Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ HAI. 3



NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1,
Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087)
HAI. 3

Lê Khôi đi tới. Mặt cố làm nghiêm. Chân rối.
Hoàng Yến sững sờ. Vụt đứng. Tay nắm chặt mép bàn không cho chân lao ra.
Họ nhìn nhau. Cả hai cùng nén nước mắt.
Hoàng Yến thoát ra khỏi sự lúng túng trước Lê Khôi. Chị kéo chiếc ghế đặt trước mặt Lê Khôi.
- Mời anh ngồi. Tôi có được báo trước về cuộc gặp gỡ này.
- Tối hôm qua, em gái tôi đã nói về chị.
- Bác sĩ Thu Thủy khỏe?
- Nó gửi lời hỏi thăm chị.
- Còn thầy cô?
- Cảm ơn. Ba má tôi đã già đi nhiều, nhưng còn mạnh khỏe cả.
- Ngày ra viện, tôi có định ghé lại nhà thăm thầy cô và Thu Thủy, nhưng rồi vội quá… Trông anh vẫn như xưa.
- Hoàng Lan cũng không thay đổi mấy.
- Già đi rồi còn gì. Xin lỗi… Công trường lán trại tạm, anh thông cảm…
- Dù biết trước cuộc gặp mà tôi vẫn bất ngờ.
- Vâng, thực bất ngờ.
- Hoàng Lan khỏe hẳn chưa?
- Dạ, khỏe.
- Hoàng Lan thay tên hồi nào vậy?
- Hồi ở Côn Đảo.
- Tên mới là Ba, là Hoàng Yến. Tôi xưng hô như mọi người được không?
- Dạ, như vậy tiện hơn.
- Có lẽ vì cái tên mà không biết nhau. Mấy lần trước tôi lên đây khảo sát.
- Khi đó tôi còn đang ở Kông Tum.
- Trên đó đã bắt đầu khai thác quặng?
- Đã bắt đầu được mấy tháng. Tôi ngã bệnh ở đó, về Sài gòn điều trị, rồi được lệnh lên đây mở công trường.
- Trước khi ở Kông Tum Hoàng Yến ở đâu?
- Hà Bắc.
- Gần Hà Nội không?
- Cách chừng hơn trăm cây số.
- Trước khi ở Hà Bắc?
- Câu chuyện còn dài lắm mà anh. Dù sao thì đối với tôi cũng như đối với anh, tám năm qua bao nhiêu chuyện trong đời.
Từ ngoài cửa Thư Loan bước vào, bó hoa dại trên tay. Trông cô như người đi pích ních.
- Giới thiệu với Hoàng Yến, đây là Thư Loan, kỹ sư hóa nghiệm, người đồng hành với tôi trong chuyến công tác này.
- Chào chị, mời chị ngồi.
- Cảm ơn chị. Hoa rừng nhiều quá. Đẹp như chưa từng thấy bao giờ. – Bước lại phía Hoàng Yến thân mật. – Xin tặng chị bó hoa này để làm quen.
- Cảm ơn chị.
Hoàng Yến nhận bó hoa, xóc lại cho gọn, rồi cắm vào chiếc hộp sữa Nhật, đang được dùng làm hộp đựng bút. Những cánh hoa dại, vàng óng, chấm đỏ, bỗng làm cho căn phòng trở nên ấm áp và duyên dáng.
- Chị có biết ở đây chúng tôi gọi hoa này là hoa gì không?
- Thư Loan nheo cặp mắt hóm hỉnh.
- Một tên gọi cụ thể thì tôi không biết. Nhưng nếu được đặt tên cho hoa, thì tôi đã có sẵn cái tên rất thú vị để đặt cho nó.
- Chị cho nghe.
- Hoa Địa chất.
- Hoa Địa chất. Cái tên hay quá. Chị tuyệt thật. Loại hoa này mọc khắp khu đất chúng ta sắp mở công trường.
Thư Loan vẫn hóm hỉnh như cố nén điều gì đó.
- Tên khoa học của nó sẽ là “Tinađicha”.
Những tiếng cười không hòa vào nhau.
- Viện cử hai anh chị (Hoàng Yến cố ý nhấn mạnh hai chữ anh chị) lên giúp tôi. Chúng tôi rất mừng. Bây giờ để anh chị thu xếp chỗ nghỉ tạm. Sau đó, ta cùng bàn công việc.
- Tôi nghĩ cũng nên như thế.
- Nào, mời hai anh chị.
Lê Khôi không hưởng ứng lời mời đó.
- Tôi khỏi. Tôi muốn biết ngay tình hình công trường.
Hoàng Yến xuống giọng.
- Anh thông cảm, dù sao phụ nữ chúng tôi…
- Tùy các vị. Còn phần tôi, nếu không phiền, Hoàng Yến có thể cho tôi mượn cuốn nhật ký công trường.
Hoàng Yến mỉm cười. Chị không muốn làm khó. Chị mở chiếc tủ gỗ kê ở góc nhà, lấy ra cuốn sổ to, dầy, đưa cho Lê Khôi.
- Cũng chưa có ghi chép gì nhiều, anh cứ đọc. – Với Thư Loan, - Ta đi chứ chị.
Thư Loan nếu tay Lê Khôi.
- Đi với em một chút rồi coi sau.
Lê Khôi đáp khô khốc.
-Đàn ông chúng tôi ngủ chỗ nào chẳng được.
Thu Loan nhún vai. Mặt sầm lại. Lê Khôi như người vô tâm. Anh cũng chẳng để ý xem hai người phụ nữ đi về hướng nào. Tội nghiệp những túi xách lỉnh kỉnh nặng trĩu cả vai Thư Loan, mặc dù Hoàng Yến đã mang giúp hai giỏ nặng.
Lê Khôi dán mắt vào những nét chữ quen thuộc, những nét chữ mà anh đã đọc hoài trong những bức thư tình nóng bỏng Hoàng Lan gửi cho anh. Hoàng Yến tự tay ghi nhật ký công trường.
Ngày 14 tháng Ba.
Tám năm rồi… Con suối nhỏ của tôi. Giọng nói, nụ cười, đôi mắt. Đôi mắt vẫn trẻ trung, yêu đời như ngày nào. Nhưng sao em lại im lặng? Em không hiểu rằng anh mong chờ cuộc gặp gỡ này đến thế nào ư? Sao chúng mình không thể ôm nhau trong vui mừng! Tám năm đã làm chúng ta xa lạ nhau quá…
Chi bộ họp bàn kiểm tra, khảo sát lại đề án khai thác quặng.
Cái gì đã làm chúng ta không thể sáp vào nhau? Anh hay là em. Không. Trong mắt em vẫn ánh lên cái ngời ngời của chờ đợi của vui mừng. Anh đã thấy bàn tay em nắm chặt mép bàn, em bỏ tù đôi chân. Còn anh. Tại sao anh không đủ can đảm để lao vào em. Anh chỉ là một thằng đàn ông tầm thường. Lẽ ra anh phải nắm chặt bàn tay em, cái bàn tay cứ giữ chặt lấy mép bàn ấy, rồi kéo em vào mình. Như thế, chúng mình chẳng có lý do gì xa lạ với nhau. Buồn cười thật, ý nghĩ thì liều lĩnh, mà việc làm thì nhạt nhẽo, lạnh lùng. Anh thật chẳng thể hiểu mình. Suốt cả đêm hồi hộp chờ đợi phút giây gặp gỡ này…
Ngày 15 tháng Ba. Quyết định thành lập đội khảo sát đề án mới. (Mới cái gì, thực ra là cũ, cũ mèm rồi). Nét chữ của người ghi nhật ký, đoạn trong ngoặc nét chữ run run. Thống nhất gọi khu vực mở công trường theo đề án được phê duyệt là lô số 1. Khu vực khảo sát theo đề án mới là lô số 2.
Cái gì thế này? Thật khó hiểu. Em thật khó hiểu hay anh khó hiểu? Nhớ ngày nào bên nhau, chúng mình không nói mà vẫn hiểu được ý nghĩ của nhau. Em vẫn thường nói một câu văn hoa: Tình yêu cho người ta thêm mắt, thêm tai. Thoạt đầu, anh không chấp nhận nổi câu nói đó. Anh cho là thứ triết lý lăng nhăng. Nhưng rồi em nói hoài, anh nghe hoài, rồi thấy có lý. Vậy mà bây giờ ngồi đọc bằng mắt những hàng chữ của em mà anh không sao hiểu nổi, em định nói điều gì…
Ngày 16 tháng Ba. Chưa có gì khả quan, cái khó nhất hiện nay là đề án mở công trường ở lô số 1 có đảm bảo tính chính xác. Trữ lượng bao nhiêu? Không xác định được trữ lượng thì không thể mở công trường.
Chẳng lẽ một đề án chính xác đến như thế mà vẫn không đủ sức thuyết phục? Họ nhân danh cái gì mà xét lại bản đề án đã phê duyệt? Một công trình khoa học, thì phải được chứng minh bằng khoa học, đâu có thể cảm tính. Mình phải đối đầu với ai đây. Khoa học hay uy quyền?
Lê Khôi đóng sập cuốn nhật ký lại, đứng dậy, bước lại phía cửa sổ, nhìn bâng quơ ra khu đất lởm chởm những đá, người ta đang dọn dẹp để mở công trường. Khốn khổ, lòng rối bời bời.
Giấc ngủ vô tổ chức kiểu nghệ sĩ nháy nháy đã hạ đo ván quyết tâm của Đô. Anh choàng dậy, đã thấy ánh sáng đã đâm thủng những ô cửa kính tràn vào nhà bất chấp giấc ngủ nướng của chủ nhân. Anh coi đồng hồ tay. Chín giờ. Anh chẳng còn đủ can đảm để xách khăn gói lên Viện quá giang ô-tô lên công trường. Thôi được. Sáng mai vậy.
Nửa giờ sau, anh đã ngồi ưỡn người trong quán cà-phê Vườn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ăn xong đĩa bánh cuốn. Cô chủ quán lưng có bướu bê đến cho anh tách cà-phê phin nóng bỏng. Cô chủ quán thật xấu. Nhưng nụ cười và giọng nói đã cứu cô thoát khỏi mọi mặc cảm về sự tật nguyền của mình. Nếu cô dừng chuyển động, cứ ngồi lặng cho mình nhìn ngắm nụ cười thì thú vị biết mấy. Mình độc ác quá. Đô xua đuổi những ý nghĩ. Rồi cô ấy sẽ có chồng và cô ấy sẽ hạnh phúc.

/ Mời đọc tiếp Hai.4/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét