Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Ba.4



NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyết

GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Ba. 4

Xin nghỉ mấy ngày để đi thăm Lê Khôi. Thu Thủy có thể trình bày điều này với bác sĩ trưởng khoa, và cô tin là bác sĩ sẽ không từ chối. Nhưng cô lấn cấn với chính mình. Cả nhà kéo nhau lên công trường. Như vậy là quan trọng hóa quá đáng, một việc mà thực ra không nhất thiết phải thái quá đến thế. Hơn nữa, ở trển có anh chàng nhà văn. Thử tưởng tượng xem anh chàng sẽ nghĩ gì về mình như thế nào khi mình xuất hiện trên đó.
Hình như trong mắt anh chàng chẳng có chuyện gì quan trọng cả. Anh chàng nhơn nhơn,, lúc nào cũng ghi ghi, chép chép, rồi viết thành sách. Mình lại nói xấu anh ấy mất rồi. Chính mình đã cảm tình với anh ấy qua những trang sách. Mình đã quan tâm anh ta hơi quá mức rồi đó. Nhất định anh chàng sẽ háy háy cặp mắt khi thấy mình xuất hiện nơi công trường. Anh chàng vẫn có thói quen như vậy. Chẳng hiểu đó là thói quen khi ảnh mừng vui hay bực bội. Dù sao anh chàng cũng sẽ nghĩ là mình lấy cớ lên thăm Lê Khôi, nhưng thực ra là thăm chàng ta. Đừng hòng. Chẳng có chuyện đó đâu. Tôi mến anh. Nhưng từ chỗ mến tới chỗ có thể bằng lòng cho anh nói lọt tai câu yêu đương còn xa lắc lơ anh bạn ơi.
Nào, con nói cho ba biết đi…
Lần nào, cứ sau khi người khách đàn ông tới thăm mình ra về, ba đều hỏi mình câu hỏi đó. Mình cười thay cho câu trả lời…
Hôm nay, ba thông báo cho mình biết, ba má quyết định lên công trường thăm Lê Khôi. Ảnh thực đúng là cục vàng của ông bà. Chỉ mới vắng ảnh vài bữa mọi lo lắng của gia đình đã hướng cả về phía anh ấy. Má cũng muốn mình cùng đi. Còn ba thì im lặng. Phải chi ba nói với mình một lời, có lẽ mình cũng đã quyết định đi công trường.
Sau bữa ăn trưa, ba có ý nán lại chưa về phòng ngủ, ba xin lỗi má rất lịch sự và quyết định nói với mình tất cả.
-Ba má sẽ lên đó chừng vài ngày. Con có muốn đi cùng với ba má không?
- Thưa ba, không. Công việc ở bệnh viện…
Giáo sư cắt lời Thu Thủy.
-Ba chỉ muốn biết là con có muốn đi với ba má không?
- Thưa ba, con đã nói là con không thể và cũng không muốn.
- Thiệt lòng phải không con?
- Tại sao ba lại hỏi con như vậy?
- Ba có cảm giác là con mến anh chàng nhà văn. Anh ta tên là gì nhỉ?
- Thưa ba, Nguyễn Văn Đô. Con mến anh ta như mến tất cả những người bạn trai khác.
- Chắc chắn như vậy chứ con?
- Dạ.
- Ba rất lo.
- Thưa ba, chuyện gì làm ba lo lắng.
- Ba rất lo con sẽ thương anh ấy. Thực lòng mà nói ba không muốn.
Thu Thủy bật cười.
-Ba có muốn cũng không được.
- Ba biết. Ba má chỉ có Lê Khôi và con. Các con đều khôn lớn trưởng thành. Đã tới lúc phải có một gia đình riêng. Ba má lo cho hai con xong chuyện ấy có nhắm mắt xuôi tay cũng không có gì phải ân hận.
- Ba…
- Các con dù có thương ai, ba má cũng không cấm cản, bởi chuyện tình yêu không thể ép uổng. Nhưng ba vẫn hằng mong, các con sẽ có những người vợ, người chồng xứng đáng.
- Theo ba, như thế nào là người vợ người chồng xứng đáng?
- Những điều này điều nọ, ba không muốn đề cập tới, mỗi người có một quan niệm riêng. Ba chỉ đặc biệt quan tâm tới việc này. – Giáo sư ngập ngừng như cố tìm cách diễn giải. – Con người ta đàn ông, đàn bà cũng vậy, phải có một chuyên môn nghiệp vụ, nói cách khác là phải có một nghề nghiệp, dù nghề đó là nghề trồng lúa hay nghề thợ mộc, căn bản là cái nghề phải thật tinh, thật giỏi. Có một nghề căn bản, con người ta sẽ cóm ột căn bản cho đời sống, kể cả các mặt luân lý đạo đức.
- Con không hiểu vì sao bỗng dưng ba lại đề cập chuyện này. Ba là giáo sư, anh Khôi con là tiến sĩ khoa học, con là bác sĩ, chẳng lẽ đó không phải là nghề nghiệp căn bản?
- Đó là những nghề nghiệp căn bản, mà ta có quyền tự hào. Con và Khôi phải lựa chọn bạn đời cũng có nghề nghiệp căn bản như thế.
- Có nghĩa là con nhất thiết phải lấy một bác sĩ.
- Không phải, ba không hề muốn noi như thế. Chồng tương lai của con có thể là một giáo viên, một người thợ cơ khí hay một người làm vườn. Làm nghề gì ba cũng chấp nhận, nhưng…
Giáo sư im lặng nhìn con gái. Thu Thủy chờ đợi điều gì đó sau chữ nhưng của giáo sư. Mắt cô mở tròn, hai tay chống cằm, tinh nghịch.
-Quan niệm của ba có thể sai lầm, nhưng dù sao ba cũng có những ấn tượng không thích thú gì với hai loại người một là làm lãnh đạo, hai là viết văn. Công bằng mà nói lãnh đạo không phải là một cái nghề. Nhưng khi con người ta được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo, cứ ngồi hoài ở đó, và cho là mình đã có một cái nghề làm lãnh đạo. Khốn nạn, đó chẳng phải là một thứ nghề nghiệp.
- Nhưng con có yêu người nào làm nghề lãnh đạo đâu.
- Lê Khôi đang yêu cô gái chỉ huy trưởng công trường.
- Thưa ba, chị ấy cũng là một kỹ sư.
- Chắc không.
- Chắc mà ba.
- Ờ, nếu cô ta là kỹ sư thì…may ra cũng đỡ. Vì cô ta còn hiểu giá trị của công việc, giá trị của các loại lao động.
- Chẳng lẽ ba cho rằng viết văn không phải là lao động?
- Một loại lao động cao cấp con ạ. Những người sống hết mình, cao thượng và đẹp đẽ cho thứ lao động cao cấp đó không nhiều.
- Con có cảm tưởng là ba có những định kiến không công bằng.
- Ba đã nói rồi, có thể là ba sai. Nhưng dù sao thì con gái của ba cũng không nên vương vấn với mấy anh chàng văn sĩ.
- Thưa ba, có phải vì lý do đó mà ba không muốn cho con đi thăm anh Hai?
Giáo sư gật đầu.
-Ba rất tin ở bản lĩnh của con.
Giáo sư đứng dậy, từ từ đi về phòng mình. Thu Thủy nán lại một chút, xếp dọn ly tách.
Ba bảo ba tin ở bản lĩnh con gái ba. Làm gì có bản lĩnh trong chuyện yêu đương này, thưa bba. Con chưa yêu anh ấy và anh ấy cũng chưa yêu con. Chứ nếu chúng con đã yêu nhau, thì… (một lát) Quốc gia mình hiện rất thiếu những người thực sự có tài lãnh đạo và viết văn. Đành là rất thừa những người tự cho mình có nghề lãnh đạo. Ông trưởng phòng nọ, vốn là một cán bộ thuế, chẳng biết vì sao, bỗng dưng thành Trưởng phòng y tế. Sẽ chẳng có điều gì đáng nói, nếu như ông tự biết mình ngồi lầm chỗ, mình không có nghiệp vụ, mình cần phải học hỏi. Đàng này, ông tự cho cái nghề làm lãnh đạo của ông cao hơn mọi nghiệp vụ khác. Ông cứ nhất định bắt buộc các bác sĩ dưới quyền mình phải cho tất cả các bệnh nhân uống đồng loạt một loại thuốc ngủ. Bởi theo ông, căn bệnh gì cũng vậy, sẽ tự khỏi khi chìm trong giấc ngủ. Ha, ha. Người bác sĩ dưới quyền ông kiên quyết chống lại quyết định ngu xuẩn đó, ông đưa anh ta ra bộ tứ thảo luận và biểu quyết tập thể: Anh ta cũng phải uống ngay một liều thuốc ngủ. Trong giấc ngủ, anh ta sẽ quên đi những kiến thức y học của mình. Cái nghề làm lãnh đạo oai vậy đó. May phước, con chưa phải sống một giờ dưới ách ngài trưởng phòng “tài cán” ấy. Nhưng tại sao ba lại đánh ngang bằng nghề làm lãnh đạo với nghề viết văn? Văn học là nhân học, thưa ba. Ba cười. Vâng, rõ ràng là con đang nói những điều thuộc về nguyên lý. Nhưng điều gì đã làm ba ấn tượng với nghề văn chương đến thế? Trai gái. Một tuồng trai gái. Con hiểu. Ba cảm thấy những người viết văn tính tình lăng nhăng phải không ba? Chẳng lẽ ai cũng như thế? Xin ba đừng vơ đũa cả nắm. Con chưa biết anh ấy nhiều, nhưng linh cảm của con là anh ấy đứng đắn. Sao ba cười? Thôi được, con xin nghe lời ba. Những gì ba không thích, con cũng chẳng có lý do gì để thích cả. Con nói vậy không có nghĩa là con cứ mãi mãi bé bỏng, mãi mãi không độc lập suy nghĩ và hành động được chuyện gì. Vấn đề là con chưa hề yêu anh ấy. Bây giờ thêm cái lẽ, con không muốn ba phải buồn. Chuyện yêu đương đối với con không quan trọng lắm.
Giáo sư không chợp mắt được. Nhưng ông không cho phép mình có biểu hiện gì ra ngoài, chứng tỏ là ông đang bối rối, đang lo buồn hay phấn khích làm khuấy động giấc ngủ của bà vợ. Bả có thói quen này ngay từ khi lấy ông. Mỗi trưa cứ phải ngủ một chút thì buổi chiều hôm ấy mới có ý nghĩa. Lúc này bả đang ngủ ngon.
Chưa lúc nào mình giải thích cặn kẽ cho các con hiểu tại sao, mình lại thành kiến với nghề lãnh đạo và nghề viết văn. Thực ra mình có nhiều thành kiến với  nhiều nghề khác trong xã hội, nhưng trong trường hợp, thì việc công kích nghề làm lãnh đạo và nghề viết văn là cần thiết.Lê Khôi vẫn đang đeo đuổi cô gái chỉ huy trưởng công trường. Ngày trước họ là bạn học với nhau, nhưng bây giờ gọ đã ở hai giai tầng khác nhau. Mình ghét cái nghề làm lãnh đạo từ nhỏ. Thực vậy. Bởi nếu mình dấn thân theo nó, thì cũng như xấp bạn bè đồng môn, chí ít tới ngày được công nhận là giáo sư, mình cũng có thể đảm nhiệm một chức vụ viện trưởng hay bộ trưởng. Nhưng để làm gì. Cái nghề cứ phải lấy chính trị làm lá chắn, che đỡ cuộc đời nó tiếu lâm lắm. Mình không ham. Người làm lãnh đạo, thường sợ bóng sợ gió về sự nghiêng ngả của cái ghế mình ngồi, nên nhiều lúc ta phủ nhận mình, mình dám làm tất cả những gì có thể cho chiếc ghế mà vượt qua các giới hạn đạo đức, luân lý. Làm một người thầy giáo trong sạch hơn nhiều. – Giáo sư thở dài. Sợ bà vợ có thể nghe thấy, ông vội ngậm miệng,nuốt tiếng thở dài vào bụng. – Còn cái nghề văn chương. Những nhà văn cách mạng, mình chưa tiếp xúc nhiều, mình chưa biết. Còn như cái thứ nhà văn mà mình chứng kiến trong suốt những năm dài từ nhỏ cho tới hồi giải phóng, mình ghê tởm cái thứ văn nô bán linh hồn ấy. Đặc trưng chung của họ là: Thuốc phiện và gái. . Mỗi người ít nhất cũng ghiền một thứ. Mà đã ghiền của quỷ đó, thì phải có tiền. Lúc thiếu tiền, tung cho họ một xu, bảo họ viết chửi người này, người khác, sự việc này hay sự việc khác, họ vâng dạ làm ngay. Thứ văn nô ấy sống với họ một ngày đã tỏm, làm thế nào có thể sống với họ cả đời. Con gái của ba ạ, đó chính là lý do vì sao ba lo lắng cho cái gọi là thiện cảm của con với anh chàng nhà văn.
Thưa ba, con xin nghe lời ba.
Câu nói tỉnh queo như là một nụ cười, một câu hát của Thu Thủy đã đưa cô vào giấc ngủ vô tư lự. Cô cần phải ngủ một giấc thật đầy, vì đêm nay cô phải trực. Cô đã toại nguyện, vì khi cô nghe thấy tiếng gõ cửa của ba má, thì đồng hồ đã chỉ sáu giờ chiều. Cô xuất hiện rất nhanh nơi phòng khác, tỉnh như sáo, và ngồi vào bàn ăn. Cả nhà đang đợi cô.
Ông bà giáo sư thông báo cho cô biết là mọi thứ đã chuẩn bị xong, sáng mai hai ông bà sẽ đi sớm. Thu Thủy xin phép ba má cho cô được gửi một món quà cho Lê Khôi. Hiển nhiên là ba má cô đồng ý. Nhưng hai ông bà đã hoàn toàn bất ngờ, khi cô bước lại góc phòng, với tay lên tháo bức chân dung Hoàng Lan tặng Lê Khôi xuống.
-Để làm gì con?
- Thưa ba má, trước khi lên công trường, anh Hai đã muốn đem theo bức hình này, nhưng con đã yêu cầu ảnh để lại cho con. Bây giờ con muốn ba má đem lên cho ảnh.
- Má không bằng lòng vậy đâu.
- Ba cũng nghĩ vậy sao, thưa ba?
- Đem bức hình đó lên cho Lê Khôi cũng được.
- Kìa ông? – Bà má không bao giờ chấp nhận những cái mà bà cho là rườm rà như thế này.
- Đây là hồi kết của câu chuyện tình thơ mộng rồi má nó ạ.
- Tôi đã yêu cầu ông là đừng bao giờ nhắc tới chuyện này nữa.
- Tôi đâu có nhắc tới, mà tự thân câu chuyện đưa đẩy tới. Âu cũng là số phận.
- Ông lại còn tin vào số phận nữa.
- Một giáo sư như tôi mà tin vào số phận thì thật nực cười. Nhưng biết làm sao được, số phận vẫn cứ là số phận. – Ông đỡ tấm hình nới tay Thu Thủy. – Ba biết là anh con sẽ hành động như thế nào với bức hình vô giá này của nó.
Bà má nói như dỗi:
-Rồi ông sẽ làm cho câu chuyện rối rắm thêm cho coi.
- Dù kết thúc như thế nào đi nữa, thì cũng vẫn cứ phải kết thúc bà ạ. Nếu Lê Khôi tiếp tục treo bức hình này có nghĩa là tôi với bà phải sẵn sàng tiếp nhận cô con dâu là chỉ huy trưởng công trường. Còn không, thì chính tay nó đào huyệt chôn mối tình ảo huyền của nó.
Thu Thủy quỳ sụp dưới chân giáo sư, cô trở lại với hành động cái thời cô lên mười, không ngày nào không nhõng nhẽo với giáo sư.
-Thưa ba, theo ba, anh Hai con sẽ hành động như thế nào?
- Đây không phải là một bài toán.
- Nhưng ba là giáo sư.
Giáo sư xoa đầu con và cười.
-Tình yêu là gì? Đó là câu hỏi khó nhất, mà hầu như từ người dân tới nhà khoa học, không một ai trả lời thỏa đáng cả con ạ. Nhưng riêng với câu chuyện tình của anh con, ba chỉ cảm thấy có một giọt đắng, mà người ta có thể uống được hay là không uống được.
- Giọt đắng.
- Đúng. Trong mối tình nào cũng vậy, bên giọt tình, giọt thương là giọt cay, giọt đắng. Người ta uống vào như thế nào cho những giọt đó hòa đồng với nhau mà thành tình yêu.
- Ba tuyệt quá.
Bà má không dễ dàng công nhận lời khen ngợi ấy.
-Tuyệt cái gì, một giáo sư mực thước, đầu đã bạc trắng cả rồi, lẽ ra ông không nên nói những điều ấy, dù là nói với con gái.
- Đúng, tôi có lỗi vì tôi đã dành phần của bà, chính bà phải nói với các con những điều đó.
- Ông nói cái gì? Tôi phải dậy cho các con tôi yêu đương?
- Đó là một nghệ thuật tuyệt diệu nhất trong tất cả mọi nghệ thuật.
- Ông già mất nết, tôi sẽ không tranh cãi với ba con ông đâu, tôi phải đi lo công việc của tôi đây.
Bà má bỏ đi giữa tiếng cười vang ra ấm áp của giáo sư và cô con gái.

Mời đọc tiếp Ba. 4/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét