Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/ Tiểu thuyết Giọt Đắng / Một.2



NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyết

GIỌT ĐẮNG

(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)


MỘT.2
Lê Khôi ngả người trên chiếc ghế xoay, đầu óc hơi rối. Anh và Thư Loan vừa táo tợn tới gõ cửa nhà Viện trưởng. Phải như vậy thôi anh Khôi ạ, chúng ta là những nhà khoa học, chúng ta biết chọn con đường ngắn nhất đi tới mục đích. Đề án thiết kế khai thác quặng đã được duyệt, nhưng công trường chưa được mở. Lý do: Xem xét lại đề án. Chúng ta cần tìm Viện trưởng hỏi cho ra lẽ. Lê Khôi không tán đồng những thuyết phục của Thư Loan. Vấn đề khoa học không chỉ chất vấn và tranh cãi, mà cần được chứng minh. Ngay từ chiều thứ sáu, Thư Loan đã đưa ra ý kiến gõ cửa nhà Viện trưởng, anh từ chối. Anh muốn tự mình xem xét lại mọi khâu trong trong đề án thiết kế của mình. Suốt đêm thứ sáu, rồi cả ngày thứ bảy. Tới mười hai giờ đêm, thì anh hoàn toàn tin chắc là đề án của mình rất vững chắc. Anh báo tin này cho Thư Loan sáng nay, tại cà-phê “Quỳnh” (Sáng chủ nhật nào họ cũng uống cà-phê ở đây. Hai chiếc ghế mây kê rất điệu dưới tán ổi lòa xòa). Thư Loan nhắc lại việc cần thiết gõ cửa nhà Viện trưởng. Và lần này, Lê Khôi đã không có lý do gì để từ chối.
Viện trưởng chừng sáu mươi, tóc bạc, nước da đỏ hồng, giọng nói sang sảng và bước đi còn rất chắc. Ông là một trong không nhiều những nhà khoa học của Viện mà Lê Khôi và Thư Loan thực tâm yêu mến và kính trọng. Và câu chuyện của họ vượt qua hàng rào khách sáo rất nhanh mà không ai cảm thấy lố.
Viện trưởng: Tôi định sáng mai, sẽ mời anh chị ta cùng bàn chuyện này. Nhưng anh, chị đã tới sớm hơn dự định, vì thế ta bàn luôn.
Thư Loan: Thưa chú, như vậy có nghĩa là chính chú đã ra lệnh không mở công trường theo đề án thiết kế của anh Khôi?
Viện trưởng: Trước khi trả lời câu hỏi của chị, tôi xin đính chính hai điều trong câu hỏi đó. Thứ nhất, không phải tôi ra lệnh. Thứ hai, công trường chưa mở, chứ không phải không mở. Vấn đề là như thế này, cần phải xem xét lại một vài điểm.
Thư Loan: Thưa chú, nhưng đề án đã được duyệt.
Viện trưởng: Đúng, đề án đã duyệt. Chữ ký của tôi cũng đã nằm cạnh chữ ký của tiến sĩ Lê Khôi. Việc kiểm tra lại một vài điểm trước khi mở công trường, không có nghĩa là hủy bỏ đề án đã duyệt. Khoa học cần được chứng minh. Anh Lê Khôi, anh rất vững tin vào bản đề án của mình chứ?
Lê Khôi: Thưa, vâng.
Viện trưởng: Nếu vậy, mọi chứng minh chỉ càng làm cho bản đề án của anh đáng quý hơn. Tôi muốn đề nghị với hai anh chị như thế này… - Viện trưởng lưỡng lự.
Thư Loan: Chúng cháu chờ đợi những đề nghị thẳng thắn của chú.
Viện trưởng: (Cười) Hai anh chị có thể thu xếp công việc lên công trường ít ngày được không?
Thư Loan: Có nghĩa là chú chấp nhận cho cả cháu cùng đi?
Viện trường: (Cười) Tôi nghĩ, đây cũng là công trình của chị.
Tiễn Thư Loan và Lê Khôi nơi cửa, Viện trưởng ân cần nắm tay từng người. Đôi mắt đầm ấm. Con người cũng như khoa học các em ạ, cần phải được chứng minh trên cả hai binh diện lý thuyết và thực nghiệm.
Lê Khôi cảm như gương mặt của Viện trưởng hiện ra và tiếng nói văng vẳng đâu đây.
Có gì ẩn trong câu nói của Viện trưởng mà ông chưa thể nói ra. Con người và khoa học đều cần được chứng minh. Chứng minh bản đề án thiết kế và chứng minh con người mình? Phải chăng trong Viện lại nhen dậy những nghi ngờ? Thôi, hãy quẳng nỗi lo vào sọt rác. Lê Khôi đứng dậy, mở cửa bước vào phòng khách, bắt gặp Thu Thủy đang ngồi trầm tư trên ghế xa-lông.
- Sao, cô bé? Đàn cho anh nghe một bài.
Cái răng khểnh cười buồn.
- Có chuyện gì xảy ra vậy, anh Hai?
- Đề án khai thác của anh đã được phê duyệt, nhưng không hiểu vì sao chưa mở được công trường.
- Là sao, anh Khôi? Chẳng lẽ họ nghi ngờ đề án của anh?
Lê Khôi gật đầu. Nhưng anh không muốn gieo cái gật đầu khẳng định đó vào lòng cô em gái. Anh giải thích:
-Phải lên trên đó mới biết cụ thể được, em ạ. Em thu xếp dùm anh một số đồ đạc.
Lê Khôi bước lại chỗ treo bức chân dung, nhẹ tay gỡ xuống. Thủy giật mình. Thế là cuối cùng anh cũng lại bức chân dung. Nếu không có lời yêu cầu của giáo sư, thì chắc chắn Thu Thủy đã kể cho Lê Khôi nghe tất cả những điều mới nhất cô biết về bức chân dung.
-Anh tính mang cả bức chân dung chị Hoàng Lan theo sao?
Lê Khôi vẫn đắm mắt vào bức chân dung, không ngoái cổ lại cô em gái. Anh như nói với người trong hình.
-Chị ấy đã từng cùng anh sang Mỹ du học, rồi cùng anh trở về Nước, cùng anh đêm đêm dưới ngọn đèn với bản đề án khai thác quặng. Bây giờ lên công trường quyết định số phận của nó, anh muốn chị ấy có mặt.
- Em không cho anh mang chỉ theo đâu. – Thủy muốn kéo anh trai ra khỏi những tưởng tượng sâu đậm về người trong chân dung. Lúc này, đầu óc anh con cần được minh mẫn. Cô nghe tiếng giáo sư. Và cô cũng tự tin ở sự nhõng nhẽo của mình mà chưa bao giờ Lê Khôi khước từ những đòi hỏi nhõng nhẽo đó. – Đã tám năm nay, lúc nào chị ấy cũng ở bên anh, bây giờ anh phải dành chị ấy cho em ít ngày.
Lê Khôi vẫn như đang nói với người trong hình.
-Bức chân dung này với anh là kỷ niệm vô giá. Chị ấy đã tự họa tặng anh ngày chị ấy ở tù.
- Sao anh không kể cho em nghe câu chuyện này từ trước?
Lê Khôi quay lại phía em gái.
-Anh không muốn làm ba má buồn. Chính  ba đã yêu cầu anh không được nhắc lại chuyện này. Hôm nay anh đã có lỗi với ba.
- Cặp mắt của chị ấy… - Thu Thủy suýt buột miệng nói về chị Ba, nói về bí mật được phát hiện từ đôi mắt này.
- Cặp mắt tròn và to phải k hông em? – Thu Thủy giật mình, khẽ gật đầu, - Cặp mắt ấy đã và sẽ theo anh suốt đời. Nhưng mà thôi… Dù sao, cũng là chuyện của quá khứ.
- Em không cho anh mang bức chân dung này đi đâu.
- Lê Khôi cười. Anh chợt nhớ tới câu chuyện về một người nữ bệnh nhân nào đó, mà Thu Thủy hết lời ca ngợi.
- Theo anh thì người nữ bệnh nhân ấy đã hớp mất hồn cô bác sĩ em gái anh. Chuyện người nữ bệnh nhân ấy đã trở thành câu chuyện thường nhật của gia đình. Hình ành người nữ bệnh nhân đối với Thu Thủy là một thần tượng.
-Em tham quá đấy.
Lê Khôi cười đằm thắm,
- Chẳng phải em cũng đã có một chị Ba nào đó rồi sao?Chị ấy đã xuất viện. – Thu Thủy lại phải mím môi khó khăn lắm mới ngăn được những lời thèm nói cứ định chảy ra.
- Nếu anh không lầm, thì chính em đã nói bệnh tình của chị ấy còn lâu mới bình phục.
- Chị ấy chưa bình phục hẳn. Nhưng nhất định đòi ra viện, vì một lý do gì đó như là rất quan trọng.
- Thật tiếc, anh chưa có dịp làm quen.
Phải chi hôm trước em đưa anh gặp chỉ? Phải chi đầu óc em thông minh, mẫn cảm hơn một chút, em phát hiện ngay ra đôi mắt to tròn của chỉ cũng chính là đôi mắt to tròn của người trong bức chân dung kia, thì… Liệu câu chuyện sẽ thế nào? Cuộc gặp gỡ không hẹn trước của hai người mà em được chứng kiến có nhiều nước mắt hay là những cái nhìn ghẻ lạnh và những câu chào hỏi hững hờ. Hèn chi, chị Ba hầu như hé rất ít những điều liên quan tới thân thế, sự nghiệp của mình. Còn mình, qua những câu hỏi rất tinh tế của chỉ, mình đã kể cho chỉ nghe, không phải cùng một lúc, mà mỗi lần một chút, chỉ đã ghép lại thành tất cả. Dù như vậy, mình vẫn hình dung ra chị. Một chút qua nhà văn, một chút qua bản thân chị, một chút qua các đồng nghiệp của mình. Và điều quan trọng là những ngày chị ở trong bệnh viện, bệnh nhiều, thậm chí nặng, mà chị luôn lạc quan. Chính chị đã phát hiện ra tâm tư chán nản của mình với công việc, với hiện tình xã hội và Thành phố. Và mỗi ngày một chút, chị đã đẩy lùi những chán nản đó ra khỏi lòng mình. Chị ấy, một quá khứ oanh liệt, một hiện tại đang với bao vất vả gian nan, mà chỉ vẫn lao vào gánh vác, chia xớt, đón nhận. Còn mình? Tại sao cứ ngồi than van cho số phận thực ra rất sung sướng an nhàn.
Từ phía sau, bà má ra, bước chân rối rít, tính bà vẫn vậy bất cứ chuyện gì xảy ra với hai người con của bà đều cực kỳ quan trọng và bà tự thấy phải có bổn phận nhẩy vào cuộc. Chắc hẳn giáo sư mới báo tin cho vợ về việc Lê Khôi đi công trường vào ngày mai. Giáo sư đi cạnh vợ, chậm rãi, như muốn kiềm chế bớt những hốt hoảng, theo giáo sư là không cần thiết, của bà vợ. Nhưng sự kiềm chế đó không hiệu quả. Vừa thấy Lê Khôi, bà má đã chạy bổ lại, và câu hỏi của nặng trĩu nỗi lo lắng.
-Hai ơi, có chuyện đó thiệt sao?
Lê Khôi quay nhìn bà má, một cái nháy mắt pha trò với Thủy. Anh hiểu rằng, chỉ cần bộ mặt thoáng buồn, hay có vẻ đang suy tư của anh, cũng sẽ trút thêm dầu vào ngọn lửa hốt hoảng của má. Chỉ có nụ cười và sự pha trò khôi hài được nỗi lo.
-Có chuyện gì đâu má.
- Đừng dấu má, tội nghiệp. Có phải cơ quan họ ghét bỏ con, họ đày con đi lao động cải tạo.
Lê Khôi cười phá lên. Ý nghĩ lao động là một cuộc đày ải đã trở thành nếp hằn trong óc má. Đã bao nhiêu lần, má nói toạc ý nghĩ này với anh, dù những lần đó, má thừa biết là anh phải đi công trường để lấy mẫu đất đá xét nghiệm. Tiếng cười của anh lan qua Thu Thủy. Cả cô bác sĩ cưng này bà cũng cười? Đối với má, bất kỳ một công việc chân tay nào mà các con bà tham gia cũng là sự đày ải. Chỉ có giáo sư là cười bằng mắt. Ông kính trọng vợ, ông hiểu rằng, nếu ông a tòng với tiếng cười của các con, chắc chắn bà sẽ giận, và như thế chẳng có lợi gì, bà sẽ lại nhịn cơm và nằm dài, than cho sự cô đơn của mình. Giáo sư nhẹ tay đưa quyển sách dầy lên ngang mặt. Không để má ngơ ngác lâu với tiếng cười của mình, Lê Khôi ôm vai má.
-Con tự thấy cần phải lên công trưởng kiểm tra đề án của mình.
- Nhưng bà má vẫn không dứt được nỗi lo lắng.
- Thì ra những lời đồn đại đã thành sự thực.
- Đồn đại gì, thưa má?
- Người ta đồn ầm lên là đánh tư sản thương nghiệp xong, cách mạng sẽ đánh tới trí thức.
Giáo sư hình như không bằng lòng về điều bà vợ nói, ông kẹp cuốn sách đang mở lại, dù là lời trách móc, nhưng giọng vẫn đầm ấm.
-Tôi đã nói với bà bao nhiêu lần rồi, đừng thèm nghe những tin thất thiệt.
- Bà má lừ mắt.
- Cái gì ông cũng nói là thất thiệt. Tới lúc cháy nhà ông mới trắng mắt ra.
- Má. – Ba con nói đúng đó. Gia đình mình là gia đình trí thức lương thiện, không có điều gì đáng phải lo lắng.
- Sao má cứ thấy lo lo.
- Má chuyện gì cũng lo. – Đã tưởng câu nói của Thu Thủy cao dần theo âm sắc được pha nhiều chất kim của cưng chiều, nhưng giọng cô bỗng trầm xuống chân tình, - Má thương chúng con đến nỗi lưng má còng xuống hồi nào mà đâu có hay.
Lê Khôi chia sẻ tấm lòng với cô em gái, anh muốn dứt hẳn nỗi lo trong lòng bà má.
-Con đi công trường cũng như đi pích ních mấy ngày mà má.
- Con lên trên đó, má biết cậy nhờ ai trông nom. Một vị tiến sĩ mà phải đi khoan đất, đào đá thì còn ra thể thống gì nữa. Hay để má mướn người đi thế?
Lê Khôi cười xòa:
-Đâu có được má. Bản đề án này là của con, công trình con đeo đuổi mấy năm nay.- Con không nói vậy để má yên lòng chứ Hai? Bà má nhìn con tin cậy. – Vậy thì để má lo chuẩn bị mọi thứ cho con lên đường. – Quay lại phía Thu Thủy, - Con lấy giấy bút ra để má đọc, con viết. Nào, lẹ lên…
Thu Thủy lấy cây bút bic và cuốn sổ tay để trên mặt bàn pianô. Cô cầm sổ và viết trên tay sẵn sàng ghi chép. Bà má không nhìn cô mà đang nhẩm tính cái gì đó trong đầu. Bà đọc:
-Lạp xưởng một ký, dăm bông một ký, sữa hộp mười lon…
Thu Thủy nghếch mắt nhìn bà má như chưa tin vào tai mình. Bà má dục:
-Viết xong chưa? Cà-phê một ký, thuốc lá năm cây.
- Trời ơi, bộ má tính nuôi cả công trường hay sao?
Bà má gắt:
-Đó không phải là việc của con. Xà bông thơm một lố, xà bông giặt hai ký…
Thu Thủy phá lên cười. Lê Khôi cũng cười theo. Giáo sư lại đưa cuốn sách dày lên ngang mặt, mặc dù ông cũng không nín được cười.
Tại sao các con cười má? – Bà má nghiêm mặt hỏi.
-Chừng má muốn anh Hai con đi một năm mới về?
- Sao lại một năm? Thằng Hai mới nói với má chỉ đi mấy ngày.
- Anh Hai con chắc phải ở trển cả năm mới ăn hết dăm bông lạp xưởng của má. Tính ảnh, còn đồ ăn, ảnh chưa chịu về đâu.
- Vậy hả? – Bà má hỏi lại một cách ngây thơ. Điều đó thìđúng là bà chưa tính ra, bà xun xun hai bàn tay vào nhau, cười cười. - Ờ, ờ, vậy mà má không  nghĩ ra, để má tính lại.
Bữa cơm chiều, bà má vẫn chưa chịu buông tha mọi người về những tính toán rắc rối chi ly của bà đối với chuyến đi của con trai. Những tính toán chi ly, rắc rối, theo giáo sư, còn khó hơn cả những bài toán vận trù mà ông tính toán cho ngành giao thông. Nhưng ông hiểu là mình chỉ có bổn phận nghe và cần thiết thì đỡ tay cho vợ với tư cách người giúp việc.
Bữa cơm kết thúc nhanh hơn lệ thường. Thu Thủy được lệnh lấy xe Honda đưa bà má ra chợ Cũ. Như thế tiện hơn. Những thứ hàng khô bầy bán dọc đường Hàm Nghi sẽ giúp bà tính toán nên mua những gì và số lượng bao nhiêu.
Giáo sư và Lê Khôi còn ngồi nán lại nơi bàn ăn chị giúp việc đã dọn sạch sẽ. Giáo sư đang tính hỏi đầu đuôi câu chuyện với con trai. Tiếng điện thoại không thích hợp đã vang lên. Lê Khôi chạy như bay lại đó. Giáo sư nhìn theo. Gương mặt không thay đổi, nhưng thật tinh hẳn thấy ông không hài lòng vì người nào đó đã gọi điện cho con ông vào giờ này. Đối với ông, mọi chuyện chẳng có gì quan trọng, ngoại trừ sự hoang mang giao động tinh thần của con trai ông. Đề án khai thác một loại quặng mới là một công trình Lê Khôi đã ấp ủ nhiều năm và giáo sư cũng đã hỗ trợ cho công trình đó không ít tâm lực. Mặc dù chuyên môn của giáo sư là toán học, còn đây là địa chất học. Không sao. Mọi khoa học đều có những liên quan mật thiết với nhau. Giáo sư nói với vợ và con như thế. Giáo sư chỉ mong sao công trình của Lê Khôi sớm được thực hiện, đó là một cần thiết đối với tinh thần của cả gia đình ông.
Lê Khôi trở ra rất vội, không phải để sẵn sàng câu chuyện với giáo sư, mà để xin phép ông tới nhà người bạn. Nếu là những  lần khác, giáo sư đã không hỏi anh tới nhà ai, có chuyện gì, giáo sư vẫn cho đó là những tò mò không cầ thiết, dù sao con cái cũng đã khôn lớn. Nhưng lần này, giáo sư đã phá lệ, Lê Khôi đã trả lời cho giáo sư yên lòng là anh phải tới nhà Thư Loan, để giúp cô chuẩn bị vài thứ cho cuộc đi công trường ngày mai. Giáo sư sáng bừng gương mặt. Như thế có nghĩa là cả Thư Loan cũng sẽ đi công trường. Tuyệt. Có Thư Loan bên cạnh, ông chẳng còn lo lắng gì. Hơn nữa, đây cũng là một dịp, nói theo cách nói của bà vợ, để chúng có điều kiện sáp vào nhau, chưa thực sự sáp vào nhau thì chúng chưa thể nên vợ nên chồng được.
Lê Khôi dẫn xe. Giáo sư đích thân đóng cánh cửa sắt, chốt then, rồi chậm rãi quay vào nhà. Ông thả mình trên chiếc ghế sa lông phòng khách. Tuyệt. Mình sẽ thông báo cho bà ấy biết chi tiết vô cùng quan trọng này. Và bà ấy sẽ mừng bốc lên như trẻ nít cho coi. Con Thu Loan mà đi với thằng Lê Khôi nhà mình lên công trường thì tôi chẳng còn băn khoăn gì nữa. Chúng đi pích ních trước khi đi trăng mật. Giáo sư thầm cười với tưởng tượng của mình. Không, mình không tưởng tượng, nhất định bà ấy sẽ nói như thế.

/ Mời đọc tiếp Một.3/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét