Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Bốn.2



NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyết

GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Bốn.2


Tám năm về trước, lúc đó mình hình như có biết anh ấy. Biết thoáng qua. Biết bởi vì anh ấy là con trai của Giáo sư. Tụi bạn mình giới thiệu với nhau như thế. Anh ấy đẹp. Vẻ đẹp đàn ông, quắc thước vốn có của Giáo sư. Nhưng anh ấy đã không lọt vào vùng nhìn của mắt mình. Mình thích một người con trai khác, nếu không muốn nói là khác hẳn cái típ anh ấy. Con trai phải ngộ ngộ phải biết phá và phải biết đuổi theo lưng các tà áo dài. Anh ấy đã không như vậy. Sẽ nhạt nhẽo. Mình tiên đoán về anh ấy như thế và đã không để mắt tới anh ấy. Ai dè lúc đó, chị ấy đã thu gom tất cả những gì đẹp đẽ nhất của anh ấy trong trái tim mình. Sự thu gom hoàn chỉnh đến nỗi anh ấy chẳng chú ý tới cô gái nào khác ngoài chị ấy. Gặp lại anh ấy trong tấm hình đầu tiên này, anh ấy mới trẻ và đáng yêu làm sao. Đôi mắt học trò, ngây thơ quá, nhưng mà yêu hơi sớm…
Mình có hay tin anh ấy bị bắt. Lần xuống đường ấy, nhiều sinh viên bị bắt. Con Phi “láu cá” hình như nó phải lòng ảnh, nó rỉ tai cho mình cái tin ngậm ngùi: Ảnh cộng sản nằm vùng bị bắt cùng với người tình là cộng sản thứ thiệt. Mình tròn xoe mắt nhìn nó. Và hai chữ cộng sản đụng mạnh vào trí não tò mò của mình. Tất nhiên nó chẳng thể giải thích gì thêm với mình. Con nhỏ lí lắt thật, nhưng chuyện cộng sản đâu phải chuyện để nó có thể ba hoa mà không sợ vạ miệng. Bức ảnh thứ hai. Đã xuất hiện vết sẹo đuôi mắt trái. Tại sao mình không bao giờ hỏi anh ấy vết sẹo có từ khi nào và tại sao? Anh ấy cũng đã im lặng bí mật này với mình. Con Phi ngưỡng mộ anh ấy như ngưỡng mộ một người cộng sản, nên mắt mình nhìn anh ấy khác hẳn. Anh ấy kỳ vĩ quá, nếu anh ấy không bị bắt vào tù, thì mình sẽ chinh phục anh ấy.
Thế rồi đùng một cái, anh ấy được tha. Con nhỏ Phi “láu cá” lại rỉ tai mình. Tổng thống kiêng nể học vị của Giáo sư nên buộc lòng phải ký lệnh ân xá cho anh ấy. Có lẽ nó đã đúng. Bởi ngoài ảnh ra, không ai được tha một cách dễ dàng như vậy. Điều lạ hơn nữa là ảnh được đưa sang Mỹ du học. Thế là thế nào? Mình giữ mãi thắc mắc đó với ảnh cho tới khi mình gặp ảnh ở Viện nghiên cứu. Khi này ảnh đã có học vị Tiến sĩ, còn mình là một kỹ sư hóa nghiệm. Chưa bao giờ ảnh trả lời thẳng câu hỏi đó của mình.
Thư Loan ngước mắt nhìn Hoàng Yến:
- Chị có biết việc anh Khôi đi du học ở Mỹ không?
- Biết.
- Từ khi nào?
- Ngay lúc mình ở Tổng nha. Ảnh có hỏi ý kiến mình chuyện đó.
- Và chị đã không bằng lòng cho ảnh qua Mỹ học?
- Ngược lại. – Lắng một lát cho cặp mắt tròn vì ngạc nhiên của Thư Loan dịu lại. – Lúc đó mình linh cảm là đất nước sắp vãn hồi hòa bình, rất cần đến những tài năng của người trí thức.
Mình cũng đã yêu anh ấy. Nhưng giữa mình và anh ấy chưa hề có một kỷ niệm nào khả dĩ có thể kể lại thành chuyện tình. Mình đã yêu anh ấy một cách nhợt nhạt…
Bức thứ tư. Bức thứ năm. Thôi được. Mình sẽ nói hết. Chị ấy đã không linh cảm đúng về con người anh ấy trong những tháng năm này. Chị ấy chỉ linh cảm được sự già dặn của năm tháng, sự từng trải đọng màu và đọng sắc nơi đuôi mắt, nơi thái dương. Nhưng những gì thuộc về sự cao đẹp của con người thì chị ấy đã chưa vẽ nổi trong ánh mắt anh ấy. Trời ơi, trái tim mình vì sao chưa nhích gần trái tim chị ấy?
Cái thứ sáu. Cái thứ bảy. Mình đã có lỗi với mối tình này. Mình thật nhỏ nhen. Họ đã yêu nhau. Vậy mà những cách ngăn vô hình vẫn làm cho họ xa nhau. Thư Loan đột ngột thấy lòng mình dâng đầy cảm xúc. Không kìm nén được những giọt nước mắt trào ra. Và cô đã nói trong cảm xúc ấy.
- Chị Ba, em có lỗi. – Thư Loan nghẹn lại. – Tấm hình thứ tám đúng là Lê Khôi ngày hôm nay.
- Thật vậy không Thư Loan? Có thật là Lê Khôi của ngày hôm nay? Tôi đã vẽ mái tóc anh ấy đã có những sợi bạc. Vết thẹo đuôi mắt trái đã có nhiều nếp nhăn. Nhưng tâm hồn anh ấy vẫn ngời trong đôi mắt. Mà thôi… - Hoàng Yến đột ngột xúc động. – Chúng mình đừng nói tới chuyện này nữa. Tôi, tôi sẽ cố quên đi.
Thư Loan nghiêm mặt:
- Chị không có quyền được quên.
- Biết làm sao. Chúng tôi đã thề nguyền cùng nhau, những con suối trong sạch chảy vào sông và đổ ra biển lớn, không con suối nào tự cạn hay chảy ngược dòng.
- Chị Ba, chị đừng khi nào nghĩ tội cho anh Khôi,anh Khôi dù du học bên Mỹ, dù đã phục vụ trong chế độ cũ, nhưng con suối của anh chưa bao giờ chảy ngược dòng. Một người cộng sản như chị có thể yêu một người có cảnh ngộ như anh Khôi? Chẳng lẽ chị tự giày vò mình bằng câu hỏi tầm thường của những kẻ tầm thường?
Hoàng Yến bối rối.
- Tám năm nay, dù không gặp nhau, nhưng tôi vẫn tin vào tình yêu của tôi.
- Và bây giờ gặp nhau chị đã thất vọng?
- Chưa hẳn như thế. Nhưng vì đâu chúng tôi yêu nhau. Chẳng phải tình yêu đất nước đã se duyên cho chúng tôi? Nếu bây giờ sợi dây đó không còn thì tình yêu của chúng tôi còn có ý nghĩa gì. Tôi không thể yêu một kẻ đã bán linh hồn cho quỷ sứ.
Thư Loan không kìm nén được cơn giận bột phát của mình, giọng cô nghiêm lạnh.
-Chị Ba, chị không được xúc phạm anh Khôi. (Mình cần thiết phải nói thẳng vào cái gút chính của mọi nghi ngờ). Khi lên công trường, em có nghe nói chị cho tiến hành khảo sát lô số 2. Em đã linh cảm thầy điều chị nghi ngờ ảnh. Có phải như vậy không chị Ba?
- Tôi…
- Nếu em không nhầm thì lô số 2 cũng thăm dò theo đề án của Lê Khôi?
- Loan cũng biết bản đề án đó sao?
- Bản đề án này chị đã tìm thấy trong kho lưu trữ đề án khoa học?
- Đúng.
Thư Loan thở dài.
-Lẽ ra em phải hỏi chị điều này ngay từ khi tới công trường, khi biết công việc thăm dò đã triển khai ở lô số 2. Và chị cũng đã trả lời em đơn giản như chị vừa trả lời. Nhưng không… Chúng ta đã xa lạ nhau, nghi kỵ nhau như vỉa đá câm lặng kia.
- Thư Loan nói vậy là sao?
- Anh Khôi và em tới đây trong mặc cảm mình đang là kẻ bị nghi ngờ. Còn chị, hai bản thiết kế của cùng một tác giả, một bản bán cho Mỹ, một bản dâng cho cách mạng. Đâu là chân thành, đâu là giả dối. Em hoàn toàn thông cảm với nỗi nghi ngờ của chị. Chị Ba. – Thư Loan ngào nghẹn, - Chị đừng giận em, lẽ ra em phải nói với chị câu chuyện về bản đề án ngay từ khi gâp chị. Nhưng em đã không thể, em là đàn bà, và chị… Chị cũng là đàn bà… - Thư Loan nắm tay Hoàng Yến, không ngăn giữ và che giấu cảm xúc của mình. Cô khóc. – Sau khi tốt nghiệp ở Mỹ về, anh Khôi được giao trách nhiệm thiết kế đề án khai thác quặng. Và anh ấy đã đề ara bản đề án mà hiện chị đang cầm, đang cho khảo sát ở lô số 2. Một bản đề án tuyệt vời. – Một lát. – Chị biết không, chính vì bản đề án đó mà em đã đem lòng yêu anh ấy. Một tình yêu đơn phương, không được đáp lại. Và cũng chính vì bản đề án đó mà suýt nữa chị mất anh ấy và em cũng mất một người anh đáng kính. – Thư Loan nghe thấy từng run rẩy từ tay Hoàng Yến truyền sang mình. – Tội chị ấy quá. Vậy mà mình đã giấu nén câu chuyện này để hành hạ chị ấy. Mình, mình thật xấu xa…
Thu Thủy thật trang nhã và lộng lẫy trong chiếc áo dài trắng, bên chiếc pianô, cô đang ngọt ngào từng búp tay nhả những hợp âm một giai điệu của Môda. Lê Khôi ngồi nghe em gái đàn. Tâm hồn anh thả lỏng bay lượn cùng âm thanh…
Ở Mỹ, người ta không còn ưa chuộng những bản nhạc cổ điển nữa. Nhạc rốc đang thịnh hành. Thật khó lòng được nghe trọn một khúc của Môda, Bêtôven hay Bắc. Nhưng nhạc rốc có thể nghe ở bất cứ đâu. Trong khu sinh viên. Trong nhà hàng. Đêm của các thành phố Mỹ là đêm của khỏa thân và rốc. Đêm ấy, một đêm nhớ nhà quá sức chịu đựng, Lê Khôi uống uýtxki tới say mềm và lần mò cùng đám bạn tới tiệm (Hoa rơi) thưởng thức màn thoát y vũ. Cô gái múa thoát y, thân hình mềm oặt như con rắn, đang uốn éo phô diễn tất cả đường nét kín đáo trước mắt mọi người. Âm nhạc nhẹ, hòa với hơi thở. Cô gái cởi từ từ một bên bít tất. Bít tất màu đen được bóc ra dần, để lộ cặp giò dài, trắng muốt. Cô xoay người nhẹ cởi chiếc bít tất bên kia. Cặp giò lại từ màu đen, chuyển qua màu trắng hồng. Cặp chân bắt đầu múa lượn. Âm nhạc. Một sợi dây nịt ngực bung ra. Phô một trái cấm. Sợi dây nịt ngực còn lại bỗng bị đứt tung và chiếc áo nịt như một bó hoa được ném dịu dàng xuống đám khách đang ngồi nhìn ngắm. Một ai đó, đứng dậy, bắt được bông hoa áo nịt đó, đưa lên môi hôn. Những tràng cười tán thưởng. Âm nhạc xốc lên những âm thanh thú dữ, kích động, gào thét. Lê Khôi say quá, Lê Khôi chẳng còn nhìn thấy gì, oặt cổ ra phía sau chiếc ghế tựa và ngủ…
Thu Thủy vẫn đàn. Giáo sư đi đâu về, cũng đã vào phòng k hách nghe con gái đàn.
Sau cái đêm khủng hoảng với rượu và thoát y vũ đó, Lê Khôi ghê tởm chính mình. Và anh đã tự trừng phạt mình bằng cách không bao giờ đụng tới uýtxki và nghe nhạc.. Con người ta hơn xúc vật ở chỗ có quần áo che thân, vậy mà khi có quần áo che thân rồi, họ lại tìm thú vui trở lại làm xúc vật. Tội nghiệp những cô gái đã phải đem thân thể của mình ra để kiếm miếng ăn. Suốt thời gian học ở Mỹ, Lê Khôi hầu như không bước tới những nơi như quán “Hoa rơi” lần thứ hai. Và mãi khi trở về nước, anh mới lấy lại được sự sảng khoái, thú vị, khi được nghe tiếng đàn của em gái thanh thản với những điệu Môda.
Thu Thủy dứt tiếng đàn. Hai bàn tay cô chết lặng trên hàng phím trắng. Một cảm giác lâng lâng của đôi cánh đang từ từ đáp xuống bãi cỏ xanh rờn của mơ mộng. Một tràng vỗ tay. Giáo sư là Lê Khôi ngợi khen cô. Cô ngoảnh lại, nhìn thấy gương mặt họ sáng trưng.
- Thật tuyệt vời em gái của anh ạ.
- Ba cũng cho là vậy, mặc dù, ba chỉ được nghe khúc cuối.
Thu Thủy đứng dậy, khẽ cúi người điệu đà như một nghệ sĩ thực thụ. Cô không nói một lời ngoài nụ cười đằm thắm, rồi bước về phòng mình. Nơi đó, không gian của riêng cô, cô muốn tận hưởng nốt chút lâng lâng Môda.
Giáo sư và Lê Khôi đưa mắt nhìn nhau. Họ cảm thông với trạng thái xúc động nghệ sĩ của Thu Thủy.
- Thưa, ba mới ở Viện về?
Giáo sư lắc đầu. Ông địnhn ói với con trai điều gì đó, nhưng lại thôi.
- Con cảm giác ba có điều gì không bằng lòng?
Lê Khôi châm bình trà, và rót một ly trà nóng lễ phép đưa mời giáo sư.
-Nếu con rảnh, thì con nên đến gặp kỹ sư Thư Loan.
- Thưa ba, con không có chuyện gì cần phải trao đổi với cổ.
- Có đấy con ạ. Ba mới gặp cổ ở Tổng nha.
- Ba lên Tổng nha làm gì?
- Chuyện của con.
Lê Khôi vẫn giữ nụ cười và anh hiểu là tới lúc này anh không thể né tránh vấn đề giáo sư vừa đặt ra.
- Thưa ba, người ta kiện con phải không ạ?
- Công ty khai thác quặng Việt Mỹ đâm đơn kiện con.
Con biết, họ đang chuẩn bị mở công trường khai thác quặng theo đề án của con. Nhưng họ đã phát hiện những sai lạc nghiêm trọng của bản đề án.
- Con cố tình xây dựng một đề án khai thác sai lạc như vậy, đúng không?
- Vâng.
- Ba và cô Thư Loan cũng đoán như vậy. Nhưng ba chưa biết lý do, con làm như vậy để làm gì?
- Thưa ba, con đã thề và không cho phép mình làm trái với lời thề.
- Lời thề nào?
- Thưa ba, lời thề làm một con suối không chảy ngược dòng.
- Thôi. Ba không muốn nghe chuyện con suối, con sông nào hết. Ba chỉ mong con đừng làm chính trị, đừng vì chuyện đó mà phương hại đến sự yên ấm của gia đình ta.
- Ba vẫn dạy con phải là một nhà khoa học có lương tâm.
- Ba không ngăn cấm con điều gì khi lương tâm đòi con phải làm. Nhưng...  - Giáo sư ngập ngừng. – Ba không muốn pháp luật làm rầy rà con.
- Ba nên chuẩn bị tinh thần kể cả cái kết cục xấu nhất với con, con có thể bị bắt.
Giáo sư lặng điếng. Đã một lần Lê Khôi bị bắt. Đối với giáo sư như thế là quá đủ. Ông cảm thấy bị xúc phạm. Con một giáo sư có tăm tiếng như ông mà phải ngồi tù. Đã tưởng những năm dài theo học ở Mỹ, Lê Khôi dứt bỏ tất cả những gì mơ mộng hão huyền của những cuộc xuống đường có khả năng làm thay đổi bộ mặt xã hội. Nhưng, hình như trong máu con trai ông có những dung dịch phản kháng trộn lẫn. Mới làm việc được mấy tháng, chưa gây dựng được một uy tín đáng kể với học vị tiến sĩ, mà đã vướng vào chuyện này. Công ty khai thác quặng Việt Mỹ đã được thành lập, với một nền kỹ thuật hiện đại, họ sẽ rất nhanh chóng khai thác được những quặng đang nằm dưới lòng đất. Lê Khôi không chấp nhận điều đó. Nó thao thức với bản đề án. Ông đã chia cùng con nỗi thao thức ấy, nhưng ông không thể cho con lời khuyên thích đáng. Trong ông đồng thời tồn tại hai mong muốn: Một là con ông sẽ không tham gia vào bản đề án ấy. Quặng mỏ của đất nước mà để ngoại bang vơ vét, thì đó là một tội lớn, nếu mình tiếp tay cho chúng. Hai là con ông sẽ không bị rầy rà vì bản đề án, nhất là đừng dính tới pháp luật. Với tiền án, nhà cầm quyền có thể sẽ không tha thứ cho nó. Ông chưa biết Lê Khôi làm thế nào để thoát ra khỏi mối rối đó. Ông có nghĩ tới lương tâm người làm khoa học. Và linh cảm là con ông sẽ làm theo lương tâm mình. Nó đã làm đúngnhư vậy. Một bản đề án dỏm. Nó đã qua mặt tất cả các cửa ải, để thành công với bản đề án đó. Nhưng sẽ thật nguy hiểm khi bị phanh phui. Dù nó chối cãi, thì mọi uy tín của nó chỉ là số không. Không thể có một tiến sĩ tốt nghiệp ở Mỹ về mà kiến thức lại non kém tới mức xây dựng một đề án khai thác trên vùng đất không có quặng. Còn như, nó không từ chối, thì cái còng sẽ là điều nó phải gánh chịu.
Giáo sư đứng dậy, ông hiểu rằng, lúc này có nói thêm với con trai điều gì cũng chỉ làm cho nó bối rối, lúng túng thêm, nó cũng đã đủ trí khôn để quyết định và chịu trách nhiệm với mọi việc làm của mình. Lê Khôi chừng như cũng đọc được nỗi băn khoăn lo lắng của giáo sư trong đôi  mắt.
- Thưa ba, có nghĩa là ba không bằng lòng với việc làm của con?
Giáo sư lắc đầu.
- Nếu con dưới mười tám tuổi thì ba đã nói với con những điều cụ thể theo ý của ba. Nhưng bây giờ con đã khôn lớn.
- Dù sao, theo ý ba, con phải làm gì bây giờ?
Giáo sư nhìn con, cái nhìn dịu.
-Nếu con rảnh, con nên gặp kỹ sư Thư Loan. – Giáo sư đằng hắn, rồi nói thêm, - Ba nghe nói, họ đã cho thành lập hội đồng kiểm tra bản đề án của con. Cô ấy là một thành viên trong hội đồng đó.
Không đợi con trai trả lời có định đi gặp Thư Loan hay không, giáo sư bước rảo chân về phòng mình. Tâm trạng của ông thật phức tạp. Vừa thương con, lại vừa giận con. Ông lại vùi đầu vào những cuốn sách toán học. Nhưng lần này chữ nghĩa và những con số đã không phục tùng ý muốn của ông. Ông chỉ bình tâm trở lại, khi nghe tiếng xe máy của Lê Khôi nổ ngoài sân rồi lao vút ra đường. Ông hiểu là Khôi sẽ tới nhà Thư Loan. Dù sao, mọi việc cũng nên bắt đầu như thế. Ông ngả đầu ra sau chiếc ghế xoay, cố thở thật sâu, tìm lại sự thư thái của tinh thần.
Sự xuất hiện đột ngột của Lê Khôi, có làm cho Thư Loan lúng túng. Anh chưa tới nhà cô lần nào. Mặc dù hai người biết nhau cũng khá lâu và cái cớ để gặp nhau không phải là không có. Anh chàng mặt lạnh và kiêu ngạo. Ấn tượng của Thu Loan về Lê Khôi là vậy. Anh ta chẳng thèm nhìn ai, ngoài cái gật đầu chào là công việc, hình như anh ta chẳng muốn thổ lộ với bất kỳ ai một chuyện gì khác ngoài công việc. Nhưng điều lạ là các cô gái lại hay để mắt tới anh ta. Anh ta là đề tài thường trực để các cô đàm luận. Ngoài mặt, chẳng một cô gái nào nói là mình ưa anh ta cả. Nhưng ai cũng cảm thấy nên không nói với anh ta thì không chịu nổi. Tất cả các cô trong Viện đều phải lòng anh ấy. Tiến sĩ. Con nhà gia giáo. Đẹp trai. Đôi mắt lúc nào cũng lạnh và kên kên. Nhưng nếu không phải là đôi mắt ấy, mà là một đôi mắt khác, chưa thấy con gái đã long lên, hoặc lúc nào cũng muốn sụp xuống van xin điều gì đó, thì anh ta chẳng có gì để nói. Thư Loan vẫn ao ước, một lúc nào đó, anh ấy sẽ dành những phút giây vàng ngọc để trò chuyện với mình. Với anh ấy, mình đã cúi thấp quá.
-Ba tôi có khuyên tôi đến gặp cô.
Câu vào đề quá lạnh. Chưa có người con trai nào dám đề cao mình một cách thoái quá trước mặt Thư Loan cả. Đó cũng là lý do để cô không bập ngay vào câu chuyện, dù trong lòng cô rất muốn.
-Tôi mới gặp Thầy ở Tổng nha., thầy có nhờ tôi gặp anh.
- Có nghĩa là cô có những điều bổ ích để nói với tôi?
- Tôi không dám nghĩ tới chuyện đó, bởi trên mọi phương diện anh đều hơn tôi.
Một nụ cười làm lành. Có thể chính bản thân anh ấy thấy mình hợm hĩnh.
- Ba tôi có nói cô tham gia vào việc kiểm tra bản đề án khai thác quặng của tôi.
- Dạ.
- Cô cảm thấy thế nào?
- Nếu anh thành thực muốn cùng trao đổi vấn đề đó thì chúng ta có thể nói chuyện.
- Tôi chẳng có lý do gì để không thành thực.
Anh ấy đã nói thật. Mặt anh ấy đã dịu đi nhiều. Sự lạnh cóng của cá tính hình như đã ấm lại. Mình đã làm cho anh ấy ấm lại hay câu chuyện gây men?
- Bằng cách nào anh đã qua mặt được mọi người ở Viện để phê chuẩn được bản đề án?
- Người ta đã quá tin tưởng vào học vị tiền sĩ của tôi. – Cười nhạt, - Nước Mỹ đã cấp cho tôi văn bằng đó.
- Có nghĩa là anh thực hiện bản đề án đó có dụng ý?
Anh ấy cười. Cũng chẳng cần thiết bắt buộc anh ấy phải trả lời câu hỏi đó.
-Anh không nghĩ là khi tiến hành mở công trường người ta phát hiện ngay những sai lạc của bản đề án.
- Tôi có nghĩ tới điều đó. Nhưng thời gian sẽ ủng hộ tôi.
- Tôi thực sự chưa hiểu ý anh.
- Tôi đã kéo dài thời gian thực hiện đề án. Tôi đã dẫn họ lạc đường. Và bây giờ muốn làm lại cần phải có một thời gian.
- Nhưng làm như vậy có ích gì cho anh, nếu không muốn nói là anh sẽ phải chuốc những rắc rối vào mình và uy tín sẽ sụp đổ.
- Tôi biết điều đó. – Lặng. Anh muốn diễn giải một điều gì đó, nhưng khó nói. Phải một lúc rất lâu, mới tiếp tục. – Mọi việc bây giờ càng kéo dài được giây phút nào càng tốt. Cuộc chiến nhất định phải được vãn hồi. Vãn hồi sớm nhất. Tôi không muốn là kẻ tiếp tay cho ngoại bang kéo dài cuộc chiến.
Ai có thể ngờ là anh ấy lái câu chuyện sang khía cạnh chính trị. Thì ra ảnh cố tình làm như vậy. Nếu ảnh cũng khai mọi điều với Tổng nha, thì cái án với ảnh chắc chắn không phải nhẹ.
Gương mặt ảnh bỗng đằm thắm. Giọng nói của ảnh bỗng ấm. Ảnh không giữ khoảng cách khách sáo với người đối thoại.
-Tôi không nhờ cô giúp điều gì. Bởi cô cũng không thể giúp tôi, khi họ buộc tôi vào cái mà họ gọi là tôi lỗi. Tôi tự biết cái giá phải trả. Con người ta, khi không còn cảm thấy lời thề là thiêng liêng nữa, thì cuộc sống sẽ vô nghĩa và vô vị.
- Nếu anh không cho là tò mò, anh có thể cho biết anh phải giữ lời thề nào, với ai?
Anh ấy cười. Câu nói của ảnh đầy mơ mộng, ảnh như đã nói với tất cả mà lại như chưa nói gì.
- Tôi đã thề với một người bạn, dù ở đâu, dù hoàn cảnh cuộc sống có khắc nghiệt có cay đắng thế nào đi nữa, thì tôi vẫn là một con suối nhỏ, con suối chảy đổ về sông và nhập vào biển lớn. Con suối của tôi sẽ không bao giờ cạn hoặc chảy ngược dòng…
Thư Loan không muốn hỏi thêm, mặc dù cô thực chẳng hiểu những gì ẩn dấu trong câu nói của Lê Khôi. Nhưng cô không cho phép mình tò mò. Đôi mắt của anh ấy trĩu xuống, cô cảm thấy thương và gần gũi.
- Người ta sẽ truy tố anh.
- Tôi biết. – Anh thản nhiên khi nghe thấy điều đó. Hẳn là trong lòng anh đã chờ đợi một hậu quả như thế này. – Tôi chẳng có gì ân hận về việc làm của mình. Tôi không thể cam tâm nhìn bọn ngoại bang khai quật những khoáng sản của đất nước.
Thư Loan bỗng thấy anh cao lồng lộng, đẹp rực rỡ. Đẹp hơn cả chính anh những ngày xuống đường biểu tình. Anh vẫn theo đuổi và tôn thờ lý tưởng mà anh lựa chọn. Cô muốn nắm lấy tay anh, ve vuốt an ủi. Anh đã nói đúng, cô chẳng có quyền hành gì để có thể cứu anh thoát khỏi tai họa này. Vấn đề là trong hai khả năng khép tội, nên chọn khả năng nào cho thích hợp nhất. Khả năng một, như chính anh đã thừa nhận, anh có ý thực thi bản đề án với tất cả các sai lạc, để nhằm kéo dài thời gian công ty Việt Mỹ mở công trường khai thác quặng. Thời chiến, bọn Tổng nha có thể khép anh vào tội tiếp tay cho cộng sản. Tù đày đó là kết luận chắc chắn. Khả năng hai, phải tìm mọi cách, chứng minh là anh đã thực thi bản đề án này với những số liệu, những kết quả xét nghiệm không đúng đắn, sai lạc. Do tắc trách và lười nhác, anh đã không kiểm chứng lại các tài liệu. Họ sẽ kết tội anh nhẹ hơn, nhưng uy tín của một tiến sĩ khoa học sẽ chẳng còn gì. Dù vậy, khả năng thứ hai vẫn tốt hơn.
- Em sẽ giúp anh trong khả năng có thể của mình.
Lê Khôi cười. Nụ cười như muốn nói là anh không tin vào những điều gọi là “giúp” của cô.
-Dù sao tôi cùng rất biết ơn cô. Nhưng cô là gái, liên quan tới chuyện này không lợi đâu. Cô sẽ nhận là cô đã cung cấp cho tôi những kết quả xét nghiệm không chính xác chứ gì?
Anh ấy là con người thông minh.
- Hai người, thậm chí là ba người chia chung nhau một gánh nặng, như vậy vẫn cứ tốt hơn.
Anh cười và tự nhiên sự cách xa không còn giữa hai người, anh gọi cô bằng em, thân ái và dịu ngọt.
-Anh chỉ có một thỉnh cầu với em…
- Anh cứ nói.
- Nếu họ o ép quá, thì em có thể cứ công bố những kết quả xét nghiệm chứng minh là bản đề án của anh sai lạc. Còn những xét nghiệm chính xác các mẫu đất, đá ở khu vực có quặng, em hãy giữ như một bí mật.
- Tất cả các kết quả xét nghiệm em đã ghi chép rất kỹ trong một cuốn sổ. Em tặng anh.
- Em cứ giữ lấy, sẽ có lúc chúng ta cần tới những số liệu đó. – Lắng một lúc lâu, - Ba anh rất buồn về chuyện này, nhưng ông cụ không giận anh. Cụ bảo anh tới tìm em. Anh biết như thế này là quá đường đột đối với em…
- Anh Khôi, anh đừng nghĩ vậy.
- Họ đang hoàn tất hồ sơ để truy tố anh, anh chỉ muốn nhờ Thư Loan, nếu anh có bị tội tù, thì em hãy an ủi ba anh. Tội nghiệp, suốt đời cụ lo cho anh…
- Anh Khôi…
Thư Loan đã không nén được cảm xúc của mình. Anh ấy đã trao gửi cho mình niềm tin cậy. Mình muốn tựa vào vai anh ấy, muốn chia sẻ cho anh ấy những gì đang đè nặng trên vai. Không hiểu mình có đứng vững được không, khi thấy hai tay anh ấy bị tra vào cái còng số tám. Cầu Trời, hãy cứu anh ấy. Hãy thương xót anh ấy.
Thư Loan đã nhận lời Lê Khôi tới thăm giáo sư liền sau đó. Lê Khôi muốn giáo sư chứng kiến tận mắt con trai của người đã thực hiện những ý muốn của người như thế nào. Giáo sư đi vắng. Nơi phòng khách Thu Thủy lại đàn. Những hợp âm Môda lại vang lên. Lê Khôi ra hiệu cho Thư Loan ngồi xuống ghế. Cả hai lại thả hồn bay theo những giai điệu của Môda…

Mời đọc tiếp Bốn.3/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét