NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)
HAI. 4
Từ ngoài cửa, một cô gái ăn mặc
mi nhon dẫn xe Honda đi vào, Đô giật mình. Em. Thương Thương. Tên không có dấu
gọi lên nghe rất thích. Thương Thương. Đô khẽ gọi. Cô gái đáp lại bằng cái gật
đầu kèm theo nụ cười. Cô bước lại phía Đô, kéo chiếc ghế mây gần đó, ngồi xuống
gần Đô.
- Em đi một mình?
- Hai mình thì đã chẳng tới đây.
- Sao vậy?
- Để anh phải ghen, mất vui.
- Em ăn sáng nhé.
- Cảm ơn, kêu cho em ly cam tươi.
Cô gái mở giỏ xách, lấy ra gói
thuốc lá ba số năm và chiếc quẹt ga. Cô đưa thuốc mời anh và tự mình rút một điếu.
- Tưởng không gặp anh.
- Anh ngủ quên.
- Quẳng cái công trường chết tiệt
của anh đi. Đời thiếu gì chuyện để viết cứ chạy theo mấy người khùng.
Đô chỉ cười, phả gói thuốc.
- Em nói thật đấy. Anh cứ sống
theo lối văn chương hão huyền này, thì rồi cuộc đời sẽ chẳng ra gì đâu. Lấy vợ
đi, anh sẽ có những tác phẩm hay nhất trên thế gian này.
- Lấy ai? – Đô hỏi như đùa.
- Cô gái chẳng hề kém cạnh.
- Lấy em. – Cô cười phá lên. Một
vài người ngồi cạnh ngó mắt nhìn cô.
- Lấy em anh chẳng dám. Tiền đâu
để em đốt ba số năm suốt ngày thế này?
- Hai đứa cùng đốt em cũng lo được.
- Thiệt không?
- Thôi đi bồ, - Cô cười nhạt, -
Đùa thế đủ rồi. Anh mà yêu ai. Mình lúc nào cũng là cái rốn của vũ trụ. Anh chỉ
yêu mình thôi, không yêu ai hết.
Đô chỉ tủm tỉm, không thanh minh.
Anh và cô quen nhau trong lớp học sinh ngữ đêm. Tiếng anh. Nhà riêng cô giáo Yến.
Cô có cảm tình với anh ngay từ buổi học đầu tiên. Cô chẳng học gì cả, cứ đưa mắt
nhìn anh. Sau ba buổi học thì thân nhau. Và cả hai cùng bỏ học luôn. Cô muốn thế
và anh đã chiều cô. Cô giới thiệu với anh, cô là dược sĩ. Anh tin. Những cuốn
sách thuốc chất đầy trên giá. Và bà mẹ cô chừng như cũng kiêu hãnh vì con gái
mình là dược sĩ. Nhà cô ở Phú Nhuận. Căn nhà một lầu, xinh xinh. Hai mẹ con và
một con chó. Sau này anh biết thêm. Cô không làm ở đâu cả, chạy thuốc tây ở chợ
Nguyễn Thông. Anh hơi câu nệ, chẳng coi cái bằng dược sĩ của cô có ký lô nào hết,
mà nghĩ về cô như là một cô gái chợ trời.
- Em đến để báo cho anh tin quan
trọng.
- Gì vậy?
- Má đi Vũng Tàu thăm dì Năm.
Đô định nói: Điều đó liên quan gì
tới anh. Nhưng anh nín được. Cô gái vẫn chưa buông niềm vui của mình.
- Trưa nay anh lại nhà ăn cơm với
em.
- Đi Bà Cả Đọi thích hơn.
- Không. Sẽ không có nơi nào thú
vị hơn nhà của mình được ăn với người mình thích, một không gian chỉ dành cho
hai người.
- Em lãng mạn còn hơn nhà văn nữa
đó.
- Anh đã nói đúng. Cái lãng mạn
kiểu nhà văn như anh là cái lãng mạn sách vở, còn những người như em, lãng mạn
con người.
Đô bật cười:
- Lãng mạn con người.
- Chẳng lẽ không đúng? Con người
sinh ra ở đời, chẳng lẽ không dám thực hiện những điều mình thích? Thực hiện
bay bướm một chút, quá một chút gọi bằng lãng mạn. Không có cái đó, cuộc đời
này thực vô nghĩa.
- Được, anh sẽ tới.
- Anh thích ăn món gì?
- Nói chung món gì do bàn tay em
làm, anh đều thích cả.
- Nịnh không đúng chỗ à nha. – Một
lát, - Em hỏi thật anh đó, em sẽ làm những món anh thích.
- Măng xào và thịt gà luộc.
- Gì nữa.
- Hai món đó là quá cỡ rồi.
Cô gái đẩy chiếc Honda ra khỏi
quán. Có lẽ cô đi chợ. Phải chi cổ hiền hơn thì biết đâu đấy, mình chẳng đã ngỏ
lời với cổ? Mình không chối cãi là những buổi gặp gỡ đầu tiên, trái tim mình đã
rung lên. Nhưng rồi chính mình ngăn trái tim lại với hàng rào kẽm gai và hàng
chữ: Coi chừng, chó dữ. Mình thực không thể nào chịu nổi cái cảnh cổ vắt vẻo
đôi chân miệng thở nhẹ ra khói thuốc lá. Thành thực mà nói, trong một bối cảnh
nào đó, thì cảnh tượng đó lạ, hơi ngầu một chút. Nhưng trên toàn cục diện cuộc
sống thì lạc lõng. Điều đó còn có thể chịu được. Nhưng cứ nghĩ đến việc cổ lang
bang ngoài đường Nguyễn Thông chạy thuốc ngoại, thì mình không sao chịu nổi. Đã
có lúc,cổ nói thẳng vào ý nghĩ của mình. Chợ Trời cũng năm bảy loại nghe. Mình
chỉ cười. Không muốn làm cổ buồn và cũng không muốn tranh cãi sâu điều đó. Tiếp
xúc với cổ, mình đã đánh giá cổ hơi thấp, mình cứ nghĩ là cổ hời hợt. Nhưng thật
lạ lùng cổ như đọc được hết ý nghĩ của mình. Hai người chưa nói với nhau một lời
tình yêu nghiêm túc bao giờ, nhưng đùa với nhau thì quá cỡ, kể cả việc gọi nhau
bằng vợ, bằng chồng. Cổ thường chủ động trước và không kiêng khem điều gì. Có lần,
mình thử giả lả nắm tay cổ. Cổ để yên cho mình nắm, nhưng khi mình kéo cổ lại
phía mình, mắt cổ đang cười bỗng lạnh ngắt, và giọng nói của cổ chát chúa. Mọi
cưỡng ép đều không ổn nghe bồ. Cũng sau lần đó, Đô càng ngăn rào mình hơn, giữa
hai người giữ một quan hệ bè bạn. Đột ngột hôm nay cổ mời mình tới nhà. Thật
khó hiểu. Nhưng rõ ràng là lòng mình xao xuyến. Một típ người rất lạ. Gần cũng
khó mà xa cũng khó. Thôi được, mình sẽ tùy nghi.
Trên đường tới nhà Thương Thương,
Đô rẽ vào bưu điện Bà Huyện Thanh Quan. Chưa có gì vội lắm. Tới sớm cổ lại bắt
mình thu dọn nhà cửa. Đô quyết định gọi điện cho Thu Thủy. Anh gọi thẳng tới bệnh
viện. Thu Thủy đầu dây nói.
- Anh Đô, té ra anh vẫn chưa lên công
trường?
- Tôi kẹt chút công chuyện, có lẽ
mai mới đi được.
- Tôi cứ tưởng chiều hôm qua anh
gọi điện cho tôi.
- (Cười) Tôi định g ọi, nhưng sợ
làm Thu Thủy rối trí.
- Làm nghề bác sĩ, người ta không
được phép động một chút là rối trí.
- Bao giờ tôi gặp Thu Thủy được.
- Ngày hôm nay tôi bận, mà ngày
mai anh đã đi công trường rồi. Khi nào anh ở công trường về vậy.
- Không thể sớm hơn được sao?
- Không.
- Tôi muốn gặp Thu Thủy ngay bây
giờ được không?
- Không nên anh Đô ạ, tôi đang mắc
bận.
- Vậy mà tôi cứ nghĩ là Thu Thủy
cũng muốn gặp tôi.
- (Cười) Nếu anh lên công trường
cho tôi gửi lời thăm chị Ba nhé.
- Nếu Thủy muốn, tôi sẽ ở lại.
- Sao vậy? Tôi chẳng muốn gì hết,
nói chung là anh nên đi công trường, dù sao, cuốn sách cũng rất quan trọng đối
với anh.
- Thôi được. Chào bác sĩ.
Rõ ràng lần này là mình đã linh cảm
lầm. Cô ta chẳng mảy may nghĩ gì về mình cả. Cô ta quá kiêu ngạo với cái mác
bác sĩ, quá tự mãn với hoàn cảnh gia đình. Trái tim mình đã lạnh. Tim cổ còn lạnh hơn. Hai trái tim lạnh
không thể gặp nhau được. Vậy mà mình cứ đinh ninh là chỉ cần nghe tới tên mình
là cô ta đã reo lên. Và chỉ cần mình ngỏ lời là cô ta ngã ngay vào lòng mình. Một
lầm lẫn không thể tha thứ.
Trong bộ đồ bộ hoa xanh. Thương
Thương như trút hẳn cái vỏ tàng tàng, ngầu ngầu. Người cô cũng như nhỏ nhắn
hơn, xinh xẻo hơn. Mặt cô đỏ bừng hơi nóng của bếp, dù là bếp điện. Tay cô đang
ngắt những cọng hành, Đô vào. Cô khẽ nghiêng má cho Đô. Một cái hôn phớt qua,
thật điệu bộ, đài các.
- Anh được tự do chứ?
- Dĩ nhiên, hôm nay là ngày của
anh mà.
- Cảm ơn em.
Đô trở ra phòng khách. Ngồi xuống
ghế sa-lông. Thư giãn cái sống lưng, nó phải chịu đựng sự ngồi viết lách ngày nọ
nối qua ngày kia, nên được phút nào cho nó nghỉ, thì phải để nó nghỉ hết ga. Mắt
Đô quan sát căn phòng. Thực sự căn phòng không hề xa lạ với Đô, nhưng Đô chưa ở
trong tâm trạng làm chủ như thế này bao giờ. Đô chợt nghỉ mắt nơi chiếc bàn con
có nhiều sách vở và an bom của Thương Thương. Đô đứng dậy, bước vội lại đó. Anh
là thằng ghiền sách.
Hai cuốn an bom đựng ảnh cỡ 9x12.
Tất cả đều là ảnh Thương Thương. Thương Thương cười. Thương Thương trước cửa
trường đại học. Thương Thương với những búp tay dài, móng đỏ. Thương Thương với
cặp mắt u hoài, nhìn đi đâu xa lắm. Thương Thương ăn cóc, Đô chợt thấy ghê
răng. Thương Thương ngồi thẫn thờ trên bãi cỏ.
Một tờ giấy trắng kẹp trong an
bom. Tò mò. Đô mở tờ giấy. Thư tình. Ai đó, cái tên khá đẹp: Hoài Văn. Đô đọc.
“Thương Thương ơi, tại sao em
không trả lời anh? Em có biết rằng sự im lặng của em đang giết chết đời anh. (Một
cái ngoẵng thật dài, kéo ra ngoài lề, lời bình chua vào câu văn đó. Nét chữ của
Thương Thương: Nói cái chết ra miệng, thì chết khó lắm). Anh yêu em. Yêu em như
chưa từng yêu bao giờ. (Lời phê ngoài lề của Thương Thương: Xạo). Anh cũng biết
vì sao em im lặng. Bởi em chẳng hề một phút giây nào nghĩ về anh. Em đã bị thằng
đó bỏ bùa. Em đã tôn sùng nó không phải lối. Bởi vì nó chẳng hề đáp lại tình
yêu của em. (Lời phê của Thương Thương: Đúng, anh ta chưa đáp lại tình yêu của
mình). Anh không phải hạng người nói xấu kẻ khác, nhưng anh buộc phải nhấn mạnh
với em là, ngoài sự lợi dụng ra, thằng đó sẽ chẳng mang lại cho em chút nào gọi
là tình yêu. Em bảo rằng, nó là nhà văn. Văn võ thời này ai mà tin được. Xạo tổ
cha. Hơn nữa, nó lại từ Hànội vào. Ôi, tin làm sao được những kẻ em chưa hề biết
xuất xứ của nó. Tiếc là anh chưa được gặp nó. Nếu gặp, anh sẽ chỉ ra cho em thấy,
nó đã sử dụng võ khí gì để mê hoặc em. (Lời phê của Thương Thương: Anh ngốc lắm.
Tôi yêu anh ấy, còn anh ấy, chưa tiếp đón tình yêu của tôi). Dù sao, em ạ, giữa
em và nó vẫn còn một cách ngăn lớn nhất, anh muốn gọi là cách ngăn muôn thuở
không dễ gì vượt qua được, đó là cách ngăn của địa dư, của tâm hồn, của hai nền
giáo dục, của hai dòng tư tưởng, của hai ý thức hệ. Cách ngăn câm nín, trừu tượng,
dù có cánh cũng không thể bay qua được. Còn anh… Anh dành sẵn cho em tất cả những
gì em mong muốn và chờ đợi để trở thành một người vợ. Em đừng im lặng nữa. Anh
chết mất. (Lời phê của Thương Thương là một chuỗi những dấu chấm than).
Đô đọc lại bức thư một lần nữa, rồi
cẩn thận gấp lại để vào chỗ cũ. Lại những bức ảnh Thương Thương. Thương Thương ở
Vũng Tàu, áo tắm hai mảnh, bộ ngực trắng, tươi. Thương Thương ở Đà Lạt, ngồi
trên ngựa, quần bó ống, ghệt, chiếc nón đội đầu hơi nghiêng. Tại sao không thấy
một hình bóng đàn ông nào bên cạnh? Con người như vậy, tưởng phải nhiều bạn
trai. Hay là quyển khác?
Đô lục tìm rất nhanh, cuốn an bom
khác. Vẫn chỉ Thương Thương. Một vài cái chụp chung với má. Cuối cuốn an bom có
hai câu thơ. Xem xin đừng hỏi hấp cao. Người cô đơn đến lời chào, cũng không…
Đô bỗng thấy tiếng thơ xộc vào tận
óc mình. Lạnh toát. Không phải ai cũng hiểu Thương Thương, cũng chia sẻ được với
Thương Thương. Thương Thương lấy cái bên ngoài ồ ạt để che lặng cái bên trong
cô chiếc của mình. Đô gập cuốn an bom lại. Ngồi lặng. Trái tim Đô đập mạnh hơn.
Thương Thương xuất hiện nơi cửa.
Chiếc áo đầm kẻ to hai mầu tím và hồng. Cô như cao hơn. Mái tóc buông vai thoảng
nhẹ mùi nước hoa.
-Nào, mời anh.
Đô đứng dậy, bước lại phía Thương
Thương, anh bất cảm giác thấy Thương Thương đẹp như chưa hề thấy bao giờ. Anh bạo
dạn cầm tay Thương Thương. Hai người ngồi đối diện nhau nơi chiếc bàn ăn vuông.
- Tuyệt quá.
Đô thực sự không biết mình khen
Thương Thương hay khen hai món ăn được bày rất đẹp dưới bàn. Những miếng thịt
gà vàng ong, chặt vuông vức, mỡ ngậy trên mặt da. Đĩa măng tươi xào thịt bò
cũng rất đẹp, màu vàng của măng điểm những lát thịt bò còn hơi tái. Và đặc biệt
là những lát ớt đỏ mọng, đặt rất mỹ thuật quanh đĩa măng xào. Cô nàng tuyệt
nhiên không phải là người nội trợ tồi, nếu không muốn nói là đảm, món măng tươi
xào thịt bò mà thiếu những lát ớt chín cứ gọi là vứt.
Họ uống bia.
- Anh mê văn chương lắm phải
không?
Đô đưa lưỡi liếm những bọt bia
trên đôi môi, câu trả lời kênh kiệu.
-Anh còn biết làm gì khác được.
Cha mẹ sinh ra anh để làm văn chương.
Thương Thương gật gù, nụ cười thật
ấm.
Thương Thương gắp thịt gà vào
chén của Đô và giục Đô ăn. Đô nhai nhỏ nhẹ có ý chờ nghe Thương Thương nói, nhưng
cô vẫn im lặng.
Tại sao cô nàng lại gợi chuyện
văn chương? Phải chi cô nàng nói về những món ăn, hay nói về những bộ phim mới
đang chiếu ở các rạp, chắc sẽ thú vị hơn. Đô vừa nhai cơm, vừa nghĩ.
- Nếu anh sinh ra để làm văn
chương, mà anh chỉ mới làm được như hiện nay thì ít quá.
- Anh đang bắt đầu mà em.
- Em biết là anh đang bắt đầu.
Nhưng em nghĩ, cái bắt đầu cần thiết phải là sự báo hiệu.
Chưa bao giờ mình nghe Thương
Thương nói những điều có vẻ cao siêu như thế này.
- Chẳng lẽ ở anh không có một báo
hiệu gì?
- Có, nhưng còn ít.
Đô hơi choáng. Gần như không có
người nào nói đốp vào mặt Đô như thế. Người nào được Đô tặng sách cũng cảm ơn
và một lời ngợi khen thường là loại vitamin bổ dưỡng trí óc Đô một thời gian,
Đô cũng đã tặng sách cho Thương. Và chưa khi nào anh hỏi lại Thương về cảm tưởng
khi đọc những cuốn sách ấy. Với anh, những ý kiến của Thương gần như chẳng có
giá trị gì.
- Anh muốn nghe chi tiết một chút.
- Văn chương mà viết về triết lý
cao sâu thì người đọc sẽ đi tìm triết học. Văn chương mà viết về những kiến thức
khao học, thì người đọc sẽ đi tìm các sách khoa học chuyên ngành. Em nghĩ, văn
học nhất thiết phải nói về em hoặc anh…
Đô xen vào.
Văn học là nhân học.
Đọc những cuốn sách của anh, thấy
phần nhân học ít quá, có chẳng thì cũng là những khuôn mẫu đã có sẵn, hoặc người
khác đã miêu tả. Anh có muốn nghe em đọc một đoạn em thích nhất trong tiểu thuyết
của anh không?
Đô gật đầu.
Thương Thương đọc chậm rãi một đoạn
dài.
Đây cũng là đoạn mình thích nhất.
Đô nghĩ. Cổ còn thuộc văn của mình hơn cả mình. Tự nhiên Đô thấy trong lòng
lâng lâng một xúc động thật khó tả.
-Nếu như anh không phản đối, thì
em cho đấy là áng văn khá nhất anh đã viết.
Đô gật đầu.
- Anh thật bất ngờ.
- Hoàn toàn có cứ để nói rằng anh
sẽ viết rất khá, nếu anh tự điều chỉnh lại mình.
- Về điều gì?
- Anh hãy viết những điều bình thường
nhất xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Theo em nghĩ, anh phải tìm và hòa nhập
vào lối viết Việt Nam.
- Sao? Lối viết Việt Nam là lối viết
sao?
Thương Thương cười.
- Mỗi nước có kiểu viết của họ.
Không thể lẫn được kiểu viết của Trung Hoa với kiểu viết của Nhật Bản. Trong âm
nhạc điều này rõ hơn. Nhiều nhạc sĩ cứ đổ xô chạy theo các loại Rock, nhạc Jaz,
chỉ ít ngày trôi qua là thứ âm nhạc đó chìm xuống sông, xuống biển, còn một số
nhạc sĩ khác, bám chặt vào vốn âm nhạc dân tộc, họ còn lại mãi đó là anh…
- Anh hiểu.
Đô định nói thêm. Theo em, anh phải
làm gì. Nhưng anh kịp bỏ tủ câu đó. Anh không muốn tỏ cho cô biết, những ý nghĩ
của cô về văn của anh lại dễ dàng làm cho anh nghiêng ngả tới mức đó.
- Anh đã được người con gái nào bạo
dạn tỏ tình trước chưa?
- Anh chưa được cái hạnh phúc đó.
- Nếu anh viết điều đó trong cuốn
sách của mình, người đọc sẽ bảo là anh bịa đặt chứ gì? Nếp quen của ý nghĩ bao
giờ cũng theo chiều thuận. Con trai phải ngỏ lời với con gái. Ngược lại, người
con gái bị coi thường và nếp quen xã hội không công nhận.
Thương Thương lấy dao lột những
trái chôm chôm, đưa chậm rại cho Đô từng trái một. Cô vừa ăn vừa nhìn Đô.
- So với vải miền Bắc thế nào anh?
- Không thể so sánh được. Một thứ
là loại trái tiến vua, còn một loại chưa thành trái.
Thương Thương cười.
Chôm chôm đầumùa. Xoài cũng đang
đầu mùa. Cô vừa gọt xoài vừa nghĩ vậy. Từng lát xoài dầy đặt cuống đĩa, sắt nhỏ
vừa đủ lọt vào miệng. Những chiếc xiên bằng nhôm xanh đỏ để bên mép đĩa xoài.
- Xoài đầu mùa anh ạ.
- Thơm dễ sợ.
- So với quả muỗm ngoài đó thế
nào anh?
- Không thể so sánh được. Xoài
trong này cũng là loại trái tiến vua. Còn muỗm ngoài đó thật chín, thật ngon
cũng vẫn là trái muỗm.
- Văn anh viết không có mầu sắc kỳ
thị địa phương. Người Sàigòn đọc văn người Hànội mà cũng chịu được.
Đô nhoài người dậy, nắm lấy bàn
tay Thương.
- Gì vậy bồ? Sang đề tài khác hả?
Thương đứng dậy, cô đi rất nhanh
vào bếp, đứng trước la-va-bô, nước trong vòi xối vào đôi tay, cô thấy mình
trong gương cùng nụ cười. Khi chiếc khăn mặt bông lướt trên mặt cô, cũng là lúc
cô thấy Đô đứng ngay phía sau lưng mình. Đôi mắt đắm đuối. Cô nhường chỗ rất
nhanh cho Đô. Cô lấy hai ly nước lạnh bưng ra phòng khách ngồi chờ đợi.
Đô ngồi xuống bên cô, sẵn sàng
choàng qua vai cô, kéo cô lại gần mình, cô không một phản ứng. Nhưng giọng cô
thật lạnh lùng.
- Em sợ chúng ta sẽ mất tất cả.
- Em nói sao? – Đô khẽ nâng mặt
Thương lên bằng bàn tay phải của mình.
- Em sẽ xúc phạm anh mất.
- Là sao?
- Em yêu anh. Còn anh chưa nói với
em lời ấy. – Đô định mở môi bấp tấp nói điều đó, nhưng hai ngón tay của Thương
đã khép môi anh lại, - Anh đừngnói vội. Em có những ấn tượng rất tốt, rất đẹp về
anh. Đừng để cho những ấn tượng đó bị mất. Em chẳng tiếc gì anh cả, bởi vì
chính em cũng muốn được anh ngồi bên em như thế này. Nhưng… Thực tình em không muốn anh bị xúc phạm.
- Tại sao yêu nhau lại là xúc phạm.
- Anh chưa yêu em – Môi Đô lắp bắp
cái gì đó, nhưng Thương vẫn nói lướt đi. – Ngay cả chuyện ăn nằm với đàn ông em
cũng không cho là quan trọng lắm đâu. Nhưng thà là như vậy. Còn giữa chúng ta,
không phải là tình yêu thì là tình bạn, là sự quen biết, là sự ngưỡng mộ, vì thế,
em không cho phép mình. – Thương nói chưa dứt, cô ngẩng đầu lên, hai tay vít Đô
xuống, cô hôn vào đôi môi Đô. Và rất nhanh cô đứng dậy. Đô chưa kịp bừng tỉnh
trong đam mê. Cô đi tìm thuốc lá. Khi cô trở lại chỗ ngồi, trong tay với gói
thuốc lá ba số năm và hộp quẹt ga.
- Anh thực chẳng hiểu em là ai nữa.
- Vậy hả? – Cô châm thuốc lá cho
mình và cho anh. Anh muốn hiểu về em thế nào cũng được, chỉ biết rằng tình yêu
của em dành cho anh là tình yêu mang một chút thần thánh, vì thế, em không muốn
dung tục nó.
- Em nói gì khó hiểu quá.
- Thật sao? – Cười, - Bây giờ bồ
nằm tạm đây mà ngủ. Lát nữa em sẽ gọi bồ dậy.
- Anh muốn ngủ với em.
- Anh nghĩ rằng em mời anh đến ăn
cơm xong để hai đứa ngủ với nhau?
- Chính em chẳng nói với anh: Hôm
nay là ngày của anh là gì.
- Hèn chi, anh chưa thể viết văn
hay được.
Thương Thương đứng dậy, đi lại
phòng của mình, cô cài chốt cửa, nằm duỗi dài trên giường , hai tay ôm ngực,
chính cô đang phải tranh đấu với những thèm muốn rất người của mình. Nhưng cô
không thể. Quả thực sáng nay, khi đi tìm anh, cô có tưởng tượng thấy buổi trưa
hôm nay, hai người sẽ quắp nhau mà ngủ. Cô thèm hiến dâng cho anh ấy. Định bụng,
sau hiến dâng cô sẽ chạy trốn, hủy diệt hoàn toàn hình bóng anh trong tâm tưởng
cô, nhưng bây giờ, cô không thể. Cô đã đọc thấy những gì trong mắt anh. Những
chớm nở rực rỡ của tình yêu. Cô không cho mình cái quyền buông thả lăng nhục và
xúc phạm những chớm nở đó ở anh.
Những tiếng gõ cửa run rẩy.
Cô muốn mở cho anh vào quá. Nhưng
chân cô không thể nhích. Cô nằm lỳ, im nín, sợ sệt. Anh thôi gõ cửa. Anh đã đầu
hàng. Chính lúc anh đầu hàng, cô cứ mong anh sẽ gõ cửa, chỉ cần vài tiếng gõ nữa
thôi là cô sẽ mở cửa cho anh vào, rồi muốn ra sao thì ra.
Cô trằn trọc mãi, và chỉ trở dậy,
khi tiếng chuông đồng hồ gõ hai tiếng. Anh đã bỏ đi, chỉ còn lại vài chữ viết vội
trên giấy kẹp nơi bàn.
“Thương Thương. Anh xin thú nhận
là từ trước tới nay anh chưa hề hiểu em. Anh sẽ làm tất cả để chuộc những lỗi
đó. Ngày mai, anh lên công trường khai thác quặng. Ít ngày anh về. Nếu em cảm
thấy anh có một cái quyền nào đó đối với em, thì anh xin được ra lệnh cho em:
Hãy bỏ ngay thuốc lá. (Anh tịch thu gói thuốc và chiếc quẹt ga). Anh muốn em là
một cô gái Á Đông. Chúng mình cần có thời gian để kiểm chứng tình cảm. Anh biết
là từ giờ phút này xa em, anh sẽ nhớ vô cùng. Hôn em”.
Anh ấy là nhà văn. Cô khẽ hát.
Thú nhận này chỉ là bước đầu, nhưng dù sao ảnh cũng đã phải thú nhận. Cô tiếp tục
hát.
/ Mời đọc tiếp Hai.5/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên
Bày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét