Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Bốn .1.


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Bốn.1

Hoàng Yến thẫn thờ. Những bông hoa dại cắm trong lon sữa nhật phô trước mặt chị những nụ cười vô duyên. Bỗng dưng chị có ý nghĩ hơi ác đối với hoa Tinađicha, mặc dù trước đây chị rất có cảm tình với chúng…
Phải chăng những bông hoa dại này không có hương nên không có hồn, không có duyên. Cô ta thích loại hoa này, nên cô ta cũng vô duyên, kệch cỡm. Mình không thể nào chịu nổi nụ cười khinh khỉnh của cô ấy. Hoàng Yến đưa tay định ngắt một bông hoa, nhưng lại thôi. Cô ấy nghĩ thế nào mà đặt tên cho những bông hoa dại này là Tinađicha? Hiển nhiên không phải một tùy hứng. Cô ta có chủ đích. Không. Nói như vậy là mình đề cao cô ấy quá. Sức nghĩ và sức cảm của cô ấy với cuộc sống thiên nhiên, chưa thể uyển chuyển và cao siêu đến thế. Nhưng tại sao mình cứ nghĩ về cô ta. Hoàng Yến với tay và lần này chị ngắt một bông hoa Tinađicha vàng rực.
Đôi vai của anh ấy so lại, nặng trĩu. Mình đã đè cái đầu nặng trĩu đó xuống vai anh ấy. Trên đời này, chừng như không có đau khổ nào nặng hơn sự nghi ngờ. Đau lòng lắm. Nhưng tôi không thể sử xự khác được. Bản đề án ở lô số 2, vỉa đá không tên ở lô số 1. Tôi phải làm sao để buông xuôi trước những chứng cớ nghi ngờ đó? Nhìn anh em ấy lầm lũi về phía đầu nguồn con suối lòng tôi se lại, đắng chát. Nhưng tôi bất lực. Tinađicha. Những bông hoa dại còn có tên gọi, thế mà chúng mình không thể gọi tên cho một mối tình.
Tiếng gõ cửa, trên cánh cửa mở. Linh cảm về người khách lạ. Vì ở công trường, mọi người vào phòng chỉ huy trưởng, khi cửa mở thường không khách sáo như thế. Chị vừa thốt lên hai tiếng “mời vào” vừa làm động tác thu dọn một số tài liệu giấy ở trên bàn, một động tác không thật, nhưng không thể khác. Chị bối rối hơn khi nhận ra người khách đó là Thư Loan.
-Chào chị Ba, chắc tôi tới không đúng lúc?
- Chào Thư Loan. Tôi cũng vừa nghĩ tới chị. (Câu nói thật lòng, nhưng Thư Loan lại rướn lông mày, suy nghĩ trong câu nói đó).
- Cảm ơn chị đã nghĩ đến tôi. Mong sao đó không phải là những nghĩ xấu. (Tiếp sức vào câu nói là nụ cười không thành tiếng).
- Tôi đang nghĩ, không biết chị căn cứ vào đâu để đặt cho loại hoa dại này là hoa Tinađicha.
- (Cười) Có căn cứ gì đâu. (Chị ta nhìn vào đáy mắt mình, cái nhìn sâu quá. Làm sao có thể tin được là chị ấy chỉ thắc mắc vì sao mình đặt tên cho loài hoa dại này cái tên Tinađicha). Tôi là cô gái ưa sự ngẫu hứng. (Chị ấy vẫn nhìn mình. Mình phải đáp lại cái nhìn của chị ấy). Tinađicha. Tình người địa chất. (Bốn mắt chạm vào nhau, cùng phát điện, cùng tránh cái nhìn của nhau). Hôm mới lên đây, tôi có tặng chị bó hoa dại này để mừng được quen nhau. Chị ạ, hoa dại mọc đầy hai bên bờ suối, tôi đã quen với hoa, hoa cũng đã quen với tôi, vậy mà giữa tôi với chị vẫn chưa quen nhau.
- Chị nói sao? (Câu hỏi ngơ ngác của mình chỉ tỏ ra mình đang bị người khác đọc hết những điều sâu kín trong lòng).
- Chị nỡ nào bỏ anh Khôi một mình ngoài suối.
- Lẽ ra tôi phải hỏi chị câu hỏi đó.
- Sao vậy? (Chết thật, chị ấy ghen).
- Chị lên đây vì anh ấy? (Mình cần phải nói thẳng điều đó).
- Tôi đến đây vì bản đề án khai thác quặng của anh ấy thì đúng hơn. (Mình cần gì phải quanh co). Bản đề án chị đang phán xét. Tôi chỉ rời công trường, chừng nào bản đề án được kết luận.
- Xin lỗi, mời chị ngồi, chị bỏ quá cho, tôi thật vô duyên. (Mình vô duyên thật, chị ta đã tới, đã nói với mình bao nhiêu thứ, mà mình vẫn chưa mời chị ta ngồi).
- Cảm ơn chị. (Mình khách sáo quá. Và quả thật chị ta mất bình tĩnh).
- Chị tốt nghiệp đại học khoa học?
- Tôi học sau chị và anh Khôi ba năm.
- Nhưng tốt nghiệp trước tôi. Tôi bị gián đoạn mấy năm ngoài Côn Đảo, năm 1973, được trao trả, tôi ra miền Bắc học tiếp.
- Khoa địa chất phải không chị. (Một câu hỏi cho có chuyện để hỏi, vì mình đã biết chị ấy là kỹ sư địa chất).
- Tôi mê nghề địa chất từ nhỏ.
- (Về điều này chị ấy đã nói thật. Anh Lê Khôi và chị ấy đều mê nghề địa chất). Còn tôi, tôi mê nghề hóa nghiệm. Kể ra (cười) địa chất với hóa học cũng không xa nhau. (Lại cười) Mà có ngành nào xa lạ nhau đâu, phải không chị. Chỉ có con người ta là xa lạ nhau. (Chị ấy hơi nheo mắt. Những nếp nhăn đã hiện ra nơi vùng trán. Mình đã đánh vào dòng suy nghĩ của chị ấy). Chị có giận em không. (Mình thốt chữ em hơi bất ngờ, ngay cả với chính mình. Cái đầu đã không làm chủ được trái itim rồi đây. Nhưng không sao. Mình không xấu hổ khi thực tâm muốn gọi chị ấy bằng chị và xưng em). Em nói thật nhé, tại sao chị lại xa lạ với anh Khôi như thế? Em có phải là một trở ngại cho sự cảm thông ấy không. (Mình nhẹ cả người khi nói ra điều này. Chị ấy ghen với mình, cũng như mình ghen với chị ấy). Em nói thật đấy, anh Lê Khôi yêu chị, mối tình từ tám năm nay…
- Loan nói với tôi điều đó làm gì. (Mình nói dối. Chính mình thích nghe điều ấy. Tồi tệ thật, mình không đủ can đảm để xấn vào câu hỏi mà hỏi cho ra nhẽ mọi chuyện. Cô ấy không đến nỗi xấu như mình nghĩ).
- Chị Ba ạ. Anh Khôi coi em như người em gái. (Mình đã không dối lòng. Nhưng chị ấy chưa tin mình). Vì thế, em cũng xin coi chị như là chị của em.
- Cảm ơn cô. (Tại sao mình lại thốt lên một câu nhạt nhẽo đến thế? Cô ấy đã nói tiếng nói của trái-  tim, điều này, mình linh cảm không sai, nhưng mình chưa mở lòng để đón tình cảm ấy).
- Em không hiểu vì sao chị cứ nhất định làm khổ anh Khôi như thế?
- Tôi làm khổ Lê Khôi?
- Chờ đợi nhau trong tám năm, vậy mà khi gặp nhau lại là một cách ngăn sâu thẳm.
- Loan chưa hiểu tôi đâu.
- Cũng có thể là em chưa hiểu hết. Nhưng ít ra em cũng hiểu là anh chị đã yêu nhau.
- Cái đó hình như Loan đã không nhầm. (Thế là mình đã thú nhận. Cũng may là cô ấy đã tự giới thiệu về quan hệ của cô ấy với Lê Khôi. Nếu không, sự thú nhận này thật là khó xử). Nhưng mà thôi, tôi sẽ cố quên đi… (Dễ gì quên được, dù là mình cố sức). Loan còn có dịp gặp anh Khôi, cảm phiền Loan đưa dùm tôi vật kỷ niệm duy nhất của mối tình tôi đã giữ gìn tám năm, và bây giờ tôi xin trao trả anh ấy.
- (Đâu có quên dễ dàng như vậy phải không chị). Ôi, một tấm hình.
- Tấm hình này Lê Khôi tặng tôi ngày chúng tôi đi chơi với nhau trên Đà Lạt, trò chuyện với nhau bên một dòng suối. Qua bao năm tháng, khi buồn vui, lúc gian khó, tấm hình anh ấy luôn ở bên tôi. (Mình không thể nói thêm. Nỗi đắng chát đã dâng lên tận cổ. Mình có thể khóc).
- Bây giờ chị không còn yêu anh Khôi nữa sao? (Mình thật ác khi gieo vào đầu chị ấy câu hỏi chát chúa này. Lẽ ra mình không nên hỏi, cứ nhìn mắt chị ấy, giọng nói của chị ấy cũng biết là chị ấy yêu, còn yêu nhiều và sâu sắc hơn trước nữa).
- Tám năm, tôi đã tám lần họa hình anh ấy. Cái thứ tám tôi mới họa hôm rồi gặp nhau. Để tôi lấy Loan coi…
Thư Loan không chờ đợi sự kỳ diệu như thế này, sự kỳ diệu mà Loan không thể tưởng tượng nổi. Thư Loan đón những tấm hình từ tay Hoàng Yến. Những tấm hình xếp thứ tự theo năm tháng. Cô bắt gặp sự quen thuộc của nét vẽ. Bức chân dung của người vẽ nên những tấm hình này đã được treo thường trực trước mặt Lê Khôi, không phân định thời gian và không gian. Bởi đi đâu Lê Khôi cũng mang theo tấm hình đó và hàng ngày nhìn ngắm. Chị ấy đã tưởng nhớ đến tình yêu theo cách khác. Mỗi năm, chị họa một tấm hình anh ấy. Sự kỳ diệu. Thế là hơn một lần. Thư Loan nhắc tới sự kỳ diệu ở trong đầu mình.

Mời đọc tiếp Bốn.2/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét