Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/ Tiểu thuyết Giọt Đắng / Một.4


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

MỘT.4


Viện trưởng như đọc thấy hết những băn khoăn trên mặt Đô. Cuộc đời không phải là một bài thơ nhà văn ạ. Ác cậu quen nhìn đời với các gam mầu nóng. Cái gì bước vào thơ các cậu cũng tráng lệ, huy hoàng. Cả đến tiếng khóc các cậu cũng khoác cho nó cái tên mỹ miều “bi hùng ca”. Mình nói thật nhé, nếu cuộc đời toàn những gam mầu nóng thì cuộc đời sẽ thoái hóa, cuộc đời sẽ suy tàn. Đó cũng là lý do, vì sao thơ các cậu không hay, nó cứ lông bông lang bang thế nào ấy. Đọc to lên nghe không ồn, nó xủng xoảng, nó trống rỗng, mà đọc nhỏ thì không thể. Những lúc muốn chia ngọt xẻ bùi với thơ, chẳng biết đọc câu nào cả. Lại phải ngâm Kiều. Thời gian đọng lại buồn tênh. Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người. Sự huyền diệu của Kiều là sự chở tải, là sự ấm áp, là sự vị tha. Tôi cứ khát thèm những vần thơ như thế. Cậu có ý trách tôi, tại sao không nói thẳng với Lê Khôi những nghi kỵ uẩn khúc về cậu ấy. Chẳng lẽ nói thẳng lại đơn giản? Dù tôi là viện trưởng, nhưng tôi vẫn là một con người, tôi có những thiên tư, những định kiến của riêng tôi. Trong trường hợp này, tôi chia xót nỗi đau của Hoàng Yến. Cô ấy đang phải uống những giọt đắng rất đời. Cô ấy đang phải đi tìm mình ở trong mình đấy nhà văn ạ. Thời gian, những phũ phàng của cuộc sống. Không gian, những đổi thay của hoàn cảnh. Tất cả những điều đó không phải chỉ nói ra là thành niềm tin.
Viện trưởng châm thêm trà vào ly nước đã cạn của Đô. Gương mặt nhà văn đăm đăm, anh muốn nói điều gì đó, nhưng không nói được.
Cậu biết tôi cũng đã lâu. Tôi chẳng phải con người thành kiến. Nhưng tôi vẫn có nỗi lo của riêng mình. Cháu Nga của cậu năm nay cũng đã hai mươi. Nó là út. Tôi lo cho nó nhiều lắm cậu ạ. Cậu đừng nghĩ cái lo của tôi lẩn thẩn. Con có thể yêu. Làm sao cấm được cháu điều đó phải không cậu. Nhưng ba chỉ xin con đừng dính dáng với trai Sài gòn nào. Tôi sợ điều đó đấy cậu ạ. Cái Sài gòn cũ ấy mà, dù trong lý thuyết tôi hiểu rằng những thanh niên bằng độ tuổi con tôi, đều mới lớn lên, chưa nhiễm gì. Nhưng… Xóa mặc cảm trong mỗi con người không dễ đâu cậu ạ. Trong Viện khoa học mà tôi là Viện trưởng, tôi bằng mọi cách cố chứng minh cho mọi người hiểu rằng tôi chẳng có thành kiến với bất kỳ ai. Nhưng thực ra trong lòng tôi cứ gờn gợn. Khi tôi giao công trình nào đó cho những tri thức cũ, tôi nhiều phân vân. Cháu Nga của cậu, nếu vướng phải một thanh niên Sài gòn nào đó thì tôi cũng buồn. Cha của chàng trai sẽ là ai? Một sĩ quan ngụy hay một nhà tư sản? Nếp sống của gia đình họ. Nếp nghĩ của họ. Nhiều thứ lắm cậu ạ. Tôi có thể tiên đoán thấy những bất hạnh cho con gái tôi. Sao cậu cười. Biết thế nào được khi tôi thực sự lo.
-Chẳng lẽ không có cách nào khác, thưa bác?
Viện trưởng như chờ câu hỏi đó của Đô.
-Không. Phải chứng minh nghi vấn bằng khoa học cậu ạ. Chúng ta đều là những nhà khoa học.
- Tại sao bác không nói thẳng điều đó với tiến sĩ Lê Khôi?
- Tôi không muốn. Bởi tôi sẽ nghe những lời thanh minh, mà nhà khoa học không thể chỉ căn cứ vào những lời thanh minh, khoa học có cách giải quyết riêng của nó, cần phải cụ thể chứ không thể trừu tượng.
- Nhưng dù sao, bác cũng cứ nên nói thẳng với Lê Khôi.
- Chừng nào có đủ luận cứ vững chắc về con người cậu ấy. Xấu tốt phân định rạch ròi, tôi sẽ nói.
- Như vậy là mỗi chúng ta cứ tự đào những hố cách ngăn.
- Cậu nói sao? Chúng ta đào những hố cách ngăn? Nếu cậu là Viện trưởng như tôi, liệu cậu có đủ lòng tin vào con người Lê Khôi, khi trong tay cậu có hai bản đề án, của cùng một tác giả, mà nội dung lại hoàn toàn khác nhau.
- Nhưng bác đã có đủ cứ liệu khoa học để tin vào bản đề án mà chính bác đã duyệt.
- Đúng. Nhưng phải hiểu về bản đề án kia như thế nào? Tôi đã cho lục tìm khắp trong kho lưu trữ, không có tài liệu nào nói về bản đề án đó. Tôi muốn bằng thực tế khảo sát lại những luận cứ của đề án ấy.
- Cháu hiểu, bác phải cẩn trọng, bởi bác là Viện trưởng.
- Là nhà văn thì trong những trường hợp này cũng phải cẩn trọng cậu ạ.
Hai người lại ngồi lặng đắng.
Dù sao cậu cũng là người ngoài cuộc. Còn chúng tôi, những người trong cuộc. Cậu có biết Hoàng Yến khổ sở như thế nào khi phát hiện ra điều này không? Cô ấy đã kể cho tôi nghe, cô ấy sung sướng như thế nào khi được điều về làm chỉ huy trưởng công trường khai thác quặng mỏ theo đề án của Lê Khôi. Cô đã mường tượng một cuộc gặp gỡ tuyệt vời. Nhưng rồi cổ đã lặng đi, khi tìm thấy bản đề án thời ngụy cũng của Lê Khôi, cũng về đề tài này. Mặt cổ xám nhợt như một xác chết. Hai kết quả sẽ bày ra trước mắt cổ. Một: Lê Khôi là con người như chờ mong của cổ. Hai: Lê Khôi là một con chó. Cậu là nhà văn, cậu đã biết cổ nhiều năm, cậu hiểu được tấm lòng cổ đối với Lê Khôi như thế nào. Cậu hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó mà xem, cậu sẽ làm gì để tìm thấy con người thật của Lê Khôi?
Thực ra, chuyện chẳng có gì phải ầm ỹ. Cổ lẳng lặng lên công trường, khảo sát và kiểm nghiệm lại một số mẫu đất đá theo đề án cũ của Lê Khôi. Nhưng Lê Khôi đã không chấp nhận sự trì hoãn mở công trường. Ở con người cậu ta cũng có cái gì đấy. Một là sự chân thành, muốn đem hết khả năng của mình cống hiến. Hai là sự xảo trá, nếu không muốn nói là sự phá hoại có tính toán.
-Cậu có ý định lên công trường?
- Ý bác thế nào?
- Tôi nghĩ, vấn đề quặng mỏ, không phải là vấn đề cậu quan tâm, mà cậu quan tâm tới số phận của những con người như Lê Khôi, như Hoàng Yến. Nếu cậu rảnh, cậu nên lên trên đó ít ngày, tôi cho là sẽ rất thú vị.
- Cháu sẽ đi. Nhưng không phải để viết sách.
- Sao vậy? Chẳng phải cậu đã nói với tôi là cậu ấp ủ câu chuyện này mấy năm nay.
- Cháu có ý định viết một cuốn sách về đề tài địa chất, nhưng bây giờ cháu không hứng nữa.
Nhà văn các cậu làm việc theo hứng, tôi biết. Còn chúng tôi, những người làm khoa học, không thể tùy hứng. – Viện trưởng cười khà khà. Từ nãy tới giờ ông mới cười, - Tôi nói cậu đừng giận nhé, nếu cậu viết về các loại quặng mỏ, các loại công trường, thì độc giả sẽ chẳng thèm cầm quyển sách của cậu đâu. Vì cậu không thể nói về công trường, về quặng mỏ hay như chúng tôi được.
Thưa bác đúng.
Địa chất hay công trường thực ra chỉ là cái cớ cho cậu thôi. Viện trưởng lắng một lát, bàn tay trái nhẹ đưa ly trà lên miệng. – Địa chất là một đề tài tuyệt vời cậu ạ. Những khoáng sản vô ngôn ẩn sâu trong lòng đất, ta phải cố công khảo sát, tìm kiếm với hy vọng đưa được nó lên trên mặt đất phục vụ cho cuộc sống của con người. Những khoáng sản này, dù có ẩn náu hiểm hóc thế nào đi nữa, thì con người vẫn có cách phát hiện và khai quật được. Nhưng có một loại khoáng sản tiềm ẩn sâu kín trong mỗi con người, thì không dễ gì khám phá được. Cậu nên đi công trường và cậu nên viết về những người địa chất chúng tôi.
Cháu sợ mình bất lực.
Vậy hả? Nhà địa chất bất lực trước khaon1g sản? Tôi chia buồn với cậu. Nhưng chúng tôi không bất lực. Cậu nên lên công trường. Tìm gặp Hoàng Yến thì biết. Cổ đang bằng mọi cách tìm cho được chất quặng thật trong người Lê Khôi.
-Cảm ơn bác.
Đô chẳng biết vì sao mình lại buột miệng thốt ra câu đó. Anh không bất lực, có thể cách diễn đạt của anh không chính xác và cũng có thể anh đang bị chi phối bởi hoàn cảnh không tuân theo những dự kiến sẵn có của anh.
Họ chia tay nhau. Viện trưởng không có ý mời anh quay trở lại, ổng hẹn anh, khi nào cuốn sách viết xong, ổng sẽ là những độc giả đầu tiên. Đô không biết ngày đó là khi nào…
Mình đã hứa với Thu Thủy, nhất định sẽ trở lại báo tin cho cô biết. Đô đi lan man trên đường, hướng về phía nhà Thu Thủy. Nhưng rồi anh đột ngột quyết định không tới nữa. Những thông báo của mình sẽ làm cho Thu Thủy và ba má cô rối hơn. Anh sựng lại nơi vườn hoa trước Nhà Thờ Đức Bà. Tìm chiếc ghế đá trống.
Đêm xám. Đức Bà đúng uy nghi, cao lộng, ánh sáng đèn đường hắt lên người Đức Bà.
Một cô gái đến dùng mùi nước hoa rẻ tiền, đi lượn lờ trước mặt anh. Chị em ta. Đô thông báo với mình. Cô gái đi qua mặt anh lần thứ hai, thì dừng lại, làm vẻ khép nép ngồi xuống mép chiếc ghế đá.
-Anh chờ ai vậy?
- Tôi chờ Đức Mẹ.
- Anh bảo sao? – Câu hỏi đã cho phép cô ngồi sáp lại gần Đô.
- Cô cũng tới đây chờ Đức Mẹ?
- Em không theo đạo.
Đô quay lại, nhìn thật kỹ cô gái. Câu trả lời của cô có cái gì đấy ngây thơ, hồn nhiên. Cô gái chừng hăm ba, hăm tư, mặt đánh phấn vung, hai mắt đánh bút đen nhánh, chỉ có cặp môi là không son. Rõ rồi. Những cái hôn được trả bằng tiền mới hiểu hết.
-Anh có “đi” không?
Đô rùng mình.
-Không. Tôi ngồi chờ Đức Bà.
Cô gái lẳng sang Đô cái nhìn buồn, rồi đứng dậy cùng nỗi ê chề. Đô thấy mủi mủi trong lòng.
-Này cô.
Cô gái quay lại:
-Anh gọi em?
- Cô ngồi xuống đây.
- Không, em còn phải đi làm.
- Khuya rồi mà.
- Nhưng em đói.
- Ta đi ăn mỳ vậy, tôi cũng thấy đói.
- Cám ơn anh.
Đô đứng dậy, để cô gái khỏi lưỡng lự.
-Ở đầu đường Mạc Thị Bưởi có quán mỳ.
- Đi với em anh không ngán sao?
- Không.
Họ đi bên nhau. Cô gái thủ thỉ. Em tên Trang. Em không phải hạng người mất nết làm “gái” chuyên nghiệp đâu. Ba má em ở Phan Thiết. Nhà cũng khá anh ạ. Ba má em, cho hai anh em em mấy cây vô trong này tìm đường vượt biên. Anh trai em đi thoát, còn em kẹt: Bao nhiêu tiền ba má cho, em bị chúng lừa sạch, nên em phải bơ vơ… Em làm cái nghề này tạm thôi, kiếm được ít tiền em sẽ trở lại với ba má…
Cô gái ăn một hơi hai tô mỳ. Đô nhìn cổ ăn mà ái ngại. Cô ta đói quá.
-Ăn hai tô đã quá. – Cô cười nhõng nhẹo. – Anh đẹp trai dễ sợ, đẹp hơn cả anh trai em.
Đô chưa biết mặt anh trai cổ, nhưng nếu anh trai cổ cũng có khuôn mặt, đôi mắt và cặp môi giống cổ, thì sự đẹp trai của Đô xem ra cũng không có gì phải khen nức nỏm đến thế
-Anh đưa em về nhà chứ?
Đô cười, chưa kịp trả lời.
Ngoài đường, một cặp thanh niên đi xe Honda ập tới, họ dựng xe hơi vội và bước vào quán. Cô gái trông thấy họ, chợt biến sắc và đứng vụt dậy co chân chạy về phía bùng binh Nguyễn Huệ. Vì chưa trả tiền mỳ nên Đô không thể phản ứng gì trước hành động bất thường của cô gái. Hai thanh niên nhìn Đô nháy nháy cặp mắt hóm hỉnh.
-Con Trang mun đang chài ông bạn phải không?
Đô đớ người, lưỡi thụt lại.
-Phước cho ông bạn đó. Nó đã chài ông bạn tới khúc lâm ly xuống tàu vượt biên bị lột sạch chưa? Rồi phải không? – Người thanh niên mặc chiếc áo pun cá sấu vừa nói vừa cười, anh ta nghển cổ lại gần phía Đô, nói đủ nghe. – Tôi cũng đã mủi lòng với nó và suýt nữa thì bị nó khoắng sạch đồ đạc, quần áo trong nhà. Bọn chúng không thể tin được ông bạn ạ…
Đô không biết nói gì với họ, lẳng lặng bỏ đi, lòng trĩu buồn. Thiệt đúng. Lòng người chứa đựng một thứ khoáng sản bí ẩn nhất, không dễ gì khám phá, không dễ gì linh cảm. Đô thầm trách Đức Bà, Người đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô, con của thượng đế, Người như đã biết tất cả mọi sự trong cõi đời và cõi hư vô. Vậy mà Người câm lặng, Người không mách bảo cho Đô biết, Đô phải làm gì với những mê hoặc của miệng lưỡi đàn bà. Cô gái đã làm cho lòng Đô rung động, thương hại. Nhưng sự rung động thương hại ấy đã vô duyên, khi Đô chứng kiến sự dối trá liền sau đó. Thưa Đức Bà, tôi vẫn cầu xin Người sự thanh thản và trong sạch. Nhưng rồi Đô hiểu tất cả, mọi phiền trách của Đô là vô căn cứ. Đức Bà đã chết rồi, từ lâu rồi, bức tượng nơi vườn hoa chỉ là hoài niệm, là phiến đá tạc nên hình…
Cả nỗi trách giận Viện trưởng. Đô cũng thấy thật vô lý. Nỗi nghi ngờ tự thân hành động của Lê Khôi gây ra. Viện trưởng và Hoàng Yến muốn tìm biết sự chân thực của hành động đó. Đối với họ là cần thiết. Họ cũng là con người, mà đã là con người thì sự hoài nghi vốn có sẵn ở trong máu. Họ đúng. Họ đi khai thác khoáng sản cho đất nước, điều đó quan trọng bởi chính tình yêu và nghề nghiệp của họ. Nhưng họ cần khám phá ra những loại khoáng sản tiềm ẩn trong mỗi một con người. Mình là nhà văn, vậy mà mình lại hốt hoảng, lại bàng quang trước sự khám phá đó. Mình cần gì hơn, khoáng sản có tên gọi để chế biến, hay khoáng sản trong lòng người để viết thành văn?
Đô trở về nhà và quyết định sáng mai sẽ đi công trường.
Thu Thủy không sao ru vỗ được giấc ngủ. Một cái gì đó như là nỗi thắc thỏm có lửa, cứ nóng ran ran trong lòng cô. Cô cởi hết quần áo, chỉ mặc trên người chiếc áo ngủ ngang đầu gối, bằng thun mỏng nhẹ gần như toan. Nhưng cô vẫn không hết cảm giác nóng nực, bức bối. Tiếng chuông điện thoại làm cô giật thót. Có thể nhà văn gọi lại cho mình. Cô vùng dậy, sỏ chân vào đôi dép lê làm bằng thứ mủ xốp nhẹ tênh, chạy ào vào phòng khách. Lê Khôi đã ra trước cô, dưới ánh đèn tường vàng ảo, anh đang nói điện thoại với ai đó. Cô định quay lại phòng, không biết nghĩ sao, chân cô không bước, cô đứng tựa vào cửa sổ trông xuống vườn. Vườn đêm mát lặng, chỉ có vũ hội gần như muôn thuở của lá cây và gió. Cô thả tâm hồn mình vào vũ hội đó.
Anh ấy không phôn lại. Vậy mà anh ấy đã hứa. Đàn ông thật khó hiểu. Những lần đầu khi ảnh mới gặp mình, mắt ảnh như reo, ảnh lúng túng. Mình chấp nhận sự hoan hỉ lúng túng ấy. Nhưng rồi ảnh chẳng tiến thêm bước nào. Hết nói chuyện văn chương lại nói về các nhân vật. Chẳng hay ảnh quen mình, lân la với mình chỉ muốn tìm một mẫu người cho nhân vật. Mình vẫn gọi đùa ảnh là nhà văn vixi. Ảnh cười, hàm răng không đều. Đi xa hơn một chút, ảnh thông qua một cô gái tới thăm bệnh nhân mà mình và ảnh tình cờ cùng gặp để phê bình khéo mình. Cô gái dùng son phấn hơi đậm. Ảnh nói rằng, son phấn là một môn nghệ thuật, quá đà sẽ trở thành một thứ phường tuồng. Sau bữa đó, mình dùng son phấn nhẹ hơn, thậm chí chỉ một lớp kem thoa mỏng và một chút son phớt nơi cặp môi đỏ chín của mình. Mình linh cảm là ảnh nhìn mình say đắm hơn.
Chẳng lẽ mình phải lòng ảnh. Không. Không đời nào. Mình chẳng dành cho ảnh một mili không gian nào trong tim mình. Nữ bác sĩ Thu Thủy ơi, cô đừng quên rằng ảnh là một nhà văn vixi. Mà vixi thì chẳng thể hợp với cuộc sống của cô đâu nhé. Mình không đoái hoài gì tới ảnh mà sao mình lại cứ phải nhắc nhở mình?
Ảnh tặng mình cuốn tiểu thuyết. Mình định không đọc. Các nhà văn vixi chỉ viết toàn chuyện chính trị. Nhưng rốt cuộc mình vẫn đọc. Cái anh chàng nhà văn này láu quá, miêu tả một cô gái mới lớn, tên là Thu Nga, giống hệt như con người mình. Năm ấy mình cũng mười tám tuổi, sinh viên y khoa năm thứ nhất, còn anh ta, cái anh chàng đu đưa mình vào cuộc mạo hiểm đầu đời, hình như hơn mình hai tuổi, học trên mình một lớp. Anh chàng nhất định mời mình về nhà để nghe nhạc. Một cuộn băng thời trang mới được gửi từ Pháp về. Thú vị lắm. Mình lục tung cả cái tủ sách đồ sộ của anh chàng. Lúc đầu anh chàng bối rối, lúng túng đi theo mình (Tất nhiên là có nhạc đệm) như một cái đuôi. Tới khi mĩnh kiễng chân lên định với một cuốn sách trên giá cao. Chợt mình thấy hai tay anh chàng đã đỡ lấy người mình. Mình khẽ rùng mình, quay lại. Anh chẳng đã quàng tay ôm lấy người mình và không xin phép, thậm chí hơi thô bạo, anh chàng kéo ghì mình lại và hôn môi mình. Mình muốn thét lên, muốn tát cho anh chàng một cái. Nhưng mình cứng đờ người, tay chân mình chẳng chịu tuân theo sự sai khiến của trí óc. Đôi môi anh chàng tươi thơm như trái táo, mạnh bạo và cuồng nhiệt. Điều đó bỗng nhiên làm mình không tự chủ được. Anh chàng đòi mình phải chấp nhận cái hôn bằng cách dùng sức mạnh của con đực. Mình thấy lửa chạy khắp người. Một cảm giác man man. Mình không cảm thấy tức giận hay phẫn nộ, mà đón nhận cái hôn của anh chàng nửa như từ chối, nửa như thúc dục. Anh chàng đưa mình đi trong tiếng nhạc. Mình chẳng còn biết gì nữa, chỉ thấy chính hai tay mình đang giữ chặt cái đầu bướng bỉnh của ảnh. Ngộp thở. Anh chàng hôn khắp mặt mình hớp tất cả những gì còn tỉnh táo và minh mẫn. Mình chẳng biết đang là ai nữa, hình như mình bay. Môi mình cũng đi tìm môi ảnh và hôn. Anh chàng tên Phương. Tình yêu đầu đời của mình chết sớm quá. Chừng ba tháng sau cái buổi mạo hiểm đó, anh chàng đã cặp tay đi chơi với một cô gái khác, tất nhiên là già và xấu xí hơn mình nhiều, nhưng trội bật là cô nàng, con gái cưng của chủ hãng Hoa Sơn xuất nhập khẩu bông vải sợi. Mình thù ghét và kính sợ đàn ông từ ngày đó. Cô Thu Nga trong tiểu thuyết của nhà văn vixi cũng vậy. Tội nghiệp. Sau khi đọc xong cuốn sách, mình đã hỏi thẳng anh chàng: Anh moi đâu ra cô nàng Thu Nga tội nghiệp đến vậy? Anh chàng cười. Sao lại tội nghiệp, chẳng phải cuối cùng cổ đã gặp được một hạnh phúc to lớn. Anh linh cảm cô gái đó giống em. Lúc đó, mình đã bỏ đi. Mình thực sự giận ảnh, dù vô lý, giận chỉ bởi tại sao ảnh lại nhìn thấu suốt gan ruột mình? Nhưng rồi chính mình làm lành với ảnh trước. Hai đứa rủ nhau đi uống nước cam. Chết thật, nếu khi đó, ảnh rủ mình về nhà ảnh nghe nhạc, chắc mình cũng bằng lòng. Đừng hòng. Mình sẽ chẳng dành cho anh chàng một mi li không gian nào trong trái tim mình đâu. Cô phải luôn luôn ghi nhớ điều đó, bác sĩ Thu Thủy ạ.
-Nên đi ngủ thôi, em gái của anh.
Lê Khôi đã bỏ điện thoại xuống sau một hơi dài đàm đạo có vẻ thích thú với ai đó, bước lại gần Thu Thủy.
-Ai phôn cho anh vậy?
- Thư Loan.
- Chị Loan hả? Gọi phôn cho đàn ông vào lúc khuya khoắt thế này là không đứng đắn.
Trời ơi, em gái tôi dữ dằn vậy, thì biết tới khi nào tôi mới lấy được vợ.
-Anh yêu chị Thư Loan?
- Là anh nói vậy? – Lê Khôi chống chế câu hỏi của Thu Thủy.
- Anh Hai, anh trả lời cho em biết đi, anh với chị Thư Loan thế nào?
- Bạn.
- Nam nữ chỉ có thể là tình nhân của nhau, chứ không thể là bạn nghe bồ. – Cô cười nhõng nhẹo.
- Anh nói thiệt đó. Có thể Loan yêu anh, nhưng anh thì…
- Như vậy anh không tốt với chỉ.
- Sao?
- Anh làm cho chỉ ngộ nhận là anh yêu chỉ.
- Anh đâu có làm gì.
- Cái đó chỉ mình biết thôi. Anh đã hôn chỉ lần nào chưa?
- Trời ơi, làm gì có chuyện đó. Tới năm tay anh cũng chưa hề.
- Vậy anh yêu ai?
- Ba má và em.
- Anh đừng né, em muốn biết ai sẽ là chị dâu tương lai của em?
- Hiện thời anh chưa thể trả lời được.
- Chị Hoàng Lan là ai mà anh tôn thờ thế.
- Con suối nhỏ.
- Sao?
- Đời mỗi người là một dòng suối n
- Anh lại mơ mộng rồi.
- Những con suối đổ vào sông và chảy ra biển cả.
- Anh có thể chuyển ngành địa chất qua làm thơ. Em chỉ muốn biết chị Hoàng Lan là ai?
- Hoàng Lan là con suối nhỏ của đời anh, là mối tình đầu, là tất cả.
- Em hiểu.
- Lần đầu tiên chỉ đón nhận tình yêu của anh, lúc đó hai đứa còn quá trẻ, bên dòng suối Tiên, không một lời thề, chỉ có những bàn tay khỏa tìm nhau trong nước…
- Nhưng liệu bây giờ chỉ còn yêu anh?
- Anh tin là chỉ vẫn yêu anh.
- Sao anh không đi tìm chỉ?
- Anh đã tìm hoài, tìm hoài, nhưng Hoàng Lan như con chim trời. Dù là chim trời đi nữa, anh tin là sẽ có ngày tìm thấy.
- Ngộ nhỡ bây giờ chỉ không còn muốn gặp anh nữa. Người ta bảo không có mối tình đầu nào trở thành hôn nhân…
- Đừng nghĩ bậy.
- Nhỡ chỉ đã lấy chồng…
- Ờ, cũng có thể chuyện đó xẩy ra, nhưng gì thì gì anh vẫn yêu chỉ.
Thu Thủy không thể kìm nén được những xung động mạnh đang dâng lên trong lòng, trước gương mặt trong sáng đến ngây thơ của Lê Khôi. Mình đã hiểu vì sao ba má không muốn mình gợi chuyện chị Hoàng Lan với anh ấy. Thời đại của nền đại cơ khí và điện tử này, thật khó tìm kiếm được một tấm lòng thủy chung đến độ cũ kỹ của thời phong kiến hoàng kim. Anh ấy tôn trọng và gìn giữ mãi một lời thề tình yêu. Mình có nên nói tất cả sự thật mà mình biết xung quanh bức chân dung kỳ lạ kia không? Tại sao những ngày ở bên chị ấy, mình không thăm dò cuộc đời riêng và những mối tình của chỉ. Khó lòng có người con gái nào ở tuổi chị ấy mà chỉ biết một làn môi đàn ông. Mình đã không hỏi. Mình chỉ cuốn hút mình vào những công việc kỳ vĩ và sức chiến thắng bệnh tật kỳ vĩ của chị ấy.
-Giả dụ nếu bây giờ anh biết tin chị Hoàng Lan, anh có dám tới tìm gặp chỉ không?
-Anh chẳng có lý do gì để trì hoãn.
- Nhưng nếu chị ấy đang đảm đương một chức trách gì đó của cách mạng.
- Đâu có sao.
- Anh nghĩ rằng chị ấy sẽ xóa sạch mọi thành kiến về anh.
- Thành kiến gì?
- Anh Lê Khôi…
- Anh hiểu em muốn nói gì. Nhưng anh tin vào con người mình, dù anh có đi du học bên Mỹ, dù anh có những tháng năm dài sống trong chế độ Mỹ - ngụy. Nhưng con người anh không phải là tờ giấy thấm. Anh vẫn là anh.
- Anh tin như vậy sao? Chị ấy vừa nhận ra anh sẽ ôm chầm lấy anh sao?
- Có lẽ như vậy.
- Không. Anh ngây thơ lắm. Họ sẽ chẳng tin anh một cách dễ dàng và đơn giản như vậy đâu.
- Nhưng em đặt ra sự kỳ lạ ấy làm gì? Anh chưa linh cảm thấy sự kỳ lạ ấy xảy ra.
- Nó sẽ xảy ra… - Thu Thủy muốn khóc, nhưng cố nén được, - Ngay ngày mai sẽ xảy ra.
- Em nói sao?
- Lẽ ra em không nói cho anh biết điều này, nhưng em không thể giữ mãi trong lòng, dù ba đã cấm em, - Cô bật khóc. Lê Khôi bối rối, anh chẳng biết tìm lời nào an ủi. Một lát, - Ngày mai anh lên công trường khai thác quặng, anh sẽ gặp người trong bức chân dung kia. Chị Hoàng Lan, hay là chị Ba, hay là chị Hoàng Yến, cũng vậy. Chính chị ấy là người đang phán xét bản đề án khai thác quặng của anh.
- Em đang nói chuyện với anh hay là em đang mơ đó.
- Em nói thiệt. Sáng nay, nhà văn đã kể cho em nghe điều đó.
- Thiệt sao?
Thu Thủy chợt hối hận vì điều mới nói, cô trở nên bối rối lúng túng.
-Anh sẽ bình tĩnh chứ anh, dù sao anh cũng là một tiến sĩ khoa học, anh đã yêu chị ấy bao nhiêu năm, em tin là chị ấy không nỡ đối xử với anh…
- Cứ cho là chuyện đó xảy ra đi, thì em cũng vẫn phải đi ngủ, khuya rồi…
Lê Khôi đưa Thu Thủy về cửa phòng cổ. Thu Thủy nắm tay anh.
-Anh phải hứa với em là anh sẽ xử trí mọi chuyện thông minh, lịch sự như là anh vẫn thường xử sự với mọi chuyện nghe.
Lê Khôi gật đầu. Cánh cửa phòng Thu Thủy khép lại. Chẳng biết cô em gái sẽ chống cự với giấc ngủ của mình như thế nào, còn Lê Khôi, chếch choáng, anh nằm xuống giường. Gương mặt Hoàng Lan hiện ra, tươi trẻ nhí nhảnh, tóc xõa vai mềm, nụ cười có hương táo chín. Anh khao khát gặp lại em. Nhưng anh không chờ đợi cuộc gặp trong cảnh ngộ éo le này. Tại sao em lại nỡ đối xử với anh như thế? Anh tìm kiếm em. Còn em, thấy anh mà bỏ trốn. Cứ như những điều Thu Thủy nói mà suy, thì em đã thấy anh, đã biết anh, nhưng hình như đã quên anh. Anh không chờ đợi một sự thật phũ phàng như thế. Lê Khôi vùng dậy, mở ô kéo chiếc tủ nhỏ đầu giường, tìm một viên thuốc ngủ. Anh cần phải ngủ, vì trong gặp gỡ ngày mai với em, anh không muốn mình bơ phờ, run hãi trước bất cứ điều gì. Lê Khôi nằm trở lại. Hai tay gối đầu. Lạ quá. Tại sao em không tin vào đề án thiết kế của anh. Một bản đề án mà anh đã dốc tất cả khả năng và cả máu của mình để làm nên nó. Tại sao như vậy, Hoàng Lan? Lê Khôi thiếp vào giấc ngủ.
Giấc ngủ bị thuốc đánh lừa, chập chờn những mộng mị. Lê Khôi nhìn thấy Hoàng Lan trong giấc mơ. Cô mặc quần áo đỏ chói, ngồi trên ghế quan tòa. Còn Lê Khôi, quần áo tù đứng trước vành móng ngựa.
-Anh nói đi, tại sao?
- Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi cô, tại sao?
- Cái gì tại sao?
- Cũng như cô hỏi tôi: Anh nói đi, tại sao?
- Tôi chẳng hiểu gì hết.
- Trời ơi, tại sao chúng ta lại đến nông nỗi này?
- Tại vì cô ngồi ghế chánh án.
- Tại vì anh đứng trước vành móng ngựa.
- Thế tôi phải đứng ở đâu?
- Suối Tiên?
- Cô còn nhớ suối Tiên ư?
- Anh quên rồi sao?
- Không bao giờ.
- Tôi cũng vậy. Không bao giờ…
Dòng suối bỗng chảy dài trước mặt họ, Hoàng Lan từ trên ghế chánh án bước xuống, tóc lại xõa vai, bộ quần áo đỏ biến đâu mất, cô hiện ra trong màu áo trắng học trò. Lê Khôi bước lên. Cũng áo trắng học trò thay cho áo sọc tù, hai người nắm tay nhau, họ khỏa chân xuống suối, rồi họ ngồi xuống bên nhau bốn bàn tay cùng vục nước và cùng tìm nhau.
Chợt tiếng chuông quan tòa và giọng Hoàng Lan vang lên sang sảng: Tòa tuyên án… Không. Không. Không. Lê Khôi thét lên. Những hình ảnh biến mất. Anh tỉnh dậy. Biết mình mơ. Mồ hôi rịn ướt khắp người. Từ đó tới sáng anh không thể nào chợp mắt được nữa. Năm giờ anh phôn lại cho Thư Loan như đêm qua đã hứa. Cổ cũng đã dậy. Ông bà giáo sư cũng đã dậy. Chỉ có phòng Thu Thủy đóng chặt. Cô vẫn ngủ.

/ Mời đọc tiếp Hai.1/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét