Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Sách Chém Gió Muôn Màu 3/ Phần 2/ Chém gió quần hùng, 05 khúc.



NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉMGIÓMUÔNMẦU.3


Phần II, CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG, 05 KHÚC

1. Trúc Thông, Phúc Âm Trăng/ 017
2. Trúc Linh Lan: Thơ của một người thơ miệt Cần Thơ/ 018
3. hà Thị Trực: tặng thơ người cùng cảnh tha hương/ 024
4. Hát (*) với thơ thu (*) cùng Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng/ 032
5. Tranh về hai cõi âm dương / 037


CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG
Khúc 1,
nguyễn nguyên bảy, lời nín,
TRÚC THÔNG
Phúc Âm Trăng..

Tôi, Nguyễn Nguyên Bảy, chầm chậm tới..bên anh/ bạn Đào Mạnh Thông, thi danh Trúc Thông, ngồi xuống bên nhau, tay nắm tay, không gian đứng, âm thanh là nụ cười dại anh, nước mắt tôi, và giọng lạc Lưu Trọng Văn, người đồng hành, và ly nước run sóng trên tay Nguyệt, người bạn đời căn phúc của Thông..
Trúc Thông, tuổi 1940, nhưng là anh tôi, nhân cách anh cho tôi được xưng hô tôn trọng ấy. Chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp của nhau từ thập niên 1960, dân Đài Tiếng Nói VN, anh còn là Rể phụ
đám cưới tôi sau những tháng năm thăng trầm hiện tượng thơ Lý Phương Liên thời chinh chiến. Và hơn thế, Anh và Tôi đều bị Trời đầy vào nghiệp chướng thơ, dù Anh thành người thơ chuyện
nghiệp còn Tôi chỉ là kẻ vật vờ thơ..
Anh ngồi đó, đang theo hướng dẫn của Nguyệt vợ, đề chầm chậm, chữ run trên sách Thơ Trúc
Thông: Tặng Bảy, tặng Văn cùng chữ ký tung bay tóc gió một thời oanh..
Cảm ơn Nguyệt, đã yêu thương Trúc Thông, trọn vẹn Phúc Âm Trăng..

Tết Dậu (Đinh) cùng Văn ghé thăm Trúc Thông.
Nhà làng xưa Cầu Giấy. Sắp trưa.


CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG
Khúc
2.

nguyễn nguyên bảy, đò đưa
THƠ CỦA MỘT NGƯỜI THƠ MIỆT CẦN THƠ..

1. Biết tôi sắp đưa đò xuôi về Cần Thơ, vợ Lý dúi cho 9 câu Thơ Cần Thơ làm lộ phí. Tôi nhận cùng giọng Lý ngâm nga:
(1) Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về/, (2) Cần Thơ có bến Ninh Kiều/ Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân/, (3) Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú/ Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu/ Quản chi nắng sớm mưa chiều/ Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em/, (4) Cần Thơ, Vàm Sáng, Ba Láng, Phong Điền, Anh thương em cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê/, (5) Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời/, (6) Đất Châu Thành anh ở/ Xứ Cần Thơ nọ em về/ Bấy lâu sông cận biển kề/ Phân tay mai trúc dầm dề hột châu/, (7) Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Dốc nào cao bằng dốc Cần Thơ/ Anh thương em lững lững lờ lờ/ Giả như Tôn Các mà chờ Bạch Viên/ (8) Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó thời không muốn về/, (9) Cần Thơ là tỉnh, Cao Lãnh là quê/ Anh đi lục tỉnh bốn bề/ Mải lo buôn bán không về thăm em../
Muốn nữa không? Đột ngột Lý hỏi.
Tôi đáp: Chỉ cần một câu: /Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về../cũng đủ đưa đò cập bến Ninh Kiều..
Lý cười hương yêu: Đến rồi đem lòng về đó à nghe. Rồi tiếp. Hai câu lục bát này thật giản. Thơ giản mà thành ca dao. Tưởng nôm na dễ viết. Viết dễ mà tuyệt đỉnh hay lại thành khó viết. Mừng cho Cần Thơ hái được câu ca này. Hay tàng ẩn. Hay ngầm. Thử hỏi khắp/ hết đồng bằng sông Cửu Long, miệt đất nào chẳng gạo trắng nước trong, cứ gì Cần Thơ, vậy mà chỉ có Cần Thơ mới hát nên thơ : /Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về../  Tàng ẩn nào/ tàng ẩn gì trong chữ lòng ấy? Trong chữ Gạo Trắng Nước Trong ấy ? Kiêu quá chăng? Không, nhỉ, tự tin thì đúng hơn.. Trong chữ lòng ấy có chữ Nàng, trong chữ gạo trắng nước trong ấy có chữ ThơNàng Thơ.. Tôi đồng tình với Lý giọng thoang ghen, nói đứt nhịp, chấm phẩy đành sai văn phạm..Nhưng, châm chước lời lòng thơ..
Sau đò đưa này, tôi và Lý quyết rằng nhất định sẽ sưu tầm cố hết, cố đủ, những giọng điệu thi ca miệt Cần Thơ cho thi tập xứ Miền Tây, cho Dự án sách Thơ Bạn Thơ. Và cũng sau đò đưa này, Lý chọn chùm thơ của Người thơ Cần Thơ, nhà giáo, nữ sĩ Trúc Linh Lan, giao nhiệm tôi in kết bạn trong Sách Thơ Bạn Thơ, 4.

2.
 Chùm thơ của nữ thơ Trúc Linh Lan, từ trang 150-157, sách Thơ Bạn Thơ 4, gồm 5 bài: / Sapa đêm chợ tình/ Đánh đố rủi may/ Hãy khắc em vào trái tim anh/ Tiếng đờn kìm/ Những bia mộ buồn/. Bài nào cũng đạt chuẩn Thơ Là Thơ. Tràn ngập nữ tính. Văn tự thơ, ảnh hình thơ, thanh sắc thơ trong ngưỡng thơ..của người học nhiều, sống trải. Và thật duyên, tôi và Lý, phiếu kín, đều cùng thích bài thứ 3, đứng giữa chùm thơ đọc chọn, Hãy Khắc Em Vào Trái Tim Anh. Tôi thích đơn thuần là bài thơ hay, đẹp. Lý thích nhỉnh hơn tôi, vẻ như em muốn mượn cái tựa thơ của Nữ sĩ Linh Lan, mà nhắn gửi tôi lời yêu. Cảm ơn Lý, anh muốn em thay vai tác giả đọc trọn anh nghe bài tình thơ ấy. Gọng Lý vang lên bổng trầm cung bậc..

HÃY KHẮC EM VÀO TRÁI TIM ANH

Anh đừng khắc em vào đá
Nắng gió mưa rồi sẽ bào mòn
Em sẽ lẫn vào trong cát bụi
Biết anh còn có nhớ em không?

Anh đừng khắc em vào dòng sông
Xuôi biền biệt giề lục bình tím ngắt
Sông rồi cạn em lẫn vào trong đất
Anh sẽ tìm em ở đâu?

Anh đừng khắc em vào đêm thâu
Lá sắc lạnh nụ hôn buồn ngái ngủ
Rồi đêm cũng tàn ánh đèn khuya đơn lẻ
Bình minh xóa ký ức bâng khuâng


Anh đừng khắc em vào vầng trăng
Anh ơi trăng tròn rồi lại khuyết
Đêm ba mươi trăng âm thầm từ biệt
Cuộc tình như ly rượu cay.

Anh đừng khắc em vào mây
Lang thang vô định từng ngày
Khoảng trời rộng trập trùng giông bão
Ai sẽ ôm em trong vòng tay?
Ừ thì gió thổi lòng say
Anh khắc em rong chơi hết xuân thì thiếu nữ
Bay đi bay đi những giấc mơ mộng mị
Để rối rắm lòng gió trở mùa sang

Anh ơi! đừng khắc em vào những nơi không anh
Bởi sông sẽ cạn, đá cũng sẽ mòn
Mây bay, gió thổi…
Biển có sâu vẫn một bờ dịu vợi
Trăng có rằm, vẫn trừ tịch cuối năm.
Anh hãy khắc em vào trái tim anh 
Mỗi nhịp đập
thăng hoa thành nỗi nhớ!

Lý ngừng đọc. Đầu em ngả xuống ngực tôi. Và tôi nghe âm vang thơ chuông/mõ tim mình: Anh hãy khắc em vào trái tim anh/ Mỗi nhịp đập/ thăng hoa thành nỗi nhớ..
Tôi thì thầm với Lý: Nàng Lan này đích thị Người Thơ. Người thơ này không là sĩ ăn may viết hay một câu, cũng không là sĩ viết hay, viết đẹp một bài để đình đám công danh một tập thơ, mà là sĩ, nữ sĩ, mang định mệnh sống một đời thơ..
Trúc Linh Lan là nghệ danh của Người thơ. Trúc là họ. Họ là cốt cách, tính cánh, phẩm cách, trong tự vị thơ, Trúc là cây quân tử. Linh Lan là tên, tên một loài hoa, loài hoa này, trong tự vị tính tình, Linh Lan là vô ưu. Nghĩa rằng đời dù nhiều muộn phiền, /Đêm ba mươi trăng âm thầm từ biệtCuộc tình như ly rượu cay./ Linh Lan vô ưu, mình tự nhủ mình vô ưu, thế nên hối hả nắm tay, ôm lấy cuộc đời mà yêu cuộc đời../ Mỗi nhịp đập/ thăng hoa thành nỗi nhớ../Chúng tôi chia sẻ, đồng điệu với thơ Trúc Linh Lan và mượn tiếng lòng ấy vận vào mình, nhủ mình, mà tu thân.

3. Tin hay không là tùy. Tôi đọc thơ tôi, mỗi sáng khi thức dạy, như tụng kinh, như thể dục, coi thơ mình viết là đạo tu thân. Tôi chỉ viết loại thơ tu thân làm người tử tế. Không một đề tài nào khác, dù béo bở hội hè, nhiều lộc lá công danh cũng không thể cám dỗ được tôi. Vì thế, và thế,Thơ Là Thơ với tôi vẻ như mơ hồ mà tuyệt nhiên không mơ hồ.
Và tôi đọc thơ bầu bạn tôi, mỗi tối, trước khi ngủ, cũng như tụng kinh, như thể dục, mong tìm gặp sự đồng điệu, sự chia sẻ, sự thương yêu. Cho đến một trắng đêm kia, đắc/ ngộ, mới reo lên: Thơ Bạn Thơ, ba chữ cũng mênh mông mơ hồ, nhưng lại không mơ hồ, thơ của mình (Thơ) và thơ của bầu bạn (Bạn Thơ), nhưng cũng có thể hiểu Thơ Của Bạn Thơ..Tựu trung vẫn là tiếng lòng Thơ, là chữ Thơ, là Bạn Thơ..
Anh đang đò đưa thơ Trúc Linh Lan mà! – Lý nhắc. Tôi cười định lại thần U 80 nghiêng chao minh mẫn. Mình à, là xưng hô với Lý, anh chắc chắn với mình Trúc Linh Lan thuộc khu vực các nhà thơ cấp độ Thơ Là Thơ như chúng ta, anh và em, và Trúc Linh Lan là một bạn thơ đích thực. Anh cảm như mình cũng như anh, khắc này, lòng đang run động tiếng đờn kìm của Lan:
Tiếng đờn kìm nghe như sương sa/ Tê tái lắm lòng người nâng phím/…/ Tiếng đờn kìm rưng rưng chia ly/../ Vó ngựa chinh phu bao giờ trở lại/ Bờ dâu xa khuất bóng quân đi../

Đồng điệu và chia sẻ, đó là tình bạn thơ, là tiếng lòng thơ phải không mình?
Mình chẳng đọc cho anh nghe bài thơ gặp được trên mạng của Nhà thơ, anh trai Đình Bảng, Nguyễn Khôi, chép tặng Trúc Linh Lan. Để em đọc lại anh nghe, Lý đã nhanh nhảu đón yêu tôi như thế. Hồn tôi bảng lảng trong thơ anh Khôi.

BẾN SÔNG CHỜ

/Bến sông ấy ta qua chiều vời vợi/ Nước mênh mông trôi nổi đám lục bình/ Sông thì rộng, con tàu đi chậm rãi/ Trông hoàng hôn mình cũng thấy lênh đênh./
/Bạn có lìa xóm giềng đi xứ khác/ Sóng sông quê trong tâm thức dạt dào/ Tóc ai đó hong dưới hàng phượng đỏ/ Tiếng ai hò xối lòng dạ xôn xao./
/Bao hồi tưởng cho em và cho má/ Ở nơi quê vẫn đợi Bến Sông Chờ/ Ai lỗi hẹn hận cuộc tình lỡ dở/ Để riêng hồn Thi sĩ cất thành Thơ./
Cần Thơ 4-11-1997/ NGUYỄN KHÔI

Tình bạn thơ thật tuyệt vời. Em cũng cho là thế, Lý đáp nối câu lửng tôi, đột ngột, dịp may nào đó, nếu em gặp Trúc Linh Lan xương thịt ngoài đời em sẽ lượm chữ của Nàng mà bảo: Chị là Người Dưng đây, Thương Nhớ Người Dưng đi../ Hẳn là Nàng, Trúc Linh Lan cô giáo, Trúc Linh Lan nữ sĩ sẽ cười cay mắt mà thương nhớ bạn thơ..

THƯƠNG NHỚ NGƯỜI DƯNG

Về thăm quê mẹ chiều nay
Đong đưa chiếc võng lắc lay nỗi buồn
Khói lam chiều mái lá vương
Câu ca dao cũ nghe thương... nhãn lồng...

Sáo diều ai thả lên không
Tháng năm rơm rạ hương nồng tuổi thơ
Ghé vào nỗi nhớ ngẩn ngơ
Tiếng chim cu gáy đầu bờ xa xa

Bông cau rụng trắng thềm nhà
Trong vườn bưởi đã ra hoa thơm lừng
Tóc dài ai gội bâng khuâng
Níu câu duyên nợ rưng rưng nỗi chờ

Trăng nghiêng rụng xuống con đò
Chông chênh mái đẩy...cánh cò chơi vơi
Người đi hát lý à...ơi...
Người về nhặt miếng trầu hôi nhạt lòng

Trách ai hát lý sang sông
Cho tôi vướng sợi tơ hồng...ngã đau
Biết rằng cha mẹ ơn sâu!
Sao tôi vẫn cứ dạ sầu người dưng?

Đò đưa tôi đã cập bến Ninh Kiều..Tôi và Lý, hẹn ngày về quê thơ, Cần Thơ, mà chào duyên dáng, lung linh, ảo huyền tàng ẩn trong câu ca gạo trắng nước trong, một Trúc Linh Lan, bạn nữ thơ, sống và thơ nơi miệt đất Ai Đi Tới Đó Lòng Không Muốn Về..

Nguyễn Nguyên Bảy, đò đưa

CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG
Khúc 3
nguyễn nguyên bảy, đò đưa 
TẶNG THƠ NGƯỜI CÙNG CẢNH THA HƯƠNG

Dự án sách Thơ Bạn Thơ ôm hoài bão sưu tầm, đọc chọn Thơ của khắp hết các bạn thơ thời kỳ từ 1940 đến nay (2016), không phân biệt giới tính, tuổi tác, đẳng cấp xã hội, địa dư vùng miền, trong nước hay ngoài nước..miễn đấy là thơ, thơ hay, đẹp, do người Việt Nam sáng tác và truyền bá.
Bạn thơ Hà Thị Trực, người Việt, sống và viết tại Liên Bang Nga, gửi tới chúng tôi tập mỏng thơ 20 bài do nhà thơ Hoàng Xuân Họa đọc chọn và nhà thơ Trần Vân Hạc đò đưa. Chúng tôi biên tập và in trọn trong sách Vườn Năm Nhà 2, vì thơ Hà Thị Trực đáng tôn vinh, thêm vào đó, mảng đề tài này cần có trong Dự án sách Thơ Bạn Thơ, nhưng chưa sưu tầm thu thập được.
Riêng tư, chúng tôi Nguyễn Nguyên Bảy/ Lý Phương Liên thường trực sống trong tình cảnh tha hương, tha hương gần là từ quê sinh Hà Nội vào quê ngụ Sài Gòn, tha hương xa xa hơn là từ Việt Nam qua Mỹ, nơi Seattle, con cháu chọn làm quê ngụ, nên sẵn lòng cảm thông, đồng điệu và ước muốn chia sẻ tâm tư với người cùng cảnh tha hương.
Bạn Hà Thị Trực, tha hương ở Nga. Chúng tôi đọc thơ Hà Thị Trực với tâm thức nhận quà tặng, đặc biệt với bài  Đón Dâu Chỉ Có Mình Anh, chúng tôi coi đây là cái cớ phải tha hương của Hà Thị Trực../ Đáp lễ, chúng tôi xin chép tặng Hà Thị Trực bài tuyệt đỉnh nỗi lòng người tha hương của Thánh nữ thơ, Bà Huyện Thanh Quan, bài Đèo Ngang mà hầu như nhiều người Việt đều thuộc nằm lòng, và chép tặng thêm bài văn vần của Nguyễn Nguyên Bảy Bán Buồn Ở Chợ Trời Seattle để bạn Trực đọc tham khảo nỗi tha hương..

Thơ HÀ THỊ TRỰC
CHUYỆN CHÚNG MÌNH


Đón dâu chỉ có mình anh
Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa
Anh đèo em đường thì xa
Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi

Yêu anh em chẳng quản gì
Theo anh em một mình đi lấy chồng
Họ nhà gái bên này sông
Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình

Chuyến đò nên nghĩa nên tình
Chở mình năm ấy để mình thành đôi
Con sông bên lở bên bồi
Khi trong khi đục vẫn đời của sông

Đừng vì nghèo khó nản lòng
Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo
Chịu thương, chịu khó trời cho
Nắng mưa chẳng quản cơm no, áo lành

Mỉm cười em ngưỡng vọng anh
Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!

Ekaterinburg 01/06/2011


Trần Vân Hạc, đò đưa
THƠ HÀ THỊ TRỰC “ ĐÓN DÂU CHỈ CÓ MÌNH ANH..”

Bài thơ đưa người đọc đến một tình huống bất ngờ: “Đón dâu chỉ có mình anh”
Đón dâu, sao lại chỉ “có mình anh” trong khi đây là một ngày vô cùng hệ trọng của cuộc đời người con gái và thường là có đại diện của hai họ đưa đón, còn cô dâu bao giờ cũng mơ ước được đón bằng “xe hoa” để bước chân về nhà chồng, khởi đầu cho cuộc sống gia đình. Cái cách đặt vấn đề tạo ra một sự tò mò cho người đọc với bao câu hỏi: Tại sao… và tại sao?  
Rồi thật ngỡ ngàng khi “chứng kiến” cái cảnh: “Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa”.  Chắc chắn cô dâu và chú rể đang trong một hoàn cảnh đặc biệt nên đón dâu chỉ có một mình chú rể và nhà gái cũng chỉ có mình cô dâu. Thật thú vị và thật đáng khâm phục khi cô dâu theo tiếng gọi của con tim nên: “Theo anh, em một mình đi lấy chồng!”, bởi cả hai đều hiểu rằng cái quan trọng hơn chuyến xe hoa sang trọng kia là hai tâm hồn đồng điệu, gắn kết với nhau và cũng chính vì thế mà hai gia đình cũng cảm thông với hai vợ chồng trẻ, bỏ qua những nghi lễ thông thường. Con đường cụ thể xa xôi kia cùng những: “Rơm rạ sỏi đá ổ gà” vừa rất thực vừa như một ẩn dụ về những gập ghềnh trên con  đường tình. Bởi vậy “con sông” đời kia đâu có thể ngăn cách đôi trái tim yêu, chuyến đò tình nghĩa đã xe duyên cho đôi người yêu nhau: “Chuyến đò nên nghĩa nên tình/ Chở mình năm ấy để mình thành đôi”, dẫu: “Con sông bên lở bên bồi”, “khi trong khi đục” trong qui luật của tạo hóa nhưng đôi người yêu nhau đã hiểu những khó khăn trên đường đời nên luôn nhủ lòng: “Đừng vì nghèo khó nản lòng/ Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo”, cái đức của người Việt tự bao đời được diễn đạt một cách rất tự nhiên. Đọc đến đây, ta chợt liên tưởng tới câu ca của dân gian đúc kết tự bao đời: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Bài thơ khép lại bằng lời biết ơn chân thành của người vợ yêu quí sau mấy chục năm chung tay vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, xây dựng một ngôi nhà mơ ước: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Chàng trai trong bài thơ thật là hạnh phúc khi được người mình yêu “ngưỡng vọng”, sự “ngưỡng vọng” ấy không phải chỉ là cuộc đón dâu có một không hai, mà hơn thế chàng trai thực sự là một đấng nam nhi chân chính, rất mực yêu thương vợ, chung lưng đấu cật vượt mọi khó khăn chèo lái con thuyền tình vượt thác ghềnh cập bến bờ hạnh phúc! Bài thơ giản dị, chân thực nhưng mở ra một không gian không giới hạn của tình yêu chân chính. Thế mới biết, không phải cứ xe hoa sang trọng, lễ bê năm quả hay bảy quả hoành tráng, tiệc cưới đắt tiền trong nhà hàng, khách sạn mới làm nên hạnh phúc lứa đôi mà cái chính là ở trái tim yêu thương chân thành thủy chung biết sẻ chia, biết chịu đựng hy sinh vì một đại cục… Bài thơ được viết theo thể lục bát khá nhuần nhuyễn, đặc biệt  lại tự bạch về chính cuộc đời mình nên tự nhiên như hơi thở, chuyển tải được những ý tưởng sâu sắc. Câu chuyện tình như trong cổ tích thực sự hiện hữu trên đời làm cho ta tin: khi đã có tình yêu sắt son chung thủy, sẽ có tất cả. Chuyến xe tình yêu đơn sơ hôm nào đã đưa anh chị cùng các con cập bến bờ hạnh phúc!
Bài thơ được viết  năm 2011, sau 23 năm chung sống người vợ đã viết bài thơ này khi  mà những thử thách khốc liệt của số phận và nghị lực phi thường giúp anh chị đứng vững trên đường đời là thước đo của phẩm hạnh, người vợ đã thốt lên tự đáy lòng lời tri ân người chồng yêu kính của mình: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Câu thơ tưởng giản đơn này là món quà tình yêu  vô giá mà người chồng được tặng nhưng cũng đồng thời người vợ được nhận nên niềm vui, niềm hạnh phúc nhân đôi, báu vật tình yêu này không phải đôi vợ chồng nào cũng có được trên hành trình nhân thế đầy gian khó thử thách. Chính tình yêu và nghị lực vô bờ của anh chị đã vun trồng cho hạnh phúc đơm hoa kết trái, bởi một gia đình hạnh phúc chính là nền tảng quan trọng để những đứa con lớn lên trong yêu thương và thành đạt trong cuộc đời. 

VĨ THANH
Bạn đọc có thể tò mò hỏi: câu chuyện trong bài thơ là thực hay hư cấu. Xin thưa đó là chuyện thực 100% của đôi vợ chồng Chu Thế Vinh và Hà Thị Trực – (bút danh Chu Hà) đang định cư tại Ekaterinburg, Cộng hòa liên bang Nga.  Đây là một đám cưới cuối thời kì bao cấp, cuộc sống còn vô cùng khó khăn. Anh chị lấy nhau năm 1988, anh là người Hưng Hà, Thái Bình, còn chị quê Ý Yên, Nam Định, từ quê "cô dâu" đến quê "chú rể" chỉ có cách duy nhất gần là qua sông Hồng tại bến đò Phú Hậu. Hai quê cách nhau khoảng gần 70 km đường bộ. Bố mẹ hai bên đã già yếu, đều là nhà nông thuần phác, quanh năm chỉ làm bạn với cây lúa nên rất nghèo. Nhà trai mổ lợn chờ đón dâu về, nhà gái vì xa xôi không tiễn được dâu nên một mình chú rể đón cô dâu trên chiếc xe đạp “cọc cạch”, mà lúc đó ngay cả xe đạp không phải nhà nào cũng có để đi đón dâu cùng.Anh chị được coi là: “Niềm tự hào của cộng đồng người Việt” tại Ekaterinburg (quehuongonline). Anh chị đã từng lao động nhọc nhằn,  tích cóp được chút vốn liếng, tưởng chừng số phận đã mỉm cười nhưng lại bị cướp sạch. Những tưởng cảnh khốn quẫn ấy sẽ dìm đắm con thuyền đời của gia đình bé nhỏ, nhưng không, anh chị không chỉ vượt lên tất cả mà còn tổ chức được một cuộc sống hạnh phúc, hơn thế hai con của anh chị đều đươc nuôi dạy chu đáo thành tài. Cháu Chu Ngọc Minh, con lớn của anh chị  đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh quốc. Còn con gái út của anh chị: Chu Dạ Thảo sinh 1995, hiện là học sinh của Trường PTTH (Gimnazia) số 2 - thành phố Ekaterinbur. Thảo không chỉ học giỏi các môn mà còn là một tài năng hội họa đã đạt nhiều giải thưởng cao. Thành tích học tập của hai cháu Minh – Thảo không phải ngẫu nhiên. Bố mẹ hai cháu – anh Vinh và chị Trực  đều là những trí thức, từng là sinh viên giỏi của hai khoa Sử và Văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn sang Nga học tiếp Đại học tại Kadan, về nước anh đã từng công tác ở Viện Mác - Lê Hà Nội, chị từng giảng dạy ở Đại học Pháp Lý Hà Nội - (nay là Đại học Luật Hà Nội). 

Trần Vân Hạc


Thơ BÀ HUYỆN THANH QUAN
ĐÈO NGANG

Bước đến Đèo Ngang bóng xế ta
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà 
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta   


Văn vần NGUYỄN NGUYÊN BẢY
BÁN BUỒN Ở CHỢ TRỚI SEATTLE


Tôi nhặt từng hạt buồn còn vương trong mắt em. Xếp cẩn thận những hạt buồn vào bị cói. Đeo lên vai. Hai vợ chồng thong thả đi chợ trời Seattle
Tôi Việt ngữ cổng chào tên chợ  Public Market là Chợ Trời. Bởi không gian, cảnh trí bán mua, người đến người đi kẻ lượn y trang một mảnh chợ trời Sài Gòn 1975, sau ngày giải phóng
Khác chăng chợ trời ở đây quá lịch sự, quá an ninh, hoa giăng mắc đầy ban công lộ chính dẫn vào cổng chợ, dòng dòng nhân văn đầy ắp những nói cười tíu tit gọi chào hoan hỉ niềm vui trảy hội.
Hai dãy sạp hàng vong veo lượn theo hình bờ vịnh, dòng người nối đuôi nhau, trôi như dòng suối nhỏ, đủ sắc mầu đầm, đủ mập ốm tây, đủ tiếng xì xồ cười nói, đủ hoa bông con trẻ ngồi trên cổ mẹ cha vừa hò reo vửa mút kem thong thả
Nông sản các farmers từ bắp rang, khoai nướng, táo vườn, đến mật ong rừng nguyên đõ. Cá ướp muối xếp như đùi con trẻ trò chơi xỉa cá mè đè cá chép,người lớn ở đây chơi trò tung hứng cá
Người Mỹ gốc, da đỏ, thổ dân, bầy những viên đá cảnh, những pho tượng gỗ đẽo gọt kỳ khu. Người Hàn bầy từng vại, từng vại kim chi. Người Spanish khoe những chiếc váy thổ cẩm, những hình lưu niệm đỏ khé như khăn các dũng nhân bò tót. Mấy chú nhóc da mầu ( thực ra là da đen, nhưng chữ đen bị coi là phân biệt chủng tộc) nhảy hip hop, người vây quanh vỗ tay vinh danh. Và đôi ba chàng Hoa, nàng Hoa, mượn dịp nhịp vỗ tay ồn ã, liến thoắng tháo chuồng ngôn ngữ tượng hình bán vịt.
Thôi thì, thượng vàng hạ cám, chẳng thiếu thức gì, kể cả thức bán mua trong Phiên Chợ Ba Tư (tên một bản nhạc) hay chợ Vòm Nga, hay chợ phiên hàng tổng, hàng tỉnh miền xuôi, chợ tình Sapa miền ngược bên ta, miễn là mọi thức bán mua gợi nhớ khởi thủy làng quê sinh tồn, phần hội nhiều hơn phần chợ.

+ 

Lạc lõng chưa, chúng tôi đến chợ vai quẩy bị cói hạt buồn.  Than thở chỉ vừa lóe, đã thấy cô gái da trắng, tóc vàng phủ bờ vai nõn, nhìn chằm chằm mắt  vợ tôi nài nỉ xin đôi hạt buồn.
Để làm gì? Để đêm nay, sau một ngày hội hè vui đẫm, tôi có chốn nhớ về buổi chiều đen thẫm ấy, buổi chiều định mệnh tôi xuống tầu chạy trốn Vacxava tìm đến thiên đường Mỹ. Chỉ những hạt buồn mới giúp tôi trở về gặp lại tiếc buồn đánh mất hôm qua.
Nhận những hạt buồn vợ tôi trao tặng, cô gái Ba Lan bật khóc, chân cô dẫm nát những giọt khóc trong điệu dân vũ Vacxava kể về đắng ngọt tha hương 
Một chàng da nâu râu nham, bụi đời như tất cả bụi đời trên hoàn vũ, đưa vợ tôi hai tờ hai đô la (tờ tiền mệnh giá 2$ được coi là tờ tiền may mắn) sòng phẳng xin đổi hai hạt buồn.
Để làm gì? Để một hạt tôi gieo mắt tôi, một hạt tôi gieo đè khi nó ngủ. Nó là ai? Tôi khẽ hỏi. Chàng nâu cao giọng, nó là con vợ tôi, mắt nó u buồn cho tôi thương hại, và mắt tôi trĩu buồn cho đời thương tôi, tình lưới phải con vợ nứng, sướng quá hóa rồ, đêm ngày chỉ thích vui hoang 
Vợ tôi thở dài, nhét trả túi chàng nâu hai tờ 2$ lucky với lời cầu may mắn
Sau anh chàng da nâu là next, next, người tiếp theo, người tiếp theo, trai gái  trẻ  già, đông lắm, nhiều lắm, nối đuôi nhau chờ đến lượt mua buồn.
Vợ tôi từ bàng hoàng kinh ngạc đến bối rối lúng túng. Người mua sau cầm đô la nhiều hơn người mua trước, từng xấp từng xấp, đang lúc ù tai hoa mắt, bỗng nghe Việt ngữ thất thanh Bớ Vợ Chồng Kia, tưởng police, khoác vội bị cói buồn, chưa kịp chạy đã một tay người nắm chặt, lôi đi
Chúng tôi lếch thếch vón theo người thanh niên Việt, kéo nhị xẩm, không mù lòa như ông xẩm bến đò Dốc Lã, chạy ra khỏi chợ, cả ba ngồi lăn đùng giữa vườn hoa thác nước 

+ 

Buồn là đặc sản Việt cớ sao You đem ra chợ trời rao bán ?

Đặc sản buồn? Mới nghe lần đầu, nghe lần đầu, bực mình quá, bực mình quá, luật phân biệt chủng tộc đâu rồi?
Người thanh niên chầm chậm nhị: Người Mỹ nhận xét người Việt không biết cười. Lý là, người Việt vừa cười xong đã ưu tư hiu hiu, lo lắng hiu hiu, ngậm ngùi hiu hiu, giận dữ hiu hiu, hiu hiu duyên cớ gì chẳng biết. Cộng đồng Việt đông dần, người Mỹ thông cảm, chia sẻ với nỗi đau chiến tranh, ngục tù, nghèo đói mà người Việt phải gánh chịu, đã không xét nét nụ cười mà vinh danh người Việt có nụ cười buồn, đặc sản buồn.
Và ngươi, vợ tôi lớn giọng, đã lấy đặc sản của đặc sản là cây nhị xẩm, cây đờn cò, để bỏ quê, để đến đây ăn mày ăn nhặt thế này sao?
Thì ông bà chẳng cũng đến đây rao bán hạt buồn?

Ta không đến đây rao bán nỗi buồn, vợ tôi chua chát, mà ta đến đây chia sẻ hạt buồn, đổi buồn trác vui, nơi đây quá nhiều vui, ai cũng vui, vui đầy tràn nên cần hạt buồn gia vị cho ly nước đời cân bằng âm dương cười khóc, mà thuận lý, mà hướng thiện, mà bền vững cõi tin chân lý.
Còn ngươi, ngươi đã xỉ nhục cây đàn cò vốn sinh ra cho người khiếm thị, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xót thương kẻ mù lòa, ngươi sáng mắt, ngươi còn tay còn chân, ngươi còn lưỡi, vậy mà ngươi lại mượn nỗi buồn đui mù hèn hạ đổi lấy chút dư thừa thương hại
Nhị xẩm cúi đầu câm lạnh. Rồi bỏ đi. Chúng tôi chưa kịp bỏ đi đã thấy niềm vui vây kín, hồn nhiên, tự nhiên như sóng bể vỗ về 

+ 

Sáu giờ chiều chợ trời Seattle đóng cửa. 
Năm ngoái thế, năm nay vẫn thế. Năm ngoái, ngày đông, mới ba giờ đã chạng vạng chiều. Năm nay, ngày hè, sáu giờ chiều còn chang chang nắng.
Năm ngoái đến đây bán buồn. Không ai mua. Không dám đổ xuống biển sợ cảnh sát môi trường phạt vạ. Đành gánh về nhà, con cháu nhìn ông bà sưng xỉa.
Năm nay, chỉ dám đem theo một bị cói buồn, ngờ đâu bán sạch. Mắt vợ tràn vui, trẻ gì mà trẻ thế, đong đưa gì mà đong đưa thế.
Mới hay lòng người diệu vợi hơn thời gian không gian.
Hèn chi, vợ bảo, em đang trẩy hội chợ quê mình. Váy áo tứ thân nhún đu cùng ai thế? Cười cười. Đu tình nhún bổng trời xanh… 

Seattle, 29/8/2011
Nguyễn Nguyên Bảy

Nguyên văn theo bản thảo gốc.
Khi in sách thơ Vườn Năm Nha 2, lược gọn.
VANDANBNN
  

CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG
Khúc 4.
nguyễn nguyên bảy, đò đưa
HÁT(*)
VỚI THƠ THU(*)
CÙNG NGUYỄN KHÔI- TRAI ĐÌNH BẢNG (*)

Phần Đò Đưa.
Năm nào nhỉ, anh Khôi? Hình như 1971, thu đang ở Sơn La:
/Mùa thu vàng sáng trời mây/ Áo em giặt suối hong đầy nắng trưa../
Rồi thu đến Sapa, anh tung tăng cùng tình? Đọc trọn bài cho sướng (*) :
/ Đã thầm hẹn lên Sa Pa nghỉ mát/ Ra cầu Mây cùng đứng tựa rung rinh/ Thỏa mắt ngắm Phăng Xi
Păng bát ngát/ Trời thần tiên riêng của chúng mình./
/Sapa mộng đẹp hơn cả mộng/ Sapa mơ vượt hẳn giấc mơ/ Mây thì cứ vẩn vơ phiêu lãng/ Cõi diệu huyền thực thực hư hư./
/Ừ dạo cảnh một mình đơn lẻ quá/ Chơi chợ Tình ai đó kéo cùng co/ Cứ như thể buổi đầu cho mắc cỡ/ Ở dưới kia Cốc Lếu đợi mong chờ./
/Sapa đấy thả hồn thơ bay bổng/ Cứ như là hẹn đến để mà yêu/ Một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng/ Một nụ hôn sương khói ở bên đèo./
Rồi đến Ba Vì, ngỡ tưởng gặp thật thu, thu của Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng, rành rành tựa bài:
Ba Vì Tháng 9, Mùa Thu. Lại đọc cả bài cho sướng (*):
/"Mùa thu mùa của tình yêu/ Vàng ươm nỗi nhớ phiêu diêu một thời"/
/Tháng 9 :  Ba Vì mây trắng nõn/ Nghe hồn thu gọi cuốn lên cao/ Em gái người Dao lên hái thuốc/
Sương mai lạnh thấm ửng má đào/ Ai đi Tây Bắc qua Hưng Hóa/ Cầu mới vượt trên sóng sông Đà/
"Lối xưa Tây Tiến" mờ sương khói/ Để chàng Thi sĩ mãi ngẩn ngơ.../ Tháng 9 : Ba Vì - anh lên
trước/ Hẹn em mai tới dạo "Khoang Xanh"/ Xứ Đoài mà thiếu Ba Vì nhỉ/ Thì trời mây trắng cũng buồn tênh./
Nhưng phải tới hai bài tứ tuyệt sắp dẫn, bài trước viết ở quê Đình Bảng (*), bài sau viết tận bên Tàu, làng Thiệu Hưng nào đó, tâm hồn người thơ Nguyễn Khôi mới hiện ra chóa lóa, quyến rũ, hào sảng, một chút kiêu ngạo đáng yêu, một chút ngất ngưởng nửa quan/ nửa dân và một chút tham vọng tàng ẩn trong âm dương thơ lúc hiện hình AQ, khi chém gió Chí Phèo..

Bài dẫn trước,
Ao Làng
Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang,/ Bỗng dưng lại thấy nhớ Ao Làng;/ Cái đêm hè ấy Ai ra tắm,/
Để cả bầu trời phải tắt trăng./

Bài dẫn sau,
Nhớ Lỗ Tấn
/Qua Làng chẳng thấy AQ/ Nhà cao cửa rộng liền kề tương thân/ Rượu quê một chén Thiệu Hưng/
Ai say Thời Cuộc mà không Chí Phèo ?/

Phần Mở Các Hoa Thị.
Hoa Thị một, chữ Hát: Không biết có phải từ khi Thơ bước vào Tự do, Hiện đại, Hậu hiện đại và vu vơ thuyết, thơ đã không thể hát, nên chữ ca không còn đứng sau chữ thơ để thành chữ kép Thơ Ca. Tôi là người yêu/thích loại thể thơ hát, nôm na là khi ta đọc câu thơ ta cảm được âm điệu, cung bổng thanh trầm, nghe tiếng véo von chim, tiếng ru đưa võng gió. Vâng. Thơ Ca. Thơ Hát. Thơ của Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng là Thơ Hát, hát được trạng thái cảm xúc tâm hồn người: hỷ, nộ, ái, ố. Thơ Hát là bằng chứng thơ thật, thơ tiếng lòng, đọc lên ngân nga chia sẻ..

Hoa thị hai, chữ Thơ Thu: Thơ có trong bốn mùa, thế nên tất có Thơ Xuân nghĩa Hỉ, Thơ Hạ nghĩa Nộ, Thơ Đông nghĩa Ố, và Thơ Thu nghĩa Ái. Bốn trạng cảm hỉ, nộ, ái, ố đều tàng ẩn trong bốn mùa thơ, nhưng trạng cảm Ái dầy hơn cả, nhiều hơn cả, đậm đà hơn cả và tri kỷ tri âm hơn cả. Là tôi nghĩ vậy, cho là vậy. Thơ Nguyễn Khôi tiếng lòng, giọng điệu riêng, thơ chuẩn. Tôi kiệm gọi là Thơ Thu không ngại lộng ngôn, bẻm lời. Nói thêm: Chúng ta đã và còn đang trải một thời gian dài, chữ thời thơ được các chuyên nghiệp thơ dụng cạn kiệt Hỉ/ Nộ/ Ố cho hỉ tụng những mơ hồ, cho nộ phẫn những khẩu hiệu gào thét, cho ố nước mắt cá sấu những thuyết vô lý tuyên truyền..vân va nghĩ cho cùng cũng chỉ là dụng thơ vì hai miếng lợi/danh. Cái thời viết thơ ái, dù tình dâng mẹ, thương con, dù tình đợi, tình chờ..bị nghiêm cấm bằng lệ ngoài vòng luật, nay đang thức/ ngộ. Nói vậy không có nghĩa là Nguyễn Khôi thức ngộ sớm mà là Nguyễn Khôi tu thân thơ theo truyền thống Thơ vốn có từ ngàn đời, tiếng lòng thế nào thì lẩy ra thơ thế ấy, như lá gió heo may, như là chuối trứng cuốc, se se da thịt biết thu về..

Hoa thị ba, chữ Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng: Bài đăng lần nhất, năm từ Nguyễn Khôi -Trai Đình Bảng là bốn từ Thi Lão Nguyễn Khôi, toan tính của người viết muốn đăng ký bản quyền hai từ Thi Lão, dùng đầu tiên với nhà thơ Nguyễn Khôi. Nhưng vẻ như Người thơ Khôi không hoan nghênh hai từ Thi Lão, bời Anh cho rằng thơ (tình/ Anh nhấn mạnh) không có tuổi, và Anh đã đúng với lý mình lắng nghe mình, anh nghe mà thấy thân/ tâm anh đang thời sung mãn, đang tuổi lứa xuân ca..
Anh Nguyễn Khôi muốn thì đò đưa em xin chiều. Tuy nhiên, bạch thêm cho rõ: Chữ Thi Lão phân khúc tuổi theo tôi phải là lớp tuổi U80 mới được xưng/gọi. Anh Nguyễn Khôi nhiều hơn tôi đôi/ ba, kính anh U80 đuôi dài, em U80 đuôi ngắn. Tôi đang cố "phấn đấu" để được gọi là Thi Lão, nhưng e khó, tu thân chẳng biết khi nào đậu. Là bởi Thi Lão có chuẩn, các nhà thơ trong ngưỡng U80 nhất thiết phải đạt hai kiện: (Một) Bút lực còn tung tăng, thơ thu còn trái chín. (Hai) Không hỉ/nộ/ố bất mãn lòng phun ra thơ sám hối.
Anh Nguyễn Khôi, bạn thơ lứa anh, hội đủ các chuẩn trên cho tôi cúi mình gọi anh Thi Lão. Bằng chứng ư ? Dưới đây bài thơ mới nhất anh viết nhân Rằm Ngâu năm Thân 2016, tôi sưu tầm được trên mạng.
Tháng 7 Này Không Có Mưa Ngâu 
/Tháng 7 này không có mưa Ngâu ?/ Hà Nội nắng 37 độ/ Trên Lào Cai lũ tràn sạt lở/ Tiếng ve kêu đỏ cành Phượng bên cầu.
/Đâu còn Quạ bắc cầu Ô Thước/ (Phun thuốc sâu : Quạ tuyệt chủng rồi,/ Phân hóa học : ruộng không còn Đỉa...)/ Nỗi đau hoài : tượng Tô Thị nung vôi.../
/Đâu còn mưa Ngâu gieo tiếng nhạc trời/  Mưa rả rích thương người con xa xứ :/ Cô ấy bán sang Hàn làm "vợ"/ Rằm tháng 7 này có nhớ "tết" mẹ cha ?
/Nắng chang chang thèm một tiếng sấm xa/ Thèm một trận mưa xưa lành ( không a xít )/ Ôi Đất Nước đang từng phần tự chết/ Diệt môi trường : trời chẳng đổ mưa Ngâu./ Nước mắt rơi rơi/ chẳng thành được mưa Ngâu !
Hà Nội 12/8/2016, sắp rằm tháng 7 Bính Thân

Nhưng, như đã nói, anh Khôi không thích gọi mình là Thi Lão. Mà thích gọi là Nguyễn Khôi- Trai Đình Bảng. Thưa vâng, Chào anh thơ Nguyễn Khôi - Trai Đình Bảng..

Hoa thị bốn, chữ Đọc Trọn Bài Cho Sướng
Phàm đọc thơ, gặp một chữ đẹp đọc cũng đủ sướng, ví dẫn câu thơ cụ Nguyễn : Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về../ Chữ “tỏ” quá đẹp, quá hay đọc lên nghe sướng thật. Gặp một câu đẹp đọc còn sướng hơn / Thời gian đọng lại buồn tênh/ Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người/ (Thơ Lý Phương Liên)  và tất nhiên đọc được bài thơ hay thì đúng là sướng không lời. Lạy Mẹ Huyện Thanh Quan, con đang ngâm nga thơ Mẹ để sướng ngập lòng: / Bước đến Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta../
Thơ Nguyễn Khôi vượt qua ngưỡng một chữ đẹp, vượt qua ngưỡng một câu hay, đạt đến, tất nhiên không phải tất cả thơ Nguyễn Khôi, mà nhiều bài của anh Trai Đình Bảng phải đọc trọn mới đã sướng. Cái sự sướng bảo là ăn may. Vì sao ăn may? Vì rằng: Thi Đàn Việt thời anh thật/ giả nhiễu nhương, nhiều kẻ ngỡ mình “chuyên nghiệp thơ”, cả đời khát thèm ảo danh, lộc lá, túa về hai phía, (một) nhân danh tạo lập cường quốc thơ, lập ngôn bịa đặt trường phái nọ này bịp bợm, (hai) nhờ thơ mà có chút danh, đã không nhuần ân nghĩa ấy, mà nhẫn lòng ngửa mặt gào nhổ mặt mình văng bẩn cả mặt thơ, coi thơ như một nạn ách bệnh hoạn ước cầu có thuốc cai thơ. Giữa một thì đàn có quá nhiều những giả thơ nhăng cuội ấy, Trai Đình Bảng- Nguyễn Khôi vẫn chung thủy yêu thơ, vẫn coi thơ như một cứu cánh hạnh phúc đời, vẫn “vịn vào câu thơ mà đứng dậy”. Anh đã kế thừa một cách xứng đáng nghệ thuật chơi thơ truyền thống của Người Xưa đạt ba chuẩn Lý/ Tượng/ Số. Lý là tiếng lòng chân thực, tỏ bầy, chia sẻ cái mình nghĩ, cái mình quan, quán, cái mình hỷ/nộ/ái/ố cái mình, của mình. Tượng là cái biểu tượng bằng thanh, bằng sắc, bằng cỏ cây hoa lá, dòng sông, mái nhà, con đường, bằng trời mây non nước, vũ trụ, nhân quần..Số là toán học, vật lý, hóa học nôm na là khoa học kỹ thuật thi ca..Thế là Nguyễn Khôi ăn may trong vườn thơ quá nhiều rác rến và cỏ dại vẫn nở những bông thơ cỏ hoa tử tế. Những vần thơ tử tế ấy đáng đọc trọn bài mới đã sướng.
Chữ sướng theo vòng Tràng Sinh Chữ đã đứng phương vị Tuyệt, tức là tàng ẩn mơ hồ, bí ẩn, mênh mang... Vì thế nếu đò đưa so sánh với sắc thu Nguyễn Khuyến "ao thu lạnh lẽo nước trong veo", hay thu đỏ rực sắc cờ trong thơ Nguyễn Đình Thi, thì làm sao đã cái sướng với thơ anh Trai Đình Bảng Nguyễn Khôi, thu Paris sắc tím..Cái sướng riêng tư là thế, bí ẩn là thế, mang mang là thế..

Hoa thị năm, chữ Đình Bảng. Mở cửa hoa thị, định thưa lời: anh Khôi là trai Đình Bảng, vùng Kinh Bắc Cổ..rồi nọ này..Thì bỗng nghe lòng quát: Nín. Ấy là tôi mắng tôi. Nhiều lời quá rồi, hết cửa bình luận. Nín, để bạn đọc nghe lời tâm thơ của anh trai Đình Bảng - Nguyễn Khôi:
" Theo ý bạn thơ NHQ thì "nếu Thơ là một thế giới ảo, việc đọc Thơ như vậy, trước hết sẽ là một cuộc du hành vào thế giới ảo ấy. Đọc Truyện Kiều là du hành vào thế giới trong đó có Kiều và Kim Trọng gặp nhau, yêu nhau, hẹn hò với nhau, rồi xa cách nhau, Đọc Quang Dũng là đi vào thế giới đầy mùi hương hoài niệm..."
Chữ quan trọng  nhất là ":du hành" (đi chơi) vừa đi vừa chơi. Đi để chơi, là để thưởng thức cái Đẹp...khác hẳn việc đọc một công trình khảo cứu hay thiên phóng sự .Đọc Thơ không phải là đọc lấy được, đọc cho xong mà là như "chơi một bản đàn", xem một bức họa...chầm chậm đến với mình, đó là "tham dự vào một trò chơi của trí tưởng tượng", đọc Thơ là một hành động nhập cuộc (nhập vào hồn Thơ của Thi sĩ) như đi vào cõi mộng của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư ; đi vào cái yêu của Xuân Diệu , Nguyên Sa ; buồn cùng cái buồn của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương...Thơ có những khoảng trống trong văn bản Thơ. Đó là lối viết thư pháp chữ Hán Nôm có những nét chữ không vương mực để trắng một chút như Rồng cuộn trong mây, khúc ẩn, khúc hiện, đó là cách nói của Thi nhân bằng ngôn ngữ Thơ "nói thiếu một chút", không nói toạc ra mọi sự, mọi ý nghĩa. Chỗ trống này là sự chừa lại  cho sự bâng khuâng (ý thầm) cho bạn tri âm đây, những khoảng trống này đậm chất Thơ, nơi chất Thơ lan tỏa...nó còn có ý nghĩa Thơ là văn bản không liên tục, thơ có nhiều chỗ "lặng", "ẩn", cái "lặng" của Thơ chứa đầy cảm xúc và tư duy. Do đó Đọc Thơ theo kiểu nhâm nhi, nhấm nháp, thưởng thức một bữa tiệc tâm hồn để lòng ta cảm thấy sung mãn hạnh phúc thì mới thật là đáng đọc." / trích BẮC NINH THI THOẠI của Nguyễn Khôi/ In lần thứ 3, nxbVHDT- Hà Nội 4/2004, trang 207-208./  Và thế, lúc này, xin vâng nghe lời tâm tình anh Khôi, Đình Bảng, mở lòng nhâm nhi, nhấm nháp, thường thức bữa tiệc thơ: Cái đêm hè ấy ai ra tắm/ Đề cả bầu trời phải tắt trăng…

Nguyễn Nguyên Bảy,
Đò đưa phần thơ Nguyễn Khôi/ Sách thơ Vườn Năm Nhà, 2.

CHÉM GIÓ QUẦN HÙNG
Khúc 5.
nguyễn nguyên bảy
TRANH VẼ HAI CÕI ÂM DƯƠNG

Ai chẳng biết cõi âm là cõi chết, cõi u tối, cõi buồn đau, cõi của tiếng khóc, cõi của lúc đỉnh đêm trời không trăng sao. Ai chẳng biết cõi dương là cõi sống, cõi hoan lạc, cõi thịnh vượng, cõi của tiếng cười, cõi của lúc đỉnh ngày trời xanh mây nắng. Nhưng không phải ai cũng “thấu lý” cái lẽ giữa đỉnh đêm đen, âm thịnh nhất, một đốm sáng của bình minh đang hiện. . Và không phải ai cũng “nhận biết” cái sự chuyển dịch của lúc 12 giờ trưa, dương thịnh nhất, đời đang vênh vang nhất, đã có cái đốm của âm, của chiều đang sầm sập về. Tranh của Nguyễn Thanh Sơn biểu đạt được cái lẽ giao hòa và chuyển dịch của hai cõi âm dương đó.
Vũ khúc đêm về sáng, các cô gái Tây Nguyên, lắc lư vai, đung đưa mông, say đắm chuyển dịch tâm hồn từ âm-đêm vào dương-non-ngày. Ý tưởng đó chưa phải là tài tình. Tài tình ở chỗ vũ khúc hoan lạc của đời người, cõi dương, đâu thể kéo dài mãi, bởi cận kề ngay đó đã là cõi âm – Tượng nhà mồ, con quạ. Chuyển vận của vũ trụ là đêm đang rạng ngày, đối nghịch với chuyển vận của đời người, dương đã báo hiệu âm. Đây là một tác phẩm biểu đạt hoàn chỉnh nhất cái có thể gọi là tuyên ngôn, là bút pháp, là phong cách Nguyễn Thanh Sơn.
Lời Ru, Hồn Gỗ, sự tương phản âm dương lồ lộ trong bố cục và rực rỡ trong mầu sắc, người xem cảm như tác giả xếp đặt âm dương, tranh hình như lý trí. Nhưng thật may, đặc biệt ở Hồn Gỗ, cái quầng sáng đã ru vỗ nỗi đau của người đàn bà khóc người thân, rằng, sống chết ở đời là cái lẽ thường tình, không thể khóc thương mãi rồi hóa đá, bởi ngày đã rạng, con người ta dù đau khổ cách nào vẫn cần phải sống.
Không quá lời, nếu nói rằng tranh Nguyễn Thanh Sơn đã giao hòa được hai cõi âm dương. Nhưng vì sao Sơn lại chọn lựa hai cõi âm dương làm tư tưởng chủ đạo cho (gần như toàn bộ) các tác phẩm của mình? Phải chăng đó chính là nguyên mẫu Tây Nguyên, nơi cõi sống và cõi chết không có làn ranh rõ rệt, người chết như không hề chết, mà vẫn quanh quất đâu đây sống cùng người sống, không chỉ trong lòng mà ngay trong các hoạt động của đời thường. Từ cái lẽ đó, người sống và người chết hiện lên trong Giao Cảm xúc động, trong Dáng Núi rạng rỡ huy hoàng.
Thật hiếm họa sĩ cả một đời không múa cọ vẽ khỏa thân. Ngoài 16 tác phẩm bày triển lãm, xem thêm một số chưa bày, Sơn vẽ khỏa thân hơi nhiều, nhưng thật may, đây là “khỏa thân Tây Nguyên” – Khỏa thân thật nguyên như đời sống của các cô gái Tây Nguyên từ ngàn xưa và ngay cả hiện thời.
Từ các cô gái trinh nguyên Dáng Núi, Hoa Pơ Lang đến các bà mẹ Chiều, Rượu Cần, Xuống Phố… Nhận rằng: Phụ nữ Tây Nguyên vào tranh Sơn trang trọng quá, đẹp quá, khỏa thân mà như không khỏa thân, không có những chấm phá dành cho gợi dục thấp hèn.
Nhưng “Khỏa thân Tây Nguyên” của Sơn có cái gì đấy phảng phất “gái Huế”, “gái thị thành”. (Sơn tự giới thiệu: Sinh năm 1959. Gốc Huế. Sống ở Pleiku). Phải chăng một hình bóng người thương nào đó (tất nhiên không phải cô gái Tây Nguyên) còn luôn ám ảnh và tượng duyên trong nét cọ của Sơn mỗi khi Sơn vẽ “Khỏa thân Tây Nguyên”. Đường nét mượt quá, bố cục duyên quá.
Chợt nhớ tới các cô gái Haiiti trong tranh GôGanh. Sơn đã bao giờ yêu một thiếu nữ Tây Nguyên? Chưa. Lời đáp của Sơn đã lý giải phần nào cái chưa tới của mình.
Nhưng dù sao, “Khỏa thân Tây Nguyên” của Sơn cũng đã rất Sơn. Bảo rằng những tranh ấy gần đồ họa, gần với trang trí.
Đáp rằng: Thế giới Tây Nguyên chất là vậy, mà cũng vì vậy mới là Sơn. Khỏa thân Tây Nguyên của Sơn đạt được như Gỗ Say, thì quả thật, sống ở đời chưa một lần được uống rượu cần Tây Nguyên là chưa sống hết một đời. Gỗ say hay người say? Siêu thực. Nói rằng đây là tác phẩm nghệ thuật nhất trong các tác phẩm bày của Sơn mà không e quá lời. Tranh là tranh không thể là gì khác. Tranh đã ngân nga trong tâm hồn và tự nhiên rung ngâm như thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch.
Tranh Sơn không vẽ đủ cái hùng tráng của Tây Nguyên như các trường ca Đam San (cổ), Đất nước đứng lên(hiện đại, anh hùng Núp của Nguyên Ngọc) mà người xem đã thấy trong nhiều tranh của những họa sĩ khác. Nhưng lạ thay, cái chất hùng tráng đó vẫn như ẩn hiện trong tranh Sơn.
Không có lấy một mái nhà rộng, nhưng lại thấy mỗi nhà, mỗi kiến trúc đời sống trên lưng từng người đàn bà Tây Nguyên. Góc này của gùi (góc bếp hay nhà kho). Góc kia của con (địu trên lưng hoặc trước ngực), góc này của chồng và cũng là của mình (một nậm rượu, hay một nậm nước trong tay). Không nhiều các dân tộc trên thế giới này, đeo mang trên mình người phụ nữ cả một đời sống thường nhật. Tây Nguyên là vậy và Sơn đã vẽ được cái vậy. Tự nhiên và hồn.
Cuộc sống của Tây Nguyên là cuộc sống gần gũi giao hòa với thiên nhiên. Cõi sống và cõi chết (như đã nói ở trên) ranh giới thật mong manh. Nên, khi xem Vũ Khúc Nửa Đêm Về Sáng, cảm được cả tiếng chiêng cồng, cảm được cả tiếng gió ngàn, thật đậm. Chắc chắn, khi xem tranh Sơn, nếu người KTS được giao trách nhiệm thiết kế công trình cho Tây Nguyên, hẳn không thể thành công được, nếu những thiết kế đó, không giao hòa được cuộc sống dương với cuộc sống âm, cuộc sống của con người với thiên nhiên, trời đất…
Nhận rằng:Những tác phẩm Dáng Núi, Giao Cảm, Hồn Gỗ, Gỗ Say… Là những tác phẩm đạt tới sự Kiến trúc nhất trong Hội họa và Hội họa nhất trong Kiến trúc. Nói khác: Hội họa và kiến trúc đã hóa thân vào nhau, không ranh giới, chỉ còn cái hồn của mầu sắc và bố cục nói với người cảm thụ nó.
Nguyễn Thanh Sơn sẽ đi xa hay gần, không ai biết điều đó hơn Sơn, bởi Sơn đang đi trên đôi chân của mình. Mọi lời khích lệ với Sơn không thật cần, chê bai càng không thiết, bởi ngoài 30 tuổi, Sơn đã tự hiểu mình, tự đánh giá được mình. Chỉ muốn tặng Sơn một suy nghĩ: Giữa đêm, âm cực thịnh, nhưng nhìn thấy sự tất yếu của ban mai, phải ráng mà đi nhanh tới đó. Giữa ngày, dương cực thịnh, đừng vội bằng lòng, nếu biết rằng tất yếu trời sẽ về chiều, phải biết tùng tiệm và chậm chạp đi về chiều. Càng kéo dài khúc dương thịnh được bao nhiêu là càng cống hiến được cho đời nhiều tác phẩm và cuộc đời riêng càng nhiều ý nghĩa.
Viết 4-10-91,  Triển lãm tại Sài Gòn, trụ sở Hội Nhà Báo đường Lê Duẩn
Từ đó đến nay, không gặp lại, không được xem tranh Sơn. Nhớ bạn, đăng lại bài đã đăng trên Tạp chí Kiến Trúc và Đời sống, số tháng 10.1991. Ký tên EnEnBi.

2017. 4. 18. Nguyễn Nguyên Bảy.

/Mời xem tiếp Phần 3/
VANDANBNN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét