Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Ba.3



NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyết  

GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Ba. 3

Hoàng Yến chạy về phái bờ suối, theo cánh tay chỉ của nhà văn. Thoạt đầu chị chạy nhanh. Rồi chậm dần và tới khi mắt chị đã nhìn thấy Lê Khôi đang ngồi nơi mỏm đá, chị không chạy nữa, mà đi thật chậm.
Nhà văn đã trút tất cả phẫn nộ lên đầu Hoàng Yến. Tôi không cần biết tình yêu của chị với Lê Khôi sẽ như thế nào, đối với tôi điều đó không còn quan trọng nữa. Nhưng tôi cần biết với tư cách một chỉ huy trưởng công trường, chị đã đối xử như thế nào với Lê Khôi. Anh ấy đang hoang mang tới cực điểm. Chị làm như vậy để làm gì? Vỉa đá bình thường như muôn vàn vỉa đá, chỉ cần chị hạ lệnh đặt mìn vào đó. Tôi thực lòng không còn hiểu chị là ai nữa. Hoàng Lan hay Hoàng Yến. Hoàng Yến hay Hoàng Lan. Nếu chị còn nhận là bạn tôi,thì tôi yêu cầu chị hãy ra ngoài suối, tìm Lê Khôi và nói với anh ấy tất cả.
Vâng. Hoàng Yến chỉ kịp trả lời nhà văn gọn lỏn như thế, và chị chạy đi. Nhưng bây giờ, khi sắp tới gần bên anh, chị khựng lại. Chị hiểu rằng câu chuyện chẳng hề đơn giản chút nào. Anh ấy đang hòa tan mình trong tiếng suối chảy. Hoàng Yến bước nhẹ lại. Không một tiếng động. Chị ngồi xuống tảng đá khi nãy Thư Loan ngồi. Anh nhận ra sự có mặt của chị. Khẽ quay lại. Cả hai trong bối rối, ngỡ ngàng.
Hoàng Yến: Tiếng suối chảy, cánh rừng đầy hoa chắc đã làm cho tâm hồn anh thư thái?
Lê Khôi: Cảm ơn.
Hoàng Yến: Trông anh mệt mỏi quá.
Lê Khôi: Vâng. Tôi thấy trong người hơi mệt.
(Anh ấy mệt, một mặt cũng ngang bằng với mình. Nhưng anh ấy đã tìm đến bên bờ suối trước mình. Mỗi khi mệt nhọc, mình vẫn thường tìm đến bên dòng suối. Tiếng suối chảy ngọt ngào như tiếng hát người mình nhớ thương. Khi ấy nỗi nhọc mệt chừng như cũng đỡ được phần nào. Ở Kông Tum cũng nhiều suối. Ở Hà Bắc cũng nhiều suối. Hình như nơi nào mình qua cũng nhiều suối…)
Hoàng Yến: Chắc anh cũng ít khi lên rừng để được gặp những con suối?
Lê Khôi: Vâng…
(Tôi không được thiên nhiên dành cho nhiều may mắn như chị. Nhưng trong tôi lúc nào cũng vỗ vang tiếng con suối của ngày nào. Suối đến cùng tôi trong những đêm tâm tưởng, chia cùng tôi nỗi cay đắng, gọi hồn tôi lúc đời chao đảo…)
(Đột ngột) Hoàng Yến nhớ con suối của tuổi đi trường.
Hoàng Yến: Anh Khôi, anh vẫn nhớ con suối ấy?
Lê Khôi: Tôi làm sao quên được.
Hoàng Yến: Tôi hiểu, vì tôi cũng có khi nào quên con suối ấy.
Lê Khôi: Mấy năm du học bên Mỹ, tôi đã phải đi từ thành phố tới một vùng núi thật xa, để được ngồi bên dòng suối, mà nhớ về con suối của quê nhà.
Hoàng Yến: Những ngày ấy, ngoài Côn Đảo, tiếng sóng biển đêm ngày rì rầm vỗ xối vào lòng tôi. (Lắng cảm xúc) Anh Khôi, những bạn bè ngày ấy giờ này ở đâu?
Lê Khôi: Chị còn nhớ Huy?
Hoàng Yến: Huy (dòm)?
Lê khôi: Cậu ấy bây giờ đi làm bí thư Quận đoàn. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau.
Hoàng Yến: Hồi ấy Huy yêu Liên Hương.
Lê Khôi: Đúng. Nhưng mà giờ thì cô bé xinh đẹp ấy đã ở bên Mỹ rồi. Ngày cô ấy ra đi, tôi có lấy tình bạn để khuyên nhủ, nhưng hình như những suy nghĩ của tôi không đủ sức thuyết phục.
Hoàng Yến: Bạn bè ngày ấy, mỗi người một phương trời, không biết đến khi nào mới xum họp?
Lê Khôi: Những con suối dù ở nơi nào cũng chảy về biển cả. Tôi tin như thế và nhất định là như thế.
Ông già Năm từ phía lán chỉ huy đi lại, chậm rãi. Ông muốn biết quyết định cuối cùng của Hoàng Yến trong việc bắn mìn. Lúc nãy, Hoàng Yến lệnh cho ông sẵn sàng. Ông hiểu sự sẵn sàng ấy là như thế nào. Ông nóng lòng chờ Hùng từ Thành phố đem những kết quả hóa nghiệm về, nhưng càng chờ nó càng mất biệt tăm.
Xin lỗi tiến sĩ, - Ông nghiêng đầu trước Lê Khôi rồi quay lại phía Hoàng Yến, - Chị cho giờ bắn mìn, để tôi thông báo an toàn cho công trường.
Lê Khôi bật đứng dậy vì cái tin bắn mìn, mà anh đang khao khát chờ đợi.
-Cảm ơn Hoàng Yến. Vậy là cuối cùng Yến đã đồng ý cho bắn mìn.
Hoàng Yến không đáp lại nỗi hoan hỉ của Lê Khôi. Chị ngồi bất động trongkhi trong lòng nước thủy triều dâng lên từ chân, ngập tới ngang ngực, ngập tới cổ. Chị cố đè thủy triều xuống nhưng thực khó khăn.
Đời người địa chất, tôi đã gặp bao nhiêu vỉa đá. Nhưng vỉa đá hôm nay, sao nó như không bình thường. Tôi không thể có được một quyết định dứt khoát, dù chỉ là một quyết định đơn giản – Bắn mìn. Một vỉa đá vô giác. Thách thức cuộc đời bằng sự câm lặng của mình. Ngươi hãy nói cho ta nghe dù chỉ một lời: Dưới đó là cái gì. Có quặng hay là không có quặng? Tôi sẽ còn tất cả hay sẽ mất tất cả? Tôi không dám đối mặt với một thực tế phũ phàng, bởi trong tôi vẫn còn vẹn nguyên hình bóng của anh ấy.
Ông già Năm như không thể chờ đợi được lâu hơn nữa, ông nhắc lại câu hỏi khi nãy.
-Chị Ba, xin chị quyết định.
Hoàng Yến như bình tĩnh. Chị trao cho ông già Năm cái nhìn ấm áp.
-Đã chuẩn bị xong tất cả rồi, sao chú?
- Chỉ còn chờ lệnh chị.
- Hùng về chưa chú?
- Tôi cũng nóng lòng sốt ruột, không hiểu vì sao nó lại đi lâu đến thế.
- Như vậy, có thể có trục trặc.
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
- Chú Năm, Hùng chưa về thì chúng ta chưa thể bắn mìn.
- Tôi cũng cho là nên đợi nó.
- Chú nói dùm với anh em công nhân, ta chưa thể bắn mìn, chưa thể…
Lê Khôi không tin vào tai mình. Phản ứng của anh là nỗi bàng hoàng
-Chị Hoàng Yến, như vậy là sao? Tôi không hiểu…
Hoàng Yến chua chát đáp lại.
-Anh tha lỗi, chính tôi cũng không còn hiểu nổi mình.
- Một vỉa đá bình thường, chỉ cần bắn mìn là xong.
- Tôi cũng cố nghĩ đơn giản như thế.
- Tại sao lại không đơn giản? Cho dù chị không đủ lòng tin nơi tôi, thì bổn phận chúng ta cũng phải mở công trường. Tôi yêu cầu chị cho bắn mìn.
Hoàng Yến bối rối.
-Tôi, tôi…
- Chị không thể nhân danh chính trị, nhân danh chức vụ chỉ huy trưởng công trường mà ngăn cản bước đi tới của khoa học. Tôi kêu gọi chị.
- Nếu anh hiểu cho là lòng tôi bối rối thế nào.
- Tôi hiểu… Chị muốn loại trừ tôi ra khỏi cuộc sống bằng những ước lệ chính trị trẻ con. Chào chị…
Lê Khôi chạy ngược về phìa đầu nguồn con suối mà chẳng chạy lên đó để làm gì.
-Hoàng Yến thoáng nhìn theo. Lòng đắng chát. Chị muốn gọi anh quay lại mà không sao có thể bật mở được làn môi.
- Chị Ba, hay là cứ cho bắn mìn?
Hoàng Yến hiểu rằng người công nhân già muốn chia sẻ nỗi dày vò đang làm tan nát lòng chị. Nhưng chị lắc đầu, giữ nguyên ý quyết định chưa bắn mìn của mình. Ông già Năm không nói gì thêm, lẳng lặng bỏ đi.
Hoàng Yến không nhấc chân lên được. Hai chân tê cứng, run rẩy.
Em không thể anh ơi. Bởi anh có biết em lo lắng tới ngần nào? Bắn mìn. Việc đó đâu có khó khăn gì với người địa chất. Nhưng đây là vỉa đá cách ngăn chúng ta, và cũng là sự thật giữa em và anh. Chừng nào chưa đủ mọi điều kiện khẳng định rằng phía dưới vỉa đá này là quặng, bắn vỉa đá lên, anh là anh đẹp hơn cao thượng hơn, thì chừng đó em chưa bắn. Thà em cứ để câm nín mãi vỉa đá đó và chúng ta tự động xa nhau. Hùng sẽ đem về những kết quả xét nghiệm ở lô số 2. Cầu trời, đó chỉ là bản đề án dỏm. Em sẽ cho bắn vỉa đá ở lô số 1, và mở công trường. Không còn cách nào khác, anh ạ. Phải chờ đợi. Bởi em không muốn mất anh một cách đau đớn, trước một thực tế phũ phàng anh là kẻ bội phản những lẽ điều thiêng liêng, mà tình yêu của chúng ta đã nguyện theo và nguyện dâng hiến cuộc đời.
Chú Năm, tôi biết là chú thương tôi, chú hiểu tất cả những ngõ ngách tình cảm của tôi và anh ấy. Chú tới xin lệnh bắn mìn mà mắt chú như lạc đi. Chú cũng sợ một thực tế phũ phàng đổ sụp xuống tấm thân mảnh mai của tôi. Tôi sẽ không chịu đựng được và sẽ quỵ ngã. Quả đúngnhư vậy, chú Năm ạ.
Hoàng Yến đã tìm thấy sự bình thường nơi đôi chân. Chị đứng dậy, đi từng bước nhỏ trở về lán chỉ huy. Phía sau chị con suối vẫn chảy rất êm, nó đang hát bài hát thơ mộng về cuộc đời của nó…

/ Mời đọc tiếp Ba. 4/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét