Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Ba.1


NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyềt
GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)


Ba. 1


Cô ấy đang hát. Nhà văn đi thật nhẹ chân tiến gần về phía tiếng hát. Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi…
Lúc này mà cô ấy còn thản nhiên ngồi bên dòng suối. Mà hát. Một bó hoa dại trong tay. Cô ấy xa lạ với tất cả. Dửng dưng với tất cả. Chẳng lẽ trong cuộc đời này lại có những con người vô tâm đến thế này sao? Lê Khôi đang hoang loạn về bản đề án. Hoàng Yến cũng đang vật vã, đau khổ. Tiếc là tôi chỉ vừa mới biết cô ta, chứ nếu là tình bạn, thì tôi đã chạy thẳng tới cô mà hỏi: Tại sao, tại sao cô lại đứng ngoài cuộc đời? Thú thực lần đầu tiên gặp cổ, mình biết bao cảm tình. Cổ trong sáng ngay cả trong giọng nói, tiếng cười. Vậy mà bây giờ, chính giọng nói, tiếng cười ấy cũng trở nên xa lạ.
Tiếng hát nho nhỏ vọng lại. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài…
Chẳng lẽ cái đẹp chỉ là cái để tư duy? Chỉ là cái xuất hiện trong tưởng tượng? Còn cuộc đời thật thì luôn luôn phũ phàng?
Vẫn tiếng hát: Mặt trời nào soi sáng tim tôi. Để tình yêu xay mòn thành đá cuội. Tiếng hát chợt lặng tắt. Thư Loan quay người lại trong tư thế hái với một bông hoa, cô thấy nhà văn. Nụ cười và sự chủ động.
- Chào nhà văn. Anh đang suy tư gì mà trầm ngâm vậy? Em xin tặng nhà văn những bông hoa dại tuyệt vời này.
Cô đứng dậy, rất duyên dáng trao những bông hoa dại vào tay Đô. Nhà văn đỡ những bông hoa, kiểu cách không kém.
- Cảm ơn cô. Cô dành cho tôi hạnh phúc quá bất ngờ.
- Anh đã biết tên loài hoa này chưa?
- Tôi nghe nói cô đã đặt tên cho nó.
- Anh chị em ở đây đặt tên cho nó cái tên hơi chung chung. Hoa thiếu nữ. Thiếu nữ nghĩa là thế nào? Nếu thiếu nữ mà hoang dại, mà mỏng manh chỉ có sắc rực rỡ và không có hương thơm như thế này thì đó là thiếu nữ gì. Mà cho dù loại hoa dại này có hương thơm đi nữa, thì cũng không nên đặt cho nó cái tên Thiếu nữ. Em là một thiếu nữ, em không chịu vậy. Em đặt cho hoa tên Tình người địa chất. Tên khoa học của nó là Tinađicha.
- Cô đúng là nhà sưu tầm thực vật.
- Không hẳn thế. Em là kỹ sư hóa nghiệm. Em ưa sưu tầm mọi thứ trên đời này, để phân tích và tìm ra bản chất. Đất, đá, quặng là những sưu tầm thú vị nhất của em.
- Quặng mà chúng ta sắp khai thác có nằm trong danh mục những sưu tầm khoa học của cô?
- Có chứ. Nói thật chính xác thì đã hơn ba năm nay, và một chút thời gian trước năm 1975, loại quặng này em đã để tâm nghiên cứu.
- Cô không đùa đấy chứ?
- Sao em lại đùa?
- Hành động của cô đã tố cáo là cô nói đùa. Trong khi mọi người đang đau đầu về một vỉa đá, mọi người đang cân nhắc tính toán việc mở công trường, thì cô lại ra đây để hái hoa, ngắm suối.
Thư Loan bị sốc. Cô lại nhoài người về phía những bông hoa dại, ngắt những cái nụ thiệt to, loại nụ chỉ chừng đến trưa là nở bông. Cô nắm đầy một chét tay. Miệng cô lại khe khẽ hát. Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi.
Mình đã xúc phạm cô ấy chăng? Thà như vậy. Mình không sao chịu nổi những típ người cứ đứng vẩn vơ ngoài cuộc đời mà than van cho số phận.
- Anh phiền trách về việc em ra đây hái hoa, ngắm suối, trong khi mọi người đang đau đầu vì một vỉa đá. Em hỏi thiệt nhé, tại sao anh cũng ra đây?
- Tôi…
- Ở đây chỉ có hoa và suối và em. Nếu anh ra đây không phải vì hoa và suối, thì vì em? Anh là nhà văn, anh tự cho mình nhiều quyền lắm.
- Không, cô đừng nghĩ xấu về tôi.
Thư Loan cười ròn. Tiếng cười của cô hơi già. Nhưng không sao, tự thân những âm thanh cười làm cho không khí bớt căng cứng nặng nề.
-Nhà văn ạ, em chỉ là một kỹ sư hóa nghiệm, em không thể bằng cái nhìn cảm tính mà phân tích được tất cả các thành phần hóa học trong một chất, huống hồ đây là một vỉa đá. – Giọng cô bỗng lạc hẳn đi, cô nói như một người trả bài, cô nói về việc xác định tuổi của các tầng đá cổ. Đô tuyệt nhiên không dám ngắt lời cô, mặc dù chuyện cô đang nói chẳng có liên quan gì tới trạng thái tình cảm của cả hai người trong lúc này. Cô vẫn cứ thao thao. – Người ta đã xác định tuổ của các tầng đá cổ nhất bằng các phương pháp khác nhau. Hàng ngàn mẫu đá từ mọi miền trên Trái Đất được đem phân tích. Các nhà nghiên cứu đã lấy các khoáng vật muôn mầu, muôn vẻ để làm tài liệu xuất phát, họ đã nghiên cứu hàm lượng của các đồng vị phóng xạ trong hàng chục biến thể đá. Nhưng, những kết quả thu lượm được lại hết sức khác nhau. Gộp tất cả những số liệu thu thập được trong vòng mấy chục năm gần đây, có thể khẳng định một cách khá chắc chắn rằng, tuổi của các đá cổ nhất của thạch quyển là khoảng từ 3.200 đến 3.500 triệu năm…
Chẳng  biết vì sao, Đô ho rúc lên.
Thư Loan bật cười khanh khách.
- Anh thấy chưa, em chỉ mới tra tấn anh có vài phút thôi đấy. Anh sẽ mắc bệnh ngay, nếu em kể tiếp cho anh nghe, người ta đã làm gì với các tầng đá cổ. – Giọng cô bỗng nghiêm trở lại, - Anh cũng như em, tới đây không phải vì chuyện vỉa đá. Chúng ta tới đây vì cái khác. Em không muốn nói tới những trang sách của anh đâu.
- Là sao?
- Nếu chỉ vì những trang sách thì anh đã có thể ngồi nhà mà ôm máy chữ. Em biết là anh thừa khả năng. Nhưng anh đã tới đây, bởi anh quan tâm đến những thứ khác. – Một lát. – Anh quan tâm đến những biến động tâm hồn của những con người ở hai đầu của cuộc chiến tranh, nay đang sáp lại nhau.
Đô giật mình, vì Thu Loan đã nói thẳng ra điều sâu kín nhất mà anh đang đeo đuổi và ấp ủ. Nhưng Đô không chịu quỵ trước những lập luận ấy, anh muốn ương ngạnh thêm, để từ trong lòng cô gái chảy ra thêm những điều mà anh chưa hiểu và chưa thông cảm với cô.
- Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy cô xa lạ với công trường này quá.
- Có lẽ thế…
Đô hơi cao giọng.
- Tại sao lại có lẽ.
- Thưa nhà văn, em thích người ta nói với em nhẹ nhàng hơn, - Cô cúi xuống hái những bông hoa và lại khe khẽ hát. Hình như ngoài bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn, cô không thuộc bài nào khác. Cô lại đưa một chét tay đầy những bông hoa Tinađicha cho Đô.
- Cảm ơn cô. Thực lòng tôi không hiểu nổi cô.
Thư Loan mỉm cười.
- Con người em phức tạp đến thế sao? Mà cũng phải. Dù sao chúng ta cũng mới biết nhau. Là nhà văn có khi nào người ta nói dối không anh? Em xin lỗi, nếu vì câu hỏi đó có làm anh buồn. Anh là một nhà văn cách mạng, còn em là một cô gái Sàigòn, một trí thức trong chế độ cũ. Chúng ta có thể đi tới thông cảm và tin nhau được không anh?
- Được lắm chứ. – Câu trả lời trơn tuột, theo thói quen, không hàm xúc những suy ngẫm trong đó.
- Chuyện đó chừng như cũng khó. Anh có biết thần tượng của em về lòng yêu Nước và yêu khoa học là ai không? Lê Khôi đó. Vậy mà bây giờ, chính thần tượng đó cũng bị nghi ngờ. Vậy thì em, em phải chứng minh như thế nào để anh tin? Em không thể làm việc trong ngờ vực, em không thể…
- Tôi chưa hiểu ý cô.
- Từ lâu em cứ nghĩ rằng, anh Khôi đã chinh phục được lòng tin ở tất cả mọi người. Nhưng bây giờ thì em đã hiểu. Em hoang mang với chính mình. – Cô đưa mắt nhìn dòng suối đang chảy vô tư trước mặt. – Anh nhà văn ạ, vỉa đá cũng như con suối kia thôi. Chúng nói bằng ngôn ngữ riêng của chúng, chỉ tiếc là chúng không nghe được thứ ngôn ngữ đó.
Đô cảm thấy không chạy đuổi kịp với tư duy của cô gái. Những suy tưởng của cô lan man, những tựu trung vẫn đứng vững chãi trên cái nền móng của những mặc cảm, lo lắng, nghi ngờ. Đô cố đưa vấn đề trở lại với thực tại, và từ thực tại đó nói những điều mình định nói.
- Tôi chỉ muốn cô thật vô tư. Khoa học cần phải chứng minh khi cần thiết. Đề án của Lê Khôi cần xem xét lại, chỉ có nghĩa là làm cho nó tốt hơn. Tuyệt nhiên vấn đề đó không liên quan tới việc nghi ngờ lòng yêu Nước, yêu khoa học của Lê Khôi.
- Anh đủ lòng tin Lê Khôi chứ?
- Ba năm nay, tôi đã nghe nhiều người kể về Khôi, tọi rất có cảm tình.
- Cảm tình đẹp?
- Rất đẹp.
- Những cảm tình đâu phải là lòng tin.
- Tôi tin Khôi.
- Thì cứ cho là anh tin Lê Khôi, nhưng những người khác, mà chức quyền lại vô cùng quan trọng đối với cuộc đời khoa học của Lê Khôi, lại chưa đủ lòng tin với ảnh.
- Đó chỉ là mặc cảm.
- Mặc cảm, - Cười, - Trước đây, ở Viện, mọi người tin, nói theo lý thuyết, bây giờ manh nha nghi ngờ, nói theo thực nghiệm. Còn ở đây, trên chính công trường này, sự nghi ngờ đang bao trùm.
- Tại sao lại nghi ngờ bao trùm?
- Đề án khai thác của Lê Khôi đã được phê duyệt trên những căn cứ khoa học. Nay chỉ vì lý do gì đó, chừng như là lý do chính trị, người ta yêu cầu xem xét lại đề án.
- Là một kỹ sư hẳn Loan biết công tác quản lý kinh tế phải thận trọng như thế nào. Đề án khai thác của Lê Khôi liên quan đến những khâu kinh tế cần tính toán lại.
- Tại sao không tính toán trước khi phê chuẩn đề án? Đã có những chứng cớ khoa học nào về những sai lầm trong đề án của Lê Khôi?
- Thư Loan nên đem những câu hỏi này chất vấn chị Ba chỉ huy trưởng công trường.
- Không dễ gì giãi bày khi người ta không còn lòng tin. Lúc này trong lòng chị ta đầy ắp những nghi ngờ. Không chỉ với đề án của Lê Khôi, mà ngay cả với con người anh ấy.
- Vì sao cô cứ một mực khẳng định như thế?
- Anh đã biết cả rồi, cần gì phải hỏi.
Máu đàn bà. Về điều này, mình chưa thể lường trước được. Không thể có tình yêu tay ba. Hoàng Yến cũng vì những vảng vất của gương mặt cô gái này mà cái nhìn đã có màu u tối. Cô gái này cũng vậy. Thật khó có sự vô tư, khi trước mặt cổ hiện ra dáng nét nụ cười Hoàng Yến. Trong cuốn tiểu thuyết, viết tới đoạn này mình sẽ bỏ lửng. Nhà văn thầm nghĩ. Nhưng dù sao cũng cứ kéo nhân vật ra khỏi chỗ đất bùn, may ra, biết đâu đây, trên khúc đường sạch sẽ họ sẽ nghĩ lại về cuộc hành trình.
- Tôi hoàn toàn thông cảm với cảnh ngộ của Thư Loan, tôi mong Thư Loan xử sự mọi chuyện thật vô tư.
Thư Loan cười.
- Tôi biết Lê Khôi đeo đuổimối tình với Hoàng Yến từ tám năm nay. Còn tôi, thú thực, tôi cũng có nhiều cảm tình với anh ấy, tôi cũng muốn kéo anh ấy về phái mình, nhưng tình yêu không phải là một vật thể mua bán, đổi chác. Tình yêu tự thân có quy luật rơi, nói theo khoa học duy vật. Còn theo khoa học duy tâm thì có cái duyên, cái số. Anh ấy chưa khi nào tỏ ra yêu tôi cả. Tôi hằng cầu mong cho anh ấy hạnh phúc. Nhưng phải là hạnh phúc thực sự. Một con người như anh ấy, không có gì để phải ngờ vực. Lòng anh ấy trong sạch, thánh thiện. Nhưng tôi đã đổ vỡ trước sự thực. Chị Ba, người mà anh ấy tôn thờ trong tình yêu, lại chính là người ngờ vực anh ấy nhất. Tôi buồn nhiều lắm, anh Đô ạ. Rất buồn. Từ sự ngờ vực, chị Ba đã tiến hành cho thăm dò quặng theo một bản đề án khác. Công việc trên lô số 2 đã triển khai. Chắc anh thông cảm với những kẻ vỡ mộng chứ? Tôi muốn bỏ tất cả, để trở thành một cô gái đứng chợ trời, chứ bắt bướm hái hoa như thế này thì còn là một hành vi yêu đời quá.
Đô bị ngợp trong những ý nghĩ rất thực của Thư Loan. Anh bỗng liên tưởng tới Thương Thương. Cô ấy đã không nói với anh những lời cụ thể đau đắngnhư thế này. Nhưng cô ấy cũng ắp đầy một tâm sự. Cô ấy hút ba số năm. Cô ấy nằm dài trên ghế với những truyện tình cũ kỹ của Túy Hồng, Mai Thảo. Cô ấy cởi bộ quần áo dược sĩ, choàng lên người bộ quần áo lòe loẹt chợ trời. Cô ấy cười đầy bất mãn, nhưng nghe trong tiếng cười ấy những âm thanh trầm nức nở. Cô ấy muốn buông thả cuộc đời mình để tìm kiếm những cảm xúc mạnh. Nhưng cô ấy lại ao ước níu kéo lấy một sợi tin mong manh trên biển đời sóng gió, để cô bơi vào bờ. Mình không có quyền lừa dối cô. Bởi mình chính là sợi mong manh đó. Yêu hoặc không yêu, chọn lấy một trả lời. Thương Thương, chiều nay, anh sẽ viết thư về em. Cảm xúc thật trong anh lúc này, là nỗi nhớ…
- Tôi thật sự thông cảm với cảnh ngộ của Lê Khôi và Thư Loan, và… - Đô lúng búng trong cảm xúc, - Cả Hoàng Yến nữa, cảnh ngộ của chị ấy…
- Kìa, sao anh lại bối rối. Trong chuyện này chính anh là người ngoài cuộc cơ mà.
- Nhưng tôi, tôi yêu mến tất cả các bạn.
- Xin hãy loại trừ tôi. Tôi biết là anh yêu mến cả Lê Khôi và Hoàng Yến. Nhưng quan hệ của họ lại là chuyện khác phải không anh.
- Tôi đồng ý với Loan tất cả, nhưng tôi thành thực đề nghị với Loan… xin Loan đừngn ói cho Lê Khôi biết những điều đó.
- Anh Đô, anh nói vậy là xúc phạm tôi. – Một lát, - Anh tưởng tôi sẽ là người bạn tồi trong cuộc tình tay ba này chứ gì? – Chợt Thư Loan reo lên. – Ô, anh Khôi. – Cô chạy vụt về phía trước mặt Khôi đang thẫn thờ đi tới.
Thật tội nghiệp. Đô khẽ thở dài. Nỗi thất vọng như một trái núi đè xuống bờ vai gầy. Lưng anh ấy như còng xuống và những đám mây đen phủ đầy gương mặt.
Thư Loan chạy lại, ôm choàng lấy Khôi. Khôi tựa đầu vào vài Thư Loan, loạng choạng bước thấp, bước cao. Họ nói chuyện với nhau như là vừa rớt từ trời xuống, mơ màng, chẳng ăn nhập vào nỗi đau khổ và thất vọng của họ.
Lê Khôi: Có tiếng suối chảy phải không em?
Thư Loan: Dạ, suối và gió…
Lê Khôi: Em đã đặt tên cho con suối này chưa?
Thư Loan: Suối Thiếu nữ.
Lê Khôi: Hay, Thiếu nữ. Nhưng phải là Thiếu nữ trong trắng.
Thư Loan: Đã thiếu nữ thì nhất định phải trong trắng.
Lê Khôi: Như em, đúng không? (Lê Khôi hôn phớt lên má Thư Loan)
Thư Loan: Kìa anh, có nhà văn…
Cả hai săm săm bước lại phía Đô. Lê Khôi vẫn trong tâm trạng chếnh choáng của người say.
Chào nhà văn. Cuốn tiểu thuyết của anh đã viết tới đoạn nào rồi nhỉ? Đã tới đoạn em gái tôi thắc thỏm chờ anh chưa? Anh đã hẹn cuội nó. Như thế không tốt. Nó là một thiếu nữ trong trắng, đừng làm nó buồn khổ vì những hẹn hò. Tôi nghĩ, có lẽ nó đã yêu anh.
Đô thực sự bất ngờ vì những câu nói huỵch toẹt của Lê Khôi. Nhưng Đô còn đủ bản lĩnh để lái hẳn câu chuyện đi hướng của mình.
- Bình tĩnh lại đi anh Khôi, - Đô vừa nói, đứng dậy, kéo tay Lê Khôi ngồi xuống tảng đá.
- Tôi bình tĩnh lắm. Em gái tôi nó yêu anh đấy. Tâm hồn nó mới đáng kiêu hãnh làm sao. Nó chờ anh phôn lại, cứ thấp tha thấp thỏm, có lẽ suốt đêm ấy nó trằn trọc. Sáng hôm sau tôi đi, nó đã không dậy để tiễn chân.
Đô định nói cho Lê Khôi biết là hôm sau anh đã phôn cho Thu Thủy và cổ đã trả lời như thế nào. Nhưng anh đã kịp nén lại. Tung ra một chi tiết, lập tức sẽ phải đuổi theo giải thích chi tiết đó cho tới thỏa đáng. Tốt hơn hết là lướt qua.
- Anh vừa ở chỗ vỉa đá về?
- Anh đừng nhắc tới chuyện đó, tôi đã chán ngấy rồi. Anh hãy nói về cuốn tiểu thuyết anh đang viết cho tôi nghe đi. Tôi chỉ xin đóng góp với anh thế này. Anh nên để hẳn một chương sách viết về cái vỉa đá. Anh nhất thiết phải khảo cứu độ tuổi của nó, vóc dáng của nó và cả sự khốn nạn của nó. Nhà văn ạ, điều đó cần thiết lắm. Bởi giữa chúng ta đang có một vỉa đá cách ngăn. Phải bằng mọi cách bứng vỉa đá ấy đi. Kìa, sao anh cứ nhìn tôi trân trân vậy?
Đô cười. Anh định thốt một câu khen tầm thường: Bởi vì anh đẹp quá. Nhưng anh vẫn kịp hiểu là không nên nói câu tầm thường đó.
- Anh không nói, thì tôi nói chuyện của tôi cho anh nghe vậy. Tất cả mọi rắc rối đều do tôi. Tôi đã không hiểu được những biến động của lòng người qua năm tháng.
- Tôi nghĩ, lúc này đầu óc anh chưa tỉnh táo. Cần bình tĩnh xem xét.
- Xem xét như người ta xem xét tôi? Một vỉa đá bình thường như muôn ngàn vỉa đá. Chỉ cần đặt mìn vào đấy, thế thôi… Nhưng hình như cái chính yếu không phải ở đó. – Quay qua Thư Loan, - Tiến độ khảo sát ở lô số 2 đột ngột được đẩy mạnh, họ định mở công trường ở đó. – Cười chế nhạo, - Họ cứ việc thăm dò, cứ việc mở công trường. Công trường mở ở đó thì tổn phí sẽ vô chừng. Họ nói tới kinh tế, nhưng họ đang đốt tiền bạc của Nhà nước. Lô số 2 làm gì có quặng. Ôi, tôi đang nói chuyện với ai thế này? Làm gì có ai thèm nghe tôi? Tôi chỉ là một trí thức thời Mỹ ngụy, tôi nhỏ bé quá, tôi phải nói với ai bây giờ? Không. Khôn ngoan thì im lặng. Không nói với ai. Chỉ với sự im lặng.
Đô đứng dậy. Thực sự anh không biết mình phải làm gì bây giờ. Rõ ràng ở đầu những người trí thức này đã là sự hoang mang tới cực điểm, bằng mọi cách dẫn họ ra khỏi khu vực hoang mang này. Trong văn chương sẽ không khó. Sẽ viện dẫn một cái cớ nào đó, hoặc đột ngột cho xuất hiện một nhân vật, cởi gút của bế tắc như là người ta cởi nút áo mút cô gái, đưa nhân vật sang một trạng thái tình cảm khác. Nhưng chuyện ở đời đâu có đơn giản và dễ dàng như vậy.
- Anh vẫn coi tôi là bạn? – Đô xòe bàn tay ra trước mặt Lê Khôi.
Lê Khôi nắm lấy bàn tay anh ấy.
- Chúng ta là bạn, và có thể là anh em.
- Nếu vậy, tôi chẳng có lý do gì để im lặng và cả anh cũng vậy.
- Sao?
- Mọi gút mắc dù khó khăn đến mấy, nếu thông cảm nhau, cùng hợp tác với nhau thì đều có thể cởi tháo cho nhau được. Huống là gút mắc này. Một vỉa đá bình thường như muôn ngàn vỉa đá… Có lẽ, gút mắc lớn nhất là gút mắc trong mỗi tâm hồn chúng ta. Tôi phải đi tìm Hoàng Yến để hỏi sự thật.
Đô đi như chạy. Lê Khôi và Thư Loan nhìn theo. Im lặng toàn phần chỉ có tiếng rì rào của con suối.
- Thư Loan ạ, đã bao nhiêu lần em hỏi tôi vì sao lại yêu Hoàng Yến đến thế, tôi đã lẩn tránh câu hỏi đó. Bây giờ tôi muốn kể em nghe câu chuyện mà tám năm nay tôi dấu kín. Một câu chuyện tình… Mà hình như chỉ có câu chuyện tình này là đẹp mãi. Dạo ấy, sau một cuộc biểu tình chống Mỹ, tôi và Hoàng Yến đều bị bắt…

/ Mời đọc tiếp Ba. 2/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét