và cũng chưa có được một giả thuyết nào giải thích được cấu trúc của Hệ Mặt Trời một cách đầy đủ. Có thể quả quyết mà nòi rằng, vấn đề “Trái Đất được sinh ra như thế nào”, còn đang chờ đợi lời giải đáp. Để tìm ra một lời giải đáp đáng tin cậy cho câu hỏi này, còn phải trả lời bao nhiêu câu đố khác mà thiên nhiên đặt ra, trong số đó, vấn đề thời gian chiếm vị trí sẽ nổi bật. Sự hình thành các lớp của vỏ Trái Đất đã kéo dài bao nhiêu triệu hoặc bao nhiêu tỉ năm? Có thể đánh giá được thời gian diễn ra quá trình thành tạo Trái Đất với tư cách là một hành tinh được không? Đo tuổi thọ của Hệ Mặt Trời bằng đồng hồ nào? Trái Đất bao nhiêu tuổi?”. (Sách đã dẫn).
Ôi những câu hỏi hắc búa ngàn đời. Lẽ ra chỉ cần Trái Đất một lời đáp. Phải chăng chính Trái Đất giữ mãi bí mật đó, để con người hiểu rằng, sống là một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi sự sinh thành và tái tạo. Và cũng chính trong hành trình kiếm tìm này, trái yim con người mới hiểu hết các trạng thái tình cảm vốn có và chỉ có ở con người.
Vỉa đá câm nín cũng vì vậy. Trong cảnh ngộ này, nó đang cần câm nín. Bởi chỉ có như vậy thì những trái tim mới đi tìm kiếm tiếng đập chung của nhau. Mình chẳng có lý do gì để trách Hoàng Yến, dù trong thâm tâm mình hiểu rằng, không có thần tượng nào mình tôn thờ bền bỉ, lâu dài, có thể nói là mãi mãi ấy. Chính mình đã có lỗi trong việc bỏ sót những vỉa đá mà mình cho là tầm thường. Tầm thường sao được, trong khi, quãng thời gian xa cách nhau quá dài, mình chưa chứng minh cho Hoàng Yến thấy mình là con người như thế nào. Thôi được, mình chấp nhận và chờ đợi sự quyết định của Hoàng Yến trong cuộc họp ngày mai.
Hoàng Yến chấm những sợi tóc bạc vào bức hình Lê Khôi chị đang họa trước mặt. Đây là bức hình thứ tám. Chị vẽ liền sau khi gặp Lê Khôi. Lúc đó: Lê Khôi đi tới. Mặt cố làm nghiêm. Chân rối. Hoàng Yến sững sờ. Vụt đứng. Tay nắm chặt mép bàn không cho chân lao ra. Họ nhìn nhau. Cả hai cùng nén nước mắt.
Thời gian đã làm cho mái tóc mới ngày nào còn xanh mướt của anh ấy, điểm vài ba sợi bạc phong trần nơi thái dương. Sao mình thương anh ấy, mình thèm được vuốt nhẹ những sợi tóc bạc ấy đến như thế. Cô gái đi cùng với anh ấy. Kỹ sư Thư Loan. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn mình. Cái nhìn không ác ý, nhưng cái n hìn thật đàn bà. Cái nhìn của cổ đã nói tất cả những gì cổ đang theo đuổi với anh ấy. Có thể họ đã yêu nhau. Và tình yêu của họ đã chắp vào nhau như cây liền cành, chim liền cánh. Mình chịu không nổi sự làm duyên làm dáng của cô nàng trước mặt anh ấy. Khẩu hình của cô nàng lẽ ra không cần phải chúm vào nhau như chữ O. Cái mỏ nhọn. Tưởng như vậy là đẹp lắm. Còn các đuôi chữ, chẳng có lý do gì để phải kéo dài ra một cách thái quá. Cái lối quan cách, ỏn ẻn đó, chẳng thích hợp chút nào, với thời đại mới, nhất là ở hoàn cảnh một công trường ngổn ngang như thế này. Mình chỉ bất ngờ, một con người như anh ấy làm sao lại chịu đựng được thứ nhõng nhẽo quá quắt đến thế. Em xin tặng chị những bông hoa này để kỷ niệm cuộc gặp nhau. Nghe thì thơ mộng vậy đó. Nhưng hành động của cô ta đã ngược lại với ý nghĩ đẹp của mình. Lúc nào cũng bàng quang với công việc. Chỉ thích hoa, thích suối. Lẽ ra cô ta chẳng nên có mặt ở đây. Tinađicha. Cô ta đã nghĩ ra một cái tên đẹp đặt cho hoa. Tình người địa chất. Mình hiểu rồi, cô ấy là một kỹ sư hóa nghiệm, địa chất với cô ấy chỉ là một cuộc dạo chơi. Phải chi anh ấy lên đây một mình. Mình sẽ chọn lúc thuận nhất để nói những điều cần nói với anh ấy. Cho dù anh ấy không còn yêu mình đi nữa, thì giữa hai người vẫn có cái gì đó dành cho nhau. Kể ra, nếu mình hỏi thẳng bản đề án được duyệt trước năm 1975, ảnh cũng sẽ nói, và mình sẽ suy ngẫm qua những lời nói của ảnh. Đàng này, ảnh lại coi chuyến đi công trường như một cuộc đi dạo với tình yêu. Ảnh phô diễn tình yêu ngay trước mặt mình. Quá lời chăng? Ảnh đã phô diễn những gì nhỉ?
Hoàng Yến ngắm những sợi tóc bạc do tay mình tạo ra trên bức hình mới vẽ Lê Khôi. Anh ấy thay đổi nhanh quá. Hèn chi mình chẳng già. Hoàng Yến lật nhanh xấp hình do chính tay chị vẽ. Bức đầu tiên vẽ sau lần chia tay cuối cùng. Chị trải hai tấm lên bàn, sát cạnh nhau.
Tám năm, tám bức hình. Câu chuyện sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Anh đã khắc vào tim em những dòng chữ đầu đời. Lúc nào nhớ về anh tim em lại đọc. Nỗi nhớ vì thế cũng nguôi ngoai.
“…Em đã bắt đầu từ bao giờ ư? Em bắt đầu từ những đêm không ngủ. Đêm không dán hình, đêm chỉ một mầu đen. Mỗi bước em đi, chân nặng trĩu đè lên. Trái tim đập những nhịp thầm khắc khoải”.
“Em nghĩ về con đường mòn theo tuổi. Dinh Độc Lập lù lù như một tháp chuông. Tiếng độc lập nhịp hai đều đặn nhịp hai buông. Vọng vào lòng qua năm tháng. Hỡi bí mật sau tường cao, cổng kín. Chó giống Nhật lông xù, chó giống Mỹ lênh khênh. Huân chương rủ đầy trên cổ nặng còng lênh. Mỗi tấm huân chương một mạng người chưa kịp sống. Xứ sở của ta ơi, hỡi bầu trời cao rộng. Tiếng độc lập nhịp hai đều đặn nhịp hai buông”.
“Em nghĩ bao đêm từ một cái tên phường. Phố Catina đổi thành đường Tự Do như xứ sở này đổi chủ. Quán Maxim’s, quán Maxim’s cuối phố. Tuýp nê ông xanh đỏ báo Lif. Mỗi bước em đi phập phồng nhịp thở tự do. Tự do cánh chim, tự do lá gió. Sen mọc trên bùn vươn thơm từng bông nhỏ. Từng bông nhỏ vươn thơm, từng bông nhỏ bị nhấn bùn. Mẹ em đây thảm thương. Đường Tự Do dần trắng trong vào lối nhục”.
“Với trời cao hỏi vầng mây loạn lạc. Hỏi vầng trăng khêu gợi cành hoa quỳnh. Hỏi phố phường đang rạo rực nhạc xuynh. Dân tộc ở đâu? Sàigòn ở đâu? Xin hỏi dùm lòng em đau khổ? Em là bông sen nhỏ. Biết trôi về đâu?”.
“Em bắt đầu từ những đêm không ngủ chuỗi vào nhau. Chuỗi vào lòng thao thức. Chuỗi vào hồn tỉnh giấc. Đến sáng nay bật dậy xuống đường. Cả Sàigòn chuyển động một biển sen. Em bông sen. Bạn, bạn – bông sen. Nhập vào thanh niên sinh viên. Nhập vào. Mặt quê hương như buổi sáng lao cao. Mặt xứ sở như bàn tay gọi vẫy. Em đi…”.
Anh đã như thế. Tám năm rồi anh là ai?
Em có thể mường tượng được những đổi thay qua vóc dáng con người anh. Những bộ óc và con tim của anh em không sao mường tượng nổi.
Anh ấy vẫn chưa lấy ai.
Một người bạn đã nói với em như thế. Ai nhỉ? Họa sĩ Bá. Em đã không hỏi gì thêm. Vì quan hệ giữa hai đứa mình đâu phải nhiều người đã biết. Nhưng điều thông báo của người bạn, giản đơn là vậy, mà cứ sâu xoáy lòng em. Rất có thể anh đã chờ đợi. Anh đã thế như thế. Con suối còn đó. Trái tim còn đó. Em chờ đợi được anh thì lẽ nào anh lại không chờ đợi được em?
Có người con gái nào đã nằm trong vòng tay anh? Đừng nghĩ em ghen, phải cho em tưởng tượng chứ. Nếu có, em cũng không buồn đâu. Anh là con người. Lại là đàn ông. Anh có những đòi hỏi thuộc về đàn ông.
Có khi nào anh nghĩ là em đã một phút quên anh? Có đấy. Không phải một phút mà liền nhiều nhiều phút. Dạo ấy em ra miền Bắc, trị bệnh ở bệnh viện E. Một bác sĩ. Anh ấy tên Hùng. Ảnh đã chăm sóc em như chăm sóc một người em gái. Ngày nào ảnh cũng tới với em. Bàn tay ảnh bắt mạch tay em hàng ngày. Lúc đầu là chuyện thường thôi. Nhưng rồi, cả hai bàn tay, bác sĩ và bệnh nhân đều cứ nóng lên dần theo ngày tháng. Tới khi em ra viện, ảnh đã đột ngột hỏi em lời yêu thương. Thực lòng mà nói, đêm trăng ấy, Hồ Tây em đã tựa đầu vào vai anh ấy. Anh ấy đã hôn em. Nhưng rồi em lại nói chuyện với anh ấy về anh. Anh ấy vẫn hôn em, muốn cuốn dứt em ra khỏi anh. Nhưng em vẫn nói về anh. Em đã khước từ anh ấy. Đừng giận là giữa em và anh ấy đã trao cho nhau những cái hôn. Một người anh trai hôn một người em gái, anh ạ. Em đã nói với anh ấy rằng, em không thể sống thiếu anh. Nếu như, sau này không gặp lại anh, hoặc vì một lý do gì đó mối tình chết hẳn, thì em cũng sẽ ở một mình. Tình yêu của em khi đó sẽ dành trọn cho khoa học. Em thấy anh cười.
Nỗi nhớ làm cho con người ta khổ sở biết chừng nào, em phải tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện. Kể cả chuyện, nếu em nói ra chắc hẳn anh sẽ cười, anh bồng em trên đôi tay rắn chắc và đu đưa em trong một điệu van, rồi hai đứa ngã xuống giường. Thường những giấc mơ đó ngắn lắm, tiếng gà gáy ran hoặc có ai đó đột ngột gọi cửa…
Anh bảo: Vỉa đá đó bình thường như muôn ngàn vỉa đá. Anhn ghĩ là em phản đối điều đó sao? Anh lại bảo: Vỉa đá đó là sự câm nín. Đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng nếu anh nói thêm rằng: Vỉa đá đó là sự câm nín của hai tâm hồn chúng ta, thì sự thật sẽ còn trần trụi hơn.
Em đã đọc thấy ý nghĩ đó trong mắt người bạn gái của anh. Cô là gì với anh vậy? Cô đã nhìn anh bằng cặp mắt của những người yêu nhau, nhìn nhau.
Anh nói về sự câm nín của Đá. Đất và Đá câm nín vì thế mới phải có những người địa chất chúng ta. Tới một ngày nào đó, khoa học sẽ xác minh được tuổi của Đất và Đá. Tìm được quy luật ngôn ngữ của đất đá. Nhưng quy luật ngôn ngữ của trái tim thì mãi mãi vẫn là bí ẩn. Trong cuộc đấu tranh khốc liệt với thời cổ hủ, loài người đã nhận thức được những quy luật của mối quan hệ qua lại giữa cơ thể sống và môi trường xung quanh. Những thắng lợi học thuyết về chọn lọc tự nhiên, về tính di truyền và về sự tiến hóa của thế giới động vật và thực vật đã phải trả giá bằng máu và nước mắt. Có lẽ chúng ta cũng phải trả cái giá đắt đó cho vỉa đá nói lên sự thật.
Mìn bắn đá. Anh nhắc em điều sơ đẳng của người địa chất mở vỉa khai thác. Em cũng muốn bắn mìn ngay vỉa đá câm nín kia đi. Nhưng em không đủ can đảm. Nếu dưới đó không phải là quặng thì anh sẽ là ai? Anh sẽ là ai? Nỗi sợ đang thét lên trong lòng em câu hỏi đó.
Khi nghe anh nói tới mìn, cô kỹ sư, để tự em nhớ tên cô ấy coi, phải rồi, Thư Loan, kỹ sư Thư Loan. Cô ấy lại cười và mắt nhìn đi đâu xa lắm. Một cái nhìn không bình thường nơi cô ấy. Cái nhìn cao ngạo và thách thức. Đúng, khoa học cần phải chứng minh. Cô ấy muốn chứng minh cái gì? Cô ấy đâu biết rằng, em đang đau đớn vô cùng khi phải làm cái việc chứng minh con người anh. Anh không còn là anh của cái thuở đi trường, thì em sẽ như thế nào, sự sụp đổ tan tành bức tượng đài anh trong trái tim em. Vì thế em đâu dễ dàng đặt mìn vào đó. Mìn nổ, trái tim cũng sẽ tan vỡ theo cùng với sự thật hiện hình sau vỉa đá. Và cô ấy sẽ hoàn toàn là người thắng cuộc. Em tồi tệ quá phải không anh? Nghĩ về một người chưa quen những ý nghĩ đau đắng ấy, quả thật là tồi bại. Nhưng nụ cười của cô ấy, nửa miệng, cứ như mũi kim nhọn đâm xiên vào tim em.
Tiếng gõ cửa.
Chẳng lẽ anh ấy tới? Xin lỗi, chờ một phút. Hoàng Yến thu gom rất nhanh những tấm hình đang bày trên bàn bỏ vội vào ô kéo. Tôi ra ngay đây. Chị quơ rất vội mái tóc. Mím hai làn môi gọi máu chạy lên.
Cửa mở. Không phải anh ấy. Nhà văn.
- Tôi có làm phiền chị không, chị Ba?
- Mời anh vô chơi.
- Đi ngang qua, thấy đèn trong phòng chị còn sáng.
- Đêm rừng buồn lắm phải không anh?
- Trái lại. Với tôi những đêm như thế này, thật thú vị.
- Những người bạn của anh đã đi ngủ rồi chứ?
- Có lẽ. Chúng tôi cũng vừa mới chia tay nhau. Nhưng chắc họ cũng chẳng ngủ được đâu. Cái vỉa đá quái ác.
- Họ băn khoăn về vỉa đá?
- Họ băn khoăn về chị thì đúng hơn.
- Tại sao?
- Chị đã khước từ việc bắn mìn.
- Không phải khước từ, mà tôi muốn chờ những xét nghiệm ở lô số 2.
- Sao vậy?
Nếu những kết quả xét nghiệm ở lô số 2 bảo đảm cho những căn cứ của bản đề án thiết kế tìm thấy trong kho lưu trữ, thì việc bắn mìn vỉa đá tìm thấy ở lô số 1 không còn cần thiết nữa. Cần phải tiết kiệm thuốc nổ.
Nhà văn cười.
-Không phải vấn đề tiết kiệm thuốc nổ, mà vấn đề là chị không đủ can đảm đối đầu với một thực tế có hai kết quả. Phía dưới vỉa đá có hoặc không có quặng…
Hoàng Yến im lặng. Anh ấy đã nói đúng.
- Anh Lê Khôi có nỗi băn khoăn đơn giản hơn chị. Anh ấy chỉ thắc mắc, tại sao chị lại không chịu đặt mìn bắn đá. Còn chị, nỗi băn khoăn của chị sâu nặng hơn nhiều. Tôi biết chị nhiều hơn biết Lê Khôi, tôi đọc được sự dày vò trong tim chị.
- Anh Đô, xin anh đừngnói nữa.
Cả hai im lặng kéo dài.
Mình sẽ bất lực trước tâm trạng phức tạp của chị ấy. Một tâm trạng rất con người. Với lôgích nội tâm, thì có thể nói rằng, chị ấy nên tin Khôi. Anh ta là một nhà khoa học chân chính. Lời nói và hành động của anh ta toát ra điều ấy. Nhưng về lôgích hình thức, thì rõ ràng là không nên vội. Anh ta đã đi du học ở Mỹ, đã từng thiết kế khu khai thác quặng để phục vụ cho công ty Việt Mỹ. Và anh ấy lại chưa hề nói một lời về bản đề án đầy nghi vấn đó của mình…
- Anh Đô, kỹ sư Thư Loan nghĩ sao về vấn đề này?
- Cô ấy có vẻ bất mãn.
- Với quyết định của tôi?
- Bất mãn cả với cái mà cô ấy gọi là sự yếu mềm, nhu nhược của Lê Khôi.
- Có nghĩa là cổ có uy quyền với Lê Khôi.
- Cô ấy cho như vậy.
- Đô đang chờ câu hỏi tò mò của Hoàng Yến đặt ra với anh về đôi trai gái này. Nhưng Hoàng Yến đã không đặt câu hỏi đó. Dù trong lòng chị thực sự muốn biết điều đó. Đô không muốn hành hạ thần kinh Hoàng Yến lâu thêm.
- Cô kỹ sư này theo đuổi Lê Khôi cũng đã lâu, nhưng hình như họ chưa sáp được với nhau.
Hoàng Yến cười. Nụ cười của chị không nói lên một ý nghĩa cụ thể cả.
- Tôi cho rằng chẳng đời nào cô ta cua được chàng tiến sĩ đâu. Chàng tiến sĩ có một cái gì đó câm nín và vững chãi như chính vỉa đá.
- Sao anh lại ví von như vậy. Vỉa đá sẽ bị nổ tung khi ta đặt mìn vào đó
- Tôi hiểu, tôi ví von không chính xác. – Đô cười, - Anh chàng không phải con người dễ bập vào bất kỳ tình yêu nào. Trong ảnh cô chất lý tưởng của tình yêu.
- Cái gì? – Hoàng Yến hơi nheo mắt hỏi lại, - Lý tưởng của tình yêu?
- Chẳng lẽ tôi lại dùng từ sai? Tình yêu mà không có sự kén chọn, sự tìm kiếm cái gì đó cho riêng mình, thì…
Hoàng Yến cười phá lên.
- Thôi, ngài chuyên gia ái tình ơi… Về chuyện này không có định nghĩa nào chính xác.
Đô gật đầu, trịnh trọng.
-Chị hoàn toàn đúng. Trong thâm tâm, tôi hoàn toàn tin rằng giữa chị với Lê Khôi đang là khúc thăm dò cho sự nhập lại mốt khối tình, nhưng bằng cách nào để chứng minh bằng ngôn ngữ điều đó, thì tôi đang bất lực…
Hoàng Yến cười. Chị đứng dậy, đi lại phía bàn, mở hộc bàn lấy ra tập tranh chị vẽ Lê Khôi. Chị đưa cho Đô bức mới nhất.
- Anh coi xem có giống ảnh không?
Đô đón tập hình. Mắt anh sáng trưng, anh nói như reo.
- Tuyệt thật. Y chang Lê Khôi của ngày hôm nay.
Anh lặng đi trong cảm xúc. Chị cũng vậy. Chị nhìn theo tay anh đang lật giở từng tờ họa. Và chị như nghe thấy tiếng nói của anh vang ra từ mỗi nhịp đập của trái tim.
“Tám bức hình của tám năm xa nhau. Tám khoảng cách thời gian. Cái thứ nhất, anh ấy ngây thơ quá, đúng là một cậu học trò. Cái thứ hai, năm tháng đã già dặn hơn trong ánh mắt. Có phải chị ấy đã gửi vào đây nỗi lo âu và niềm thương nhớ? Cái thứ tư đã hiện nhiều vết nhăn nơi vết sẹo đuôimắt trái… Cái thứ bảy, tóc như mềm hơn…”.
Hoàng Yến lẳng lặng quay nhìn chỗ khác. Chị không muốn nghe tiếp những tiếng nói của trái tim người xem tranh. Chị biết rằng, nếu nghe thêm nữa, chắc chị sẽ khóc òa lên mất. Tội nghiệp. Mình đã sa chân vào một tình yêu quá lún, để không thể nhấc chân lên được nữa.
- Tuyệt thật, y chang Lê Khôi của ngày hôm nay.
Đô bất chợt lặp lại câu nói khi nãy, khi trên tay anh lại hiện lên bức chân dung thứ tám Hoàng Yến mới vẽ về Lê Khôi.
Chị Hoàng Yến ạ, tôi nói thật đấy, chị đã tưởng tượng không lầm cả những phần sâu kín trong linh hồn anh ấy.
- Tôi cũng hy vọng như thế…
Giấc ngủ của chị trằn trọc, chập chờn. Chị đối thoại với Lê Khôi trên đủ mọi bình diện. Hiển nhiên là chỉ trong mơ. Đã có lúc hai người nắm chặt tay nhau. Sáp vào nhau. Nhưng khi Lê Khôi hỏi chị: Ngày mai em sẽ quyết định cho bắn mìn chứ? Thì chị lại buông tay anh ra. Và cái lắc đầu lặng đắng. Sao vậy? Chị muốn nói với anh là chị rất sốt ruột vì những kết quả cần phải được xác định ở lô số 2 theo bản đề án bán mình cho quỷ dữ của anh. Anh đùng đùng phun lửa vào mặt chị. Rồi bỏ đi. Chị tỉnh dậy. Biết làm sao được. Dù sao cũng chưa thể bắn mìn. Anh ấy sẽ giận mình, nhưng rồi anh ấy sẽ hiểu mình, mình làm tất cả những điều đó là vì mình rất yêu anh ấy.

/ Mời đọc tiếp Ba. 1/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét